Tiếng Bích Quy gọi hồn Tô Bùi trở lại, anh ra mở cửa thì thấy con bé đang đứng bên ngoài, tay giơ chiếc cốc sạch bong ra trước như đang dâng ra một bảo bối quý giá vô ngần của con bé.
Tô Bùi lo lắng không biết Bích Quy có nghe thấy những lời anh nói ban nãy hay chăng, nhưng may là trông con bé rất hớn hở, chắc là không nghe thấy gì, anh không muốn để con mình bị ám ảnh tâm lý.
Anh vuốt tóc con gái, “Đi, bố con mình đi chơi.”
Tô Bùi đưa Bích Quy đến thăm thảo cầm viên, con bé thích chí ngắm nhìn những chú hươu cao cổ và đám voi khổng lồ mà mình yêu quý nhất, được ăn kẹo bông gòn ngọt lừ và xúc xích thơm phức.
Trên đường về nhà, Bích Quy ngồi trên xe ôm con gấu bông mềm mại hỏi anh, “Bố ơi, bây giờ bố ở nhà luôn ạ?”
Sau khi trút được cơn giận và ra ngoài xả được stress thì tâm trạng Tô Bùi thoải mái và bình tĩnh hơn rất nhiều.
“Ừ, bố ở nhà đến Tết.”
Bích Quy lân la hỏi tiếp, “Thế cuối tuần sau con có được đi chơi tiếp không ạ?”
Tô Bùi đáp, “Được chứ, miễn là con chăm ngoan.”
Bích Quy ngậm ngừng một lát mới ỏn ẻn hỏi, “Vậy công việc của bố thì sao ạ? Nhà mình hết tiền phải không bố?”
Đôi khi lũ trẻ có những câu hỏi chẳng thể ngờ tới, diều đó khiến bố mẹ chúng chợt nhận ra con mình thực sự sâu sắc hơn họ tưởng.
Anh liếc nhìn con bé qua gương chiếu hậu, “Con không nên lo lắng điều đó, bố làm việc ở nhà, mọi chuyện đã có bố lo, nghe chưa.”
Anh nói với chất giọng bình thản và kiên định, Bích Quy xoa con hươu cao cổ nhỏ bằng bông mềm và thì thầm với nó, “Vâng ạ, tụi mình tin tưởng bố nhé.”
Cuộc điện thoại của Tô Bùi đã phát huy tác dụng. Trước tết, anh nhận được số nhuận bút của mình.
Sau đó, bên sản xuất phim không liên lạc với anh nữa, có vẻ họ tránh mặt anh, nhưng Tô Bùi chả quan tâm, anh cũng chẳng muốn có mảy may liên hệ nào với đoàn phim đó nữa.
Giờ thì nhuận bút đã về tay, anh thoát khỏi tình trạng ‘ngàn cân treo sợi tóc’, cũng đỡ phải nhờ vả Hạ Nhất Minh giúp đỡ.
Thế nên khi Hạ Nhất Minh mời anh đến chơi nhà vào Tết lần nữa, Tô Bùi có xíu xiu dao động.
“Anh cũng muốn đi chứ, nhưng mà Bích Quy được nghỉ mà anh thì không muốn gửi con bé sang nhà bà nội, anh muốn ở cùng con bé trong kỳ nghỉ lễ.” – anh trả lời.
Hạ Nhất Minh hít thật sâu, tình cảm của cậu với Bích Quy rất phức tạp, con bé mang một nửa gen của Tô Bùi, nhưng cũng có một nửa gen của người phụ nữ Thẩm Lam kia. Nên chẳng còn cách nào khác, con bé đã lớn, và cậu chỉ có thể đóng vai một người chú tốt thôi.
“Vậy anh đưa cả Bích Quy đi cùng đi, không gian ở đó rất phù hợp để trẻ con hòa mình với thiên nhiên, phòng cũng đủ mà.” – Hạ Nhất Minh nói.
Tô Bùi nhận lời, “Ừ, anh chưa đến trang trại của cậu bao giờ, cũng muốn đến thăm thú xem sao.”
Nơi mà Tô Bùi được mời đến nghỉ dưỡng nằm ở vùng ngoại thành. Hạ Nhất Minh có nhà trong thành phố nhưng lại không thích những tòa nhà chọc trời hay những nơi được gọi là khu nhà giàu, cậu ta thích vùng nông thôn bình yên và dân dã hơn. Thế là cậu ta xây dựng một “trang trại” ở ngoại ô thành phố, lấy trung tâm là tòa biệt thự ba tầng tiện nghi rộng rãi, xung quanh được bao bọc bởi vườn hoa, ao nước, rừng cây, vườn hữu cơ, một chuồng ngựa đang được hoàn thiện và đường xá đã được tu sửa.
