Liên Minh Tuổi 15

phần 1

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Tôi đang chơi bài "Điệu Pavane cho nàng Công chúa đã chết"[note22246] trong phòng âm nhạc thì cánh cửa bỗng nhiên đùng đùng mở ra, và một cậu học sinh cao lớn xông vào.

"Ông bạn có phải là Kitazawa?"

Cậu ta hất hàm về phía tôi với giọng hợm hĩnh.

Tôi không nói gì, chỉ gật đầu.

"Tôi có một việc muốn nhờ. Ông quay phim trận đấu ngày mai đi."

Cái cách mà cậu ta nói không giống nhờ mà giống một yêu cầu hơn. Tôi biết cậu ta: Hanege Tetsuya, ngôi sao của tổ bóng chày. Cậu ta sở hữu đôi gò má nổi bật và bề ngoài có phần chững chạc.

"Phòng âm nhạc có một cái máy quay đúng không nhỉ?"

"Ờ, có đấy."

"Tôi có sự cho phép của cô Miyasaka rồi. Cô bảo tôi là ông bạn biết cách dùng. Trận đấu ngày mai rất quan trọng, nên giúp tôi nhá?"

"Ngày mai tôi có việc rồi."

"Việc như nào?"

"Tôi có buổi học cảm âm ngày mai."

"Ồ?"

Mắt môi cậu ta tròn xoe lại. Trong một khoảnh khắc, một vẻ trẻ con đặc biệt thoáng qua trên nét mặt ấy, khi đó trông cậu ta giống vai của mình hơn - một học sinh cấp hai.

"Cái 'buổi học cảm âm' gì gì đó là gì?"

"Nó là lớp âm nhạc. Thứ bảy nào tôi cũng học."

"Thế thì, ông hủy một buổi không được à?"

Cậu ta nói điềm nhiên. Dám cá tính cậu ta không quan tâm đến tiểu tiết cho lắm.

"Không được."

Khi tôi nói vậy, ánh mắt của Tetsuya đang nhìn thẳng vào tôi bỗng trở nên rất khẩn thiết.

"Làm ơn đi. Đây không đơn giản chỉ là một trận đấu. Mạng sống của một con người phụ thuộc vào nó đấy."

"Một mạng sống? Ý ông là sao?"

"Tôi sẽ giải thích kỹ hơn sau, thôi nào, tôi xin ông đấy."

Cách nói của cậu ta thoải mái, nhưng trong tông giọng và điệu bộ lại ẩn chứa sự thiết tha. Không biết hoàn cảnh thế nào, nhưng thâm tâm tôi cảm thấy cậu ta đang thật lòng khi nói rằng "đây không đơn giản chỉ là một trận đấu." Tôi tự hỏi, "mạng sống" của người nào đang phụ thuộc vào trận đấu này vậy?

Tôi nghe nói từ hồi tiểu học, Tetsuya đã tham gia vào giải Thiếu niên Toàn Quốc. Ở trường tôi, cậu ta cực kỳ nổi tiếng. Tôi còn thấy bảo là tuyển trạch viên của các trường tư thục cấp ba có tên trong Koshien thường niên đều đến xem cậu ta tập luyện. Đó cũng là một người rất được bọn con gái mến mộ.

Có điều cậu ta lại không học cùng lớp với tôi, nên tôi không biết về cậu ta nhiều hơn so với trên.. Tôi luôn nghĩ rằng cậu ta chắc cũng chỉ là một thằng mất dạy tự cao điển hình.

Cái vẻ nghiêm túc khi cậu ta nói "xin ông đấy" trông cũng không tệ lắm.

"Thôi được, tôi sẽ không đi học vậy."

Sau khi đã chuẩn bị xong những dụng cụ và vật liệu cần thiết như pin và giá ba chân, tôi rời khỏi phòng nhạc.

Lời nói của Tetsuya về một "mạng sống" đang nguy cấp đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí của tôi.

Trên đường đi xuống những bậc thang ở trường, đột nhiên tôi cảm thấy lồng ngực thắt lại đến mức khó thở. Tưởng như cơn hen đã đeo bám tôi suốt thời thơ ấu đến giờ lại tái phát. Tôi mở cánh cửa sổ ở đầu cầu thang và hít một hơi thật sâu.

Những chuyện của ngày chủ nhật hai tuần trước bắn xẹt qua trí nhớ.

Sau buổi học piano, tôi lên một chuyến tàu đi ngược lại hướng về nhà. Ở ga chuyển tiếp của khu ngoại ô, tôi đổi qua một đoàn tàu khác, và sau đó đi lên một chuyến xe buýt ở ngoài nhà ga, rồi dừng chân ở một khu đồi cao thoai thoải, nơi đồng ruộng, nhà ở và nhà máy đan xen lẫn nhau.

Đây đã là lần thứ ba tôi xuống xe ở đây.

Lần đầu mới đến còn chưa quen lối, nhưng nhờ đọc đi đọc lại bài viết đăng trên báo và tạp chí ra hàng tuần, tôi nhận ra ngay tòa chung cư được xây cho nhân viên mà mình đang tìm kiếm. Tòa nhà mười bốn tầng nằm sừng sững đằng sau một khu tập thể bốn tầng. Đứng dựa vào tay vịn trên thang thoát hiểm trên tầng thứ mười ba, tôi nhìn xuống mặt đất.

Đầu gối tôi bủn rủn; tôi gần như không thở nổi. Tôi vội vàng lùi khỏi cầu thang và trở lại thang máy để xuống tầng một, từ đó đi thẳng ra bến xe buýt.

Đến lần thứ hai, tôi đã cảm thấy thoải mái hơn một chút. Tôi có thể nhìn thật rõ bức tường ở đầu cầu thang - nơi những dòng chữ viết như một lời nhắn tự tử được nguệch ngoạc lên bằng bút viết bảng, cùng chiếc hộp cứu hỏa dùng thay cho cái bục. Trên đường về, tôi dừng chân tại ngôi trường tiểu học mà cậu bé đã theo học, ngoài ra còn đi qua con đường đến trường và vào trong khu chợ tại nơi đó. Nhập vai vào cậu bé đó, tôi quan sát hết tất cả những cảnh vật mà cậu hẳn đã thấy. Cậu bé đã tự tử khi còn đang học lớp năm. Lý do chính thức được đưa ra là cậu đã bị giáo viên trách mắng. Có một bài báo dài được đăng lên về vụ xì-căng-đan này kể rằng thầy giáo đó đã gọi cậu tới phòng giáo viên, nhưng cậu đã bỏ về không chịu gặp thầy và đi tới nhà một người quen.

Những bài thơ và tác phẩm của cậu bé đó đã được đăng lên một tuần san. Cậu là một thằng nhóc thông minh hơn so với lứa tuổi của mình. Cái tính ông cụ non của cậu đã bị thầy giáo phê bình. Dường như cậu bé đã tỏ thái độ "có cố gắng cũng chỉ phí thời gian" trong khi thầy giáo thì luôn rao giảng về giá trị của việc luôn nỗ lực hết sức có thể. Trong những tác phẩm được công bố, cậu bé đã viết rằng những thứ như "công bằng" và "lý tưởng" chỉ là những hứa hẹn của người lớn, và thực tế là chính bản thân họ còn chẳng tin vào những thứ như vậy.

Khi đọc được bài báo, tôi cũng đang học lớp năm.

Tôi thấy mình cũng hiểu được ít nhiều cảm xúc của cậu ta.

Lần thứ hai tới tòa chung cư này, tôi đã đi một vòng xung quanh, nên khung cảnh của những con đường và góc phố đã khắc sâu vào trí nhớ, thành thử lần này khi bước xuống trạm xe buýt, bỗng nhiên tôi bị vây bọc bởi một cảm giác xốn xang cay đắng đến kỳ lạ. Có cảm giác như tôi đang trở lại nơi mình sinh ra. Con đường ở đây chỉ có một chiều với một vạch vàng chia ở giữa. Những cửa hiệu xếp thành hàng hai bên. Có rất nhiều khoảnh đất trống, nên đây chưa thành một khu thương mại, song vẫn là một địa điểm rất nhộn nhịp của khu vực này; ngay lúc bạn vừa thấy một cửa hàng thực phẩm nông thôn đã cũ, bên cạnh nó sẽ là một biển hiệu cửa hàng tạp hóa mới tinh. Cơn gió bụi mù thổi dọc qua phố phường lộn nhộn.

Nếu bước ra khỏi trục đường chính, con đường bê tông chật hẹp trông như một con đường quê đã cũ vừa được lát lại sẽ tiếp nối. Hình như đây là lối ngắn nhất từ trạm xe buýt tới khu dân cư, nên cũng có kha khá người đang đi lại. Một cậu học sinh tiểu học mặc quần soóc đang bước đi ngay trước mặt tôi. Một cậu học sinh cấp hai với bộ khuy vàng cũng vừa đi ngang.

