Khúc Ca Biệt Ly

quyển 3 chương 17

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Bắc Kinh tháng Hai giống như một chú gấu bắc cực ngủ đông, hít thở thật khẽ như sợ làm ồn phiền đến người khác.

Tuyết rơi liên tục mấy ngày liền, hiếm hoi lắm mới có được một buổi chiều nắng, Hạ Hoa ngồi trên bệ cửa sổ phết nước sơn màu cà phê lên từng móng chân của mình.

Đây là ngày thứ hai chị được chuyển từ bệnh viện về đến nhà. Bác sĩ nói, bệnh tình của chị đã thuyên giảm nhiều rồi, cho nên đặc biệt cho phép chị về nhà đón năm mới, nhưng không được uống rượu, không được thức khuya, không được tuỳ tiện ra khỏi cửa, không được vận động quá mức, không được ăn đồ cay…….. tóm lại là một đống những “không được.”

Tôi khó quên được cái đêm chúng tôi cứu chị về từ trên núi, chúng tôi đưa chị về nhà của bà tôi ở dưới huyện, A Nam chạy đi rước một người bạn tốt làm nghề bác sĩ của ông, chỉ còn lại tôi chăm sóc cho chị. Trong căn phòng nhỏ của tôi, tôi đút cho chị chút nước, chị vẫn nắm chặt lấy tay của tôi, lòng bàn tay nóng sốt, tựa như một viên gạch nóng hổi. Lúc ấy chị đã sốt đến nước thần trí mơ hồ, nói năng lung tung lẫn lộn—–

“Thấy lợi mà không chiếm lấy thì chính là ngu như chó……. Chiếm không xong thì không chạy được à?”

“Tiền quá chừng chừng, tiền xài không bao giờ hết……. cho anh cả đấy……”

“Sophie….. Sophie….. em ở đâu, đừng trốn chị, chị sợ……..” Tôi biết chị ấy đang gọi con đà điểu của chị ấy. Gọi một hồi, khoé mắt của chị chảy nước mắt, tôi lau đi cho chị. Nhìn gò má nhô cao của chị, tôi không ngừng nghĩ đến Lâm Quả Quả, nghĩ đến vẻ mặt của bà lần cuối cùng tôi nhìn thấy bà, vừa nhục nhã vừa không thanh thản, hốc mắt của tôi cũng bắt đầu ướt.

Có người gõ cửa, tôi tưởng là A Nam đã dắt bác sĩ về, mở cửa ra lại thấy bà tôi đang choàng áo len đứng ngay ngoài cửa, chỉ vào trong phòng, mặt đầy nghi ngờ hỏi tôi: “Ai đây?”

“Một người bạn ạ.” Tôi nói, “Chị ấy bị bịnh đang sốt cao.”

Trong phòng lại còn vẳng ra tiếng Hạ Hoa đang lầm bầm hát: “Trời tối đen, chưa đổ mưa, trời tối đen tối đen……” Xem ra chị ấy đã sốt mê man rồi.

“Bạn của con hay là bạn của ba con, đây nào phải sốt gì, là uống say đúng không?” Bà tôi có vẻ như rất bất mãn.

Tôi không biết giải thích ra sao, chỉ biết áy náy đẩy bà về lại phòng ngủ của bà.

Đợi mãi mới thấy bác sĩ tới, tiêm thuốc cho Hạ Hoa, chị ấy mới dần dần hạ sốt. Đợi chị ấy bình phục một chút, A Nam dấu bà, nói dối rồi đưa chị ấy lên Bắc Kinh. Bắt đầu từ lúc lên máy bay trở đi, Hạ Hoa trở nên vô cùng ngoan ngoãn, tới bệnh viện rất phối hợp tiếp nhận điều trị, bác sĩ hỏi gì đều trả lời, uống thuốc truyền nước gì cũng không hề nhăn mặt, chỉ không rời A Nam nửa bước, phút không thấy mặt là đi tìm khắp nơi.

