Hyouka

dù được ban đôi cánh

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

1

Mùa mưa kéo dài đã kết thúc, để lại vỏn vẹn một vệt mây hình cánh hoa tha thẩn giữa trời đêm được chiếu sáng bởi ánh trăng. Khuya thế này nhưng làn gió ùa vào phòng thật ấm áp và long lanh như chào đón mùa hè. Nhận thức được những đôm sáng long lanh từ đằng xa nhưng lúc này đôi tay tôi đang bận rảo trên những phím đàn còn mắt thì lia từng dòng trên bản nhạc

Nhớ như in trong đầu diễn tiến của bài hát, tôi chầm chậm ngân nga theo từng nhịp. Chút ngượng ngùng khi nghĩ đến việc ra âm thanh “là lá la” của mình sẽ vang bao xa trong sự tĩnh lặng này tôi bèn dịu giọng xuống một chút mà, như muốn nuốt trọn bài hát, tiếp tục ngân nga mỗi cái giai điệu đó không biết bao nhiêu lần. Tạm thời hài lòng với cao độ tôi hít một hơi sâu, định bụng sẽ bắt đầu thêm lời vào…

Cùng lúc đó, một âm thanh từ bên kia cánh cửa gọi tên tôi.

“Eru.”

Là ba.

Gần như chưa bao giờ ba đi đến tận phòng để gọi tôi. Là tiếng đàn hay tiếng ngân nga lúc nãy quá ồn ào chăng? Tôi đáp rụt rè:

“Dạ vâng?”

“Theo ta vào phòng thờ.”

Như mọi khi, giọng nói của ba cực kỳ nghiêm trọng nhưng không tỏ ra giận dữ. Tôi nửa nhẹ nhõm nửa lo lắng vì yêu cầu có phần kỳ lạ này. Phòng thờ thường chỉ được dùng vào những lúc đại sự và tôi chẳng nghĩ ra một dịp nào gần đây cả.

“Con đến ngay ạ.”

Âm thanh những bước chân phai nhòa dần. Có lẽ hôm nay tập đến đây thôi. Nghĩ vậy tôi hạ nắp cây đàn organ lại rồi đóng chặt cửa sổ…

Một cảm giác chần chừ ập tới chỉ vừa khi tôi chuẩn bị bước ra khỏi phòng. Ba muốn nói về việc gì đây? Chẳng vì lý do gì nhưng tự dưng tôi lại e sợ.

Hay là quay về tập hát tiếp nhỉ? Suy nghĩ đó chợt thoảng qua đầu.

Dĩ nhiên là không thể! Bình tâm lại, tôi rồi cũng chế ngự được nỗi sợ mà cười vào nó một cái trước khi tắt đèn phòng.

Ngoài cửa sổ, xuyên qua lớp màn nhung chưa rủ xuống là một vệt mây lững lờ trước vầng trăng.

2

Hoàn tất kỳ thi cuối kỳ nghĩa là chỉ còn chờ tới kì nghỉ hè, nên chẳng lạ gì khi ngôi trường Cao trung Kamiyama lúc này tràn ngập trong bầu không khí của mệt mỏi và lười biếng. Phòng học dạy môn Địa Chất cũng không ngoại lệ… mà, tôi đang nói như thể nó vốn không vậy ngay từ đầu ấy. Và cũng đã lâu lắm rồi trước mắt tôi mới có một cảnh tượng như vầy – cả bốn thành viên CLB Cổ Điển đều có mặt trong phòng.

Mỗi người trong chúng tôi tìm cho mình một chỗ trong căn phòng vốn đủ lớn để nhét cả một lớp. Nói vậy nghe có vẻ xa cách chứ thực ra cũng gần như là tụ ở trung tâm.

Chitanda và tôi ngồi đọc trong im lặng. Quyển truyện chữ lần này kể về một ninja, một người công chúa cùng đứa con ngoài giá thú của họ. Toàn bộ cốt truyện là những diễn tiến nhanh và liên tục các sự kiện quan trọng mà chẳng áp dụng bất cứ nghệ thuật dụng từ đặc biệt nào. Mỗi chương chỉ thẳng đuột từ việc nhân vật chính gặp cái này rồi đụng cái kia. Cũng không có lấy một câu chữ hàn lâm – nói chung là rất dễ đọc và cũng quá hợp với cái đầu mới trải qua kỳ thi căng thẳng của tôi.

Không biết Chitanda đang đọc gì nhỉ. Từ xa khó nhìn rõ nên tôi chỉ thấy đó là một cuốn sách khổ lớn với nhiều hình ảnh nên đồ rằng là một cuốn cẩm nang du lịch nào đó… nhưng chẳng màng tới việc hỏi vì xem ra đó không phải cuốn sách thú vị cho lắm. Bằng chứng là nãy giờ Chitanda chỉ dán đôi mắt của nhỏ vào những trang sách một cách lơ đễnh.

Ibara và Satoshi thì đang đưa bút tới lui trên mặt vở mà thủ thỉ với nhau về một người có trời biết… Dừng đọc lại mà nhòm trộm tôi để ý Ibara đang là người dẫn dắt cuộc thảo luận. Với cây bút trong tay và gương mặt lộ vẻ mâu thuẫn, nhỏ rù rì:

“Là cái tay. Vấn đề chắc chắn nằm ở cái tay.”

Satoshi gật đầu đồng tình.

“Ra là vậy, đúng là cái tay há.”

“Người này không thể cử động cánh tay phải… Thực ra, nếu tớ có thể vẽ sao cho trông như đó là một vấn đề tâm lý – kiểu như người này không muốn dùng ấy – thì đó có thể là một chút báo hiệu cho người đọc.”

“Gà bài một chút cho người đọc là một ý tưởng hay.”

Xem ra hai người họ đang phác thảo nội dung của một manga đang sáng tác.

Từ khi rời khỏi Cộng đồng Nghiên cứu Manga, Ibara không còn tỏ ra bất cứ một sự e ngại nào trong việc để người ta biết về sở thích của cô nàng cả. Cũng có thể vì cả Chitanda và tôi đều đã biết nên chẳng việc gì phải giấu giếm hay xấu hổ, hoặc phải chăng việc rời bỏ cái CLB đó đã khiến nhỏ thay đổi?

Chitanda đã được định sẽ kế thừa sự nghiệp của gia đình còn Ibara thì quyết đoán với đam mê của nhỏ, để mặc tôi và Satoshi với nỗi do dự đầy thảm hại. Đúng là một tình huống phiền phức.

… Không, tụi này mới là bình thường, là những học sinh như bao học sinh lớp mười một bình thường khác hoàn toàn chưa chắc chắn về tương lai. Hai nhỏ đó là những người duy nhất đã bước đến giai đoạn chau chuốt cho con đường của mình và đó mới là bất thường.

“Nếu cho thêm một nhân vật hỏi anh ta rằng ‘Tay anh bị sao vậy?’ thì tớ nghĩ vẫn tốt hơn nhưng vấn đề là người đó phải ở một mình torng cảnh này. Tự nhìn tay mình rồi thốt lên một tràng độc thoại tự coi thường bản thân thì nó… kiên cưỡng thế nào ấy… Phải làm sao đây?”

“Một mình à…”

Đến đây Satoshi chợt cười toe toét mà thêm vào:

“Khi ở một mình thì cậu làm gì?”

“Tớ à… ưm…”

Không chút thắc mắc nào, Ibara khoanh tay mà nhìn trân trân lên trần nhà. Một hồi sau nhỏ thốt lên với đôi mắt long lanh.

“Đúng rồi! Hay quá Fuku-chan, chính là vậy! Hóa ra tớ không cần phải nghĩ đến như vậy. Tại sao phải phức tạp hóa một vấn đề đơn giản nhỉ? Tất cả những gì tớ cần làm là cho người đó uống chút cà phê. Anh ta thoạt đầu sẽ cố gắng cầm bằng tay phải, nhưng chuyển cảnh thì sẽ lả tay trái. Đúng vậy, thế là đủ tự nhiên. Chỉ cần thế thôi!”

Khỏi phải hỏi cũng biết tôi hoàn toàn chẳng hiểu mô tê gi, chỉ là hình như Ibara vừa có một sáng kiến. Phác sơ những nét lên trang vở xong, nhỏ đóng lại rồi chốt hạ bằng một tiếng:

“Tốt!”

“Bước đầu thế là xong rồi nhỉ.”

“Gần như là vậy. Dù chưa thể vẽ ngay nhưng tớ đã mường tượng ra sản phẩm cuối cùng sẽ như thế nào rồi.”

“Vậy là quá ngon.”

Khen xong Satoshi cũng bồi thêm vào: “Nhưng lần này ít nhất cũng cho tớ biết cốt truyện nó như thế nào nhé.”

Vậy là hắn nãy giờ đã đưa ra hết đề xuất này đến gợi ý khác mà thoạt nhiên không biết đầu đuôi câu truyện là gì sao? Nên thất vọng hay cực kỳ ngưỡng mộ đây không biết.

Có lẽ nhẹ nhõm vì đã vượt qua một trở ngại, Ibara nói với âm điệu ít nhiệt tình hơn hồi nãy:

“Nói về cà phê thì hôm rồi tớ có gặp một chuyện kỳ lạ.”

“Vậy sao?”

“Tớ đến một cửa hàng bán dụng cụ vẽ ở Kiryuu, rồi…”

“Tận Kiryuu á? Sao phải đi xa thế?”

Satoshi là người cắt ngang câu chuyện và tôi liền hiểu vì sao. Kiryuu là vùng cực bắc của thành phố và phải tốn hai mươi phút từ trường cao trung Kamiyama mới tới được. Còn tính từ nhà Ibara thì tệ nhất phải cả tiếng. Gần đây đâu phải là không có tiệm bán đồ vẽ nhỉ?

Nhỏ tỏ vẻ không vui mà đáp:

“Chịu thôi. Vấn đề là… chỉ có nơi đó mới bán loại tone khá là xưa đó thôi. Dù không dùng nhiều nhưng cũng nên có chút phòng khi cần.”

“Ra vậy.”

“Tone” là cái quái gì nhỉ? Chỉ đoán được đó là một thứ cần có để vẽ manga. Hứng thú tự dưng không còn nữa tôi bèn quay lại cuốn truyện chữ và liếc qua cái đồng hồ bấy giờ đã chỉ năm giờ. Bắt đầu từ lúc này thì khó mà đọc xong hết một chương mới trước khi trường đóng cổng. Về nhà rồi tiếp vậy, nghĩ bụng tôi đóng quyển truyện lại. Nhận ra điều đó Ibara quay về phía tôi.

“Oreki, ông cũng nghe nhé.”

“Thì đang nghe đây.”

“Thế à? Ừ thì, sau khi mua đồ xong tớ thấy khát khô nên quyết định ghé vào quán cà phê gần đó… xem như thư giãn chút vì dù sao cũng thi xong rồi. Nghe đồn nơi đó bán cà phê ngon nên tớ cũng thử và, nói sao nhỉ, vị cùa nó rất kỳ. Chẳng hiểu tại sao nữa.”

“Tớ đang tưởng tượng cậu đang ngồi với một tách cà phê trong cái quán đó. Y xì Houtarou.” Satoshi nói mà gắng nhịn cười.

Phồng má lên, Ibara chống chế: “Là tham khảo, chỉ là tham khảo xem quán đó có ngon không mà thôi! Nè, ý tưởng lúc nãy cũng từ đó mà ra chứ bộ.”

“Biết mà biết mà. Rồi… thế cái vị nó kỳ làm sao?”

Như Satoshi đã chỉ ra, tôi có thói quen đi đến những quán cà phê. Không đến mức nhận ra sự khác biệt nhỏ nhoi giữa các loại cà phê khác nhau nhưng ít ra tôi cũng biết thế nào là ngon và thế nào là dở. Nói chung là cả đời này tôi chẳng thể tưởng tượng ra cà phê mà “vị kỳ”.

Vội vẫy tay qua lại trước mặt, Ibara đính chính:

“À, thực ra khi nói kỳ thì ý tớ là ở đường.”

Tôi ngày càng thấy khó hiểu. Đường thì ngọt và cái chân lý ấy chả bao giờ thay đổi. Dường như Satoshi cũng vậy. Đơ một hồi, hắn phá ra cười mà nói:

“Tớ hiểu rồi. Nó chua phải không?”

“… Fuku-chan, cậu đang nghĩ tớ dở hơi đúng không?”

“Đùa tí thôi mà.”

Trừng mắt nhìn cái cười vô tư lự của Satoshi một lúc, rồi Ibara thở dài mà nói: “Không phải. Nó ngọt.”

“Ngọt thì không phải là bình thường sao?” Satoshi và tôi lên tiếng cùng một lúc.

Ngay lập tức Ibara dộng tay xuống bàn cái rầm một cái.

“Tớ nói ra ở đây là vì nó không bình thường!”

Vâng, thưa quý cô.

Nhìn cho tới khi chắc rằng hai cái mồm của tụi tôi không thể mở ra được nữa, Ibara tiếp tục: “Không chỉ là ngọt, mà nó cực kỳ ngọt. Trừ cái thứ cà phê đóng lon thì không gì có độ ngọt kinh khủng như vậy nên tớ đã rất ngạc nhiên.”