Mặc dù trường cấp hai của tôi là trường công, đồng phục trường vẫn là áo blazer. Trong nội đô, đó là trang phục thường thấy của học sinh cấp hai. Xung quanh đây, cả trường công lẫn tư đều có đồng phục với khuy vàng tương tự nhau.

Những ngôi nhà dân cũng chưa phải cổ xưa gì lắm, nhưng những bức tường đã xám xịt cả, và tôi có thể thấy những dấu hiệu của những vết nứt đã được trát lại. Rãnh nước có những vệt lốm đốm đen do chất thải đọng lại.

Tôi đi lên thang máy và hướng tới tầng mười ba. Khi ra đến hành lang, cơn gió mạnh hơn rất nhiều so với dưới đất táp vào má tôi. Bầu trời xanh trải rộng trước mắt và lấp kín tầm nhìn. Đằng sau những khu đồi thoai thoải là dãy núi Tanzawa lờ mờ trong sương. Cậu bé đã chết có lẽ đã dành những ngày trong đời ngắm nhìn rặng núi đó.

Tôi đi qua những cánh cửa cách nhau rất đều. Bên trái và bên phải cửa ra vào có hai ô cửa sổ, một cái nhỏ và một cái to hơn một chút được làm bằng kính mờ. Điểm khác biệt duy nhất giữa những căn hộ là bộ điều hòa có thể được thấy qua cửa sổ, một số nhà có, một số nhà không; ngoài ra thì mọi căn nhìn từ bên ngoài đều trông giống nhau.

Đây không phải là tầng mà cậu bé đã sống, mà là tầng tám của tòa nhà này. Song theo như tôi đọc được, gia đình cậu bé đã chuyển đi ít lâu sau cái chết của cậu. Cha cậu bé là một doanh nhân đã tốt nghiệp đại học, mẹ cậu bé đi làm thêm bên ngoài, cũng có cả một cô em gái nữa. Một gia đình như bao gia đình khác.

Ở cuối dãy hành lang là cầu thang thoát hiểm. Gió càng mạnh hơn rõ rệt ở đây.

Tôi dừng lại ngay trước bức tường đầu cầu thang.

Trên đó, là dòng chữ được nguệch ngoạc bằng bút viết bảng:

-

Dù có gắng gượng trong đời,

Mọi người

Rồi cũng sẽ chết cả mà thôi!

Đồ ngu!

-

Tôi chăm chú nhìn bức tường đã ngả màu tro, dường như dòng chữ bằng bút dạ đang trồi ra khỏi mặt tường. Không biết câu "đồ ngu" là hướng đến ai nhỉ. Người thầy giáo đã phê bình cậu hay là tới toàn thể xã hội?

"Đồ ngu"...

Tôi thử lẩm bẩm câu đó trong cổ họng.

Đồ ngu, đồ ngu, đồ ngu…

Ngày hôm đó, bất chấp cơn gió cắt thịt, tôi đứng nguyên đó một lúc lâu và ngắm nhìn những thứ như bầu trời, rặng núi, và thỉnh thoảng là, mặt đất bên dưới.

Cứ khi nào bắt đầu cảm thấy nhức buốt trong cổ họng và lồng ngực, tôi nén nỗi đau lại.

Cảnh vật từ nửa tháng trước và cảnh vật trước mặt bây giờ gối chồng lên nhau. Ngay phía dưới thang thoát hiểm là một đường đi bộ lát bê tông. Sân trường trung học mà tôi đang nhìn xuống được bao quanh bởi những thảm hoa mọc trên những mô đất xốp. Vì chỗ tôi đang đứng là đầu cầu thang nằm giữa tầng thứ hai và tầng thứ ba, nên kể cả nếu có ngã từ đây xuống thì chắc cũng không gây chết người. Dù thế đi nữa, chỉ cần nhìn xuống bên dưới, tôi đã cảm thấy hơi thở nông đi nhiều, người co lại theo bản năng.

Đồ ngu…

Lúc tôi lẩm bẩm như thế, cái từ “mạng sống” mà Tetsuya đã nói lại trồi lên trong đầu. Có thể đằng sau câu nói của cậu ta cũng không mang ý nghĩa gì sâu xa. Có thể chỉ là cách để cậu ta bày tỏ rằng mình là một người cống hiến cuộc đời mình vào bóng chày, dồn toàn bộ sức lực vào từng cú ném.

Nhưng ánh mắt cậu ta rất nghiêm túc khi nói ra câu ấy, giống như chúng đang phát ra những tia sáng vậy…

Tôi rời khu lớp học và hướng về phía cổng trước. Tôi có thể nghe thấy tiếng hò reo hào hứng của bọn cầu thủ bóng chày trên sân, nghe thấy âm thanh cao vút của tiếng chày kim loại va vào quả bóng.

Tôi không có tí đam mê nào với bóng chày, biết rất ít tên cầu thủ chuyên nghiệp. Từ trước đến nay, kể cả nếu đội bóng có đang tập tôi cũng chẳng thèm nhìn một cái. Ấy vậy mà bây giờ, trước khi kịp nhận ra, tôi đã bắt đầu tiến về phía khán đài sau vị trí bắt bóng.

Bởi vì lũ con gái đang bâu lấy hàng rào, nên tôi tưởng người ném bóng đang là Tetsuya, nhưng đứng trên mô đất ném lại là một cầu thủ dự bị nhỏ con. Về phần Tetsuya, cậu ta đang đứng trong ô đập bóng.

Trong bộ đồng phục trường, cậu ta trông có vẻ khẳng khiu, nhưng bộ quần áo thi đấu này mới cho thấy thân hình cậu ta rất cơ bắp và rắn chắc.

Mặc dù đây chỉ là đánh tập thay vì thi đấu nghiêm túc, nhưng những cú vung chày của Tetsuya vẫn khiến cho bóng bay vượt qua đầu các cầu thủ đang đứng ở rìa sân ngoài. Có vài quả bay vào hàng rào kẽm, nhưng phần lớn đều vượt qua đến tận bức tường nhà thể chất. Một cầu thủ có nhiệm vụ nhặt bóng đang đứng gần đó.

"Tetsuyaaaaa!"

Lũ con gái đồng loạt la lên.

Miệng Tetsuya tròn vo như kiểu đang nói “Ố ồ?”, đồng thời cậu ta quay người lại. Thế là bọn con gái cũng ré lên đầy thích thú. À, nghe giống hét hơn là ré.

Không hiểu tại sao, nhưng có cảm giác như tim tôi vừa dừng lại trong tích tắc. Không phải là vì bị giật mình bởi tiếng hò reo của mấy đứa con gái, mà là vì Tetsuya đã nhìn sang hướng này thì đúng hơn.

Không biết cậu ta có nhận ra tôi đang đứng đây không.

Mà sao tôi lại ở đây nhỉ; ngay cả tôi cũng thấy kỳ lạ khi thấy mình đang đứng cùng với bọn con gái đằng sau tấm lưới chắn.

Ngôi trường cấp hai nằm cạnh đường cao tốc của thành phố. Nhà tôi nằm ở phía đối diện, nên ngay lập tức sau khi ra khỏi cổng là tôi đi xuống dưới hầm sang đường. Do những ngôi nhà nằm thành hàng bên cạnh con đường, nên tiếng xe cộ nhanh chóng dịu bớt sau khi đi bộ được một đoạn.

Tôi trèo lên ngọn đồi hẹp, đi được nửa chừng thì sẽ bắt gặp một lối đi của tư gia còn hẹp hơn nữa.

Ở cuối lối đi đó là ngôi nhà của tôi.

Chiếc Canari ED trắng của mẹ đang đỗ trước cửa.

Chiếc nhà xây-để-bán này có một gara kiêm tầng hầm, nhưng vì nó đã được chuyển đổi thành một căn phòng có cửa sổ để những lớp học piano có thể diễn ra, nên chiếc xe luôn luôn nằm chắn ngang trên con đường hẹp trước cửa nhà.

Trên mảnh đất rộng 40 tsubo là một ngôi nhà hai tầng. Nếu nhìn từ dưới lên, nó sẽ trông như có ba tầng. Một ngôi nhà xinh đẹp lát gạch trắng. Nhưng gần đây, những căn nhà xây sẵn với phong cách y hệt đã mọc lên khắp nơi xung quanh. Hầu hết những căn nhà được chào bán trên các tờ rơi kẹp giữa những tờ báo cũng được lát gạch trắng hoặc màu be.

