Mộng Đổi Đời

chương 13

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Sau khi rời khỏi trại giam, Uông Trường Xích đến bên bờ sông, tìm một đoạn sông khá vắng người và ngồi xuống một tảng đá. Mặt trời đang đổ lửa, nhanh chóng đốt nóng cơ thể cậu. Sau một vài động tác vận động tay chân, Uông Trường Xích nhảy ùm xuống nước, vừa bơi vừa cởi quần áo vò thật kỹ. Cảm thấy chúng đã sạch, cậu leo lên bờ, người trần trùng trục, vắt khô và phơi chúng lên tảng đá. Xong, cậu lại nhảy xuống nước, vò đầu, kỳ cọ thân thể. Nhờ có ánh nắng chiếu xuyên qua mặt nước nên Uông Trường Xích có thể nhìn thấy rõ ràng những bụi bặm trên người bị kỳ cọ rơi ra trôi lờ đờ trong nước sông. Đến khi cảm thấy mình đã sạch sẽ hoàn toàn, Uông Trường Xích mới trèo lên tảng đá nằm sưởi nắng. Thân thể vừa nóng lên, cậu lại nhảy ùm xuống sông ngâm mình trong nước, ngâm rồi phơi, phơi rồi ngâm đến mấy lần. Quần áo trên tảng đá sắp khô, cậu lật qua phía bên kia, hơi nước từ đó bốc lên nghi ngút. Lại ngâm rồi lại phơi một lát nữa thì quần áo đã khô hẳn. Ngồi bên bờ sông, cậu chờ cho mặt trời làm bốc hơi hoàn toàn những giọt nước còn bám trên cơ thể mới mặc quần áo vào. Đưa ống tay áo lên mũi hít hít, Uông Trường Xích nhận ra mùi thơm của nắng.

Khi Uông Trường Xích về đến phố Tiểu Hà thì Hoàng Quỳ không có mặt ở công ty, chỉ có một gã đàn em đang trực. Chờ đợi đến tối mịt, Hoàng Quỳ mới xuất hiện, dáng đi ngật ngà ngật ngưỡng, trên tay cầm một chiếc điện thoại di động to tướng, trông chẳng khác nào một viên gạch. Vỗ vỗ lên vai Uông Trường Xích, Hoàng Quỳ hỏi:

- Không có ai ăn hiếp hay coi thường cậu chứ?

- Lúc này tớ đã là một thằng từng ngồi tù, đã hoen ố rồi, cũng giống như đã là đàn bà thì không thể trở lại thời con gái được nữa, không cẩn thận thì ế chồng mất thôi.

- Cậu vẫn còn quan tâm đến danh dự à? – Hoàng Quỳ vừa hỏi vừa lôi ngăn kéo.

- Có lẽ nào nguời nghèo lại không cần danh dự sao?

- Tớ quan tâm đến điều đó. – Hoàng Quỳ vừa nói vừa lấy một chiếc phong bì ra khỏi ngăn kéo đưa cho Uông Trường Xích. Cậu cầm lấy, mở ra, đầu tiên là trông thấy bốn trăm đồng, tiếp theo là biên lai gửi tiền. Cậu liếc nhìn biên lai, hỏi:

- PA là công ty quái quỷ nào thế?

- Tớ cũng chả biết, là do bọn đàn em fhi trên biên lai khi đi gửi tiền.

- Cảm ơn cậu.

- Bước tiếp theo đã có dự định gì chưa?

- Trước tiên là về chỗ công trình cũ.

- Công việc ở chỗ tớ không thích hợp với cậu, việc ngồi tù thay cũng không phải là ngày nào cũng có. Nếu có ai đó muốn tìm người thế thân, tớ sẽ thông báo cho cậu.

