Tối hôm sau, Trì Cách có việc phải ra ngoài.
Anh mặc áo sơ mi đơn giản, đeo cà vạt đen lên rồi giao cho Khương Lâm Tình: “Ngoài em ra thì không có ai giúp anh thắt cà vạt nữa đâu.”
Là vì anh không muốn để người khác làm việc này. Cho dù là cô thì lúc trước anh vẫn có cảm giác hơi cứng nhắc, giờ thì quen rồi nên có thể thoải mái thả lỏng, để cô tùy ý giúp mình thắt.
Cô ngước mắt lên, tình cờ trông thấy vết thương trên cổ anh.
Trì Cách đưa tay lên, tự mình sờ vào vết sẹo.
“Đừng sợ, có em ở đây rồi.” Cô hôn anh.
Anh hôn đáp lại cô: “Anh đi nhé.” Sau đó lấy áo khoác rời đi.
Khương Lâm Tình không gặng hỏi xem anh đi đâu.
Trì Cách cũng không nói.
Anh ghé vào cửa hàng tiện lợi mua một gói thuốc lá, lúc đi ra không biết nghĩ gì mà lại quay lại lấy thêm một thanh kẹo cao su nữa.
Trì Cách đeo khẩu trang, đội mũ rồi lên xe, phóng vút đi.
*
Đổng Thiên Diệp đang đứng đợi xe.
Ông ta mặc áo khoác dài, ống tay được gấp gọn lên, để lộ ra chiếc đồng hồ đắt tiền trên cổ tay. Ông ta giơ nó lên nhìn, đã đến giờ hẹn của hai người.
Tối đến, xe bật đèn sáng trưng, giúp cho Đổng Thiên Diệp có thể thấy rõ được biển số.
Chiếc xe dừng lại, một thanh niên dáng vẻ gầy mảnh bước xuống: “Là thầy Đổng đúng không ạ?”
Đổng Thiên Diệp: “Đúng vậy.”
“Ngài Khương đã đặt nhà hàng rồi, mời ông qua đó để vừa dùng bữa vừa bàn chuyện cho tiện ạ.” Anh ta mở cửa ghế sau.
Đổng Thiên Diệp vén vạt áo, ngồi vào xe.
Ông ta thấy người kia đeo khẩu trang và đội mũ thì cũng không hỏi nhiều.
Người kia lên tiếng trước: “Thầy Đổng, thật ngại quá, vì hôm nay tôi hơi cảm cúm.”
“Ồ, không sao đâu.” Đổng Thiên Diệp không mấy để ý mà nhìn ra ngoài cửa sổ.
Nhạc du dương vang lên êm tai, tốc độ xe vừa phải. Đổng Thiên Diệp là một người bận rộn, sau khi ông ta nhận điện thoại không lâu thì thấy chiếc xe tiến vào trạm xăng.
Người thanh niên ở ghế lái lên tiếng: “Ngại quá thầy Đổng.”
Đổng Thiên Diệp nói với người ở đầu dây bên kia: “Vào trạm xăng rồi, có gì để sau nói tiếp.”
Người thanh niên hạ cửa kính xe, tắt máy: “Để tôi xuống đổ xăng, ông đợi chút.”
Đổng Thiên Diệp không xuống cùng, ông ta nhìn ra ngoài cửa sổ, sau đó lại giơ đồng hồ ra nhìn giờ. Bình thường xe đón khách sẽ phải đổ thật đầy xăng rồi mới tới, trợ lý của ông Khương này làm ăn không ra gì cả.
Nhưng Đổng Thiên Diệp không phải chờ lâu, chỉ một lát sau thanh niên đeo khẩu trang, đội mũ đen lên xe.
Xe vừa rời trạm xăng, Đổng Thiên Diệp lại tiếp tục cuộc gọi hồi nãy.
Hoàng hôn buông xuống, sắc trời dần tối. Sau khi nói chuyện điện thoại xong thì Đổng Thiên Diệp mới phát hiện ra, trên con đường này chẳng có mấy chiếc xe.
Tốc độ xe bây giờ rất nhanh.
Nếu chạy trong thành phố vào giờ cao điểm như bây giờ thì không thể chạy với tốc độ như vậy được.
