Kim Giáp Môn

chương 20: thiện ác đáo đầu chung hữu báo-đắc thần công hoan tiếu nhàn du

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Nhưng về đến Trường An thì họ không cười được nữa. Tử Siêu đã có mặt trước và đang dưỡng thương. Mười sáu đạo hợp chưởng của Huyết Hoa trận pháp và cuộc chiến với tam ma đã khiến chàng thọ thương không nhẹ. Nhờ có Thiên Lượng Thần Y hết lòng chăm sóc nên bảy ngày sau chàng đã bình phục. Tử Siêu ngao ngán nói:

- Xem ra danh vị vô địch thiên hạ không hề có thực. Bao giờ thì lưỡng quyền cũng không địch lại tứ quyền.

Thần Châm Tiên Cơ cười bảo:

- Siêu đệ chớ bi quan như vậy. Vì ngươi giả danh Ma Ảnh Thần Quân nên bị hạn chế rất nhiều. Nếu ngươi xuất hiện với chân diện mục, dùng cả Hắc Vân Đao với Vô Ảnh châm thì đả bại họ đâu khó gì.

Mọi người vui vẻ tán thành cao luận của Tiên Cơ. Tử Siêu cũng nghe lòng bớt ưu tư.

Chính vì bọn Xuyên Tâm thần kiếm cũng nghĩ như vậy nên không dám phát động cuộc chiến với võ lâm. Họ lặng lẽ kiện toàn Huyết Hoa đại trận và Huyết Hoa Độc Vũ Đồng.

Xuân qua đi êm ả, giang hồ thanh bình hơn bao giờ hết. Năm nay tiết trời ơi bức hơn mọi năm, mặt trời xuân gay gắt, chói chang. Đến gần cuối tháng ba thì cây cỏ đã khô héo, vàng úa, báo hiệu một trận hạn hán lớn.

Guồng máy trinh sát của Kim Giáp Môn vẫn thầm lặng chạy đều. Họ báo về rằng Âm Dương Bang đã bỏ Mai Hoa Cốc, về kết hợp với Quy gia bảo. Tử Siêu ra lệnh báo tin này cho các phái biết để đề phòng.

Nhưng không còn kịp nữa, ngày mồng tám tháng tư, Quy Khả Vân đã đem quân tập kích Hoa Sơn. Hai trăm đệ tử bỏ mạng dưới Huyết Hoa Độc Vũ Đồng. Hạc Kiếm Hạ Hầu Phương biết đối phương muốn bắt sống mình để uy hiếp Tử Siêu nên liều chết xông vào làn mưa độc thủy thí mạng với kẻ thù. Phí Vô Uý bèn bắt Hạ Hầu phu nhân, nhạc mẫu của Tử Siêu.

Xác của họ bị quăng xuống sườn núi phía sau làm mồi cho diều quạ. Nhưng ngay đêm hôm ấy, hai thuộc hạ Kim Giáp Môn đã bí mật lẻn vào lấy trộm thi hài Hạ Hầu bang chủ, mang về Trường An. Họ rắc cương thi tán vào miệng và thân thể của ông rồi quấn chặt lại bằng lụa, kiêm trình chín ngày đếm mới đến nơi.

Tiếng khóc thảm thiết của Thu Uyên và các nữ nhân khiến lòng Tử Siêu đau như cắt. Chàng gạt lệ tháo lớp lụa để thay y phục cho nhạc phụ. Tử Siêu phát hiện trên những vết thương loang lổ vì độc thủy còn có những mũi châm xanh biếc. Cuồng Sinh thở dài:

- Quy gia bảo thấy độc châm của chúng ta lợi hạ nên đã chế tạo lại ống phóng để có thể bắn ra cả hai thứ. Loại kim thép này có thể xuyên qua được chưởng kình nên rất khó đối phó.

U Linh Chân Nhân vuốt mắt tử thi rồi bảo:

- Xem ra Lại sư thúc phải chế tạo ngay những ống phóng tên thép cực mạnh có tầm xa bốn năm trượng thì mới mong chống lại được độc vũ.

Cuồng Sinh gật đầu:

- Đúng thế! Lão phu phải đến ngay Thần Binh Trường của Khương Hoằng Nhiên mới được.

Nói xong lão hấp tấp rời trang. Tang lễ Hạ Hầu bang chủ vừa xong thì tin dữ lại đến. Quy gia bảo đe doạ rằng nếu Kim Giáp Môn ra mặt họ sẽ giết ngay Hạ Hầu phu nhân. Tử Siêu lại bó tay ngồi nhìn bọn chúng tung hoành.

Hắc Hổ Bang chủ Thiết Kiếm Nhạc Khê Nguyệt cùng năm đường chủ táng mạng. Hơn ba trăm thủ hạ Hắc Hổ Bang cũng thảm tử, tổng đàn cháy rụi. Vị đường chủ còn sống duy nhất Hắc Tinh Đao Nhung Hành Vân phải lập trọng thệ thần phục Quy gia bảo mới giữ được sinh mạng gần ngàn bang chúng.

Thiếu Lâm tự là phòng tuyến cuối cùng của phe bạch đạo. Bốn phái Thiếu Lâm, Võ Đang, Nga Mi, Cái Bang dồn cả về Thiếu Thất lập mặt trận cự địch. Nhờ địa hình hiểm trở nên họ đã chặn được bước tiến của đối phương, hàng ngàn người dùng đá ném vào đầu bọn đệ tử Quy gia bảo và Âm Dương Bang khiến chúng không thể đến gần mà phóng độc thủ.

Thu Uyên thấy Tử Siêu đau khổ khi phải khoanh tay nhìn bọn Quy gia bảo gieo rắc máu xương. Nàng nuốt lệ nói:

- Tướng công! Bậc trượng phu đại nghĩa diệt thân. Xin chàng đừng vì an nguy của nhạc mẫu mà bỏ rơi đồng đạo khiến thiên hạ chê cười. Gia mẫu dù yếu đuối nhưng là người trinh liệt, nếu bà biết chàng như vậy sẽ chẳng vui lòng. Mong tướng công xuất quân tiêu diệt bọn tà ma, rửa hờn cho tiên phụ. Bằng không thiếp chẳng mặt mũi nào mà nhìn đồng đạo võ lâm nữa.