“Hay là tại cậu lỡ bỏ quá tay?” Tôi hỏi, và có lẽ hối lỗi vì chưa cung cấp đủ thông tin mà Ibara liền gật đầu.

“Kể chi tiết nhé. Đầu tiên tớ gọi một cà phê và một miếng bánh. Đó là bánh vị chanh và nó gần như là không ngọt, theo ý tớ. Người phục vụ đã hỏi rằng có cần sữa và đường không và tớ nói có. Cà phê được mang ra đã có sẵn sữa ở trong cùng hai viên đường đặt lên đĩa. Húp thử một ngụm đầu thì thấy bình thường, vì vậy tớ cho một viên đường vào rồi uống tiếp thì… cơ bản chẳng khác gì nước đường nữa.”

Satoshi gật gù.

“Vậy là đường viên à… Nếu họ đưa cho cậu đường nhuyễn thì còn có thể nghĩ là cậu bỏ quá tay.”

“Vấn đề ở chỗ đó. Một viên đường lại có thể khiến một tách cà phê trở nên ngọt như vậy là rất kỳ lạ. Đã suy nghĩ rất nhiều nhưng tớ vẫn chưa tìm ra điều gì bất thường cả.”

Satoshi khoanh tay lại và nghiêng đầu tỏ vẻ suy tư.

“Hừm… đường siêu ngọt sao…”

“Lạ đúng không?”

“Đúng vậy, nhưng bảo là không có khả năng thì không phải.”

Ibara rướn người lên trước.

“Thật sao?”

Satoshi gật đầu một cách trang trọng rồi nói:

“Có những chất tạo ngọt mà độ ngọt của nó gấp hàng trăm… không, hàng ngàn lần so với đường. Nếu thêm vào cùng lượng như là đường bình thường thì đồ uống của cậu chắc chắn sẽ rất rất ngọt.”

“Hừm…” Ibara tỏ ra không hài lòng lắm mà đáp lại đầy thận trọng:

“Đúng là rất ngọt nhưng, như đã nói, ít ra với tớ nó chưa tới mức không uống được như cà phê lon. Với lại cậu đã từng thấy người ta đóng những chất tạo ngọt như vậy thành viên chưa?”

“Không, chưa từng. Tớ thậm chí còn không tưởng tượng nổi một thứ như thế tồn tại.”

Thế thì đề cập làm cái gì vậy trời.

“Có thể là một loại đường ngọt hơn bình thường nào đó. Ví dụ như, bằng một phương pháp sản xuất khác hay là từ nguồn khác với thứ tụi mình dùng hàng ngày.”

Buông thõng tay, Satoshi quay về phía Chitanda mà hỏi:

“Này, Chitanda-san có ý tưởng gì không?”

“Hở?”

Chitanda, người nãy giờ vẫn chăm chú vào cuốn sách khổ to với đôi mắt đờ đẫn, ngước lên như thể vừa bị Satoshi kéo tuột về hiện tại.

“Vâng, cậu vừa nói gì à?”

Tôi dám chắc rằng âm lượng của cuộc nói chuyện nãy giờ đủ lớn nhưng xem ra nhỏ hoàn toàn không để tâm. Lại cười toe toét, Satoshi đáp: “Mayaka nói rằng cậu ấy đã tới một quán cà phê rồi thế này thế kia và họ có cho cậu ấy vài viên đường. Tụi này đang bàn luận với nhau nguyên do vì sao mà viên đường đó có vẻ ngọt hơn ình thường. Cậu có rành về khoản này không?”

“Ồ, vậy à.”

Chitanda đóng sách lại rồi mỉm cười, nụ cười chợt khiến tôi nhận ra có gì không ổn trong biểu cảm của nhỏ. Nhỏ vốn rất biết giữ ý, chẳng bao giờ cười toe toét, nổi trận lôi đình hay nói cái gì quá đáng. Nhưng dù có bao gồm hết những tính cách trên thì tôi vẫn thấy đó là một cái cười gượng ép, không muốn nói là giả tạo.

Nhỏ từ tốn trả lời: “Xin lỗi, nhưng nhà tớ không trồng mía hay củ cải lấy đường.”

“Vậy à, thế mà tớ cứ nghĩ là cây trồng nào cậu cũng rành rọt ấy.”

Nghe vậy ngay lập tức nhỏ cúi mặt xuống mà thì thầm.

“Tớ không biết thật. Tớ xin lỗi.”

“Ấy đừng! Cáo lỗi, cáo lỗi. Nói vậy đúng là khiếm nhã quá. Chỉ là tớ tự hỏi có loại đường bình thường nào ngọt hơn bình thường hay không thôi… Khó quá nhỉ, nhưng tớ lại rất hiếu kỳ.”

“Ừm, khó quá.”

Với cách trả lời như vậy tôi cũng chẳng biết nhỏ có thực sự tham gia vào cuộc bàn luận hay là đang nghĩ gì khác.

Ibara nhìn tôi trân trân. Nếu phải đoán thì có lẽ ánh mắt nhỏ như muốn nói “Chi-chan hôm nay sao kỳ vậy nhỉ? Ông có biết gì không?” Tôi chỉ biết lắc đầu thay cho lời đáp “Hoàn toàn không”.

Cuộc đối thoại không lời giữa chúng tôi vô tình tạo ra một khoảng lặng. Như muốn cứu vãn tình hình, Satoshi quay sang tôi mà hỏi:

“Houtarou nghĩ thế nào? Cậu có tin một loại đường như vậy tôn tại không?”

Nghe nãy giờ thì thực ra cũng có một ý tưởng. Tôi nghĩ bụng rằng chẳng cần thiết phải nói ra khi chưa bị hỏi tới, nhưng giờ bị rồi thì không cần giấu làm gì.

“Tớ không nghĩ chuyện này khó giải thích như các cậu làm nó thành như vậy.”

“Ồ, thật sao!” Satoshi đầy sửng sốt.

Ngược lại đôi mắt của Ibara sáng lên thấy rõ.

“Ý ông là sao? Nãy giờ ông có nghe không đấy? Tôi chả thấy điều gì bất thường ở cái viên đường đó cả.”

“Vậy thì có lẽ nó chỉ là một viên đường bình thường.”

“Hay ý ông là vị giác của tôi có vấn đề?”

“Và cậu chắc chắn sẽ phản đối.” Tôi gãi đầu rồi tiếp tục: “Nãy cậu đã mô tả rồi đúng không? Cái cách mà ly cà phê được phục vụ ấy.”

Satoshi chen vào ngay: “Trên đĩa có hai viên đường.”

“Đúng thế, nhưng tớ không nói về những viên đường.”

Cả Ibara và Satoshi đều im lặng với vẻ mặt lộ rõ sự bối rối. Khóe mắt tôi hướng về Chitanda, và dù trông như chăm chú nghe cặp mắt nhỏ vẫn dán vào một điểm vô định nào đó như thể không nhận ra là tôi đang nói.

“Ibara. Khi cậu gọi cà phê thì người phục vụ đã nói gì?”

“Tôi đã kể rồi mà. Họ hỏi có cần đường và sữa không.”

“Đó thực sự là những lời họ nói, đúng-từng-chữ sao?”

Ibara cúi mặt xuống như muốn lục lại trí nhớ. Nhỏ lắc đầu: “Tôi không nhớ rõ lắm.”

“Ờ thì hỏi vậy có hơi quá đáng. Xin lỗi nhé. Thực ra người ta quên những chuyện như thế cũng bình thường, và tớ chỉ nghĩ họ có thể đã hỏi là: ‘Quý khách có cần thêm đường và sữa không?’ “

Nhỏ gật đầu.

“Nhưng tôi đã thử một ngụm và vì cảm thấy quá đắng nên mới bỏ viên đường vào. Như cậu nói thì trong tách cà phê đã phải có sẵn đường nhưng rõ là không phải thế.”

“Đúng, cậu sẽ nghĩ vậy. Cơ mà, sau khi bỏ viên đường vào thì cậu làm gì?”

“Uống nó.”

“Không, ý tớ là trước đó.”

“Thì có ăn một miếng bánh, nhưng…”

“Không có đả động gì tới cái bánh hết.”

Chitanda, người nãy giờ chỉ nghe trong im lặng cuối cùng cũng chủ động lên tiếng:

“Ưm… có lẽ ý của Oreki-san là cậu đã khuấy ly cà phê lên.”

Nghe vậy Satoshi chợt thốt lên: “Ôi, đúng rồi!” Đoạn hắn quay sang Ibara mà tiếp tục đầy phấn khởi: “Đúng thế. Tách cà phê của Mayaka vốn đã được bỏ đường, nhưng vấn đề là nó bị chìm xuống đáy tách nên ở ngụm đầu tiên cậu đã không thấy ngọt. Cho đến khi thêm viên đường ở ngoài vào và khuấy lên…”

Ibara lúc này đã nhận ra.

“Tớ hiểu rồi. Việc đó tương đương với bỏ hai đường vào cùng một lúc.”

“Rất có khả năng là như thế.”

Nói xong Satoshi gật đầu đầy mãn nguyện. Hắn quay sang tôi và cười.

“Phải nói điều này không biết bao nhiều lần, nhưng cậu đúng là kiểu thám tử ngồi ghế bành.” [note3055]

Đâu phải cái gì thiên tài lắm đâu… chẳng qua là lấp vào chỗ sót trong trí nhớ của Ibara mà thôi.

Còn Ibara lúc này lại lưỡng lự đáp: “Ừ… tôi cũng nghĩ là có lý nhưng… nói chung là trí nhớ lờ mờ quá. Tôi nghĩ là mình không thể chắc trăm phần trăm đó là đáp án được. Chắc phải tới lần nữa để kiểm chứng.”

Quán cà phê đó gần nơi Ibara quen mua dụng cụ vẽ nên thích thì nhỏ cứ đi, chứ với lượng thông tin hiện tại thì tôi chỉ nghĩ được thế. Nghĩ đến việc về nhà, tôi định bỏ cuốn truyện vào trong cặp thì Satoshi chợt đề xuất: “Vậy tụi mình cùng đi nhé.”

Tôi bèn chúc hai người họ may mắn trên cuộc hành trình dài cả tiếng ấy…

“Dù gì thì cũng tới lúc nên bắt tay vào tập san cho năm nay rồi mà.” Hắn tiếp tục.

“Ừ nhỉ..”

“Dịp quá tốt đúng không?”

Dù là chuẩn bị cho lễ hội văn hóa thì có cần phải đến một nơi tuốt ngoại thành như vậy không? Ở trường không được à? Cơ mà, đến đó uống cà phê và tiện thể giải quyết luôn cái bí ẩn kia… ừ thì cũng không tệ. Tôi kiềm lại một phản ứng tiêu cực mà chỉ nói:

“Giờ mà đi thì quá trễ.”

Đã năm giờ bốn mươi phút chiều.

“Đúng rồi. Vậy mai nhé…” hắn khựng lại, “thực ra mai tớ bận. Việc bên Hội Học sinh.”

Mai là lễ bế giảng. Hiển nhiên Hội học sinh sẽ không thiếu việc để làm.

“Thế ngày mốt thì sao?”

Mới ngày đầu của kỳ nghỉ hè mà đã làm việc thì chúng tôi thiệt là chăm chỉ. Ibara có vẻ không phản đối. Vừa nghĩ rằng cuộc hẹn coi như được chốt thì Chitanda lên tiếng, giọng lí nhí như thì thầm:

“Xin lỗi, nhưng bữa đó tớ bận rồi.”

Sắc mặt Ibara lập tức thay đổi.

“A, đúng nhỉ! Xin lỗi tớ quên mất.”

Cả tôi lẫn Satoshi đều không hỏi gì. Sự im ắng nặng nề lại lần nữa chiếm lấy căn phòng cho tới khi Ibara tiếp tục.

“Chi-chan phải biểu diễn trong Liên hoan Hợp xướng.”

“Vậy à. Thế cũng không được rồi.”

Satoshi gật gù tỏ vẻ thấu hiểu, để lại mình tôi là chưa kịp hiểu gì. Biết là trường này rất mạnh về hoạt động nghệ thuật với chương trình này liên tiếp lễ hội kia nhưng tôi chưa lần nào nghe đến cái nào là “Liên hoan Hợp xướng”.

“Mới vào hè đã tổ chức rồi à? Trong nhà thi đấu sao?”

Sau câu hỏi tôi liền nhận được hai cái nhìn sắc lạnh.

“Dĩ nhiên là không.”

“Đó là sự kiện toàn thành.”

Hóa ra không phải là của trường. Cũng phải. Có lơi là với mọi sự cuồng nhiệt trong cái khuôn viên này đi nữa thì tôi cũng không tin mình lại bỏ qua một hoạt động lớn. Nhẹ cả người.

“Tên đầy đủ là Liên hoan Hợp xướng Ejima, lấy tên của nhà soạn nhạc nổi tiếng của thành phố Kamiyama là Sandou Ejima. Hằng năm các ban hợp xướng không chỉ nội thành mà ở những thị trấn gần đó cũng tề tựu về đây. Họ hát đủ thể loại và không chỉ những bài hát do Endou sáng tác.”

“Tớ chưa từng nghe tới.”

