“Kỳ Chính, Kỳ Chính!”
Tình hình có vẻ khó kiểm soát, sau khi thầy Điền Ba nâng Hạ Đằng dậy thì vội vàng đi cản, đáng tiếc giờ phút này, Kỳ Chính giống như một con dã thú, không nghe vào tai bất cứ âm thanh nào.
“Tôi hèn hạ? Lúc ông đánh mẹ tôi sao không nói ông hèn hạ?”
Kỳ Đàn tránh thoát, “Bây giờ tao đang giáo huấn mày!”
Kỳ Chính bóp chặt cổ Kỳ Đàn, trong ánh mắt không ngăn được lửa giận gần như muốn phun trào, gân xanh trên thái dương nổi rõ.
“Giáo huấn tôi? Kiếp sau cũng không tới lượt ông.”
Kỳ Đàn bị kích thích đến co rúm mặt mày, đẩy cậu ra, “Mày nói chuyện với tao thế hả?! Tao là bố mày!” (Nguyên văn “Lão tử” là bố mày khi tức, giận hay đùa vui)
Sắc mặt Kỳ Chính âm u khủng khiếp, đáp gằn từng câu từng chữ:
“Tôi là bố ông.”
…
Cục diện sau đó có lẽ là một ngày khó quên nhất của trường cấp Ba Nhất Trung ở huyện Chiêu.
Khi người ta rỗi rãi tám chuyện về nhà họ Kỳ dài ngắn ra sao, lại có thêm một tình tiết vô cùng xuất sắc khiến họ phải “Vỗ tay ca ngợi”.
Một đôi cha con điên cuồng xô xát nhau, ghế đẩu ghế dựa, bình hoa, phích nước nóng, ấm trà trong văn phòng, tất cả những thứ có thể ném thì đều ném vào người kia, phần lớn là ba Kỳ Chính đập Kỳ Chính, Kỳ Chính vung đấm gạt đi.
Hạ Đằng trừng mắt nhìn Kỳ Chính bị một chậu hoa đập trúng thái dương, tạo thành một vết thương sâu, máu lập tức chảy khắp nửa bên mặt.
Đánh từ văn phòng tới hành lang, các lớp học cả một tòa nhà đều chen chúc ở cửa sổ hóng chuyện, khí thế quá hung dữ, không ai dám tới khuyên can, tiếng gầm thét vang vọng cả tòa nhà lớp , tất cả đều là những lời thô tục của ba Kỳ Chính, muốn khó nghe bao nhiêu thì có khó nghe bấy nhiêu.
Lời thô tục và nhục mạ nói ra từ miệng người lớn luôn có sức đả kích gấp bội lần.
“Mày trách bố mày, nhiều năm như vậy mày còn trách bố mày!”
Kỳ Đàn hét gào khàn cả giọng, “Mẹ mày không muốn sống tao muốn sống! Mẹ mày điên tao không điên! Mẹ kiếp mày cùng họ với tao mà hận tao thế sao?! Mắt mày nhìn tao như muốn giết tao lắm hả! Đến đây! Giết tao đi!”
Ông ta chọc tới chỗ đau nhất của Kỳ Chính.
Kỳ Chính nổi cơn cuồng nộ, tức giận đến run rẩy, từ cổ họng phát ra một tiếng rống chèn ép đau đớn.
Cậu hung hăng đẩy Kỳ Đàn một cái.
Tình cảnh hoàn toàn mất khống chế.
Kỳ Đàn ngã lăn từ cầu thang xuống.
….
Là Tần Phàm và thầy Điền Ba đưa tới bệnh viện, cô Trương Huệ giúp thầy Điền Ba quản lớp học, văn phòng rơi vào cảnh bừa bãi lộn xộn, trông cứ như vừa bị bọn cướp lục soát. Chỉ còn lại mấy giáo viên hai mặt nhìn nhau.
Cô phụ trách Hàn hiếm khi không hé răng, dựa vào tường sững sờ, kính bị lệch, tóc tai rối loạn, bộ dáng có chút nhếch nhác.
Dường như hình ảnh gà bay chó sủa hỗn loạn không thể tưởng tượng ấy bị ấn nút tạm dừng, chỉ có Hạ Đằng động đậy, cô gom nhặt mảnh vỡ của chậu hoa dưới bàn làm việc của thầy Điền Ba vứt vào thùng rác.
