Kiều Nương Xuân Khuê

chương 92: mời quan gia hỗ trợ a kiều

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Editor: Trà Xanh

Sự xuất hiện của Triệu Yến Bình cùng với hai bao Bích Loa Xuân khiến lòng A Kiều rối loạn mấy ngày, nhưng đã qua nửa tháng, Triệu Yến Bình không đến nữa, gợn sóng trong lòng A Kiều từ từ lắng đọng lại.

Tặng nàng lá trà ngon giá hai lượng một cân không có nghĩa hắn còn nhớ tình cảm cũ, có lẽ hắn chỉ tìm lý do đến đây, đem mười lượng bạc sính lễ trả cho nàng. Dù gì thì người nọ từ trước đến nay đều không thích lợi dụng nàng bất cứ thứ gì, lão thái thái lấy bao nhiêu của nàng thì hắn trả lại tất cả cho nàng.

Cuộc sống hiện tại của A Kiều rất viên mãn, dậy sớm chơi với tiểu Mạnh Chiêu, đến giờ Tỵ cửa hàng mở cửa thì A Kiều làm trong phòng thu chi, giữa trưa ăn chút cơm, đến chạng vạng đóng cửa, nàng về hậu viện nghỉ ngơi.

Có chuyện bận rộn sẽ bớt suy nghĩ vẩn vơ.

Thoáng chốc lại đến cuối tháng.

Từ lúc cửa hàng mở cửa vào buổi sáng, những thợ thêu do A Kiều thuê lần lượt đến giao hàng.

Ở cửa hàng tại kinh thành này, A Kiều không tự mình thêu thùa may vá. Trước khi cửa hàng chính thức khai trương, A Kiều dán một tờ thông báo, xem có phụ nhân hay cô nương nào tương đối nhàn nhã ở nhà và cũng khá khéo tay để nhận làm việc cho nàng. Ngay cả dưới chân thiên tử cũng có gia đình nghèo, rất mau đã có mấy chục người đến ứng tuyển.

A Kiều ký công văn với tất cả phụ nhân và cô nương khéo tay có thể thêu đồ khiến nàng vừa lòng. Trong thời gian công văn còn hiệu lực, những hoa lụa và kiểu thêu mà A Kiều dạy bọn họ làm, hoặc những kiểu dáng mà các thợ thêu tự sáng tạo chỉ có thể cung cấp cho A Kiều, không được bán cho người khác.

A Kiều trả tiền công cao hơn các tiệm thêu khác, đặc biệt là những thợ thêu tự mình nghĩ ra kiểu thêu mới, A Kiều sẽ trả nhiều một chút. Tin tức lan rộng, thu hút một nhóm thợ thêu khéo tay đến ký công văn với nàng. Giang nương tử cũng là một trong số đó, nhưng Giang nương tử thích chào mời khách, phát hiện A Kiều còn thiếu nữ chưởng quầy, Giang nương tử tự đề cử mình.

Cô mẫu tặng nàng tòa nhà này, tiền tiết kiệm của A Kiều cũng đủ trang trải chi phí ban đầu của cửa hàng. Sau đó dưới sự nỗ lực của chủ tớ A Kiều, Giang nương tử và các thợ thêu, bao gồm sự tuyên truyền của cô mẫu trong giới thái thái nhà quan, cửa hàng kinh doanh ngày càng tốt. Đến bây giờ, A Kiều có thể kiếm được năm sáu lượng bạc mỗi tháng, đủ để gia đình nhỏ của mình sống thoải mái dễ chịu.

Đầu mỗi tháng, các thợ thêu đến chỗ A Kiều lấy nguyên liệu kim chỉ và lụa, cuối tháng đến giao hàng và lãnh tiền, đây là thỏa thuận đã ký, đa số thợ thêu sẽ giao hàng dựa theo ngày, thỉnh thoảng cũng có vài người chậm trễ vì trong nhà có chuyện, chỉ cần báo trước với A Kiều một tiếng, A Kiều sẽ không ép buộc.

A Kiều đã ghi hai mươi sáu thợ thêu vào danh sách, phác thảo họ, đến chạng vạng sắp đóng cửa, còn một người chưa đến.

Thợ thêu này tên là Thôi Trân, năm nay mới mười lăm tuổi, sống tại trấn Nam Đường ngoại thành.

