Hải ngọng không nuốt trôi trò này, liền tiện tay vung cú đấm, Nhị Học Sinh lập tức bổ ngửa ra đất ngất xỉu.
Tư Mã Khôi thầm thấy lạ, nếu suy đoán theo dấu chân thì Nhị Học Sinh bò ra từ dưới lòng đất, nhưng sao vừa mở mắt nhìn thấy gian thạch thất, hắn lại hoảng sợ đến vậy?
Cao Tư Dương không đồng tình với Hải ngọng, cô trách móc: “Sao anh chưa hỏi đầu cua tai nheo đã đánh hắn ngất xỉu thế?”
Hải ngọng nói: “Thằng này có lá gan chuột nhắt, tự hắn sợ quá ngất đi đấy chứ, mà hắn chết thì kệ hắn, có điều nếu để hắn chết thì chuyến đi này của chúng ta toi công à?”
Tư Mã Khôi gật đầu bào: “Chí phải!”, bây giờ định thần ngẫm kỹ lại mới thấy thứ bị tấm bia đá Bái Xà nhốt trong động có thể khống chế việc khép mở của kẽ hở thời gian, nhưng nó không thể thay đổi được chiều thời gian, những sự việc đã xảy ra nghĩa là đã xảy ra, không thể bắt chúng xuất hiện lại được. Giả sử độ rộng của kẽ hở thời gian là một giây, thì nó chỉ có khả năng kéo dài vô tận khoảng thời gian một giây trong kẽ hở mà thôi, khi ấy đội khảo cổ sẽ phải trở về điểm xuất phát và lại gặp Nhị Học Sinh. Hai lần đầu tuy cùng là thời gian một giây, nhưng khoảng cách lần thứ hai gần thời gian một giây hơn lần một, lần thứ ba lại càng gần hơn chút nữa, những lần sau có khi sẽ càng tiệm cận vô hạn hơn, nhưng trong kẽ hở không hề có lối ra, nên họ sẽ vĩnh viễn không thể đến được thời điểm một giây đích thực. Mỗi vòng tuần hoàn mà đội khảo cổ trải qua, trên thực tế là việc động đạo không ngừng trở về trạng thái ban đầu, mà bản chất của trở về trạng thái ban đầu và tuần hoàn thì hoàn toàn khác nhau. Việc trở về trạng thái ban đầu tương tự với khái niệm “tái sinh”, một Nhị Học Sinh chết đi sẽ xuất hiện một Nhị Học Sinh khác theo sự trở về trạng thái ban đầu của động đạo. Đáp án của bí mật này rất có khả năng đang nằm trong gian thạch thất dưới kia, tuy ở đó ẩn giấu vô số nguy hiểm, nhưng đã đến nước này thì cả hội buộc phải xuống đó một chuyến xem sao.
Thắng Hương Lân tán đồng với phán đoán của Tư Mã Khôi, nhưng phản ứng của Nhị Học Sinh khi nhìn thấy cửa động lại vô cùng quái đản, thứ trong gian thạch thất hẳn không phải tầm thường, có lẽ bốn người nên chia ra thành hai nhóm để hành động sẽ ổn thỏa hơn.
Tư Mã Khôi bảo Hải ngọng và Cao Tư Dương một nhóm, ở lại cửa động tiếp ứng, đồng thời trông chừng Nhị Học Sinh, còn anh và Thắng Hương Lân xuống thăm dò tình hình dưới thạch thất, tuy chỉ còn hai cây đuốc, nhưng giờ đành phải thắp sáng một cây, để tránh trường hợp khí độc tồn tại ở dưới gây chết người.
Cao Tư Dương thấy vết thương trên người Thắng Hương Lân vẫn chưa khép miệng, nên tự nguyên thay cô cùng Tư Mã Khôi xuống dưới, nói xong cô nhanh chóng bỏ ba lô ra để lại, rồi cầm lấy đuốc đi theo Tư Mã Khôi.Tư Mã Khôi thấy cũng hợp lý. Để dễ bề hành động, anh đổi vũ khí cho Thắng Hương Lân, sau đó ôm khẩu Walther P, rồi cùng Cao Tư Dương tụt xuống vách đá dựng đứng, vào trong gian thạch thất.
Gian mật thất dưới động đạo khá chật chội và bức bối, chắc rộng chưa đầy hai chục mét vuông, xung quanh là bốn vách đá khắc đầy hình vẽ, hai đầu có cánh cửa đá đã bị đổ sụp, vào trong này có cảm giác tựa như chui vào trong một cỗ quách đá khổng lồ, may mà không khí lưu thông tốt, không hề thấy bí bách, ngột ngạt.
