PHẦN MỘT: NGƯỜI NGHE GIÓ
Cầm tấm giấy thông hành đặc biệt do Thủ trưởng cấp, chuyến đi bí mật của tôi được ưu ái và trọng thị chưa từng có, hoàn thành công việc như mong muốn, được mọi người kính nể.
Chỉ có một việc khiến tôi không thỏa mãn đó là số phận không chiều lòng người.
Đúng vậy, tôi có giấy thông hành thần bí, nhưng không có số phận thần bí.
------------------------------------------------------------------------------------
Câu chuyện Bỉnh mù là do ông Tiền, Thủ trưởng đơn vị , và cũng là người đồng hương, kể cho tôi nghe. Đây là câu chuyện đầu tiên về đơn vị mà tôi được biết. Lúc kể chuyện này với tôi, ông vẫn chưa rời chức vụ và tất nhiên vẫn là con người của bí mật. Hơn nữa, hồi ấy chưa có Ngày Giải mật, thậm chí đến nay ông vẫn chưa có trong danh sách giải mật. Theo thông lệ, thời gian giải mật của người đứng đầu đơn vị thường phải trên dưới mười năm sau khi rời vị trí tính ra, sang năm ông mới đến thời điểm giải mật. Cho nên chuyện liên quan đến ông tôi biết rất ít, nếu có cũng không dám nói ra. Đây không phải bạo gan hay nhát gan mà là vấn đề thường gặp. Con người ta phạm phải sai lầm cơ bản không gọi là bạo gan, mà là ngu xuẩn.
Vậy thì ông có dám kể chuyện của Bỉnh mù cho tôi trước khi có quyết định về Ngày Giải mật không? Hình như lúc bấy giờ ông đã biết sắp có Ngày Giải mật, hơn nữa, Bỉnh phải là một trong những người đứng đầu danh sách giải mật. Sự thật là thế. Điều ấy gọi là “nghệ thuật bạo gan”. Ông bạo gan ở vị trí cao - đứng cao, nhìn xa. Lúc ấy ông đứng trên tất cả mọi người trong đơn vị , biết trước những điều bí mật cũng là chuyện bình thường. Nhưng theo tôi, đấy không phải là lí do để ông quyết định vội vã kể chuyện Bỉnh mù với tôi, mà có thể có hai lí do: Thứ nhất, ông là người trực tiếp biết chuyện, tất nhiên cũng có quyền thuật lại; thứ hai, tôi ngờ rằng, ông băn khoăn với số phận đầy rẫy bất hạnh của mình, lo sẽ có ngày nào đấy nói đi là đi, nên ông cho rằng cứ nói trước sẽ tốt hơn. Về sau, quả nhiên ông “nói đi là đi”, một buổi tối như mọi, ông gọi điện cho ai đó để ôn chuyện cũ, rồi đi ngủ, cứ thế ngủ vĩnh viễn, không bao giờ dậy nữa! Bây giờ tôi thuật lại câu chuyện ông để lại, chợt có cảm giác linh thiêng.
Dưới đây là những ghi chép lời ông kể.
Cha mẹ tôi đã qua đời từ lâu nên hai cụ không biết vợ chồng tôi trước kia và hiện nay, gồm ba người con, kể cả chàng rể. Tôi là người đặc biệt của đơn vị , đấy là bí mật của tôi. Nhưng trước hết là bí mật quốc gia. Quốc gia nào cũng có bí mật, đơn vị bí mật, vũ khí bí mật, nhân vật bí mật... những bí mật không thể nào kể hết. Thật khó tưởng tượng một quốc gia không có bí mật sẽ tồn tại bằng cách nào? Có thể không tồn tại, giống như núi băng, nếu không có phần chìm dưới nước, liệu nó có thể tồn tại hay không? Có lúc tôi nghĩ, nếu giấu người thân mười năm hoặc cả đời một bí mật sẽ là không công bằng. Nhưng nếu không như vậy, rất có thể nước ta không tồn tại, hay ít ra cũng tiềm ẩn nguy cơ không tồn tại, như vậy cho dù không công bằng cũng đành chịu.