Bốn năm trước, khi tôi còn học lớp năm, chúng tôi đã chuyển tới căn nhà này, thế nhưng tôi vẫn chưa thể ưa nổi nơi đây. Căn hộ hai phòng ngủ bằng gỗ trước đây vẫn có cảm giác như là nhà hơn. Ở đó, kỷ niệm suốt từ thời thơ ấu thấm đọng trong từng xăng ti mét không gian.

Tôi trèo lên những bậc thang bê tông và tiến vào cửa chính, mở khóa điện tử bằng một dãy ký tự bí mật. Không có ai trong nhà. Vào mỗi thứ ba, thứ năm và thứ bảy một người giúp việc sẽ đến nhà chúng tôi, nhưng hôm nay là thứ sáu.

Tôi có thể nghe thấy tiếng piano bên dưới. Hàng ngày, từ tối đến đêm, hết đám học sinh này đến đám học sinh khác lại đến để tham dự bài học của họ. Họ sẽ để lại một phong bì có chứa tiền trên nắp của cây đại dương cầm. Mặc dù còn phụ thuộc vào độ tuổi học sinh, nhưng học phí mà mẹ tôi bắt đóng cao hơn rất nhiều so với giáo viên mà tôi đang theo học.

Tôi dỏng tai lên để lắng nghe âm thanh dưới nhà.

Đó là bài "Tempest" của Beethoven. Người chơi đàn đang chơi với phong cách có phần chậm rãi và nữ tính, hệt như theo hướng dẫn. Nhịp độ rất chính xác, cường độ được đặt vào đúng chỗ mà họ đã được dạy.

Nhưng... chỉ có thế.

Chơi một bản nhạc theo cách này... không phải là Beethoven.

Mẹ tôi đề cao sự chuẩn chỉ trong nhịp độ hơn hết thảy. Mẹ ưa chuộng cách chơi máy móc và không biểu đạt. Tất cả học sinh của mẹ chơi đều giống hệt nhau.

Tôi đi lên phòng mình trên tầng hai và thở dài.

Sau khi lên đến đây, tiếng piano dưới nhà khó còn có thể nghe thấy được.

Bởi ngôi nhà được xây trên một con dốc, nên khung cảnh trên tầng hai khá đẹp. Giữa những ngôi nhà xếp sát cạnh nhau, tôi có thể trông thấy con đường cao tốc trải rộng theo đường chân trời. Tôi có thể thấy những làn xe cho ô tô và xe tải. Hướng đi nam tiến dường như đang có dấu hiệu tắc đường. Trục đường hướng về thành phố đang trôi chậm rãi, nhưng vì âm thanh đã bị chặn lại bởi những khung cửa sổ thép, nên tôi không thể nghe được tiếng động bên ngoài. Có cảm giác như tôi đang theo dõi một bộ phim câm.

Căn phòng bên cạnh là của đứa em trai Kousuke. Vì nó đi học ở một trường cấp hai tư thục cách nhà khá xa, nên phải đến sát giờ ăn tối nó mới về. Sự bình lặng này sẽ kéo dài thêm khoảng một tiếng nữa.

Tôi ngồi xuống trước cây đàn piano điện tử, đeo tai nghe lên. Tôi chỉnh cài đặt âm thanh sang đàn cembalo và bắt đầu chơi bài “Fugue” của Bach. Có một chiếc piano trong phòng khách dưới nhà, nhưng tôi không được phép chơi ở đó khi có lớp học đang diễn ra. Những phím đàn của cây piano điện tử có cảm giác quá nhẹ, làm tôi không cảm thấy là mình đang thực sự chơi đàn. Những ngón tay tôi bắt đầu lướt trên các phím theo một cách rất tự nhiên, và âm thanh nổi lên như bong bóng xà phòng.

Mẹ tôi sẽ chỉ xuất hiện trong bữa ăn tối. Sau khi nhét xong đống đĩa vào máy rửa bát, bà lại đi xuống phòng dạy nhạc.

Còn về phần Kousuke, để có thể hoàn thành được đống bài tập khổng lồ bị giao cho mỗi ngày, thằng bé luôn nhốt mình trong phòng.

Năm nay tôi đã lên lớp chín, nên đáng ra tôi phải chuẩn bị thi vào cấp ba mới phải, nhưng tôi không tài nào tập trung nổi, để đến cuối cùng, tôi lại ngồi xuống trước cây đàn piano điện một lần nữa.

-

Mọi người

Rồi cũng sẽ chết cả mà thôi.

-

Tôi có thể nghe thấy ai đó lẩm bẩm. Mấy từ này lặp đi lặp lại trong tai nghe của tôi, theo nhịp điệu của bài “Fugue”.

Trận đấu được tổ chức tại sân bóng chày của hạt. Mất khoảng ba mươi phút để đi xe buýt từ trường tới đó.

Tổ bóng chày đã đi trước tới sân trên một chiếc xe khách mini đi thuê. Còn tôi đi tới đó bằng một chiếc xe buýt bình thường với chiếc máy quay phim trên tay sau khi tiết thứ tư kết thúc. Đám học sinh nữ cũng đang vội vàng tới đó để cổ vũ cho đội tuyển của trường, nên trên xe đầy nhóc người.

Có một đứa cũng học cùng lớp với tôi trên chuyến xe đó, và nó tò mò hỏi: “Kitazawa, cậu cũng đi xem bóng sao?” Tôi trả lời nửa vời rằng “có thể nói là như vậy.”

Tôi không thực sự giỏi cư xử với bọn con gái lắm. Mỗi khi trò chuyện, tôi thường có thói quen nói lắp, và thường xuyên bị trêu chọc bởi điều đó khi lớn lên. Đặc biệt là sau những năm cuối của cấp một, khi bọn con gái cao lên quá mức cần thiết, và thái độ của chúng cũng vậy. Gần đây tôi cũng đã lớn thêm vài phân rồi nên không có lý do gì phải sợ nữa, nhưng kể cả bây giờ, tôi vẫn tìm cách né tránh con gái nhiều nhất có thể.

Ngay cả là trên đường tới sân bóng từ bến xe buýt, tôi vẫn giữ một khoảng cách với hội nữ sinh.

Nắng mặt trời chiếu hừng hực xuống mặt đất đen của sân bóng. Họ đang kết thúc bài tập trước trận. Trong lúc đang dựng cái giá ba chân ở trước hàng ghế đầu, Tetsuya chạy đến chỗ tôi.

Mấy đám học sinh nữ đứng gần đó ré lên.

Tetsuya tảng lờ chúng và thì thầm với tôi:

“Ông bạn chỉ cần quay mỗi tôi thôi.”

“Thế lúc tỉ số thay đổi không phải quay à?”

“Ông thấy thế nào hay thì làm. Mà dù sao thì, cứ đưa ống kính về phía tôi là kiểu gì chả theo dõi được điểm số.”

“Không phải đây là để quay phim cho trường sao? Ông định để cho ai xem vậy?”

“Tôi sẽ giải thích sau, nhưng bây giờ thì cứ quay mỗi tôi thôi, được chứ?”

Khi Tetsuya quay lưng lại để quay về băng ghế của đội, mấy đứa con gái đang đứng sau lũy nhà cổ vũ cho cậu ta bằng cách đồng thanh hô vang “Tetsuyaaa ơiiiii! Cố lênn!” Tetsuya đáp lại bằng một cái vẫy nhẹ. Rồi đột nhiên, cậu ta lùi lại chỗ tôi.

“Đừng quay khán giả đấy. Tập trung về phía sân bóng thôi.”

Cậu ta nhấn mạnh với một gương mặt trông rất nghiêm trọng.

“Hiểu chưa? Đừng để bất kỳ đứa con gái nào lọt vào đoạn phim.”

>> ⚾ ⚾ ⚾ <<

Trận đấu bắt đầu.

Đội đối thủ được đánh trước. Qua lăng kính của chiếc máy quay, tôi dõi theo Tetsuya, người đang đứng trên mô đất ném bóng. Sau khi tiếng hô khai cuộc đã được tuyên bố, Tetsuya trao đổi mật hiệu với người bắt bóng trong lúc xoay tròn quả bóng trong tay trước khi thực hiện cú ném đầu tiên.

Lúc tôi phóng to lên, trên lăng kính, đôi mắt của cậu ta đang lấp láy.

Hẳn cũng giống như cách tôi khoan khoái cảm nhận từng phím đàn mỗi ngày, cậu ta cũng đang cảm nhận trái bóng trong tay…

Với cánh tay thả lỏng, cậu ta ném cú bóng đầu tiên. Quả bóng hướng thẳng tới góc trong. Tay đập đầu của đối thủ dường như đã nhắm vào góc ngoài ngay từ đầu, bởi vừa phải lùi lại để tránh bóng.

