Kiếm Động Trung Châu

chương 15: tường sự thật tầm y chữa bệnh nơi trúc lâm phát hiện trận đồ

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Lại nói, sau khi nghe Quan lão hỏi tính danh thần y, Giang Hoài Ngọc trầm ngâm lưỡng lự, không biết có nên nói ra hay không. Mãi đến khi Quan lão giục hỏi mấy lần, chàng mới nói :

- Tiểu sinh nghe nói ở Giang Nguyên có một vị thần y, tục gọi là Lãn Y Trượng Nhân, y thuật rất cao minh, may ra có thể chữa khỏi cho tiểu sinh. Nhưng có điều là tính tình vị này vô cùng quái dị. Thậm chí còn có người đặt cho lão ta danh hiệu là Kiến Tử Bất Cứu Quái Đại Phu.

Quan lão cảm thấy chuyện này rất lý thú, liền hỏi :

- Sao gọi là Kiến Tử Bất Cứu.

Giang Hoài Ngọc đáp :

- Vì lão ta có điều ước tam bất trị. Nếu phạm vào một trong ba điều này thì lão ta nhất định không chịu chữa trị, có năn nỉ khẩn cầu thế nào cũng vô ích, dù cho bệnh nhân có chết ngay trước mắt lão ta cũng chẳng quan tâm.

Quan lão hỏi :

- Thế nào là tam bất trị.

Giang Hoài Ngọc đáp :

- Thứ nhất, lão ta nhìn mặt bệnh nhân thấy khó ưa, không trị.

Bách Lý Hạc nói :

- Điều ước chi mà quái dị, lại rất vô lý nữa. Vậy thì y đức để đâu, làm sao xứng đáng là lương y được chứ.

Giang Hoài Ngọc nói :

- Lão ta cho rằng lão không treo bảng hành y nên y đức không bó buộc được lão. Và lão cũng chưa bao giờ nhận mình là lương y.

Quan lão lại hỏi tiếp :

- Điều ước thứ hai thế nào.

Giang Hoài Ngọc đáp :

- Đang lúc lão ta không vui, không chữa.

Uông lão cũng nói xen vào :

- Điều ước này lại càng quái đản hơn, việc chữa bệnh cứu người có liên quan gì đến việc vui hay không vui. Thế còn điều ước thứ ba.

Giang Hoài Ngọc đáp :

- Điều ước này đặc biệt quan trọng. Không có lợi cho lão, cũng không chữa.

Quan lão bật cười ha hả :

- Thật đúng là Kiến Tử Bất Cứu Quái Đại Phu. Danh hiệu này xem ra chẳng sai chút nào. Đối với lão già cổ quái này lão phu cảm thấy rất có hứng thú, muốn giáp mặt lão ta một lần cho biết.

Bách Lý Hạc hỏi :

- Công tử. Chẳng hay Giang Nguyên là địa phương nào. Lão phu đã từng đi nhiều nơi khắp cả đại giang nam bắc mà chưa từng nghe nói tới danh hiệu này bao giờ.

Giang Hoài Ngọc nói :

- Giang Nguyên là nơi có rất nhiều cao nhân tiền bối ẩn cư. Đấy là một vùng đất mà tứ bề đều là sông nước, xung quanh lại có sương mù dày đặc bao phủ quanh năm. Vì thế mà chẳng có mấy người biết được sự tồn tại của nó. Giang Nguyên nằm giữa dòng Trường Giang, ở về phía cuối của đoạn hạ lưu, gần đến cửa biển. Muốn đến được nơi ấy cần phải có cơ duyên.

Quan lão liền nói :

- Vậy thì chúng ta sẽ đi đến Giang Nguyên. Chuyện du ngoạn Kim Lăng hãy cứ để đó, sau này sẽ tính.

Uông lão cũng gật đầu đồng tình :

-Phải đó. Lão phu cũng thấy nên làm như vậy.

Bách Lý Hạc nói :

- Vậy chúng ta hãy cứ quyết định như vậy đi.