“Không phải bệnh nan y, nhưng bất cứ lúc nào cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng.” Đấy là lời định nghĩa về bệnh của Hạ Hoa qua lời của chuyên gia ở Bắc Kinh.

Nhưng định nghĩa này khiến cho chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Sau khi phải chịu tra tấn bởi một màn sinh ly tử biệt, thì còn gì đáng để cho chúng tôi cảm thấy tràn trề hy vọng hơn một hứa hẹn chị sẽ vẫn tiếp tục sống.

Căn nhà của A Nam ở Bắc Kinh vừa mới được giao, nhưng vẫn cần một thời gian để tu sửa và bài trí trước khi có thể dọn vào ở. Cho nên A Nam mướn một căn hộ nhỏ hai phòng ngủ gần bệnh viện, lầu . Tiểu khu không lớn lắm, nhưng tươm tất, không khí cũng trong lành. So với ngồi mốc meo trong bệnh viện, tâm trạng của Hạ Hoa ở đây rõ ràng khá lên rất nhiều.

Chúng tôi đều cố ý không nhắc gì đến chuyện cũ nữa, biết rõ trong lòng nhưng không đề cập đến. Có điều, không chối cãi vào đâu được, giữa chúng tôi kẹt một một người, sự bối rối này, chúng tôi không có cách nào trốn tránh.

Thấy tôi vào, chị ấy lớn tiếng bảo: “Mã Trác, cởi vớ ra!”

“Làm gì?”

“Sơn móng chân á, nào, xem lão gia () mua cho chị màu này, trông có đẹp không?”

Chị ấy cứ gọi ông là “lão gia,” gọi một cách vô cùng trìu mến, giống như chị ấy mới là con gái của A Nam không bằng. So ra thì một tiếng “ba” lầm bầm của tôi nghe rất kém cỏi.

() Lão gia vừa có thể dùng để gọi ông chủ, lại có thể là vợ cả vở bé bồ nhí con cái hoặc thậm chí đầy tớ gọi người chủ trong gia đình, nên mình để nguyên văn, bởi Hạ Hoa đặt mình ở thân phận khá khó đoán.

“Ông ấy mua cho chị à?” Tôi ngồi xuống bên bệ cửa sổ, bên cạnh chị.

“Mua rất nhiều, kem bôi mặt, sữa rửa mặt, còn có son bóng môi nữa, hơn nữa toàn loại làm bằng nguyên liệu thiên nhiên, dùng sẽ không bị dị ứng. Em nhìn xem, có gì em thích không, chị xài không hết đâu.” Chị kéo tôi vào trong phòng, trên giường chất một đống chai lọ. Tôi cũng phục ông luôn, không biết một người đàn ông bốn mấy tuổi lúc đứng ở quầy mỹ phẩm của phụ nữ chọn một đống xanh xanh đỏ đỏ, chai lọ bình tuýp này, rốt cuộc là tâm trạng khi ấy ra sao.

“Chắc phải dùng rất nhiều tiền ha.” Hạ Hoa nói, “Nhưng mà kệ nó đi, tiền là để xài mà, chị đã nói với lão gia từ đời nào rồi, tiền không phải là để chữa bệnh cho chị, mà là dùng để sống, em thấy có đúng không?”

Tôi mắng chị ấy: “Bệnh không chữa cho xong thì làm sao mà sống!”

Chị cười hì hì, cười ngã lăn ra giường.

A Nam không cho tôi nói, cho nên Hạ Hoa không biết số tiền ấy đã sớm trả lại cho nhà họ Vu. Đêm trước khi đưa chị ấy đi Bắc Kinh, tôi đích thân giao lại số tiền ấy vào tay của Vu An Đoá, tóm tắt sơ sơ chuyện giữa chị ấy và A Nam cho cô ấy nghe, hy vọng cô ấy có thể thành toàn cho bọn họ.