Đổng Thiên Diệp trầm mặt: “Rốt cuộc là ông Khương hẹn gặp ở đâu? Cậu đang đưa tôi đi đâu vậy hả?” Người kia lên tiếng đáp lại: “Chỉ còn một đoạn nữa là đến rồi.”
Có thể là vì bị cảm nên Đổng Thiên Diệp thấy giọng của thanh niên khá đặc.
Ngoài cửa sổ là khung cảnh hoang vu, không có lấy một nhà hàng hay khách sạn nào. Bên trái là rừng sâu, bên phải thì trống vắng như đồng hoang. Cho dù Đổng Thiên Diệp có lạc quan tới đâu thì cũng đã phát hiện ra là có vấn đề, ông ta muốn gọi cho Chu Tục.
Nhưng điện thoại khi nãy vốn vẫn gọi đi bình thường, bây giờ lại báo là không có tín hiệu.
Đổng Thiên Diệp đi đâu cũng được xem như thượng khách, không chịu nổi tình huống này nên lên tiếng: “Cậu đang làm trò gì vậy hả? Tôi cũng không phải gái trẻ gì, chẳng lẽ cậu còn định đưa tôi đến chỗ hoang vu để giở trò xấu xa đồi bại à?”
Thanh niên kia cười đáp: “Ông cảm thấy chỉ có gái trẻ mới bị cướp thôi sao? Chẳng nhẽ thầy Đổng đây không có mối bận tâm gì hay sao?”
Đổng Thiên Diệp cười lạnh: “Tôi đây thì có gì mà phải bận tâm chứ?”
Chàng thanh niên đáp: “Tôi nghe nói, ông có rất nhiều tranh của “Tam Thủy Dã” nhỉ?”
Đổng Thiên Diệp: “Đúng vậy, bức mà ông Khương chọn cũng nằm trong số đó.”
“Ồ.” Người thanh niên đáp lại một tiếng như vậy rồi không nói thêm gì nữa.
Đổng Thiên Diệp chờ, chờ tới hơn một phút đồng hồ nhưng vẫn thấy anh ta im lặng.
Ông ta đưa tay muốn mở cửa xe nhưng tất cả cửa đều đã bị khóa. Đổng Thiên Diệp không khỏi tức giận: “Cậu là ai vậy hả? Tôi muốn nói chuyện với ông Khương!”
Thanh niên kia đột nhiên xoay vô lăng sang phải.
Đổng Thiên Diệp: “Có nghe thấy không hả? Tôi muốn được nói chuyện với ông Khương!”
“Ngài Khương đang đợi ông ở đằng trước.” Thanh niên cười đáp.
Đằng trước không có gì khác ngoài đèn đường, thậm chí còn không có một chiếc ô tô nào đang chạy tới.
Ở vùng hoang vu, sắc hoàng hôn dần trầm xuống. Đổng Thiên Diệp bị nhốt trong xe, điện thoại không thể bắt được tín hiệu, gọi trời trời không thấu, gọi đất đất không hay.
Bạn đang đọc bản chuyển ngữ thuộc về
Đổng Thiên Diệp không ngờ tới, người được Chu Tục giới thiệu lại không đáng tin như vậy. Ông ta hỏi: “Chàng trai trẻ, ông Khương có nói với cậu là mời tôi tới bàn chuyện gì không?”
Thanh niên trả lời: “Ngài Khương tới vì bức tranh nên chắc chắn là ông ấy muốn nói chuyện về nó thôi.”
Anh ta đội mũ lưỡi trai đen, đeo khẩu trang, cả người dần chìm vào ánh chiều đang buông xuống.
Đổng Thiên Diệp: “Chẳng nhẽ ông Khương vì không trả nổi giá đó nên muốn cướp à?”
Nam thanh niên cười khẽ. Anh nghe ra rất rõ giọng điệu khinh miệt trong câu nói kia.
Đổng Thiên Diệp: “Cậu này, tôi làm ăn có giá cả rõ ràng, nếu ông Khương nhà cậu thấy giá đó quá cao thì có thể không mua, chứ đừng dùng cái trò bắt cóc này!”
Thanh niên đáp lời: “Ông nặng lời rồi, tôi không hề bắt cóc ông, chúng ta sắp đến nơi rồi.”
