Dòng nước chảy ra từ vòi lạnh thấu xương. Song không có thời gian đợi nó ấm lên, Kousaka bắt đầu rửa đôi tay của mình. Ngay lập tức, dòng nước chảy rửa trôi mọi hơi ấm lưu trên đó, khiến chúng trở nên tê liệt. Hắn tắt vòi nước, xoa xà phòng và rửa sạch mọi lỗ chân lông, rồi lại mở vòi. Ngay cả sau khi bọt đã trôi đi hết, hắn vẫn ngâm tay dưới dòng nước. Mất khoảng hai phút, bình nước nóng cuối cùng mới nhớ ra nhiệm vụ của nó, nước bắt đầu trở nên ấm hơn. Hai bàn tay cóng của hắn tê tê như bị kiến bò, không phân biệt được nóng hay lạnh nữa.
Kousaka đóng vòi nước lại và cẩn thận lau bằng khăn giấy, đoạn đưa hai bàn tay tê lên gần đến mặt, nhắm mắt lại và ngửi. Khi đã chắc chắn rằng chúng không còn mùi gì cả, hắn ta thoa cồn y tế đặt ở bàn lên hết bàn tay của mình. Dần dà hắn mới bắt đầu trấn tĩnh được.
Quay trở lại phòng khách, hắn quăng người lên giường. Ánh sáng le lói rọi qua kẽ của những tấm rèm trắng; giờ có thể là sáng sớm, hoặc có thể là xế chiều. Nhưng có là gì đi nữa thì thời gian hiện tại cũng không phải là quá quan trọng trong đời sống của người đàn ông này.
Hắn nghe được một tràng âm thanh hò hét của lũ trẻ con bên ngoài. Gần đó có một trường tiểu học. Thường thì việc nghe tiếng chúng đùa nghịch vui vẻ sẽ tạo cho hắn một nỗi buồn nghẹt thở. Kousaka bật cái đài radio cạnh giường, xoay đại một tần số bất kỳ và để tiếng nhạc phát ra. Một bài nhạc rè rè cũ kỹ át đi tiếng la ó của bọn trẻ.
Sau khi bỏ ngang công việc gần nhất, Kousaka không bỏ ra chút công sức nào để việc tìm kiếm một nơi làm việc mới nữa, cứ thế tiêu đến những đồng tiền tiết kiệm cuối cùng, dành cả ngày nằm trên giường, giả vờ như đang nghĩ ngợi về một điều gì đó. Tất nhiên, thực chất hắn chẳng nghĩ được thứ gì cả. Chẳng qua là đang cố ra vẻ mà thôi. Đây là để dự trữ sức lực cho đến lúc cần nó, hắn ta tự bảo với mình như thế. Chính hắn cũng không biết “lúc nào” thì mới là “lúc cần nó” nữa.
Một lần một tuần, Kousaka miễn cưỡng phải ra ngoài mua sắm, còn hầu hết thời gian được hắn dành ở trong phòng. Lý do đơn giản thôi: hắn ta bị mắc chứng sợ vi khuẩn trầm trọng.
Kousaka sống trong một căn hộ thuê nhỏ nhắn gọn gàng với một phòng ăn và một phòng bếp cách nhà ga gần nhất khoảng hai mươi phút đi bộ. Đó là chốn linh thiêng độc nhất của hắn. Trong phòng, hắn luôn luôn bật hai cái máy lọc không khí, và lúc nào cũng có mùi thuốc sát khuẩn thoang thoảng. Sàn nhà trơn bóng đến nỗi như thể vừa được lát mới, trên những dãy kệ xếp đầy găng tay nhựa dùng một lần, khẩu trang y tế, bình xịt khuẩn, giấy ướt, vân vân... Phần lớn quần áo và đồ đạc của hắn có màu trắng hoặc gần như trắng, ngăn tủ quần áo chứa đầy những chiếc áo mới vẫn đang đựng trong túi.
