Không Kết Hôn Liệu Có Chết?

chương 3: trong và ngoài dự kiến

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Cô đứng trước cửa sổ nhìn trận mưa đang trút xuống, con đường anh đi khiến tim em đau nhói. Em vẫn giữ lời hẹn thề cho dù anh đã rời xa em nhiều quá.

Đứng bên cửa sổ nhìn mây trời trôi qua, con đường anh đi lại làm trái tim em mềm yếu. Nhiều người nói từ bỏ, nhưng cái lắc đầu đã trở thành nỗi dày vò. Anh vẫn muốn kéo dài thời gian mà không muốn đối diện với sự thất vọng chất chồng của em.

Khoảng cách xa nhất từ nay sẽ không còn là chân trời góc bể nữa mà chính là sự trầm lặng của em. Em càng yêu càng câm lặng, càng yêu càng thất lạc, cuối cùng chỉ còn biết giơ hai tay đầu hàng.

Từ đây chúng ta cũng không còn những hỉ nộ ái ố, chỉ còn nhàm chán ngồi nói chuyện với nhau. Và em càng yêu càng trầm lặng, càng đi càng buồn, cuối cùng lựa chọn một mình suy ngẫm…

—“Càng yêu càng câm lặng”

Phòng biên tập nhà xuất bản.

Tiểu Mỹ dựa đầu vào ghế hỏi: “Tối qua mình và Bình Tử làm bao nhiêu món ngon cho cậu. Đường Đường cũng mua cả bánh gato nữa. Nhưng thấy bảo cậu lại uống rượu bên ngoài. Không phải đã nói trước rồi còn gì, hôm qua, muốn để cậu gặp mặt Bình Tử? Sao lại từ chối người ta như vậy? Hai hôm nay ở đâu vậy?”

Văn Văn vừa mở ví vừa lắc đầu, “mình sợ Lý Cường và ba mẹ anh ấy không vui.”

Tiểu Mỹ hừ một tiếng, “anh ta không vui?! Dựa vào chuyện gì chứ? Cậu cũng chẳng phải là vợ anh ta! Hơn nữa, không phải đã nói cậu và anh ta quyết định chia tay rồi sao? Bây giờ ai cũng có quyền theo đuổi cậu!”

Cô cười đau khổ, không nói gì.

Tiểu Mỹ lại hỏi tiếp: “Hai người hôm qua có sao không? Thấy cậu cứ vội vàng sao ấy!”

Văn Văn nói: “Không sao cả!”

Tiểu Mỹ đáp lại: “Nhưng sao mặt lại nghiêm trọng thế kia?”

Văn Văn lôi trong túi ra một tập thiếp mời, đưa cho bạn một tờ: “Lễ tình nhân năm nay – làm phù dâu cho mình nhé!”

Tiểu Mỹ nhảy giật mình lên, “cái gì?! Hai người…”

Cô lắc đầu, “hôm qua, bọn mình đi đăng ký rồi!”

Tiểu Mỹ ngồi thụp xuống, “xong rồi, xong rồi. Người đáng thương!”

Văn Văn buông tay, thiếp cưới rơi đầy bàn. Thực ra ai cũng hiểu rõ cuộc hôn nhân này sẽ là trò khôi hài.

Tiểu Mỹ và Đường Đường đều là bạn thân thiết của Văn Văn. Khi chưa quen Lý Cường, ba người bọn họ vốn là chị em thân đến cái quần cùng mặc chung được.

Chuyện tình trường của Tiểu Mỹ, Văn Văn và Đường Đường đều biết rõ.

Tiểu Mỹ từng yêu đến chết đi sống lại. Nhưng cuối cùng vẫn phải chọn việc từ bỏ.

Nguyên nhân chia tay lại là nét đặc trưng của nền văn hóa phương Đông – Vì ba mẹ chồng.