Cô thu dọn sạch sẽ đồ của thầy Điền Ba, sau đó đặt chổi và mo về chỗ cũ, lúc ra khỏi văn phòng, đi ngang qua cô Hàn, cô do dự một lát rồi dừng lại.
Đó là lần đầu tiên cô dùng giọng điệu ấy nói chuyện với giáo viên, không thể nói được là vì sao.
“Kết quả ngày hôm nay, cô giáo có vừa lòng không?”
Cô Hàn lẩm bẩm nói: “Đây là vấn đề giữa học sinh và phụ huynh.”
Không đúng.
Hạ Đằng bỗng cảm thấy mệt mỏi chưa từng thấy.
Có lẽ vậy.
Bắt đầu từ ngày đó, Hạ Đằng không nhìn thấy Kỳ Chính.
Cẩn thận nghĩ lại, hình như là từ khi Kỳ Đàn ngã xuống cầu thang đã không thấy cậu, mọi người bị kích thích trước tình cảnh hỗn loạn, oanh tạc, đầu óc không chứa được thứ gì, không ai để ý Kỳ Chính đi đâu.
Sau khi thầy Điền Ba về lớp, kín miệng không nhắc tới chuyện ngày đó, chỉ dặn mọi người chăm chỉ học tập, nhà trường đã quy định giáo viên không được bàn luận chuyện ngày đó, nếu bắt được sẽ xử phạt.
Thế nhưng quản được giáo viên chứ không quản nổi học sinh, ngấm ngầm, tiếng bàn tán chưa bao giờ ngừng nghỉ.
Kỳ Chính có thể bị đình chỉ học hay không cũng là một trong những đề tài bàn tán.
Đây là lần đầu tiên mọi người dám bàn luận trắng trợn không kiêng dè gì về Kỳ Chính như thế, dù có lo lắng sợ hãi thì cũng không nhịn nổi ham muốn hóng chuyện, tuy cảm thấy hổ thẹn với lương tâm nhưng lại không nhịn được lắm miệng vài câu.
Dù sao cậu cũng không nghe thấy, nói mấy câu cũng có sao đâu.
Tin đồn về đại ca, ai chẳng muốn hóng vài câu.
Chẳng qua, cho dù học sinh mồm năm miệng mười, tranh luận như thế nào thì vị trí ấy cũng không ai ngồi.
Những người trước đây chăm chăm vào cô đã có mục tiêu tám nhảm mới, không có thời gian quan tâm tới cô, cuộc sống của Hạ Đằng vì vậy mà bình yên.
Người phụ trách bán đồng phục cuối cùng cũng “Tới đúng hạn”, cô mua được đồng phục mới, sách luyện tập sách ôn tập cũng mua đủ, không phải ngày nào tan học cũng đi chép đề nữa, bớt được rất nhiều phiền phức.
Cô dần dần hình thành một thói quen, mỗi ngày bước vào lớp sẽ nhìn bàn cuối đầu tiên.
Không rõ là chờ mong hay vì điều gì, cô đã quen bàn sau không ai ngồi, thậm chí cô đã có dự cảm trong lòng, cậu sẽ không đến nữa.
Về chuyện nhà Kỳ Chính, Hạ Đằng biết được qua bà Thẩm Phiền.
Không phải cô cố ý hỏi, chỉ vì… cô nhớ tới hình ảnh nửa bên mặt chảy đầy máu của Kỳ Chính, nhớ bộ dạng cậu rít gào chất vấn, nhớ bộ dạng cậu bị từng thứ từng đồ ném vào người… Họ chỉ nhìn thấy cậu đánh trả, cậu đẩy ba mình xuống cầu thang, lúc cậu nổi điên phát cuồng, không ai nhìn thấy nỗi tuyệt vọng trong đôi mắt cậu.
…
Năm ấy huyện Chiêu có một đội thanh niên thành phố xuống nông thôn khảo sát, trong đội ngũ có Kỳ Đàn, người trông chính trực hào hoa phong nhã, có cái “túi da” đẹp, mang vẻ u sầu trời sinh, khiến không ít trái tim thiếu nữ thầm xao xuyến tán dương.
Nhà họ Tô ở huyện Chiêu là hộ giàu có, được lãnh đạo huyện Chiêu nhờ hỗ trợ, phụ trách tiếp đãi khách khứa lần này. Nhà họ Tô có hai cô con gái, cô chị là Tô Trì đi học ở thành phố, cô em là Tô Hòa đang sống ở nhà, ngây thơ hồn nhiên, xinh xắn đáng yêu, tựa như bông cúc non mọc ở khe núi, được tưới tắm bởi ánh dương và hạt mưa tinh khiết nhất mà trưởng thành, cô là người như thế nào thì đẹp đẽ chính là như vậy.
