Tư Mã Khôi gặp Triệu Lão Biệt cả thảy ba lần, lần thì gặp lúc lão đã chết, lần thì gặp lúc lão đang sống, lần nọ cách lần kia rất nhiều năm. Nếu dựa vào tử thi của lão trước Hắc Môn ở thành Lâu Lan để suy đoán thì Triệu Lão Biệt mà hội Tư Mã Khôi gặp trong chiếc hộp thời gian cấu kết với đội thám hiểm người Pháp xuống lòng đất ăn trộm bảo vật, có lẽ là những năm Dân quốc, còn Triệu Lão Biệt mà anh gặp ở nghĩa địa La Sư và cùng lão đi đào Lôi công mặc có lẽ là năm – sau khi Trung Quốc giải phóng, rồi lão chết, hội anh đã chôn thi thể lão trong nghĩa địa hoang. Vậy mà giờ đây, lão lại lần nữa xuất hiện sờ sờ ngay trong vực sâu trước mặt anh, dung mạo không khác gì hai gã Triệu Lão Biệt đã chết trước đây, vẫn cách ăn vận của kẻ lang thang, vẫn bộ dạng lấm la lấm lét của gã biệt bảo tuổi ngoại ngũ tuần, rõ ràng lão là yêu quái trường sinh bất tử.
Tư Mã Khôi không thể lý giải những ẩn sổ thần bí bao quanh con người này, cho dù lão quả thực trường sinh bất tử đi chăng nữa, thì cũng không thể có chuyện đã bị thiêu cháy thành tro bụi mà vẫn có thể tái thế giữa nhân gian thêm lần nữa. Bởi vậy, anh cho rằng, Triệu Lão Biệt mà anh gặp lần lượt ba lần, thực ra là ba con người hoàn toàn khác nhau.
Ai ngờ, vừa nghĩ vậy, liền nghe Triệu Lão Biệt nói: “Mỗ quê ở Quan Đông, là con cả, cha mẹ sớm qua đời, nên chẳng ai đặt tên họ đàng hoàng cho cả, sau này theo sư phụ học nghề biệt bảo. Sư phụ mới đặt cho mỗ cái tên Triệu Lão Biệt”.
Tư Mã Khôi và Hải ngọng nghe xong, liền đánh mắt nhìn nhau, cảm thấy da gà nổi hết toàn thân, sự việc đang diễn tiến theo chiều hướng quái dị nhất – cả ba lần họ gặp, đều chỉ là một người, chính là Triệu Lão Biệt.
Hải ngọng cứng lưỡi một lúc, mới nhắc Tư Mã Khôi: “Tớ biết rồi, nói không chừng dưới gầm giường nhà lão quái này có chồn tinh ẩn trốn đấy…”
Những người khác nghe vậy đều ngơ ngác không hiểu, chỉ duy Tư Mã Khôi là hiểu ý Hải ngọng muốn ám chỉ điều gì. Năm đó, khi hai người vẫn lang thang ở khu Hắc Ốc, họ từng nhiều lần nghe người ta kể một câu chuyện quái dị:
Không ai nhớ rõ câu chuyện xảy ra vào triều đại nào, chỉ đoán có lẽ là thời tiền Thanh, trong thôn có nhà họ Khuyết, hai vợ chồng mưu sinh bằng nghề đốn củi, làm ruộng, cuộc sống tuy đạm bạc nhưng đôi vợ chồng trẻ rất yêu thương nhau, tính tình nhân hậu, biết giữ trọn đạo trước sau, bởi vậy ngày tháng họ ở bên nhau rất thoải mái, vui vẻ.
Hai vợ chồng chỉ sinh hạ được một mụn con trai, đứa bé vừa ra đời đã có đôi tai rất lớn, vừa dày lại vừa rủ xuống, hai vợ chồng mừng lắm, luôn miệng khoe với mọi người: “Con trai tôi có tướng Phật, sau này chắc chắn hưởng phúc thọ mãi không hết cho mà xem”. Thế là, họ đặt tên con trai là Phúc Nhĩ.