Chính vì chuyện này, Tiểu Mỹ đã nhắc đi nhắc lại không chỉ một lần. Tình yêu có lãng mạn, có vĩ đại đến thế nào, nhưng khi chạm ngõ vào hôn nhân cũng khó dằn lòng nổi. Rồi cũng thành mây khói.

Nhớ lại ngày đầu đang trong giai đoạn tình cảm mãnh liệt, Văn Văn đã phản bác lại: Tình yêu đến mức cao độ không phải sẽ thành thân sao? Khi đó còn phân biệt gì nữa? Còn phân đúng sai gì?

Tiểu Mỹ cười lạnh nhạt: Được đấy, hi vọng mấy năm nữa cậu vẫn giữ nguyên cách nghĩ đó.

Tiểu Mỹ cùng chồng chưa cưới là Du Tử về thăm nhà anh một chuyến. Khi ấy cô mới hiểu được thế nào là mùi vị gia đình.

Trên đường đi cô hỏi anh: “Nghe nói nhiều con dâu coi mẹ chồng là tình địch. Họ như hồ ly tinh đến cướp con trai nhà người ta. Về chuyện này em có nên bày tỏ điều gì để ba mẹ anh hiểu được em không?”

Du Tử cười, “em đừng nghĩ quan hệ mẹ chồng nàng dâu ngày nay cũng như xưa. Không cần phải làm gì hết. Mọi chuyện có anh giải quyết.”

Tiểu Mỹ nghe xong liền mỉm cười. Thế là yên tâm rồi.

Thế là cô cùng chồng chưa cưới đi về nhà anh, một thành phố ở phía Nam.

Tiểu Mỹ và anh học cùng trường đại học. Anh hơn cô hai khóa. Hai người bắt đầu quen và yêu nhau trong trường. Sau khi tốt nghiệp, cô chuyển đến sống chung với anh luôn. Mấy năm sau hai người mới tính đến chuyện ra mắt gia đình hai bên.

Khi bước vào cửa nhà anh, cô đưa mắt nhìn quanh nhà. Căn hộ được bài trí cũng đơn giản. Tiểu Mỹ nghĩ bụng có lẽ mình dễ dàng hòa nhập với gia đình nhà chồng.

Du Tử là người đàn ông có hiếu với ba mẹ. Nhưng cũng đồng thời là người không có chính kiến. Thế lực gia đình nhà anh rất lớn. Khi chưa kết hôn, ba mẹ chồng tương lai đã buông một câu: Con trai thì phải phụng dưỡng ba mẹ đến già. Điều này hoàn toàn không có gì sai. Nhưng câu tiếp theo khiến người ta khó có thể tiêu hóa.

Sao lại khó tiêu hóa? Vì mẹ chồng cô nói, họ chỉ cần cháu trai, cháu gái không cần, cũng không muốn nuôi cháu gái. Tiểu Mỹ nghĩ bụng: Chỉ cần có con, cô là mẹ nhất định khổ thế nào cũng nuôi.

Ba chồng cô bảo: “Con trai tôi rất giỏi, bây giờ công việc cũng tốt. Chỉ cần chị sinh con gái, chúng tôi cũng chấp nhận. Nhưng chị phải cho nó ra ngoài tìm đứa khác đẻ cho tôi một đứa cháu trai.”

Mẹ chồng tiếp lời: “Du Tử nhà bác là con trưởng. Bởi vậy trách nhiệm con trưởng phải phụng dưỡng ba mẹ đến già. Nhưng nhà con thì không như vậy. Ba mẹ con đã có gia đình bên anh trai gánh vác. Hơn nữa, ba mẹ con đều là thành phần tri thức, lương lậu cũng cao. Gia đình bên hai bác không có điều kiện tốt như thế. Vậy nên sau khi kết hôn, tiền của con cũng không cần đưa cho gia đình bên đó nữa. Con gái đến tuổi lấy chồng như bát nước đổ đi. Chuyện ba mẹ bên đó đã có anh chị con lo liệu. Còn tiền lương của con và chồng cứ đưa cho mẹ giữ hộ, coi như mẹ quản giúp các con vậy, chỉ việc lo chuyện sinh đẻ thôi.”