Uông Trường Xích nói cảm ơn rồi xách hành lý bỏ đi. Đến công trường, mùi vị đầu tiên mà cậu ngửi thấy là mùi thối. Mùi thối này là do việc bị cắt nước điện lâu ngày gây ra. Con đường tiến vào công trường ngày trước vốn lầy lội bùn bây giờ đã khô, vết bánh xe và những ổ gà lồi lõm đã cứng, trên những chỗ đất trống, cỏ đã vươn cao, ruồi muỗi bay loạn xị. Khi Uông Trường Xích đi đến đó hãy còn mười mấy công nhân đang ngồi rải rác trên các bờ tường xây dở, trên các đống đá. Không biết do mặt trời làm lóa mắt hay do ngồi đợi quá lâu khiến trí óc trở nên chậm chạp mà tất cả mọi người nhìn mãi mới nhận ra Uông Trường Xích. Họ hỏi mười mấy ngày qua cậu ta đi đâu, Uông Trường Xích không trả lời. Mọi người vây đến, sờ nắn gói hành lý của Uông Trường Xích, cậu biết là họ tìm cái gì có thể ăn được, nhưng bên trong chỉ là mấy bộ quần áo, ngoài ra không còn gì. Họ sờ túi áo, túi quần Uông Trường Xích, cậu biết ngay là họ tìm tiền. May mà Uông Trường Xích đã tính trước được chuyện này nên trước khi đến đây, cậu đã nhét tiền vào túi trong chiếc quần lót. Không tìm được gì, mọi người thất vọng quay về chỗ ngồi cũ. Lưu Kiến Bình nói với giọng đầy trách móc.

- Khi mọi người quay lại đây, ai cũng mang theo vài củ khoai hoặc tệ hơn nữa thì cũng một túi đậu lạc. Cậu chẳng mang theo cái gì cả, quay lại đây làm gì?

- Mượn tiền.

Vừa nghe nói đến hai tiếng kiêng kỵ này, cả bọn đều đứng dậy, phủi đít tránh ra xa.

Thực ra mục đích quay trở về công trường của Uông Trường Xích là tìm chỗ ngủ. Ngủ vùi một đêm, sáng sớm hôm sau, Uông Trường Xích đến cái quán nhỏ ven lề đường ăn liền sáu chiếc bánh bao, lại còn thêm một bát canh trứng nấu cà chua. Ăn uống no nê, cậu lại về công trường ngủ tiếp. Uông Trường Xích nhận thấy một điều lặp đi lặp lại là, trước nửa tiếng đồng hồ đến giờ ăn cơm, những âm thanh náo nhiệt vang lên từ nhóm công nhân bên ngoài đột nhiên lặng ngắt, tuồng như trong vòng ba mươi phút ấy, họ từ những người quen biết biến thành người lạ. Thực ra là họ từng người từng người lặng lẽ bỏ đi. Họ đi đâu? Họ đi đến những quán bán bánh bao, bán miến, bán cơm và những quán bán thức ăn nhanh ở chung quanh công trường. Trước khi bước vào quán, ai ai cũng quay nhìn bốn phía vì sợ những người khác bám theo. Khi dạ dày đã chặt, cũng từng người từng người một quay lại, tiếp tục tụ tập nói chuyện phiếm, làm như chuyện lặng lẽ đi ăn chưa từng phát sinh. Uông Trường Xích cũng không ngoại lệ, cậu cũng cố gắng tránh mặt người khác, nhưng rồi đến đêm thứ ba, khi chân cậu bước qua khỏi cửa quán miến, Lưu Kiến Bình đột nhiên xuất hiện trước mắt. Lưu Kiến Bình nói:

- Uông Trường Xích, cậu là đứa không có sĩ diện, đem tiền giấu trong quần lót.

Uông Trường Xích liếc nhìn ra ngoài cửa, khi không nhìn thấy ai nữa mới gọi cho Lưu Kiến Bình một bát miến có thịt.

- Cậu kiếm tiền ở đâu thế? – Lưu Kiến Bình hỏi.

Uông Trường Xích không trả lời, cúi đầu lùa hết veo bát miến. Vốn muốn ăn thêm bát nữa nhưng có Lưu Kiến Bình bên cạnh nên đành phải nhịn.

- Vì sao anh không đi chỗ khác kiếm tiền? – Uông Trường Xích hỏi.

- Tớ làm ở đây một trăm năm mươi ngày, mặc rách ba bộ quần áo, hai đôi giày, thịt sút mất năm cân, lẽ nào lại ôm hận mà bỏ đi?

- Thế anh phải chờ đến lúc lương tâm của Hà Quý phục hồi trở lại vậy. Nhưng tôi không tin là hắn sẽ quay lại để phát tiền cho anh đâu.

- Rất nhiều công nhân đang làm đơn tố cáo, đơn kêu cứu, tớ tin là những cơ quan sẽ có cách giải quyết.