Có lẽ chủ đề này chỉ mỗi mình Satoshi là chuyên. Ưỡn ngực đầy tự tin, hắn tiếp tục:

“Đó là nhạc sĩ chuyên viết nhạc cho một tạp chí giành cho thiếu nhi thời Đại Chính [note3056] tên là ‘Ngọn nến đỏ’. Ông cùng với Hakushuu Kitahara, Yaso Saijou, và Ujou Noguchi được mệnh danh là ‘Tứ đại thiên vương của dòng nhạc thiếu nhi’ cơ đấy.”

Tôi ngờ rằng cái danh “Tứ đại thiên vương” lại là sự thổi phồng của Satoshi.

“Tôi được Chi-chan rủ nên có tới tập một lần, nhưng vì muốn tập trung vào manga nên…” Giọng điệu Ibara tỏ ra đầy hối lỗi, có lẽ không chỉ nói với tôi mà cũng là giành cho Chitanda – người không đáp lại lời nào. Chắc nhỏ chưa nhận ra ngụ ý của Ibara.

CLB Cổ Điển suy cho cùng cũng chỉ là một hoạt động ngoại khóa của Cao trung Kamiyama, và ngoài điều đó thì không có gì thực sự liên kết chúng tôi cả. Tôi chẳng biết và cũng chẳng nghĩ rằng biết từng chút một những thứ xảy ra ở ngoài trường là quan trọng. Có lẽ vì thế mà suy nghĩ về cảnh Chitanda cùng Ibara hát trong ban hợp xướng làm tôi ít nhiều bất ngờ.

Đan tay phía sau gáy, Satoshi tuyên bố:

“Vậy thì để bữa nào gặp nhau lại rồi quyết định vậy, mà thậm chí gọi điện bàn bạc cũng được.”

Tôi hiểu lời nói này chỉ là che đậy cho việc hắn sẽ cố gắng sắp xếp cho cả bọn. Satoshi là vậy, luôn ôm việc nhiều hơn mọi người và một khi đã làm là không có à ư tại bị gì hết. Tôi thực sự ấn tượng về hắn ở khoản đó.

“Vâng, tớ nghĩ sẽ ổn thôi.”

Lời đáp của Chitanda là tín hiệu cho biêt hôm nay thế là xong chuyện. Ngày mùa hè đúng là dài thật, đã gần sáu giờ mà trời vẫn chưa chuyển tối. Bỏ cuốn truyện vào cặp, tôi đứng dậy mà nói:

“Rồi, vậy tớ đi về đây.”

“Ô-kê, chào nhé.”

Không định nhòm trộm nhưng thời điểm sắp rời khỏi phòng Địa Chất tôi vô tình lướt mắt qua cuốn sách Chitanda đọc nãy giờ. Cũng có thể chỉ là tưởng tượng thôi, vì hình như đó là một cẩm nang hướng nghiệp.

3

Ngày đầu tiên của kỳ nghỉ hè, tôi làm cho mình một tô mỳ lạnh.

Những vầng mây xám xịt lượn lờ trên nền trời như có thể đem đến một cơn mưa bất cứ lúc nào, khiến trời trưa trở lên lạnh lẽo dù đây là mùa hè. Thời tiết thế này khó có thể nói là phù hợp với một tô mỳ lạnh nhưng không còn cách nào khác. Hôm nay là cuối hạn sử dụng của gói mỳ.

Chút dấm, xì dầu, đường, dầu mè và mirin [note3057] được trộn lẫn thành một thứ sốt ăn liền. Bỏ mỳ vào nồi nước sôi, tôi cũng chuẩn bị cà chua, thịt giăm-bông và tráng một lớp trứng ốp-lết mỏng hơi cháy chút vì quên tắt bếp. Cà chua thì cắt miếng còn dăm-bông và trứng được xắt sợi. Mình làm mình ăn thì chả việc gì phải trang trí, thế là tôi chỉ gạn mỳ cho hết nước rồi bỏ lên dĩa cùng với những đồ ăn khác, cuối cùng rưới nước sốt lên rồi kết thúc bằng việc trét tí mù tạt ở cạnh dĩa.

Bê đĩa mỳ ra ngoài phòng khách, thêm đôi đũa và một ly trà lúa mạch là hoàn tất. Cầm đũa trên tay, tôi chuẩn bị được tận hưởng bữa trưa ngon lành của mình thì điện thoại vang lên. Tôi cố ý lờ đi mà nhìn lên chiếc đồng treo tường. Thực ra sự bốc đồng này chỉ là do trời đánh còn tránh bữa ăn nhưng quả thực hai giờ ba mươi đã là trễ hơn một bữa trưa bình thường khá nhiều rồi. Cũng tại phơi đồ lâu quá mà ra nên chẳng thể trách người gọi được. Nhìn vào tô mỳ tôi thầm cảm ơn vì mình đã không chọn món mỳ nước. Đứng lên xoay hông qua lại mấy cái, tôi bước đến điện thoại và nhấc tay nghe.

“Vâng.” Tôi lên tiếng với giọng điệu bực bội mà không ai có quyền bình phẩm.

“Dạ, cháu là Ibara. Bạn Oreki có ở nhà không ạ?”

Rất muốn nói là không nhưng giọng nhỏ dường như nghiêm trọng hơn bình thường. Rõ là không nên đùa.

“Ibara à?”

“Ối, Oreki à. Trời ạ cái giọng trầm lúc này là gì vậy?”

“Đang chuẩn bị ăn trưa.”

“Ồ, xin lỗi nhiều. Nếu làm phiền thì để…”

Ibara mà chủ động gọi thì nghĩa là có chuyện, và tô mỳ lạnh đành phải chờ thêm vậy.

“Không sao. Có chuyện gì à?”

“À thì…”

Do dự, nhưng rồi nhỏ cũng tiếp tục.

“Ông có biết bất kỳ nơi nào mà Chi-chan có thể đang ở đó không?”

Tôi chuyển tai nghe sang tay kia mà nói:

“… Sao lại hỏi tớ?”

Rồi ngay lập tức bị mắng.

“Vì tôi đã gọi cho mọi người khác và ông là người cuối cùng.”

“Thế à.”

Tôi vốn muốn hỏi thêm rằng cụ thể chuyện như thế nào nhưng quyết định bỏ qua một bên. Ibara hình như đang ở thế bị dồn đến chân tường rồi.

“Dự đoán đầu tiên là trường mình.”

“Ừ.”

“Rồi có thư viện thành phố, rồi quán cà phê gần trường Sơ trung Kaburaya ấy – tên gì nhỉ – cái quán từng đi chung với Oohinata ấy. Còn có quán ‘Sandwich Dứa’ nữa nhưng nó dời đi rồi.”

Tôi tiếp tục liệt ra những cái tên mà Chitanda đã từng đến. Trong số đó khả năng cao nhất tôi nghĩ là thư viện. Khó mà tin được nhỏ lại đi uống cà phê một mình.

“Được rồi, cám ơn nhé. Tôi không nghĩ tới thư viện thành phố. Fuku-chan có công tác trên trường nên tôi đã nhờ nhưng cậu ấy bảo là không thấy giày của Chi-chan.”

“… Rốt cuộc là có chuyện gì?” Tôi rồi cũng phải hỏi, đồng thời nhớ lại câu chuyện của hai ngày trước. “Chẳng phải hôm nay là Liên hoan Hợp xướng à? Và Chitanda chưa đến sao?”

“Đúng vậy.”

Xem ra đây là lý do nhỏ tỏ ra vội vã như vậy.

“Cậu ấy sẽ phải lên sân khấu vào lúc sáu giờ nhưng hiện tại thì ở đâu không biết.”

Mọi sức lực như rời khỏi cơ thể tôi sau khi nghe đến cụm từ “sáu giờ”.

“Lỡ cậu ấy còn ngủ thì sao?”

“Cậu ấy khác ông.”

“Đúng là tớ đôi khi có trễ nhưng không bao giờ ngủ quá thời gian chuông báo thức cho phép nhé. Mà thôi, điều đó không quan trọng. Đã vậy thì dời phần chuẩn bị một chút không được à?”

Càng ngày lời nói của Ibara càng tỏ ra mất bình tĩnh.

“Vấn đề không phải chỗ đó. Có một cụ bà nói rằng đã đi chung xe buýt với Chi-chan từ nhà cậu ấy ở Jinde tới tận Nhà văn hóa Thành phố.”

Tôi đoán đó cũng là địa điểm tổ chức nhạc hội. Từ nhà đạp xe tới đó chắc mất tầm mười phút.

“Vậy là cậu ấy biến mất sau khi đã đến Nhà văn hóa, và tôi đoán cậu đã lục soát hết tòa nhà trước khi gọi cho tớ đúng không?”

“Nhiều lần rồi, và hoàn toàn không có chút dấu vết của cậu ấy.”

Tôi lại đổi tai nghe qua tay khác.

“Tớ có nên lo không?”

“Tôi cũng không biết nữa. Vẫn nghĩ rằng cậu ấy sẽ đến kịp giờ nhưng hiện tại người quản lý ban hợp xướng đã bắt đầu lo lắng nên mới nhờ tôi liên lạc khắp nơi.”

“Hỏi thế này thì có hơi trễ, cơ mà tại sao cậu lại đang ở đó?”

“Thì đã bảo từng đến tập chung một buổi còn gì? Hôm nay thi nên tôi cũng muốn đến phụ giúp. Dù gì cũng chỉ có một ngày.”

“Rồi hiểu. Ừ, cơ mà… cậu ấy không có ở đây.”

Tôi chủ định nói đùa để giúp Ibara hạ hỏa một chút, nhưng thay vì vậy chỉ nhận được một phản hồi lạnh tanh.

“Tôi không nghĩ tôi ấy ở nhà cậu.”

“Thế à?”

“… Rồi cám ơn. Tôi cúp máy đây.”

“Ừ.”

Đầu dây bên kia đã cúp. Tôi đặt tai nghe xuống rồi quay lại tô mỳ lạnh. Có hai điểm nổi bật của mỳ lạnh so với mỳ thường: không bị rộp lưỡi và có thể ăn rất nhanh.

Nhà Văn hóa thành phố Kamiyama là một tòa nhà bốn tầng được bao bởi những miếng ghép màu đỏ giả gạch nung. Nhà được phân thành hai khu: một hội trường lớn và một nhỏ nhưng đều mang đến cảm giác sang trọng. Phải tới khi nhìn vào bảng thông tin tôi mới biết hội trường lớn có sức chứa khoảng một ngàn hai trăm mười, gấp ba lần hội trường nhỏ. Một tấm biển đề “Liên hoan Hợp xướng Ejima” đứng dõng dạc trên thềm đá cẩm thạch đen ngay trước lối vào đang tấp nập người qua lại.

Nhạc hội có lẽ đã bắt đầu từ hai giờ. Thực tế rằng phải bốn tiếng sau mới tới lượt Chitanda lên sân khấu là đủ để hiểu cho quy mô và số lượng các đội tham dự, hoặc cũng có thể chiều và tối được phân thành hai phiên cách nhau. Dù sao thì tôi cũng chả biết được nếu không có thông tin.

Tôi bước về quầy tiếp tân mà bắt chuyện một chị mặc đồng phục màu xanh nhạt.

“Dạ…”

Người tiếp tân này, dù nhận ra tôi là học sinh, vẫn giữ thái độ tươi vui và lịch sự nói:

“Vâng. Chị có thể giúp gì cho em?”

Ngay lúc đó tôi chợt nhận ra một thiếu sót. Tôi hoàn toàn không biết mô tê gì, kể cả cái tên của ban tập xướng mà Chitanda tham dự. Lúc nãy chỉ nghĩ đơn giản là tới phòng chờ của ban nhạc và gặp Ibara…

“Này em?” Chị tiếp tân tỏ ra bối rối.

“Ồ, em xin lỗi.”

Mất vài giây để tôi chỉnh lại câu hỏi của mình.

“Chị có thể cho em biết phòng chờ của ban hợp xướng sẽ biểu diễn vào lúc sáu giờ không ạ.”

Nghe đến đây chị cười tươi rồi dò tìm một chút ở mớ giấy tờ trong tay.

“Vào lúc sáu giờ là Ban hợp xướng tổng hợp Kamiyama. Phòng A7, tầng hai đó em.”

Ồ, cái tên đơn giản thật. Cám ơn chị tiếp tân, tôi leo lên tầng hai mà nhanh chóng tìm thấy căn phòng chờ được đánh số A7. Ước đoán dựa trên khoảng cách so với cánh cửa ở phòng bên thì không gian bên trong chắc khoảng hai chục mét vuông. Cửa phòng màu trắng xám và dường như là bằng sắt được dán lên một tờ giấy đề “Ban Hợp xướng Tổng hợp Kamiyama”. Sợ rằng gõ lên cửa sắt sẽ gây tiếng động lớn nên tôi chỉ lẳng lặng mở.

Người đầu tiên trong phòng nhìn tôi với biểu cảm như vừa bị ai tát vào mặt. Đó là Ibara với đôi mắt nở to đầy ngạc nhiên.

“Chào.” Tôi giơ tay lên rồi bước vào, ngay lập tức bị vướng chân vào một cái giá để dù ở sát cạnh cửa. Cái giá có vẻ không chắc chắn ngã cái rầm dù tôi chỉ tác động một lực rất nhỏ. Một cây dù bị văng ra.

”Oái.”

“Làm cái gì vậy trời!”