Tình tiết ấy ví như hiện giờ chính là tiêu chuẩn của tình yêu nông thôn kiểu mới, trai thành thị u sầu, gái nông thôn ngây thơ, trở thành giai thoại tuyệt vời mà người người truyền lưu, ngân khúc ca tình yêu mừng vui và ưu sầu.
Nửa đầu câu chuyện quả thật là như thế, trai tài gái sắc, một đôi trời sinh, một ánh mắt đã quyết định đời này con tim chỉ rung động vì người kia, nhưng nhà họ Tô đã không đồng ý, chưa nói tới chuyện không môn đăng hộ đối, mà Tô Hòa còn chưa đến hai mươi tuổi, người nhà không nỡ.
Thật ra từ lúc Tô Hòa sinh ra, nhà họ Tô đã không tính đưa cô vào thành phố, chứ đừng nói tới chuyện gả xa, cô là con gái nhỏ nhất trong nhà, họ muốn cô vô lo vô nghĩ, cả đời sống vui vẻ thoải mái.
Vì thế mà Tô Hòa xích mích tới nhà họ Tô tới nghiêng trời lệch đất, tình yêu khiến con người ta mạnh mẽ, cũng khiến cho con người ta trở nên ích kỷ và mù quáng, cô nhìn trúng Kỳ Đàn, vào thời đại đó, “Không phải anh ấy thì không lấy chồng” còn được coi là một câu thề non hẹn biển.
Dùng tất cả mọi cách, chỉ thiếu nước lấy cái chết để bức bách, cuối cùng nhà họ Tô thỏa hiệp, đồng ý chuyện hôn nhân của hai người họ, nhưng có điều kiện, chỉ một, đó là không được rời khỏi huyện Chiêu.
Kỳ Đàn vì cô mà chọn ở lại.
Bà Thẩm Phiền nói, năm đó hôn lễ náo nhiệt nhiều ngày, rất long trọng, pháo đỏ khắp đường, tựa như nhà nào cũng có hỷ, cả huyện đều thấy hôn lễ ấy, chúc họ trăm năm hòa hợp, hạnh phúc dài lâu.
Theo lẽ thường thì câu chuyện tới đây là kết thúc, cuối cùng hai người không màng mọi trắc trở, cản ngăn mà đến bên nhau, bước vào lâu đài hạnh phúc, mặc dù quá trình gian nan nhưng cũng may kết quả là viên mãn.
Từ xưa tới nay, người ta đều thích cục diện ai ai cũng vui mừng, chính như câu nói đó, không ai quan tâm sau hôn nhân đầy những chuyện lông gà vỏ tỏi.
Thói hư tật xấu của Kỳ Đàn hiện rõ là từ sau khi sinh đứa con thứ hai, tiền của nhà họ Tô nuôi hắn ta thành con người đầy tật xấu, không làm việc, không nuôi gia đình, dù sao tiền cũng không xài hết, hắn ta ham thuốc lá rượu chè, bài bạc. Đánh bài cả ngày không về nhà, ở bên ngoài kết bè với đám du thủ du thực, ban đầu chỉ ở huyện Chiêu, sau đó lại lén đi các huyện thành xung quanh, mỗi lần biến mất là cả tuần.
Nghèo hèn có thể khiến người ta điên cuồng, bất ngờ phú quý cũng vậy.
Tài hoa của Kỳ Đàn bị tàn lụi, chẳng còn vẻ sầu muộn, hình tượng năm ấy hoàn toàn thay đổi, con người muốn trở nên tốt đẹp phải mất mười năm, nhưng muốn đồi bại lại chỉ cần có một ngày.
Ở bên ngoài Kỳ Đàn tiêu tiền như nước, thêm núi vàng núi bạc cũng không chống được kiểu tiêu pha như vậy, rất nhanh, Tô Hòa không che giấu được, sau khi nhà họ Tô biết chuyện thì kiên quyết yêu cầu cô ly hôn.
Tô Hòa không chịu.
Tô Hòa chưa trải sự đời đã làm bạn với Kỳ Đàn, cô bị nhà họ Tô che chở thành con người mang chủ nghĩa lý tưởng lãng mạn, cô trao tất cả tình yêu cho một người, nếu Kỳ Đàn tan thành mây khói thì thế giới tinh thần của cô sẽ sụp đổ.