Mọi người đều khâm phục lòng cương liệt của Thu Uyên. Tử Siêu nghiêm nghị đáp:

- Không phải ta hoàn toàn vì nhạc mẫu mà khoanh tay đâu. Chẳng qua chưa tìm được kế sách lưỡng toàn nên mới phân vân. Nay nương tử đã coi trọng đạo nghĩa giang hồ hơn tình ruột thịt thì ta cũng yên tâm xuất trận. Nếu cứu không được nhạc mẫu, cũng chẳng để Quy gia bảo được vẹn toàn.

Chàng lập tức triệu tập các cao thủ đầu não để bàn bạc kế hoạch tấn công Ngũ Hành Sơn. Trinh sát Kim Giáp Môn cho biết mặt trận Thiếu Thất còn vững được khá lâu. Vì vậy, Tử Siêu quyết định giải cứu nhạc mẫu, phá tan sào huyệt của đối phương trước rồi mới kéo đến Tung Sơn.

Gần giữa tháng năm, Kim Giáp Môn âm thầm ra cửa Bắc Trường An, vượt sông Vị Thủy. Họ đi về phía Đông, hai ngày sau lại vượt Hoàng Hà, vào địa phận Sơn Tây. Kế hoạch của Tử Siêu là đột nhập vào Thổ Sơn từ mặt sau.

Thu Uyên, Quỳnh Hương, Thần Châm Tiên Cơ và Vạn Xảo Cuồng Sinh cũng có mặt trong đoàn. Đương nhiên không thể thiếu các cao thủ như Kinh Phi Độ, Khuất Nham Tuyền, Dã Nhi, Lưu Du Tử. Tuy chỉ có khoảng ba trăm người nhưng đều là nhưng tay kiệt xuất và được trang bị đến tận răng. Ngoài ống phóng độc châm, còn có ống phóng đoản tiễn. Loại vũ khí này sử dụng tiện lợi hơn cung nỏ rất nhiều, chỉ cần cắm mũi tên thép dài hơn gang tay vào ống, đè mạnh để nén lò xo lại, bấm nút là mũi tên bung xa năm trượng, xuyên thủng cả gỗ dày. Bắn xong có thể thay tên khác trong chớp mắt.

Thần Binh Trường đã phải làm cật lực, không quản ngày đêm trong vòng một tháng mới xong bốn trăm ống phóng này. Tử Siêu hân hoan, thưởng cho Khương Hoằng Nhiên năm vạn lượng bạc. Vạn Xảo Cuồng Sinh là người chế ra ống phóng nên rất đắc ý. Lần này lão đi theo đoàn quân đến Ngũ Đài Sơn là vì một nhiệm vụ quan trọng khác.

Đến mười tám tháng năm, họ đến sườn núi phía sau ngọn Thổ Sơn trong rặng Ngũ Hành. Vách núi ở đây đã từng bị sông Hoàng Hà dâng lên sói mòn, chân núi sạt lở trở thành dựng đứng như bức tường vĩ đại cao ba mươi trượng. Chính vì ỉ lại điều này mà Quy gia bảo không cắt người canh gác trên đỉnh vách.

Tử Siêu và Lục Đảo Y mang giầy và bao tay đầy những móng thép sắc bén. Họ sẽ lên trước và thả thang dây xuống để mọi người trèo lên. Cả hai tung mình bốc lên cao, tay chân điểm nhanh vào cách núi lấy đà đi tiếp. Những chiếc móng thép đã giúp họ vượt chiều cao ba chục trượng một cách kỳ diệu. Thực ra nếu không phải là người có khinh công tuyệt thế như họ thì cũng khó mà lên đến đỉnh.

Mười chiếc thang dây được cột chắc vào gốc cây hay mỏm đá và thả xuống để những người ở dưới sử dụng. Chỉ hai khắc sau, cả đoàn quân đã có mặt. Họ lặng lẽ vòng qua sườn bên hữu để ra phía tiền sơn. Lát sau, toàn cảnh Quy gia bảo hiện ra dưới chân họ.

Tử Siêu và U Linh Chân Nhân như hai bóng du hồn men theo những lùm cây, bụi cỏ đi xuống dưới. Nhiệm vụ của họ là giải thoát Hạ Hầu phu nhân trước khi phát động cuộc tập kích. Tử Siêu đã từng giả làm Nam Cung Thái ở đây khá lâu nên thuộc làu đường đi nước bước.

Hơn nữa, Quy gia bảo vì không có thời gian nên đã giữ nguyên các kiến trúc cũ, chỉ sửa sang, sơn phết lại mà thôi. Tử Siêu nhớ đến gian mật động ngày trước đã giam giữ các chưởng môn. Chàng cho rằng nơi này là thích hợp nhất để nhốt tù nhân, quyết định do thám thử xem.

May thay, đường lối vận hành các cơ quan không thay đổi nên Tử Siêu chẳng gặp trở ngại gì. Hai người vượt qua ba lần của đá, vào đến trung tâm mật động. Họ mừng rỡ nhận ra Hạ Hầu phu nhân đang nằm trong lồng sắt. Trước đó là sáu tên đệ tử Quy gia bảo đang ngồi đổ xúc xắc.

Bọn chúng đâu ngờ cái chết cận kề, vẫn chăm chú vào canh bạc, xuýt xoa, chửi thề ỏm tỏi. Thanh Hắc Vân Đao tiện đứt sáu chiếc thủ cấp một cách ngọt ngào. Tử Siêu vung đao chặt đứt khóa sắt, mở của bước vào. Chàng điểm huyệt nhạc mẫu, nhờ Lục Đảo Y lấy dây lụa cột chặt vào lưng mình.

Nhưng khi họ vừa thoát ra đến cửa thạch lao thì hàng trăm ánh đuốc bùng lên sáng rực. Quy Khả Vân cùng hai trăm đệ tử cầm Huyết Hoa Độc Vũ Đồng đã vây chặt. Lão mỉm cười:

- Tử Siêu! Ngươi quên rằng Quy gia chúng ta giỏi nghề Kỳ Môn Độn Giáp hay sao? Chút trò cướp tù này đâu qua mặt được bổn nhân. Mối hận Ma Ảnh Thần Quân ta sẽ dồn cả vào ngươi.

U Linh Chân Nhân thở dài tuyệt vọng nhưng Tử Siêu thản nhiên ngửa cổ cười vang dội, chấn động cả đêm trường vắng lặng. Quy bảo chủ cười nhạt:

- Ngươi đừng phí công gọi thuộc hạ làm gì! Bổn bảo bây giờ đã phòng thủ kiên cố như tường đồng vách sắt.

