Theo tôi biết, Nhị Hồ không bao giờ ăn trưa, không phải vì anh bị bệnh dạ dày, mà là để giữ cho đầu óc tỉnh táo. Con người trong lúc đói, tư duy của đại não tương đối linh hoạt, no dễ gây buồn ngủ. Cổ nhân nói, “nhược thực cường não” hình như là nói đến ý này. Đấy là Nhị Hồ, anh coi tính mạng là nghề nghiệp, để phá được khóa mật mã, anh thường xuyên ép mình chịu khổ. Đối với Y Y, chúng tôi mong cô có tinh thần ấy. Nói một cách khác, tôi lo cô ta không có được tinh thần ấy, tinh thần bất chấp tất cả. Nói theo ông Androv: Thượng đế tạo ra con người rất công bằng, người thông minh luôn luôn thiếu sự cần cù, người trí tuệ thích xuất thế, người mạnh khỏe không kiên nhẫn; người giống như Einstein là kết quả sai lầm của Thượng đế, Thượng đế cho ông tất cả, nhưng thiếu công bằng ở tự thân ông. Y Y cho tôi cảm giác cô rất có tư chất, có năng lực phân tích và lí giải, khả năng về toán học rất cao. Con người ấy là khắc tinh của mật mã, nhưng trong tính cách của cô lại có cái gì đó như đùa cợt với đời, đó là cái tật của người làm việc lớn.
Nếu tôi hiểu tật xấu của cô và chấp nhận cô, thì Nhị Hồ không thể nào chấp nhận, cũng không muốn chấp nhận. Cho nên sự hợp tác của hai người ngay từ lúc bắt đầu đã không ổn, khập khiễng, có phần không khớp nhau. Chuyện đó về sau qua Tiểu Tra tôi mới biết. Hôm ấy Y Y đến làm, Tiểu Tra lấy mấy bức điện mật đã được phân tích đưa cho Y Y, bảo phòng phân tích mới chuyển đến, đề nghị chị xem ngay, xem xong đưa lại cho Nhị Hồ. Y Y chỉ mở ra xem qua loa rồi ném cho Tra, bảo cô đưa lại cho Nhị Hồ.
Tiểu Tra ngạc nhiên nhìn cô, nói: “Chị không xem à?”.
Y Y nói: “Lúc này có gì đáng xem, chờ đủ số lượng nào đó rồi xem một thể”. Nói xong, cô cầm tờ báo lên xem. Không ngờ bức điện vừa đưa đi, Nhị Hồ liền gửi trả lại. Y Y mở cửa thì thấy Nhị Hồ, cô không để anh bước vào phòng, chặn lại trước cửa, nói: “Đứng lại, có chuyện gì, để em ra rồi nói”. Y Y ra, cười hì hì, nói với Nhị Hồ: “Phòng giải mã của anh chỉ cho nam giới vào, phòng của em chỉ nữ giới được phép vào, có việc gì chúng ta sang phòng cô Tra nói chuyện”. Nhị Hồ ngớ ra, mặt méo xệch, rất khó coi, nhưng anh vẫn cùng Y Y vào phòng làm việc của Tiểu Tra ngay trước cửa.
Nhị Hồ vẫy vẫy bức điện trên tay, nói: “Cô xem cả rồi chứ?”.
Y Y nói: “Có nhìn qua”.
Nhị Hồ nói: “Đây là tài liệu thứ nhất, cô cần xem kĩ”.
Y Y nói: “Em xem rồi”.
Nhị Hồ nói: “Vừa rồi cô bảo chỉ nhìn qua?”.
Y Y vẫn vẻ mặt tươi cười: “Anh Hồ, em biết, anh có ý tốt với em, mà cũng đang thực thi quyền lực Trưởng phòng”.
Nhị Hồ nói: “Không phải là quyền lực, mà là trách nhiệm. Nào, cô cầm lấy, xem kĩ đi”.
Y Y không cầm bức điện, nói: “Khỏi cần, anh cứ xem của anh đi, lúc này em đang đọc báo, chưa xem được”.
Nhị Hồ lớn tiếng: “Tôi yêu cầu cô xem, được chưa nào? Đồng chí Y Y, tôi với cô lúc này bị cột chặt với nhau, vinh nhục cùng hưởng, tôi mong sau này chúng ta đồng tâm hiệp lực, đừng nên mới bắt đầu đã chia rẽ”.
Y Y cười cười, nói: “Anh Hồ, em nói câu này có thể anh không muốn nghe, nhưng làm cái công việc phá khóa mật mã này giống như viết nhật kí, viết nhiều viết ít, viết hay viết dở đều là việc riêng, anh khỏi cần lo thay cho người khác. Nói thật, em rất đồng tâm với anh, nhưng không cần phải hiệp lực, là bởi không có cách nào hiệp lực được”.
