Không Gia Đình (Sans Famille)

Chương 1: Ở làng

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Tôi là một đứa trẻ người ta nhặt được.

Nhưng cho tới lúc tám tuổi tôi vẫn tưởng rằng tôi có một người mẹ bởi vì mỗi lúc tôi khóc lại có một người đàn bà nhẹ nhàng ôm siết tôi trong hai cánh tay và ru tôi khiến nước mắt tôi ngừng chảy.

Khi tôi đi ngủ không bao giờ bà không đến ôm hôn tôi và khi gió tháng mười hai làm tuyết dán chặt vào các tấm kính cửa sổ trắng xóa bà nắm lấy hai bàn chân tôi và cứ ngồi sưởi ấm chân tôi trong hai bàn tay bà, vừa hát cho tôi nghe một bài hát mà đến nay tôi còn nhớ lõm bõm vài câu. Khi tôi cãi nhau với một đứa bạn bà lại bảo tôi kể cho bà nghe những nỗi buồn của tôi để tìm lời an ủi hoặc thừa nhận tôi có lý.

Bằng vào những cái đó và nhiều cái khác nữa như cách bà nói với tôi, nhìn tôi, vuốt ve tôi, mắng tôi một cách trìu mến, tôi tin rằng bà là mẹ tôi.

Và đây là vì sao tôi biết bà không phải mẹ tôi.

Làng tôi, nói cho đúng hơn, làng nơi tôi được nuôi dạy, gọi là Chavanon, một trong những làng nghèo nhất ở miền Trung nước Pháp.

Đất rất bạc màu, muốn gặt hái tốt phải bón phân hoặc cho thêm chất cải tạo đất mà ở trong nước không có. Vì thế người ta chỉ gặp (hoặc ít ra là ở thời kỳ tôi nói đến) rất ít cánh đồng cày cấy trong khi trông thấy nhiều vùng mênh mông mọc toàn cỏ thạch thảo và cây đậu kim. Hết vùng đất toàn bụi cây lại đến vùng đất truông.

ở đúng vào một nếp gấp của vùng đất đó, trên bờ một dòng suối là nhà tôi, nơi tôi sống những năm đầu tiên của cuộc đời. Cho đến lúc tám tuổi tôi không bao giờ trông thấy đàn ông ở trong nhà này, tuy thế mẹ tôi không góa chồng, chồng bà là thợ đẽo đá chưa trở lại quê hương lần nào kể từ khi tôi đến tuổi hiểu biết được những gì xảy ra quanh mình. Chỉ thỉnh thoảng ông mới gửi bạn bè về làng vài mẩu tin.

- Má Barberin này, ông nhà bà khỏe, ông ấy nhờ tôi bảo bà là công việc vẫn chạy tốt và chuyển tiền cho bà đây này..Chỉ có thế.

Ông Barberin ở Paris lâu thế ta đừng tưởng vì ông không thân tình với vợ ông mà ông ở Paris do công việc đòi hỏi. Khi nào già ông sẽ về ở với bà vợ già của ông, và với số tiền ky cóp được họ sẽ tránh được nghèo khổ.

Một buổi chiều tháng mười một, một người đàn ông dừng lại trước hàng rào nhà chúng tôi và hỏi tôi có phải đây là nhà má Barberin không.

Tôi mời ông ta vào.

Ông đẩy rào và chậm bước về phía nhà tôi.

Tôi chưa nhìn thấy ai lấm bùn bê bết đến thế. Hàng mảng bùn phủ từ chân lên đến đầu ông khiến người ta hiểu ngay ông đã đi trên những con đường rất xấu trong thời gian khá dài.

Nghe tiếng chúng tôi má Barberin chạy ra.

- Tôi mang tin từ Paris về đây.

- A! Trời ơi! - Má Barberin kêu lên. - Tai vạ đến với Jérôme rồi!

- Phải đấy, sự thực là ông nhà ta bị thương, chắc sẽ què mất thôi. Hiện giờ ông ấy đang nằm bệnh viện. Tôi nằm cạnh giường ông ấy nên khi ra viện ông ấy nhờ tôi qua nhà nhắn giùm. Tôi không ở lại được đâu vì còn ba dặm nữa phải đi.