Thân là người lẽ ra phải dõng dạc tuyên bố “Tiếp viện đến rồi đây!” nhưng chính tôi lại gây lộn xộn ngay ở bước đầu tiên. Một bà cụ đang ngồi ghế thốt lên “Ôi!” rồi đứng dậy, chắc đó là dù của bà.

“Cháu xin lỗi ạ.” Tôi liền dựng lại giá và đặt cây dù trở lại vị trí cũ, rồi lấy từ trong túi một cái khăn mù xoa để lau bàn tay ướt sũng.

“Không đâu, ta mới là người cần xin lỗi.”

Nói xong bà cụ ngồi xuống. Bà mặc áo khoác đầm đều màu đen toát ra một sự trầm buồn, và dáng ngồi thẳng lưng cũng để cho tôi ấn tượng rất mạnh mẽ.

Phòng chờ A7 quả thật cũng chỉ cỡ tôi ước lượng nhưng không gian bên trong lại trơ trọc đến bất ngờ. Ngoài mười cái ghế gấp thì trong phòng chỉ có thêm một cái bàn đơn dựa sát tường – không chút gì hơn. Trên bàn là túi xách các loại cùng lặt vặt đồ cá nhân. Phía tường bên kia hóa ra cũng có thêm những chiếc ghế san sát nhau. Có lẽ vì còn lâu mới tới giờ diễn nên chỉ có Ibara và bà cụ ở trong phòng. Ibara chạy về phía tôi và, có lẽ hối lỗi vì lời bộc phát khi tôi lỡ làm đổ giá dù, nhỏ chỉ nói: “Cám ơn vì ông đã tới.”

Dù đã nói chuyện qua điện thoại nhưng tôi vẫn cảm thấy mình hơi bao đồng. Tại sao phải lao đầu vào một rắc rối không ở trong trường chứ? Nhưng rồi tôi lại nghĩ thể loại người nào mà vô tình đến mức biết bạn bè có chuyện vẫn ung dung mút từng cọng mỳ nào? Thế rồi tôi đã đến đây. Nói là vậy nhưng được Ibara cám ơn khiến tôi thấy kỳ. Tôi tránh ánh nhìn của nhỏ mà nhìn quanh quất căn phòng.

“Chitanda vẫn chưa đến à?”

“Ừ. Cậu ấy lại không có điện thoại mới khổ…”

“Lẽ ra phải đến lúc mấy giờ?” Vừa nói tôi vừa dòm đồng hồ. Gần ba giờ rưỡi.

“Một giờ.”

“Sớm vậy cơ à?”

“Đại diện của các ban phải lên sân khấu khi nhạc hội khai mạc, thế nên Chi-chan phải đến từ lúc đó.”

“Vậy là trễ tiết mục khai mạc rồi, còn diễn thật thì là sáu giờ. Những người khác đâu?”

“Những người cần phải đến sớm thì đã đến rồi, giờ đang ở hội trường để nghe các tiết mục khác. Những thành viên còn lại sẽ đến vào lúc năm giờ.”

Như vậy là tới trước năm giờ việc Chitanda không xuất hiện không có ảnh hưởng nghiêm trọng gì tới ban nhạc. Âu cũng là tin tốt, nhưng việc Chitanda đột nhiên biến mất dù đã tới đây mà không nói với ai xem ra không phải chuyện nhỏ. Có chút lưỡng lự về việc nên nói những điều đang suy nghĩ với Ibara hay không, nhưng nhìn nhỏ có lẽ đã rất rối thế này tôi không thể không hỏi:

“Chúng ta có thực sự cần Chitanda không?”

“Cái gì?”

“Ý tớ là, trong một ban hợp xướng thì rất nhiều người sẽ hát đúng chứ? Dù sẽ không trọn vẹn nhưng thiếu một người cũng đâu ảnh hưởng lắm?”

Ibara lắc đầu, “Không được đâu.”

“Tại sao? Hay là hôm nay có gia đình cậu ấy đến dự?”

“Có thể, nhưng đó cũng không phải vấn đề… Chi-chan có một đoạn phải solo.” [note3058]

Trời ơi. Nghĩ vậy tôi ngước lên trần nhà.

Dù không biết họ sẽ hát bài gì nhưng tôi thừa hiểu người được giao trọng trách solo là ngôi sao của cả ban hợp xướng. Tình thế này khó mà cười được nữa. Ibara có lẽ chỉ lo về sự an toàn của Chitanda, chứ các thành viên còn lại hẳn là lo về việc liệu có thể trình diễn hay không ấy chứ.

Cố xua tan bầu không khí tiêu cực, tôi hỏi thêm một câu.

“Cậu còn thông tin gì về nơi cậu ấy có thể đến không?”

Ibara lấy ra một cuốn sổ nhỏ nằm gọn trong lòng bàn tay. Vừa lướt qua các trang nhỏ vừa nói:

“Juumonji-san báo rằng Chi-chan không đến chỗ cậu ấy. Ngoài trường ra thì cậu ấy còn đề xuất thêm Vườn hoa Lâu đài và tiệm sách Kobundo. Chị Irisu thì thêm vào một cửa tiệm giặt là tên Houki-ya và đền Arekusu.”

Tôi gãi đầu.

“Houki-ya thì không biết nhưng ba nơi còn lại rất xa. Đến đây bằng xe buýt nghĩa là cậu ấy phải đi bộ và những nơi đó đâu phải cứ muốn là đi được?”

“Thực ra nếu muốn cậu ấy hoàn toàn đủ khả năng… nhưng tôi không tưởng tượng ra lý do nào để làm điều đó cả.”

“Nhưng ít ra trạm xe sẽ gần hơn, ý cậu là cậu ấy có thể bắt xe buýt để đi đến những nơi như vậy à?”

“Nhưng tại sao lại làm thế?”

Tôi cũng chẳng hiểu… ý là trên phương diện bình thường. Hẳn là phải có yếu tố nào đó…

“Nè, có khi nào Chitanda muốn đi đâu đó rồi… chỉ là nói thôi nhé, lỡ cậu ấy gặp tai nạn rồi bị thương…”

“Đừng nói gở!”

GIọng Ibara như lạc đi.

“Làm thế quái nào tôi biết được…”

Tôi lại gãi đầu.

Tay nắm của cánh cửa sắt kêu “cách” một tiếng rồi cánh cửa từ từ chuyển động. Ibara và tôi liền hướng mắt theo, nhưng người đang đứng ở lối vào không phải Chitanda mà là một người phụ nữ trông cũng phải bốn mươi. Bà cô khoác áo màu be và trên tóc có đính một trang sức lóng lánh như pha lê, hoặc có thể chỉ là thủy tinh được gia công sắc sảo. Chắc là người trong ban nhạc.

“Cô Danyabashi.” Ibara lên tiếng.

Bà cô tên Danbayashi tiến về chúng tôi với bộ mặt đanh lại mà hỏi:

“Thế nào? Con bé đến chưa?”

“Chưa ạ.”

“Thế à. Không tốt rồi.”

Hàng lông mày bà nhíu lại khi lẩm bẩm những lời đó, rồi nói với Ibara như thể chợt nhận ra tôi.

“Còn đây là…”

“À vâng, đây là Oreki-kun. Tụi cháu chung CLB với nhau. Cậu ấy đến đây để giúp tìm ạ.”

Để Ibara xưng là “Oreki-kun” [note3059] chẳng khiến tôi dễ thở hơn chút nào. Vừa nghĩ đến tôi đã bắt gặp ánh mắt nhỏ.

“Đó là lý do cậu đến đây phải chứ?”

Dĩ nhiên. Chẳng lý gì mới đầu hè mà tôi lại tới đây để nghe nhạc cả. Gật đầu một cái, tôi liền được cô Danbayashi hỏi:

“Cháu có biết gì không?”

Nghệch mặt, tôi đáp: “Dạ không, hiện tại thì không.”

Bà cô buông một cái thở dài như cố tình.

“Thế à…”

Biểu cảm và giọng nói của cô Danbayashi lại lần nữa tràn trề trong nỗi bực dọc.

“Biết là sẽ có áp lực, nhưng nghĩ đến việc con bé thậm chí còn không xuất hiện… Thề có thần linh, thật không thể tin được!”

“Lỡ cậu ấy chỉ cần thời gian để bình tĩnh sao ạ?”

“Nếu vậy phải báo trước với ít nhất một người chứ? Dù có lo lắng cỡ nào thì biến mất mà không nói ai vẫn thật vô trách nhiệm.”

Đến sáu giờ mới biểu diễn thì nửa phần trong tôi nghĩ rằng bà cô này chỉ đang làm quá, nhưng nửa còn lại thấu hiểu rằng việc bực bội khi ngôi sao của ban nhạc lại vắng mặt là bình thường. Tuy nhiên tôi không đồng tình việc nói rằng Chitanda bỏ trốn vì áp lực. Đúng nhỏ không phải thuộc dạng không bao giờ lo lắng, ví dụ như hồi phỏng vấn qua đài phát thanh trường ấy, nhỏ chắc chắn là đã sợ tới đơ người nhưng dù có trong hoàn cảnh như vậy nhỏ vẫn hoàn thành những gì cần hoàn thành. Vì vậy đặc biệt trong dịp này khó mà khiến tôi tin được là nhỏ không chịu nổi. Có thể nhỏ có lý do để chưa đến được và chắc chắn không tầm thường như “áp lực”.

“Có lẽ chúng ta phải gọi về nhà con bé vậy.”

Cô Danbayashi tự thì thầm với mình. Ngay lúc đó bà cụ nãy giờ vẫn an toạ trên chiếc ghế xếp chợt lên tiếng:

“Không cần phải lo, tôi tin rằng cháu nó sẽ đến kịp thôi.”

“Tôi hiểu mà bà Yokote, nhưng tôi phải lo chứ.”

Đáp lại lời của cô Danbayashi, người rõ ràng đã không còn bình tĩnh, bà cụ tên Yokote không một lần tỏ ra nóng vội.

“Có nhiều thứ xảy ra với lớp trẻ – nhiều điều lắm. Cô nên cho cháu nó một tiếng nữa mà đừng la mắng tội nghiệp.”

“Lại nữa… Chẳng phải hồi nãy bà cũng nói lời này sao?”

“Nếu thế thì, tôi cho rằng mình đã nói như vậy.”

Bà cụ Yokote vẫn cực kỳ bình thản, có lẽ điều đó cũng khiến bà cô Danbayashi nhận ra sự nổi nóng của mình mà quay mặt đi.

“… Ừm, vẫn còn chút thời gian. Được rồi, chúng ta đợi thêm vậy.”

Nói xong ngay lập tức bà cô rời khỏi phòng mà không thèm nhìn tôi với Ibara một cái. Nghe tiếng cánh cửa sập vào, tôi lên tiếng hỏi mà tâm trí vẫn còn bần thần.

“Thế… đó là ai vậy?”

“Cô Danbayashi là… nói sao nhỉ, đại thể là… quản lý của ban nhạc.”

“Ý cậu là trưởng ban.”

“Không hẳn là dẫn đoàn lên hát hay hát chính gì cả. Ưm.. nói chung là tự nhận việc phụ trách thôi.”

Tôi nghĩ là mình hiểu. Thi thoảng hay có người như vậy.

“Nãy bả có nói gì đến vụ ‘hồi nãy’. Bộ lúc nào cũng thế à?”

Ibara rầu rĩ trả lời: “Đúng vậy, luôn luôn.”

Tôi liếc qua cụ bà Yokote. Nếu những thành viên khác đã cùng đến hội trường để xem văn nghệ thì hẳn là bà có lý do lưu lại đây mà ngồi một mình thế này. Một suy nghĩ khác thoáng qua đầu khiến tôi quyết định hỏi:

“Nè Ibara, nãy cậu bảo có một cụ bà đã đi chung xe buýt với Chitanda từ Jinde phải không? Là bà ấy à?”

“Đúng vậy. Là bà Yokote.”

Đúng như tôi nghĩ. Cũng khó mà chắc chắn được vì vốn vùng Jinde rất rộng nhưng khả năng cao là bà Yokote này sống gần nhà Chitanda. Họ đã biết nhau từ trước, điều này giải thích được hành động nói đỡ của bà khi nãy.

Có lẽ không chịu nổi việc đứng yên một chỗ, Ibara hướng mắt về phía cánh cửa.

“Tôi sẽ đi tìm xung quanh lần nữa.”

“Tớ cũng sẽ tìm một chút.”

“Cám ơn.”

Rồi nhanh chóng nhỏ bỏ lại tôi và bà Yokote ở lại.

Vì Chitanda chỉ mất tích sau khi đến đây nên bà cụ này hẳn là người cuối cùng để ý tới nhỏ. Cố gắng lùng sục khắp nơi để tìm là tốt nhưng với tình hình hiện tại chẳng có thông tin nào có thể dẫn tới một nơi chốn khả dĩ. Có lẽ nên tận dụng mọi thông tin từ bà Yokote đã.

“Dạ, cháu xin lỗi ạ.” Tôi lên tiếng.

Đặt tay lên đùi, bà khẽ nghiêng đầu tỏ vẻ hiếu kỳ.

“Sao thế cháu?”

“Cháu được biết là bà đã đi cùng xe với Chitanda…-san [note3060] ạ. Cháu đang cần mọi thông tin để tìm cậu ấy. Bà có thể kể cho cháu nghe bất cứ điều kỳ bà đã thấy không ạ?”