Tất cả đều lần lượt được xây dựng và hoàn thiện vào cuối năm vừa rồi, vậy nên Hạ Nhất Minh mời Tô Bùi đến để cùng đón Tết.
Chiều cuối cùng của tháng mười hai, Tô Bùi đón Bích Quy từ trường về rồi đi thẳng đến trang trại của Hạ Nhất Minh.
Bích Quy lớn lên giữa thủ đô, chưa về vùng nông thôn bao giờ. Với con bé thì nơi vui nhất trong các kỳ nghỉ là trung tâm thương mại và công viên giải trí, nên Bích Quy tỏ ra không hào hứng lắm.
“Bao giờ chúng ta mới đến Thung lũng Hạnh phúc hả bố?” – cô bé hỏi.
Tô Bùi đáp, “Khi nào thời tiết ấm lên con ạ, mùa đông quá lạnh để đến đó chơi.”
Bích Quy thở dài, “Vậy thì phải đợi rất là lâu ạ.”
Tô Bùi nói, “Hôm nay bố con ta đến nhà chú Hạ, chú ấy là bạn thân của bố, bạn rất thân, hồi nhỏ con cũng gặp chú ấy rồi đấy, nhớ không? Chú ấy nhiệt tình mời bố con ta đến nhà chơi, nên con hãy cảm ơn chú ấy nhé?”
Bích Quy có chút ấn tượng với danh xưng “chú Hạ” này nhưng con bé không nhớ nổi đó là người thế nào.
Nhà “chú Hạ” ở quê lại rất hiếu khách nên trong đầu cô bé Bích Quy bắt đầu phác họa hình ảnh một chú nông dân chất phác và tốt bụng.
Vừa lái xe Tô Bùi vừa gợi ý cho cô bé, “Con xem bên đường đẹp chưa kìa, cây cối um tùm và ruộng lúa mênh mông, thứ con không thể trông thấy ở thành phố đâu, đến nông trường còn có các bạn chó, mèo, gà, vịt, cừu và bò, con sẽ được uống sữa tươi mới nhất nữa.”
Nghe thấy có động vật, Bích Quy mới hào hứng thêm chun chút, cô bé nhìn chằm chằm ra ngoài cửa sổ xe như đang cố tìm bóng dáng của một con bò hay con trâu bên đường.
Rồi con bé đột nhiên òa lên, “Òa!! Con thấy rồi, có phải tòa nhà kia không bố?”
Tô Bùi cũng nhìn theo Bích Quy, men theo con đường xe chạy, anh trông thấy một tòa nhà nhỏ với bề ngoài mộc mạc, dung hòa vào khung cảnh làng quê.
Nó làm anh chợt nhớ về ký ức phủ bụi từ rất lâu trước đây khi còn ở trường đại học, anh và Hạ Nhất Minh nằm trên sân thượng tận hưởng đêm hè thanh mát và mơ mộng về tương lai, anh đã hỏi Hạ Nhất Minh có ước mơ gì trong mai này.
Cậu ta đã trả lời rằng, “Lang thang đây đó rồi ẩn dật, kiếm một mảnh đất ở nông thôn, làm ruộng và câu cá, nếu chán thì du lịch các nơi trên thế giới.”
Tô Bùi vẫn nhớ mình đã nói rằng, “Anh cảm thấy cậu sẽ làm được những thứ lớn lao hơn thế.”
Hạ Nhất Minh đáp, “Vậy thì coi đây như giấc mơ phụ đi.”
Giờ thì Hạ Nhất Minh đã hoàn thành được giấc mơ phụ của cậu ta, thậm chí còn phát triển nó thật trọn vẹn. Đột nhiên anh nảy ra một cảm giác thật lạ lùng, rằng anh không chỉ bước vào một ngôi nhà, một trang trại, mà còn bước vào giấc mơ và thanh xuân của một người.
Cảm giác ấy khiến anh nao nao cảm xúc.
Hạ Nhất Minh ra tận cổng đón họ.
Tô Bùi đậu xe, Hạ Nhất Minh xách vali ra giúp anh, “Ở có ba đêm mà kéo theo hai chiếc vali to tướng thế này, quả nhiên chỉ có thể là anh.”
Tô Bùi chỉ cô con gái bé nhỏ, “Không thể bớt đồ của con bé được.”
Rồi anh kêu Bích Quy, “Chào chú Hạ đi con.”