Tổ mẫu của Thôi Trân vốn là thợ thêu trong cung, lớn tuổi được thả ra ngoài. Lão thái thái không tự thêu được, muốn truyền lại kỹ năng thêu thùa học được trong cung cho con dâu, chính là nương của Thôi Trân, nhưng nương của Thôi Trân không học được, lão thái thái thử dạy hai cháu gái, Thôi Cẩn mười tuổi và Thôi Trân bảy tuổi, hai chị em có thiên phú, học được tay nghề.

Sau khi lão thái thái qua đời, số bạc bà đem về từ trong cung dần dần xài hết, cuộc sống Thôi gia không dễ dàng gì, cha mẹ Thôi Trân đưa trưởng nữ Thôi Cẩn đến gia đình giàu có trong kinh thành làm thợ thêu, ký khế bán mình. Thôi Cẩn dùng tiền lương hàng tháng tiếp tục nuôi gia đình mấy năm, cho đến khi chủ nhân gửi xác nàng về nhà.

Chủ nhân nói, Thôi Cẩn thừa dịp lão gia say rượu leo lên giường của lão gia, hy vọng một bước lên trời làm di nương, sau khi lão gia tỉnh lại không đồng ý, Thôi Cẩn mất mặt nên cắn lưỡi tự sát. Vì tội nghiệp, lão gia tặng Thôi gia năm mươi lượng bạc.

Thôi phụ và Thôi mẫu cam chịu lời giải thích của nhà lão gia, mắng nữ nhi đã chết trước mặt láng giềng, đơn giản đem nữ nhi đi chôn.

Chỉ có Thôi Trân thương cho tỷ tỷ, lúc cha mẹ muốn bán nàng cho gia đình giàu có đó tiếp tục làm thợ thêu, nàng thà chết chứ không chịu.

Thôi gia không thể ép chết nữ nhi, sai Thôi Trân đến tiệm thêu để tiếp tục công việc, sau đó nghe nói chỗ A Kiều trả tiền công cao, Thôi Trân chuyển tới chỗ A Kiều. Về chuyện của Thôi gia, tất cả đều do Giang nương tử nói chuyện với Thôi Trân dò hỏi được.

Trong số những thợ thêu, A Kiều thích Thôi Trân nhất. Cô nương này có tay nghề tốt, làm việc cần cù, tấm lòng nhân hậu, có lúc A Kiều trả tiền công cho nàng nhiều, Thôi Trân chủ động nhắc nhở và trả lại tiền cho nàng.

“Tiểu Trân chưa bao giờ trì hoãn, sao hôm nay không tới?”

Vì chờ Thôi Trân, hôm nay cửa hàng đóng cửa trễ hơn ngày thường, thấy trời sắp tối, A Kiều rất lo lắng.

Giang nương tử cũng không yên tâm, nói với A Kiều: “Bà chủ nghỉ ngơi trước đi, ngày mai nếu nàng vẫn không tới, ta về sớm một chút, nhờ người trong nhà đi với ta đến trấn Nam Đường xem thử.”

Tạm thời đành phải như vậy.

Sáng hôm sau, Thôi Trân vẫn không xuất hiện.

A Kiều lo lắng cho Thôi Trân. Thôi Trân còn một cái váy thêu cần giao hàng, cái váy đó là kiểu mới mà A Kiều nghĩ ra được, chuẩn bị treo lên vào Tết Đoan Ngọ, xem thử có tiểu thư nhà quan nào đi chơi và thích mua nó hay không. Tiền vốn cho vật liệu làm váy đến ba lượng, lỡ như có gì sơ xuất, A Kiều lãng phí ba lượng bạc.

Ngay sau bữa trưa, A Kiều gọi Đông Trúc ở hậu viện lên, bảo nàng đi cùng phu thê Giang nương tử một chuyến.

Ba người này đi đến lúc hoàng hôn mới trở về, sắc mặt rất khó coi.

A Kiều đóng cửa, khẩn trương hỏi: “Có chuyện gì? Gặp Tiểu Trân không?”

Giang nương tử nghiêm nghị nói: “Không gặp, người Thôi gia nói sáng sớm hôm qua Tiểu Trân và tẩu tử Tôn thị của nàng đi vào thành, nửa đường Tôn thị bị đau bụng, tự về nhà. Sau đó đến tối cũng không thấy Tiểu Trân về, bọn họ cho rằng Tiểu Trân giống trước đây, cầm tiền mua đồ đi hiếu kính ông ngoại bà ngoại, buổi tối cũng ở lại nhà bà ngoại. Ta bảo người Thôi gia dẫn chúng ta đến đó, kết quả Tiểu Trân cơ bản không đến nhà bà ngoại.”