Lần này, nhà họ Tô bất chấp, không ly hôn thì cũng đừng liên hệ với người nhà nữa. Tin tức đoạn tuyệt quan hệ vừa tung ra, năm đó truyền lưu rất ồn ào huyên náo.
Tô Hòa không đấu tranh, thậm chí cô còn cho rằng đó là hy sinh tất yếu vì tình yêu, cô tin Kỳ Đàn sẽ quay đầu lại một lần nữa, những suy sụp này đều chỉ là tạm thời.
Thế nên mới nói phụ nữ sợ nhất là gì, chính là sống trong quá khứ, tự đồng cảm, không nhận rõ hiện thực.
Cô bắt đầu cầu Kỳ Đàn về nhà, Kỳ Đàn không muốn, cô để người đi bắt hắn, Kỳ Đàn bị người ta cưỡng ép lôi từ chiếu bạc về nhà, mất hết mặt mũi, tối đó là lần đầu tiên Kỳ Đàn ra tay đánh người.
Có lần đầu tiên thì sẽ có vô số lần tiếp theo.
Kỳ Đàn say rượu, hút thuốc phiện, lúc về nhà đầu óc thường mơ mơ màng màng, chỉ có chút bất hòa là lại tay đấm chân đá Tô Hòa.
Ngày ấy, Kỳ Chính mười hai tuổi, em trai Kỳ Thành tám tuổi, ba mẹ đánh nhau ở ngoài, Kỳ Thành sẽ khóc, Kỳ Chính lấy chăn che em, rồi lại che tai mình.
Kỳ Thành thường rơi nước mắt nằm trong lòng ngực Kỳ Chính mà ngủ, Kỳ Chính luôn che tai cho em, khi nào bên ngoài yên lặng, cậu mới buông tay.
Ngày hôm sau, khi mặt trời chiếu sáng xuống mặt đất, bên ngoài là một đống hỗn loạn, Tô Hòa làm cơm sáng cho cậu, mặt mũi bầm dập.
Kỳ Chính hỏi mẹ tại sao không đánh trả, Tô Hòa nói, ông ấy là ba của con, là chồng của mẹ.
Kỳ Chính tức giận ném đồ, Tô Hòa sẽ ôm cậu gào khóc.
Rồi sau đó.
Tô Hòa không đưa được tiền nữa, Kỳ Đàn bảo cô mượn người nhà, Tô Hòa không đi, cô muốn dùng bần cùng để bức ép Kỳ Đàn cải tà quy chính, nhưng một con rệp đã thối nát thì chỉ biết bò về cống nước càng bẩn thủi hôi thối.
Kỳ Đàn bắt đầu vay mượn, vay khắp nơi, ít nhiều cũng vay.
Bản địa huyện Chiêu đều nể mặt nhà họ Tô mà không thúc giục tàn nhẫn, còn huyện thành lân cận hay xa hơn một chút thì không có “Lòng tốt” ấy.
Kỳ Đàn nợ mấy chục vạn, chạy trốn, chủ nợ không tìm được hắn, cuối cùng tìm tới cầu Tây Lương ở huyện Chiêu, tìm tới căn nhà ba tầng tráng lệ đó.
Tối hôm ấy Kỳ Chính không ở nhà, cậu bắt đầu bước chân vào thời kỳ phản nghịch, bắt đầu đêm không về nhà ngủ.
Sân bị chúng giẫm đông đạp tây, trong nhà chỉ có Tô Hòa và Kỳ Thành.
Kỳ Thành sợ hãi, nhân lúc hỗn loạn chạy ra ngoài, muốn tìm đồn công an báo cảnh sát, trời mưa to, lại tối mịt mù, khi đó bờ sông Tây Lương không có hàng rào bảo vệ, không có đèn đường, Kỳ Thành bị trượt chân, rơi xuống con sông chảy xiết, chỉ còn lại một chiếc giày trên bờ.
Hai ngày sau, Tô Hòa nhảy sông tự tử, trong tay ôm chiếc giày ấy.
Không ai biết, đêm đó đã xảy ra chuyện gì với Tô Hòa.
Kỳ Đàn vẫn chẳng thấy tăm hơi.
Rồi, hai di thể đều được vớt lên, con người từng cười từng khóc, từng sống sờ sờ nay lại không còn hô hấp, nhắm mắt lại, nằm trên mặt đất để cậu nhận mặt.
Một người là mẹ cậu, một người là em trai cậu.