Cú bóng thứ hai được ném vào góc trên phía ngoài. Quả bóng bay thẳng vào găng với một tiếng bộp. Bóng đi sát nút. “Strike!” – trọng tài chính hô lên. Nó đáng ra đã đúng với ý của tay đập đội bạn, nhưng quả đường bóng có vẻ như đã vượt khỏi tầm gậy.

Cú ném thứ ba là một đường bóng sít sao đi ngay chóc giữa. Đối phương vung chày như thể chỉ muốn đập cho trúng; tuy nhiên, cậu ta căn thời gian hụt và thậm chí còn không đập sượt qua quả bóng.

Strikeout. Những tiếng reo hò nổ ra trên khán đài.

Mặc dù không có đội hoạt náo viên chính thức nào, nhưng trên khán đài vẫn có kha khá học sinh nữ tụ tập.

Tetsuya không mảy may đến những tiếng hò reo ấy, tiếp tục xoay xoay quả bóng trong tay.

Tay đập thứ hai cầm cây gậy rất sát người. Tư thế của tên đó khá lạ, như thể chỉ muốn gảy bóng. Thế nhưng, cậu ta không tài nào nhắm trúng tâm quả bóng, để hai cú ném đầu tiên lăn về hướng lũy 1 và trở thành bóng lỗi. Cú ném thứ ba đặc biệt nhanh, khiến cho tay đập chỉ có thể đứng ngẩn tò te nhìn chính mình bị loại.

Tetsuya chỉ ném bóng thẳng. Đối với tôi, như thể cậu ta vốn đã không coi trọng đối thủ. Dù là một đội bóng cùng hạt, nhưng hình như họ không mạnh lắm.

Tay đập thứ ba vung chày quá chậm, kết cục là cú đập đưa bóng bay thẳng lên trời. Cầu thủ catcher của đội nhà mất dấu trái bóng trong một khoảnh khắc và suýt nữa thì bắt hụt. Tetsuya quát về phía người đồng đội đã ngã chổng kềnh lên mặt đất gần như ngay sau khi tóm được quả bóng.

Catcher tên là Funabashi, học cùng lớp với tôi. Hắn không cao như Tetsuya, nhưng được cái to con cùng một thần thái hằm hằm khiến người ta phải sợ. Hắn cũng là đầu sỏ của bọn học sinh quậy phá, luôn bước đi với vẻ khệnh khạng trên sân trường. Nhưng trên sân bóng, hình thể to phạc của hắn trông thật kềnh càng, cách di chuyển chậm rề rề.

Còn Tetsuya, người đang quát tháo tên đầu sỏ cá biệt ấy, trông thật ấn tượng.

Trong nửa sau hiệp một, hai cầu thủ đội nhà đã bị loại dễ dàng. Những cú ném của pitcher đội bạn chậm đến nỗi không đáng xách dép cho Tetsuya, nhưng các tay đập của đội cậu cũng chẳng giỏi giang gì.

Người thứ ba là Higashiyama, thi đấu ở vị trí shortstop. Đây cũng là thành viên của đội điền kinh, trong quá khứ còn là quán quân chạy 100m của tỉnh.

Tôi nghĩ rằng cậu ta chắc cũng phải khá hơn tay đập trước, thế mà cú vung chày của cậu ta chỉ đưa bóng đập đất.

Nhưng bởi vì chốt ba của đội bạn thu hồi bóng quá chậm, cộng thêm cú ném không chuẩn xác tới lũy một, nên Higashiyama đã về được đến nơi vừa kịp lúc.

Tay đập thứ tư là Tetsuya.

Trước khi bước vào ô đập bóng, cậu ta liếc chừng về phía tôi. À không…không phải về phía tôi, mà là về phía người sẽ xem đoạn phim này; có thể là cậu ta đang gửi một lời nhắn tới người đó.

Cậu bước vào vị trí và vung nhẹ cái chày trước khi quay người về phía tay ném và đứng yên. Sự tự tin toát ra trên từng lỗ chân lông trên người cậu ta.

Những ngôi trường khác cũng thuộc nằm lòng tên của cậu. Có lẽ tay ném kia cũng bị Tetsuya làm cho mất bình tĩnh, vì hai pha ném đầu hoàn toàn đi trật. Tay đập tiếp theo là tên trùm cá biệt, nên cũng không hy vọng gì.

Nhưng dường như tay ném cũng không có ý định “thả” Tetsuya, vì dù cú ném thứ ba không chính xác, nó vẫn nằm trong tầm vung gậy.

Cú đánh nhằm đến ngay chóc đầu của cầu thủ cánh trái, rất có lực, nên bóng vừa vặn bay vọt qua chiếc găng và qua đầu cầu thủ đội bạn, mặc dù lúc đầu trông cậu ta có vẻ như sẽ bắt được nó.

Đôi chân thần tốc Higashiyama phóng thẳng về lũy nhà không hề do dự, trong khi đó Tetsuya tới được lũy hai.

Tiếng hoan hô vang lên từ khán đài. Bọn con gái thét lên đầy sung sướng. Tetsuya không cố gắng khoe khoang bằng cách đấm vào không khí hay gì cả, chỉ đứng nguyên trên lũy như thể đánh trúng quả đó là điều đương nhiên.

Kể cả khi Funabashi đã tiến vào ô đập bóng, sự náo động vẫn chưa lắng xuống.

Tôi không rõ là có phải vì tình thế của trận đấu khiến cho hắn hứng khởi, nhưng tên này đang khua khoắng loạn xạ cái chày trong tay. Xét mấy cú đánh tập thì khó mà tưởng tượng nổi là hắn có thể đập trúng quả bóng. Nhưng khi đối phương ném quả bóng đầu tiên, tư thế của Funabashi thay đổi. Hắn cho thấy kỹ năng đập bóng điêu luyện và đưa quả bóng bay về phía cánh phải.

Tetsuya chạy được về lũy nhà, còn Funabashi lựa lúc quả bóng đang lăn trên vùng sân ngoài để nhắm tới lũy hai, nhưng hắn không chạy tới kịp.

Tuy lượt tấn công đã thay đổi, nhưng hai điểm mà đội nhà có được trong hiệp một có thể coi như đã dập tắt hoàn toàn cơ hội lật ngược tình thế của đội bạn.

Tiếp đó cả ba cầu thủ của đối phương đều đánh hụt liền một mạch.

Cũng phải nói rằng, đội của Tetsuya cũng chẳng khá hơn là mấy, hầu như tất cả các tay đập không phải chủ lực đều chẳng đập nổi quả nào tử tế. Nhưng lượt đánh của Tetsuya càng lúc càng gần, và nó gây áp lực kha khá lên pitcher đối phương.

Với hai cầu thủ bị loại vào cuối hiệp ba, Higashiyama bước vào vị trí. Pitcher kia đã trở nên sốt ruột trông thấy về Tetsuya, người đánh kế tiếp, nên cậu ta đặt thừa lực vào cú ném của mình và không thể ném trúng đích. Rốt cục, Higashiyama được quyền walk tới lũy một.

Tetsuya chậm rãi tiến tới ô đập bóng. Tay pitcher tránh ánh mắt cậu ta và thở rất sâu.

Giống như lần đầu đập bóng, cậu ta cũng vung chày nhẹ một cái trước khi đối mặt với đối thủ.

Cú ném đầu tiên đi vào góc trong với một quỹ đạo dễ đoán. Tiếng bóng chạm vào chày nghe rõ mồn một khắp không gian trong lúc quả bóng bay vọt lên trời.

Tôi không thể theo kịp tốc độ của quả bóng qua lăng kính của chiếc máy quay phim, nên quyết định tập trung vào cầu thủ cánh trái đang chạy về đằng sau để cố gắng bắt lấy quả bóng, nhưng nó bay thẳng qua đầu cậu ta.

Tôi phóng máy quay ngược lại về phía Tetsuya đang chạy một vòng quanh các lũy. Cậu ta đang không mỉm cười, cúi đầu thấp trong lúc chạy qua lũy nhà. Dường như cậu ta đang tỏ ra khiêm tốn, thật bất ngờ làm sao.

Guồng ném bóng của cậu ta cũng đang đạt mức tối đa. Hầu hết những pha đánh trúng suýt soát của đối phương đều đi chưa tới sân ngoài, và bởi vì đội cậu đang dẫn trước đối phương số điểm rất lớn, nên đó không phải là mối nguy hại gì. Cậu tiếp tục ném những đường bóng điện xẹt một cách không thương tiếc, cố gắng strike out tay đập đối phương.