Nhị Hồ ngơ ngác, tưởng như có cái gì chẹn ngang họng, hồi lâu không nói nên lời. Tất nhiên, sau đấy Nhị Hồ tìm tôi tỏ ý trách Y Y, liệu tôi biết nói gì? Chắc chắn tôi đặt cược vào Y Y, nghe Nhị Hồ trách cứ Y Y, trong lòng tôi rất khó chịu, nhưng lại không tiện nói ra. Tôi an ủi Nhị Hồ, cô ta chấp hành quân lệnh của ông Thiết mà đến đây, có thể nói cô ấy có chỗ dựa, chúng ta nên cho cô ấy thời gian, thời gian sẽ bảo với chúng ta cô ấy là người thế nào, làm được gì, nghĩ được gì, dù sao thì cũng còn mới.
Không để tôi phải chờ lâu, Y Y bắt đầu chứng tỏ mình.
Sáng hôm ấy, đã có hồ sơ chi tiết về máy mật mã thương mại chúng tôi đưa từ Tổng cục về, tôi bảo cậu Phí đưa cho Tưởng, yêu cầu diễn toán ngay, diễn toán xong phải làm báo cáo. Buổi chiều, tôi sang Phòng Diễn toán mấy lần, họ vẫn chưa xong, tôi có phần nóng ruột, hỏi Tưởng trước khi hết giờ buổi chiều liệu có xong không. Trưởng phòng Tưởng khẳng định không xong nổi, lượng tính toán quá lớn, làm thêm giờ cũng phải đến ngày mai. Tôi đành đợi, yêu cầu họ chịu vất vả một chút, sáng sớm mai dù sao cũng phải có kết quả.
Đầu giờ sáng hôm sau, qua một đêm thức trắng, Tưởng đưa kết quả cho tôi, mỗi thứ ba bản, một tập dày cộp. Tôi cầm lên giở ra xem rồi vội đưa hai bản cho Phí, bảo cậu ta đưa cho Nhị Hồ và Y Y, yêu cầu họ xem ngay, xem xong mọi người họp lại cùng nghiên cứu.
Báo cáo rất dài, toàn là những con số phức tạp, tôi xem rất chậm. Nhưng Y Y đọc rất nhanh, vội vàng đến tìm tôi, thấy tôi vẫn cầm bản báo cáo trên tay, cô bực mình nói: “Đừng xem nữa, không có gì hay đâu, L. Skin là ả trộm cắp!”.
Tôi bảo Y Y ngồi xuống nói từ từ thôi, đồng thời bảo cậu Phí đi gọi Nhị Hồ đến cùng nghe. Cô ngồi phịch xuống ghế, sốt ruột tỏ vẻ muốn nói ngay. Tôi ra hiệu bảo chờ Nhị Hồ đến hãy nói, cô bất chấp, nói ngay: “Cũng chẳng có gì đáng nói, đây là một tin xấu xa cho giới mật mã, em có thể khẳng định, người Mĩ không dùng mật mã Khó khăn của thế kỉ mà đem cho Đài Loan, chắc chắn là vì họ đã phát hiện sự độc ác xấu xa của L. Skin, nghi ngờ nhân cách của bà ta. Một người lập mật mã mà nhân cách bị nghi ngờ, vậy ai dám dùng mật mã của người đó? Hơn nữa, bà ta còn có cái đuôi Liên Xô rất dài”.
Y Y nói một hồi làm cho tôi và Nhị Hồ vừa đến đầu còn ướt hơi sương nhìn cô hoang mang không hiểu ra sao.
Y Y giải thích: “Thật ra cũng đơn giản thôi, hai anh đều là những người nhiều năm trong nghề mật mã, chắc chắn đều biết, trong Thế chiến thứ hai, người Đức sử dụng một bộ mật mã rất nổi tiếng, gọi là Mê mật”.
Tôi hỏi: “Có phải là mật mã ENGMA[] không?”.
Y Y nói: “Đúng vậy, chính là ENGMA”.
Nhị Hồ nói: “Tôi biết ENGMA, đấy là thế hệ mật mã cơ giới đầu tiên”.
Y Y nói: “Trong giới giải mã gọi nó là Mê mật, vì bản thân nó là Mê mật, sau khi chế tạo thành công máy mật mã lấy tên gọi là ENGMA, nhưng kì thực chúng chỉ là một”.
Tôi cười, nói với Nhị Hồ: “Giống như cậu, tên thật là Trần Nhị Hồ, nhưng sau khi có chức vụ mọi người gọi cậu là Trưởng phòng, chính là như thế”.