Tôi biết yêu cầu của tôi hơi quá đáng, cho nên không dám nhìn vào mắt của cô ấy, nào ngờ cô ấy đồng ý một cách rất hào phóng, xách một va ly đầy tiền lên, nói với tôi: “Thật ra cậu cũng chỉ vì ba của cậu, tớ cũng vì bố của tớ. Đối với ba của cậu, có lẽ cô ta là một báu vật, mà đối với bố của tớ cô ta đã chủ định sẽ là tai hoạ. Cho nên Mã Trác, nói cho cùng, bên của tớ sẽ luôn thua.”

Có lẽ là cô ấy muốn điều tiết lại bầu không khí nên nói vậy, nhưng câu nói đùa này rất miễn cưỡng, khiến người ta khó mà cười được. Hơn nữa, nếu chuyện này mà dùng “thua thắng” để định luận một cách khái quát, kết cục e rằng vẫn chỉ là một bài toán đố thôi.

Hạ Hoa thu hết mớ đồ đó lại, bỏ vào trong bao, ngáp một cái rõ to, hỏi tôi: “Khi nào lão gia về?”

“Không biết nữa.” Tôi nói, “Sắm đồ tết chắc cũng phiền phức lôi thôi lắm. Em nấu cơm cho chị ăn đi vậy, chị muốn ăn gì nói em biết.” Nói xong tôi móc một tờ giấy từ trong túi ra, trên đó A Nam đã ghi sẵn chế độ ăn uống bác sĩ đặc chế cho chị.

Tôi nói chị tự chọn món, chị liền ôm chiếc gối ôm nằm cuộn tròn trong giường, dùng giọng nói lùng bùng bảo tôi: “Chị đi ngủ đây, hiện giờ không muốn ăn, khi nào lão gia về em gọi chị dậy nha.”

Cũng không biết là ngủ thật hay giả bộ ngủ, dù sao thì chị cũng rất nhanh chóng khép mắt lại, không nói gì với tôi nữa. Tôi đắp cho chị một chiếc chăn mỏng, phát hiện vệt màu hồng trên cổ chị đã lợt đi không ít, nhìn lại trơn láng như xưa. Bệnh của chị ấy vốn là không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng bởi vì chị quá bướng bỉnh, lại gây nên tổn hại lớn cho khí quản và nội tạng của mình, cho nên bác sĩ mới nói những lời kiểu như nếu không điều trị cho tốt, bất cứ lúc nào cũng có thể mất mạng.

Đóng cửa đi ra ngoài. Trong phòng khách hơi bừa bãi, tôi đang định thu dọn, chợt trông thấy di động trên bàn trà của Hạ Hoa loé sáng. Di động cài chế độ im lặng, chỉ thấy màn hình sáng lên, không có tiếng động, tôi còn tưởng là của A Nam, đến gần xem, trên màn hình hiện lên chữ “Em trai.”

Tôi hơi khựng lại một chút, nhưng rất nhanh đã xoay người đi vào bếp, thậm chí không buồn thò tay đập nát cái di động đó.

Thẻ sim là hồi hôm qua sau khi xuất viện A Nam mới mua về cho chị ấy, xem ra người đầu tiên chị liên lạc vẫn là hắn. Nói cho cùng, hắn là người thân duy nhất của chị, liên lạc thì cũng rất bình thường, chỉ hy vọng chị sẽ không kể những gì liên quan đến tôi là được. Tôi càng không hy vọng hắn sẽ vì thế mà hiểu lầm tôi —-để sau khi mọi việc đã như nước chảy qua cầu, ít ra tôi còn có thể giữ được chút kiêu ngạo và tự tôn đáng thương của mình.

Chúng tôi đã nói rồi, không bao giờ gặp nhau nữa.

“Chị muốn uống nước.” Hạ Hoa bất chợt xuất hiện sau lưng tôi nói một câu, tôi giật bắn mình.

Tôi đón lấy chiếc cốc từ trong tay chị, rót nước đun sôi vào cho chị, thấy vẫn còn hơi nóng, chế thêm nước suối vào cho nguội bớt. Chị nghịch chiếc di động trong tay nói: “Mã Trác, có một chuyện cảm phiền em.”