Ba chồng cô tiếp tục: “Hai đứa cũng ở với nhau được mấy năm rồi. Cháu cũng không phải là lá ngọc cành vàng gì. Vậy nên nhà bác cũng không cần lễ vật gì nữa cho rắc rối. Con trai bác không phải lên nhà cháu để ngỏ lời gì nữa. Thế này đi, cháu mời ba mẹ đến nhà chúng ta một chuyến rồi hai bên cùng bàn bạc chuyện của hồi môn xem thế nào. Phải rồi, ba mẹ cháu tiền lương hưu mỗi tháng thế nào? Định cho cháu bao nhiêu của hồi môn?”

Mẹ chồng cô ngắt lời: “Các con ở với nhau bao năm như thế. Con trai bác cũng mấy lần nói về chuyện gia cảnh nhà cháu rồi. Khi hai nhà muốn kết thông gia với nhau thì chuyện giúp đỡ là điều đương nhiên. Về công việc của em trai Du Tử xem ba cháu giải quyết thế nào. Nghe nói chú cháu đang làm trong văn phòng Chính phủ phải không? Thử bảo ông ấy đánh tiếng xem sao?”

Ba chồng nói…

Mẹ chồng…

Thế giới của Tiểu Mỹ bắt đầu chao đảo như thể trần nhà chuẩn bị sập xuống. Từ giờ phút này cô đã hiểu ra. Yêu là chuyện của hai người. Còn kết hôn thì hoàn toàn không phải vậy!

Cũng từ giây phút đó, cô đã hoàn toàn mất niềm tin với hôn nhân.

Khi cô đến nhà anh chơi đang là mùa đông. Quần áo Du Tử đến lúc cần phải giặt. Cũng may chị gái anh quan tâm đến ba mẹ nên cũng sắm máy giặt cho nhà mẹ đẻ. Sau đó, cô chủ động mang quần áo đi giặt. Sau đó, Tiểu Mỹ mới hiểu mình đã sai. Một khi bạn chủ động làm chuyện gì đó, người nhà họ sẽ không còn khách khí với bạn nữa, sau này họ sẽ để bạn làm như một chuyện hiển nhiên.

Đến nước rửa chân cho Du Tử mẹ chồng tương lai cũng sai cô đi lấy. Cô cắn răng chịu đựng, thầm nghĩ bụng: Bà cô này đang ở địa bàn của các người nên tạm thời chịu vậy. Đến cả nước rửa chân cho ba mẹ tôi còn chưa bao giờ lấy nữa là.

Du Tử rửa chân xong, mẹ chồng cô nói: “Cháu mang đổ nước đi!”

Tiểu Mỹ như muốn phát điên, không nhìn bà, chỉ nhìn chăm chăm vào anh.

Du Tử có lẽ cũng chột dạ, cúi khom lưng xuống rồi nhấc chậu nước lên: “Thôi để con đi đổ. Cô ấy cũng không quen làm đâu.” Nói rồi anh bước ra phía cửa.

Mẹ chồng tương lai đứng bên cạnh cô than vãn xa gần, “con gái thành phố có khác, quen được người khác hầu hạ rồi. Nào có được như ở đây, con dâu không biết nghe lời là bị đàn ông giáo huấn cho một trận.”

Tiểu Mỹ mất hết lòng tin với mẹ chồng, cũng không tức giận, chỉ khảng khái đáp lại: “Bác không biết rồi, đàn ông con trai muốn có chỗ đứng bên ngoài phải dựa vào quan hệ, phải để người ta nể trọng. Còn người ta khinh nhất là đàn ông đánh vợ. Đó là bạo lực gia đình, rồi cũng có lúc ngồi tù mọt gông.”