A Kiều nóng nảy: “Vậy Tiểu Trân rốt cuộc đi đâu?”

Giang nương tử lắc đầu, Đông Trúc bình tĩnh trả lời: “Thôi mẫu nói, bọn họ gần đây giới thiệu hôn sự cho Tiểu Trân, Tiểu Trân không hài lòng, chắc chắn giả vờ vào thành giao hàng nhưng trên thực tế là cầm tiền riêng chạy trốn. Chúng ta còn muốn hỏi thêm, cả nhà đó thô lỗ mắng Tiểu Trân, không để chúng ta xen vào, còn nói Thôi gia không có loại nữ nhi này, sau này bọn họ không quan tâm Tiểu Trân sống hay chết, chúng ta muốn người thì tự mình đi tìm.”

A Kiều nghe vậy vô cùng bực mình, Thôi Trân đáng tin như vậy, dù định chạy trốn cũng sẽ giao hàng cho nàng trước, sẽ không thất hứa bội bạc. Thôi gia luôn coi Thôi Trân như cây rung tiền, nếu Thôi Trân thật sự chạy trốn, Thôi gia sẽ là người đầu tiên đến quan phủ báo quan tìm người. Hiện giờ Thôi gia chỉ ở nhà mắng nữ nhi, không có ý muốn tìm Thôi Trân, bản thân có chuyện mờ ám!“Bọn họ không báo quan thì chúng ta sẽ đi, nói rằng Thôi Trân không giao hàng đúng hạn, nhờ quan phủ thay chúng ta tìm người, tìm được người rồi tính tiếp.”Thôi gia trước đây đã bán một nữ nhi, cũng từng muốn bán Thôi Trân, A Kiều lo lắng sự mất tích lần này của Thôi Trân thật ra là bị Thôi gia bán.

Giang nương tử nhìn bên ngoài: “Trời đã tối, muốn báo quan phải đợi ngày mai.”

A Kiều nói: “Vậy sáng mai sẽ đi!”

Thậm chí nếu không vì ba lượng bạc tiền vốn, A Kiều cũng muốn ép Thôi gia giao Thôi Trân ra.Hôm sau Giang nương tử đi Thuận Thiên Phủ báo án.

Cao phủ doãn thụ lý vụ án, phái bộ đầu đưa cả nhà Thôi gia đến nha môn, mọi người Thôi gia khăng khăng nữ nhi tự mình chạy trốn, bằng chứng là trong phòng nữ nhi thiếu vài bộ xiêm y, trang sức có giá trị cũng không thấy. Bộ đầu đã hỏi người trong thôn, Thôi Trân đã cãi nhau nhiều lần với người trong nhà vì hôn sự, quan binh ở cửa thành cũng làm chứng rằng hai ngày nay Thôi Trân không vào thành, Thôi Trân chạy trốn hẳn là sự thật.

Cao phủ doãn xác định vụ án này là Thôi Trân bỏ trốn cùng hàng hóa, sai người đem bức chân dung của Thôi Trân và tội danh truyền khắp nơi, bắt được người thì đưa về kinh thành.

Sau đó là Đoan Ngọ, nha môn lớn nhỏ ở kinh thành đều nghỉ lễ ba ngày.

A Kiều không tin Thôi Trân chạy trốn, nếu Thôi Trân bị người Thôi gia bí mật nhốt lại thì cũng không sao, lỡ như Thôi Trân thật sự bị Thôi gia bán, A Kiều chờ thêm một ngày, Thôi Trân sẽ bị ức hiếp thậm chí bị bắt cóc đến nơi nguy hiểm khác. Dượng đi làm việc nơi khác, dù cho Dượng ở kinh thành, một đại tướng quân biết đánh giặc nhưng chưa chắc biết phá án.A Kiều nhớ rõ, năm ngoái biểu đệ Tiết Diễm tranh chấp với nhi tử Cao Thịnh của Thuận Thiên phủ doãn ở lớp học, nam hài tử cãi nhau dễ dàng động thủ, biểu đệ mạnh tay đã đánh Cao Thịnh bầm dập mặt mũi. Thuận Thiên phủ doãn Cao đại nhân dẫn nhi tử đến tướng quân phủ tìm Dượng lý luận, Dượng không hề mở cửa, trực tiếp làm lơ Cao đại nhân, Cao đại nhân tức giận đến nỗi đã gọi thẳng Dượng là trùm sơn phỉ.