Kousaka rửa tay hơn trăm lần mỗi ngày, nên chúng thô ráp khủng khiếp. Hàng móng tay được cắt tỉa cẩn thận, chỉ trừ một móng tay dài trên đầu ngón trỏ của tay thuận. Đây là phương pháp dự trù cho những lúc rơi vào tình huống phải chạm vào nút thang máy hoặc ATM bằng bàn tay trần.
Một phần khác trên cơ thể Kousaka “sạch” một cách đáng ngờ là mái tóc. Hắn để nó mọc có hơi dài. Dù có nhận ra là nếu cắt ngắn thì phòng sẽ sạch hơn, nhưng hắn ta không thể chịu nổi mấy tiệm làm tóc, thế nên mới trì hoãn việc cắt tóc lâu nhất có thể.
Có thể dễ dàng gọi hắn ta là một người bị ám ảnh bởi sự sạch sẽ, thực sự thì hắn cũng có vài đặc điểm như thế. Nếu như bạn đào sâu vào khái niệm của mọi người về cái gọi là “bẩn thỉu”, bạn sẽ khám phá ra một loạt những quan điểm vô căn cứ. Những người tự nhận là ưa sạch sẽ trong khi phòng họ lại lộn xộn là một ví dụ điển hình.
Hình dung về sự bẩn thỉu trong Kousaka là “những người khác.” Ngoài những thứ bẩn thực sự, vấn đề chính nằm ở việc liệu một người khác đã có tác động gì tới nó hay không. Chẳng hạn nếu như phải ăn đồ ăn mà người khác đã động tay vào, hắn thà ăn đồ ăn đã hết hạn một tuần còn hơn.
Hắn coi những người khác ngoài bản thân như những cái đĩa petri sản sinh ra vi khuẩn. Hắn cảm thấy rằng chỉ một cú chạm từ đầu ngón tay cũng sẽ khiến các vi sinh vật sinh sôi và truyền nhiễm vào cơ thể của mình. Kousaka không thể nắm tay ngay cả với những người mà hắn thân thiết – mặc dù đằng nào thì hắn cũng không có ai để mà nắm tay vào lúc này. Không biết đó là điều tốt hay điều xấu.
Khỏi nói, sự khó tính của hắn là một chướng ngại to lớn trong việc quảng giao. Một người coi những người khác là sự dơ bẩn không thể nào tạo dựng được một mối quan hệ tích cực. Nhu cầu cơ bản của hắn trong việc không muốn tương tác với người khác thể hiện ra ở rất nhiều khía cạnh, gây ra sự khó chịu với tất cả những người xung quanh. Hắn ta thậm chí còn không thể nở một nụ cười giả tạo, không thể nhớ được tên của bất kỳ ai, không thể nhìn thẳng vào mắt mọi người… Có quá nhiều thứ để có thể liệt kê ra.
Dù gì đi nữa, việc đối nhân xử thế không đem lại điều gì ngoài đau khổ. Khi hắn ta còn làm việc, tất cả mọi thứ đều gây căng thẳng cho hắn, và tất cả những mong muốn của bản thân đều biến mất, ngoại trừ việc ngủ.
Trên tất cả, những hoạt động của công ty như liên hoan hay đi dã ngoại có cảm giác như chính địa ngục vậy. Sau khi trở về nhà sau những sự kiện như thế, Kousaka sẽ thường đi tắm khoảng bốn tiếng, rồi nằm trên giường và nghe nhạc để điều chỉnh lại tâm trạng của bản thân. Hắn ta bắt buộc phải làm thế để tự nhủ với chính mình rằng vẫn còn có những âm thanh đáng nghe trên thế giới này, nếu không thì hắn sẽ xé toạc hai cái tai của mình ra mất. Trong những đêm như vậy, hắn không thể nào chợp mắt mà không có âm nhạc.
Tóm lại, mình không thích hợp để là một con người, đó là suy nghĩ có phần nghiêm túc của Kousaka về sự phù hợp của hắn với xã hội. Kết quả là, dù cho công việc đó là gì thì hắn vẫn nhanh chóng trở nên lạc lõng và rốt cục thì phải bỏ việc chỉ để chạy trốn khỏi nơi đó.