Nhìn mẹ chồng như muốn phát điên. Tiểu Mỹ thò tay vào túi. Điện thoại đang reo lên. Ở đây sóng điện thoại hơi chập chờn. Cô lấy điện thoại ra giả bộ nói: “Alo, trưởng phòng phải không ạ? Có chuyện gấp ạ? Vâng, tôi sẽ về ngay. Sáng mai tôi đi ngay.”

Mẹ chồng đương nhiên không biết cô đang giả bộ. Kế hoạch này để cô tự bảo vệ mình.

Hôm sau, cô nói có việc phải đi. Du Tử cầu xin mấy lần, lòng cô lại mềm xuống, đồng ý ở thêm hai hôm nữa. Vậy là tự làm tự chịu, cô lại chịu nhục một lần nữa vậy.

Cho dù có đi thì cũng phải chuẩn bị một bữa cơm tươm tất, không người khác lại nghĩ con gái thành phố chỉ là tiểu thư. Tiểu Mỹ vốn không thích làm mấy chuyện nội trợ nhưng tài nghệ nấu ăn cũng không tồi. Ngay cả ba mẹ và anh chị của cô đều nói, nếu một ngày nào đó cô không còn biên tập sách nữa có thể đến Australia mở tiệm ăn. Có lẽ nấu ăn cũng là một vốn thiên phú của cô.

Sáng sớm, Tiểu Mỹ ra chợ mua đồ. Buổi sáng nấu nướng cũng được năm sáu món. Trong bếp tràn ngập mùi đồ ăn thơm lừng.

Sắp đến trưa, cô thấy ba mẹ chồng tương lai mang bánh sủi cảo ra.

Cô tròn mắt ngạc nhiên, “mấy cái bánh này cháu thấy để đây được mấy hôm rồi. Hôm đầu tiên cháu đến đã thấy nó ở bếp.”

Mẹ chồng cô bảo: “Trước hôm các con về ba mẹ có ăn sủi cảo. Nhưng còn thừa lại nhiều quá. Chỗ này đủ để nhà mình ăn trưa nay.”

Tiểu Mỹ thần mặt tính toán, cô và anh về nhà được ba hôm rồi. Hai ngày trước khi họ về tức là bánh sủi cảo đã có từ ngày trước.

Cô kinh ngạc, “nếu đã là đồ thừa giữ lại sao không để vào ngăn đá ạ?”

Mẹ chồng cô: “Tủ lạnh nhà này có mở đâu, tốn điện lắm.”

Cô không còn vui vẻ được nữa, “cháu vừa làm bao nhiêu đồ ăn, còn tươi mới lắm, sao mọi người không ăn?”

Bố chồng: “Tối nay mọi người trong nhà sẽ đến gặp cháu đấy. Đồ ăn này để đến tối ăn đi. Thôi ăn đi đã!” Nói xong, ông tự mình đi lấy đũa bát. Mẹ chồng cô và Du Tử, em trai cũng sẵn sàng đũa bát trên tay.

Tình thế như vậy, không ăn cũng không được.

Ăn được nửa tiếng sau, cô lên cơn đau bụng: Thôi coi như được dịp giảm béo!

Buổi chiều, chờ đợi sơ hở, cô kéo Du Tử ra ngoài. Cô nói hiện tại công việc của cô và anh đều đã ổn. Nếu được kết hôn xong, cô muốn đón ba mẹ anh đến ở cùng. Còn không thì thuê một căn hộ ở riêng cũng được.

Anh nói: “Mẹ anh bảo bà thấy em không biết chăm sóc gia đình. Em toàn tặng bà quần áo đắt tiền. Vậy nên kiểu gì cũng phải ở cùng bọn mình.”