Tim tôi thót lại.

Chị ấy nói: “Bịnh của chị, đừng nói cho Hạ Trạch biết.”

“À.” Tôi nói, “Chị yên tâm đi, em sẽ không liên lạc với hắn.”

“Ồ, vậy hả.” Chị đón lấy chiếc cốc từ trong tay tôi, cười rồi nói, “Chị cũng không muốn liên lạc với nó, nhưng nó cứ đi tìm chị.”

Nói xong, chị lắc lắc chiếc di động có màn hình đang chớp sáng, vừa bấm nút cúp vừa chửi ầm lên: “Đám cưới của chị nó bỏ mặc, bây giờ chị bỏ trốn khỏi lễ đường thì nó bắt đầu đi lo.”

“Chắc hắn lo lắng cho chị mà.” Tôi nói.

“Vậy thì chị cho nó nếm mùi lo lắng là được.” Hạ Hoa hầm hầm nói.

Vô tình rớt vào giữa ân oán của hai chị em này, tôi nói với Hạ Hoa một cách khó khăn: “Thật ra em cũng không hy vọng chị sẽ nhắc đến chuyện gì liên quan đến em khi nói chuyện với hắn, bất cứ chuyện gì.”

“Giao dịch hoàn tất.” Hai tay của chị ấy đều đang cầm đồ, không cách nào đập tay high five với tôi được, đành giơ một chân lên đạp nhẹ vào chân của tôi. Nỗi lo lắng căng thẳng trong lòng tôi lúc bấy giờ mới buông xuống được.

“Thấy tên nhóc đến bệnh viện thăm chị cũng khá lắm đấy.” Hạ Hoa nói, “Cái thằng mà kể chuyện cười khô khan kiểu người Anh á. Chị thấy nó cũng có tình cảm với em lắm.”

Lại thêm người nữa gán Tiêu Triết cho tôi.

“Khi nào thì chị mới lấy ba em đây?” tôi vội đổi đề tài.

“Em là luật sư mà, không biết lấy một lúc hai chồng là phạm tội sao!” Chị trừng mắt với tôi, “Chị đã chính thức nhận giấy kết hôn với lão Vu Hói rồi đấy!”

Nói xong, chị còn cười lên khanh khách.

“Cười cái đầu nhà chị!” Tôi mắng.

“Lão gia thật là khờ, chị mà không làm như vậy, ông ấy sẽ nhất định cưới chị về làm vợ.” Hạ Hoa nói, “Vẫn là như vầy tốt hơn, hiện giờ ông ấy muốn ra tay nghĩa hiệp, cũng không có điều kiện để làm. Đợi chị chết đi rồi, ông ấy còn có thể cưới người trẻ đẹp hơn chị. Nghe nói ở Bắc Kinh, không thiếu nhất chính là gái đẹp!”

“Nói bậy bạ gì đó, cái gì mà chết với không chết.” Tôi nói, “Không phải đang sống sờ sờ đây sao?”

“Bịnh này là di truyền.” Hạ Hoa cố tỏ vẻ thần bí hạ giọng xuống thật thấp, “Nói em nghe một chuyện ha, bà ngoại và mẹ chị, đều chết vì bệnh này cả, lúc chết đều chỉ mới tuổi. Năm nay chị cũng tuổi rồi. Nghe nói buổi sáng trước khi bà ngoại chị mất, vẫn còn đánh mạt chược. Mẹ chị cũng vậy, chị chỉ ra ngoài mua một bọc muối, bà ấy đã tắt thở.”

“Đừng nói những lời nhăng nhít như thế.” Tôi vội vàng ngắt lời chị, “Chị khác với bọn họ, ba em sẽ không để cho chị chết, em cũng sẽ không.”