Giang Hoài Ngọc thấy ba người họ đã nói thế, cũng phải nghe theo. Thế là mọi người chờ bọn Lan Thương Tứ Sát chôn cất tên Đào Vĩnh Thọ xong thì tiếp tục lên đường đi về phía đông, tìm đến Giang Nguyên cầu y.Đoàn xa mã lại tiếp tục bôn hành, đến gần tối thì thành Lư Giang đã hiện ra trước mắt. Nơi cửa thành đã thấy một toán nhân mã của Lưu Hương Viện chờ đợi sẵn nghênh đón chàng. Bọn Lan Thương Tứ Sát đã thầm đoán lai lịch của chàng không phải tầm thường, nhưng cũng rất bất ngờ đối với chuyện ấy. Tối hôm đó chàng cũng mọi người nghỉ lại ở hội sở của Lưu Hương Viện.

Giang Hoài Ngọc nhận thấy đưa bọn Lan Thương Tứ Sát đến Giang Nguyên thật không tiện, nên mới bảo bọn họ tạm thời hãy ở lại Lưu Hương Viện, và nhờ Công Tôn viện chủ chiếu cố bọn họ.

Chàng còn truyền thụ cho bốn người bọn họ vài môn tuyệt kỹ và bảo bọn họ trong thời gian chờ chàng quay lại hãy cố công tập luyện. Ý chàng định là lần này nếu như chàng không qua khỏi thì sẽ để bọn họ gia nhập Thái Chính Cung. Vì chàng là biểu đệ của vương thượng, và lại rất được vương thượng ưu ái, nên mọi ý muốn của chàng đều được bọn Công Tôn Long kính cẩn tuân hành.

Sáng hôm sau, chàng cùng Quan lão, Uông lão và Bách Lý Hạc lại tiếp tục lên đường, nhằm hướng Giang Nguyên trực chỉ.

Mặt trời đã ngã bóng về tây …

Cỗ xe vẫn đều đều lăn bánh trên đường thiên lý. Việc điều khiển cỗ xe vẫn do Quan lão phụ trách. Hai bên có Uông Triều và Bách Lý Hạc đi kèm. Vì tên họ Đào đã mất mạng, chẳng còn có thể xúi bẩy, đồng thời việc Quan lão tái xuất giang hồ có lẽ đã được đồn đại ra ngoài võ lâm nên khi trông thấy cỗ xe, mọi người đều kính nhi viễn chi. Nhờ thế mà cuộc hành trình rất là thuận lợi.

Hôm đó, đoàn xa mã bỗng tiến vào một vùng hoang dã mênh mông bát ngát, viễn sơn cận thủy, lâm mộc trùng trùng, trải một màu xanh đến mãn nhãn. Chung quanh gió mai mát rượi làm khoan khoái tinh thần.

Giang Hoài Ngọc vén rèm xe ngắm nhìn cảnh sắc khắp xa gần. Chàng khẽ hít mấy hơi thanh khí, đoạn thở dài nói :

- Trời đất đã dành cho nhân thế những cảnh đẹp như thế này, tại sao con người không biết sống an nhiên tự tại mà thụ hưởng cho trọn ý nghĩa cuộc đời, lại cứ đổ xô vào những cuộc tranh danh đoạt lợi, chỉ còn biết có máu tanh và bận tâm nhọc trí. Ôi. Đáng buồn. Thật đáng buồn thay.

Quan lão cười nói :

- Công tử thật là nhân hậu. Chỉ tiếc là chuyện tranh danh đoạt lợi trên thế gian này không lúc nào dứt. Tất cả cũng chỉ vì một chữ “tham”.

Giang Hoài Ngọc khẽ cất tiếng than dài :

- Chỉ vì một chữ “tham” mà có nhiều kẻ chẳng kể gì sinh mạng, tham gia vào những cuộc đua tranh chém giết. Cũng chỉ vì một chữ “tham” mà nhiều người nhẫn tâm vong ân bội nghĩa, khi sư diệt tổ … Ôi …

Quan lão nói :

- Tham tài, tham sắc, tham quyền, tham vị … Những biến cố loạn lạc trên thế gian hầu hết đều do chữ “tham” mà ra cả. Nhưng xét cho cùng, trên cõi đời này mấy ai mà chẳng có lòng tham, chỉ khác nhau ở chỗ tham nhiều hay ít và có tự đè nén, giới hạn được hay không mà thôi.