Khi đội nhà xoay tua đến lần thứ ba, lượt đánh bắt đầu với Tetsuya. Đối thủ đã đổi sang một cầu thủ ném bóng chìm, nhưng bởi vì ngay từ đầu tên này đã sợ Tetsuya, nên không một lần ném được trúng đích. Tetsuya phi thẳng tới lũy một.

Ngay sau đó cú đập ngược lại của Funabashi dẫn tới một pha loại kép. Tetsuya đi thẳng về băng ghế đội nhà, không tỏ vẻ khó chịu gì về phía Funabashi.

Lần thứ tư cũng là lúc cơ hội lớn nhất của cậu ta tới. Sau pha loại strike out đầu tiên, cú đánh đập đất về phía lũy một của tay đập thứ hai bị đối phương xử lý lỗi. Higashiyama sau đó gảy bóng thành công, và hai lũy đầu tiên đã bị chiếm.

Tetsuya hiện lên trên lăng kính máy quay trông lo âu ra mặt. Đội họ đang dẫn trước bốn điểm, đáng ra cậu ta phải không cảm thấy áp lực mới đúng. Nhưng không giống như ba lần trước đó, Tetsuya đang cho thấy sự nghi ngại. Trong lúc tiến về vị trí, cậu ta mất kha khá thời gian để chuyển trọng tâm giữa hai chân. Kể cả trong cách giơ chày, sự căng thẳng vẫn hiển hiện trên hai vai của cậu ta.

Tay ném dự bị vào tư thế và ném một đường bóng vòng cung nhắm vào góc. Pha ném đầu là một cú ném liệng ra ngoài cực kỳ tinh tế và chính xác.

Cây chày của Tetsuya chuyển động nhẹ.

Trọng tài cho rằng đó là ball. Catcher, trong sự thất vọng, giữ lại quả bóng trong găng một hồi lâu. Ánh mắt của Tetsuya giữ nguyên về hướng chiếc găng, và hành động này đã xác nhận sự hồi hộp của cậu ta.

Cho đến lúc này, cậu ta đã không thèm liếc mắt đến nửa giây vào những cú ném không đáng chú ý. Chưa từng một lần cậu ta quay lại để nhìn catcher đội bạn.

Tetsuya thả tay phải ra để quẹt mồ hôi lên sườn đồng phục.

Cú ném thứ hai đi cao và thẳng. Cú đập làm cho vai và cổ của cậu ta giật mạnh. Quả bóng bắn về phía cánh trái, nhưng mất đà giữa chừng và đi sang khu vực bóng lỗi. Một đám mây cát nảy lên và bị gió lốc đi.

Tetsuya hít một hơi sâu. Cậu bước ra ngoài ô đập bóng và vung thử chày hai lần, rồi lại hít sâu thêm phát nữa.

Cú ném thứ ba đi theo đường vòng cung xuống sát đất. Cậu ta hạ thấp vai phải trong lúc căn thời gian để vung chày.

Một tiếng động khô khốc vang lên, cú đập lỗi đưa quả bóng lăn về phía catcher. Tetsuya dõi theo đường đi của nó, và trong một thoáng, không rời mắt khỏi nó.

Catcher nhặt nó lên, quẳng về phía cầu thủ ném bóng. Trong lúc đó, Tetsuya liếc về phía tôi. Cậu nhìn vào ống kính máy quay với một vẻ mặt không thoải mái. Bỗng cậu ta vung tay vào không khí để ra một tín hiệu không lời. Một nụ cười xuất hiện trên gương mặt cậu.

Sự căng thẳng biến mất khỏi cơ thể Tetsuya, và sự bình thản tự tin trong buổi tập đã quay lại. Đến lượt tay ném để lộ sự lo âu khi tên đó nhấp nhổm hết lần này đến lần khác trên mô đất.

Pitcher đội bạn ra dấu bắt đầu. Tetsuya chuẩn bị sẵn sàng để đập bóng, trông cực kỳ quyết đoán. Quả bóng bay vào vùng hợp lệ như thể đang bị phù phép.

Trong khoảnh khắc tiếp theo, nó bay vào không trung kèm với một tiếng keng vang vọng trên bầu trời.

>> ⚾ ⚾ ⚾ <<

“Ngày mai ông bạn có thời gian không?”

Sau trận đấu, Tetsuya phi về phía tôi và hỏi câu này.

Chủ nhật hàng tuần tôi có lớp học piano, nhưng đến trưa là kết thúc.

“Nếu là chiều thì có rảnh,” tôi trả lời.

“Ông có biết trung tâm chăm sóc sức khỏe đa khoa ở Shinmachi không?”

“Chưa vào bao giờ, nhưng tôi biết.”

“Hai giờ chiều ở trước cổng chính. Mang theo đoạn phim ngày hôm nay.”

Sau câu nói đó, Tetsuya rút lui về phía băng ghế đội bóng mà không thèm đợi tôi trả lời. Tôi nghĩ: thật là một tên vị kỷ.

Nếu là trung tâm chăm sóc sức khỏe đó thì hôm nào đi học piano về tôi cũng qua. Đó là một bệnh viện lớn, đồng thời kiêm luôn là viện nghiên cứu của một trường đại học.

Chỉ cần giết chút thời gian trước cửa nhà ga tư nhân là tôi sẽ đến được bệnh viện vào đúng hai giờ.

Tôi nhận ra là nếu đã suy nghĩ đến bước này, hẳn là tôi đã quyết định rằng sẽ tới bệnh viện rồi. Dù bị cuốn vào sự hống hách của cậu ta, kỳ lạ thay, tôi lại không thấy có vấn đề gì cả.

Bên cạnh đó, tôi tò mò về người đang nằm trong viện…

Tôi nhìn về phía Tetsuya, người đang đứng dọn dẹp dụng cụ ở trước băng ghế. Trên khán đài gần đó, khoảng hai chục học sinh nữ đã tụ tập lại và hú hét lộn xộn. Họ đều là fan của Tetsuya.

“Đừng để bất kỳ đứa con gái nào lọt vào đoạn phim.”

Gương mặt nghiêm túc của Tetsuya khi cậu ta nói câu này xẹt qua tâm trí tôi.

Tôi giết thời gian ở hiệu sách trước ga tàu, rồi lên xe buýt khi đã chắc chắn rằng mình sẽ không tới quá sớm.

Tôi xuống ở bến xe nằm ngay trước trung tâm chăm sóc sức khỏe.

Mặc dù đã đồng ý sẽ gặp cậu ta ở cửa chính, Tetsuya lại đang đứng chờ ở cổng vào.

“Muộn thế,” cậu ta nói có hơi chút khó chịu.

Tôi nhìn xuống đồng hồ.

“Vẫn sớm năm phút mà.”

“Tôi đã chờ được mười lăm phút rồi đấy.”

Đây là loại người chỉ quan tâm đến những thứ phù hợp với lợi ích của bản thân.

Bệnh viện này là một nơi rộng rãi với khu vườn choán một khoảng khá rộng đằng trước. Tôi đi bên cạnh cậu ta trong lúc bước về lối cửa ra vào.

“Ông bạn mang theo đoạn phim không đấy?”

“Ừ, tôi có, nhưng ông có đầu đọc VCR không?”

“Bệnh viện sẽ cho tôi mượn một cái. Nhưng mà vụ cài đặt ông phải làm hết đấy. Tôi không giỏi mấy thứ đó lắm.”

Có thể vì đó là chủ nhật, nên phòng chờ ngoại trú vắng tanh. Chúng tôi đi tới một khu bệnh xá nằm ở tít tận sau cùng. Sau khi ra khỏi dãy hành lang ngoằn ngoèo như mê cung, cả hai đi vào trong một tòa nhà cũ đầy mùi ẩm thấp.

Trên đường, chúng tôi gặp một vài nữ y tá trẻ. Có vẻ như Tetsuya quen thân với nhiều người, bởi đi qua ai cậu ta đều gật đầu chào, và họ cũng đáp lại bằng một nụ cười. Thậm chí một số còn cười khúc khích nữa. Từ những gì tôi trông thấy, rõ ràng là ở đây cậu ta cũng được yêu thích như khi ở trường.

Chúng tôi bước vào trong một thang máy cũ kĩ có tiếng nhạc ma quái và đi lên tầng ba, ở đó ngay trước mặt là một quầy y tá.

Tất thảy bọn họ đồng loạt quay về hướng này. Tất thảy đều đang cười. Hầu hết đều còn trẻ, nhưng có một người trông nhiều tuổi hơn chút xíu và mang phong thái điềm đạm hơn. Người y tá này trông có vẻ hiền lành và có học thức. Chiếc biển tên đề “Izumi.”