Việc liên tục thay đổi công việc thực chất là một quá trình loại bỏ đi những tiềm năng của chính hắn ta, từng chút một. Chỉ trong vài năm làm việc, hắn đã cảm thấy như mình hoàn toàn bị chối bỏ tư cách làm người. Giống như có một dòng chữ “mi có làm gì cũng vô ích” dán lên người hắn.
Không phải là hắn ta đang tìm kiếm hạnh phúc nằm ngoài tầm với. Hắn từ đầu đã biết rằng không tồn tại một thứ như thế ngoài kia. Không phải ai cũng sẽ tìm được con đường cho mình. Về sau, theo một chừng mực nào đó, ai rồi cũng sẽ phải thỏa hiệp.
Nhưng dù đầu óc hắn hiểu điều này, trái tim hắn lại không chịu đồng tình. Tâm trí hắn từ từ bị bào mòn đi theo từng ngày, còn những ức chế thì càng trở nên tệ đi. Kéo theo sự ăn mòn của tâm trí là việc xung quanh hắn càng trở nên sạch sẽ hơn, còn căn phòng gần như đã được tiệt trùng.
*
Nằm trên giường lắng nghe âm nhạc trên radio, Kousaka lơ mơ nghĩ về những sự kiện diễn ra chỉ mới vài giờ trước.
Hắn vừa mới ở một cửa hàng tạp hóa về. Lúc ấy hắn đang đeo găng tay nhựa dùng một lần. Đây là thứ tối quan trọng, đặc biệt cần thiết trong những cửa hàng tạp hóa hay siêu thị, nơi có lúc nhúc những thứ mà hắn ta phải chạm vào, những thứ mà những người khác đã dùng bàn tay nhớp nháp của họ để cầm nắm.
Hắn mua sắm bằng găng tay như mọi khi, nhưng giữa chừng có một vấn đề xuất hiện. Trong lúc với lên một chiếc kệ để lấy vài chai nước lọc, đột nhiên cơ ngón trỏ bàn tay phải của hắn nhói đau. Lúc kiểm tra thì da ngón tay đã nứt toác và ứa máu. Một việc khá bình thường. Hắn lúc nào cũng rửa tay rất lâu, và vì đây là mùa khô, nên hai tay của hắn thô kệch như thể một gã bác sĩ thẩm mĩ mới vào nghề vậy.
Không thể chịu nổi cảm giác để máu chảy qua găng tay, hắn bỏ bên găng tay phải ra và vứt nó đi. Và vì cũng không thích cảm giác mất cân bằng của việc chỉ đeo một bên găng, hắn vứt nốt cái bên trái, rồi tiếp tục mua sắm.
Người đứng ở quầy thu ngân là một cô gái mà hắn vẫn thường hay thấy làm việc bán thời gian ở đây. Một người nhân viên lịch sự với mái tóc nhuộm màu cà phê, cô gái này tặng cho hắn một nụ cười tươi tắn trong lúc Kousaka lấy ra mấy món đồ của mình. Chuyện không có gì nghiêm trọng cho tới lúc ấy, nhưng khi Kousaka nhận lại tiền lẻ, cô gái đó đưa lại cho hắn ta bằng cách dùng cả hai tay mình siết chặt lấy tay hắn.
Đó mới là vấn đề.
Ngay lập tức, Kousaka theo phản xạ hất tay cô gái ra. Những đồng xu văng tung tóe xuống sàn nhà, và mọi khách hàng đều quay đầu qua nhìn.
Hắn ta bàng hoàng nhìn vào tay mình, mặc kệ cho cô gái ở quầy đang luýnh quýnh xin lỗi, bỏ chạy ra khỏi cửa hàng mà không thèm nhặt đống tiền lẻ lên. Sau khi trở về căn hộ nhanh hết sức có thể, hắn tắm rất lâu. Nhưng cảm giác khó chịu vẫn còn đọng lại, thế nên hắn lại rửa tay sau khi bước ra khỏi phòng tắm.