Y Y nói: “Hồi ấy, độ khó của mật mã này không cao, nhưng nó hoán chuyển thao tác bằng máy, lần đầu tiên trên thế giới xuất hiện máy mật mã, trước đấy cũng có những cái gọi là máy mật mã, nhưng nhiều nhất cũng chỉ là máy gia tăng độ mật, về lí thuyết vẫn có kĩ thuật mật mã trợ giúp. Hoặc trước đây chưa có ai chuyển hóa mật mã sang máy móc, ENGMA là bộ đầu tiên, cho nên được công nhận là bước ngoặt của lịch sử phát triển mật mã. Nếu như em nói, ra cái máy mật mã thương mại này chỉ là phiên bản của ENGMA, các anh có tin không? Chắc chắn không tin, vì ENGMA quá nổi tiếng, người nghiên cứu chế tạo cũng nhiều, muốn ăn cắp cũng không dám ăn cắp cái dễ thấy, phải không nào? Nhưng có thể nói chắc chắn rằng, cái máy mật mã này là mô phỏng ENGMA, tuy có cải tiến chút ít, nhưng cũng chỉ thay đơn không thay thuốc, ví dụ thay bánh xe răng bằng bánh xe trượt, hai mươi sáu bộ phận tăng lên ba mươi tư, chạy bằng dây cu-roa đổi thành chạy bằng xích, chỉ vậy thôi, về lí thuyết và kĩ thuật hoàn toàn giống nhau. Lấy ví dụ, có người lấy bản dịch làm tác phẩm của mình để xuất bản lấy tiền, vậy thôi...”.
Phát hiện này khiến chúng tôi giật mình, theo cách nói của Y Y, điều này cũng đủ nói L. Skin là kẻ vô lại, ăn cắp, làm bạn với một người không có đạo đức và làm khoa học không cơ bản, thì chúng ta cũng không biết đấy là đâu.
Sau bữa ăn chiều, lúc đi dạo, tôi và Y Y phân tích tâm lí việc L. Skin ăn cắp mật mã, chúng tôi đều cho rằng, sở dĩ L. Skin không ăn cắp các mật mã khác, chỉ ăn cắp mật mã ENGMA là đã có sự tính toán kĩ lưỡng, không phải ngu ngốc, cũng không phải bất lực, mà là sự giảo hoạt và táo bạo cùng sự hiểu biết tuyệt đỉnh. Ăn cắp ENGMA giống như ăn cắp biển quảng cáo trên đường phố, ăn cắp ảnh Mao Trạch Đông trên Quảng trường Thiên An Môn, anh táo tợn ăn cắp những thứ đó, cảnh sát thấy cũng không ngờ đấy là ăn cắp. L. Skin là người nổi tiếng trong giới toán học, bình thường liệu ai ngờ bà ta lại đi ăn cắp, đi cướp giật. Một người bình thường sẽ không dám ăn cắp cái mà cũng không nghĩ sẽ bị mất cắp, cứ thử nghĩ xem, hiệu suất ăn cắp kiểu ấy là rất cao. Thật ra, đấy cũng là một thứ trí tuệ, tất nhiên là trí tuệ của kẻ cắp. Nếu hôm nay chúng tôi không nhận ra những con số đó, mà cứ cố giải mã nó, thì có thể chúng tôi bị hành động ăn cắp ấy lừa dối, khiến chúng tôi mất công sức mày mò phá khóa, không ngờ cái bí mật trong sách giáo khoa lại ở ngay cạnh chúng tôi.
Y Y nói: “Bà ấy làm như vậy sẽ bị mọi người chê cười”.
Tôi nói: “Nhưng bà ta đã đạt mục đích. Mật mã là thứ kĩ thuật ứng dụng, cô không giải mã nổi có nghĩa là nó đã thành công. Theo một nghĩa nào đó, cô cũng không có quyền cười chê”.
Y Y nói: “Xem ra chúng ta cũng cần phải chơi cái trò ăn cắp như của bà ta”.
Tôi hỏi Y Y định chơi thế nào, cô vẫn bảo tôi gửi thư cho ông Androv, tìm hiểu thực chất con người L. Skin. Tôi hiểu ông Androv là con người nhạy cảm, cẩn thận, sợ rằng khó đạt mục đích, cho nên lá thư ấy tôi vẫn chưa gửi. Nhưng trong tình hình hiện tại, chúng tôi không có cách nào để tiếp cận L. Skin, cũng phải thử xem sao.
Ngay tối hôm ấy, tôi theo ý Y Y viết cho ông Androv một lá thư.
Bề ngoài, nội dung bức thư rất bình thường, nhưng lời lẽ được cân nhắc cẩn thận, hiện tại tôi không còn nhớ nguyên văn, đại khái tôi nói từ ngày về nước tôi bận lo hậu sự cho vợ, chưa gửi thư thăm ông được ngay, mong ông thứ lỗi. Tôi nói, tôi vừa đến nhận công tác ở một đơn vị mới, đấy là một trường dạy mật mã, tại đây tôi sẽ truyền đạt những kiến thức học được ở ông cho nhiều người khác, ngoài việc giảng về mật mã cho học sinh, còn giảng thêm lịch sử mật mã, chủ yếu là lịch sử mật mã Liên Xô, trong đó có giảng về ông và các chuyên gia mật mã của Liên Xô. Sau tên ông tôi liệt kê một loạt tên tuổi chuyên gia mật mã Liên Xô, trong đó tất nhiên có tên L. Skin. Tôi nói, tôi thiếu tài liệu để giảng bài, mong ông cung cấp tư liệu về những người này. Tóm lại nói quanh nói co là để moi tư liệu về L. Skin.
Thư gửi đi rồi nhưng tôi không hi vọng nhận được thư trả lời của ông.
_________________