Luận Anh Hùng

chương 428: nhập ma nháy mắt tại võ lâm, sinh tử chỉ một đường

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Trên nhân thế, phật ma tại một ý niệm.

Vừa rồi Thích Thiếu Thương ngơ ngẩn trong nháy mắt, lại nhìn thấy một vài cảnh tượng vốn không nên nhìn thấy vào lúc (đời) này.

Thế nhưng y đã nhìn thấy.

Y dĩ nhiên là chấn động, tâm thần đều kinh hãi.

Nhưng trong nháy mắt đó, cuối cùng y đã khôi phục bản tính, trở lại không.

Xưa nay không một vật, chỗ nào dính bụi nhơ ()? Phật tới ma cũng tới, thế sự một trường không. Quá khứ là mộng, tương lai là không, người chỉ sống ở hiện thế trước mắt. Khôi phục tự tính chính là tìm về tự chủ. Trong lúc ngơ ngẩn y đã trải qua một kiếp.

Mộng ảo không hoa.

Trên tay y thật sự có một đóa hoa.

Trăng khắp lầu cao.

Trong lòng y có còn mộng hay không?

Có.

Người sống nên có mộng.

Nhân sinh như mộng.

Lâu như trời đất, mộng không phải mộng.

Nhìn thấy ánh trăng chiếu trên không, Thích Thiếu Thương lại nghĩ đến Tức Hồng Lệ.

Nụ cười của nàng, còn có nước mắt của nàng.

Nhìn thấy ngọn đèn như hạt đậu trong Huân Hương các, Thích Thiếu Thương lại nhớ tới Lý Sư Sư.

Nụ cười từ chối của nàng, còn có vẻ thẹn thùng nghênh đón của nàng.

Cho nên khi y lướt trên mái cong, vừa đến gần Túy Hạnh lâu, đã ngửi được mùi hương như lan như xạ kia, cảm thấy ánh đèn bên trong giống như sự ấm áp trong chăn, không nhịn được muốn vọt người tiến vào trong Huân Hương các.

Nhẫn nại.

Y vẫn kịp thời nhịn được.

May mắn là kịp thời nhẫn nại, bởi vì y bỗng nghe được một người nói:

- Vở kịch lý tưởng nhất, đó là phải tự mình trình diễn.

Người nọ đang ở trong phòng, hơn nữa còn nói tiếp:

- Mọi người đều biết Sư Sư cô sắc tốt, tiếng tốt, ca tốt, múa tốt, thơ từ cờ đàn không một thứ gì không tốt, nhưng ta lại biết cô cũng diễn kịch rất tốt. Cô nói, đây có thể xem như là tri kỷ tri âm hay không?

Thích Thiếu Thương vừa nghe liền ngưng thần, nín thở, nuốt khí, lại xoay người treo ngược dưới mái hiên, mắt lạnh, lòng kiên quyết, quan sát động tĩnh trong các.

Tiếng cười.

Đó là tiếng cười của Lý Sư Sư, ngoại trừ khiến người ta vui vẻ, còn khiến người ta thương xót.

- Thực ra chẳng có gì tốt cả.

Sư Sư uyển chuyển nói:

- Thiên lý mã phải có Bá Lạc, mua tranh cũng phải có người thưởng thức tranh. Nếu không có người như Tôn công tử đến thưởng thức, những trò vui kia của tôi nào có ý nghĩa gì.

- Cô trả lời như vậy mới đúng là ý nghĩa.

Tôn công tử cười kính nàng một ly rượu:

- Tri âm của Sư Sư, trên có Phong Vũ lâu chủ Thích Thiếu Thương, phong lưu tài tử Chu Bang Ngạn, dưới có hoàng đế Triệu Cát, tể tướng trời đánh Thái Kinh, tất cả đều là tri âm tri kỷ của cô. Tuyệt thế giai nhân trong kinh hoa, một cái nhíu mày, một nụ cười, một bài ca, một điệu múa, một câu thơ, còn sợ không có người thưởng thức sao.

Câu nói này nửa ngọt nửa chua, nửa trào nửa phúng, nửa điên nửa tỉnh, có xương có thịt, có ý có tứ. Càng khiến Thích Thiếu Thương cảm thấy thú vị là người này lại đặt những nhân vật cấp thấp ở “phía trên”, ngược lại đặt “người bề trên” như hoàng đế thừa tướng xuống “phía dưới”. Có thể thấy lời nói và việc làm của người này rất ngông cuồng phóng túng.