“Ôi trời, cháu là…”

Không trả lời câu hỏi, bà chỉ nhìn tôi rồi cười tươi.

“Ta đã nghĩ rằng mình đã gặp cháu ở đâu rồi. Cháu là cậu trai trẻ đã cầm ô cho con gái nhà Chitanda vào lễ hội Búp Bê Sống năm nay phải không? Cháu làm giỏi lắm!”

Ồ, đúng là có dịp như vậy. Bà cụ sống ở Jinde nên đến xem lễ hội cũng là việc dễ hiểu. Có khi thế này lại càng hay.

“Cháu cám ơn bà ạ. Vậy… Chitanda-san thế nào ạ?”

Tôi hỏi với giọng điệu hối thúc. Bà Yokote thì thầm “Xem nào…” rồi suy nghĩ một thoáng, trước khi trả lời chầm chậm từng câu chữ.

“Ta tự đi đến trạm xe buýt ở Jinde. Chitanda-san thả con gái xuống xe rồi mở cửa kính chào cả hai.”

“Chitanda-san” mà bà kể xem ra phải là ba hay mẹ nhỏ, [note3061] nhưng lúc này thông tin đó không quan trọng.

“Tiểu thư nhà Chitanda và ta chào nhau, rồi đứng che dù mà chờ tới khi xe buýt đến.”

Chi tiết thu hút sự chú ý của tôi là việc Chitanda được chở bằng xe. Lại sao lại không đi luôn từ nhà đến đây nhỉ? Ừm, câu trả lời đơn giản có thể là vì chở đến bến thì gần hơn, và người “Chitanda-san” này có chuyện hệ trọng hơn cần làm.

Nếu phải đi tìm thì vẫn còn chút thắc mắc cần được giải đáp.

“Bà có nhớ Chitanda…-san mặc gì không ạ?”

Một lần nữa bà Yokote thì thầm: “Xem nào…”

“Đó là bộ đồ sẽ dùng để lên sân khấu. Áo thun trắng và váy đen. Một đôi giày cũng màu đen… và tất máu trắng. Cô bé còn mang một túi xách màu kem nữa và… ồ, cây dù thì lại là màu đỏ huyết. Một lựa chọn kỳ lạ, ta nghĩ vậy.”

Nếu đó là trang phục trình diễn thì tôi tự hỏi cái áo khoác màu be của bà cô Danbayashi rốt cuộc đóng vai trò gì trong ban, hay là sẽ bị thay ra trước khi bả lên sân khấu nữa. Mà kệ, ngoài hai thứ phụ kiện mang bên mình Chitanda cơ bản là “đơn sắc”. Tìm một người như vậy trong nhà văn hóa lúc này thì hơi khó, nhưng đứng ngoài đường thì nổi lắm.

“Vậy là bà với cậu ấy cùng lên xe buýt ạ?”

“Đúng rồi. Chỉ có hai người chúng ta thôi.”

“Đó là chuyến mấy giờ vậy ạ?”

“Là chuyến một giờ, không di không dịch khắc nào cả.”

“Và xe đến đây lúc mấy giờ ạ.”

“Khoảng một giờ rưỡi.”

Theo như Ibara thì Chitanda lẽ ra phải có mặt lúc một rưỡi, vậy là nhỏ đã lên đúng chuyến xe cần thiết để không bị trễ. Sớm hơn thì phạm vào giờ cơm và cũng chẳng lý do gì phải đi sớm cả. Tôi khâm phục cách bố trí giờ giấc của nhỏ.

“Rồi Chitanda cũng xuống xe tại đây phải không ạ?”

“Đúng thế.” Bà Yokote gật đầu rồi thêm vào: “Hai chúng ta đi cùng nhau tới tận phòng chờ nhưng rồi cô bé đã rời khỏi trước khi ta biết điều đó.”

Dù người đồng hành đã biến mất một cách kỳ bí nhưng bà Yokote vẫn yên vị như thể chỉ là chờ Chitanda quay lại. Tôi không biết tinh thần mạnh mẽ ấy là do đâu. Phải rải qua bao nhiêu mới có thể giữ được sự bình tĩnh trong một tình thế cấp bách như bây giờ.

“Bà có biết Chitanda có thể đã đi đâu không ạ?”

Bà Yokote đáp lại câu hỏi cuối cùng của tôi bằng nụ cười thật thanh bình.

“Ta chắc với cháu rằng cô bé ấy chỉ đang cần một chút khí trời cho qua cơn lo lắng mà thôi. Cháu đừng lo.”

4

Rời khỏi phòng chờ, tôi có thể nghe những âm thanh huyên náo từ lối vào hội trường nơi Ibara đang tìm kiếm lần nữa. Thân là đến đây để “tìm” nhưng quả thật không còn nhiều thời gian. Chitanda có thể đi đâu và vì việc gì nhỉ? Nhìn thấy tôi đang đứng trước cửa phòng chờ, Ibara nheo mày một chút.

“Vẫn còn ở đó à?”

Rồi tiếp tục mà không cho tôi thời gian trả lời.

“Thế cũng tốt. Fuku-chan có gọi báo là cậu ấy chuẩn bị rời khỏi trường rồi hỏi là có cần giúp gì không. Tôi mới bảo là sẽ hỏi cậu rồi nói với cậu ấy sau.”

Quá tốt. Satoshi rất đáng tin cậy trong việc tìm kiếm thông tin.

“Vậy à…”

Nãy chúng tôi có đề cập tới Thư viện Thành phố và Vườn hoa Lâu Đài nên một phương án là nhờ Satoshi kiểm tra một trong hai nơi đó nhưng, thật lòng mà nói, điều đó chả khác nào đánh cược với một khả năng cực kỳ thấp vậy. Đồng hồ đã sắp điểm bốn giờ và chúng tôi nên cảm thấy lo là vừa. Không thể nào lãng phí nguồn nhân lực vào một tối kiến như vậy…

Một suy nghĩ từ nãy giờ vẫn quẩn quanh trong tâm trí tôi. Không dễ để định hình thành lời nói, tuy nhiên ít ra vẫn tốt hơn là bắt thằng bạn chí cốt chạy vòng vòng cả thành phố. Hy vọng quyết định này là sáng suốt.

“Bảo cậu ấy đến nhà ga.”

“Nhà ga Kamiyama à?”

Ibara nói mà như hét lên: “Rồi đến đó thì làm gì?”

Dĩ nhiên không phải bảo hắn đi chơi rồi.

“Không hẳn là nhà ga nữa. Tớ muốn Satoshi đến cái trạm xe buýt nối với nó ấy. Lấy một tấm bản đồ các lộ tuyến cùng thời gian biểu và mang đến đây.”

Ibara mở miệng chực muốn nói điều gì. Hẳn là muốn biết tại sao nhưng nghĩ một hồi nhỏ chỉ đơn giản mím môi một cái.

“Bản đồ lộ tuyến và thời gian biểu. Hiểu rồi.” Nhỏ gật đầu, “Rồi cậu ấy sẽ chuyển cho ông đúng không?”

“Tớ sẽ đợi ở lối vào. Khá đông nhưng chắc sẽ ổn thôi.”

“Được rồi.”

Liền lập tức Ibara rút điện thoại ra và chỉ vài giây sau đã kết nối với Satoshi. Nhỏ nhanh chóng truyền đạt lời nhắn của tôi rồi cúp máy. Vẫn cầm điện thoại trong tay nhỏ nhìn tôi và nói:

“Cậu ấy bảo mười lăm phút sau sẽ tới.”

Dù là đi từ trường Kamiyama thì đến đây cũng mất hơn khoảng đó, và chưa xét tới việc hắn thậm chí sẽ không được như vậy. Satoshi còn phải ghé qua trạm xe để lấy đồ nữa. Có lẽ “mười lăm phút” chỉ là diễn tả việc hắn sẽ gấp gáp thế nào thôi, chứ tôi thì chẳng dám tưởng tượng cảnh Satoshi vì mình mà xui xẻo gặp phải bất trắc trên đường…

“Cậu có thể nhắn tin bảo cậu ấy đừng chạy xe nhanh quá được không?”

“Ừ, ý hay đấy.”

“Giờ cậu sẽ làm gì?”

“Tôi chỉ mới tìm xong nửa khu nên giờ sẽ kiếm nốt nửa còn lại. Nếu cũng không thấy thì ra cái công viên gần đây thử… nói chung đừng lo cho tôi. Cứ làm việc cậu cần làm là được.”

Chẳng còn cách nào khác. Không có điện thoại nên xem ra tôi sẽ khó lòng mà thông báo với nhỏ nếu phát hiện được gì.

“Được rồi. Lát nữa gặp lại.”

Tôi để lại Ibara đang hý hoáy nhắn tin mà đi xuống tầng trệt.

Dù đã bắt đầu từ hai giờ nhưng không gian chỗ lối vào vẫn chật cứng. Rất nhiều nhóm đang tranh thủ luyện tập. Nhìn những dòng người tới tấp vào ra tôi đồ rằng nhiều người cũng chỉ đến để xem một hai tiết mục nhất định mà thôi. Đứng ngay trung tâm của thềm đá hoa dẫn vào hội trường, tôi tiện thể đảo mắt một cái để xác nhận rằng Chitanda không có ở đây.

Áo thun trắng và váy đen. Rất nhiều người sở hữu kiểu ăn mặc như vậy nhưng chả có cái mặt nào từa tựa nhỏ dù chỉ một chút. Mà… nếu có mặt ở đây thì nhỏ đã ba chân bốn cẳng quay về phòng chờ rồi chứ lo gì?

Tới lúc này tôi mới để ý một chồng tờ bướm được để trên bàn tiếp tân. Cũng cần cái gì giết thời gian trong lúc chờ Satoshi nên tôi lấy một tờ rồi bước ra ngoài. Đứng ở chỗ có lẽ là nổi nhất – ngay trước tấm biển “Liên hoan Hợp xướng Ejima”, tôi bắt đầu đọc.

Tờ bướm màu kem được in bằng giấy bóng. Thời điểm bắt đầu được ấn định rõ là hai giờ nhưng kết thúc thì không được đề cập. Có lẽ để thế thì ban tổ chức sẽ linh động hơn trong công tác bố trí chương trình hoặc giải quyết những tình huống không mong muốn. Tuy vậy, một ý nghĩ chợt thoáng qua tôi phê bình rằng làm vậy thì khách đến xem khó mà đặt bữa tối theo ý mình được.

Phần giành để giới thiệu tiết mục của các ban hợp xướng được viết khá nhỏ. Hầu hết đều trình diễn những tác phẩm của nhạc sỹ Sandou Ejima. Chưa từng nghe tới cái tên ấy tới khi Satoshi đề cập nhưng xem ra người này thuộc về một niên đại khá xa rồi. Những ca từ khá cổ. Tôi lướt qua một lượt và chỉ dừng lại ở nơi có bài hát sắp được nhóm của Chitanda – ban Hợp xướng Tổng hợp Kamiyama – trình diễn.

“Là đây à…”

Một bài hát mang tên “Phóng sanh chi nguyệt”

Tôi tự hỏi có ai từng nói với Ejima rằng nghe hệt như một tác phẩm của Rentarou Taki không nữa. Hơi chán ngán, tôi đọc một tua đến hết bài.

Phóng sanh chi nguyệt

Hót hay sao, hỡi loài chim trong lồng!

Nhưng ta ca ngợi, thứ gọi tự do,

Cõi niết bàn, thế giới này được đâu.

A! Ta lạy tạ. Ta tha thiết.

Được nằm dưới trời, bầu trời rộng thênh.

Bay đi nhé chim, lồng ta đã mở.

Duyên dáng sao, hỡi loài cá trong chậu!

Nhưng ta ca ngợi, thứ gọi tự do,

Cõi niết bàn, thế giới này được đâu.

A! Ta lạy tạ. Ta tha thiết.

Được nằm trên biển, biển rộng nghìn trùng.

Bơi đi nhé cá, chậu ta đã cạn.

“… Hiểu chết liền.”

Không may là tôi chả có chút thứ gọi là “cảm thụ văn học” cả, nhưng ít nhất cũng nên ghi trong đầu việc bài hát này nói tới cái gì cho chắc. Hình như ban còn biểu diễn thêm một tiết mục nữa nhưng ngoài cái tựa thì chẳng có thông tin nào khác… mà cũng không cần. Đó là một bản nhạc pop nổi tiếng – tới nỗi cả tôi cũng biết. Nội dung nói về việc mong muốn mọi người sống trong thanh bình hay đại loại vậy.

Cuộn tờ bướm lại rồi giữ bên tay phải, tôi bắt đầu gõ nó vào tay trái nhịp nhàng theo một giai điệu. Đầu óc mơ màng, tôi đưa mắt nhìn quang cảnh xung quanh. Bên ngoài cánh cửa bằng kiếng không có một vầng mây khiến nắng càng gay gắt. Một bà cụ vừa che dù vừa lau mồ hôi, rồi tự dưng cười tươi. Tôi tự hỏi điều kỳ quái nào đã khiến bà vui thì chợt nhận ra trong đây đang mở máy điều hòa. Tôi không nghĩ là sẽ mát đến vậy vì máy điều hòa được lắp đặt trên tận tầng ba, thậm chí những căn phòng tầng một nơi tôi đến lúc nãy còn chả cảm nhận thấy gì. Xem ra bên ngoài kinh khủng lắm.