Cô lạnh lùng nghĩ bụng: Đã biếu quần áo đẹp bà lại còn khua môi múa mép là mình không biết chăm lo gia đình. Bà muốn quản tài chính con trai mình cũng được nhưng chẳng lẽ còn muốn quản cả mình nữa sao?

Nghĩ đến chuyện sống cùng chung với nhau dưới một mái nhà, bà mẹ chồng tương lai này còn muốn cô hàng ngày bưng nước rửa chân cho con trai bà nữa hay sao? Cô không kìm được nổi da gà.

Đến chiều, người nhà anh đến, hỏi han đủ chuyện, khi nào hai đứa kết hôn, khi nào sinh con.

Sau đó họ bắt đầu chơi mạt chược.

Cô thầm nghĩ: Mai đi rồi, hôm nay phải giữ thể diện cho ba mẹ chồng, làm mọi chuyện để sau này muốn nhìn thấy nhau cũng dễ hơn.

Thế là cô tiến vào phòng bếp, làm thêm hai món nữa. Sau đó vừa bưng trà bưng nước, giữ thể diện tốt cho ba mẹ chồng trước mặt họ hàng.

Một bà bác nói: “Cô con dâu này khéo tay đấy, làm đồ ăn cũng ngon!”

Mẹ chồng cô đỡ lời: “Đừng để ý đến nó! Cháu nó là gái thủ đô. Không tự mình nấu ăn thì cũng chẳng ăn được đồ ăn ở đây.”

Tiểu Mỹ nhìn thấy có một cháu nhỏ rất đáng yêu đang ở đó nên cô ngồi chơi với cháu cả chiều.

Buổi tối ăn cơm, chủ khách đều hân hoan. Sau khi ăn xong, họ lại y nguyên chơi mạt chược.

Tiểu Mỹ đã mệt cả một ngày, lại thêm đau bụng hồi trưa nữa, không chống đỡ được nữa xin phép đi ngủ sớm.

Mùa đông ở phương Nam không lắp hệ thông sưởi ấm, đương nhiên cũng không ai đối xử đặc biệt tốt với cô như rót cho một cốc nước nóng hay chuẩn bị đệm chăn đầy đủ. Cô lăn lóc trong chăn một lúc lâu mà mãi không thấy ấm, nhưng rồi cũng mơ mơ hồ hồ thiếp đi.

Không biết được bao lâu, âm thanh ồn ào từ bên ngoài vọng lại. Cháu bé cũng đẩy cửa phòng bước vào, leo lên giường gọi: “Cháu muốn đi ị…”

Tiểu Mỹ mơ màng nói: “Cháu đói phải không? Có kẹo đấy.”

Cháu bé đáp: “Không, cháu muốn đi ị!”

Tiểu Mỹ: “Ba mẹ cháu đang ở ngoài kia đánh bài đấy, cháu ra gọi đi.”

Bé gái chạy ra ngoài một lát rồi quay vào: “Mẹ bảo cháu gọi cô.”

Mặc dù buồn ngủ nhưng cô vẫn hơi mơ màng, trong lòng rất tức giận, xoay người vào trong không nói gì.

Bên ngoài có tiếng gọi lớn: “Tiểu Mỹ, đưa cháu đi ị đi. Nhớ lau đít cho nó đấy.” Đó là giọng bà mẹ chồng tương lai của cô. Sau đó là tiếng ba chồng, và Du Tử.

Cháu bé đứng bên cạnh giường nhảy lên: “Cháu không chịu được nữa rồi.”

Cô lại mềm lòng. Không lẽ lấy cơn bực tức tính toán lên đầu trẻ nhỏ sao? Cô dụi mắt dậy, mặc quần áo. Bên ngoài vẫn vọng lại tiếng thúc giục.

Tiểu Mỹ nói với cháu bé: “Cháu bảo với mọi người là sắp xong rồi.”

Đây là lần đầu tiên trong hơn hai mươi năm trong đời cô đi lau đít cho người khác, lại là đứa nhỏ không phải con cháu nhà cô.