Bách Lý Hạc bỗng tế ngựa tới trước, mỉm cười nói :

- Công tử đã thích nơi này. Hay là chúng ta hãy tạm dừng lại nghỉ ngơi tại đây.

Quan lão gật đầu nói :

- Phải lắm. Hôm nay dừng lại nghỉ sớm một chút cũng được.

Đoạn lão đánh xe vào rừng, chọn một nơi ưng ý, thoáng mát khô ráo đỗ lại. Theo lệ thường, Quan lão mở thùng xe lấy vật dụng để chuẩn bị dựng lều trại. Lều là để cho ba lão ngủ. Còn về Giang Hoài Ngọc, đương nhiên là chàng sẽ ngủ bên trong cỗ xe, là nơi an toàn và tiện nghi hơn.

Cùng lúc đó, Uông Triều và Bách Lý Hạc đi quanh một vòng lo việc cảnh giới. Mọi việc ba lão đều chia nhau lo liệu chu tất, không để Giang Hoài Ngọc phải đụng tay vào, vì hiện thời sức khỏe của chàng không tốt, không nên hao phí sức lực. Chàng hiểu ý tốt của ba lão, trong lòng rất cảm động.

Lúc này, Giang Hoài Ngọc cũng từ trên xe bước xuống. Cả ngày ngồi trong xe cảm thấy rất tù túng, chàng muốn đi dạo một vòng cho thoải mái. Cả khu rừng rậm rạp âm u, dù cho ngay lúc giữa trưa, ánh mặt trời chẳng thể nào xuyên qua kẽ lá được. Dưới chân chàng, lá cây rụng xuống phủ đầy mặt đất như một lớp thảm mềm êm ái. Chàng vừa khoan thai đi dạo vừa khe khẽ ngâm một bài thơ.

Đột nhiên, trước mắt chàng bỗng hiện ra một vùng không gian thoáng đãng. Ở ngay giữa khu rừng rậm rạp này không ngờ lại có một khoảng đất trống rộng đến hàng trăm mẫu, dưới đất cỏ mọc xanh rờn. Vây quanh bốn mặt đều là cổ thụ ngất trời. Hai nơi giống như hai thế giới riêng biệt.

Tuy nhiên, khu đất này lại không hẳn là trống trải hoàn toàn, bởi ngay khoảng giữa khu đất và khu rừng rậm lại có một rừng trúc xanh rì. Chỉ vì trúc mọc thưa thớt, mà ngọn trúc so với tàn cổ thụ xung quanh thì thấp hơn nhiều nên mới tạo ra một vùng không gian thoáng đãng.

Rừng trúc không có vẻ gì là rậm rạp âm u cả. Vả lại, từng khóm trúc được trồng ngay hàng thẳng lối, thành thử có thể nhìn thấu suốt vào tận bên trong. Chính giữa khu rừng trúc là một khoảng đất trống rộng hàng chục mẫu. Tại đây có một gian lều tranh, xung quanh có ruộng vườn trồng đủ ngũ cốc và rau cải.

Giang Hoài Ngọc đứng tựa vào một gốc đại thụ nơi bìa rừng, ánh mắt chàng chăm chú nhìn khu rừng trúc đến xuất thần.

Bọn Quan lão sau khi đã thu xếp mọi việc xong xuôi, chợt nhận thấy Giang Hoài Ngọc đi đã lâu mà chưa thấy quay lại, liền vội đi tìm. Đến khi nhìn thấy khu rừng trúc và Giang Hoài Ngọc đang đứng nhìn đến độ ngơ ngẩn xuất thần thì cả ba người đều rất kinh ngạc. Quan lão lớn tiếng gọi :

- Công tử. Công tử sao thế.

Giang Hoài Ngọc như chợt choàng tỉnh, quay lại nhìn ba người, khẽ nói :

- Tiểu sinh xin lỗi đã khiến các vị tiên sinh phải lo lắng.

Bách Lý Hạc đưa mắt ngắm nhìn khu rừng trúc có gian lều tranh phía trong, rồi quay sang Giang Hoài Ngọc hỏi :

- Công tử nhận thấy nơi đây có điều khác lạ ư.

Giang Hoài Ngọc chưa kịp lên tiếng đáp lời thì Quan lão đã nói :

- Giữa khu rừng âm u rậm rạp mà lại có một nơi như thế này thì quả là một sự lạ. Nhưng đã có nhà, có ruộng, có trồng rau cải ngũ cốc thì tất phải có người ở. Chúng ta vào đó hỏi thử xem.