Nhưng sau này, có ông thầy tướng số xem xong lại phán: “Đứa trẻ này tai to nhưng vô phúc; hai tai phải dày vuông mới là bậc quý nhân, tai dày phúc dày, tai mỏng phúc mỏng; tai vừa to, vừa tròn là bậc anh minh, hiền tài; hai tai nhọn thì vất vả cả đời; hai tai dính vào đầu, sẽ phú quý đến già; nhìn thấy mặt mà không nhìn thấy tai là tướng đại phú đại quý”.
Theo tướng pháp mà giang hồ lưu truyền, điều này có nghĩa là vành tai của con người không được thò ra và hướng về phía trước, mà phải ép về hướng sau gáy mới là tướng có phúc. Người ta thường nói: “Hai tai đón gió, bán cả đất chôn thây”, bởi vậy trước đây có nhà mê tín, thường ép vành tai của đứa trẻ sơ sinh về phía sau lúc nó đang ngủ, để đề phòng tai đứa trẻ biến thành tai đón gió bán cả đất đai vườn tược của tổ tông để lại, đợi khi đứa trẻ dần dần luyện được thói quen tự ép tai mình về phía sau, thì họ không cần để ý đến nó nữa.Ông thầy bói coi tướng cho Phúc Nhĩ, thấy hai tai cậu bé trên mỏng dưới dày, hai bên thò ra trước, thì phán thằng này có tướng nghịch tử, dẫu muốn thay tướng đổi mạo cũng đã muộn.
Hai vợ chồng họ Khuyết không những không tin, mà còn bực mình đuổi ông thày tướng số “thối mồm” ra khỏi nhà. Từ đó về sau, họ càng ngày càng cưng chiều Phúc Nhĩ, từ bé đến lớn nó chỉ biết mở miệng thò tay đòi cơm, không cần làm bất cứ việc gì, suốt ngày lêu lổng, lớn lên gã lại học đòi thói lừa tiền, chơi gái, khiến người cha giận quá thổ huyết mà chết.
Phúc Nhĩ không những không thấy đau lòng và hối hận, mà còn ngỗ ngược hơn trước, gã bán hết cả điền sản của gia đình, lại còn trộm gà cắp chó của thiên hạ. Một lần, Phúc Nhĩ bị người ta kiện lên nha môn, nên đành trốn vào trong núi, giữa đường gã gặp đám người dân tộc Miêu đen chuyên nuôi trùng luyện thuật. Thế là gã theo họ lang thang kiếm cơm ở vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Quý Châu và Hồ Nam. Mấy năm sau, tên này lại trở về quê hương bản quán, về đến nhà, gã không những chẳng hồi tâm chuyển ý, biết nghĩ đến chuyện hiếu thuận với mẹ già, mà lại càng tác oai tác quái giết người, cướp của. Con gái nhà ai đen đủi bị gã nhắm trúng, gã sẽ xông thẳng tới cưỡng hiếp ngay lúc ban ngày ban mặt, ai dám kháng cự, gã liền cho một nhát ngay. Tên Phúc Nhĩ còn điên cuồng độc ác hơn cả lũ sơn tặc thảo khấu.
Trộm nghĩ ngay trước cổng vương pháp, làm gì có đất cho gã lộng hành, quả nhiên chuyện của gã đã kinh động đến quan phủ. Quan phủ sai nha dịch đến bắt Phúc Nhĩ, áp giải lên công đường. Ai ngờ, gã ngang nhiên thừa nhận tội trạng và nhanh chóng bị mang ra xử tội. Người ta áp giải gã đến giữa phố chém bay thủ cấp, dân chúng ai cũng vô tay khen quan phủ hành động mau lẹ. Nào ngờ, ngay ngày thứ hai sau khi bị hành hình, người ta lại thấy gã nhởn nhơ đi trên đường phố và vẫn gây tội ác khắp nơi.
