“... Như vậy, tình trạng của bệnh nhân sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn do chứng ảo giác kéo dài. Khoảng trên 65% người bệnh mang xu hướng tự sát và hơn 20% trong số này chắc chắn sẽ tự sát sau một thời gian chịu ảnh hưởng từ… Xin mời!”
Vị Giáo sư già ngưng bài giảng của mình lại và ra hiệu cho cô bé đang giơ tay ở cuối dãy bàn thứ ba.
Trông vẻ sốt sắng của cô, hẳn là đang cần một sự giải đáp về điều gì đó rất quan trọng.
“Thưa Giáo sư! Theo như những gì Giáo sư nói thì Hội chứng Pandora hay rối loạn nhận thức cấp hạt không là một dạng tâm thần phân liệt, dù các triệu chứng gần như giống nhau. Vậy, Hội chứng này khác với tâm thần phân liệt như thế nào?”
“Cảm ơn vì câu hỏi. Và bây giờ tôi sẽ giải thích về vấn đề này.”
Uống một chút nước cho cổ họng đỡ khô sau bài giảng trước đó, vị giáo sư già lại tiếp tục với vấn đề mà cô bé kia đặt ra:
“Được rồi! Bây giờ, các bạn hãy xem tôi là một người mắc Hội chứng Pandora. Và vào lúc này, trong mắt các bạn thì tôi là gì nào?”
Ngưng lại một nhịp và vờ như đang chờ đợi câu trả lời từ các sinh viên, rồi ông lại nói tiếp:
“Hẳn là một lão già suốt ngày chỉ nói những thứ vớ vẩn và cái giọng làu bàu của lão cũng thật khó nghe, nhỉ?”
Nghe câu nói đùa bằng chất giọng cố ý pha trò của ông, tất cả sinh viên trong giảng đường khi ấy đều không nén nổi mà cười bật ra thành tiếng.
Tất nhiên, cả giáo sư cũng không là ngoại lệ.
Chỉ là vẻ mặt nghiêm nghị của ông ngay sau đó lại khiến cả giảng đường phải yên tĩnh trở lại, gần như lập tức.
“Tuy nhiên, trong mắt tôi hay chính xác hơn là người bị mắc Hội chứng Pandora thì mọi thứ không đơn giản như vậy.
Cậu là một con nhện khổng lồ… hừm… có vẻ như là hơi thừa mỡ bụng.
Cô gái ngồi gần cửa ra vào là một con rắn… lòe loẹt?
Anh chàng đô con đang gục đầu ngủ ở dãy cuối là… à… ừm… dậy rồi hử…?
Hay cô bé xinh xắn đang kẻ lại chân mày kia là một con sứa…”
Cứ như vậy, vị giáo sư già liên tục nói những điều tương tự về những sinh viên khác cho đến khi chẳng còn ai là con người nữa thì ông mới dừng lại và giải thích với vẻ nghiêm nghị nhất.
“Tôi không đùa!” Vị giáo sư chợt nghiêm giọng, “Vì trong mắt người mắc Hội chứng Pandora thì những thứ đang tồn tại sẽ trở nên điên loạn. Và nó không chỉ dừng lại ở thứ họ thấy mà có thể còn là những thứ họ cảm nhận được. Đó là chứng ảo giác của người mắc Hội chứng Pandora.”
“Việc tôi nhấn mạnh hai từ tồn tại là để các bạn hình dung ra sự khác nhau giữa hội chứng này với tâm thần phân liệt. Tuy cùng là những chứng bệnh gây ra ảo giác cho người mắc phải nhưng đối với tâm thần phân liệt thì ảo giác của người bệnh là những thứ do họ tưởng tượng ra từ tâm trí rối lọan của mình.” Vị giáo sư chỏ tay vào đầu mình, trong khi tay còn lại thì hướng về những người đang nghe. Ẩn trong đôi mắt già nua ấy là thứ gì đó chợt khiến người khác phải giật mình.
