Mỹ Nhân Quạt Hợp Hoan

chương 249: gặp lại người quen

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Chương 249 : Gặp lại người quen

Đường bộ khó đi hơn dự đoán của Lâm Nhữ.

Có tặc cướp đường, còn có ăn trộm vặt trong khách xá. May mà nàng tương đối cẩn thận, sau khi xuống thuyền thì tìm tiệm cầm đồ để cầm mấy bộ xiêm áo tốt, mua hai bộ sơ sài của thôn dân, cất kĩ ngân phiếu và tiền vàng bên mình, bôi cho làn da đen nhẻm. Trong bọc quần áo chỉ có một xâu tiền, nàng mua mười mấy cái bánh lớn làm lương khô, cả đường đi chẳng nói mấy câu, làm bộ dạng như chưa thấy qua sự đời, tránh được bao nhiêu tai họa.

Người chung đường không ngừng thay đổi. Có người bị cướp giữa đường không còn tiền lộ phí chỉ có thể xuống xe ngựa, có người bị trộm đồ trong khách xá chỉ đành lưu lạc tha hương. Còn có người không hợp điều kiện tự nhiên nên bị bệnh. Cả đường đi chẳng còn mấy ai.

Dù cho cả đường bình an, xuống thuyền từ ngày hai mươi bảy tháng hai, sau khi đến được Trường An cũng là hai tháng sau rồi.

Câu hoài dật hứng tráng tứ phi. Dục thướng thanh thiên lãm minh nguyệt. (1)

(1) “Câu hoài dật hứng tráng tứ phi, Dục thướng thanh thiên lãm minh nguyệt”: Trích trong bài “Tuyên Châu Tạ Diễu lâu tiễn biệt hiệu thư thúc Vân” của Lý Bạch. Bản dịch của Nguyễn Phước Hậu: “Hùng tráng ý văn đầy hứng khởi. Muốn lên trời thẳm nắm trăng soi.”

Sự hùng vĩ khí phách, rộng lớn khoáng đạt, hăng hái dạt dào của thành Trường An quá xa vời, một thành Nhuận Châu nhỏ không thể nào bì nổi.

Cũng như vậy, Lâm Nhữ là gia chủ nhà họ Phương có tiếng có miếng trong thành Nhuận Châu, thì so với danh gia vọng tộc, hoàng thân quốc thích ở khắp thành Trường An chẳng khác gì như kiến hôi.

Thủ phủ của một nước đầy những danh sĩ phong lưu. Trên đường, tùy tiện cũng có thể thấy những bậc học giả và sĩ tử thông thái nho nhã, một bụng kinh luân. Tùy tiện có thể thấy trai lẫn gái ung dung cao quý, phong thái lịch thiệp. Tùy tiện có thể thấy đại môn sâm nghiêm, nô tỳ và nô bộc đều nghiêm túc với ngôn hành và cử chỉ, đeo đồ trang sức còn xa hoa hơn tiểu thư và công tử ở các nhà giàu trong thành Nhuận Châu.

Lúc nhà họ Phương chưa lụn bại, có lẽ còn có thể thoải mái một phen trong thành Trường An, ung dung kết giao, trước mắt nghèo rớt mồng tơi, không cho phép Lâm Nhữ được phung phí, chỉ có thể tính toán kĩ lưỡng, vì thế mỗi bước đi càng thêm khó khăn.

Tân hoàng đế lên ngôi năm ngoái, đổi niên hiệu là Bảo Lịch, tính tình xa xỉ hoang dâm, mê chơi đánh bóng, bỏ rơi quốc sự, đại thần hiếm khi yết kiến. Trong cung, hoạn quan Vương Thủ Trừng cùng quyền thần Lý Phùng Cát câu kết nắm quyền triều chính, bài xích kẻ đối lập. Những điều này, nhà họ Phương ở thành Nhuận Châu nơi xa có thể thản nhiên không để ý tới. Giờ đến dưới chân thiên tử, Lâm Nhữ có ý muốn đưa được quạt hợp hoan nhà họ Phương vào trong cung lại không thể không cân nhắc.

Cách dễ dàng nhất để đả động kẻ có thái độ làm người không đứng đắn chính là sử dụng tiền vàng lót đường.

Lâm Nhữ không mang theo nhiều tiền vàng bên người nên không thể dùng tiền vàng lót đường được, tận sâu trong lòng nàng cũng không muốn dùng đến cách này, vì việc ảnh hưởng đến quyền lợi của đối phương thì khó thành công.