Chị ấy hỏi Tetsuya, “Thế nào, đội em thắng không?”

“Dĩ nhiên rồi,” cậu ta trả lời. “Thắng bảy điểm không gỡ và có mười bốn strikeout.”

“Còn đập bóng thì sao?”

“Đánh ba trúng cả ba, hai homerun và ghi sáu điểm.”

“Ấn tượng nhỉ.”

“Đối thủ là đội cùng hạt nên kiểu gì bọn em chả thắng. Trận tuần tới mới khó.”

“Đội bạn mạnh thế cơ à?”

“Họ đang đặt mục tiêu vô địch toàn quốc.”

“Nhưng em vẫn tự tin là đội mình sẽ giành chiến thắng?”

“Thua là cái chắc; thế nên em mới quay lại trận hôm qua chứ.”

“Ồ, vậy có đem theo băng đến đây không?”

“Em không giỏi mấy món công nghệ lắm, nên có đem theo một tay pờ-rô đi cùng với em đây. Đây cũng chính là người đã quay trận đấu hôm qua.”

Sau khi nói xong, cậu ta quay về phía tôi.

Người y tá cũng vậy.

Tôi bèn gật đầu chào.

“Thế thì chị sẽ chỉ cho bọn em kho chứa dụng cụ.”

Chị Izumi bắt đầu bước đi thoăn thoắt dọc hành lang. Nửa chừng, chị ngoái lại nhìn tôi và hỏi, “Em tên là gì?”

“Kitazawa… Kitazawa Ryouichi.”

“Em là bạn cùng lớp với Hanege à?”

“Bọn em không cùng lớp, nhưng cùng khối.”

“Thế chắc cũng là bạn của Naomi nhỉ?”

“Naomi…?”

Tiếng tôi lạc đi về phía cuối, nhân lúc ấy Tetsuya chen vào, “cậu ta không biết gì đâu.”

Cậu ta nói với giọng lạnh băng.

Bệnh viện luôn mang một mùi rất riêng biệt.

Ngay khi bước vào, mùi thuốc khử trùng nồng nặc sẽ lập tức xộc lên mũi; nhưng không phải chỉ có mỗi vậy. Nét mặt của các bệnh nhân, y tá và người đến thăm đi ngang qua, tư thế của họ, những cuộc trao đổi thì thầm… tất thảy đều góp phần tạo nên thứ không khí lạnh lẽo, ngột ngạt.

Thứ mùi của bệnh tật… hoặc bạn cũng có thể gọi đó là thứ mùi của cái chết.

Tôi không biết nhiều về nơi được gọi là bệnh viện này.

Trước đây khi bệnh hen của tôi vẫn còn trầm trọng, tôi đã đến khám một vài lần, thế nhưng chưa từng đi quá phòng tư vấn ngoại trú.

Đây là lần đầu tôi đi tới khu vực này.

Không rõ do khu nhà đã cũ kỹ hoặc đây là một nơi nằm khuất trong một khu vực mà bệnh nhân ngoại trú không được phép lui tới, nhưng từ phòng chờ đã thấy khác; không khí ngập tràn mùi hơi nước.

Lúc người y tá mở cửa nhà kho, luồng khí ẩm ùa đến bám dính vào da chúng tôi. Cũng chưa chắc là do độ ẩm trong nhà kho cao hơn so với phần còn lại của khu nhà. Bởi đây là nơi họ cất giữ những trang thiết bị quý giá, nên có lẽ họ đã để điều hòa, nhưng tôi vẫn không thể không cảm thấy một sức nặng khó lòng diễn tả trong không khí.

Trong không gian chật chội, vô vàn những chiếc máy được xếp kế bên nhau. Tôi không biết công dụng của hầu hết trong số đó, nhưng vẫn đoán chúng là máy kích nhịp, thiết bị duy trì sự sống và những thứ khác được sử dụng cho những bệnh nhân đang trên bờ vực của cái chết. Những cái ống trong suốt được gắn vào một cái máy to đùng vài mét về phía trước. Có một chiếc máy trông có vẻ phức tạp gợi nhắc tôi về một bộ xương với những chiếc bơm tự động và máy biến điện hiển thị bên ngoài. Thậm chí còn có một thiết bị mà tôi đã thấy trên TV dùng để cho biết nhịp tim của một bệnh nhân. Dù cái đầu đĩa VCR có lạc loài khi đặt bên cạnh những máy móc thiết bị này, nó vẫn nằm lù lù ở đó.

Chúng tôi khuân cái đầu đĩa VCR cổ lỗ nặng trịch lên một cái xe đẩy và lăn nó qua trạm y tá tới khu phòng bệnh ở đầu bên kia khu nhà. Hàng lang có hơi chút không bằng phẳng, nên chiếc xe tạo ra những tiếng lạch xạch trong lúc đi tới điểm cần đến.

Những khung cửa to xếp thành hàng ở một bên của dãy hành lang dài. Một cảnh tượng mà tôi nhớ là đã từng thấy trước đó. Trong một giấc mơ cũ, tôi có cảm giác mình đã từng đi dọc chính hành lang này. Tôi vẫn còn nhớ sự khó thở, do không chắc chắn về thứ đang nằm chờ đợi ở cuối hành lang…

Tetsuya đột nhiên dừng lại. Cậu ta gõ nhẹ lên một cánh cửa và xông vào mà không đợi người bên trong hồi đáp.

“Ê!” cậu cất lời.

Bởi vì cậu ta đang đứng chắn ngay trước cánh cửa đang mở hé, nên tôi không thể trông thấy bên trong căn phòng.

“Tôi mang băng đến rồi đây, như đã nói nhé.”

Tôi nghe được câu trả lời từ bên trong căn phòng.

“Ông có chắc chắn là quay rõ không thế?”

Đó là giọng nữ.

“Không biết, vì tôi cũng chưa được xem nữa. Nhưng tôi có mang người đã quay nó tới đây, nên có gì không ổn thì tên này sẽ là người chịu trận. Ê, đi vào đi chứ.”

Tetsuya quay về phía tôi và nói như thế.

Tôi đẩy chiếc xe và bước vào bên trong căn phòng.

Nó rộng rãi hơn là tôi tưởng, và chiếc giường thì nằm ngay trung tâm. Từ khung cửa sổ với những thanh chắn đen bằng sắt, một tia nắng dịu nhẹ đi lọt vào căn phòng.

Người con gái đang ngồi trên giường trải ga trắng ngắm tôi tò mò. Tôi có thể cảm nhận đôi mắt to đang hướng về phía mình. Cách mà cô ấy soi xét gương mặt tôi có hơi bất lịch sự.

Không rõ có phải do căn bệnh đang mang trong người hay không mà khuôn mặt và cổ của cô ấy gần như mang một màu trắng nhờ.

Cung cách bạo dạn và đôi mắt long lanh đầy sức sống thì lại khá giống Tetsuya.

Tôi làm thinh. Trong đầu tôi thậm chí chẳng nghĩ đến chuyện phải nói một câu chào; nó hoàn toàn trống rỗng.

Khóe mắt cô nheo lại khi cười.

“Tet ơi, giới thiệu đi!”

Cô nói rồi ngước về phía Tetsuya; theo giọng điệu ấy, rõ ràng là họ thân nhau. Mặt Tetsuya lộ vẻ chua chát trong lúc quay sang phía tôi.

“Này, ông bạn biết tự nói tên chứ hả?”

Luống cuống, tôi nói, “M-mình là Kitazawa… Kitazawa Ryouichi.”

“Còn mình là Naomi. Uehara Naomi.”

Thâm tâm tôi chợt nghĩ: “Ồ, không phải là chị em gì cả.” Cũng khoảnh khắc đó, tôi nhận ra có một phần trong tôi đã thầm hy vọng hai người là anh chị em.

Naomi tiếp tục, “mình đã biết Tec từ hồi học cùng lớp mẫu giáo.”

“Bọn tôi biết nhau từ cả trước đó nữa,” cậu ta xen vào.

“Hê, không nhớ nha.”

Naomi nhướn mày với Tetsuya. Đối với hai người không phải ruột thịt, sự gần gũi khó lý giải trong cái cách họ nhìn nhau là hết sức rõ ràng.

“Cậu muốn mình kết nối cái này với TV không?”

Tôi hỏi với một giọng hơi to. Việc của tôi là chiếu cuộn băng. Trong trường hợp nào thì tôi cũng cần phải thực hiện cho xong nhiệm vụ đó.

“Được thôi, nhờ cậu nhé.”