Tử Siêu mỉm cười, nắm tay Lục Đảo Y kéo vào thạch lao. Một tiếng nổ kinh thiên động địa vang lên từ sườn núi phía sau bảo. Ánh lửa loé sáng rực, hàng vạn cân đất đá đổ xuống sơn cốc, chôn vùi toàn bộ công trình. Trận mưa đá cuồng bạo cũng ập cả xuống đầu Quy Khả Vân và hai trăm thuộc hạ đang đứng trong cánh rừng thưa trước cửa động. Mấy chục tên gục xuống rên la, đám còn lại sợ hãi theo Quy Khả Vân đào thoát ra khỏi sơn cốc.

Tử Siêu và U Linh Chân Nhân nép trong của thạch động, hợp chưởng đánh bạt đất đá ra ngoài. Tiếng ì ầm vừa dứt, các đao thủ Kim Giáp Môn ào xuống. Gương mặt họ đầy những nét lo âu. Họ tưởng chàng trong cảnh tuyệt vọng đã quyết định đổi mạng với đối phương.

Nhưng mệnh lệnh vẫn là trên hết. Khi nghe tiếng cười báo hiệu của Tử Siêu, Vạn Xảo Cuồng Sinh khấn vái hoàng thiên rồi mới bật hỏa tập đốt hỏa dược. Thu Uyên và Quỳnh Hương chạy khắp nơi, réo gọi như điên dại:

- Tướng công! Tướng công!

Đất đá đè gần hết những người trong Quy gia bảo, chỉ còn sót lại gần trăm tên, bị tiêu diệt rất nhanh. Dã Nhi, Kinh Phi Độ, Khuất Nham Tuyền xục xạo khắp nơi, luôn miệng gọi môn chủ.

Họ nhớ đến ánh đuốc trong khu rừng trước mặt, liền kéo đến đấy. Cảnh tượng điêu tàn cũng chẳng kém gì khu trang viện. Rừng tùng bị đất đá đè gãy nát, ngã đè vào chân vách cốc nên khó biết đâu là của thạch lao. Lúc này, Tử Siêu và Lục Đảo Y đang hợp lực đẩy một tảng đá to đè bít chặt đường ra.

Những bắp thịt trên người Tử Siêu căng phồng làm rách tung cả áo dạ hành. Lục Đảo Y cũng đã dồn hết sáu mươi năm công lực, cùng Tử Siêu lay động khối đất đá nặng đến sáu ngàn cân. Tảng đá bị suy chuyển, đất và đá rơi xuống để lộ khe hở cho không khí và tiếng gọi thảm thiết lọt vào. Văng vẳng xa xa có tiếng khóc nghẹn ngào của nữ nhân.

Tử Siêu giận dữ gầm lên, vận toàn lực xô mạnh. Lục Đảo Y vội nghiến răng hợp sức. Tảng đá bị xô vẹt sang một bên, hở một khe lớn. Tiếng quát của chàng đã lọt vào tai bọn người bên ngoài. Họ vui mừng xúm lại dọn dẹp cây cối và những khối đá nhỏ. Nhờ vậy hai người bên trong mới đẩy được tảng đá lớn ra hẳn.

Mọi người vui mừng, reo hò vang dội. Thu Uyên càng mừng rỡ hơn khi thấy Tử Siêu đã cứu được Hạ Hầu phu nhân. Nàng cởi dây lụa, đỡ bà xuống và giải huyệt. Bà mở mắt nhìn Tử Siêu, mỉm cười đôn hậu:

- Ta biết thế nào hiền tế cũng đến giải cứu.

Câu nói gửi gấm cả một niềm tin tưởng vô biên. Tử Siêu hổ thẹn đáp:

- Tiểu tế chậm chân khiến nhạc mẫu phải chịu khổ hơn tháng nay.

Thu Uyên gục vào vai bà khóc vùi. Phu nhân vuốt tóc nàng an ủi:

- Mối phụ thù đã có Tử Siêu gánh vác, Uyên nhi cũng nên bình tâm cùng trượng phu lo việc báo phục!

Tử Siêu ra lệnh rút quân. Họ đi bằng cửa trước. Đến bờ sông Hoàng Hà Kinh Phi Độ hú vang. Lát sau hai chiếc thuyền lớn xuôi dòng lướt đến và ghé vào bờ. Chiều ngày hai mươi họ đã có mặt ở Lạc Dương. Mờ sáng hôm sau, họ lại lên đường xuống Tung Dương. Nhưng khi đến chân núi Thiếu Thất thì lực lượng Quy gia bảo và Âm Dương Bang đã rút sạch.

Chưởng môn bốn phái đến tận chân núi đón chào. Ngộ Pháp thiền sư hoan hỉ nói:

- Không hiểu vì lẽ gì mà đối phương lại vội vã rút lui vào lúc sáng hôm nay. Hay là chúng biết Kim Giáp Môn sắp đến?

Vạn Xảo Cuồng Sinh cười khanh khách:

- Chúng không bỏ chạy sao được. Quy gia bảo giờ chỉ còn là đống gạch vụn với mấy trăm xác chết mà thôi.

Thanh Nhàn đạo trưởng giơ ngón tay cái khen ngợi:

- Hạng môn chủ quả là bậc kỳ tài, vừa mới xuất quân đã phá tan sào huyệt của đối phương.

Tử Siêu cười đáp:

- Công lao này thuộc về đại sư thúc, tại hạ không dám nhận phần.

Cuồng Sinh đắc ý kể lại cuộc tập kích đêm mười tám. U Linh Chân Nhân tiếp lời:

- Hôm ấy, lão phu đã tưởng toi mạng vì Huyết Hoa Độc Vũ Đồng rồi. Nào ngờ Tử Siêu lâm nguy bất loạn, quyết định cho nổ hỏa dược sớm hơn dự kiến. Nghĩ lại lão phu còn dựng tóc gáy.

Tử Siêu sợ phải nghe thêm những lời tán tụng liền nói lảng sang chuyện khác. Chàng nhờ bang chủ Cái Bang huy động lực lượng, điều tra cho được hành tung của bọn tàn quân Âm Dương Bang và Quy gia bảo. Nghi Tuờng sư thái bùi ngùi nói:

- Mấy năm nay, bọn tà ma hoành hành, gây cảnh máu xương chồng chất, cũng vì võ lâm không có minh chủ. Hạng thí chủ là bậc anh hùng cái thế, tài đức vẹn toàn sao không đứng ra nhận lấy trọng trách này?