Lý Sư Sư vẫn cười.

Đèn đuốc khẽ lắc lư.

Hoa nguyệt quế trước lan can cũng đang khẽ run rẩy.

Giờ lành cảnh đẹp như thế, hóa ra Lý Sư Sư lại ở cùng với người này.

Người này vóc dáng rất cao, bóng lưng rất dài, nhưng lại ngồi quay lưng về phía Thích Thiếu Thương

Thế nhưng vẫn có thể từ phía sau thấy được đoạn cuối hai hàng lông mày của hắn, giống như hai lưỡi đao màu đen. Mỗi câu nói, mỗi một chữ, hai cây đao đen kia lại giống như nhảy lên một cái, biến hóa một chiêu.

Sau khi nói xong câu nửa mỉa mai nửa trào phúng kia, người này lại kính Lý Sư Sư một ly rượu.

Phương thức hắn mời rượu cũng rất kỳ lạ.

Hắn uống một hớp sạch rượu, nhưng vẫn chưa thỏa mãn, giống như còn muốn cắn bể ly rượu thành một lỗ hổng mới chịu ngừng.

Hắn mời rượu, nhưng hoàn toàn không miễn cưỡng người khác uống rượu.

Hắn chỉ uống rượu của hắn.

Sư Sư cũng không uống rượu, nàng nhìn hắn uống.

Những năm gần đây, nàng ở nơi lầu xanh trăng hoa, đã nhìn thấy vô số người, do đó dĩ nhiên hiểu được lúc nào nên uống rượu, lúc nào không nên uống; lúc nào nên nói chuyện, lúc nào không nên nói; thậm chí lúc nào chỉ nên nghe người khác nói chuyện, lúc nào đối phương nói một câu nàng cần phải bẻ lại một câu.

Đối diện với người này, nàng không uống, chỉ nhìn hắn uống.

Người này không hề miễn cưỡng người khác uống rượu.

Người này uống rượu giống như nuốt đao, từng thanh đao nhọn nóng bỏng nuốt vào trong bụng.

Hơn nữa còn nuốt mà mặt không thay đổi, chỉ càng lúc càng trắng bệch.

Hắn uống rượu giống như đang báo thù, kẻ thù không nhiều lắm, nhưng hành động lại rất kịch liệt.

Rượu có thể không uống, nhưng lời của đối phương thì nàng nhất định phải trả lời:

- Nữ nhân làm đẹp vì người thích mình. Cho dù có một vạn, một ngàn, một trăm, một chục, một nam nhân khen ngợi tôi thì có ích lợi gì? Tôi chỉ cần người mà tôi thích khen ngợi tôi, yêu thích tôi. Nữ nhân làm đẹp vì người mình thích.

Câu thứ nhất của nàng là “nữ nhân làm đẹp vì người thích mình”, câu thứ hai là “nữ nhân làm đẹp vì người mình thích”, chữ đều như nhau, nhưng sắp xếp đảo lộn, ý nghĩa lại hoàn toàn khác nhau. Cho nên nàng nói hai lần, mỗi lần đều rung động tâm can.

Thế nhưng không biết vì sao, dưới cái nhìn của một người quen thuộc Lý Sư Sư, hơn nữa tâm tư cẩn thận như Thích Thiếu Thương, thần sắc của nàng lại tỏ ra hơi hốt hoảng.

Tại sao nàng lại hốt hoảng?

Mặc dù nàng che giấu rất tốt, nhưng Thích Thiếu Thương vẫn có thể nhìn ra được. Khi Lý Sư Sư liên tục tìm cớ mượn cớ không ra ngoài dạo chơi với y, y đã tập thành thói quen, nhìn một cái là nhận ra tuyệt thế giai nhân danh động kinh thành này lúc nào là thật, lúc nào nửa thật nửa giả, lúc nào tuyệt đối không phải thật.

Nam tử đối diện với Lý Sư Sư (lại quay lưng về phía Thích Thiếu Thương) kia nghe xong, lại có phần lạnh lùng hỏi:

- Cổ Dịch thì sao? Từ của Cổ Dịch, thiên hạ đều biết, con người cũng phong lưu hào phóng. Hắn không phải là bạn thân trong khuê phòng của cô sao? Hắn viết cho cô một bài “Nam Hương Tử”, đúng là một tác phẩm tài hoa.