Điểm đến mà anh nói là một mảnh đất hoang vắng không có lấy ngọn đèn đường, thậm chí là phải đi đường đất mới tới.
Đổng Thiên Diệp ngồi trong xe bị xóc nảy hai ba lần, nhìn ra ngoài cửa sổ, ông ta đoán đây là một công trường bỏ hoang. Chỗ này không có đèn, cũng không có camera, thích hợp để ném xác.
Chiếc xe dừng lại, người thanh niên để nguyên đèn xe rồi quay đầu lại, tháo mũ ra.
Đổng Thiên Diệp phát hiện, thanh niên này không phải là người mà ông ta gặp lúc mới lên xe, chắc là bọn họ đã tráo đổi cho nhau lúc ở trạm xăng. Nhìn kỹ lại lần nữa, vẻ mặt Đổng Thiên Diệp đột nhiên thay đổi.
Chàng trai trẻ này… rất giống với một người quen cũ của ông ta: “Cậu...cậu là?”
“Quên chưa tự giới thiệu với thầy Đổng, tôi họ Trì, là chữ Trì có ba chấm thủy hợp với Dã”. Trì Cách tháo khẩu trang xuống xong thì cong môi, ý cười thoảng qua như gió xuân.
Đổng Thiên Diệp: “Cậu và Trì Diệp....”
Trì Cách gật đầu: “Tôi là con trai của Trì Diệp. Vậy nên thầy Đổng, ông biết tại sao tôi mời ông đến đây rồi chứ?”
“Thì ra là con trai Trì Diệp!” Thái độ của Đổng Thiên Diệp trở nên hòa ái hơn: “Chú là bạn tốt của ba cháu, lúc cháu còn bé chú đã từng bế cháu rồi đấy!”
Trì Cách: “Thầy Đổng, chúng ta không tới đây để ôn chuyện xưa, tôi muốn lấy lại toàn bộ tác phẩm của ba tôi ngày trước.”
Đổng Thiên Diệp: “Có điều này chắc cháu không biết. Năm đó chú và ba cháu cùng mở một phòng làm việc, hai bên đã thống nhất với nhau là các tác phẩm đều sẽ được đặt dưới tên của văn phòng. Thế nhưng lúc đó ông chủ nhà họ Trì không tán thành để ba cháu theo đuổi con đường nghệ thuật, cũng không thèm đếm xỉa đến những tác phẩm kia nữa. Vậy nên số tranh kia được để lại chỗ chú.”
“Ồ.” Trì Cách hỏi: “Lúc trước thầy Đổng cũng từng vẽ tranh sao?”
“Đúng vậy. Cả chú và bố cháu đều có năng khiếu nghệ thuật. Ba cháu là “Tam Thủy Dã”, còn chú là “Phụng Cao Cư”. Tên của chú là xuất phát từ một câu thơ thời Đường “Thiên diệp phụng cao cư.””
Trì Cách bật cười, như đang nghe được một câu chuyện hài hước. Anh xuống xe, sau đó mở cửa xe ở chỗ Đổng Thiên Diệp: “Hay là ông xuống đây nói chuyện đi, ngồi trên xe có hơi ngột ngạt.”
Bóng của anh đổ lên cửa xe, Đổng Thiên Diệp không xuống xe.
Tri Cách cũng không ép buộc ông ta, anh chống tay lên cửa xe rồi cúi người: “Trong ký ức thời thơ ấu của tôi không có ông, nhưng nếu muốn người khác không biết thì trừ phi mình đừng làm! Đúng là năm đó ba tôi có họa danh, xưng “Tam Thủy Dã”.”
Đổng Thiên Diệp cười ngượng: “Đúng vậy.”
Trì Cách chặn họng ông ta: “Ông ấy còn một bút danh nữa, là “Phụng Cao Cư”. Đây là họa danh mà ông ấy lấy khi đứng trước thách thức cần đổi gió cho phong cách hội họa lúc bấy giờ.”
Sắc mặt Đổng Thiên Diệp tái đi.