Hai người thò đuốc vào trước, nhờ ánh sáng lúc mờ lúc tỏ, họ nhìn thấy phần lớn các bức phù điêu trên vách vẽ hình đầu thần mặt quỷ, dưới chân có tô tem rắn quấn quanh, đây là những thần thị cổ xưa đến nay đã bị người đời lãng quên, có hình hao hao giống cá, có hình lại hao giống chim, có hình lại nửa người nửa thú, tất cả đều được bảo tồn ở trạng thái nguyên thủy nhất, có điều trong lòng đất âm u, trông chúng hiện lên vẻ vô cùng quái dị.
Cao Tư Dương thấy xung quanh không có vật gì khác, bốn bức tường bám đầy bụi bặm, cánh cửa đá đổ sụp đã chặn đứng lối ra, có lẽ hàng ngàn năm nay chưa hề có người bước vào đây, thì trong lòng không khỏi cảm thấy kỳ lạ, cô định nói với Tư Mã Khôi, khả năng không phải Nhị Học Sinh bò ra từ gian thạch thất này, nhưng chợt thấy Tư Mã Khôi bất thần nhìn xuống mặt đất một cách chăm chú, cô không nhịn được bèn cất tiếng hỏi: “Anh phát hiện ra điều gì sao?”
Tư Mã Khôi nghe Cao Tư Dương hỏi, giật mình quay lại, chỉ xuống chân mình, chậm rãi nói: “Đây là ký hiệu của Nấm mồ xanh”.
Tư Mã Khôi và Hải ngọng từng nhìn thấy chiếc máy bay tiêm kích vận tải chở bom địa chấn dưới đáy khe núi Dã Nhân ở Miến Điện. Nó là vật sở hữu của tổ chức ngầm do Nấm mồ xanh khống chế, chúng âm mưu định dùng chất độc màu da cam chứa trong bom địa chấn để phá hủy thảm thực vật khổng lồ sinh trưởng dưới đáy cốc, giúp đội thám hiểm dễ dàng xâm nhập thành Nhện Vàng của quốc vương Chăm Pa. Trên thân chiếc máy bay tiêm kích vận tải đó khắc ký hiệu hình con quái xà đang vươn đầu thè lưỡi, đây chính là ký hiệu của tổ chức Nấm mồ xanh, lúc này, nhìn thấy hình vẽ trên mặt đất trong gian thạch thất, từng hình ảnh đã trải qua trong đáy cốc rừng rậm như lần lượt hiện ra trước mắt anh.
Trước đây, Tư Mã Khôi từng đoán già đoán non không biết bao nhiêu lần về mối quan hệ giữa Nấm mồ xanh với người Bái Xà cổ đại, nhưng từ đầu chí cuối anh không hề lần ra bất cứ manh mối gì, ký hiệu của tổ chức Nấm mồ xanh là con quái xà, người Bái Xà cổ đại cũng tôn rắn làm thần, có điều hai loại rắn này hoàn toàn không giống nhau, ký hiệu cùa Nấm mồ xanh là con rắn toàn thân cuộn lại, vươn đầu thè lưỡi, nom rất tà ác, độc địa, còn tô tem mà người Bái Xà cổ đại sùng bái là thần Vũ Xà, đó là một hình tượng hư vô, nó giống như hình ảnh vòng tròn tượng trưng cho thủy thể ở ° vĩ Bắc dưới lòng đất đã được người cổ đại thần thánh hóa. Trong các di tích của người Bái Xà, anh cũng chưa từng nhìn thấy tô tem hình rắn giống như ký hiệu của tổ chức Nấm mồ xanh, còn về chuyện Nấm mồ xanh biết được hệ ngôn ngữ của người Bái Xà cổ đại và nắm được bí mật về tấm bia đá rõ ràng như trong lòng bàn tay, thì có khả năng là hắn đã biết được từ một thông tin đặc biệt nào đó.
Gian thạch thất nằm sâu nơi tận cùng địa mạch là nơi hàng ngàn năm nay không ai vào được, vậy mà nó lại tồn tại một tô tem hình rắn giống như ký hiệu của tổ chức Nấm mồ xanh, sự thật không thể chối cãi này chỉ có thể chứng minh – Nấm mồ xanh có mối quan hệ vô cùng sâu sắc với tổ tiên của người Bái Xà, có lẽ nó sâu xa đến mức không thể truy được ngọn nguồn, ngay cả quốc vương Chăm Pa đã chết hàng ngàn năm trước, cũng không thể có mối quan hệ với người Bái Xà sâu xa đến thế, Tư Mã Khôi thực sự không thể tưởng tượng trong những người mình từng gặp mặt trong quá khứ lại tồn tại một nhân vật bí hiểm dường vậy.