- Tôi đã từng đến cửa các cơ quan ấy. – Uông Trường Xích nói – Những cơ quan ấy vốn rất nhộn nhịp, bây giờ thì vắng hoe. Sau khi những công nhân phá phòng làm việc của Hà Quý bị bắt, mọi người đều đã sợ chết khiếp rồi nên chỉ biết im lặng, có người ngồi mòn đít ở dưới các gốc cây, chỉ biết nói với những nhân viên đi vào đi ra cơ quan bằng những lời hết sức nhẹ nhàng: “Có người ăn quỵt tiền lương của công nhân.” Nhưng bọn nhân viên chẳng lấy việc ấy làm lạ, chỉ có điều khi ra vào cơ quan hoặc đi lại trên đường, bước chân của họ nhanh hơn một tí, nếu đạp xe thì họ dùng sức nhấn bàn đạp mạnh hơn, hoặc khi chui vào xe hơi, họ đóng cửa nhanh hơn mà thôi. Nếu không có cấp trên về kiểm tra, trong huyện không có hội nghị quan trọng nào, bọn chúng vẫn cứ để công nhân ngồi ngoài đường đến khi chán thì về, đói thì chết thôi. Nước sông không phạm nước giếng mà. Tôi nghe người ta nói, đã từng có một vị lãnh đạo ra mặt giải quyết, nói đang điều tra việc này, sẽ có phương án giải quyết nhanh nhất, nhưng đã hơn hai mươi ngày rồi, tại sao cách giải quyết vẫn chưa có? Vấn đề phức tạp quá chăng? Hay là gặp phải những thế lực cản trở nào đó? Để lâu cứt trâu hóa bùn, thời gian càng lâu thì những công nhân gan lỳ nhất cũng phải bỏ cuộc thôi, ai không có tiền ăn thì lo mà bỏ đi, cuối cùng còn lại vài ba người, mọi việc không cần giải quyết có khác nào đã được giải quyết xong xuôi.

- Cậu đã tuyệt vọng như thế thì quay trở về đây làm gì?

- Bồi dưỡng sức lực.

Một tuần sau, Uông Trường Xích cảm thấy sức khỏe đã hồi phục, đã có thể tự mình nhấc bao xi măng lên vai. Ngay đêm ấy, cậu đến khối , tiểu khu Long Thằng, nhìn thấy đèn điện vẫn còn sáng ở hai bên khu nhà liền kề số , liền nhẹ nhàng tiến tới. Khi nhìn thấy ngôi nhà số , cậu dừng lại một lát, hít thật sâu rồi nhấn chuông. Khoảng một phút sau, bóng đèn trên cửa sắt lóe sáng nhưng lại tắt ngay. Uông Trường Xích tiếp tục nhấn chuông, nhấn liên tục. Cánh cửa sắt mở hé, một gã đàn ông trẻ mặc áo ngủ thò gương mặt ra, hỏi:

- Cậu tìm ai?

- Lâm Gia Bách!

- Cậu là…?

- Ngồi tù thay cho anh ta!

Gã đàn ông nhíu nhíu mày:

- Không có nhà!

Rồi đóng cửa.

Trong khoảng thời gian ngắn để cánh cửa khép kín lại ấy, Uông Trường Xích định đẩy tung cửa để lọt vào bên trong, nhưng có điều cánh cửa có dây xích buộc chặt nên không thể đẩy ra được. Cậu tiếp tục nhấn chuông nhưng trong nhà hầu như không có phản ứng gì. Cuối cùng Uông Trường Xích ngồi bệt xuống đất, mắt nhìn trừng trừng vào hai cánh cổng sắt như sợ chúng nó chạy mất.

Không đầy nửa tiếng đồng hồ sau, Hoàng Quỳ đã chạy đến cùng hai tên đàn em cắp nách Uông Trường Xích nhét vào xe Jeep áp tải về đến công ty Hoàn Cầu. Cửa xe mở, Uông Trường Xích bị lôi thẳng vào công ty. Hoàng Quỳ quát lớn:

- Cậu muốn tìm cái chết phải không?

- Công trình mà bọn tớ làm kiếm sống có phải là của Lâm Gia Bách?

- Thế thì đã sao?

- Hắn quỵt tiền ba tháng mồ hôi và máu của hơn một trăm công nhân. Cậu xem hắn có nên trả cho họ hay không?

- Đừng quên là chúng ta đã có giấy bảo đảm là phải giữ bí mật.

- Nhưng …- Uông Trường Xích lấy ra một tờ giấy – Tớ cũng đã ký hợp đồng.

Hoàng Quỳ cầm lấy tờ giấy, liếc qua rồi định xé. Uông Trường Xích chộp lấy nhưng cậu chỉ giật được một nửa tờ giấy. Cậu tiếp tục nhào tới định giật nốt nửa còn lại, Hoàng Quỳ xô cậu ra, nói:

- Chẳng qua là chín trăm đồng, tớ sẽ trả cho cậu, nhưng cậu phải bảo đảm là cút khỏi mắt của Lâm Gia Bách.