Năm ấy, Kỳ Chính mười ba tuổi.
Mất đi người thân yêu nhất, từ đây trong cuộc sống lại thêm một đám “Kẻ vô công dồi nghề” bình chân như vại, mồm năm miệng mười.
Trong những năm tháng cậu trưởng thành, lời đồn đãi chưa giây phút nào buông tha cậu.
…
Nhà họ Tô không cần Kỳ Chính, Kỳ Chính cũng chẳng theo.
Cậu chẳng theo kẻ nào.
Cả ngày lượn lờ trên phố, có bữa no có bữa đói, quần áo rách tả tơi, tóm được nam sinh nào thì lại cướp thuốc của nó, chỗ nào cũng có thể tùy tiện tạm bợ qua đêm, quảng trường cũng phân chia bang phái, cũng có quy củ, cậu chẳng quan tâm, muốn ngủ đâu thì ngủ, thích ở đâu thì ở, ai nhìn cậu không thuận mắt, cậu sẽ đánh nó, đánh tới khi chúng phục cậu thì thôi.
Mới đầu không phải lúc nào cậu cũng thắng, nhưng đánh nhiều thì số lần thua càng ngày càng ít, cậu chẳng quan tâm quy củ, cậu chính là quy củ.
Đó là những năm tháng kinh hoảng nhất của Kỳ Chính, cậu thích đánh xong ngồi dựa góc tường nhìn người qua đường đi đi lại lại, ai liếc nhìn cậu nhiều một cái, cậu sẽ gào lên với người ta, giây tiếp theo dường như có thể sẽ nhào lên cắn người. Dần dần, mọi người đều biết đầu đường ở huyện Chiêu có con “Chó hoang” cực kỳ hung dữ, không được nhìn ngó, cũng không được chọc vào.
Tiếng tăm của Kỳ Chính vang xa, không cha không mẹ không giáo dưỡng, có thể tránh thì sẽ tránh.
Mãi tới khi chị gái của Tô Hòa là Tô Trì trở về mới nhặt cậu ra từ đống rác trên đường, kiên quyết nhét vào trường học. Hơn mười tuổi, không đi học sao được? Mới đầu Kỳ Chính vô cùng chống đối, chuyện lớn chuyện nhỏ náo loạn không dứt, Tô Trì dùng mọi biện pháp cậu mới dần dần yên ổn.
Nhà ở Tây Lương nhà họ Tô không cần, bỏ lại cho Kỳ Chính, Kỳ Chính chỉ thi thoảng trở về lúc đêm khuya.
Kỳ Đàn cai bài bạc, nhưng rượu chè thành nghiện, không thể cai.
Ông tìm nhà xưởng đi làm, ngày thường ngủ tạm luôn ở nhà xưởng, ngày nghỉ sẽ về Tây Lương.
Ông ta không có tiền, không chỗ để về, chỉ có thể mặt dày về Tây Lương.
Không chạm mặt Kỳ Chính thì thôi, cứ hễ chạm mặt thì lại không tránh được một trận gió tanh mưa máu.
Luôn là nửa đêm, quyền cước gặp nhau, không ngừng không nghỉ.
Dần dà, căn nhà ba tầng ở Tây Lương đó trở thành nơi kiêng dè nhất, mọi người đều tránh xa mà đi.
Nhìn từ xa nó giống như nhà tù, toát ra không khí ẩm mốc âm u, chỉ cần đến gần là sẽ bị ám.
Chết chóc, suy đồi, chẳng có chút sức sống nào.
Thật đáng tiếc.
Nhớ năm ấy, sắc đỏ mười dặm, nam cưới nữ gả, người Tây Lương nhìn thấy cô dâu chú rể đẹp đẽ như tiên, ai ai cũng chúc mừng.
Con ma men thích đánh bài ấy từng là một vị người thành phố anh tuấn nhất trong đội ngũ xuống nông thôn, là cây văn nghệ tài văn chương, không biết đã trộm được bao nhiêu trái tim thiếu nữ.
Người phụ nữ điên cuồng nhảy sông ấy, là con gái út của nhà họ Tô ở phía Tây, họ dùng tất cả để che chở cô, chỉ hy vọng cô vô lo vô nghĩ, cả đời sống vui vẻ thoải mái.
Ai ngờ rằng, hôm nay, người nào nghe thấy cũng xót xa than thở, chỉ có thể nói một câu “Chuyện đời luôn luôn biến hóa” đối với đoạn đời đau thương đã qua.
Số mệnh mà thôi.