Thuận Thiên Phủ không cố gắng tìm người, A Kiều không thể sử dụng mối quan hệ của Dượng và cô mẫu, nếu kéo Dượng vào, Thuận Thiên Phủ biết sẽ càng qua loa hơn.Hiện giờ A Kiều chỉ nghĩ đến một người có thể giúp nàng.

Nhưng A Kiều không biết Triệu Yến Bình hiện tại sống ở đâu.

A Kiều ngẫm nghĩ, bảo Đông Trúc đến Vĩnh Bình Hầu phủ, nhờ Tạ Dĩnh Tạ tam gia giúp nàng chuyển một lời nhắn.

Đông Trúc đợi ngoài hầu phủ nửa ngày, chờ từ buổi trưa đến hoàng hôn, cuối cùng đợi được Tạ Dĩnh từ Hộ bộ trở về. Đông Trúc không nhận ra Tạ Dĩnh, nghe thị vệ trước hầu phủ gọi công tử tuấn nhã đó là Tam gia, Đông Trúc sáng mắt, vội vàng nói: “Tạ tam gia, ngài biết Triệu quan gia Triệu Yến Bình của huyện Võ An ở đâu không?”

Tạ Dĩnh nhìn Đông Trúc, đi một mình tới, thấp giọng hỏi: “Ngươi là…?”

Đông Trúc nhỏ giọng nói: “Chủ tử nhà ta trước đây là láng giềng của Triệu quan gia, hiện giờ chủ tử có việc nhờ Triệu quan gia hỗ trợ nhưng không biết hắn ở đâu, nếu Tam gia biết, làm phiền ngài giúp chủ tử nhà ta nhắn cho hắn, để hắn đến tiệm thêu một chuyến.”

Tạ Dĩnh đã hiểu, bảo Đông Trúc đi về trước, hắn sẽ đến tìm Triệu Yến Bình.

Triệu Yến Bình mới từ Đại Lý Tự về nhà chưa lâu, ngày mai trực một ngày, bắt đầu ngày mốt được nghỉ ba ngày liên tục. Đoan Ngọ là ngày lễ, không biết nàng có ra đường xem náo nhiệt hay không.

“Quan gia, Tam gia tới!” Giọng Quách Hưng đột nhiên vang lên từ cửa.

Triệu Yến Bình đã thay thường phục, nghe vậy bước ra, thấy Tạ Dĩnh đứng trước cửa, không có ý đi vào, Triệu Yến Bình thầm ngạc nhiên.

Tạ Dĩnh gọi hắn đến gần, thấp giọng nói: “Hình như Mạnh cô nương gặp rắc rối, vừa nãy nàng phái người đến hầu phủ tìm ta, nhờ ta liên hệ ngươi, bảo ngươi đến tiệm thêu gặp nàng.”Sắc mặt Triệu Yến Bình khẽ thay đổi, chắp tay với Tạ Dĩnh: “Đã làm phiền Tạ huynh rồi, ta phải đi trước, hôm khác mời ngươi uống rượu.”Tạ Dĩnh nhắc nhở hắn: “Nếu có gì cần ta hỗ trợ, các ngươi đừng ngại tìm ta.”

Triệu Yến Bình gật đầu, vội vàng rời đi.

Mùa hè sắp đến, ngày càng ngày càng dài, khi Triệu Yến Bình đến nơi, trời vẫn còn sáng, trên đường vẫn còn nhiều người đi lại.

Tiệm thêu “Giang Nam thủy tú” chỉ mở một nửa cánh cửa, phía trên còn treo tấm bảng “Đóng cửa”.

Triệu Yến Bình đến trước cửa, nhìn vào trong thấy A Kiều, Giang nương tử và hai nha hoàn đứng xung quanh quầy đang thảo luận gì đó, A Kiều nhìn thấy hắn, gương mặt tỏ vẻ mong đợi, đôi mắt hạnh tỏa sáng vẫy tay gọi hắn vào.

Sự mong đợi này làm Triệu Yến Bình ấm lòng.

Thật tốt khi nàng còn muốn gặp hắn.

Truyện Chữ Hay