Quan phủ đương nhiên cũng không thể yên lặng đứng nhìn, ngài lại lần nữa bắt gã về chấp pháp, nhưng bất kể cái đầu của Phúc Nhĩ bị chặt bao nhiêu lần, thì hôm sau người ta lại thấy gã vẫn nghênh ngang đi trên phố, vẫn sống nhe nhởn như chưa từng bị chết. Dân chúng bách tính hoang mang sợ hãi, không hiểu gã là quái vật phương nào, đành để hắn giương oai diễu võ, không ai dám làm gì gã.
Cuối cùng, người mẹ già của Phúc Nhĩ không cam tâm nhìn con trai mình tiếp tục gây tội ác tày đình nữa, bà đành vì đại nghĩa mà ra tay cắt bỏ máu mủ ruột già. Bà mẹ đau khổ chạy đến nha môn bẩm báo với quan phủ, nói thằng con bất hiếu này trước đây từng luyện yêu thuật trong núi sâu, dưới gầm giường chôn giấu “táng hồn đàn”, tuy thân xác bị hành hình cắt thủ cấp trên pháp trường để thị uy dân chúng, nhưng chẳng bao lâu sau một con người mới sẽ mọc ra từ trong “chiếc hũ giấu hồn”.
Quan phủ bán tín bán nghi, lập tức sai người đến nhà gã đào bới, quả nhiên thấy một cái hũ đen sì sì, hình dáng giống như chiếc hũ đựng xương cốt, ông bèn cho người đập tan ngay tại chỗ, sau đó ra lệnh bắt Phúc Nhĩ áp giải lên pháp trường, thi hành án lăng trì tùng xèo, rồi nghiền xương thành tro vụn, tung rắc khắp nơi. Từ đó về sau, không thấy sự lạ yêu quái chết đi sống lại tiếp tục xảy ra nữa.
Chuyện này không được ghi chép trong sử sách, chỉ là người này truyền miệng cho người kia mà thôi. Tư Mã Khôi cũng không biết bên trong “táng hồn đàn” rốt cuộc là thứ quỷ quái gì. Anh thấy Triệu Lão Biệt sau mỗi lần chết đi thì lại sống dậy như chưa bao giờ chết, giống y đúc gã Phúc Nhĩ trong truyền thuyết ly kỳ thời xưa.
Tư Mã Khôi không tin trên thế giới này có cái gọi là “táng hồn đàn”, nó hoang đường giống như “đỉnh tụ bảo”. Tương truyền cuối thời Nguyên, đầu thời Thanh, có một người vô cùng giàu có, tên là Thẩm Vạn Tam, của cải nhà ông ta chất cao như núi, ăn mãi không hết, ông ta lấy đâu ra lắm tiền thế? Nghe nói, lúc chưa phát tài, trên đường về nhà, Thẩm Vạn Tam vô tình gặp một người dân quê bắt được rất nhiều ếch ở ven hồ, và đang mổ bụng moi ruột tại trận, máu me nhuốm đỏ một khoảng đất.
Thẩm Vạn Tam không nỡ nhìn cảnh này, bèn móc hầu bao trả tiền để mua mấy trăm con ếch còn lại, sau đó phóng sinh chúng xuống dưới hồ. Một buổi tối nọ, ông ta lại đi ngang qua cái hồ đó, bỗng nghe thấy bầy ếch kêu ra rả, từ dưới hồ trồi lên một chiếc đỉnh cổ, vứt một đồng vàng vào trong đỉnh, sẽ lập tức biến thành hai đồng. Thẩm Vạn Tam thấy vậy nảy lòng tham nên đã chiếm cái đỉnh này làm của riêng, gia tài khổng lồ của ông ta về sau đều nhờ chiếc đỉnh này mà có. Sau này, toàn bộ gia tài nhà Thẩm gia đều bị Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương tịch thu, Thái Tổ bắt họ Thẩm phải cống nạp chiếc đỉnh thần kỳ này. Chu Nguyên Chương hỏi Lưu Cơ Lưu Bá ôn xem vật này là vật gì, thì được trả lời, đây là đỉnh “tụ bảo”, tức là chiếc đỉnh nhả tiền, hậu thế thường gọi là “chậu nhả tiền”, nếu người sống rơi vào trong đó, sẽ lôi ra được hai người giống nhau như đúc.
