Liêu Nhàn

chương 20: chương 20

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Mặc dù trong lòng Ôn Chủy Vũ rất khó chịu, nhưng cô biết rõ chuyện tấm hoành phi bị rơi vỡ, cô cũng không thể trách cứ Diệp Linh.

Không nói đến việc tấm hoành phi hiện tại đang thuộc sở hữu của nàng ta, từ thái độ và phản ứng của Diệp Linh, có thể thấy được nàng ta cũng không mong muốn nó bị rơi hỏng.

Cô nhớ lại phản ứng của Diệp Linh ngay lúc đó, lờ mờ cảm thấy có chút kỳ quái.

Với cô, bức hoành phi treo trong phòng tranh kia chính là di vật của bà nội để lại, cho nên nó rất quý báu.

Còn đối với người khác, nó chỉ là một tấm hoành phi bình thường, có hơn hai mươi năm tuổi đời, được gia công tinh tế, chất gỗ hơi tốt một chút.

Nhưng Diệp Linh lại nói "rất trân quý", hơn nữa, lúc Diệp Linh nói những lời ấy, dường như là đang giải thích với cô vì sao nàng ta tức giận.

Cô có thể nhìn ra Diệp Linh đang có ý tiếp cận mình, ngoài ra còn quan tâm đ ến cảm xúc của cô.

Một tia suy nghĩ thoáng hiện lên trong đầu Ôn Chủy Vũ, khiến cô cảm thấy vô cùng hoang đường, nhanh chóng gạt nó ra khỏi đầu.

Đến khi bình tĩnh lại, tâm tình của Ôn Chủy Vũ đã tốt hơn một chút.

Hoành phi bị vỡ nhưng vẫn còn cơ hội để sửa lại, có thể tìm được các sư phụ sửa đồ lành nghề ở viện bảo tàng hay những nơi chuyên về đồ cổ.

Nhiều bức hoành để hơn mấy trăm năm bị hư hại nghiêm trọng còn có thể chữa được, dù cho nó có bị rơi vỡ, thì khả năng phục hồi cũng rất cao.

Nhìn cách Diệp Linh phản ứng, phỏng chừng sẽ đi tìm thợ giỏi để sửa lại bức hoành.

Ôn Chủy Vũ nghĩ vậy, trong lòng vẫn thấy khó chịu, có chút bất lực, nhưng cô hiểu, những gì cô đang nếm trải thì người khác cũng đã từng trải qua.

Thế sự đổi thay, chính là như vậy.

Gia đình phá sản, đừng nói đến chuyện giữ lại được vật gì, có nhiều gia đình ngay đến cả người còn không bảo vệ được.

Ôn Chủy Vũ điều chỉnh lại tâm tình, tiếp tục bận rộn làm việc cùng vẽ tranh.

Bây giờ, phòng tranh này cùng với cây cọ trong tay chính là chỗ dựa vững chắc của cô.

Giờ cơm trưa, Tôn Uyển vừa mới đưa cơm tới thì Diệp Linh đã đến.

Trên tay còn mang theo chén đũa riêng.

Ôn Chủy Vũ kinh ngạc nhìn Diệp Linh, trong lòng thầm nghĩ: "Mặt của cô làm bằng gì vậy? Vẫn còn mặt mũi mang chén đũa tới chỗ tôi xin cơm sao?"

Diệp Linh ngồi xuống, cầm chén đưa cho Ôn Chủy Vũ xới cơm lấy canh, chia đồ ăn cho hai người.

Nàng ta đẩy chén cơm đến trước mặt Ôn Chủy Vũ, nói: "Hè qua trời đổ mấy trận mưa to như trút nước, nóc phòng tranh có một số chỗ bị dột, đến khi tìm người tới nhặt ngói(1) thì phát hiện thêm vài thanh gỗ bị mục nát, phải tu bổ lại.

Lúc di dời chỗ tranh có mang tấm hoành phi xuống, hôm đó trong lúc đang tháo dỡ, thợ xây không may trượt chân té khỏi thang, người thì bị gãy xương còn tấm hoành phi cũng vỡ mất.

Tôi đã tìm người dò la xem nơi nào có thợ tốt để mang nó đi sửa lại rồi."

Ôn Chủy Vũ có chút không được thoải mái, cô hỏi: "Chuyện này đối với tôi và Diệp tổng đây có ý nghĩa gì không?

Diệp Linh: "Căn nhà cũ của em có tuổi đời đã lâu, được giữ gìn nguyên vẹn, lưu lại rất nhiều đồ cổ, tùy ý cầm lên vài món không mấy bắt mắt nói không chừng cũng là đồ có giá trị, lai lịch rõ ràng.