Bích Quy và Hạ Nhất Minh chòng chọc nhìn nhau.
Đã một thời gian dài Hạ Nhất Minh không gặp con bé, Tô Bùi thì chẳng bao giờ đăng ảnh con gái trong vòng bạn bè cả. Hôm nay gặp lại, cậu mới nhận ra con bé đã phổng phao khác hẳn với sinh vật nhỏ xíu yếu ớt mà cậu cảm thấy vào ngày trước.
Hạ Nhất Minh nhìn con bé từ trên cao, con bé thật giống Tô Bùi, giống từ đôi mắt, làn môi, nhưng cũng rất giống Thẩm Lam… nhất thời cậu chả biết phải nói gì, cậu không có tẹo kinh nghiệm giao tiếp với trẻ con nào cả.
Bích Quy đâu ngờ rằng chú Hạ không phải chú nông dân tốt bụng và chất phác như tưởng tượng, trông chú ta còn có vẻ hơi dữ nữa.
Con bé nhìn Hạ Nhất Minh chằm chằm, vẻ mặt sững sờ với một chút đề phòng.
Lúc nào Tô Bùi cũng cảm thấy cô con gái nhỏ nhà mình thông minh và hiểu chuyện, nhất là khi làm cha mẹ rồi anh càng hiểu rõ hơn tâm lý mong muốn con mình nổi bật trước người khác hơn.
Anh vỗ vai Bích Quy lần nữa, “Lâu quá rồi nên quên hả con? Bạn bố đấy, chào chú đi con.”
Bấy giờ con bé mới lí nhí bằng giọng nơm nớp sợ sệt, “Cháu chào chú ạ.”
Hạ Nhất Minh tặng con bé một nụ cười hờ hững, “Ừ, chào cháu.”
Có câu trẻ con là giống loài nhạy cảm nhất, trực giác giúp chúng nhận ra cảm xúc mà đối phương không bộc lộ qua ngôn từ.
Hạ Nhất Minh không biết có phải Bích Quy cũng cảm thấy như thế về mình hay không.
Sắp xếp hành lý đâu vào đấy, Bích Quy chạy tung tăng mò mẫm mọi ngóc ngách trong biệt thự chẳng biết chán, bởi căn nhà chúng mới đẹp đẽ làm sao, có mấy con mèo cuộn tròn trên sô pha và lũ mèo thì thật cuốn người. Bích Quy chơi với chúng, nghịch trò chơi điện tử trong phòng khách, chẳng mấy chốc con bé đã hòa nhập với môi trường.
Hạ Nhất Minh kéo Tô Bùi ra ngoài tản bộ, nhưng Tô Bùi tỏ ra lo lắng khi để Bích Quy ở nhà một mình.
Hạ Nhất Minh đảm bảo, “Không sao đâu, trong phòng khách có lắp camera và còn cả dì quản gia nữa, em dẫn anh đi tham quan trang trại, đi một lúc rồi về thôi mà.”
Tô Bùi đáp, “Anh thà ở trong nhà cho ấm còn hơn.”
Hạ Nhất Minh ném chiếc khăn quàng cho anh, “Anh nên đi lại và tắm nắng nhiều hơn đi. Thôi đi đi nào, lát nữa có khách đến là em không tiếp đãi được mình anh đâu đấy.”
Tô Bùi cười đáp, “Vậy thì lại vinh hạnh quá.”
Cuối cùng anh vẫn bị Hạ Nhất Minh kéo ra ngoài. Cậu ta lái chiếc xe đánh gôn chở hai người đến chỗ chuồng ngựa, Tô Bùi ngắm những con ngựa lững thững bên trong và vài ba loài động vật khác.
Kỳ thực, cũng giống Bích Quy, anh thích thủ đô phồn hoa hơn là cuộc sống đồng quê dân dã. Nếu cho anh chọn thì anh thích lân la ở những trung tâm thương mại lớn, thưởng thức đồ ăn ở những nhà hàng sang trọng, nghỉ dưỡng ở những resort có bãi biển riêng và chìm đắm trong âm thanh và ánh sáng ở những quán bar sôi động.
Sở thích của Hạ Nhất Minh thì trái ngược hoàn toàn. Cậu ta là một phượt thủ, thích chinh phục những vùng đất mới, thích thiên nhiên hoang sơ và mộc mạc, thích các hoạt động thể chất như leo núi, đi bộ, đạp xe, câu cá. Tô Bùi từng nói với Hạ Nhất Minh rằng cậu ta quá bị ám ảnh bởi thiên nhiên hoang dã đến mức bất bình thường.