- Tớ đòi tiền lương của mình, cậu quan tâm chuyện thiên hạ làm gì?

- Cậu có chứng cứ nào để chứng minh là người ta nợ cậu không?

Uông Trường Xích giơ bản hợp đồng lên. Hoàng Quỳ nói:

- Cậu xem cho kỹ đi, trong đó có đóng dấu hay chữ ký nào không?

Uông Trường Xích nhìn lại tờ giấy, nhận ra rằng chỗ đứng dấu và ký tên nằm trong nửa tờ giấy trên tay Hoàng Quỳ. Cậu ta gí ngón tay vào sát mũi gã, hét lên:

- Cậu…cậu bồi thường cho tớ!

Hoàng Quỳ lấy chín trăm đồng đặt lên bàn, nói:

- Chỉ cần cậu viết một câu thôi là có thể cầm tiền rồi cút đi.

- Viết cái gì?

- Đảm bảo biến mất khỏi thành phố này!

- Đây là đất của họ Lâm à?

- Không phải, nhưng còn hơn là chủ đất.

- Thế thì tớ không cần tiền của cậu nữa.

- Cậu định làm gì?

- Tớ sẽ gọi toàn bộ công nhân đến nhà hắn đòi nợ.

Nói xong, Uông Trường Xích quay người bỏ đi thẳng. Hoàng Quỳ bảo hai tên đàn em lôi quay trở lại, mặc cho cậu giãy giụa, hai tên ấy vẫn ấn cậu ngồi xuống đất. Chờ cho đến khi Uông Trường Xích không giãy được nữa, Hoàng Quỳ mới lên tiếng:

- Cậu đã nhận của người ta tiền thế thân, lại còn đến quấy rầy nhà người ta, vậy cậu còn chút tự trọng nào không?

- Tớ vẫn đang rất tự trọng đây. Nhưng nói đến lòng tự trọng thì mọi người cùng nói với nhau, không phải chỉ mình tớ nói.

- Cậu cầm tiền lương đi đi.

- Không viết giấy đảm bảo nữa à?

- Hắn không nợ tiền lương của cậu, cứ cho là hắn tự trọng đi. Hắn đã tự trọng thì cậu cũng phải tự trọng thôi.

- Thế còn nợ người khác thì sao?

- Cậu quan tâm được hết tất cả sao?

Uông Trường Xích im lặng. Trong đầu cậu bỗng xuất hiện hình ảnh Uông Hòe và Lưu Song Cúc, kể cả hình ảnh căn nhà rách nát. Nói thật lòng, Uông Trường Xích cũng muốn chộp ngay chín trăm đồng trên bàn kia, nhưng trong lòng vẫn còn tức, nói:

- Dựa vào cái gì mà hắn không chịu trả lương cho công nhân?

- Vì bố hắn là Lâm Cương!

Uông Trường Xích do dự. Cậu biết mình không thể đấu lại Lâm Gia Bách, cũng không quan tâm được người khác. Cậu đang túng quẫn. Và, tay cậu vươn về phía mấy tờ giấy bạc. Hoàng Quỳ nói:

- Cầm được tiền trong tay rồi thì phải biến mất, nếu không, không ai có thể đảm bảo sự an toàn cho cậu đâu.

Bàn tay Uông Trường Xích đột nhiên co giật như đụng phải lửa, rút lại một cách vô thức.

Đêm đã khuya, Uông Trường Xích lần mò về đến công trường. Không có điện, toàn công trường tối đen như mực. Khi vừa bước qua cổng, Uông Trường Xích đã bị hai gã đàn ông chộp lấy, chân đá tay đấm. Uông Trường Xích vừa kêu cứu vừa chống đỡ, một trong hai gã đàn ông bị cậu đấm bốn năm cú trúng mũi, thậm chí còn nghe thấy âm thanh gãy vụn của sống mũi. Nhưng ngay sau đó, đầu Uông Trường Xích đã bị hai cú gậy đập vào, bụng bị chọc hai nhát dao nên sức lực hoàn toàn tiêu tan. Khi Lưu Kiến Bình và nhiều người khác từ trong lán chạy ra thì Uông Trường Xích đã nằm gục trong đống máu.