Bí mật không có nghĩa là không được gặp người. Trong cuộc đời bí mật của tôi, tôi chưa làm bất cứ việc gì để không dám nhìn mặt người khác. Anh biết đơn vị của tôi, nó không phải là tổ chức khủng bố, mà là đơn vị tình báo quan trọng, làm nhiệm vụ dò sóng vô tuyến và giải mã. Nếu nói những cơ cấu ấy nước nào, quân đội nào cũng có, cho nên sự tồn tại bí mật của nó có thể nói là một bí mật công khai, bí mật thật sự của nó ở vị trí địa lí, biên chế, cách thức làm việc và cả khó khăn, kết quả công việc... Những điều đó dù có đánh chết tôi cũng không nói. Chúng còn quan trọng hơn cả sinh mệnh tôi.
Ở đơn vị , mọi người coi những người như Bỉnh, những nhân viên thám thính, là “người nghe gió”. Họ dựa vào lỗ tai để có cơm ăn, lỗ tai là vũ khí mà cũng là bát cơm, là câu chuyện của họ. Khỏi phải nói, là một cơ cấu chuyên làm công việc nghe trộm, là nơi tập trung những người có khả năng đặc biệt về thính giác, họ có thể nghe thấy những âm thanh người thường không nghe thấy, có thể phân biệt những khác biệt rất nhỏ trong âm thanh mà người thường không phân biệt nổi. Cho nên, tai của họ được mọi người gọi là “tai thuận gió”. Tai thuận gió đi theo gió, gió đi đến đâu thính giác của họ theo đến đấy, không một âm thanh nào không nghe thấy, không điều gì là không biết. Nhưng, năm ấy, lần ấy, những đôi tai thuận gió của chúng tôi lại bị đối phương bịt lại, những người nghe gió có tai mà như điếc.
Sự việc như thế này: Mùa xuân năm ấy, chúng tôi phụ trách nghe lén sóng vô tuyến điện của các đơn vị quân đội từ cấp lữ đoàn, sư đoàn trở lên của nước X, thì sóng vô tuyến bỗng lặng đi năm mươi hai tiếng đồng hồ. Một khoảng rộng như thế, một thời gian dài như thế, nhiều đài như thế, tất cả đều im lặng, đấy là kỉ lục trong lịch sử vô tuyến điện. Nếu nói đấy là yêu cầu chiến lược, thì mưu lược quân sự này cũng là chuyện chưa từng có. Cứ thử nghĩ, trong năm mươi hai tiếng đồng hồ ấy trên đời này đã xảy ra biết bao nhiêu chuyện? Chuyện lớn đến đâu cũng có thể xảy ra! Cho nên nói, đấy là tuyệt chiêu điên cuồng của đối phương!
Nhưng kết quả lần chơi điên cuồng ấy, họ là người được lớn, năm mươi hai tiếng đồng hồ yên tĩnh qua đi mà không xảy ra việc gì. Đó là cái được thứ nhất, có thể nói là vận may. Cái được thứ hai, ấy là được cái vốn ban đầu. Trong năm mươi hai tiếng đồng hồ ấy, họ thay đổi toàn bộ thiết bị liên lạc, tần số liên lạc, thời gian, mật hiệu của các đơn vị từ cấp lữ đoàn, sư đoàn trở lên. Như vậy nói lên điều gì? Điều ấy nói lên tất cả những tư liệu, kinh nghiệm và thủ đoạn, kĩ thuật... chúng ta lén lút mò mẫm suốt mười năm trời, chỉ qua một đêm mất sạch, trở về con số không. Họ đã bỏ nơi chúng ta chỉ trong một thời gian ngắn, nhân viên, kĩ thuật, thiết bị tuy còn đấy nhưng không tác dụng gì. Trong nghề chúng tôi gọi đấy là mù!
Thử nghĩ mà xem, trong những năm tháng bất cứ lúc nào chiến tranh cũng có thể bùng nổ, điều ấy đáng sợ biết chừng nào!