Có một chiếc TV mini đặt trên chiếc kệ cạnh giường. Tôi bật nó lên và chỉnh lại tông màu cùng độ tương phản, tháo cuộn dây ra và cài đặt ăng ten, hoàn toàn tập trung vào công việc. Bởi cái đầu VCR đã cũ nên có một vài nút bấm tôi không nhận ra, và cuối cùng để mọi thứ sẵn sàng thì lại mất thời gian lâu hơn dự kiến. Hai người họ lặng lẽ quan sát trong lúc tôi lần mò với đống dây dợ.

Khi tôi đã chuẩn bị xong hết thảy, Naomi ngồi thẳng dậy trên giường với sự giúp đỡ của Tetsuya.

Tôi bắt đầu cho băng chạy.

Tràng tạp âm nhỏ dần và màn hình biến thành màu trắng trước khi cảnh quay nhòe màu của khán đài dần hiện ra.

“Hả? Cái quái gì đây?” Tetsuya cao giọng.

“Sao không thấy tôi đâu hết vậy!”

Tôi giải thích: “Vì là đoạn mở đầu nên tôi đã cố tình phơi sáng cảnh quay như vậy.”

Rõ ràng là cậu ta không hiểu ý tôi.

“Là cái quái gì? Thôi nói mấy câu vô nghĩa đó đi.”

“Tet, ngậm mồm vào mà xem.” Naomi rít lên.

Camera từ từ thu nhỏ lại, sân bóng bắt đầu hiện lên trước ống kính. Âm lượng tăng lên, tiếng hò reo của đám đông có thể được nghe thấy từ đằng sau.

“Ê! Tôi kìa!”

Giọng Tetsuya có vẻ hài lòng.

Ở chính giữa màn hình là Tetsuya, người đang tập ném trên mô đất. Tôi liếc về phía Naomi. Cô hoàn toàn chăm chú lên màn hình với một sự tò mò như trẻ con.

Trong một khoảnh khắc, ánh mắt tôi quay ra phía cửa sổ.

Vì căn phòng này nằm trên tầng ba, cộng thêm một tòa nhà khác nằm ngay cạnh nên không có nhiều ánh sáng lọt vào. Kể cả vậy thì, qua khe hẹp giữa hai khu nhà, tôi có thể nhìn thấy bầu trời xanh. Hẳn cô cũng nhìn về phía bầu trời này mỗi ngày.

Khi quay mắt lại về màn hình TV, nửa hiệp đấu thứ nhất đã gần kết thúc. Tay đập thứ ba đập lên trời. Catcher Funabashi mất thăng bằng và suýt chút nữa làm rơi quả bóng.

“Ối, làm thế mà được sao!”

Naomi la lên. Giọng cô ấy sống động và đầy sinh khí.

Không biết căn bệnh mà cô đang gặp phải là gì.

Nửa hai của hiệp một bắt đầu.

Sau hai lượt loại, Higashiyama, tay đập thứ ba đến được lũy một bằng một cú đập sân trong. Tetsuya, người đập tiếp theo, đánh quả bóng bay qua đầu của cầu thủ cánh trái.

“Hay quá!”

Tiếng hô cao vút của cô vang vọng khắp căn phòng.

Thật lòng mà nói, tôi cảm thấy hơi ghen tỵ với Tetsuya, và bất ngờ vì mình đã cảm thấy thế. Vì khi đứng ở sân để quay trận đấu, tôi chẳng cảm thấy gì.

Trận đấu tiếp diễn, Tetsuya lại một lần nữa tiến tới ô đập bóng. Ở lũy một đang có người.

“Này, quả tiếp theo có phải là home run không?” Naomi hỏi.

“Cứ im lặng mà xem.”

Tetsuya làu bàu trả lời. Lần đập thứ hai của cậu ta đúng thật là một cú home run. Nhưng không có một cú vung tay ăn mừng, mắt cậu ta dán chặt xuống đất trong lúc chạy vòng qua các lũy. Hành động này không đúng lắm với cậu ta, đặc biệt là sau khi đập được home run.

Ở lần đập thứ ba của cậu, cô cũng lại hỏi một câu y hệt: “Này, lần này cũng là home run à?”

“Cứ xem đi.”

Đường bóng của pitcher đội bạn thiếu đi sự gọn ghẽ, nhưng khi cậu ta đập nó thành bóng lỗi, cô trông không thể thất vọng hơn, cất tiếng thở dài thườn thượt.

“Chán quá đi.”

Không có lời bình luận nào từ phía Tetsuya.

Vì muốn để trận đấu kéo dài trong chỉ một cuộn băng nên tôi đã cắt xén rất nhiều đoạn trong nửa sau của trận đấu, do vậy mà chẳng mấy chốc đã đến phiên đập thứ tư của Tetsuya. Lũy một và lũy hai đều có người.

“Này, thế lần này thì sao?”

Cô sốt ruột hỏi với đôi mắt lấp lánh.

Cậu ta không trả lời.

“Này này. Kết quả như nào thế?”

Cô quay ánh mắt sang tôi như muốn tôi trả lời, nhưng vì Tetsuya không chịu nói nên đời nào tôi dám hé răng.

Lần đập này, Tetsuya đã hồi hộp bởi vì đây sẽ là lần đập cuối cùng của cậu. Nếu xét cả thực lực của tay ném đối thủ nữa thì có lẽ một cú home run thôi là chưa đủ thỏa mãn. Tetsuya hiện lên trên màn hình trông căng thẳng, chân nhấp nhấp, tay miết mãi vào bộ đồng phục.

Sau cú ném đầu, cậu đã đánh lỗi hai lần. Cú đập sượt thứ hai vụng về đến nỗi khó mà tin được Tetsuya là người đang đứng đánh.

Dường như sự tự tin của cậu đã xẹp đi kha khá trong lúc cậu nhìn chằm chằm về phía quả bóng.

Đột nhiên, cậu ta quay về phía màn hình.

“Tet ơi cố lên!” Naomi hét lên.

Tựa hồ Tetsuya trên TV đã nghe thấy giọng của cô ấy, bởi cậu ta nở nụ cười và giơ tay về phía camera. Khoảnh khắc tiếp theo, cậu ta như thể đã lấy lại được sự tự tin, đứng gằn mặt với tay ném đội bạn.

Tôi tua lại cuộn băng và lấy nó ra khỏi đầu VCR.

Nhiệm vụ của tôi đã hoàn thành.

Ngay cả khi khung cảnh cuối cùng của trận đấu đã biến mất trên màn hình, sự phấn khích của trận đấu vẫn còn đầy dư vị trong căn phòng.

“Thế nhé, tôi đi đây.”

Tôi vừa nói vừa rút phích cuộn dây, không muốn làm gián đoạn không khí thân mật của bọn họ thêm nữa.

“Ủa!” cô quay về phía tôi như thể ngạc nhiên lắm, có vẻ muốn nói gì đó.

Tetsuya nói với cái giọng hớn hở, “À, được thôi. Cảm ơn nhé.”

Vì đã nghỉ lớp cảm âm hôm qua để quay lại trận đấu nên tôi đã mong cậu ta cho thêm chút cảm xúc vào lời cảm ơn của mình; nhưng tính cậu ta là vậy.

“Muốn tôi trả lại cái đầu VCR luôn không?”

“Ông bạn biết kho đồ ở đâu chứ?”

“Biết.”

Lúc tôi quay gót đi ra, Naomi cất lời “Cám ơn cậu nhé, Kitazawa."

Mặc dù ngắn gọn, nhưng tôi thấy được sự chân thành.

Tôi thấy Izumi đã quay về trạm y tá, bèn tới hỏi xem chị ấy có thể mở cửa nhà kho được không.

“Em là bạn của Hanegi à?”

Chị Izumi hỏi sau tôi đã trả chiếc đầu VCR về chỗ của nó rồi quay trở ra khỏi nhà kho.

Tôi không biết nên trả lời thế nào khác ngoài, “Cũng không thật sự là như thế ạ.”

“Ồ, phải không đó?”

“Bạn ấy nhờ em quay băng trận đấu, có thế thôi.”

“Nó nhờ mặc dù hai đứa không phải là bạn bè ấy hở?”

“Vâng.”

“Ôi chao. Thế thì em quả thực tốt bụng khi đã đồng ý đấy.”

“Ơ, không hẳn là như vậy đâu ạ…”

Tôi lí nhí; không phải lòng tốt là thứ đã thôi thúc tôi hành động. Nhưng cùng lúc đó, giờ nghĩ lại tôi mới thấy không rõ tại sao mình lại đi tới trận đấu như cậu ta đã yêu cầu, đã thế lại còn thò mặt tới bệnh viện vào hôm nay. Nhưng tôi không hối tiếc vì đã tới.

Lúc từ biệt, tôi mở miệng định nói gì đó, nhưng rồi lại thôi.