Các chưởng môn đồng thanh khen phải. Tử Siêu nghiêm nghị:

- Bản chất của giang hồ là như vậy, luôn có sóng gió, phong ba. Hơn nữa đất nước Trung Hoa rộng lớn, các phái nằm cách xa nhau, dẫu có minh chủ cũng chẳng hề đối phó kịp. Như trường hợp của phái Hoa Sơn chẳng hạn. Phe bạch đạo bị ràng buộc bởi đạo nghĩa, bởi quy củ nên luôn thụ động trước những mầm mống của cái ác. Ngược lại bọn tà ma thì không kiêng kị điều gì. Trạng thái chánh tà lưỡng lập là nền tảng cơ bản của võ lâm, không thể xoá bỏ được. Nếu chư vị muốn chính khí được rạng ngời thì hãy tập trung đào tạo những đệ tử kiệt xuất, cho họ hạ sơn trừ gian giệt ác, phát dương tinh thần nghĩa hiệp của người võ sĩ. Có như thế thì cái ác mới không ngóc đầu lên được.

Ngộ Pháp thiền sư thấy chàng lập luận dài dòng để tránh trách nhiệm, ông mỉm cười:

- A di đà phật! Hạng thí chủ nhạt đường danh lợi nên nói vậy, lão nạp không tán thành. Trong lịch sử võ lâm đã từng có những thời kỳ thanh bình kéo dài đến măm, mười năm vì có một minh chủ oai trấn càn khôn. Cũng vì đất nước có được minh quân nên phản tặc, cường đạo không dám lộng hành.

Hoa Sơn Tiên Tử Hạ Hầu Thu Uyên là người thẳng thắn, bộc trực. Nàng nghiêm nghị nói:

- Chư vị chưởng môn yên tâm, ngày nào tổ chức đại hội bầu minh chủ, bọn tiểu nữ sẽ có mặt.

Hồng Phát Cái cười khà khà:

- Môn chủ phu nhân quả là bậc anh thư, thông tình đạt lý. Bọn lão phu sẽ phát võ lâm thiếp ngay.

Tử Siêu không hài lòng nhưng chàng chẳng nỡ trách Thu Uyên, chàng mỉm cười ngượng ngùng, cáo biệt các chưởng môn rồi kéo quân vào huyện thành nghỉ qua đêm. Tối đến, hai mỹ nhân chung phòng với Tử Siêu. Thu Uyên cười bảo:

- Thiếp biết tướng công không muốn làm minh chủ là vì muốn giành trọn thời gian cho thê tử. Nhưng thiếp trộm nghĩ trước sau gì chàng cũng chán cảnh thê tróc tử phọc. Bản chất của tướng công đâu thể chịu được nếp sống êm đềm vô vị. Phu thê chúng ta đều là những người học võ, sau này cùng nhau sát cánh hành hiệp chẳng vui hơn sao?

Tử Siêu thản nhiên nói:

- Uyên muội nhận lời ra tranh chức minh chủ võ lâm chứ đâu phải ta. Sau này nàng làm minh chủ, ta sẽ ở nhà nuôi dạy con cái để nàng đi giải qyết sự vụ giang hồ.

Thu Uyên hổ thẹn vung đôi tay nhỏ nhắn đấm vào lưng chàng liên hồi. Tử Siêu chụp lấy kéo vào lòng hôn hít. Quỳnh Hương bật cười khúc khích:

- Thiếp chỉ sợ lúc ấy minh chủ võ lâm phải từ nhiệm vì năm nào bụng cũng lớn ra, còn làm gì được nữa?

Thu Uyên vùng dậy, chụp lấy Quỳnh Hương cắn xé. Đếm ấy, sau cơn ân ái mặn nồng, hai nàng thiếp đi nhưng Tử Siêu vẫn trằn trọc. Chàng suy nghĩ về việc có ra tranh chức minh chủ hay không?

Cuối canh ba Tử Siêu mới chìm vào giấc ngủ. Chàng mơ thấy ân sư Ma Ảnh Thần Quân bị thiêu sống trong ngọn lửa hồng, đôi mắt ông nhìn chàng với vẻ cầu cứu. Tử Siêu kinh hoàng bật dậy, mồ hôi toát ra như tắm. Chàng nghe lòng xốn xang bồi hồi một cách kỳ lạ, liền quyết định lên đường ngay.

Tử Siêu lay hai ái thê dậy dặn dò đôi câu rồi khởi hành. Tiếng vó ngựa phi mau, vang dậy trong đêm trường tĩnh mịch. Đầu canh năm, chàng đã đến cửa rừng. Biết đường đi gập ghềnh nhiều gai góc, tuấn mã không phóng nhanh được nên tung mình xuống, dùng khinh công lướt về phía ngôi chùa cổ.

Đến giòng suối nhỏ hôm trước, tiếng cười âm u, ngạo nghễ vọng lại khiến chàng lo lắng. Tử Siêu vận toàn lực, phóng đi như luồng gió thoảng. Trước của chùa, Ma Ảnh Thần Quân bị vây chặt bởi mười mấy lão già áo đỏ râu tóc bạc phơ. Họ luân phiên xạ những chưởng kình đỏ rực tựa lửa hồng vào Lý Thái Tung. Nhưng hình như họ muốn hành hạ cho đến chết nên không hợp chưởng.

Đứng ngoài vòng là một gã công tử tuổi độ tam tuần. Gã mặc bạch y, dung mạo tuấn tú nhưng cực kỳ kiêu ngạo, tàn nhẫn. Gã gằn giọng:

- Lý Thái Tung! Lão tưởng có thể thoát khỏi sự truy lùng của Trường Sinh Đảo hay sao? Bổn đảo truyền thụ tuyệt học để lão trở thành minh chủ võ lâm, đưa ba chục người của bổn đảo lên nắm các phái võ lớn võ lâm trung thổ, làm cơ sở cho Trường Sinh Đảo thống trị giang hồ. Nào ngờ lão lại giết chết ba mươi người ấy và không thi hành kế hoạch của gia phụ. Chúng ta truy lùng lão đã năm mươi năm nay, giờ thì đừng hòng thoát chết.

Tử Siêu tự hiểu mình không địch lại mười lão già kia. Chàng suy nghĩ một lúc rồi lặng lẽ tiến vào. Khi còn cách chừng ba trượng, Tử Siêu như cánh chim ưng vồ lấy gã công tử, điểm huyệt gã rồi quát vang:

- Dừng tay! Nếu không, tên tiểu tử này sẽ chết!