“Thứ người mắc Hội chứng Pandora thấy và cảm nhận chính là những thứ có thật xung quanh chủ thể. Chúng đột ngột trở nên quái đản và kinh tởm, trong khi bộ não của họ thực sự vẫn hoạt động bình… Ồ! Lại là bạn à? Xin mời!”
Cô gái đặt ra câu hỏi lúc trước lại một lần nữa đứng dậy.
“Thưa Giáo sư! Về vấn đề này thì em đã hiểu, chỉ là theo như thống kê của Giáo sư thì Hội chứng Pandora không di truyền và tỷ lệ mắc phải là dưới một phần tỷ, cũng như hơn 90% các trường hợp phát hiện bệnh đều do chấn thương não nghiêm trọng.”
“Bên cạnh đó là những trường hợp mắc Hội chứng này chỉ đang ở mức thấp, rối loạn nhận thức cấp hạt dưới 5%, tức là họ chưa đến mức nhìn đâu cũng thấy những điều điên rồ như Giáo sư vừa nói.” Cô thoáng ngừng tông giọng lạnh lẽo lại, và nói tiếp khi lật sang trang kế quyển sách trên tay.
“Và cũng theo giả thuyết của Giáo sư thì trường hợp vừa được đề cập trước đó mới chỉ là rối loạn nhận thức cấp hạt trên 50%. Vậy, nếu phân chia theo từng mức độ thì người bệnh sẽ có những biểu hiện như thế nào?”
“Được rồi! Một lần nữa xin được cảm ơn bạn.”
Vị giáo sư xoay lưng lại, vẽ ra thứ gì đó trên tấm bảng. Đó là một kim tự tháp.
“Đến với vấn đề này, tôi xin được chia sẻ từ quan điểm của cá nhân tôi và từ những nghiên cứu mà tôi đã đạt được. Ngoài ra, tôi xin nhắc lại là công việc phân chia mức độ này hoàn toàn dựa vào chuẩn đoán TBI, cụ thể hơn là dựa vào tỷ lệ tổn thương của thùy trán và thùy chẩm.”
Ông dùng phấn trắng tô một phần nhỏ đỉnh kim tự tháp.
“Ở mức dưới 5%, người bệnh sẽ đôi khi nhìn thấy những thứ đáng sợ từ vật dụng sinh hoạt hàng ngày. Có thể chiếc bàn chải đánh răng thân thiết sẽ biến thành một con rắn chẳng hạn. Liệu ai lại muốn dùng một con rắn để chải răng nhỉ?”
Một phần ba kim tự tháp từ đỉnh xuống đã biến thành màu đỏ.
“Ở mức trên 5% - 30%, người bệnh sẽ nhìn thấy những thứ quái đản ấy nhiều hơn và bắt đầu rối loạn chức năng nghe. Có thể họ sẽ khen một con chó sủa hay hơn những ngôi sao âm nhạc đang hát… Đừng cười chứ! Tôi vẫn đang nói rất nghiêm túc mà!?“
Hơn một nửa kim tự tháp giờ đã bị lấp đầy bởi màu xanh lam.
“Tiếp đến là từ trên 30% - dưới 50%, phần lớn người bệnh sẽ tự cô lập bản thân với xã hội, thậm chí là người thân vì những ảo giác khiến họ cảm thấy mọi thứ trở nên quá đáng sợ. Và ở mức trên 50%, các giác quan của người bệnh trở nên rối loạn trầm trọng…”
“100% hẳn là vui lắm.” Vài tiếng cười khúc khích vang lên.
“100% ư? Rất thú vị đấy chàng trai!” Vị Giáo sư già ngưng mạch giảng của mình lại trong chốc lát và chìm vào suy tư.
“Điều gì sẽ xảy ra khi rối loạn nhận thức cấp hạt 100%… Thật sự thì… tôi không biết… Nhưng nếu là người đó thì có lẽ tôi sẽ tìm đến cái chết ngay trong ngày đầu phát bệnh.”