Má Barberin muốn biết kỹ hơn bèn mời ông ta ở lại ăn tối. Má bảo đường xấu và nghe nói trong rừng có chó sói, sáng mai hãy đi.

Ông ngồi xuống trong góc lò sưởi vừa ăn vừa kể cho chúng tôi nghe tai nạn đã xảy ra thế nào: ông Barberin bị giàn giáo đổ đè bẹp nửa người và vì không chứng minh được tại sao ông cần phải đứng ở nơi xảy ra tai nạn nên nhà thầu không chịu bồi thường một đồng nào.

- Con người tội nghiệp ấy không gặp may rồi, ông ta nói, bọn láu cá thì tìm ngay được cách kiếm lời nhưng ông nhà bà thì không được cái gì hết. Tuy nhiên tôi khuyên ông ấy kiện tay thầu khoán.

Má Barberin định đi Paris.

Sáng hôm sau chúng tôi xuống làng hỏi ý kiến mục sư. ông mục sư viết thư cho cha tuyên úy ở bệnh viện ông Barberin nằm và vài hôm sau nhận được trả lời nói rằng má Barberin không cần lên Paris chỉ cần gửi một món tiền lên cho chồng thôi để ông đi kiện nhà thầu.

Ngày lại ngày, tuần lại tuần cứ thế trôi qua, nhiều thư gửi về, thư nào cũng yêu cầu gửi tiền thêm, lá thư cuối cùng nói rằng nếu không có tiền thì bán con bò Roussette đi..Chỉ những người đã sống ở thôn quê mới hiểu được cảnh khốn quẫn đau thương trong ba chữ "Bán con bò". Thực tế dù nghèo túng đến mấy, gia đình đông đến mấy người nông dân vẫn vững tâm không lo đói nếu nhà có một con bò cái.

Má Barberin và tôi đã nhờ con bò cái của chúng tôi mà sống no đủ, cho tới tận lúc ấy tôi hầu như có bao giờ ăn thịt đâu.

Với lại chúng tôi yêu con bò lắm.

ấy thế mà nay phải xa nó rồi.

Một ông lái đến nhà chúng tôi, sau khi xem đi xem lại Roussette và nhắc đi nhắc lại hàng trăm lần là con bò này không thích hợp với ông, không bán lại được cho ai, không có sữa, cuối cùng mới nói là bằng lòng mua nhưng chỉ là vì lòng tốt muốn giúp má Barberin mà thôi.

Roussette hình như am hiểu nhất định không chịu ra khỏi chuồng.

- Ra phía sau nó đuổi nó ra. - Người lái nói và đưa tôi cái roi.

- Làm thế không được. - Má Barberin bảo.

Má cầm lấy sợi dây dắt, nhẹ nhàng bảo con bò:

- Ra nào, ra nào, cô gái đẹp.

Và Roussette không chống lại nữa, ra tới đường cái người lái buộc nó đằng sau chiếc xe.

Thế là hết sữa, hết bơ. Buổi sáng một mẩu bánh, buổi chiều khoai tây ăn với muối.

Sau đó không bao lâu đến ngày thứ ba béo; năm ngoái vào ngày này má Barberin đã làm cho tôi một bữa tiệc có bánh xèo, bánh tẩm bột rán, tôi ăn nhiều đến nỗi má rất sung sướng.

Nhưng lúc ấy chúng tôi còn Roussette nên có sữa để tẩm bột và có bơ cho vào chảo.

Tuy nhiên má Barberin đã làm tôi ngạc nhiên; má xin hàng xóm nhà này một chén sữa, nhà kia một miếng bơ, thế là đến trưa về tôi thấy má đang đổ bột vào một chiếc chảo bằng đất.

- ạ này có cả bột cơ ạ. - Tôi vừa nói vừa bước lại gần.

- Đúng đấy bé Rémi của má ạ. Thế người ta làm gì với bột nào? - Má Barberin nhìn tôi hỏi.

- Làm bánh.

- Gì nữa?

- Quấy bột.

- Gì nữa nào?

- ôi trời... con cũng không biết nữa..- Con biết hôm nay là ngày thứ ba béo chứ, ngày của bánh xèo và bánh rán mà...