Chị nhìn tôi, bỗng dưng nở nụ cười. Sau đó chị đặt cả cốc nước lẫn di động xuống bệ cửa sổ nhỏ trong bếp, đến bên tôi, dịu dàng ôm tôi, nói bên tai tôi: “Cảm ơn.” Nói xong, chị lại rất nhanh chóng buông tôi ra, cầm lấy chiếc điện thoại yêu dấu vẫn còn đang chớp sáng của chị ấy, quay ra sô pha, cuộn tròn lại như con tôm luộc, tiếp tục ngủ.

Tôi dọn dẹp bếp một hồi, ra chỗ chị định đắp cho chị tấm chăn thì phát hiện chị vốn không hề ngủ, mà là đang khóc, vùi đầu trong góc của sô pha, nước mắt lặng lẽ rơi. Tôi vội chạy đi lấy khăn mặt lau cho chị, vừa lau vừa dỗ dành: “Đừng khóc mà, chị có nhớ bác sĩ nói chị không được để bị kích động không.”

“Chị không muốn chết.” Chị chồm người dậy, ôm chầm lấy tôi thật chặt, nói, “ tuổi, lần đầu tiên chị mới có cảm giác của gia đình, chị thật sự không muốn chết.”

“Chị sẽ không chết.” Tôi nói bằng giọng thật từ tốn, tiếp tục dỗ dành, “Đợi bịnh chị lành rồi, chị về làm thủ tục ly hôn, sau đó, lấy lão gia; sau đó nữa sinh con cho ông ấy; rồi sau đó nữa nuôi con khôn lớn; có quá nhiều quá nhiều việc chị cần phải làm, sao lại chết được chứ?”

“Vậy em bảo đảm chị không chết đi.” Chị giống như một đứa trẻ, nức nở bên tai tôi nói những lời bướng bỉnh.

Tôi còn chưa nói được câu “em bảo đảm,” thì cửa phòng bị đẩy ra, là A Nam, tay xách bao mẹ bao con đứng ở ngưỡng cửa, nhìn thấy bộ dạng của hai chúng tôi, hỏi một cách đầy hứng thú: “Ui da, ôm nhau rồi à?”

Tôi mắc cỡ, Hạ Hoa vẫn ôm chặt cứng lấy tôi, nước mắt nước mũi tèm nhem làm nũng với A Nam: “Lão gia, con gái anh đang bắt nạt bịnh nhân.”

“Nó sẽ không làm vậy.” A Nam cười xách hết đồ vào, “Cùng lắm là nó chỉ trêu em thôi.”

“Anh cứ bênh nó đi!” Hạ Hoa cau mày nói, “Em không vui!”

Tôi đẩy Hạ Hoa ra, lúc cô ấy đổ xuống sô pha, tôi làm bộ thò tay bóp cổ cô ấy la lên: “Bắt nạt chị nè, hài lòng chưa?”

“Này này này!” A Nam vứt hết đồ xuống đất xông tới, còn tôi và Hạ Hoa thì đã ôm nhau cười rũ rượi. A Nam bị trêu, cốc lên đầu chúng tôi mỗi người một cái, nhưng niềm vui trên mặt không sao dấu nổi.

Tôi đứng lên, dọn hết đống đồ dưới sàn, đem vào trong bếp thu cất, khéo để lại không gian cho hai người bọn họ.

Không biết bao lâu sau, A Nam bước vào, đứng sau lưng tôi, nói với tôi: “Để ba làm cho.”

“Chị ấy đâu?” Tôi hỏi.

“Ngủ rồi.” A Nam nói, “Mã Trác, con vất vả rồi.”

Tôi đang định trách ông, ông đã vội vàng biết điều mà bổ sung: “Cũng đã đến lúc con nên san sẻ với ba nhỉ.”

Trà đã được tôi nấu sẵn trước đó, tôi đưa cho ông. Đấy là ly trà giữ nhiệt tôi dùng tiền học bổng mua cho ông, một ly rất lớn. Ông thích uống trà nóng, mỗi ngày lại uống nhiều nước lọc, cho nên chiếc ly này đặc biệt thích hợp với ông.

“Trà ba thích này, Đông Đỉnh Ô Long của Đài Loan.” Tôi nói.