Vừa nói lão vừa rảo bước tiến vào. Giang Hoài Ngọc vội gọi :

- Khoan đã. Tiên sinh đừng đi vào đó.

Nhưng dã muộn. Quan lão đã bước chân vào bên trong khu rừng trúc. Cả Uông Triều và Bách Lý Hạc đều chưa kịp hiểu nguyên do tại sao Giang Hoài Ngọc lại bảo Quan lão đừng tiến vào, thì đã thấy Quan lão chợt chững lại, sau đó đột ngột rảo bước tiến sang phía tây, rồi lại sấn lên phía bắc, đi loanh quanh chẳng theo đường lối nào cả. Vẻ mặt Quan lão đã thất sắc, lộ vẻ kinh hãi.

Giang Hoài Ngọc vội lớn tiếng gọi :

- Quan tiên sinh. Hãy đứng yên tại chỗ. Tĩnh tâm định thần.

Nói xong chàng khẽ lẩm bẩm :

- Cầu mong thanh âm truyền được vào bên trong cho Quan tiên sinh nghe thấy. Nếu không thì thật là nguy.

Thật may, cầu được ước thấy. Quan lão vừa nghe tiếng chàng gọi đã lập tức dừng bước, đứng yên một chỗ, nhắm mắt lại, trấn định tinh thần. Như vừa chợt hiểu ra, Bách Lý Hạc quay sang Giang Hoài Ngọc hỏi :

- Công tử. Phải chăng khu rừng trúc này là một trận pháp kỳ môn.

Giang Hoài Ngọc khẽ gật đầu. Bách Lý Hạc lo lắng nói :

- Nếu thế thì thật là nguy. Quan lão ca đã bị khổn trong trận rồi. Công tử có cách nào phá trận cứu Quan lão ca ra không.

Giang Hoài Ngọc lắc đầu nói :

- Trận thế này quá ảo diệu, e tiểu sinh không đủ khả năng giải phá. Nhưng … để tiểu sinh nghĩ thử xem.

Đoạn chàng nhắm mắt lại, trầm tư nghĩ ngợi. Uông Triều và Bách Lý Hạc hết nhìn Quan lão lại quay sang nhìn chàng, thái độ hết sức lo lắng. Nhưng hai lão vẫn cố giữ yên lặng để chàng có thể tĩnh tâm suy nghĩ.

Hồi lâu, Giang Hoài Ngọc chợt mở mắt ra, chậm rãi nói :

- Phá trận thì tiểu sinh không đủ khả năng. Nhưng tiểu sinh đã nghĩ ra cách cứu Quan tiên sinh ra ngoài này.

Cả Uông Triều và Bách Lý Hạc đều lộ vẻ mừng rỡ, đồng lên tiếng hỏi :

- Cách gì.

Giang Hoài Ngọc nói :

- Trước tiên cần phải có một đoạn dây đủ dài, ít nhất là phải dài bằng khoảng cách từ chỗ chúng ta đến chỗ Quan tiên sinh đang đứng. Sau đó là hai đoạn cây để dùng làm cọc tiêu.

Bách Lý Hạc vội nói :

- Để lão phu đi lấy.

Vừa nói dứt tiếng là đã vội vã chạy đi ngay. Lát sau, lão quay trở lại, trên tay cầm một đoạn dây thừng và hai cây cọc gỗ. Đây vốn là những thứ dùng để dựng lều trại. Vừa quay trở lại là lão đã vội nói :

- Công tử. Dây và cọc đã có rồi. Giờ chúng ta phải làm gì.

Giang Hoài Ngọc hỏi :

- Khoảng cách từ bên ngoài rừng trúc đến chỗ Quan tiên sinh, tiên sinh có thể ước lượng chính xác là cần phải đi bao nhiêu bước được không.

Bách Lý Hạc nhìn vào khu rừng, lẩm nhẩm tính toán :

- Chắc là khoảng ba mươi tám bước. Phải rồi. Ba mươi tám bước.