Lưu Kiến Bình gọi ngay cho cảnh sát. Cảnh sát đưa Uông Trường Xích đến bệnh viện. Nhờ được cảnh sát đưa tới nên Uông Trường Xích được đưa ngay vào phòng cấp cứu. Ngay đêm ấy, ông Vương, cảnh sát xã nhận được điện thoại từ phòng trực ban cảnh sát huyện đã đi suốt đêm về thôn Cốc Lý, đập thật lực lên cửa nhà Uông Hòe. Sáng sớm hôm sau, Uông Hòe nhờ chú Hai và Lưu Bách Điều khiêng ra quốc lộ và toàn thể nhà họ Uông, trong đó có cả Hạ Tiểu Văn lên xe khách đi thẳng đến huyện.

Tiếng khóc đã lay tỉnh Uông Trường Xích. Một tuần nay, bên tai cậu luôn luôn vang lên tiếng khóc, tiếng khóc lúc thì giống tiếng nước chảy, lúc thì giống như tiếng gió thổi, lúc như tiếng ve kêu…, như có như không, như thực như ảo. Đến ngày thứ bảy, Uông Trường Xích mới nghe được rõ ràng Lưu Song Cúc đang khóc. Cậu kêu được một tiếng “mẹ” rồi im bặt, nước mắt trào ra men theo gò má chảy xuống thái xương rồi lan dần xuống cổ. Hạ Tiểu Văn quay mặt đi, lặng lẽ lau nước mắt. Uông Hòe đã cố gắng nuốt nước mắt nhưng chúng vẫn cứ trào ra. Cả phòng bệnh chỉ còn mỗi một loại âm thanh là tiếng khóc. Khóc mệt thì uống nước, uống nước đủ rồi thì tiếp tục khóc. Ngoài việc khóc ra hình như cả ba người không biết phải dùng cách thức nào khác để biểu hiện tâm trạng. Ngoài việc khóc ra, họ cũng chỉ còn biết lau nước mắt cho nhau. Lưu Song Cúc lau nước mắt cho Uông Hòe, Uông Hòe giúp Lưu Song Cúc lau nước mắt, Uông Trường Xích lau nước mắt cho Uông Hòe, Hạ Tiểu Văn lau nước mắt cho Lưu Song Cúc, Lưu Song Cúc lại giúp Hạ Tiểu Văn… Nói chung là những ngón tay của họ trong thời gian ấy hầu như không bao giờ khô.

Lưu Song Cúc đẩy ghế lăn của Uông Hòe đến trụ sở công an tiểu khu Tiểu Hà, hỏi:

- Đã bắt được hung thủ chưa?

- Không phải là một cái chớp mắt, làm sao mà nhanh đến thế được. – Cảnh sát viên trả lời.

Uông Hòe và Lưu Song Cúc ngồi lỳ ở phòng trực ban, đến trưa, hết giờ làm việc, họ vẫn không chịu rời khỏi nơi ấy. Hết giờ làm việc buổi chiều, họ vẫn không chịu rời đi. Suốt cả ngày, họ chỉ ăn một bát miến. Cảnh sát viên nói:

- Lẽ nào các người xem chỗ này là khách sạn à?

- Chúng tôi không đủ sức để chi trả viện phí cho con, xin các người hãy bắt hung thủ nhanh lên. – Uông Hòe nói.

- Hung thủ là ai vẫn chưa tìm ra, bắt ai đây?

- Con tôi biết hung thủ là ai.

- Nó đã tỉnh chưa?

- Tỉnh mấy ngày rồi.

Trời sập tối, đèn đường đã bật lên nhưng họ vẫn ngồi trong phòng trực ban. Cảnh sát trực nói:

- Các người về đi, có tin tức gì chúng tôi sẽ thông báo.

- Không còn chỗ nào để đi, cho chúng tôi ngồi đợi ở đây. – Uông Hòe nói.

- Muốn đợi thì cứ ra bên ngoài mà đợi, tôi phải về rồi.

Lưu Song Cúc đẩy ghế Uông Hòe ra khỏi cửa, một tiếng “rầm” chát chúa vang lên từ phía sau họ. Đó là tiếng đóng cửa phòng trực ban.