Ông cầm chiếc ly lật qua lật lại nhìn, giống như đang thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật, vừa thưởng thức vừa làm bộ như chỉ hỏi chơi: “À đúng rồi, cô ấy khóc chuyện gì thế?”

“Chả có gì đâu,” Tôi nói, “Chị ấy nghĩ ba tốt với chị ấy như thế, cảm thấy bản thân không cách này báo đáp được, cảm động quá khóc luôn.”

Ông nén giọng xuống thật thấp hỏi: “Cái vụ tiền, con không nhắc gì chứ?”

“Yên tâm đi.” Tôi nói, “Không tin tưởng con đến vậy sao?”

“Không phải không phải.” Ông vội vàng nói, “À đúng rồi, tối nay Tiêu Triết đến ăn cơm. Ba bận quá nên nhờ nó tới chạy tới nhà mới giúp ba xử lý một chút việc, chốc nữa nó sẽ đưa một bản thiết kế về cho ba, nếu còn không đúng nữa thì ba còn phải bảo nó đưa lại cho người thiết kế nữa…..”

Thật không biết vì sao ông phải giải thích một tràng dài như vậy.

“Vậy ba chiêu đãi cậu ta cho thật tốt ha, con phải tới văn phòng luật sư lấy máy tính của con.” Ông gật đầu, tôi vừa ra tới cửa, còn chưa mang xong giày, ông lại không yên tâm chạy ra theo dặn dò: “Lấy xong rồi về ngay, cũng đừng ngồi xe buýt, gọi xe taxi đi nhé, đừng để mất thời gian.”

Tôi đâm sợ nếu còn tiếp tục chần chờ nữa thì ông sẽ leo ngay lên xe đưa tôi đi, thế là vẫy tay với ông xong vội vã ra khỏi cửa.

bài hát “trời tối đen” Của Tôn Yến Như

Ngày bé khi ồn ào bướng bỉnh ngoại tôi luôn hát dỗ dành tôi

Buổi trưa mùa hạ, bài ca xưa cũ ủi an tôi; bài ca ấy hình như lời hát thế này

Trời tối đen, sắp đổ mưa, trời tối đen tối đen….

Xa rời tuổi thơ, có cuộc sống riêng mình; có bài hát mới, ý tưởng mới

ương ngạnh và bốc đồng những lúc mất kiểm soát tôi đã quên vẫn còn có bài hát ấy

Trời tối đen, sắp đổ mưa, trời tối đen tối đen

Tôi đã yêu một người khiến tôi không sao cầm lòng nổi

tôi tưởng đây là một thế giới tôi luôn theo đuổi

Để rồi va chạm ngược xuôi, bị hiểu lầm bị dối gạt

phải chăng đàng sau thế giới của người lớn chỉ là những mất mát

con đường tôi đi mỗi ngày phải đối mặt với những ngã rẽ

Tôi hoài niệm những hạnh phúc đơn sơ tươi đẹp trong quá khứ của tôi

Tình yêu luôn khiến ta khóc khiến ta cảm thấy không hài lòng

Bầu trời bao la nhưng sao nhìn không rõ ôi cô đơn.

(v..v. và v.v. còn vế sau nữa, nhưng đại ý bài hát trong lòng của Hạ Hoa vậy đủ rồi ha. Điều quan trọng là cái phần “trời tối đen….” hát bằng tiếng địa phương – hình như là tiếng Phúc Kiến, tại bài này từ Đài Loan ra, nhưng mình không chắc, thành ra chính cái đoạn đó trong bài hát là như một giấc mơ êm đẹp đã vuột mất v.v. và v.v.. Ngoài ra, trong truyện, Nhiêu Tuyết Mạn chép chữ sai, thay vì “sắp đổ mưa” thì bả chép là “chưa đổ mưa”)

________________________________________

bonus:

“Vị bạn học này, tôi đã nhịn cậu lâu lắm rồi, trước khi tôi ngứa ngáy chân tay, tốt nhất là cậu tự động biến đi.”

Truyện Chữ Hay