“Chuyện gì thế?” chị hỏi.

“Không có gì ạ.”

Sự thật là, tôi muốn hỏi tại sao Naomi lại ở trong bệnh viện, và cơ hội để cô ấy được ra viện là bao nhiêu.

Có một phần trong tôi sợ nghe được câu trả lời cho những câu hỏi đó.

Tôi có thể nghe thấy âm thanh piano khẽ khàng đang phát ra từ lớp học dưới tầng hầm. Bản nhạc không mấy quen thuộc, nhưng có lẽ nó là một bài nằm trong danh sách “kỹ thuật tập luyện siêu đẳng” của mẹ. Những ngón tay của người nhạc công đang nhẹ lướt trên những phím đàn. Đó có thể là một nam sinh hoặc nữ sinh đại học mà mẹ tôi đang dạy. Bởi đây là một trong những học trò của mẹ, nên cũng không có gì ngạc nhiên khi đó là một màn trình diễn đã chạm đến ngưỡng như sách vở với sự chính xác của nó. Duy chỉ có điều…cách chơi không có chút cảm xúc nào. Nếu được chơi, có thể tôi sẽ đặt nhiều cảm xúc hơn vào bản nhạc…

Tôi vẫn chưa hề chơi một bài nào trong danh sách đó. Giáo viên dạy piano từng nói rằng ngón tay của tôi quá ngắn để chơi chúng. Ở kỳ khám sức khỏe thường niên của trường, chiều cao của tôi thấp hơn cả chiều cao trung bình của bọn con gái bằng tuổi, nhưng so với năm ngoái, tôi đã cao lên hơn mười xăng ti mét. Nên là bây giờ, tôi khá tự tin rằng độ dài ngón tay của mình đã dài bằng, nếu không nói là hơn, của giáo viên và của mẹ tôi.

Tôi cũng có thể nghe thấy tiếng đài stereo phát ra từ tầng hai. Kousuke đang nghe nhạc của Mahler. Em tôi có một cái CD “Mahler trọn bộ”. Vốn nó vẫn cho máy CD chạy lặp, và nó sẽ nghe nhạc của Mahler từ sáng tới đêm.

Có một vài cái bánh xăng-uých còn thừa từ trưa nằm trên bàn ăn. Tôi nhớ mình đã bỏ bữa vào hôm đó.

Tôi nhét chút sữa vào lò vi sóng, chờ nóng lên xong xuôi thì bỏ thêm cà phê decaf uống liền vào cốc. Hai món xăng-uých cá thu và xăng-uých rau được tôi ăn mỗi món một lát bánh. Bài hát của Mahler trên tầng hai đang chạm tới một quãng cao ngất.

Tôi không hâm mộ Mahler. Tôi cảm thấy nhạc của ông có hơi chút cường điệu. Không hiểu sao nó có thể giải toán trong lúc nghe thứ âm nhạc như thế.

Kousuke tham gia vào câu lạc bộ tennis ở trường. Do đã tốn hầu hết thời gian cho tập luyện tennis và di chuyển từ trường về nhà và từ nhà đến trường, nên nó chủ yếu dành thời gian lúc ở nhà để học.

Tôi muốn được chơi trên chiếc piano điện của mình, nhưng không có tâm trạng đi lên tầng hai để mà chịu đựng âm nhạc của Mahler.

Tôi ngồi xuống chiếc piano đứng đặt trong phòng khách. Bởi vì lớp học đang diễn ra dưới nhà nên tôi không thể chơi nhạc thật. Có ba chiếc bàn đạp, và tôi dẫm lên cái ở giữa để chặn âm thanh lại. Khi chiếc bàn đạp này được nhấn xuống, một tấm vải nỉ sẽ ép lên dây đàn, giữ cho dây khỏi rung và phát ra tiếng. Tôi bắt đầu chơi “Điệu Pavane cho nàng công chúa đã chết” của Ravel.

Tôi có thể nghe tiếng chiếc búa gỗ nện lên hàng dây thép. Song chỉ có một tiếng cạch khô khốc, những sợi dây không rung lên. Âm phát ra rất khẽ, như tiếng của một chiếc hộp nhạc, từng hợp âm của điệu nhạc vang lên rõ ràng trong tai tôi.

Trong lúc chơi, tôi cảm thấy một sức nóng thấu xương chạy dọc cơ thể. Nó ngột ngạt, nhưng lạ kỳ thay, không hề khó chịu. Tôi cảm thấy bình yên khi được bao bọc trong thứ giai điệu êm dịu và trang nhã ấy.

Khi những nốt nhạc cuối cùng kết thúc, tôi giật nảy người bởi tiếng vỗ tay. Kousuke đã bước vào phòng và ngồi trên sô-pha phòng khách từ bao giờ. Dù là em nhưng nó cao hơn tôi. Nước da bánh mật, cộng thêm khuôn mặt rắn rỏi, đây là một người lý trí lạnh lùng chỉ quan tâm tới những con số, và Mahler.

“Anh cảm động đến phát khóc với cách chơi của chính mình sao?”

Nó nói với một giọng chế nhạo. Chắc nó mới nhận ra tôi đã trở nên chìm đắm vào bản nhạc.

“Đúng thế đấy,” tôi trả lời.

Còn gì để nói nữa đâu. Mặc dù là anh em, nhưng còn khuya chúng tôi mới có thể đồng cảm.

Tôi đang chơi mấy bài của Bach trong phòng nhạc vào buổi trưa thì cô Miyasaka bước vào.

“Em chơi Bach hay hơn cô nhiều.” Cô mỉm cười.

Tôi được phép chơi piano trong phòng nhạc bất cứ khi nào tôi muốn. Cô Miyasaka đã là giáo viên của tôi từ hồi học lớp 8, biết về mẹ của tôi, và còn biết cả việc tôi đang giấu mẹ chuyện sẽ thi thử vào một nhạc viện.

“Em có đang tập gam nhạc không thế?”

Tôi dừng chơi nhạc của Bach và chuyển qua đánh một vài gam.

“Ồ! Đánh có lực đấy. Cho cô xem ngón tay nào.”

Tôi xòe tay ra, cô so chúng với ngón của chính mình.

“A, ngón tay em dài hơn của cô rồi! Có thế chứ!”

Cô Miyasaka có vóc người nhỏ, trông trẻ hơn so với tuổi, và kể từ khi cắt tóc ngắn, cô trông giống một học sinh cấp ba hơn là một giáo viên.

Nhưng kể cả vậy, khi chúng tôi so độ dài ngón tay vào năm ngoái, của cô dài hơn kha khá so với của tôi.

“Có một vài nghệ sĩ dương cầm chuyên nghiệp cũng có tay như cô thôi, nên bây giờ chắc em có thể chơi bất kỳ bài nào mà mình muốn rồi.”

Tôi nhìn xuống đôi tay của chính mình. Lớn lên với người em trai phổng phao lên theo từng phút, tôi không thực sự nhận ra được việc mình cũng đang dần cao hơn. Đúng là việc chơi các gam nhạc hiện đã trở nên dễ dàng hơn trông thấy so với trong quá khứ.

“Hanegi từ câu lạc bộ bóng chày có đến nhờ em đi quay băng trận đấu không? Em có đi không thế?”

“Có ạ.”

“Trận đấu ra sao?”

“Đội mình thắng.”

“Thật sao?”

Sau một thoáng, cô hỏi “Thế em đã làm gì với cuộn băng? Em có đưa cho ai xem không?”

“Hôm chủ nhật, em đã tới một bệnh viện.”

“Cô cũng nghe Hanegi kể lại một chút… một người bạn của cậu ấy giờ đang nằm trong viện nhỉ?”

“Vâng, đúng thế ạ.”

“Cô có nghe nói rằng đó là một căn bệnh trầm trọng…”

“Em không biết chi tiết đâu…”

Naomi là một người tràn đầy năng lượng. Cô ấy đã tự mình ngồi thẳng dậy trên giường để xem trận đấu. Nhưng rồi tôi nhớ tới câu nói “Mạng sống của một người đang phụ thuộc vào trận đấu này.”

“Em thấy bạn ấy cũng khỏe mạnh đấy chứ.”

Khi tôi nói vậy, cô Miyasaka mỉm cười.

“Thế hả? Nghe vậy cũng yên tâm.”

Cô cúi xuống và thủ thỉ một cách bỡn cợt, “Hanegi không đề cập gì, nhưng cô cá đó là một bạn gái hả?”

“Vâng.”

“Bạn ấy dễ thương chứ?”

“…vâng.”

Không biết tại sao, nhưng trước khi đưa ra câu trả lời, tôi thấy mình thoáng lưỡng lự.

Truyện Chữ Hay