Giang Hoài Ngọc gật đầu nói :

- Giờ chúng ta hãy cột một đầu dây vào chiếc cọc thứ nhất, cắm bên ngoài trận. Sau đó, tiên sinh hãy trấn định tinh thần, gác bỏ tất cả thất tình lục dục, giữ cho tâm trí thanh thản, không nghĩ đến chuyện gì khác, rồi cứ nhắm hướng Quan tiên sinh đang đứng, theo đúng số bước chân đó mà đi thẳng vào trong trận. Vào trong đó rồi, ít nhất tiên sinh cũng có thể nhìn thấy được cảnh vật trong phạm vi nửa trượng. Khi đã đến chỗ Quan tiên sinh, tiên sinh hãy cắm cây cọc còn lại xuống đất, cột đầu dây kia vào, nhớ là phải cột thật chặt, sau đó cứ lần theo đường sợi dây mà đi ra ngoài.

Cả Uông Triều và Bách Lý Hạc đồng mừng rỡ nói :

- Hay. Cách này thật là hay.

Ngẫm nghĩ giây lát, chàng lại nói thêm :

- Tiên sinh cần phải ghi nhớ một điều là nhất thiết phải đi thẳng vào bên trong, không được thay đổi phương hướng dù với bất cứ lý do gì. Trên đường đi, bất kể xung quanh có xảy ra chuyện gì, cho dù có kinh thiên động địa đến đâu tiên sinh cũng hãy mặc kệ, đừng quan tâm đến.

Bách Lý Hạc nói :

- Lão phu biết phải làm thế nào rồi. Công tử cứ yên tâm.

Giang Hoài Ngọc vẫn chưa yên tâm, lại dặn thêm :

- Tiên sinh nhất thiết phải đi thẳng vào trong, dù xung quanh có xảy ra chuyện gì đi nữa thì cũng không được thay đổi phương hướng. Tất cả các quái sự mà tiên sinh có thể nhìn thấy cũng chỉ là ảo ảnh mà thôi.

Bách Lý Hạc gật đầu :

- Lão phu hiểu rồi.

Đoạn lão hướng về phía khu rừng, lớn tiếng nói :

- Quan lão ca. Lão ca hãy đứng yên ở đó, đừng bước đi đâu nhé. Tiểu đệ sẽ vào trong trận đưa lão ca trở ra.

Quan lão vội la lớn :

- Khoan đã. Huynh đệ đừng vào. Trong này ghê gớm lắm. Không khéo huynh đệ lại bị hãm như lão phu mất.

Bách Lý Hạc nói :

- Không sao đâu. Giang công tử đã nghĩ ra diệu sách rồi. Lão ca hãy cứ đứng yên ở đó, đừng bước đi đâu nhé. Tiểu đệ tiến vào đây.

Nói đoạn, lão liền cùng Uông lão đi đến sát mé ngoài khu rừng trúc đã được người nào đó bố trí thành trận thức kỳ môn rất chi là lợi hại kia, bắt đầu chuẩn bị cho việc giải cứu Quan lão.

Uông lão cầm lấy một cây cọc gỗ, ấn mạnh xuống đất rồi cột chặt một đầu của sợi dây vào. Còn Bách Lý Hạc cầm đầu dây còn lại cùng với một cây cọc gỗ, nhắm hướng Quan lão đang đứng, chậm rãi tiến vào, vừa đi vừa cẩn thận đếm số bước chân, bởi chỉ cần sai trật một chút là có thể hỏng hết mọi việc. Ở bên ngoài, cả Giang Hoài Ngọc và Uông lão đều theo dõi với vẻ hồi hộp.

Vừa bước vào trong trận, Bách Lý Hạc chợt thấy cuồng phong nổi dậy, gió cuốn ào ào, cát bụi bay mù mịt. Bên ngoài còn được ánh dương quang soi sáng, còn nơi đây tứ bề tối đen như mực, nhìn lên bầu trời chẳng hề thấy một chút ánh sáng nào. Lão liền y theo lời dặn của Giang Hoài Ngọc, cố trấn định tinh thần, tâm trí chỉ chuyên chú vào mỗi một việc là đếm số bước chân, tuyệt không chú ý đến ngoại cảnh.