Lần kế tiếp, mẹ chồng lại nói mấy câu khiêu khích và mỉa mai: “Ôi dào ơi, ở đây gái thành phố chắc không quen rồi, xem ra hai thân già này lại phải hầu hạ hai đứa. Hôm qua mọi người đang vui vẻ mới nhờ cô làm có tí xíu việc. Bình thường Du Tử không đánh mạt chược đâu, cô cũng đừng vì chuyện này mà mặt nặng mày nhẹ với nó.”

Cô cười nhạt nghĩ bụng: Mình cũng sắp đi rồi, sau này chắc gì còn đến nữa, tính toán với bà làm gì. Muốn nói mấy lời cay nghiệt cũng chỉ còn cơ hội này thôi đấy. Thế là cô bảo: “Cháu có dám tức gì đâu. Bé gái đáng yêu quá!”

“Thật sao? Vậy thì tốt rồi. Ta còn tưởng cháu đang giận. Tối qua gọi mãi cháu mới dậy.”

Cô không để ý tới bà, tiếp tục bảo: “Trưa qua cháu nấu ăn, không thấy bác chê kém cỏi.” Trong lòng cô nhớ đến tối qua khi ăn mọi người tấm tắc khen ngon, bây giờ vẫn thấy tự hào.

Mẹ chồng bảo: “Cũng sắp đi rồi, dọn dẹp đi thôi!”

Nghĩ đến việc sắp đi, cũng muốn thể hiện dâu hiền, cô lại xắn tay áo vào bếp.

Bữa trưa hôm đó khi mang đồ ăn lên vẫn thấy món chính là xủi cảo. Thế đã là hôm thứ sáu rồi.

Nhìn thấy cô đã muốn té xỉu.

Thấy vậy Du Tử bảo: “Mẹ, thôi đừng ăn nữa. Nhiều đồ ăn thế này mà. Tiểu Mỹ hôm nay vẫn đau bụng.”

Cô nhìn sắc mặt bà, biết bà không vui vì con trai đang bảo vệ con dâu,nhưng không vừa ý cũng đành kệ. Đau bụng lần nữa chắc cô không đi nổi mất.

Cô giả bộ ngây ngô, không gắp món chính, chỉ chăm chú ăn mấy món mình xào. Vừa ăn cô vừa nói: “Mời cả nhà thưởng thức đi ạ. Đây là món mẹ cháu thích nhất đấy.”

Ba chồng động lòng, không ăn sủi cảo nữa, quay sang ăn đồ ăn khác. Mẹ chồng giận lắm, thấy chồng không đứng về phía mình, thế là dứt khoát gắp ngay sủi cảo bỏ vào bát con trai, “anh ăn đi!”

Có lẽ Du Tử cũng không muốn ăn mấy cái bánh thừa nữa, chẳng quản việc mẹ giận thế nào, dứt khoát bưng đĩa đi rồi nói: “Cả nhà ăn đồ đi, Tiểu Mỹ làm nhiều đồ ăn lắm, không ăn lại thừa!”

Cô cười hả hê, có chút đau lòng lướt qua.

Sau này, Đường Đường và Văn Văn hỏi: “Cho dù ba mẹ anh ấy có không tốt đến thế nào thì người cậu sống cùng là anh ấy cơ mà. Chỉ cần không để ý đến họ là được.”

Cô vỗ vỗ lên người hai chị em tốt của mình, “đừng đứng nói rồi kêu đau lưng. Đường Uyên không phải là một nữ tài đó sao? Vậy mà mẹ chồng nhìn vẫn không thấy vừa mắt. Lục Du chẳng phải đại thi nhân đó sao? Sao không dám nói gì? Khi chia tay vợ còn sáng tác thơ thương nhớ… người vợ cũ.”

Văn Văn và Đường Đường chỉ biết nhìn nhau không nói gì.

Truyện Chữ Hay