- ôi, má Barberin!

- Má đã thu xếp sao cho ngày thứ ba béo đối với con không đến nỗi tệ quá. Nhìn vào thùng xem nào?

Tôi hăng hái nhấc nắp thùng lên, thấy ở trong có sữa, bơ và ba quả táo.

- Đưa trứng cho má. - Má nói. - Trong khi má đập trứng con gọt táo nhé.

Khi bột đã nhào xong má Barberin đặt chiếc liễn trên tro nóng, thế là chỉ còn đợi đến chiều nữa thôi vì vào bữa tối chúng tôi mới ăn bánh xèo và bánh rán.

Cuối cùng nến được thắp lên.

- Nhóm lửa đi con. - Má Barberin bảo tôi.

Không cần phải nhắc tôi đến lần thứ hai.

Chẳng mấy chốc ngọn lửa đùng đùng bốc lên ống khói, ánh sáng chập chờn của nó tỏa khắp gian phòng.

Má Barberin nhấc chiếc chảo rán treo trên tường xuống để nó lên trên ngọn lửa.

- Đưa má bơ nào.

Má cắt ít bơ bằng đầu con dao bỏ vào chảo.

ái chà! Thơm thật là thơm!

Tuy nhiên dù tập trung chú ý đến mấy đi nữa tôi vẫn nghe như có bước chân ngoài sân.

Ai có thể đến vào giờ này nhỉ?

- Một chiếc gậy chạm vào ngưỡng cửa, cửa mở tung ra.

Một người đàn ông bước vào, nhờ ánh sáng ngọn lửa tôi thấy ông ta mặc một chiếc áo bờ-lu trắng tay chống một chiếc gậy to.

- ở đây đang làm tiệc đấy à? Cứ yên! - ông ta nói bằng một giọng thô lỗ.

- A! Trời ơi! - Má Barberin kêu lên, đặt mạnh chiếc chảo xuống đất.

Rồi cầm lấy cánh tay tôi bà đẩy tôi về phía người đàn ông đang dừng lại trên ngưỡng cửa:

- Đây là cha con.

Tôi lại gần để hôn ông nhưng ông lấy đầu chiếc gậy ngăn tôi lại.

- Thằng này là thằng nào đây?

Ông bước mấy bước về phía tôi, chiếc gậy vẫn giơ lên làm tôi lùi lại.

- à ra các người làm tiệc ngày thứ ba béo.

- ông ta nói. - Súp gì đấy?.- Chẳng có súp gì cả. Chúng tôi có chờ ông đâu.

Ông ta nhìn quanh:

- Bơ này, hành này. - ông nói. - Bốn năm củ hành với miếng bơ là có món súp ngon rồi còn gì. Ta bóc hành đi.

Má Barberin vội làm theo yêu cầu của chồng trong khi ông ta ngồi vào chiếc ghế dài ở góc lò sưởi.

Tôi không dám rời nơi chiếc gậy đã đưa tôi tới. Dựa vào bàn, tôi nhìn kỹ người khách mới tới này.

Đó là một người đàn ông độ năm mươi tuổi mặt thô nét đanh lại, đầu ngoẹo sang vai phải sau chấn thương vừa rồi.

- Bà định nấu súp cho chúng tôi với mẩu bơ này chứ gì?

Tự mình bưng chiếc đĩa trên có miếng bơ ông ta đổ tọt miếng bơ vào trong chảo.

Hết bơ, còn gì là bánh xèo nữa cơ chứ.

Giá như vào lúc khác hẳn tôi phải xót xa với tai họa này lắm nhưng lúc này ý nghĩ người đàn ông ấy là cha tôi chiếm cứ cả tâm hồn tôi.

Tôi chưa bao giờ tự hỏi mình một cách cụ thể thế nào là một người cha, nhìn con người bỗng nhiên từ trên trời rơi xuống này tôi cảm thấy sợ hãi.

- Mày đừng đứng im thế, ông ta nói, đi mà dọn đĩa lên bàn đi chứ.

Tôi vội vâng lời. Súp đã nấu xong. Má Barberin múc súp ra.