“Sau đó, ông dùng tác phẩm của “Phụng Cao Cư”, không ngừng thu về những lời ngợi khen cũng như danh tiếng. Bên cạnh đó cũng thổi phồng các tác phẩm của “Tam Thủy Dã” để kiếm chác không ít.” Trì Cách đứng thẳng người nói: “Thầy Đổng, tôi muốn lấy lại tất cả các tác phẩm của ba tôi, không chỉ là “Tam Thủy Dã” mà còn cả “Phụng Cao Cư” nữa.”
Đổng Thiên Diệp phản bác: “Tiểu Trì, cháu đang vu oan giá họa sao! Trong giới nghệ thuật có ai không biết “Phụng Cao Cư” chính là Đổng Thiên Diệp này chứ! Cháu cố chấp với cái tên của một người đã chết hơn hai mươi năm như vậy thì có công bằng với chú không hả?”
Trì Cách đơ người, lời này của Đổng Thiên Diệp đã chạm phải vết thương cũ trong lòng anh. Trì Cách cắn răng, một tay sờ lên khuy măng sét của mình.
Đổng Thiên Diệp: “Chú và ba cháu là bạn tốt của nhau nên chú không muốn tranh cãi nhiều với con trai của ông ấy. Cháu muốn lấy lại tác phẩm của “Tam Thủy Dã” thì được thôi. Nhưng phòng làm việc ngày ấy giờ đã là công ty lớn, còn có cổ đông khác nữa nên chú không thể tự ý được, chú phải bàn bạc với bọn họ trước, giá cả thì dễ nói chuyện thôi.”
Bạn đang đọc bản chuyển ngữ thuộc về
Trì Cách cố kiềm chế bản thân để không rơi vào hồi ức ngày trước, anh ;ên giọng: “Giá cả sao? Tôi sẽ không trả một xu nào cả. Ba tôi có nói qua, tên “Phụng Cao Cư” là do ông đưa ra, chứng tỏ ngay từ đầu ông đã có tâm tư đó rồi.”
Đổng Thiên Diệp: “Đừng có lý luận suông, có bằng chứng thì hẵng nói!”
“Ở nhà tôi có bút tích của “Phụng Cao Cư”, đã là một họa sĩ thì ở đâu mà chả vẽ được, đâu nhất thiết là phải ở phòng làm việc của ông? Hơn nữa, tôi đây không phải là đang thương lượng với ông!” Vừa nói, Trì Cách vừa lôi người trong xe ra.
Đổng Thiên Diệp thiếu chút nữa đã ngã lăn xuống đất, ông ta cố gắng đứng vững lại.
Trì Cách lấy thuốc lá ra, xé vỏ ngoài đi.
Đổng Thiên Diệp nhân lúc này hét to cứu mạng. Trong đêm đen yên tĩnh, chỉ có thể nghe thấy tiếng thét của ông ta trong gió lạnh.
Trì Cách đốt điếu thuốc, hít sâu một hơi: “Có biết đây là đâu không?”
Đổng Thiên Diệp dẫm trúng hòn đá, suýt chút ngã xuống.
Trì Cách chỉ về phía sau lưng ông ta: “Bên kia là nghĩa trang, ba tôi đang ở đó chờ ông đấy.”
Đổng Thiên Diệp: “Cậu định làm gì hả?”
Trì Cách nở nụ cười: “Ông đoán thử xem?”
“Tôi nói cho cậu biết, giết người là phạm pháp đấy!”
“Tôi cũng nói cho ông biết, tôi là một người có bệnh tâm thần đấy!” Trì Cách ngậm điếu thuốc, đi về phía Đổng Thiên Diệp.
Đổng Thiên Diệp hét lớn: “Nếu như Trì gia để mắt tới tác phẩm của ông ta thì đã sớm tìm đến tôi rồi! Giờ đã qua bao nhiêu năm, cậu còn đến làm gì?”
Bước chân Trì Cách chậm lại: “Nhưng dù sao cũng phải đến.”
“Tiểu Trì” Đổng Thiên Diệp hạ giọng: “Chuyện gì cũng có thể thương lượng được mà!”
Trì Cách tiếp tục tiến lên trước: “Ai là “Tiểu Trì” với ông!”
“Dừng, dừng lại!” Đổng Thiên Diệp vừa nói vừa lui lại: “Tôi có thể trả lại các tác phẩm của “Tam Thủy Dã” cho cậu.”
Trì Cách đi đến trước mặt ông ta: “Cả của “Phụng Cao Cư” nữa.”