Sau khi nhớ lại về toàn bộ sự việc, Kousaka thở dài. Ngay cả hắn cũng nghĩ nó thật bất thường. Nhưng chỉ đơn giản là hắn không thể chịu nổi cảm giác da trần của mình bị chạm vào.
Thêm vào đó, Kousaka rất tệ với những cô gái hơi nữ tính một chút, giống như cô nàng thu ngân đó. Mà không phải chỉ mỗi phụ nữ, hắn cũng chẳng thích thú gì những tên đàn ông phô trương ra cái sự nam tính của họ. Hắn cảm thấy cả hai thứ đều có một sự dơ bẩn như nhau. Nghe thì giống như quan điểm của một cô gái mới đến tuổi dậy thì, nhưng thực lòng hắn ta cảm thấy thế.
Lúc còn nhỏ, hắn đã nghĩ rằng hội chứng của mình sẽ tự nhiên mà biến mất khi lớn lên, nhưng trong thực tế, nó chỉ trở nên tệ hơn. Với tình trạng này mình sẽ chẳng bao giờ lấy vợ được, không nói gì đến việc kết bạn, hắn ta lẩm bẩm với chính mình như vậy.
*
Khi Kousaka chín tuổi, hắn vẫn còn người mẹ. Nhưng chỉ trước khi tròn mười tuổi, bà đã rời xa thế giới này. Nó được coi là một vụ tai nạn, nhưng Kousaka vẫn ngờ rằng đó là một vụ tự tử.
Bà là một người phụ nữ đẹp. Tháo vát và có học, cùng một cảm nhận tinh tế về âm nhạc và phim ảnh. Bà là một giáo viên dạy đàn Electone trước khi gặp bố của Kousaka. Lớp của bà khá nhỏ, nhưng có tiếng, và có kha khá những học sinh đi từ rất xa đến để tham dự.
Việc một người phụ nữ hoàn hảo như bà chọn một người đàn ông tầm thường như thế làm bạn đời đến giờ vẫn còn làm Kousaka cảm thấy khó hiểu. Ông ta không phải là một người lịch lãm, chí ít thì là như thế. Gương mặt của ông giống như một thước phim thất bại của những cảnh chẳng ăn nhập gì với nhau, không kiếm được nhiều tiền, cũng chẳng có sở thích hay nhiệt huyết gì với công việc, tựu chung lại, người ta sẽ chẳng tìm thấy phẩm chất gì đáng để gọi là phẩm chất (mặc dù đối với Kousaka bây giờ, có một cuộc sống bình thường và một ngôi nhà đã là đáng để khâm phục).
Mẹ của Kousaka rất nghiêm khắc với chính bản thân, và cũng mong con trai của mình được như vậy. Từ lúc mà Kousaka vẫn còn có thể nhớ lại, hắn đã bị ép phải học rất nhiều thứ, còn khi ở nhà, phải theo một thời gian biểu chính xác đến từng phút do người mẹ của hắn soạn ra. Vì còn quá trẻ, nên cậu bé Kousaka đã nghĩ rằng bà mẹ nào cũng như vậy, không mảy may nghi ngờ gì và ngoan ngoãn làm theo những gì được bảo. Nếu chống đối lại bà, cậu sẽ bị nhốt bên ngoài trên đôi chân đất hoặc không được ăn suốt cả ngày, thành thử cũng chẳng có lựa chọn nào khác.
Thực tế rằng đứa con của mình không thể đáp ứng dù chỉ là phân nửa kỳ vọng của mình khiến cho mẹ của Kousaka ngạc nhiên hơn là thất vọng. Tại sao đứa trẻ này, máu thịt do mình sinh ra, không thể hoàn hảo như mình được? Phải chăng mình đã nuôi dạy nó không đúng cách?
Lạ kỳ thay, bà nghi ngờ mọi thứ ngoại trừ tính tình của con trai mình. Thế nhưng đó gần như không phải là sự thiên vị của người làm cha mẹ, mà là biểu hiện của một lòng tự ái méo mó. Bà chọn nghi ngờ phương pháp dạy dỗ của mình thay vì nghi ngờ dòng máu của mình, chỉ vậy thôi.