Đến lúc đó ông ta mới ra bàn ngồi và bắt đầu ăn, chỉ thỉnh thoảng mới dừng lại nhìn tôi.

Tôi hoang mang quá ăn không nổi.

- Bình thường nó có ăn ít như thế này không?

- à, vẫn thế đấy.

- Kệ xác nó! Giá như nó không ăn thì càng tốt!

Dĩ nhiên tôi không nói gì, má Barberin cũng vậy, má cứ đi lại quanh bàn chăm chú phục vụ chồng.

- Mày không đói à? - ông ta hỏi tôi.

- Không ạ.

- Thế thì đi ngủ đi, và ngủ ngay đi.

Giống như trong đa số nhà nông dân, căn bếp của chúng tôi cũng đồng thời là phòng ngủ.

Tôi vội vàng thay quần áo đi ngủ. Nhưng ngủ được hay không lại là một chuyện khác. Tôi không buồn ngủ!.Người đàn ông ấy là cha tôi! Thế thì tại sao ông đối với tôi nghiệt ngã như thế?

Dán mũi vào tường tôi cố xua đuổi những ý nghĩ trên mà không được.

Sau một lúc tôi nghe có người đến gần giường tôi.

Nghe tiếng bước chân chậm chạp, kéo lê và nặng nề tôi nhận ra ngay không phải má Barberin.

Một hơi thở nóng hổi lướt trên tóc tôi.

- Mày ngủ chưa? - Một giọng nghèn nghẹn hỏi tôi.

Tôi cẩn thận không trả lời.

- Nó ngủ rồi, má Barberin nói, nó có thói quen nằm xuống là ngủ, ông có thể nói được.

Có lẽ tôi phải nói là tôi chưa ngủ, nhưng tôi không dám.

- Vụ kiện của ông đến đâu rồi? - Má Barberin hỏi.

- Thua rồi! Các quan tòa đều bảo rằng lỗi ở tôi.

Nói đến đây ông đấm một cái xuống bàn.

- Kiện thua, ông nói tiếp, tiền mất, què quặt, đói nghèo. Như thế chưa đủ, về đến đây lại còn thấy một đứa trẻ con nữa. Bà hãy giải thích cho tôi vì sao không làm theo lời tôi bảo?

- Vì tôi không thể làm được. Người ta không thể bỏ một đứa trẻ nuôi bằng chính sữa mình.

- Có phải con bà đâu.

- Cuối cùng tôi cũng muốn làm theo lời ông bảo đấy nhưng đúng lúc ấy thì nó ốm, không phải lúc đem nó đến trại trẻ vô thừa nhận được.

- Thế nó khỏi khi nào?

- Sau trận ốm đó lại đến trận khác, nó ho ghê lắm, thằng bé tội nghiệp, ho đến làm nát lòng người ta ra được. Chẳng phải vì ho mà thằng Nicolas của chúng ta đã chết đấy ư? Tôi tưởng như đem nó lên tỉnh nó cũng sẽ chết như thế.

- Nhưng sau đó?

- Thời gian cứ dần trôi.

- Nó lên mấy rồi?

- Lên tám.

- Thì nó sẽ đến nơi nó phải đến vào lúc lên tám.

- A! Jérôme, ông không định làm điều đó đấy chứ?

- Ai ngăn cản được tôi nào?.Có một lúc im lặng và tôi thở được, xúc động làm tôi nghẹn ngào đến tắc thở.

Chẳng mấy chốc má Barberin nói tiếp:

- Paris đã làm ông thay đổi rồi!

- Có lẽ thế. Nhưng có điều chắc chắn là nó đã làm tôi què. Làm sao kiếm sống bây giờ? Ta đâu còn tiền nữa. Chẳng lẽ trong khi mình không có gì ăn lại còn phải nuôi thêm một đứa trẻ không phải con mình?

- Nó là con tôi.

- Chẳng phải con bà cũng như không phải con tôi vậy. Nó không phải một đứa trẻ con nhà nông. Tôi đã nhìn nó trong bữa tối: nó mong manh lắm.

- Đó là một đứa trẻ trung hậu. Sau này nó sẽ làm việc cho chúng ta.