Nên so với vùng đất hoang sơ chưa khai phá, thì một nông trại được quy hoạch chỉnh tề gần như một khu nghỉ dưỡng cao cấp tiện nghi vẫn khiến Tô Bùi cảm thấy dễ chấp nhận hơn, chí ít thì anh cảm thấy tản bộ ở đây khá là khoan khoái, quan trọng nhất là có Hạ Nhất Minh đóng vai vị chủ nhà hiếu khách ở bên cạnh.
Hai người họ ngắm nghía những con ngựa non và lân đến khu nhà kính trồng các loại rau quả sạch.
“Đây mới thực sự là rau củ hữu cơ này, nhưng tiếc là quy mô còn nhỏ quá, trồng nhiều loại nhưng sản lượng không đủ.” – cậu ta vừa nói vừa hái rau rồi thả vào chiếc rổ trên tay, họ sẽ ăn những loại rau xanh tươi mởn này trong bữa tối.
Tô Bùi điểm mặt từng loại cây một cho đến khi tìm thấy những trái dâu tây xinh xắn, tuy không to lắm nhưng đỏ mọng, anh hái cho Bích Quy một rổ nhỏ.
Chất trái cây và rau quả lên xe gôn. Hạ Nhất Minh chở Tô Bùi ra ngắm ao nước trên đường trở về biệt thự.
Nói là ao nhưng thực tế thì mặt nước trải rộng ra xa tít tắp, nom chúng yên ả và trong xanh hơn vào mùa đông lạnh giá.
Đứng bên bờ, Tô Bùi không khỏi thốt lên, “Ao đâu cơ chứ? Đây rõ ràng là hồ, cậu xây hồ nhân tạo à?”
Hạ Nhất Minh rất thích nghe những lời khen của Tô Bùi, song đôi khi anh có hơi quá lời chút đỉnh, khiến cậu nửa tự mãn nửa xấu hổ khôn tả rồi cũng khiến cậu phấn khích liên miên.
Cậu chỉ đành nghiêm mặt nói, “Sao anh không gọi luôn là biển đi, chứ hồ đã là gì.”
Ấy nhưng Tô Bùi vẫn cứ trầm trồ, “Mùa hè mà chèo thuyền ở đây thì cứ phải gọi là trên cả tuyệt vời nhỉ.”
Hạ Nhất Minh nói, “Còn bơi nữa chứ, nước không sâu và sạch lắm.”
Tô Bùi xin từ chối, “Anh không bơi hồ được, anh chỉ bơi trong bể bơi thôi.”
Hạ Nhất Minh cởi áo, Tô Bùi trợn mắt nhìn cậu ta, “Cậu định làm gì đấy?”
Hạ Nhất Minh cởi tới quần, cậu cười toe trả lời anh, “Bơi mùa đông.”
Tô Bùi vội vàng can lại, “Trời ơi rét lắm! Đang đấy biết không hả.”
Tô Bùi càng can ngăn thì Hạ Nhất Minh càng phấn khích, cậu nhanh chóng lột xong bộ quần áo và đôi giầy, choài người nhảy ào xuống nước.
Tô Bùi đứng trên bờ nhìn Hạ Nhất Minh càng bơi càng xa, anh gọi với theo, “Xa vậy được rồi đó!”
Hạ Nhất Minh bơi xong một vòng rồi trở về bờ. Thế nhưng không biết có phải ảo giác hay không mà Tô Bùi cảm thấy động tác của Hạ Nhất Minh chậm dần chậm dần, đầu cậu ta cũng từ từ chìm nghỉm xuống.
Giữa thời tiết lạnh thế này… Tô Bùi bụm miệng, anh nhìn đăm đăm vào mặt hồ vài giây rồi bất chợt cuống quýt, anh hớt hải lao xuống làn nước buốt giá bơi về phía Hạ Nhất Minh mặc kệ quần áo vẫn bó chặt trên người.
“Hạ Nhất Minh” – anh lao xuống, mặt nước nhanh chóng dâng lên đầu gối, rồi đùi, nhưng chưa tới ngực, anh vươn tay muốn kéo Hạ Nhất Minh.
Thế nhưng khi gần chạm được thì đột nhiên cậu ta bật dậy, “Em đã bảo nước không sâu mà.”
Tô Bùi tức điên, “Cậu điên à!”
Giờ anh mới thấy răng mình va nhau lập cập, nước dập dềnh làm người anh lao đao không vững, Hạ Nhất Minh thì cười khoái chí kéo anh lên bờ.