“Hửm?”

Có một điểm đáng chú ý từ bà cụ đó.

Váy đen và áo thun trắng cùng một cái túi nhỏ đeo trên vai. Trừ lớp áo khoác xanh đậm thì đây cũng là cách ăn bận của Chitanda. Có vẻ bà không phải là khách mà cũng là thành viên của một ban hợp xướng nào đó.

Váy, áo thun, áo khoác, túi đeo vai, dù che nắng. Máy điều hòa… và một nụ cười.

“Ồ!”

Đúng rồi.

“Cây dù che nắng.”

Cạnh lối vào nhà Văn hóa là những chiếc dù được dựng sát vào nhau. Chỗ tường bao ngoài hội trường cũng được bố trí những cái giá để dù– có lẽ vì chỗ lối vào khó mà giữ được một ngàn sáu trăm cây trong trường hợp tệ nhất. Thế nhưng bà cụ ấy lại vẫn cầm dù mà lên lầu.

Chợt nhận ra, tôi tiến về quầy lễ tân mà gặp lại chị gái lịch sự lúc nãy.

“Em cần tìm gì nữa phải không?” Chị hỏi.

“Hỏi câu này thì có hơi lạ, nhưng…”

“Không sao đâu. Chị sẽ giúp em hết sức có thể.”

Có nhìn kiểu gì thì tôi chẳng phải chỉ là một thằng nhóc sao? Có cần lịch sự đến như vậy không nhỉ? Lễ tân đúng là một nghề khó khăn.

“Thành viên trong ban hợp xướng không được để dù trên các giá cạnh lối vào phải không ạ?”

Tưởng như sẽ bị bối rối vì câu hỏi kỳ quặc này nhưng người lễ tân trả lời không chút do dự: “Đúng rồi em. Nhằm phục vụ tối đa nhu cầu để dù của khách mà ban tổ chức đã khuyến khích thành viên các ban hợp xướng để dù của mình trên các giá được cung cấp sẵn trong các phòng chờ.”

“Vâng, cám ơn chị nhiều lắm ạ.”

“Không sao đâu. Còn gì cần thắc mắc thì em cứ hỏi nhé.”

Một lời đáp quá lịch sự nữa. Tôi ngượng ngùng chẳng hiểu vì sao, rồi nhanh chóng rời khỏi quầy lễ tân. Thông tin vừa rồi đã giải thích hành động khi nãy của bà cụ.

“…”

Và như vậy, tôi đã tiến một bước gần hơn đến nơi Chitanda đang lưu lạc. Ít nhất thì không phải ở đó…

Hướng về lại tấm biển “Liên hoan Hợp xướng Ejima”, tôi quyết định suy nghĩ thêm chút trước khi một âm thanh to khỏe gọi tên mình.

“Ít nhất cũng nhìn về phía trước mà đi chứ Hatarou!”

Ngay nơi mà chỉ mới đây tôi đã đứng bây giờ là Satoshi, ướt nhẹp mồ hôi.

“Chào.”

Nói xong tôi nhìn đồng hồ. Bốn giờ mười bốn phút – thực sự là mười lăm phút tính từ lúc nói chuyện điện thoại với Ibara và đó là đã được nhắn rằng đừng đi nhanh quá.

“Nhanh kinh dị.”

“Thế sao? Cơ mà đồ cậu cần đây.”

Trong tay hắn là thời gian biểu và bản đồ lộ tuyến xe buýt được in giấy bóng và gấp gọn gàng.

“Xin lỗi, làm phiền cậu quá.”

“Không có chi, chuyện cỏn con cả.”

Sau lời đùa, biểu cảm hắn chuyển sang nghiêm túc.

“Tớ được Ibara báo tình hình rồi. Chitanda mất tích à?”

“Có lẽ vậy.”

“Không thấy cậu ấy ở trường mà giày cũng không có trong tủ. Kỳ này căng rồi đây.”

“Ừ.”

Tôi đáp cho có vì bận tập trung vào bản đồ.

“Chitanda-san đang ở đâu đó trong thành phố và không có điện thoại. Ừ thì tớ cũng biết một hai nơi nhưng giờ không còn kịp để kiểm tra từng nơi một nữa… nói chung là tớ đang bó tay Houtarou ạ.”

Chưa đủ thông tin để tôi có thể hoàn toàn phân tích mọi thứ Satoshi mang đến. May thay, như dự đoán số lượng xe buýt chạy qua Jinde là không nhiều và dường như chỉ có một xe chạy vào lúc một giờ trưa. Gật đầu một cái tôi gấp tấm thời gian biểu lại.

Lấy tay lau bớt mồ hôi trên mặt, Satoshi tiếp tục:

“Với lại cũng thành thật xin lỗi… tớ có công chuyện nên có lẽ phải đi bây giờ. Nhưng thôi mà… Đó là Chitanda-san của chúng ta! Tớ nghĩ rằng rồi mọi chuyện cũng sẽ ổn… đúng không Houtarou? Chẳng phải cậu đã tìm ra nơi cậu ấy có thể đang ở sao?”

“Đại loại vậy.”

Nghe thế hai mắt Satoshi liền nở to. Có lẽ hắn không ngờ tôi có thể nói vậy.

“C-cái gì? Cậu thực sự biết rồi sao?”

“Cụ thể chính xác là nơi nào thì chưa… nhưng ý tưởng thì rồi. Ít nhất thì nó cũng khả quan.”

Tuy nhiên, nếu mọi suy luận là đúng thì vấn đề thực sự chỉ xảy ra sau khi đã tìm thấy nhỏ.

Kiểm tra đồng hồ, từ giờ tới giờ diễn còn một tiếng bốn mươi phút nữa.

Satoshi có cùng suy nghĩ với tôi. Nếu tìm kiếm theo kiểu vét từng ngóc ngách cái thành phố Kamiayama này thì cả tuần cũng chưa chắc là ra, mà lại hao phí năng lượng nữa. Cần một phương án hiệu quả hơn cả về mặt thời gian lẫn sức lực và nó dễ hơn là hắn đang tưởng tượng nhiều.

Nhưng mà…

“Thế rốt cuộc cậu sẽ làm gì?”

Hắn nhìn thẳng mà hỏi khiến tôi khó trả lời. Tôi sẽ không nói mình là loại thường hóng hớt chuyện người khác nghĩ về mình thế nào, nhưng để mà tự tin tuyên bố rằng: “Đó là điều chúng ta nên làm” trước khi mọi thứ được sáng tỏ thì… vẫn có khả năng là nó sai và lúc ấy chắc tôi sẽ ngượng chín cả mặt.

“Ờ thì… thực ra tớ cũng chưa chắc lắm.”

Đó là một câu trả lời yếu ớt. Sau đó tôi còn chuyển chủ đề một cách đầy gượng ép bằng một câu hỏi mà tôi nghĩ là… dù gì cũng phải hỏi.

“Cơ mà Sandou Ejima có thực sự nổi tiếng đến vậy không – tới mức được phong là một trong Tứ… gì đó thiên vương ấy?”

Hẳn Satoshi cũng nhận ra ý định đó, nhưng hắn trả lời mà không tỏ ra như thế.

“Có lẽ là tớ hơi làm quá, nhưng dù có loại bỏ tình yêu đối với âm nhạc truyền thống của tớ mà xét mọi thứ trên phương diện khách quan, thì vào thới đó những Hakushuu, Ujou… vẫn là hoàn toàn vượt trội về tài năng. Tớ thật sự nghĩ vậy.”

“Nghĩa là theo cậu thì sẽ là một sự làm quá nếu bảo việc truy hiệu đó… là làm quá?”

Satoshi chỉ nhún vai. Tôi bèn mở tờ bướm lúc nãy lấy ở quầy tiếp tân ra.

“Theo như trong đây thì Chitanda sẽ hát bài ‘Phóng sanh chi nguyệt’.”

“Vậy à?”

Satoshi nhìn lướt qua lời bài hát rồi gật gù với một biểu cảm thỏa mãn lạ thường.

“Cũng phải. Tớ vốn không biết bài này, nhưng đây đích thị là kiểu kinh điển của Sandou Ejima.”

“Tại sao lại gọi là ‘kiểu kinh điển’?”

“Nói thẳng ra là vì câu chữ cực kỳ mang tính giáo huấn.”

Đồng ý. Tôi gật đầu cái rụp trước khi kịp nhận ra. “Giáo huấn” là từ hoàn hảo để mô tả cảm nhận của tôi khi mới đọc qua lời bài hát.

“Đạo giữ hiếu, tính cần cù, lòng trung thực – những tác phẩm của ông luôn luôn được sáng tác để tôn vinh những giá trị đạo đức đó. Bản thân Sandou Ejima là một nhà sư, và có một lần tớ đã đọc ở đâu là chính lối sống tu hành đã khiến ông mang những tư tưởng và giáo lý đó vào trong từng lời ca. Có lẽ cũng vì vậy mà trong phạm vi những người biết đến thì ông khá là được mến mộ.”

“Và chúng ta thậm chí còn có cả một liên hoan văn nghệ lấy tên ổng.”

Hắn cười đáp lại, trông có vẻ giễu cợt.

“Các ban hợp xướng thường có những buổi diễn định kỳ. Đó là truyền thông rồi. Với lại, khi tổ chức một sự kiện vào đó thì lẽ thường người ta sẽ thích gắn nó với một cái tên có vẻ hay hay. Tiện thể dùng làm chủ đề chung cho các tiết mục thì càng hay.”

Cứ đặt Satoshi vào vị trí ban tổ chức thì từ không hiểu sẽ thành hiểu ngay.

Satoshi nhìn đồng hồ rồi nhăn mặt.

“Tớ phải đi rồi. Thề luôn… chưa từng dính vô mớ rắc rối nào như lần này.”

Từ lời nói tôi biết hắn thực sự muốn giúp.

“Đừng lo cho tụi này nữa. Mà cậu phải làm cái gì?”

“Thực ra là…”

Nói là thực sự không có thời gian nhưng xem ra hắn sẽ chọn “phàn nàn”. Có vẻ cục tức đó lớn tới nỗi hắn rất muốn xả cho ai đó.

“Ông anh họ và vợ ổng tới chơi, nhưng thằng cháu mới phát bực.”

“Con của anh họ cậu là cháu cậu?”

“Ừ thì đúng ra phải gọi là ‘cháu họ’, nhưng với tớ cháu nào cũng là cháu. [note3062] Nó rất mê cờ shogi và lúc nào cũng bắt tớ chơi cùng.”

Tôi chưa từng nghĩ rằng Satoshi không chơi được cờ shogi – xét đến việc hắn luôn thích thử mọi thứ trên đời… Ấy khoan, đợi chút. Hắn thực ra là chơi giỏi đấy chứ. Nhớ không nhầm thì trong một dịp dã ngoại hồi sơ trung hắn đã tỉ thí với một tên bạn cùng lớp luôn huênh hoang với cái giải ba thành phố và thắng.

“Chơi với nó thì làm sao?”

“Cứ tớ thắng thì nó khóc và không ngừng đòi chơi lại tới khi nó thắng. Thậm chí nó còn bỏ bữa tối.”

“Khó chịu quá nhỉ.”

Satoshi lắc đầu.

“Nếu chỉ vậy thì tớ cũng chả phiền. Cố tình để nó thắng là xong.”

Tôi biết Satoshi từ hồi học sơ trung và chứng kiến cái thời mà với hắn chiến thắng là tất cả. Hắn sẽ tận dụng mọi lỗ hổng trong luật hoặc khiến trận đấu trở nên nhàm chán nhất có thể, chỉ cần nó kết thúc với thắng lợi thuộc về hắn. Nhưng rồi tôi cũng được chứng kiến cái phần đi ngược lại tôn chỉ bấy lâu trong Satoshi. Tất cả dường như chỉ chuyển biến trong một cái chớp mắt.

“Vậy vấn đề là gì?”

“Nếu không nói ‘Anh chịu thua’ thì nó sẽ kêu tớ là đồ hèn rồi đòi thảm sát các kiểu.”

Trong cờ shogi, một bên thua khi bị đưa vào tình thế mà vua sẽ bị ăn bất chấp đi nước nào đi nữa. Tuy nhiên trước khi điều đó xảy ra một bên vẫn có thể tuyên bố thua cuộc và đó là cách tôi thường thấy nhất.

“Vì tớ chỉ thua để làm nó vui. Chiếu bí vua là chưa đủ, nó sẽ không tha cho tớ nếu chỉ nói ‘Em thắng rồi’ hay ‘Em thắng anh rồi đấy’. Ừ thì cũng là chiếu bí rồi mà, có gì để nói đâu.”

“Cậu thực sự ghét nói câu ‘Anh chịu thua’ đến vậy à?”

Gương mặt của Satoshi chuyển sang một biểu cảm đau khổ.

“Tớ không thể không nghĩ tới việc sẽ nói với nó là: ‘Tại sao em không thử bắt anh nói câu nói bằng việc thực sự đánh bại anh bằng chính kỹ năng của mình nào?’ Tớ thực sự rất dở trong việc nói những điều mình không tin là thật. Cũng có thể thằng bé chỉ là ngây thơ và tớ quá khắt khe về cách dùng từ nhưng… tớ cũng chả biết nữa. Xem ra tớ vẫn là một đứa chưa trưởng thành.”