Bọn hồng y lão giả giật mình quay lại thấy thiếu chủ đang bị một người trẻ tuổi kề đao vào cổ, họ sợ hãi lùi lại. Ma Ảnh Thần Quân mỉm cười:

- Không ngờ Siêu nhi lại đến kịp, xem ra số ta chưa dứt nợ trần.

Tử Siêu nghiêm giọng:

- Ta là Hạng Tử Siêu, đồ đệ của Thần Quân. Nếu các ngươi đồng ý bỏ qua không truy sát gia sư, ta sẽ gánh vác mọi ân oán thay người.

Thiếu đảo chủ căm hận nói:

- Bổn thiếu gia nghe danh ngươi đã lâu, không ngời chỉ là hạng cắn trộm. Có giỏi thì thả ta ra rồi quyết đấu một trận.

Tử Siêu cười nhạt:

- Bọn Trường Sinh Đảo các ngươi ỷ chúng hiếp cô. Có gì mà vinh dự? Cứ hẹn ngày giờ và địa điểm, Hạng mỗ sẽ y ước.

Thiếu đảo chủ hậm hực:

- Được! Rằm tháng tám này bổn đảo sẽ kéo quân vào Trung Nguyên. Địa điểm là bãi cát phía Nam cửa sông Hoài. Nếu ngươi đả bại được bổn công tử, Trường Sinh Đảo sẽ rút quân.

Tử Siêu hỏi lại Thần Quân:

- Sư phụ! Lời của hắn có đáng tin không?

Lý Thái Tung gật đầu:

- Y là Thiếu đảo chủ, thân phận cao quý, tất không nuốt lời đâu.

Tử Siêu yên tâm thả con tin ra. Gã chỉ vào mặt chàng nói:

- Bổn thiếu gia thề bóc từng miếng thịt của ngươi ra.

Dứt lời gã dẫn mười hai lão nhân đi mất. Tử Siêu vội chạy lại xem thương thế sư phụ. Ông lắc đầu:

- Lão nạp không sao đâu! Họ muốn hành hạ nên không hạ độc thủ ngay. Nhưng tại sao Siêu nhi lại đến đây đúng lúc như vậy?

Tử Siêu kính cẩn kể lại giấc mơ đêm qua, rồi nói với giọng tha thiết:

- Ân sư! Bốn mươi năm chay tịnh tu hành cũng không hóa giải được ân oán với Quy gia và Trường Sinh Đảo. Tiểu đồ không giám học theo Tam Lư Đại Phu bài xích Phật pháp. Nhưng trộm nghĩ học thuyết của Nho gia thích hợp với cuộc sống của nhân sinh hơn cả. Mong sư phụ rời cửa thiền để đồ nhi hầu hạ, phụng dưỡng.

Thần Quân mỉm cười:

- Phật pháp cao thâm, hoằng đại, ngươi không thể hiểu được đâu. Nhưng ta cũng đồng ý theo Siêu nhi vì cuộc chiến với Trường Sinh Đảo nguy hiểm khôn lường.

Tử Siêu mừng rỡ theo sư phụ vào trong thu xếp hành lý. Ông chỉ mang theo vài bộ tăng phục và mấy quyển kinh. Chàng cõng Lý Thần Quân ra đến của rừng, để ông cưỡi ngựa còn chàng dùng khinh công chạy theo.

Vừa đến Đông thành đã thấy bọn U Linh Chân Nhân đi đến. Họ hân hoan ra mắt Thần Quân. Ông nhìn hai nữ nhân cười bảo:

- Siêu nhi có vợ đẹp như tiên nên luyến tiếc hồng trần là phải.

Hai nàng thẹn thùng cúi mặt. Đầu tháng sáu, đoàn người về đến Hạng gia trang cạnh bờ đầm Mỹ Bi. Thông Triệt Hòa Thượng đang ngồi bên bàn tiệc với Kỳ Lan, Quân Ngọc. Ma Ảnh Thần Quân thấy lão này mặc cà sa mà rượu thịt ngay ngày mùng một, ông cau mày khó chịu. Thông Triệt Hòa Thượng ngửa cổ cười vang rồi ngâm nga:

Như Lai hà phương lai?

Phật pháp hàn xứ cư?

Tiện Thị Thiên Đạo tuần hoàn chi sơ linh!

Thần Quân nghe song linh đài sáng như gương, đã ngộ được thiền cơ. Ông bật cười ha hả, ngồi xuống rót rượu, bốc thịt mà ăn. Mọi người vui vẻ ngồi theo, lòng vô cùng kỳ quái.

Thực ra, Ma Ảnh Thần Quân vì mang nặng sát nghiệp nên mới xuống tóc quy y. Ông tu theo lối Tiện Ngộ, lấy minh tâm kiến tánh. Ngược lại, Thông Triệt Hòa Thượng xuất gia từ năm tám tuổi, có hơn bảy mươi năm đạo hạnh, thiền định nên sớm giác ngộ Phật pháp. Khi gặp Thần Quân, ông biết họ Lý có duyên với Phật môn nên dùng thiền lực khai sáng, chỉ điểm.

Chiều đến Kim Giáp Môn mở đại yến mừng Hạ Hầu phu nhân và Ma Ảnh Thần Quân. Tử Siêu hỏi Lý Thái Tung:

- Sư phụ, lai lịch Trường Sinh Đảo thế nào?

Thần Quân vuốt râu khề khà:

- Bảy mươi năm trước, ta chỉ là một hiệp khách hạng trung trong võ lâm. Mộ hôm, nhận được thư của đại ca ta ở đảo Chu Sơn mời ra dự đám cưới con trai lão, ta liền đáp thuyền ở bờ biển Triết Giang để đi Chu Sơn, nào ngờ bị một trận bão lớn nhấn chìm thuyền. Ta bám vào một mảnh gỗ, trôi dạt lên hướng Bắc, cuối cùng tấp vào một đảo nhỏ. Trên đảo có một loài cây rất quý cho trái trắng như sữa, ăn vào sẽ sống lâu. Chính vì vậy nơi đây mới có tên là Trường Sinh Đảo. Đảo chủ là Quân Sâm Nham, nếu lão còn sống thì năm nay đã hơn trăm ba chục tuổi. Dưới trướng lão chỉ chừng hơn hai trăm người nhưng đều là cao thủ bậc nhất, công lực thâm hậu nhờ ăn kỳ quả. Thấy ta có thiên bẩm võ học nên đảo chủ truyền cho pho Nghịch Chuyển Ma Công, Ma Ảnh Du Phong, ý đồ của lão là muốn ta trở lại Trung Nguyên gây dựng cơ sở, thi hành kế hoạch xưng bá của Trường Sinh Đảo. Sau năm năm, lão bảo ta mang theo ba mươi người vào lục địa. Nhưng ta đâu vì chút ơn cứu mạng ấy mà bán rẻ cả võ lâm?