- Nhưng trong khi chờ đợi ta phải làm việc để nuôi nó.

- Nếu cha mẹ nó đòi thì sao?

- Nếu thế hẳn họ đã đi tìm nó. Có lẽ họ đã chết.

- Nhưng họ còn sống thì sao? Một ngày kia họ đến hỏi ta thì sao?

- Ta đưa họ đến trại trẻ chứ sao? Thôi tôi đến chào Francois đây.

Cửa ra vào mở ra rồi đóng lại. ông ta đi mất.

Thế là tôi nhỏm dậy, gọi má Barberin.

Má chạy đến chân giường tôi.

- Má không để con đi đến trại trẻ vô thừa nhận chứ?

- Không, bé Rémi của má ạ.

Và má ôm hôn tôi, ghì chặt lấy tôi trong hai cánh tay.

Sự âu yếm của má làm tôi can đảm lên.

- Thế ra con đã nghe thấy hết những điều Jérôme nói rồi ư?

- Vâng, má không phải má con, ông ấy không phải cha con.

Tôi không nói hai câu trên bằng cùng một giọng, bởi vì nếu như tôi khổ tâm biết má không phải mẹ tôi, tôi lại mừng vì biết ông ta không phải cha tôi.

- Có lẽ má nên cho con biết sự thật thì hơn.

- Má Barberin nói. Không ai biết mẹ con là ai cả. Bà còn sống hay không cũng không ai biết.

Một buổi sáng ở Paris trên đường đi làm Jérôme.qua đại lộ Breteuil và nghe thấy tiếng trẻ con khóc. Tiếng khóc như vẳng ra từ một khe cửa vườn. Lúc đó vào tháng hai. ông lại gần và thấy một em bé nằm trên ngưỡng cửa. Jérôme rất lúng túng bèn bế bé đến sở cảnh sát. ở sở cảnh sát người ta mở tã lót bé ra trước lửa sưởi. Đó là một em bé khoảng năm sáu tháng, tã lót chứng tỏ em là con nhà giàu có. ông cảnh sát giải thích có lẽ bé bị người ta ăn cắp rồi bỏ đấy. ông cũng nói sẽ gửi bé đến trại trẻ nhặt được nếu không ai nhận trông nom bé. Cha mẹ em bé thế nào cũng đi tìm, có người trông nom bé thì họ sẽ trọng thưởng. Jérôme bèn nói muốn nhận trông nom bé, họ trao bé cho ông. Má cũng có một đứa con trai bằng tuổi ấy. Thế là má trở thành mẹ con. Con má chết, má càng gắn bó với con hơn. Má quên hẳn con không phải con ruột của má. Không may Jérôme không quên. Ba tháng sau thấy cha mẹ con không tìm con, ông đã muốn đem con vào trại trẻ.

- ôi! Đừng vào trại trẻ! - Tôi kêu lên.

- Con sẽ không đi trại trẻ. Jérôme không phải người ác, chỉ tại buồn phiền nghèo khó làm ông ta đâm ra như thế mà thôi. Chúng ta sẽ làm việc, cả con cũng sẽ làm việc.

- Vâng, má muốn gì con làm nấy. Miễn là đừng vào trại trẻ.

Sau khi ôm hôn tôi má quay mặt tôi vào tường. Tôi muốn ngủ nhưng vì quá xao động nên không sao ngủ được.

Tôi không muốn đi trại trẻ... Tôi sợ ông Barberin... Cuối cùng thì tôi cũng ngủ được và ngủ suốt đêm. Sáng hôm sau động tác đầu tiên của tôi là nhìn quanh để biết chắc chắn là họ không đem tôi đi.

Suốt buổi sáng Barberin không nói gì với tôi cả và tôi bắt đầu tin rằng ông ta đã quên kế hoạch của mình.

Đến giữa trưa thì ông ta bảo tôi đội mũ đi theo ông.

Tôi sợ quá đưa mắt về phía má Barberin. Má trộm lấy tay ra hiệu bảo tôi cứ yên tâm.

Thế là tôi lên đường.

Từ nhà tôi đến làng khá xa, đi bộ phải mất hàng tiếng đồng hồ. Suốt trong tiếng đồng hồ đó Barberin không hề nói với tôi một lần nào.