““Phụng Cao Cư”.... chúng ta thương lượng lại có được không?”
“Thầy Đổng, tối nay tôi chưa từng thương lượng với ông. Thương lượng qua lại tốn thời gian, chúng ta nhanh chóng giải quyết đi.”
Đổng Thiên Diệp thấy có tia sáng bạc lóe lên.
Không phải do ông ta ảo giác, mà là bây giờ trong tay Trì Cách đã có thêm một con dao.
Đổng Thiên Diệp: “Trên đường tới đây đều có camera theo dõi, cảnh sát có thể điều tra ra là tôi đã lên xe của cậu!”
“Vậy thì sao? Trên xe bỗng xảy ra xung đột, tôi bị mất kiểm soát nên đã lái xe tới vùng đất hoang vu này. Rồi sau đó xảy ra chuyện gì nữa? Với một bệnh nhân tâm thần thì không có gì đúng với sự thật nữa đâu.” Trì Cách tỏ vẻ thản nhiên: “Tôi chỉ muốn lấy lại đồ của Trì gia chúng tôi thôi. Thầy Đổng, ông nhờ vào tác phẩm của ba tôi mà đạt được những thứ như hiện tại, dù cho thân bại danh liệt thì tài sản ông kiếm chác được trong mấy năm nay cũng đủ sống cả nửa đời sau rồi. Tôi không dồn ông vào đường cùng, nhưng nếu ông ép tôi thì tôi cũng không biết mình sẽ làm ra những chuyện gì đâu.”
Đổng Thiên Diệp xuống nước: “Thật sự là cậu chỉ muốn lấy lại các tác phẩm đó thôi sao?”
“Đúng vậy.” Trì Cách gật đầu.
Lưỡi dao đã đến trước mặt, Đổng Thiên Diệp còn có thể nghe được tiếng chim kêu lên ở phía xa xa: “Được, tôi có thể trả lại các tác phẩm của “Tam Thủy Dã” và “Phụng Cao Cư” cho cậu.”
“Nếu như ông không có thì sao?”
“Không có thì tôi cũng phải bó tay chứ sao.”
Trì Cách không dồn ép nữa, anh hỏi: “Nhân tiện, thầy Đổng này, đây có phải là ông đang thừa nhận rằng, cả “Tam Thủy Dã” và “Phụng Cao Cư” đều là Trì Diệp?”
Đổng Thiên Diệp không nói gì.
Trì Cách dí dao vào cằm ông ta.
“Đúng vậy, cả “Tam Thủy Dã” và “Phụng Cao Cư” đều là Trì Diệp.” Sau khi ông ta nói xong, dao đã được thu về.
Đổng Thiên Diệp thấy ánh dao trên tay Trì Cách xoay vài vòng, ông ta chỉ hận sao con dao kia không rơi xuống đi.
Nhưng con dao vẫn nằm chắc trên tay Trì Cách: “Thầy Đổng, nói lời nhớ giữ lấy lời, nếu không, sớm muộn gì lưỡi dao này cũng nằm trong người ông đấy.”
Đổng Thiên Diệp: “...Được.”
“Thôi được, ông có thể đi rồi.”
Đổng Thiên Diệp hỏi lại: “Đi như nào cơ?”
“Chạy bộ về chứ sao nữa.”
Đổng Thiên Diệp không biết đường, thế nhưng ông ta vẫn xoay người chạy thục mạng.
Trì Cách nghe lại đoạn ghi âm vài lần, lặp đi lặp lại câu nói: “Cả “Tam Thủy Dã” và “Phụng Cao Cư” đều là Trì Diệp.”
Trì Cách dập tắt điếu thuốc, quay vào xe.
Cửa xe được mở rộng, anh lấy kẹo cao su ra rồi bắt đầu nhai.
Bởi vì anh không thể thoát khỏi ám ảnh về cái chết của ba mẹ, nên người Trì gia đã thu dọn hết đồ đạc của ba mẹ anh đi.
Bọn họ không muốn k1ch thích anh, chỉ là do bản thân anh mãi vẫn không thể thoát khỏi ám ảnh thời thơ ấu mà thôi.
Đổng Thiên Diệp nói không sai, anh đến muộn. Muộn những hai mươi năm.