Đi được thêm một lúc nữa, quang cảnh bỗng nhiên sáng bừng lên. Xung quanh lão chợt hiện ra một khu vườn thật đẹp, cây xanh mơn mởn, hoa cỏ tốt tươi, một dòng suối quanh co uốn khúc. Trước mặt lão hiện giờ lại chính là dòng suối, mà xem ra lòng suối khá sâu, nước cũng khá chảy xiết.

Lưỡng lự giây lát, chưa quyết định phải làm thế nào, lão chợt nghe như có tiếng nói của Giang Hoài Ngọc văng vẳng bên tai : “… nhất thiết phải đi thẳng vào … tuyệt đối không được thay đổi phương hướng”. Lão liền hạ quyết tâm, cất bước tiến thẳng về phía trước, chân đã đặt xuống mặt nước.

Đột nhiên, quang cảnh lại thình lình biến đổi. Khu vườn, dòng suối đều đã biến mất. Tứ bề chỉ thấy bao phủ một màn sương khói dày đặc mịt mù, cách xa bốn năm thước là đã không còn có thể nhìn thấy được bất cứ vật gì. Thì ra tất cả những thứ vừa mới hiện ra cũng chỉ là ảo ảnh.

Bách Lý Hạc vẫn tiếp tục thẳng bước tiến về phía trước.

Bên ngoài, Giang Hoài Ngọc và Uông lão vẫn dõi theo từng bước chân của Bách Lý Hạc với vẻ hồi hộp.

Bên trong, Bách Lý Hạc vẫn tiếp tục chậm rãi tiến bước. Bỗng đâu, phía trước mặt thấy có thấp thoáng một bóng người đang đứng, ẩn hiện trong làn sương mù. Lúc này lão chỉ mới đi được hơn nửa quãng đường. Do đã có kinh nghiệm lần trước nên lão vẫn khoan tâm, tiếp tục chậm rãi đi thẳng về phía trước.

Lại một lần nữa, bóng dáng kia chợt biến mất. Thì ra đó cũng chỉ là ảo ảnh. Bách Lý Hạc thầm la “may quá”.

Tiến gần hết quãng đường, quang cảnh lại một lần nữa biến đổi. Sương mù đã tan bớt nên đã có thể nhìn thấy rõ Quan lão đang đứng yên ngóng nhìn ra bên ngoài hướng bìa rừng, dù rằng không thể nào nhìn thấy cảnh vật ở xa quá một trượng. Thấy Bách Lý Hạc đi đến, Quan lão cả mừng vội hỏi :

- Huynh đệ làm cách nào mà vào được trong này thế.

Bách Lý Hạc nói :

- Tất cả đều là nhờ Giang công tử cả. Lão ca. Mọi việc chờ đến khi ra khỏi nơi đây rồi hãy nói.

Quan lão gật đầu nói :

- Phải đấy. Nhưng ra bằng cách nào.

Bách Lý Hạc liền cầm cọc gỗ trên tay, vận chân lực ấn mạnh xuống đất, tạo thành một cọc tiêu, rồi cột chặt sợi dây thừng vào. Sau khi đã kiểm tra mọi sự thật chắc chắn, Bách Lý Hạc mới quay sang Quan lão nói :

- Giờ chúng ta cứ lần theo sợi dây này mà ra ngoài. Dù cho có nhìn thấy sự gì kỳ lạ, lão ca cũng đừng để tâm đến.

Quan lão gật đầu tỏ vẻ hiểu ý. Rồi Bách Lý Hạc ra trước, Quan lão theo sau, hai người chậm chạp lần từng bước một đi ra bên ngoài. Vừa bước chân ra khỏi rừng trúc, hai người đã thấy Uông Triều đứng đón, tươi cười nói :

- Hai người đều đã bình an cả. Thật là hay quá.

Vừa nói lão vừa đặt tay lên cọc tiêu, định rút lên. Giữa lúc ấy chợt nghe Giang Hoài Ngọc nói :

- Khoan đã. Tiên sinh khoan hãy thu hồi sợi dây.

Sợi dây thừng này dùng để dựng lều nên cần phải thu hồi. Nhưng nghe chàng nói thế, Uông lão vừa chạm tay vào sợi dây bất giác buông ra ngay, quay lại nhìn chàng dò hỏi. Cả Quan lão và Bách Lý Hạc cũng đều quay lại nhìn chàng.

Truyện Chữ Hay