Đây thực tình không phải kiểu chủ đề nên mang ra bàn luận giữa lúc dầu sôi lửa bỏng thế này, tuy vậy trong tôi vẫn có sự đồng cảm tới mức phải cười nhạt một cái.

“Tớ hoàn toàn hiểu. Hồi đó có lần dự đám cưới của người thân, rồi…”

Đó là một đám cưới mang phong cách Công giáo. Tôi đã vào nhà thờ với bộ đồng phục cứng cổ mà nghe Đức Cha giảng đạo.

Hừm…

Tự dưng tôi cảm thấy có gì cứ cay cáy trên đầu lưỡi. Không thể diễn tả bằng lời, và ngay khi thử chạm một ngón tay vào lưỡi cái ý nghĩ ấy liền đến và đi như cơn sóng vỗ bờ rồi phải trôi ngược về biển. Đó là gì? Tôi tự hỏi. Tại sao một ván cờ shogi và một lễ cưới lại mang đến rồi lấy đi thứ cảm giác sống động ấy?

“Thôi tớ đi nhé Houtarou.”

Âm thanh của Satoshi đưa tôi trở về thực tại.

“Hả? Ừ, đi đường cẩn thận.”

“Tớ mong cậu tìm được Chitanda. Rất xin lỗi vì những lúc thế này lại chẳng giúp được gì.”

“Sẽ ổn thôi mà.”

Vẫn đang trong giai đoạn tập hợp các manh mối nhưng tôi quyết định thêm vào:

“Để đó cho tớ.”

Satoshi tròn xoe mắt. Đoạn hắn cười nhẹ.

“Hiểu rồi. Tớ sẽ để cậu lo. Dù sao tớ vẫn luôn nghĩ người hiểu thấu được Chitanda từ đầu đến cuối cũng chỉ là cậu.”

5

Tôi trở về phòng chờ A7 nhưng không thấy sự hiện diện của Ibara. Có lẽ nhỏ đang tìm kiếm những nơi xung quanh nhà văn hóa như đã nói. Tọa lạc tại trung tâm căn phòng rộng cỡ hai mươi mét vuông là một chiếc ghế xếp được an tọa bởi bà cụ Yokote. Bà cô tên Danyabashi cũng ở đó – ngay cạnh cửa sổ – và cứ như thể đang trừng mắt nhìn tôi đi vào, nhưng ngay khi nhận ra cô chỉ thả lỏng hai vai mà ra điều thất vọng.

“Tưởng là tới rồi chứ.”

Tôi cúi đầu nửa chào nửa muốn xin lỗi vì đã không phải là Chitanda. Tuy vậy bà cô ấy không thèm quẳng cho một cái nhìn nào nữa mà bắt đầu quay sang bà Yokote.

“Thế đấy bà Yokote ạ. Một tiếng nữa của bà đấy. Tôi sẽ gọi điện thoại. Con bé có thể không còn kịp và nếu chúng ta còn tần ngần trong việc chọn người hát solo thay thế thì chẳng còn buổi biểu diễn nào nữa.”

Trong chiều hôm nay, dường như tất cả những lời tôi nghe được từ bà cô này luôn ám chỉ một sự xách mé nhất định đối với “lũ trẻ ngày nay”. Có gạt sạch những xúc cảm tiêu cực đi nữa tôi ngờ rằng hai con mắt trợn ngược và tí hin như mắt cá kia vẫn đủ khả năng giữ lại nét đáng sợ trên gương mặt. Cũng phải thông cảm, thời gian đã gấp gáp lắm rồi.

Còn bà cụ Yokote thì vẫn vậy, không-chút-lo-âu khi trả lời:

“Tôi hiểu, nhưng chắc chắn cô bé sẽ đến vào bất kỳ lúc nào. Tại sao chúng ta không thử chờ thêm một tiếng nữa?”

“Lại nữa! Nghe này, bây giờ không còn là lúc có thể thử và sai bà Yokote ạ. Tôi sẽ gọi cho nhà Chitanda và xin bà hãy cho tôi số điện thoại của họ.”

Ra vậy. Nãy giờ tôi đã không hiểu nếu muốn thì cần gì bà cô Danbayashi phải xin ý kiến của bà cụ Yokote làm gì, nhưng xem ra là vì không có số. Cơ mà họ Chitanda cũng thuộc loại hiếm nên tìm trong sách danh bạ đâu có khó? Chỉ là – à chết rồi! Vậy là tôi có thể cũng sẽ bị nhắm tới mất!

Lúc nhận ra thì đã quá trễ. Vừa định quay đi tôi đã lọt vào tầm ngắm. Bà cô Danbayashi nhanh chóng bước về phía tôi với những nếp gấp khủng khiếp đang hằn lên trán.

“Cháu! Cháu là bạn cùng lớp với con bé đúng không?”

Thôi thì chối được gì cứ chối vậy.

“Không phải cùng lớp ạ. Tụi cháu là bạn khác lớp.”

“Thì làm sao?”

“Dạ, thì…”

Đúng là thông tin ấy chả đáng để ai quan tâm cả.

“Vậy hẳn là cháu biết số điện thoại nhà Chitanda đúng không?”

Vô thế rồi. Cơ mà hay ở chỗ, phòng việc cần liên lạc với nhau về hoạt động của CLB chúng tôi đều trao đổi số điện thoại nhà nhưng tại thời điểm này tôi lại quên béng. Nhờ vậy câu trả lời này là rất thực thà.

“Cháu có số, nhưng để ở nhà mất rồi ạ.”

“Bộ không có di động à?”

“Dạ không ạ.”

Cô Danbayashi rít lên.

“Đùa thật hả trời!”

Có đùa đâu? Nhưng đúng là nên nói thêm cái gì để tránh một trận lôi đình. Không có thời gian để lãng phí nữa, nghĩ vậy tôi trưng ra bộ mặt nghiêm trọng nhất có thể mà lên tiếng… quả là chỉ cần cố gắng là tôi có thể làm bộ một cách rất điêu luyện.

“Thực ra cháu đã biết Chitanda ở đâu rồi ạ. Do quá lo lắng mà cậu ấy bị đau bao tử nên cần nghỉ một lúc.”

Hám dưới của bà cô Danbayashi như muốn rớt ra với câu trả lời như từ trên trời rơi xuống này.

“Cháu biết rằng mọi người đều lo lắng vì cậu ấy chưa có mặt ở đây nhưng hãy tin cháu – cậu ấy sẽ đến đúng giờ. Cháu sắp đi gọi cậu ấy nên cô không cần phải tìm nữa đâu ạ.”

Với việc “tự dưng” liên lạc được nhau trong khi chả đứa nào có điện thoại là một câu chuyện mà đứa con nít cũng có thể nghi ngờ, nhưng may sao cô Danbayashi thì không như thế… đúng hơn là thần thái bà cô trở nên nhẹ nhõm hẳn. Mọi biểu cảm khắc nghiệt như đều tan chảy, cô chỉ đáp gọn lỏn: “Ồ ra vậy. Thế thì nhờ cháu nhé.” rồi nhanh chân bước về phía cửa – có lẽ cũng vì ngượng với thái độ nóng nảy vừa rồi.

Dù cực kỳ mong bả đi dùm nhưng có một thứ tôi cần phải hỏi. Thế là tôi lên tiếng khi bà cô Danbayashi vừa chạm vào tay nắm.

“Dạ thưa cô…”

“Hả?” Giật mình, cô quay người lại rồi tiếp tục: “Cháu mới gọi ta à? Bộ còn gì nữa sao?”

“Dạ. Không quan trọng lắm ạ, nhưng…”

Vừa nói tôi vừa rút ra tờ bướm rồi chỉ vào lời bài hát sẽ được trình diễn bởi Chitanda – “Phóng sanh chi nguyệt”.

“Chitanda sẽ hát solo ở đoạn nào ạ?”

Bà cô Danbayashi nhướn mày.

“Hả? Sao cháu lại cần biết cái đó?”

Tôi đã nghĩ là cứ hỏi với một thái độ “thờ ơ” thì sẽ dễ nhận được câu trả lời hơn, nhưng trái lại bà cô này lại trông có vẻ vừa gia cố hàng phòng ngự.

“Dạ thưa cô…” Tôi nói với tốc độ đủ chậm cho tới khi trong đầu lóe lên một sáng kiến.

“… Vì cháu muốn chụp một tấm hình lúc Chitanda hát solo để lưu vào tập ảnh của CLB ạ. Nếu biết chính xác thời điểm thì vẫn tốt hơn. Cháu cũng tính lát nữa gặp sẽ hỏi nhưng giờ đã có cô ở đây…”

Chẳng biết có hơi quá lời không nhỉ?

“Thế à? Ờ được.”

Dính câu rồi. Bà cô Danbayashi lấy ngón tay rà trên từng dòng rồi dừng lại.

“Ừm… ngay đây.”

A! Ta lạy tạ. Ta tha thiết.

Được nằm dưới trời, bầu trời rộng thênh.

“Đoạn này phải lấy hơi từ ngực thì âm mới đầy và tăng tính biểu cảm. Ta nghĩ nếu quay phim cả đoạn thì sẽ hay hơn.”

Nói xong có cảm giác bà cô này đang đanh mặt mà nhìn quanh người tôi. Hẳn là chả có một cái máy quay hay máy ảnh nào ở đây cả. Trước khi bị nghi ngờ tôi cần phải chủ động.

“Cám ơn cô nhiều. Cháu sẽ nói với Ibara.”

Dĩ nhiên là Ibara cũng đâu có, nhưng lúc này thì ông trời mới kiểm chứng được.

“Ừ… vậy thì tốt. Được rồi, ta sẽ quay lại sảnh để nói với mọi người là đã tìm ra con bé. Còn lại thì nhờ mấy đứa.”

Cánh cửa đóng cái rầm khi bà cô Danbayashi đi ra, để lại tôi và bà cụ Yokote là hai người duy nhất trong phòng. Không gian rộng rãi quá mức này khiến tôi cảm thấy lạ lẩm một cách khó chịu.

Bà Yokote thì, dường như không dời lấy một tấc trong suốt khoảng thời gian tôi nói chuyện với Satoshi, vẫn ngồi với tư thế hai tay đặt trên đùi. Điều này khiến tôi liên tưởng tới một cái cây già cỗi đã bám chặt rễ vào lòng đất. Tuy vậy, ngay lúc này đôi mắt dịu dàng của bà đang nhìn tôi như yêu cầu giải thích những chuyện vừa xảy ra. Tiến tói trước ánh nhìn ấy, tôi khẽ cúi đầu chào rồi nói:

“Cháu xin lỗi vì nãy giờ chưa giới thiệu. Cháu là Oreki Houtarou, cùng khối lớp với bạn Chitanda-san và cũng chung CLB ạ.”

Trong một khắc bà Yokote như muốn tránh phải nhìn thẳng, nhưng lập tức chuyển thành một nụ cười rất khẽ khi bà cúi đầu.

“Rất vui vì được gặp cháu. Tên của ta là Atsuko Yokote. Thứ lỗi cho ta không đứng lên để chào cho phải phép nhé, hai đầu gối này không được như xưa nữa.”

“Dạ không đâu ạ.”

“Cám ơn cháu.”

Dù chỉ là phép xã giao nhưng những ngôn từ ấm áp ấy cũng khiến tôi thoải mái. Bà Yokote tiếp tục nói, nhưng lần này mắt bà nheo lại còn trong giọng thì có sự gượng gạo như muốn buộc tội.

“Oreki-san, nãy cháu có nói là biết con gái nhà Chitanda ở đâu nhỉ? Điều đó là thật chứ?”

Tôi đáp không chút ngần ngừ: “Dạ không. Đó là nói dối.”

Tính mở miệng nhưng rồi lại khép vào, trông bà cụ như không tìm được lời lẽ nào. Nhỉn thẳng vào tôi, bà thì thầm: “Nói dối à…”

“Cháu cần cô Danbayashi rời khỏi đây nên phải nói dối ạ.”

“Ồ. Nhưng tại sao lại cháu lại làm thế?”

Rõ là bối rối trước việc tôi ngang nhiên thừa nhận mình nói xạo nhưng bà Yokote không tỏ ra muốn trách mắng điều gì. Hay nói đúng hơn… cứ như là bà cảm thấy không có cái quyền đó vậy.

“Cháu làm vậy vì có chuyện muốn hỏi riêng bà ạ.”

“Ta ư? Là chuyện gì vậy?”

Liếc nhanh qua đồng hồ tôi nhận ra hai chiếc kim đã gần chỉ bốn giờ hai mươi. Không nên vòng vo nữa. Đã làm thì phải làm cho nhanh. Phương châm này là thứ luôn bắt tôi đi thẳng vào vấn đề mỗi khi cần thiết.

“Bà nói là đã đi cùng chuyến xe với Chitanda và hai người đã cùng nhau tới tận căn phòng này phải không ạ?”

“Đúng vậy.”

Buộc tội ai đó là một công việc cần có tinh thần thép. Tôi không được như vậy, nên chỉ nói mà không dám nhìn.

“Cháu không nghĩ đó là sự thật ạ.”