Như nhiều con người cầu toàn khác, mẹ của Kousaka yêu thích sự sạch sẽ. Khi phòng của Kousaka bừa bộn hoặc khi cậu bé trở về nhà trong bộ dạng lấm lem, bà sẽ mang một vẻ mặt ưu phiền sâu sắc. Đối với cậu điều này còn gay gắt hơn cả việc quát tháo hay đánh đập. Nhưng mặt khác, khi Kousaka dọn phòng hoặc rửa tay, bà lúc nào cũng khen ngợi cậu bé. Là một người không nổi bật về điểm số hay thể thao, đây là một trong số ít những cơ hội mà cậu có thể khiến cho mẹ mình vui. Lẽ tự nhiên là cậu thích sự sạch sẽ hơn những bạn bè cùng trang lứa – tuy nhiên, nó vẫn được đặt trong giới hạn.
Sự khác thường bắt đầu vào năm 9 tuổi, vào cuối hè. Một ngày nọ, mẹ của Kousaka trở nên rất hiền từ với cậu, như thể một con người hoàn toàn khác. Không biết có phải vì hối hận với cách cư xử trước đó hay không mà bà đã bỏ đi hết những luật lệ áp đặt lên con trai mình, đối xử với cậu rất tình cảm.
Tự nhiên được thoát khỏi những giới hạn và lần đầu tiên trong đời được trải nghiệm một cuộc sống trẻ thơ không gò bó, Kousaka không suy nghĩ quá sâu xa về sự thay đổi đột ngột trong thái độ của mẹ mình.
Thi thoảng, bà sẽ dịu dàng đặt tay lên và xoa đầu Kousaka, luôn miệng nói “mẹ xin lỗi.” Cậu muốn hỏi rằng bà đang xin lỗi vì cái gì, nhưng cảm thấy rằng mẹ sẽ giận nếu cậu hỏi như vậy, nên lại im lặng và để bà xoa đầu mình.
Về sau cậu sẽ nhận ra: rằng bà không xin lỗi cho điều gì trong quá khứ, mà cho điều mà bà sắp sửa làm.
Chỉ sau một tháng trở thành người mẹ hiền, bà qua đời. Trong lúc lái xe về trong một chuyến mua sắm, bà đã bị một chiếc xe đi sai tốc độ đâm trực diện.
Tất nhiên đây được coi là một vụ tai nạn. Nhưng Kousaka biết một điều: vào một khoảng thời gian cá biệt trong ngày, con đường đó trở thành một điểm lý tưởng cho việc tự sát. Không ai khác ngoài người mẹ đã nói cho cậu biết điều đó.
Sau lễ tang, một thứ gì đó trong người Kousaka đã thay đổi. Đêm hôm đó, cậu dành ra hàng giờ để rửa tay. Bàn tay phải mà cậu đã chạm vào cơ thể của người mẹ có cảm giác bẩn thỉu không thể chịu đựng nổi.
Khi Kousaka thức dậy sau một giấc ngủ chập chờn vào sáng hôm sau, thế giới của cậu đã thay đổi. Cậu bật dậy khỏi giường và chạy vào phòng tắm. Rồi cậu đứng tắm hàng giờ. Mọi thứ trên thế giới này dường như thật ô uế. Những cọng tóc trong cống thoát nước, những mảng mốc trên đường, bụi đọng lại trên khung cửa sổ – nội việc nhìn thấy những thứ như thế đã làm cậu lạnh xương sống.
Theo cách ấy, Kousaka trở thành một người ám ảnh bởi sự sạch sẽ.
Bản thân Kousaka không thấy bất cứ mối liên hệ trực tiếp nào giữa cái chết của mẹ mình và tính cách cầu kỳ của hắn. Nó chỉ là một giọt nước tràn ly. Kể cả không có sự việc ấy không xảy ra, chắc chắn một điều gì đó khác sẽ làm nó thức tỉnh. Đây là một điều đã luôn tồn tại bên trong hắn.