Nói đến đây, hắn lại chậm rãi ngâm nga:

- Dạo bước trước lầu nhỏ, thấy một giai nhân dung mạo như tiên. Nghĩ thầm thánh tình như giấc mộng, khoảnh khắc tìm vui, cùng say giấc nồng. Một đêm nói thề thốt, đầy vốc trầm đàn phun khói lành. Báo tin tảo triều về cung muộn, lưu lại lụa giao () để thay tiền.

Ngâm xong, hắn liền một hớp uống cạn rượu trong ly.

Vóc người của hắn rất cao.

Một đoạn cổ lộ ra rất trắng, cũng rất dài.

Trắng đến mức khiến Thích Thiếu Thương nghĩ đến tình cảnh khi chém xuống một kiếm, máu bắn đầu rơi.

Lại nghe Lý Sư Sư than thở:

- Cổ Dịch? Y vừa nghe thánh thượng muốn xây đường ngầm ở hoàng cung, lập tức sợ đến mức không dám bước chân tới nơi này nữa. Ngay cả sắc đảm cũng không có, nào so được với khí chất anh hùng của ngài?

Hán tử kia nói:

- Khí chất anh hùng? Tần Thiếu Du tài hoa kinh người có một bài “Sinh Tra Tử”, cũng miêu tả vẻ đẹp của cô rất sinh động. “Mày dài như núi xa, vòng eo nhỏ mềm mại. Trang điểm đứng gió xuân, nụ cười hơn ngàn vàng. Lúc trở về Phượng Thành, nói đến cùng lầu xanh. Nhìn khắp hoa Dĩnh Xuyên, không đẹp bằng Sư Sư”. Hắn bày tỏ thái độ chân thành ca tụng cô, hắn cũng không phải là tri âm của cô sao?

Lý Sư Sư vi thở dài nói:

- Y? Nhiều khí chất hồng phấn, thiếu đi chí trượng phu.

- Chí trượng phu? Vị anh hùng?

Hán tử kia lại một hơi cạn sạch một ly rượu.

Lưng của hắn rất thẳng, ngay cả lúc uống rượu cũng vậy.

Lúc này Thích Thiếu Thương mới chú ý, trên bàn (gần trước người hán tử này) có đặt một chiếc đàn.

Tiêu vĩ cầm (một trong bốn loại đàn nổi tiếng thời xưa) vân rắn mắt hổ màu đỏ.

Thích Thiếu Thương chưa từng thấy Lý Sư Sư có chiếc đàn này.

Hiển nhiên, chiếc đàn kia không phải là vật của Lý Sư Sư.

Chỉ không biết chiếc đàn này là của hán tử kia, hay là hắn màng tới tặng cho Lý Sư Sư.

Thích Thiếu Thương từ xa xa nhìn chiếc đàn này, không phải nhìn ra thanh ý trong dây đàn, mà là nhìn ra sát khí và sát cơ trong đàn.

- Nói như vậy, Thích Thiếu Thương Thích đại trại chủ, hắn là người có khí anh hùng, vị trượng phu nhất, đúng không?

Hán tử kia nói:

- Hắn cũng không phải là tri kỷ tình nhân của cô sao?

Hắn vừa hỏi vấn đề này, Thích Thiếu Thương liền tập trung tinh thần.

Y nín thở lắng nghe.

Y cũng muốn biết đáp án, đang muốn biết, thật muốn biết.

Đáp án là một tiếng thở dài, xa xôi, dằng dặc.

Đó là tiếng thở dài của Lý Sư Sư.Chú thích:

() Trích từ bài kệ của Lục Tổ:

Bồ-đề bổn vô thọ,

Minh cảnh diệc phi đài.

Bản lai vô nhất vật,

Hà xứ nhạ trần ai?

Dịch nghĩa:

Bồ-đề vốn không phải là cây, gương sáng cũng chẳng do nơi đài, đó là phá hết hai bên.

Xưa nay không một vật, chỗ ấy xưa nay không có một vật, tại sao phải lau bụi bặm?

Dịch thơ:

Bồ-đề vốn không cây,

Gương sáng cũng chẳng đài.

Xưa nay không một vật,

Chỗ nào dính bụi nhơ?

() Trong truyền thuyết cổ đại Trung Quốc, bên ngoài Nam Hải có một loại người cá, gọi là “giao nhân”. Giao nhân giỏi dệt một loại tơ lụa mỏng, được gọi là “lụa giao”.

Truyện Chữ Hay