Do vậy, ta đã dùng mưu giết sạch bọn đệ tử trung thành của Quân đảo chủ. Trong suốt ba mươi năm trời, dù danh tiếng lẫy lừng thiên hạ nhưng ta vẫn không có được một mái nhà êm ấm. Ta luôn phải thay đổi chỗ ở để tránh sự truy lùng của Trường Sinh Đảo. Sau khi lỡ tay giết chết Quy Uý Đồ, ta chán nản cảnh phiêu bạt giang hồ nên xuống tóc đi tu. Không ngờ bọn họ lại tìm ra được.

U Linh Chân Nhân thắc mắc:

- Lý tiền bối! Theo lời Tử Siêu thuật lại thì mười hai hồng y lão giả kia thi thố một loại hỏa chưởng rất lợi hại. Xin hỏi lộ số môn công phu ấy?

Thần Quân nhíu mày đáp:

- Ly Hỏa Tam Muội thần chưởng là tuyệt học trấn sơn của Trường Sinh Đảo. Sau trận vừa rồi, lão nạp mới biết tâm cơ sâu sắc của Quân đảo chủ, vì hỏa chưởng chính là khắc tinh của Nghịch Chuyển Ma Công. Hơi nóng kinh người xâm nhập vào cơ thể, khiên chân khí chạy ngược đường. Thiếu đảo chủ Quân Như Hạo đã được chân truyền môn thần công này nên mới tự tin thắng được Siêu nhi. Về công lực, lão nạp đã thử qua một chưởng và đoán rằng gã ăn nhiều kỳ quả nên có cả đến trăm tu vi.

Kỳ Lan thất sắc nói:

- Nếu vậy Siêu ca đâu địch lại gã?

Thần Quân gật đầu:

- Ta cũng đang lo điều ấy. Trong thiên hạ, chỉ có Kim Cương thần công và Bạch Ngọc chân khí của Phật môn mới chống lại được Ly hỏa Tam Muội thần chưởng mà thôi.

Tử Siêu lộ vẻ ưu tư:

- Đồ nhi may mắn học được Bạch Ngọc chân giải nhưng chỉ luyện được hai thành là bị ngưng trệ. Nghịch Chuyển Ma Công đã đè nén Bạch Ngọc chân khí vào đan điền, không sao đưa vào kinh mạch được vì chúng luân chuyển ngược chiều nhau.

Thông Triệt Hòa Thượng thấy mọi người lo lắng, ông bấm tay tính toán rồi cười ha hả:

- Mạng Siêu nhi rất lớn, thế nào cũng có kỳ tích xuất hiện. Các ngươi cứ yên tâm mà dẹp bỏ bộ mặt đưa đám ấy đi. Tử Siêu có mệnh hệ gì ta xin chịu trách nhiệm.

Biết lão nắm được thiên cơ, mọi người mới hoan hỉ cười. U Linh Chân Nhân trầm ngâm:

- Xem ra Trường Sinh Đảo đã có kế hoạch xâm nhập Trung Nguyên từ trước, do vậy gã Thiếu đảo chủ mới hẹn Siêu đệ vào ngày rằm tháng tám. Nếu quả thực họ đã kéo đại quân vào bờ, tất không dễ dàng chịu bỏ đi. Giả như Siêu nhi đả thương hay giết chết gã Thiếu đảo chủ thì họ sẽ mượn cớ ấy mà trở mặt. Lão phu cho rằng việc này không chỉ liên quan đến sư đồ Tử Siêu, mà còn là an nguy của võ lâm. Theo ý lão phu ta nên thông tin cho toàn Trung Nguyên được rõ. Hôm ấy, chúng ta kéo hết lực lượng võ lâm đến hư trương thanh thế. Biết đâu Trường Sinh Đảo e sợ mà không dám làm càn?

Bốn mỹ nhân là những người tán thành nhiệt tình nhất. Họ sợ Tử Siêu và Kim Giáp Môn cô thế. Thực ra lập luận của Lục Đảo Y rất chí lý, do đó mọi người đều đồng ý.

Kinh Phi Độ lập tức rời trang đến phân đà Cái Bang trong thành, gởi thư cho bang chủ Hồng Phát Cái. Nửa tháng sau, cả võ lâm đều biết đến dã tâm của Trường Sinh Đảo. Họ đồng lòng đến cửa sông Hoài để biểu dương lực lượng và nếu cần sẽ chiến đấu đến cùng.

Đầu tháng bảy, phân đà Cái Bang ở Hà Bắc báo về rằng tàn quân của Quy gia bảo và Âm Dương Bang đã vượt qua trường thành đoạn Bát Đạt Lĩnh. Tử Siêu yên tâm, chuẩn bị cho cuộc phó ước với Trường Sinh Đảo. Chàng là người hiểu rõ câu "tận nhân lực, tri thiên mệnh" nên không ỷ lại vào lời tiên đoán của đại sư bá. Chàng ra sức khổ luyện võ công, nhất là pho Hắc Vân Đao và Quang Minh Vô Lượng chưởng pháp. Chàng cũng không quên trau dồi thủ pháp phóng Vô Ảnh Châm. Nhờ vậy, bản lãnh chàng tiến bộ rất nhiều.

Giữa tháng bảy, Kim Giáp Môn lên đường xuôi Đông. Mùa thu, gió Tây thổi mạnh nên họ dùng thuyền lớn theo dòng Hán Thủy, đổ vào sông Hoài mà ra biển. Bốn vị phu nhân của Tử Siêu kiên quyết đòi theo, họ đem cả tiểu hài Minh Kính và Thúy Hoa.