Ông ta đi trước, khập khà khập khiễng, thỉnh thoảng lại quay lại nhìn xem tôi có đi theo không..ạng ta đưa tôi đi đâu? Câu hỏi này làm tôi lo lắng, tôi nghĩ đến bỏ trốn.

Với mục đích đó tôi cố chần chừ lại sau.

Tôi định khi nào ở xa ông ta tôi sẽ nhảy xuống hố, ông ta sẽ chịu không tóm được tôi.

Đầu tiên ông ta bằng lòng bảo tôi đi đằng sau, nhưng chẳng mấy chốc ông đoán ra ý định của tôi nên nắm lấy cổ tay tôi.

Cứ thế chúng tôi đi vào làng.

Khi đi qua quán cà-phê, có người gọi Barberin và mời ông ta vào. Barberin nắm tai tôi, đẩy tôi đi trước, và khi chúng tôi đã vào trong quán, ông đóng cửa lại. Trong khi ông ngồi ở một chiếc bàn với ông chủ quán cà phê, tôi tới ngồi bên lò sưởi.

ở góc đối diện nơi tôi ngồi có một cụ già cao lớn râu bạc trắng, mặc một bộ quần áo rất kỳ quặc. Bên cạnh cụ có ba con chó: một con chó bông trắng, một con chó bác-be đen và một con chó cái con nom vừa ranh ma vừa dịu dàng.

Trong khi tôi ngắm cụ già, Barberin thì thầm chuyện trò với ông chủ quán. ông ta bảo ông chủ quán là chúng tôi từ làng lên tìm ông xã trưởng để nhờ ông này yêu cầu trại trẻ trả cho ông ta tiền trợ cấp nuôi tôi.

Đó là điều má Barberin yêu cầu được ông chồng đây...

Cụ già cũng nghe tuy làm ra vẻ không nghe thấy gì. Bỗng nhiên cụ chỉ tay về phía tôi và hỏi Barberin:

- Thằng bé này làm ông vướng víu ư? Và ông tưởng rằng chính quyền sẽ trả cho ông tiền trợ cấp ư?

- Chứ còn gì nữa! Nó không có cha mẹ, tôi nuôi nó, vậy phải có người chi tiền cho nó chứ?

- Tôi không bảo là không nhưng tôi tin là ông không đạt được điều ông yêu cầu.

- Thế thì nó sẽ vào trại trẻ, chẳng có luật nào bắt nó phải ở trong nhà tôi cả.

- Ngày xưa ông đã bằng lòng nhận nó về, có nghĩa đã cam kết giữ nó.

- Tôi không giữ nó nữa.

- Có lẽ có thể có cách giũ nó ra được, mà biết đâu còn kiếm chác được chút gì nữa đấy ông ạ. - Cụ già nói sau một lát suy nghĩ.

Rời chiếc ghế dựa của mình cụ tới ngồi trước mặt Barberin..- Để tôi nhận nó, cụ nói, tôi thuê nó. Mỗi năm tôi trả ông hai mươi phrăng. Giá cao đấy và tôi trả trước.

- Nếu tôi giữ nó, trại trẻ có thể trả tôi mỗi tháng hơn mười phrăng.

- Thế nếu trại trẻ đáng lẽ để ông giữ lại đem nó cho người khác thì sao, thế là ông chẳng được gì hết, trong khi với tôi ông chỉ việc đưa tay ra.

Cụ già lục túi lấy ra một túi tiền bằng da lấy ra bốn đồng bạc bày lên bàn và làm chúng kêu lanh canh.

- Cụ thử nghĩ xem, Barberin kêu lên, một ngày nào đó đứa bé tất phải có cha mẹ! Lúc đó ai nuôi nó hẳn sẽ có lời. Nếu không tính đến chuyện đó hà tất tôi đã nhận trông nom nó.

Câu nói của Barberin làm tôi ghét ông ta thêm chút nữa.

- Thì chính vì ông không trông mong gì ở cha mẹ nó, cụ già nói, nên ông mới đuổi nó.

Cụ ranh mãnh nhìn Barberin.