Tư Mã Khôi cũng thầm đoán, chẳng lẽ Triệu Lão Biệt vô tình rơi vào đỉnh “tụ bảo”, vì vậy trên đời này mới có nhiều người giống nhau như đúc đến vậy? Nhưng đỉnh “tụ bảo”, “táng hồn đàn” và “trường sinh bất tử”, ba khái niệm này đều không hoàn toàn giải thích được trường hợp của Triệu Lão Biệt. Những bí mật trên người lão ta e rằng chỉ một mình lão mới biết rõ mà thôi.
Tư Mã Khôi thầm cân nhắc, thấy khó mà xếp Triệu Lão Biệt vào phe ta hay phe địch, không thể nói rõ lão ta là tà phái hay chính phái, chỉ có thế nói lão ta là “kỳ nhân”, từ đầu đến chân cất giấu bao nhiêu ẩn số, lão đứng giữa hai chiến tuyến “đội khảo cổ” và “Nấm mồ xanh”. Tư Mã Khôi biết rõ Triệu Lão Biệt là người gian xảo, không thể tin hoàn toàn những gì lão nói, nhưng cũng không thể không hỏi cho rõ đầu đuôi. Thế là, anh bảo mọi người đừng nói gì nữa, tránh lỡ miệng tiết lộ cơ mật. Hãy để Triệu Lão Biệt kể rành mạch về gốc gác của lão ta, đợi tới khi làm rõ được chân tướng sự việc sẽ hậu xét.
Triệu Lão Biệt thấy không thể thoái thác được nữa, bèn múa mép chống chế: “Chư vị anh hùng đã hỏi, thì mỗ đây cũng xin thưa. Cái nghề biệt bảo của mỗ đúng là phải dựa vào bản lĩnh thực sự mới kiếm được miếng ăn, mắt phải nhìn tinh, miệng phải thử chuẩn, năm châu bốn bể chỗ nào cũng nhào vô, sóng gió vạn trượng nơi nào cũng không tha…”
Hải ngọng ngứa ruột hừ giọng: “Lão còn dám nói thêm một câu thừa nữa, tôi sẽ bẻ từng cái răng một đấy. Không tin tôi và lão cứ thử là biết ngay”.
Triệu Lão Biệt sợ so vai lại, khúm núm nói: “Tại mỗ không biết trời cao đất dày, mong vị hảo hán lượng thứ… nhưng… các vị muốn lão nói điều gì mới được chứ?”
Hải ngọng nghiến răng, quắc mắt quát: “Lão có thành tâm muốn nói không thế hả? Muốn lão nói gì, tự bản thân lão cũng không hiểu à? Chẳng lẽ lại đợi tôi phải mở mồm hỏi? Đầu tiên, mau khai ra lão lén lút chạy đến chỗ này làm gì!”
Triệu Lão Biệt nhăn mặt kể lại chuyện mình vừa trải qua. Lão bảo mình cũng bị nhốt trong vực sâu, thấy trong sương mù có vật gì rơi xuống, bèn chạy đến xem, phát hiện có một con tàu bằng sắt lún xuống đây, khiến khói đen trong lòng đất phun lên cao cả vạn trượng. Lão vẫn nhớ chuyện mình bị nhóm người này truy kích trong sa mạc thành Lâu Lan, chẳng ngờ oan gia ngõ hẹp, đôi bên lại gặp nhau ở chỗ này. Triệu Lão Biệt như chim sẻ sợ cành cong, thấy tình thế có vẻ không ổn bèn quay người định chuồn. Những chuyện xảy ra sau đó thì mọi người đều biết cả rồi.