Cuộc giang hành kéo dài gần tháng nhưng rất vui vẻ đầm ấm. Ít khi Tử Siêu được gần gũi thê nhi một thời gian dài và liên tục như vậy. Hai chiếc đại thuyền cập bến Hoài Âm sáng mùng mười tháng tám. Hắc Diện Phán Quan Lưu Du Tử và Vạn Lý Truy Phong Kinh Phi Độ đã đến trước họ mười ngày để quan sát địa hình, thu xếp nơi ăn chốn ở cho Kim Giáp Môn. Họ đã thuê nguyên một khách điếm lớn trong thành để làm bản doanh. Tầng trên cùng là nơi cư trú của môn chủ và gia quyến.

Khí hậu và phong cảnh miền biển khiến cho mỹ nhân sảng khoái. Họ lợi dụng những ngày còn lại để nô đùa trên bãi biển và sóng nước. Thiểm Tây nắng gắt, mưa dầm, đất đai cằn cỗi nên họ thích nơi này là phải. Tối đến, họ thủ thỉ đòi Tử Siêu dời nhà về Giang Nam cư ngụ. Dẫu sao thì nguyên quán của giòng họ Hạng cũng ở Triết Giang. Tử Siêu cười bảo:

- Các nàng đồng lòng bắt ta ra tranh chức minh chủ võ lâm, lại muốn hưởng cảnh thanh nhàn bên bờ Đông Hải, ta biết làm sao bây giờ? Hơn nữa, anh em Kim Giáp Môn đều là người đất Thiểm, chẳng lẽ phải đưa cả mấy trăm gia đình đến đây lập nghiệp?

Kỳ Lan dung hòa:

- Vậy thì chúng ta cứ ở Trường An. Nhưng mỗi năm, tướng công phải đưa bọn thiếp xuống Giang Nam du ngoạn một tháng.

Chàng gật đầu cười xòa.

Anh hùng thiên hạ lục tục kéo đến khiến Hoài Âm thành được một phen thịnh vượng. Sáng ngày rằm, hai ngàn cao thủ Trung Nguyên tề tựu trên bãi cát vắng phía Nam của sông Hoài. Họ tự động đứng thành hàng ngũ rất nghiêm chỉnh. Ngay phái Côn Luân ở tận Thanh Hải cũng có mặt. Họ mang ơn Tử Siêu nên không thể làm ngơ trước lời hiệu triệu của chàng.

Cuối giờ thìn, ba chiếc đại thuyền từ biển Đông đi vào của sông Hoài rồi neo lại. Trường Sinh Đảo chủ Quân Sâm Nham, cùng Thiếu đảo chủ Quân Như Hạo thống lĩnh hai trăm thủ hạ đi về phía quần hùng. Quân đảo chủ là một lão nhân cao lớn, mặt mũi phương phi, tay dài như tay vượn. Tuổi lão đã trăm ba mà cước bộ vững vàng, thần thái oai vệ. Thấy phe đối phương đồn gấp mười lần mình, lão cau mày nói:

- Lão phu là Quân Sâm Nham, lần này vào Trung Nguyên để chứng kiến cuộc phó ước của khuyển tử với gã Hạng Tử Siêu. Không ngờ tinh hoa võ lâm trung thổ lại có mặt đầy đủ nơi này, thật vô cùng vinh hạnh.

U Linh Chân Nhân cười nhạt:

- Tại sao đảo chủ lại đưa toàn bộ môn nhân đến đây làm gì?

Quân lão thấy dưới cờ Kim Giáp Môn có đến gần ba trăm người, lão điềm nhiên đáp:

- Tử Siêu đem theo thuộc hạ thì lão phu cũng vậy. Cuộc phó ước này chỉ liên quan đến hai phái, cớ sao Kim Giáp Môn lại huy động cả võ lâm đến đây?

Thông Triệt Hòa Thượng bật cười quái dị:

- Chứ không phải là Trường Sinh Đảo sắp chìm sâu dưới sóng biển nên bọn ngươi phải dọn nhà vào đất liền hay sao?

Quân đảo chủ giật mình:

- Đại sư là ai mà biết chuyện này?

Hoà thượng sang sảng nói:

- Lão nạp trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, nghĩ tình lão đến tuổi bách tuế mới có được một mụn con để nối dòng, lão nạp cảnh báo đảo chủ nên từ bỏ dã tâm xưng bá ở Trung Nguyên. Có thế mới mong bảo tồn được tông mạch họ Quân.

Tử Siêu tiếp lời hòa thượng:

- Nay Trường Sinh Đảo đã không còn sinh sống được, đảo chủ về lại Trung Thổ là hợp lý. Vói thần công tuyệt thế, đảo chủ có thể khai môn lập phái chung sống hòa bình với mọi người. Xin đừng nuôi mộng bá vương mà gây nên cảnh suối máu, rừng xương. Kim Giáp Môn xin tặng ba ngàn lương vàng để gọi là đền ơn truyền tuyệt học cho ân sư Lý Thái Tung.

Đảo chủ thấy thanh thế quần hào quá mạnh, họ lại một lòng ủng hộ Tử Siêu nên ông cũng nản chí, định từ bỏ ý định tranh hùng. Nhưng Thiếu đảo chủ Quân Như Hạo lại cho rằng Tử Siêu sợ chết nên mới nói như vậy, gã cười nhạt:

- Tâm ý của gia phụ làm sao ngươi đoán được mà nói càn? Cuộc tỷ thí hôm nay ta nhất quyết chẳng bỏ qua. Còn như sợ chết thì hãy tự phế võ công, ta sẽ tha cho.

Tử Siêu lặng lẽ rút Hắc Vân Đao bước ra. Toàn trường im phăng phắc, hồi hộp theo dõi cuộc tử đấu. Quân Như Hạo cười khẩy, vung đôi tay đỏ rực tấn công. Chưởng kình của gã nóng như lửa lò rèn, hơn hẳn Âm Dương thần chưởng. Chiêu thức lại quái dị huyền ảo phi thường.

Tử Siêu múa tít bảo đao lao vào màn chưởng phong. Chàng phối hợp cả hai pho Hắc Vân Đao và Vô ảnh đao của Tây Thục thần đao. Công lực song phương ngang nhau, cuộc chiến khó phân thắng bại.

Hai người đều luyện pho Ma Ảnh Du Phong, đoán được bộ vị sắp đến nên khó mà tránh chiêu. Chưởng kình và đao phong chạm nhau liên tục. Lúc đầu, Tử Siêu nhờ có bảo đao sắc bén, chiếm được lợi thế. Nhưng từ chiêu thứ hai trăm trở đi, hơi nóng chí dương của Ly hỏa Tam Muội thần chưởng đã thấm vào và tích tụ trong cơ thể chàng. Chân khí Tử Siêu bắt đầu ngưng trệ và chạy ngược đường. Màn đao quang mờ đi, không còn dày đặc như lúc trước nữa.