Sau mấy phen hỏi thăm, Lâm Nhữ đến phủ đệ của phụ thân quý phi Quách thị là hữu uy vệ tướng quân Quách Nghĩa để đưa danh thiếp thăm hỏi.

Chỉ một thương hộ, nên không biết là do hữu uy vệ tướng quân chẳng xem ra gì, hay căn bản danh thiếp không đến được tay của ông, Lâm Nhữ đi liên tục bảy tám ngày, đứng chờ ngoài cổng phủ dưới cái nắng gay gắt, xe ngựa xình xịch, quý nhân ra vào, nhưng nàng không hề có cơ hội được triệu kiến.

Lâm Nhữ chuyển sang thăm hỏi tông chính tự khanh Lý Hậu.

Lý Hậu chịu tiếp kiến Lâm Nhữ, lúc mới gặp thì gương mặt Lý Hậu tràn đầy gió xuân, khen nàng là một người xuất chúng, nhưng không hứng thú gì với việc Lâm Nhữ giới thiệu về quạt hợp hoan, mà hứng trí bừng bừng khảo vấn cầm kì thi thư họa của nàng.

Từ khi Lâm Nhữ chào đời, điều trong tai nghe thấy trong mắt nhìn thấy đều là quạt hợp hoan. Ba tuổi học làm quạt, học làm quạt rồi học đến đạo kinh doanh. Nói đến phương diện quạt hợp hoan thì nàng thuộc như lòng bàn tay, bàn về đạo kinh doanh thì nói có lề lối, nhưng những thứ khác thì không biết gì, có muốn phụ họa thì vốn liếng cũng hạn hẹp.

Lý Hậu cực kì mất hứng, thẳng thắn rằng bề ngoài nàng như một người phong lưu, ai ngờ bên trong chỉ chứa rơm rạ, uổng cho bộ dạng tốt như thế. Lý Hậu chỉ gặp Lâm Nhữ một lần liền hạ lệnh không cho nàng vào phủ.

Lâm Nhữ lại đến thăm hỏi những người khác, không vấp phải trắc trở tiếp kiến thì sau khi gặp mặt cũng bị mắng là nông cạn. Không biết cầm kì thư họa đã đành, ngay cả làm thơ cũng không nốt. Cả Đại Đường này, có ai lại không biết ngâm mấy câu thơ.

Nàng đến kinh thành vào cuối tháng tư, dừng chân nửa tháng nhưng không có chút tiến triển gì.

Thời tiết càng ngày càng nóng, Lâm Nhữ vã mồ hôi như mưa, không nỡ dùng nhiều tiền nên trong phòng không có đá viên, oi bức như đặt mình vào lồng hấp. Trong thành Trường An cái gì cũng đắt, thấy lộ phí mang theo càng ngày càng ít, mà chuyện cần làm không hề có chút tiến triển, cộng thêm trên đường đi, rời nhà đã gần bốn tháng rồi, không biết hết thảy trong nhà được bình yên hay không, trong ngoài đều khốn khó. Thế nên, Lâm Nhữ ngã bệnh.

Cả người không thăng bằng, toàn thân mềm nhũn, chẳng nuốt được gì, uể oải mất tinh thần, thức trắng đêm không ngủ được, đừng nói là đi bộ, ngay cả việc nhấc cánh tay thôi cũng phải thở hổn hển rồi.

Lâm Nhữ cho tiểu nhị bạc để gã giúp nàng tìm đại phu. Đại phu nói chuyện rất thâm sâu, chứ không phải kiểu nói kết quả chẩn đoán thẳng thắn của Vương đại phu mà Lâm Nhữ đã quen. Đầu Lâm Nhữ đã muốn hôn mê rồi nghe vào càng mệt mỏi hơn nữa, gặng hỏi mấy lần mới hiểu rõ. Bản thân có muộn phiền ứ đọng trong ngũ tạng, huyết khí không đều, hơn nữa không quen điều kiện tự nhiên, không hợp khí hậu, tâm sự nặng nề, mệt mỏi quá độ… Vốn chỉ bệnh nhẹ lại dần dần nặng lên, nếu không điều chỉnh hợp lí, e là không thể gượng được.

Từ sau khi phụ thân nàng qua đời, liên tiếp phải chịu đả kích, cố gắng gượng chống đỡ, cuối cùng lại gieo mầm họa ngầm.

Tha hương xứ người, hoàn cảnh sơ sài, căn phòng xa lạ, không có người thân bên cạnh, khó chịu gấp bội. Lâm Nhữ cưỡng ép bản thân, không thèm nghĩ đến làm thế nào phá giải bế tắc trước mắt để đưa được quạt hợp hoan nhà họ Phương vào trong cung, không thèm nghĩ đến nhà ở thành Nhuận Châu có bình yên hay không, không thèm nghĩ đến nàng với Sùng Huy chẳng có hi vọng vào tương lai, không thèm nghĩ đến nàng với Cẩm Phong giờ đã âm dương cách biệt. Nàng buông bỏ tất cả, chuyên tâm dưỡng bệnh.