Theo lẽ thông thường, người khác đều thích dùng "cư", "các", "tiểu trúc" để đặt tên cho nhà cửa nhưng phòng tranh của em chỉ gọi là Họa Đường, cái tên đơn giản vậy mà lại được đề lên hoành phi, tấm hoành phi đó còn dùng gỗ cẩm lai thượng hạng, chế tác rất tinh xảo, tôi nghĩ bên trong đó hẳn có nguồn gốc sâu xa.

Từ chất sơn lẫn chất gỗ, ít nhiều gì cũng có thể nhìn ra tấm hoành phi này cũng có chút niên đại, nhưng chưa được lâu lắm, chữ trên đó hơi thiên về nét nhu mà chữ của ông Ôn lại khá có lực...!Tôi nghĩ người có thể đề chữ cho phòng tranh của em, lại dày công làm thành một bức hoành phi, chắc chắn là một người phụ nữ lớn tuổi ở trong nhà, hơn nữa lại còn rất yêu thương em có đúng không?"

Ôn Chủy Vũ kinh ngạc há miệng ngây ngốc nhìn Diệp Linh.

Lời này của Diệp Linh gần như trực tiếp nói ra chữ trên bức hoành phi là do bà nội cô viết, tấm hoành phi kia là do ông bà nội làm cho cô.

Trong phút chốc, cô nhận ra việc ba cô bại dưới tay Diệp Linh một chút cũng không oan.

Ôn Chủy vũ hoàn toàn không biết nên nói cái gì với Diệp Linh mới tốt, lặng lẽ vùi đầu ăn cơm.

Hai người ăn cơm xong, Diệp Linh để lại bộ chén đũa mà nàng ta mới mang theo lúc nãy, nói lời tạm biệt rồi rời đi.

Đối với chuyện Diệp Linh đi ăn chùa còn tự mình mang theo chén đũa, Ôn Chủy Vũ thật chẳng biết nói gì hơn.

Nhờ vào công tác quảng cáo đến nơi đến chốn, cộng thêm các tác phẩm đều là tranh của họa sĩ nổi tiếng nên hội đấu giá mùa thu diễn ra rất thuận lợi.

Hơn nữa, bức Trường Thành Hùng Quan Đồ của Tư Thiên Thụ tiên sinh được gõ búa với giá cao, hơn ba triệu Nhân dân tệ.

Thông thường, tranh được bán theo thước(2).

Tranh của sư phụ cô, dài năm thước tư, rộng ba thước sáu, là một bức họa lớn hiếm thấy so với các tác phẩm cùng dòng tranh công bút khác.

Thậm chí bức Trường Thành Hùng Quan Đồ này có thể coi là tác phẩm đỉnh cao trong sự nghiệp của sư phụ cô từ trước đến nay.

Sư phụ quan tâm cô, với danh tiếng của ông mà chỉ dùng mét để đo tranh bán cho Ôn Chủy Vũ, còn trừ đi số lẻ, cô tốn một triệu năm trăm năm mươi nghìn tệ để mua về.

Tác phẩm đồ sộ này sư phụ cô phải mất vài năm mới vẽ xong, với hiệu ứng đến từ việc chạy quảng cáo, cộng thêm người mua đều là người có tiền, cô đoán bức tranh này ít nhất cũng bán được hai triệu, nhưng thật không ngờ, lúc bán ra lại được giá ba triệu hai trăm nghìn tệ.

Đến nỗi, thiếu chút nữa là cô nghi ngờ Ôn Lê hoặc Diệp Linh tìm người đến mua tranh.

Chẳng qua cô cũng hiểu được, vì đây là lần đầu tiên phòng tranh mở bán đấu giá nên mới có thể quảng cáo rầm rộ đến mức này, nếu về sau còn áp dụng như thế, danh tiếng của Côn Luân Họa Thất nhất định sẽ bị hủy hoại mất.

Vì người tham gia đều ra mặt trả giá công khai, nên Ôn Chủy Vũ may mắn được gặp người chiến thắng trong cuộc đấu giá lần này.

Người mua là một vị thương nhân nho nhã, do Ôn Chủy Vũ là học trò của Tư Thiên Thụ tiên sinh, cho nên người đó đặc biệt có ý đến gặp cô một lần.

Vị này là một nhà sưu tầm, có sở thích sưu tập tác phẩm của các họa sĩ thư pháp đương đại, tình cờ quen biết được Tư Thiên Thụ tiên sinh khi còn ở Bắc Kinh, từ đó luôn có ý muốn mua lại bức tranh này của sư phụ cô.

Nói về chuyện bán tranh thì Tư Thiên Thụ tiên sinh tương đối keo kiệt, những tác phẩm của ông đa phần chỉ được mang đi dự triển lãm hoặc giao lưu với đồng nghiệp, số lượng tranh bán ra không nhiều, chính vì thế mà tranh của ông luôn đắt hàng, nhiều người muốn mua cũng tìm chẳng có.