May thay, ngoài công lực chàng còn có thần lực thiên sanh, không phụ thuộc vào kinh mạch. Sức mạnh này nằm trong gân cốt và bắp thịt của thân hình chàng. Nhờ vậy, dù chân khí đã bị bế tắc, chàng vẫn có thể tiếp tục chống đỡ. Tuy nhiên, đao kình đã mất đi lực đạo nên yếu ớt, bị chưởng phong đánh bạt ra.

Tử Siêu trúng liền ba chưởng, y phục bốc cháy. Quần hào và thân quyến của chàng kinh hãi ồ lên. Kỳ Lan níu lấy áo Thông Triệt Hòa Thượng khóc hỏi:

- Đại sư bá! Kỳ tích đâu sao không thấy?

Lão bối rối gãi đầu. Phần Tử Siêu, sau khi trúng chưởng bỗng nghe luồng Bạch Ngọc chân khí trỗi dậy, từ Đan Điền đi vào kinh mạch. Lúc này, Nghịch Chuyển Ma Công bị lửa tam muội gây hiện tượng đảo mạch, không ngăn chặn được Bạch Ngọc chân khí mà còn bị dồn ngược về phía sau.

Tử Siêu như người say rượu, lảo đảo giữa lưới chưởng của đối phương. Quân Như Hạo tính tình tàn nhẫn, khắc nghiệt nên xuất toàn lực giáng những đạo chưởng kình hung hãn vào thân thể Tử Siêu.

Tiếng khóc nỉ non của bốn mỹ nhân như xé nát lòng người. Vì quy củ võ lâm, họ đành phải khoanh tay đứng nhìn chàng bị hành hạ và đi dần vào cõi chết. Đám thuộc hạ Kim Giáp Môn không khóc thành tiếng, từ khoé mắt rỉ ra những giọt máu hồng.

Tử Siêu lùi dần theo đạo chưởng phong giáng vào người nhưng vẫn không chịu gục ngã dù y phục đã cháy thành than. Đến chưởng thứ một trăm, thân hình chàng bỗng sáng lên, bóng loáng như bạch ngọc, phản chiếu ánh dương quang. Chàng đứng thẳng người, mỉm cười tiếp nhận hững cú đánh ngày càng yếu dần của đối thủ. Thông Triệt Hòa Thượng hô vang:

- Bạch Ngọc chân khí đã viên thành!

Quân Như Hạo lăn ra mặt cát khóc vùi. Nửa phần công lực của gã đã đi vào cơ thể Tử Siêu. Tiếng reo hò vang dội cả vùng biển vắng. Tử Siêu chỉ còn có chiếc khố vải cháy xém, từng bắp thịt cuồn cuộn trên người chàng tỏa sáng. Bốn mỹ nhân chạy lại ôm trượng phu, khóc vì vui sướng. Họ lấy áo choàng che phủ thân hình chàng.

Trường Sinh Đảo chủ thẫn thờ lẩm bẩm:

- Không ngờ chính Hạo nhi lại giúp gã luyện thành thần công vô thượng.

Theo đúng quy củ thì Tử Siêu có quyền giết đối thủ của mình. Vì vậy, Quân đảo chủ vội bước đến khẩn cầu:

- Lão phu chỉ có mình Hạo nhi, mong công tử thương tình mà tha mạng cho y!

Tử Siêu hiền hòa nói:

- Vãn bối không phải là kẻ hiếu sát, đảo chủ hãy mang công tử về đi!

Ma Ảnh Thần Quân bước đến vòng tay thi lễ:

- Lão nạp vẫn không quên ơn cưu mang và truyền tuyệt học của đảo chủ, nếu người có gì sai khiến, xin cứ nói!

Kỳ Lan cung kính dâng lên tấm ngân phiếu ba ngàn lượng vàng:

- Quý đảo gặp tai hoạ chắc không còn tài sản gì. Số vàng này xin đảo chủ nhận lấy để lo mưu sinh cho các đệ tử. Chư vị đều đã quá già, đâu thể cày cuốc được nữa?

Ma Ảnh Thần Quân thấy đảo chủ vẫn ngại ngùng không dám nhận, ông sụp xuống dập đầu:

- Lão nạp xin tôn người làm sư phụ. Dẫu sao thì lão nạp cũng đã được người truyền dạy võ công!

Tử Siêu cùng bốn mỹ nhân quỳ xuống bái kiến:

- Sư tổ!

Họ lại quay sang gọi Quân Như Hạo bằng sư thúc. Quân Sâm Nham hoan hỉ cười vang:

- Khéo thực! Té ra trời xanh cũng không bạc đãi lão già này. Lão phu sẽ về Trường An sống với Tử Siêu.

Quân hùng hoan hô nhịêt liệt, xúm lại chúc mừng.

Mùng hai tết, cả nhà đang quây quần mừng xuân thì có một người lạ xin vào bái kiến. Tử Siêu ngạc nhiên nhận ra Kim Điêu công tử Mặc Đoan Vân, nam tử của Hồng Điểm Thiên Tôn. Gã gầy đi rất nhiều, gương mặt đầy nét đau khổ. Chàng hoan hỉ giang tay ôm gã vào lòng:

- Sao Mặc huynh lại đi có một mình thế này?

Đoạn vân buồn rầu nói:

- Tiên phụ bảo tại hạ đem thư đến cho công tử.

Gã trao cho chàng một phong thư đã nhàu nát. Tử Siêu kéo gã ngồi vào bàn rồi mở thư ra đọc:

" Hạng công tử nhã giám!

Ngày ấy, lão phu đã hứa với công tử rằng suốt đời sẽ không để Đoạn Vân nhi vào Trung Nguyên. Nhưng Vân nhi đã quen với cuộc sống náo nhiệt phồn hoa của Trung Thổ. Nên chán cảnh tĩnh mịch, quanh năm tuyết phủ của Mãn châu. Vì vậy lão phu mong công tử niệm tình mà bảo bọc, chu toàn cho Đoạn Vân.

Hồng Điểm Thiên Tôn di bút!"

Tử Siêu đọc xong nhìn Đoạn Vân bảo:

- Không cần phải có phong thư này, tại hạ vẫn xem Vân huynh là bằng hữu.

Truyện Chữ Hay