Cao Tư Dương không hiểu vì sao Tư Mã Khôi lại ngạc nhiên đến thế, cô thấy trong thạch thất không có hiện tượng gì khác thường, liền gọi Thắng Hương Lân và Hải ngọng leo xuống.
Hải ngọng khoác khẩu súng săn trên lưng, một tay kẹp Nhị Học Sinh, theo chân Thắng Hương Lân vào thạch thất, vừa nhìn thấy hình vẽ rắn trên mặt đất, anh cũng ngạc nhiên không kém Tư Mã Khôi.
Hải ngọng quẳng Nhị Học Sinh xuống đất, hốt hoảng nói: “Đây chẳng phải ký hiệu của Nấm mồ xanh sao? Xem ra, tên quái thai không bao giờ dám lộ diện là nghiệt chủng còn lưu lại hậu thế của tộc người Bái Xà, lẽ nào nó hiểu bí mật khắc trên tấm bia đá?”
Thắng Hương Lân nghĩ một lát, rồi nói: “Chỉ sợ mọi việc không đơn giản như thế, người Bái Xà có thể hiểu được bí mật khắc trên bia đá, thứ đang bị tấm bia đá chặn trong động kia cũng hiểu được bí mật đó, nếu không tấm bia đá chẳng thể nhốt nổi nó trong động đạo, bởi vậy Nấm mồ xanh chưa chắc đã thuộc nhánh tộc Bái Xà còn sót lại.”
Tư Mã Khôi nghe Thắng Hương Lân nói vậy, liền đột nhiên nhớ tới lúc phát hiện thấy đỉnh đồng đen Vũ Vương ở bồn địa Turpan dưới lòng đất Lopnor, nghe một thành viên của đội khảo sát liên hợp từng nói rằng, theo như ghi chép thời tiền sử, tiên vương cổ thánh tăng cảnh cáo hậu thế không được khai quật kho báu chôn dưới lòng đất, bởi vì ở đó ẩn nấp “kẻ địch cổ đại”, sinh vật nằm trong động mà người Bái Xà dùng tấm bia đá chặn lại phải chăng chính là “kẻ địch cổ đại” đó? Đương nhiên, tên gọi này cũng có thể ám chỉ dãy số khắc trên tấm bia, nhưng bất kể nói thế nào thì dùng danh xưng ấy để hình dung về con quái vật trong động nghe có vẻ rất thỏa đáng, nếu Nấm mồ xanh không phải hậu duệ của người Bái Xà, thì chắc chắn hắn phải liên quan đến “kẻ địch cổ đại”, có điều Triệu Lão Biệt từng nói Tư Mã Khôi đã nhìn thấy mặt kẻ đó, đây chính là nút thắt mà anh không thể nào tháo gỡ nổi.
Hải ngọng nói, dòng biển nóng dưới lòng đất mà dâng lên, thì ngay cả La Hán mình đồng da sắt cũng không chịu nổi nhiệt, nếu Nấm mồ xanh quả thực là người sống, thì với thân xác máu thịt bình thường chắc đã tan tành mây khói từ lâu rồi, làm gì có chuyện còn sống sót tới tận bây giờ.
Tư Mã Khôi thẫm nghĩ, không hiểu thứ nấp đàng sau tấm bia đá là sinh vật gì, hơn nữa đến lúc này anh cũng chưa có cách nào biết được Nấm mồ xanh là ai, trước mắt phải xem xem Nhị Học Sinh mọc từ đâu ra, có điều bụi trong thạch thất bám một lớp rất dày, không giống thường xuyên có người ra vào nơi này, anh không hiểu tại sao lại vậy, nên đành giơ cao đuốc quan sát tỉ mỉ từng hình vẽ trên các bức phù điêu khắc trên vách đá trước xem sao.
Trong phòng không hề khắc chữ triện cổ Bái Xà. Qua các bức phù điêu với nội dung ly kỳ và quái đản, mọi người cũng có thể suy đoán xung quanh động đạo này có rất nhiều gian thạch thất tương tự như vậy, bởi người Bái Xà là tộc sùng bái lưỡng thần, một mặt tôn sùng thần Vũ Xà nắm giữ luân hồi của vạn vật; mặt khác lại vô cùng kính sợ và ra sức tế lễ dị thần, mãi đến khi họ dùng tấm bia đá nhốt được vị thần quái dị đó trong động đạo thì mới ngưng nghi thức tế lễ. Vì trước đây phải thường xuyên vào trong này tế lễ dị thần, nên phần lớn các gian thạch thất ở gần động đạo được đào thông với di chỉ của miếu thần ngày trước, gian thạch thất này chỉ là một trong số đó. Lúc người Bái Xà đặt tấm bia đá, họ đã xóa sạch toàn bộ mọi hình ảnh liên quan đến vị dị thần trên các bức phù điêu, ngay cả danh xưng cũng không lưu lại. Trực quan nhất chính là bốn bức phù điêu tuần hoàn thành hình tròn trên tấm bia, phần đỉnh có con rắn bay mọc cánh chim trên lưng, đó chính là thần Vũ Xà đứng trên tất thảy vạn vật, phía dưới chân là hình người cổ đại đứng xếp hàng trông sống động như thật, hai bên toàn những hình vẽ ma quái, phần chính giữa thì đã bị người xưa cạo mất.