Hạ Nhất Minh chỉ tròng một chiếc quần gió với áo sơ mi mỏng tang lên người, còn đưa quần áo khô của mình cho Tô Bùi mặc sau khi giúp anh trút chiếc áo phao và áo len đã sũng nước xuống, đặng đỡ anh lên xe.
“Anh sẽ chết cóng mất…” – Tô Bùi làu bàu yếu ớt.
Hạ Nhất Minh phóng chiếc xe hết tốc lực, “Làm gì, dính tý nước thôi mà.”
Tô Bùi nói, “Anh sốt mất thôi.”
Hạ Nhất Minh an ủi, “Sẽ cho anh tắm nước nóng ngay, và em sẽ pha cho anh một cốc trà gừng, sẽ chả sốt được đâu.”
Tô Bùi ho khù khụ, giọng run rẩy, “Vừa nãy anh tưởng cậu đã bị làm sao…”
Hạ Nhất Minh thò tay nắm lấy tay anh, “Yên tâm, trong di chúc của em có tên anh.”
Đó không phải câu nói đùa. Cậu thực sự để lại vài thứ cho Tô Bùi trong di chúc.
“Không vui đâu!” – Tô Bùi càu nhàu, “Giờ thì anh cảm thấy mình sắp chết rồi.”
“Đàn ông ba mươi xuân xanh chả chết dễ vậy.” – Hạ Nhất Minh đáp với giọng điệu cục cằn, không phải vì tức giận mà bởi Tô Bùi liên mồm làu bàu về cái chết làm cậu đâm ra lo lắng.
Một người đàn ông trưởng thành bình thường sẽ chẳng có vấn đề gì, nhưng ai biết được chứ, nhỡ Tô Bùi không phải một người bình thường, nhỡ anh mỏng manh như chú chim sơn ca thôi thì sao – đầu óc Hạ Nhất Minh nổ tung những suy nghĩ rồ dại liên miên.
May thay là hồ nước cách biệt thự không xa, vừa bước vào nhà, hệ thống sưởi tự động bật lên hồi sinh Tô Bùi sắp chết vì cóng. Hạ Nhất Minh dẫn anh đến phòng tắm, bảo anh hãy ngâm người trong bồn để làm ấm người. Còn cậu thì bật vòi xả nước ấm ra bồn cho anh, trong khi Tô Bùi vội vàng lột quần áo mà chả buồn quan tâm đến việc phơi bày cơ thể ra trước mặt người khác.
Hạ Nhất Minh đứng sau lưng Tô Bùi, mắt dán chặt xuống, giữa tiếng nước nóng xả ào ào trong phòng tắm, chiếc gương cỡ đại treo trên tường trở nên mờ đi vì hơi ẩm, song vẫn có thể thấy thấp thoáng bờ vai thon, đường nét cơ thể và nước da trắng ngần của Tô Bùi…
Hạ Nhất Minh đột nhiên căm ghét bản thân khôn tả, cậu ra khỏi căn phòng tắm ẩm ướt nóng nực như một kẻ chạy trốn.
Khi cánh cửa khép lại, cậu nghe rõ tiếng Tô Bùi thở dài thoải mái khi chìm vào trong bồn nước nóng.
Tiếng thở suýt chút nữa khiến cậu hồn lìa khỏi xác.
Bích Quy đang chơi trong nhà bếp. Bác quản gia rất có thiện cảm với cô bé thông minh và xinh xắn này, bà cho con bé các loại bánh quy và trái cây.
Bích Quy vừa ngồi vào bàn ăn vừa chơi với lũ mèo con.
Hạ Nhất Minh bước ra với khuôn mặt không thể tăm tối hơn, anh hỏi, “Có gừng không cô? Cắt cho cháu một miếng to.”
Anh lấy một chiếc nồi sứ ra chuẩn bị pha trà gừng cho Tô Bùi.
Bích Quy mon men hỏi, “Chú ơi, bố cháu đâu ạ?”
Anh liếc nhìn con bé, “Bố cháu đang tắm.”
Bích Quy hỏi, “Vì sao ạ?”
Anh cảm thấy trẻ con thật rắc rối, tuy rằng con bé chỉ hỏi một câu cực kỳ đơn giản nhưng mọi sự kiên nhẫn của anh chỉ dành hết cho Tô Bùi.
Huống chi tâm trạng của anh bây giờ đang rất là xoắn quẩy nữa.
“Bố của cháu đâu ạ?” – con bé bắt đầu hoang mang.
Chung quy con bé mới chỉ lên chín.
__________