Ngày hôm sau, hai viên cảnh sát đến phòng bệnh của Uông Trường Xích, một người họ Lục, một người họ Vi. Người họ Lục hỏi, người họ Vi ghi chép. Uông Trường Xích kể lại toàn bộ sự việc đã trải qua trong cái đêm bị đánh, còn nói thểm rằng, căn cứ vào góc độ và sức mạnh khi đè người cậu ra, cũng căn cứ vào mùi vị trên cơ thể bọn chúng có thể đoán ra, hung thủ chính là hai tên thủ hạ của Hoàng Quỳ. Sở dĩ biết được điều này là vì trước khi bị đánh hai tiếng đồng hồ, hai gã ấy đã từng đè cậu trong phòng làm việc của công ty Hoàn Cầu, ngay cả ngực, cánh tay, bắp đùi và mũi của cậu hãy còn lưu giữ những ấn tượng về bọn chúng. Cảnh sát khuyên Uông Trường Xích chớ vội kết luận. Uông Trường Xích nói:

- Tôi đã đấm vỡ mũi một trong hai thằng ấy. Các ông cứ thẩm tra hai thằng thủ hạ của Hoàng Quỳ, nếu một trong hai thằng ấy bị vỡ mũi thì mọi việc đã rõ như ban ngày.

Hai viên cảnh sát không tỏ thái độ gì, chỉ hỏi đi hỏi lại vấn đề Uông Trường Xích có gây thù kết oán gì với đám công nhân đang thất nghiệp kia không? Có mượn tiền của ai không? Có nẫng tay trên bạn gái của người nào đó không? Vừa hỏi, họ vừa nhìn chăm chú vào Hạ Tiểu Văn rồi hỏi:

- Cô từ đâu tới? Trước đây đã từng giao du với đàn ông chưa?

Những câu hỏi của hai viên cảnh sát còn vươn đến tận đâu đâu, vừa xa vừa rộng, thậm chí còn động đến cả Lưu Bách Điều, Vương Đông, Trương Tiểu Hoa, chú Hai, thậm chí là anh hai và chị dâu của Hạ Tiểu Văn. Uông Trường Xích nhận ra rằng họ đang cố ý lái hướng điều tra sang người khác, tránh né đề cập tới Hoàng quỳ nên không muốn nói gì thêm nữa.

- Nếu cậu không muốn trả lời thì vụ án này càng khó phá. – Cảnh sát Lục nói.

- Những gì cần nói tôi đã nói hết rồi, chỉ còn chưa nói tên của hung thủ ra mà thôi. – Uông Trường Xích nói.

Cảnh sát Lục đứng dậy, cảnh sát Vi gấp cuốn sổ ghi chép lại.

Uông Hòe và Lưu Song Cúc ngày nào cũng đến cố thủ tại trụ sở cảnh sát tiểu khu, hễ có bất kỳ một viên cảnh sát nào đi vào hoặc đi ra đều bị hai người đồng thanh lên tiếng hỏi đã bắt được hung thủ chưa. Câu hỏi của hai người trở thành quen thuộc chẳng khác nào những âm thanh hỗn tạp ngoài đường phố nên không hề gợi ra bất kỳ phản ứng nào của những viên cảnh sát, kể cả một cái nhíu mày, một chút động đậy trên da mặt, đừng nói là gật đầu. Những câu hỏi kiểu ấy họ đã nghe đến hàng nghìn lần, nghe quen rồi, đã biết phải tránh né như thế nào rồi. Chỉ khổ cho Uông Hòe và Lưu Song Cúc cứ ngóc đầu ngóc cổ lên mà chờ đợi, mà trông ngóng, mà hy vọng sẽ có câu trả lời. Đang lúc các cảnh sát ngồi trong trụ sở thảo luận về những vấn đề có liên quan đến các vụ án thì bên ngoài, Uông Hòe và Lưu Song Cúc đều nín thở, dỏng tai nghe ngóng. Những âm thanh lọt qua khe cửa sổ đóng kín bị vỡ vụn, nghe lúc được lúc mất nhưng cái nghe được thì chẳng có liên quan gì đến vụ án Uông Trường Xích. Hầu như họ chưa hề nghe thấy các cảnh sát viên thảo luận về vụ án này. Một buổi trưa, Uông Hòe túm chặt lấy quần của cảnh sát Lục, hỏi:

- Rốt cuộc thì đến bao giờ mới có thể phá án?

- Tạm thời chưa có chứng cứ gì cả.

Uông Hòe lăn từ trên ghế xuống, bò trên đất quỳ lạy.

- Ông lạy như thế liệu có thể lạy cho đến khi hung thủ xuất đầu lộ diện không?