Bốn người thầm kinh ngạc, thần thánh là thứ mà không thể gọi là có hay không, dẫu có thật thì người trần mắt thịt cũng chẳng thể nào nhìn thấy, chỉ có quỷ mới biết thứ bị tấm bia đá chặn lại rốt cuộc là loại quái vật gì. Cả hội xem tiếp thì thấy phía chân bức phù điêu khắc thần đạo và cung điện, trong bức tranh dài này có vẽ cảnh tượng nô lệ bị bắt làm tế phẩm, đi theo hoa văn vân rắn trên mặt đất, xuyên qua động đạo và bị dị thần ăn thịt ở nơi tận cùng của miếu thần.
Hội Tư Mã Khôi thấy trong thạch thất không có phát hiện gì đáng giá nữa, nên quyết định trước tiên cứ đi theo manh mối này để tìm đường ra. Tư Mã Khôi đổi lại súng cho Thắng Hương Lân, sau đó quay trở lại động đạo, nhổ sạch đám rong rêu bám trên mặt đất, tìm kiếm những viên gạch có vẽ hoa văn rắn, rồi tiến về phía trước. Họ đi mãi đến khi cây đuốc cháy hết, thì phía trước hiện ra một con đường cắt ngang, địa hình khúc khuỷu, sâu hun hút, không gian bỗng chốc trở nên khoáng đạt, chẳng khác nào một bình rượu đặt nằm ngang, sau khi đi xuyên qua phần cổ chai chật hẹp, trước mặt họ bây giờ hiện ra một hố động khổng lồ, đen ngòm và rộng vô bờ bến.
Lúc này, đuốc cháy đến đoạn cuối cùng và tắt rụi, ánh sáng còn lại vô cùng ảm đạm, Tư Mã Khôi đi đằng trước không nhìn rõ địa thế, chân vừa giẫm xuống một cái, suýt nữa thì ngã nhào xuống động sâu, may nhờ Cao Tư Dương đứng đằng sau giơ tay túm lấy ba lô giữ lại, trong bóng tối chỉ nghe thấy tiếng đá vụn bị giẫm phải rơi xuống rào rào.
Tư Mã Khôi thấy đã ra khỏi được động đạo, nhưng vẫn chưa dám yên tâm, thời gian đang không ngừng trôi về phía trước, điều đó chứng tỏ cung điện dưới lòng đất thờ các vị thần cổ xưa cũng đang bị lún vào kẽ hở thời gian, may mà cuộn thuốc nổ đã bị vô hiệu hóa, nên bất kể họ dùng cách nào cũng không thể phá hủy nguyên trạng của tấm bia đá được nữa. Tư Mã Khôi nghĩ đã đến nước này, thì trừ phi chẳng may bị chết, còn nếu không anh phải xem bằng được thứ trong động không đáy rốt cuộc là gì. Anh dập cây đuốc cuối cùng, cùng ba người còn lại bật đèn quặng lên, kéo Nhị Học Sinh tụt xuống vách đá dốc dựng đứng, trượt khoảng mười mấy mét thì địa thế bắt đầu bằng phẳng dần.
Trên mình bốn người đều mang theo súng và dao săn, mấy bình nước đeo bên mình đập vào vách phát ra tiếng “coong coong”, âm thanh sắc lạnh, không giống tiếng phát ra khi đập vào đá, mà giống như cả hội đang đứng trên một khối sắt khổng lồ.
Hải ngọng bị ngã, đau khắp mình mẩy. Anh thò tay sờ mặt đất, cảm giác bề mặt nhẵn thín và bằng phẳng, không những vậy xúc giác từ tay cảm nhận thấy sự cứng chắc, lanh lẽo, dày dặn và mịn màng cho thấy phía dưới chân họ không phải một phiến đá thông thường, anh buột miệng chửi đổng: “ Mụ nội nó, chỗ này giống như đáy của cái nồi khổng lồ, không ngờ toàn sắt là sắt!”