Trong hội đấu giá lần này có đến vài người cố tình đến là chỉ để mua được bức Trường Thành Hùng Quan Đồ.

Thông qua hội đấu giá mùa thu, tầm ảnh hưởng của Côn Luân Họa Thất trong giới lại được khuếch trương lên thêm một bậc, đồng thời cũng giúp cho Ôn Chủy Vũ hiểu rõ hơn về nhu cầu của các khách hàng đối với tranh vẽ, hơn nữa, phòng tranh đã thu hồi được vốn, phương diện tài chính cũng dần thoải mái hơn trước.

Đấu giá thành công, tất nhiên là phải ăn mừng một phen, trước tiên là thưởng cho bộ phận marketing vì đã vất vả trong khoảng thời gian gần đây, tiếp theo là để cho nhân viên thấy được tiền đồ phát triển, có thể an tâm tiếp tục cống hiến nhiều hơn.

Ôn Chủy Vũ không mấy thích việc tiệc tùng xã giao cho nên những loại chuyện như mời khách dùng cơm đành phải bỏ qua, thay vào đó cô đã sắp xếp bộ phận hậu cần mua một lượng lớn vật phẩm thiết yếu làm quà thưởng phát cho mọi người, sau đó lại dựa vào công lao đóng góp của từng bộ phận và cá nhân mà thưởng thêm tiền mặt.

Mặc dù phiên đấu giá mùa thu diễn ra suôn sẻ, nhưng những việc cần phải làm sau khi hội đấu giá kết thúc cũng đủ khiến cô đầu tắt mặt tối mất mấy hôm, trong những ngày này, Diệp Linh luôn đều đặn đến cửa tìm cô ăn chực.

Cô bận rộn, công việc nhiều, mỗi ngày đều bị Diệp Linh cướp đi nửa phần cơm, nên thường tới ba giờ chiều là cô lại đói.

Cô thật sự cạn lời với Diệp Linh.

Chẳng lẽ Diệp Linh không thấy cô bị giành mất cơm, ăn không được no hay sao?

Ôn Chủy Vũ vẫn không nhờ Tôn Uyển lấy thêm cơm, cô muốn xem xem Diệp Linh có thể xin ăn của cô đến bao giờ.

Cô không tin, ngay cả cô còn không được no thì cái người chạy tới chạy lui cả ngày kia có thể không đói được sao? Mỗi sáng Diệp Linh đều không có mặt ở đây, buổi chiều cũng vậy, chỉ có buổi trưa đến giờ cơm thì nàng ta xuất hiện rất đúng giờ.

Buổi trưa, phần cơm Tôn Uyển đưa tới không chỉ nhiều mà còn mang thêm một món.

Diệp Linh trông thấy lượng cơm tăng lên thành phần ăn dành cho hai người, đồ ăn cũng lấy nhiều hơn, khóe miệng hơi nhoẻn lên, vui sướng nhìn Ôn Chủy Vũ.

Ôn Chủy Vũ "ơ" một tiếng, hỏi: "Dì Tôn, sao lại thêm món vậy?"

Tôn Uyển nói: "Lão tiên sinh nói dạo gần đây trông cô gầy quá, lo lắng cô làm việc mệt mỏi nên kêu tôi mang thêm đồ ăn cho cô."

Ôn Chũy Vũ hiểu ra, ông nội thấy cô ốm đói bèn thêm món cho cô, Tôn Uyển cũng lấy cơm nhiều hơn, kết quả, quá hời cho Diệp Linh.

Chẳng qua chuyện về phần cơm trưa cô cũng không nói thêm gì nữa, sau đó chỉ im lặng ngồi ăn.

Cô và Diệp Linh ăn xong, nhưng Diệp Linh lại không có ý muốn rời đi.

Diệp Linh không muốn đi, cô đành phải tiếp đãi, Ôn Chủy Vũ không còn cách nào khác ngoài việc đứng dậy đi pha trà.

Diệp Linh nhấp một chút trà, mới hỏi Ôn Chủy Vũ: "Khi nào mới bắt đầu hội đấu giá mùa đông?"

Ôn Chủy Vũ: "..." hội đấu giá mùa đông?

Diệp Linh từ tốn nói một câu: "Tết chính là dịp để tặng quà mừng năm mới."

Ôn Chủy Vũ lúc này mới hiểu ra, trong lòng nhanh chóng suy tính, cô nói: "Dựa vào chỗ tranh hiện có, những bức đủ điều kiện lên sàn cộng lại cũng không đủ mở một phiên đấu giá, có lẽ phải đặt thêm tranh.

Mấy họa sĩ có tiếng trong vùng vừa mới giúp phòng tranh của chúng ta hoàn thành xong một đợt tranh, cách chưa đầy ba tháng lại tìm họ đặt thêm đợt mới để mở đấu giá, e là không hợp lý."