Uông Hòe làm như không nghe thấy, cứ lạy, tiếng đập đầu xuống đất cộp cộp càng lúc càng mạnh hơn, mặt đất cũng rung rinh như bị đầu ông ta làm cho đau đớn. Cảnh sát Lục lôi chân ra khỏi đôi tay của Uông Hòe, trèo lên xe mô tô đi mất. Lưu Song Cúc định đỡ chồng dậy nhưng Uông Hòe hất tay vợ ra. Cứ thế, ông cứ bò trên đất, trông thấy ai cũng dập đầu lạy, vừa lạy vừa nói:

- Xin ông hãy giúp chúng tôi…

Trán Uông Hòe đã bê bết máu. Lưu Song Cúc dùng khan lau máu, hễ chạm vào đâu là cơ trên da mặt của Uông Hòe giật giật liên hồi.

Không còn cách nào khác, Uông Hòe cầm chiếc gậy trúc lên chỉ về phía phố Tiểu Hà. Lưu Song Cúc hiểu ý ông ta, đẩy ghế lăn đến công ty của Hoàng Quỳ. Hoàng Quỳ và cả hai tên thủ hạ đều đang có mặt ở đó, trong đó có một gã sống mũi bầm tím, đương nhiên là chỗ bầm tím ấy đã từng bị gãy xương và chảy máu. Uông Hòe nhìn thẳng vào mặt Hoàng Quỳ nói:

- Ra tay cả với bạn bè, tâm địa của mày chẳng khác gì lang sói.

Hoàng Quỳ không them đối đáp, nét mặt lạnh băng.

- Tại sao?

- Về hỏi nó.

- Nó đắc tội với mày à?

- So với đắc tội vẫn còn kém xa.

- Cho nên mày sai đàn em giết nó?

- Muốn giết thì liệu nó còn sống sao? Chỉ là một chút cảnh cáo.

- Trong mắt mày còn có pháp luật không?

- Có đấy! Trụ sở cảnh sát ở ngay đằng kia. Ông gọi họ đến để bắt tôi đi!

- Tao ỉa vào mặt mẹ mày. Nó đã đẻ ra cái thằng coi người khác như cỏ rơm như mày!

Trong cơn giận ngút trời, Uông Hòe giơ gậy lên đập thẳng vào mặt Hoàng Quỳ. Gã lạng người tránh đầu gậy. Chiếc gậy trúc cứ đập loạn xạ, nhưng vì dùng sức quá nhiều nên Uông Hòe bị lực quán tính lôi cả thân hình rời khỏi ghế, ngã song soài trên đất. Hoàng Quỳ chế giễu:

- Đừng làm ra vẻ đáng thương như thế, có bản lĩnh thì ông hãy đứng lên đi vài bước xem nào.

Lưu Song Cúc đỡ Uông Hòe lên ghế. Uông Hòe tức đến độ toàn thân run lẩy bẩy, căm hận đến độ lửa bên trong bốc lên đốt cháy gan ruột. Ông chống gậy, định đứng dậy nhưng đôi chân lại không thuận long người. Kể từ ngày bị thương, gân và cơ đôi chân của Uông Hòe đã teo dần, đùi và bắp chân gần như bằng nhau, bắp chân với cổ tay cũng chẳng khác nhau là mấy. Lúc này, cho dù muốn uống máu nhai sống đối phương, mồm ông cũng không thể há to lên được; cho dù muốn đánh đối phương, tay ông không thể vươn dài ra them được. Trong vòng mấy giây ngắn ngủi, cơn giận dữ phẫn uất trong lòng Uông Hòe nhanh chóng tiêu tan để thay vào đó là một nỗi bi thương, tuyệt vọng như một con dao sắc đang cắt ngang cuống họng. Hai tay Uông Hòe trở nên mềm nhũn, cái mông nặng nề rơi xuống ghế, lồng ngực lúc trồi lúc sụt, hơi thở nặng nhọc, ho khan. Hoàng Quỳ lại lên tiếng:

- Còn lại chút bản lĩnh ấy, tôi khuyên ông đừng có làm loạn nữa, ngoan ngoãn đưa Uông Trường Xích về nông thôn đi!