Chỉ có còn sống, chỉ có sống sót mới có thể nhắc đến những chuyện đó.

Trước mắt chưa rơi vào cảnh cùng đường bí lối, không nhất thiết phải ép mình vào tuyệt lộ.

Dù có là cùng đường bí lối, cũng không phải là tuyệt lộ, có lẽ lại bước về phía trước sẽ là liễu rậm hoa thưa. (2)

(2) Lấy ý từ câu “Sơn cùng thủy tận nghi vô lộ, liễu ám hoa minh hựu nhất thôn.” trong bài “Du Sơn tây thôn” của Lục Du, ý nói, mắt nhìn thấy tình huống chẳng còn chút hi vọng thì đột nhiên xuất hiện chuyển biến và hi vọng.

Lâm Nhữ cắn răng, mỗi ngày chi năm xâu tiền mua đá viên để phòng được mát mẻ. Đồ ăn cũng không tiết kiệm, dùng các món canh tẩm bổ, thức ăn ngon lành. Mỗi lần tiểu nhị đến hầu hạ đều cho mấy mai tiền khen thưởng. Trong lòng nàng đọc quyển kinh thanh tịnh, không nghĩ đến gì cả, không suy tính gì cả, buông lỏng hết thảy.

Đoạt mạng với trời, cuối cùng sức người cũng thắng lại trời. Sức khỏe của Lâm Nhữ tốt hẳn lên.

Đại phu thán phục luôn miệng, nói rằng chưa thấy qua người bệnh nặng như vậy lại có thể hồi phục trong thời gian ngắn đến thế.

Mùng sáu tháng sáu, Lâm Nhữ xuống giường, tinh thần phấn chấn ra khỏi cửa.

Nàng chải chuốt một phen, phác giác ra bản thân chỉ vì cái lợi trước mắt, lui đến chỗ nhiều bậc bề trên, nhưng trong lòng chỉ có mục đích đến Trường An của bản thân chứ không nghĩ đến người khác, thất bại là chuyện hiển nhiên.

Nàng phải thay đổi, trước hết phải vào được cái vòng quyền quý trong thành Trường An rồi mới mưu tính những chuyện khác.

Lâm Nhữ bước xuống thang lầu, đại phu mấy ngày nay chữa bệnh cho nàng từ cửa đi vào. Lâm Nhữ mỉm cười chắp tay, ánh mắt lướt qua người phía sau đại phu, câu chào hỏi ngừng lại bên môi, ngạc nhiên trợn tròn mắt: “Lan Tôn, sao cô lại ở Trường An? Sao lại ăn mặc như vậy?”

Lan Tôn chít khăn vấn đầu màu đen, xiêm áo vải Lĩnh thêu địa hoàng giao chi, đây hẳn là phục sức của quan ngũ phẩm.

“Tôi vừa nghe đại phu nói một người bệnh sắp chết lại có thể khỏi hẳn trong nửa tháng, liền đoán là nhị lang. Ngoại trừ nhị lang, không ai có thể kiên cường đến thế.” Lan Tôn cười ha hả nói, con ngươi trong suốt, hàng mi vểnh cao, gò má trơn bóng. Lan Tôn kéo xiêm áo trên người, trừng mắt nhìn Lâm Nhữ: “Có phải nhị lang rất tò mò hay không? Chúng ta đến phòng của nhị lang rồi nói.”

Trông Lan Tôn thật sáng sủa lạc quan, khác biệt hoàn toàn với một người âm độc lạnh lùng, phẫn hận cuộc đời khi ở trong vườn trúc tía.

Lâm Nhữ ngạc nhiên trước sự thay đổi của Lan Tôn, Vào phòng, Lâm Nhữ không để ý đến việc châm trà đãi khách đã kéo Lan Tôn ngồi xuống, vội bảo: “Cô nói mau đi.”

Lan Tôn cũng không gấp, cười hì hì, đổi khách thành chủ, châm trà bưng cho Lâm Nhữ. Lan Tôn đợi Lâm Nhữ uống rồi bản thân mới nhàn nhạt nhấp một ngụm, chậm rãi nói về chuyện của mình.

Truyện convert hay : Đế Sư Đại Nhân, Ngươi Nương Tử Quá Độc

Truyện Chữ Hay