Diệp Linh hỏi: "Vốn của phòng tranh còn đủ không?"

Tiền vốn vừa mới thu hồi, tất nhiên là đủ.

Ôn Chủy Vũ gật đầu, đứng dậy cầm lấy sổ kế toán đưa cho Diệp Linh.

Diệp Linh là cổ đông lớn nhất nên nàng ta có quyền kiểm tra sổ sách.

Trên phương diện kinh doanh, Ôn Chủy Vũ tự nhận mình yếu kém, cho dù cô có thúc ngựa đuổi theo thì cũng không tài nào bắt kịp tầm nhìn của Diệp Linh, chỉ một câu nói cũng đủ sức bỏ xa cô tám trăm dặm, cho nên để Diệp Linh nắm rõ tình hình kinh doanh của phòng tranh, đối với cô và Côn Luân Họa Thất mà nói, đều là chuyện tốt.

Diệp Linh cúi đầu từ từ lật sổ kế toán, sổ sách được làm theo quy chuẩn, ghi chép tỉ mỉ, chẳng may chi cục thuế có đến kiểm tra thì cũng không thể tìm ra bất kỳ sai sót nào.

Khóe miệng Diệp Linh lặng lẽ nhếch lên một cái rồi nhanh chóng trở về vị trí cũ.

Ôn Chủy Vũ trông thấy sự biến hóa lướt qua khóe môi Diệp Linh, cô dám khẳng định lúc ấy Diệp Linh đang cười.

Còn cười về chuyện gì, cô thật sự không biết.

Cười vì kiếm được tiền? Số tiền phòng tranh vừa mới kiếm được còn cách mức hoà vốn một khoảng rất lớn, nhiều nhất cũng chỉ có thể nói dựa vào tình hình kinh doanh trước mắt có thể thấy được phòng tranh đang trên đà phát triển tương đối ổn định mà thôi.

Diệp Linh mang sổ sách trả lại cho Ôn Chủy Vũ, nói: "Tôi thấy dạo này Ôn tổng khá bận, chắc cũng không có thời gian đi đặt tranh với em, vừa hay gần đây tôi hơi ít việc, nếu Chủy Vũ không chê, tôi có thể đi cùng em."

Ôn Chủy Vũ suy nghĩ một hồi mới đáp: "Nếu như mở thêm một phiên đấu giá trước tết, về mặt thời gian, e rằng có hơi gấp rút.

Về phần quy mô, thì sẽ tổ chức sẽ như thế nào? Nếu lấy đợt đấu giá vừa rồi ra làm thước đo thì đầu tiên, chúng ta phải tìm đến những họa sĩ nổi tiếng ở tỉnh khác để đặt tranh.

Lần này rất khó đặt tranh ở trong vùng, không chỉ khó đặt tranh mà thời gian chuẩn bị cũng gian nan.

Còn có, một hạng mục lớn như thế, tuy rằng vốn liếng đủ để chúng ta xoay sở nhưng vẫn phải nói với Lê Lê...!à không, Ôn tổng.

Cần ba người chúng ta bàn bạc mới được."

Diệp Linh gật đầu nói: "Bàn bạc một chút rồi lập kế hoạch vẫn tốt hơn." Nàng ta hỏi Ôn Chủy Vũ: "Việc trao đổi và đề xuất hoạch mất khoảng mấy ngày?"

Ôn Chũy Vũ không nói được.

Lần trước, việc đặt tranh và mở hội đấu giá đều do Ôn Lê và ông Ôn đứng bên cạnh chỉ bảo cho cô, nhờ mọi người giúp đỡ nên mới có thể thành công tốt đẹp.

Tuy Ôn Lê có thể dành thời gian để dạy cô một lần nhưng cô không thể lần nào cũng tìm đến Ôn Lê.

Nếu Ôn Chủy Vũ đi đặt tranh ở tỉnh khác, càng không thể trông chờ người ta vì nể mặt ông nội mà nhận vẽ tranh cho cô, hết thảy, đều phải tự dựa vào sức của mình...

Ôn Chủy Vũ nghĩ đến đây, đột nhiên nhớ tới vừa rồi Diệp Linh nói sẽ đi cùng cô, lập tức hiểu hết mọi chuyện.

Diệp Linh thấu rõ hoàn cảnh của cô, bởi vì lo lắng cho nên mới muốn đi cùng cô sao?

- ------------------

Chú thích:

(1) Nhặt ngói (nguyên văn 拣瓦): Nghề cũ ở Trung Quốc.

Chỉ công việc kiểm tra, tu sửa, chóng dột cho các nhà mái ngói.

(2) Thước: Đơn vị đo chiều dài cổ, một thước bằng 1/3 mét..

Truyện Chữ Hay