Uông Hòe ho khan một tiếng. Một bãi đờm đã có trong miệng. Dùng hết sức bình sinh, Uông Hòe nhổ bãi đờm thẳng vào mặt Hoàng Quỳ. Gã chửi đổng mấy tiếng. Lưu Song Cúc lao tới, định húc đầu thẳng vào ngực Hoàng Quỳ, chưa trúng mục tiêu thì đã bị hai tên thủ hạ của gã chộp lôi lại rồi hất vang ra cửa. Chưa kịp bò dậy, bà đã thấy chiếc ghế lăn từ trong nhà bay vèo ra trên không trung, vạch nên một hình vòng cung rồi rơi xuống trước mặt, vỡ nát thành một đống gỗ vụn, Uông Hòe nằm chỏng chơ trên đất. Những từ xấu xa nhất, ác độc nhất, nào là quân sát nhân, nào là đồ ma quỷ, nào là đồ chó đẻ, nào là không bằng súc sinh, nào là muôn nghìn mũi dao phanh xác…từ miệng Lưu Song Cúc tuôn ra, nhưng đụng phải cánh cửa sắt đã đóng kín, không vào được bên trong nên những âm thanh ấy lả tả rơi xuống phía bên ngoài.

Uông Hòe đưa tay chỉ về hướng cuối phố Tiểu Hà, Lưu Song Cúc cõng chồng đi về hướng ấy. Họ đi từ đầu phố sang cuối phố, rồi từ cuối phố quay trở lại đầu phố, chờ cho đến khi hai cảnh sát họ Lục và họ Vi đến, họ mới bước vào trụ sở. Uông Hòe nói:

- Hoàng Quỳ đã thừa nhận rồi, hai ông bắt nó giúp tôi.

Cảnh sát Vi cầm cuốn sổ ghi chép lên, mở ra, nói:

- Tôi đã thấm vấn Hoàng Quỳ, cậu ta không thừa nhận, cũng chẳng có chứng cứ nào.

- Thằng bị đánh vỡ sống mũi không phải là chứng cứ à?

- Chúng tôi cũng đã thẩm vấn thằng ấy rồi. Nó nói, sống mũi của nó bị thương trước khi Uông Trường Xích bị đánh. Thằng Xích thấy sống mũi của nó bị thương nên mới vin vào để đặt điều vu cáo.

- Tại sao thằng Xích lại phải vu cáo?

- Nó nói, vì thằng Xích sợ không bắt được hung thủ thì không có tiền trả viện phí. – Cảnh sát Lục nói.

- Đồ cứt chó! – Uông Hòe chửi đổng.

- Chúng còn nói là thằng Xích con ông bị mắc phải chứng bệnh hoang tưởng là bị bức hại. – Cảnh sát Lục nói tiếp.

- Thế thằng Xích bị đánh là thật hay không? – Uông Hòe chất vấn.

- Người vẫn còn đang nằm trong bệnh viện mà. – Cảnh sát Vi nói.

- Thế thằng Xích bị đâm hai nhát dao vào bụng là thật hay không? – Uông Hòe tiếp tục hỏi.

- Vết thương đã được khám nghiệm. – Cảnh sát Lục nói.

- Thế nó bị bức hại là thật hay bị bệnh hoang tưởng?

- Thật. – Cả hai viên cảnh sát đồng thanh nói.

- Tôi thề với trời đất rằng, thằng Xích không bao giờ đặt điều vu oan giá họa cho người lương thiện.

- Vấn đề là ở chỗ, chúng tôi không có chứng cứ nào để kết luận vết thương trên sống mũi của người ta là do bị Uông Trường Xích đánh. Lúc này có rất nhiều giả thuyết, chúng tôi rất khó phán đoán. – Cảnh sát Vi nói.

- Nhưng Hoàng Quỳ đã thừa nhận rồi.

- Ai làm chứng? Có ai ghi âm lại không? – Cảnh sát Lục nói.

- Ông thật biết nói đùa. Hạng người như chúng tôi mua được máy ghi âm không?

- Vả lại, nếu ông có ghi âm thì chưa chắc Hoàng Quỳ đã thừa nhận. – Cảnh sát Vi nói.

Uông Hòe chỉ Lưu Song Cúc nói:

- Bà ấy có thể làm chứng. Bà ấy vừa thấy hết, vừa nghe hết tất cả những gì Hoàng Quỳ nói và làm.

- Hai người là một nhà, xem như là có cùng chung lợi ích, không thể làm chứng cho nhau. – Cảnh sát Lục nói.

- Cuối cùng thì vụ án này có phá được không?

- Trước mắt chưa có cách nào phá được. – Cảnh sát Vi nói.

Cảnh sát Lục tiếp lời đồng nghiệp:

- Để chúng tôi tham khảo những vụ án khác, có thể gợi cho chúng tôi cách giải quyết nào về vụ án này không, còn phải nhờ cậy vào vận may của các người nữa.

Truyện Chữ Hay