- Đứa bé này sẽ đi cùng với tôi, cụ nói, tôi già rồi, sau một ngày mệt nhọc, thời tiết xấu, tôi thường có những ý nghĩ u ám, nó sẽ làm tôi vui lên. Nó sẽ tham gia gánh hát của xi-nho Vitalis.

- Gánh hát của cụ ở đâu?

- Xi-nho Vitalis là tôi, còn gánh hát, đây.

Nói rồi cụ mở áo măng-tô lấy ra một con vật kỳ lạ đang áp người vào ngực cụ.

Tôi không biết gọi con vật kỳ quái này là gì vì đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy nó.

- A! Con khỉ xấu xí! - Barberin kêu.

Tiếng đó làm tôi hết ngạc nhiên bởi vì tuy chưa nhìn thấy con khỉ bao giờ ít nhất tôi cũng đã nghe nói tới.

- Đây là ngài Joli - Coeur. Bạn ơi hãy chào đi nào.

Joli - Coeur đưa bàn tay khép chặt lên môi và gửi chúng tôi một cái hôn.

- Bây giờ, - vừa nói cụ Vitalis vừa đưa tay về phía con chó bông trắng, - ông Capi đây sẽ hân hạnh giới thiệu các bạn ông với cử tọa kính mến.

Nghe lệnh, con chó bông đứng ngay dậy, bằng hai chân sau, khoanh hai chân trước lại trước ngực, cúi chào chủ mình thật thấp. Hai con chó kia, nhìn chăm chăm vào Capi cũng lập tức đứng lên, mỗi con giơ một chân ra trước tựa như đưa tay cho người ta bắt, bước sáu bước ra trước rồi lùi ba bước ra sau, cúi chào.

- Capi, cho ta biết mấy giờ rồi.

Capi không khoanh tay nữa, lại gần chủ vạch áo măng-tô lục trong túi áo gi-lê lôi ra một cái đồng hồ quả quýt, nhìn vào mặt đồng hồ rồi sủa lên hai tiếng to sau đó đến ba tiếng nhỏ hơn.

Quả lúc đó là hai giờ ba khắc.

- Tốt. Bây giờ đề nghị con mời nàng Dolce ra nhảy cho chúng ta xem nào.

Capi lập tức lục túi áo vét của chủ lôi ra một đoạn dây thừng. Nó ra hiệu cho Zerbino, con chó bác-be nhỏ, thế là con này ra đứng ngay trước mặt Capi. Capi bèn ném cho nó một đầu dây và hai con bắt đầu quay dây. Dolce lao vào vòng quay vừa nhảy vừa nhìn chủ.

Rõ ràng là học trò cụ Vitalis thật nực cười và cứ đi chơi suốt như thế hẳn phải thú vị, nhưng nếu đi theo họ tôi phải xa má Barberin.

- Bây giờ, cụ Vitalis nói tiếp, trở lại công việc của chúng ta. Tôi trả ông ba mươi phrăng.

- Bốn mươi.

Bắt đầu bàn bạc. Cụ Vitalis ngắt lời:

- Thằng bé ngồi đây chắc chán lắm, cho nó đi ra ngoài sân chơi đi.

Đồng thời cụ làm hiệu cho Barberin.

- Phải đấy, ông này nói, ra sân chơi đi bao giờ tao gọi hãy vào.

Tôi đi ra sân, ngồi trên một tảng đá suy nghĩ. Số phận tôi đang được quyết định đây.

Lạnh và lo lắng làm tôi run lên cầm cập. Cuộc bàn bạc kéo dài khá lâu. Cuối cùng tôi trông thấy mỗi một mình Barberin. ông ta ra tìm tôi để giao cho cụ Vitalis chắc?

- Nào, đi về nhà nào. - ông ta nói.

Về nhà ư? Không phải xa má Barberin ư?

Tôi muốn hỏi nhưng không dám.

- Mười phút trước khi tới nhà, Barberin dừng lại:

- Mày mà kể lại một lời nào mày nghe thấy, ông ta vừa nói vừa véo mạnh tai tôi, thì mày sẽ phải trả giá đắt đấy. Liệu hồn!.

Truyện Chữ Hay