Hải ngọng càng nghe càng điên tiết: “Lão chết tiệt này nói thế cũng bằng không, lão định qua mặt Hải ngọng ông như qua mặt một thằng ngốc đấy à? Hôm nay không vặn từng cái răng của lão thì không xong…”
Tư Mã Khôi thấy Hải ngọng hỏi không ra đầu ra đũa, bèn giơ tay ngăn lại, rồi quay sang hỏi Triệu Lão Biệt: “Tôi và lão chẳng nuôi thù kết oán gì với nhau, nhưng chuyện của lão vô cùng quan trọng với bọn tôi. Bởi vậy, hôm nay lão phải kể rành rẽ tất cả mọi việc cho bọn tôi nghe. Đừng hòng qua quýt che mắt bọn tôi. Hãy nói hết ra, ví dụ lão từng gặp ai, luyện công phu gì, kiếm được những báu vật gì, trải qua những sự việc gì, đã đi đến những đâu… Lão mau khai báo tuốt tuột ra cho tôi!”.
Triệu Lão Biệt nói vẻ khó xử: “Vị thủ lĩnh đây cũng là người từng trải giang hồ, chắc cũng hiểu bắt người ta kể chân tướng sự thật khác gì đòi đào mả bố người ta lên. Nom các vị nai nịt thế này, phải chăng là đến đây tìm… tấm bia Vũ Vương? Tuy Triệu Lão Biệt mỗ bất tài, nhưng cũng nguyện giúp các vị một tay”.
Mọi người nghe lão nói mà lặng cả người. Tư Mã Khôi và Thắng Hương Lân đồng thanh hỏi: “Lão biết bia Vũ Vương dưới vực sâu thật sao?”
Triệu Lão Biệt thấy mình nói trúng tim đen, bèn giả bộ vòng vo: “Nói vậy cũng không phải, mỗ chỉ biết tí chút thôi”.
Hải ngọng sốt ruột hỏi dồn: “Thế lão có biết bia Vũ Vương là cái gì không?”
Triệu Lão Biệt gật đầu: “Đương nhiên là biết chứ…”
Hải ngọng tò mò: “Rốt cuộc nó là vật gì?”
Hội Tư Mã Khôi nín thở tập trung, tất cả mọi người đều chăm chú nhìn Triệu Lão Biệt, ai cũng muốn nghe xem rốt cuộc lão sẽ nói gì.
Nhưng Triệu Lão Biệt chỉ thủng thẳng:“Tấm bia đó chẳng phải phiến đá khổng lồ hay đặc biệt gì, nó không khác gì các tảng đá bình thường trên núi. Nếu không người ta đã chả gọi nó là bia đá. Bia đá ấy mà, vốn dĩ chỉ là một tảng đá, không phải vàng, cũng không phải ngọc”.
Hải ngọng nổi giận lôi đình, túm cổ Triệu Lão Biệt mắng: “Tiên sư thằng già, tao thấy mày chán sống rồi thì phải!”
Tư Mã Khôi thấy Triệu Lão Biệt cố tình nói loanh quanh, thì cũng thấy ghét không chịu được, anh liền ra hiệu bảo những thành viên còn lại cứ cho lão nếm mùi đau khổ, không cần can ngăn, để mặc Hải ngọng dạy lão một bài học.
Triệu Lão Biệt bị Hải ngọng hành hạ một hồi, quả nhiên nhũn như con chi chi, không dám khoe khoang kiến thức nữa. Lão nói: bia Vũ Vương quả thực chỉ là một hòn đá rất đỗi bình thường, câu lão nói khi nãy hoàn toàn là sự thật. Tuy hòn đá nào cũng giống nhau, nhưng mỗi hòn lại có một số mệnh khác nhau, cũng giống như con người vậy. Nếu ta lột sạch quần áo của gã ăn mày trên đường phố và hoàng đế ngồi ngất ngưởng trên ngai vàng ra, thì hai người chẳng qua chỉ là hai cơ thể với lớp da bọc lấy khối máu thịt. Bởi vậy mới nói người và người đâu có gì khác biệt. Chết đi cũng chỉ vùi thân dưới ba tấc đất, mục rữa rồi để bọn giun dế làm tổ. Nhưng vì sao hoàng đế lại ngồi trên vạn người, muốn bao nhiêu thê thiếp được bấy nhiêu thê thiếp? Còn ăn mày thì phải sống dưới đáy cùng của xã hội, cả đời chịu cảnh đói rét? Đó là vì số mệnh của hai người đó không giống nhau, họ cùng phận mà không cùng mệnh