Sắc diện của bà Yokote như đóng băng.

Cái cách mà, như tôi đã nói – đơn giản hơn nhiều so với Satoshi đang trăn trở – là hỏi thẳng người duy nhất có thể biết. Không nghi ngờ gì nữa bà Yokote đã nói dối về việc Chitanda đã đến đây. Bà ấy biết sự tình và nội dung của nó sẽ có ích hơn là lùng sục mọi thư viện hay quán cà phê khắp thành phố Kamiyama này.

Tới lượt hai tay bà, dù vẫn yên vị trên đùi nhưng trông căng cứng một cách đầy lo lắng. Tôi chỉ có thể tiếp tục màn truy vấn nếu bà cũng muốn vậy nhưng đó là trường hợp lý tưởng. Dù gì thì tôi cũng chỉ là người lạ, và chẳng ngạc nhiên khi bà tỏ ra không biết gì.

“Cháu đang nói gì vậy?”

Nhanh chóng quên nỗi thất vọng thì điều kiện lý tưởng đã không còn, tôi đành phải cố gắng.

“Cháu muốn giải quyết chuyện này càng sớm càng tốt ạ, nên xin bà hãy rút lại lời khẳng định rằng đã đi chung với Chitanda tới tận đây.”

“Nhưng đó là sự thật cơ mà. Sao cháu có thể nói những lời như vậy? Cháu không nghĩ thế là khiếm nhã sao?”

Cuộc chạm trán trực tiếp này ngày càng khiến tâm lý tôi bất ổn. Thuyết phục và thương lượng chưa bao giờ là thế mạnh, và thường thì những lúc như thế nếu có cơ hội tôi đều đẩy cho Satoshi và Chitanda mà rúc về cuộc sống yên tĩnh của mình. Nhưng lúc này tôi chỉ có một mình và thời gian thì không biết chậm lại. Nắm chặt hai bàn tay, tôi huy động mọi dũng khí của mình.

“Cháu thành thật xin lỗi, nhưng vốn dĩ việc Chitanda đã cùng đi vào căn phòng này là chuyện không thể ạ.”

“Cháu có thể giải thích vì sao không?”

“Vâng, thực ra nó cũng rất đơn giản…”

Tôi chỉ tay về phía cánh cửa mà tiếp tục:

“Nhờ cái đó.”

“Cánh cửa à?”

“Dạ không. Cháu muốn nói với cái giá ạ.”

Cạnh cánh cửa bấy giờ vẫn là cái giá dù không chắc chắn với một cây dù màu đen. Trong lần đầu bước vào đây tôi đã bị vấp vào mà làm đổ nó, rồi khi nhặt cây dù lên tôi nhận ra tay mình bị ướt.

“Gần nhà cháu không có mưa, nhưng dựa vào việc cây dù bị ướt cháu đoán rằng ở Jinde có mưa.”

“Ta tin là mình đã đề cập chuyện này rồi.”

“Vâng ạ, cả điều đó lẫn việc Chitanda đã che một cây dù màu đỏ huyết khi chờ xe đến. Nhưng từ lúc cháu đến đến giờ trong phòng không hề có cây dù đó. Đúng là sáng nay trời có hơi âm u ở vùng này nhưng tới trưa, cụ thể là một giờ ba mươi nếu Chitanda đi xe đến đây, thì trời chỉ mới vừa nắng. Cháu không nghĩ ra lý do gì khiến cậu ấy phải mang theo dù nếu chỉ muốn tạm thời đi đâu một chút cả. Như vậy Chitanda đã không tới đây và đó là mâu thuẫn trong lời nói của bà ạ.”

Bà Yokote đặt một tay lên má và nói:

“Làm sao cháu có thể kết luận như vậy chỉ vì con gái nhà Chitanda không để dù ở đây? Khi mà phòng này không phải là nơi duy nhất có giá dù?”

“Dĩ nhiên những cái giá cũng được bố trí ở gần lối vào, nhưng thành viên ban hợp xướng được khuyến khích để dù trong các phòng chờ phải không ạ?”

“Và đó chỉ là ‘khuyến khích’.”

Tôi biết người ta đôi khi không phải cứ muốn theo luật là được. Thực ra hiểu hết và theo hết mọi luật mới là bất thường.

“Dạ vâng. Nếu Chitanda một mình đến đây thì hoàn toàn có khả năng cậu ấy sẽ không biết quy định mà để dù ở một cái giá khác. Nhưng thực tế đâu phải vậy phải không ạ? Cháu đang tưởng tượng đây – cảnh bà cùng Chitanda đi lên lầu rồi vào căn phòng này, và trong khi bà nghiêm túc chấp hành quy định thì cậu ấy lại phớt lờ. Đấy, quá vô lý phải không ạ? Người trong nhóm thường có xu hướng đặt đồ chung ở một chỗ. Và hơn hết cháu nghĩ rằng bà biết Chitanda gương mẫu thế nào phải không ạ?”

Bà Yokote không trả lời, và cảm giác lo sợ rằng sẽ không có được câu trả lời vẫn tồn tại trong tâm trí tôi. Tuy vậy cũng nên làm dịu tình hình một chút.

“Nhưng dù là vậy cháu cũng không đủ bằng chứng để chứng minh rằng Chitanda chưa hề đến đây. Cũng có thể cậu ấy thực sự đã đến nhưng lại quyết định quay về mà không tính trở lại. Trong trường hợp đó thì mang dù theo là đương nhiên. Dễ để tìm manh mối chứng minh rằng ai đó đã ở đây hơn là họ đã không ở đây ạ.”

“Ta cũng nghĩ vậy.”

Hít thở một hơi. Lúc này tuy không nhìn thẳng nhưng tôi vẫn để bà ở một bên khóe mắt.

“Cho cháu hỏi là… từ lúc đến đây tới giờ bà chỉ ngồi ở đây thôi phải không ạ?” Tôi chuyển chủ đề.

“Dù cho tất cà thành viên còn lại đều ở trong hội trường ạ?”

Bà Yokote hơi nheo mắt lại.

“Thế thì đâu có gì lạ?”

“Vâng ạ. Nhưng có một vấn đề nãy giờ cứ canh cánh trong đầu cháu. Đó là việc bà đã luôn lặp lại một lời kỳ lạ mỗi khi cô Danbayashi đề cập đến việc liên lạc với gia đình Chitanda, bắt đầu bằng: ‘Tôi chắc rằng cháu nó sẽ tới ngay…’ “

“Cách dùng từ của ta có gì kỳ lạ sao?”

Tôi lắc đầu.

“Dạ không. Cháu không nghĩ câu này có gì đặc biệt.”

“Vậy thì ta chẳng thấy…”

“Cái kỳ lạ nằm ở đoạn ngay sau đó, nguyên văn là: ‘Hãy cho cháu nó một tiếng nữa mà đừng trách mắng tội nghiệp.’ Tại sao lại là ‘một tiếng nữa’ mà không phải ‘một chút nữa’ hay ‘chút thời gian nữa’? Dù chỉ được nghe hai lần nhưng dựa vào lời cô Danbayashi cháu đồ rằng trước đó có một lần bà cũng nói như vậy. Không phải ba mươi phút hay hai tiếng, tại sao lại phải là một tiếng ạ?”

Tôi cũng nghĩ tới khả năng đó chỉ là thói quen nói chuyện, nhưng thực tế có một khả năng thú vị hơn và nhờ sự trợ giúp của Satoshi tôi đã đan kết được chuỗi suy luận. Cái “một tiếng” mà bà đề cập tới ba lần xem ra mang một ý nghĩa quan trọng hơn nhiều.

“Phải chăng vì bà đang ám chỉ tới khoảng dãn cách giữa các chuyến xe?”

Bà Yokote không đáp lại. Tôi có cảm giác đôi vai bà vừa đột ngột cứng đờ.

Lấy ra tấm thời gian biểu Satoshi đã đưa cho, tôi tiếp tục:

“Đây là thời gian biểu của trạm xe. Để có được cái này bạn cháu đã phải đạp xe thừa sống thiếu chết và may là không gặp bất trắc gì. Theo như trong đây thì không có nhiều chuyến xe nối giữa vùng Jinde và Nhà Văn hóa và mỗi chuyến đều cách nhau một tiếng, nên đó là lý do chúng ta phải ‘đợi một tiếng’ phải không ạ?”

Bà Yokote liền quay mặt đi. Vậy là đúng rồi.

“Một tiếng nữa cũng là thêm một chuyến nữa, và con gái nhà Chitanda sẽ ở trên đó. Xin lỗi nhưng cháu đồ rằng đó là điều bà đã hy vọng khi nói vậy với cô Danbayashi nhằm khiến cô ấy bình tĩnh trở lại.”

Nhưng ba tiếng đã trôi qua mà Chitanda vẫn không quay lại. Tôi từng cảm thấy khâm phục sự điềm tĩnh của bà Yokote nhưng giờ đây nó chỉ còn là vỏ bọc, để che dấu con người bên trong có lẽ cũng cảm thấy sốt ruột.

Dựa vào cuộc trò chuyện này, ít ra phạm vi tìm kiếm Chitanda đã được thu hẹp.

“Chitanda vẫn còn ở Jinde phải không ạ?”

Đây là đòn quyết định. Lúc này trông bà Yokote đã tỏ ra bối rối và lo sợ. Dáo dác nhìn xung quanh một hồi, cuối cùng bà cũng hít thở sâu rồi lên tiếng.

“Đúng vậy, con gái nhà Chitanda đã không đến đây. Xin lỗi vì đã lừa dối cháu.”

Nụ cười hiền hậu đã trở lại trên gương mặt bà khi câu chuyện thực tế được kể ra.

“Đúng như cháu nói, buổi sáng ở Jinde có mưa. Ta vẫn còn thành thật khi nói rằng con gái nhà Chitanda đã cùng ta che dù mà đợi xe đến. Hai người chúng ta cùng lên xe cũng là sự thật. Lúc đó không có ai nên ta và cô bé ngồi cạnh nhau. Thực tình thì từ lúc chờ xe ta đã để ý rằng cô bé dường như không được khỏe. Chỉ khi lên xe mà ngồi gần ta mới nhìn rõ thì… ôi thôi gương mặt cô bé xanh xao đến tội nghiệp. Ta có hỏi thăm nhưng đứa bé tội nghiệp ấy hết lần này đến lần khác chứ trấn an ta là vẫn rất khỏe mạnh. Rồi đột nhiên, khi ta còn tự hỏi rằng mình có thể làm gì thì cô bé đã bấm chuông để dừng xe lại.”

Cố hết sức giữ bình tĩnh tôi không chen vô một lời nào. Còn những thông tin khác cần được làm rõ nhưng tôi nghĩ im lặng mà lắng nghe là điều tối thiểu có thể làm cho người đang sẵn lòng chia sẻ câu chuyện của mình. Tuy nhiên lý do quan trọng nhất khiến tôi thiếu bình tĩnh là tình trạng hiện giờ của Chitanda. Chưa lấy một lần tôi biết đến một Chitanda “xanh xao đến tội nghiệp” là thế nào.

“Ta đã gọi trước khi cô bé kịp xuống xe và cô bé… dường muốn nói gì, nhưng rồi chỉ cúi đầu mà chạy đi. Ta đã nghĩ về việc sẽ đuổi theo, nhưng biết rằng mình không nên can hệ vào chuyện của người khác khiến ta chỉ ngồi đó và đến đây.”

Câu chuyện đến đây chắc là hết. Đây là lúc để hỏi.

“Có khi nào Chitanda bị bệnh không ạ?”

Bà chỉ đáp: “Ta cũng không biết nữa…”

Đúng là một câu hỏi vô nghĩa. Nếu chỉ là bị bệnh nhưng vẫn muốn biểu diễn thì nhỏ chỉ cần đến đây và thông báo cho mọi người biết – hoặc tiếp tục nghỉ ngơi ở nhà tới khi khỏe hơn thì hẵng đi. Nói chung dù là trường hợp nào thì nhỏ cũng không cần phải làm như thể mình đang chạy trốn như vậy.

Lý do Chitanda sớm xuống xe và lý do cho gương mặt xanh xao nhiều khả năng chẳng liên quan gì với vấn đề thể trạng. Đó là giả thuyết nhưng giờ tôi cần nhảy ngay vào hành động.

“Vậy Chitanda đã xuống ở điểm dừng nào ạ? Và bà có biết sau đó cậu ấy có thể đi đâu không ạ?”

Bà Yokote đáp lại câu hỏi của tôi bằng một cái nhìn lạnh lùng.

“Cháu sẽ làm gì nếu ta nói ra?”

“Dĩ nhiên là đến đó ạ.”

“Vô ích thôi.”

Ngồi thẳng lưng, bà nói những lời tiếp theo đầy nhát gừng.

“Đứa bé đó là người thừa kế của gia tộc Chitanda và nó hiểu rõ trách nhiệm của mình là gì. Hành động xuống xe khi nãy chỉ là khoảnh khắc của do dự, và ta có thừa lòng tin rằng cô bé sẽ kịp đến đây. Cũng vì vậy mà ta mong cháu đừng làm những điều không cần thiết mà tin tưởng hơn vào bạn của mình.”

Tôi gật đầu.

“Vâng, cháu luôn biết chắc rằng cậu ấy sẽ đến đây.”

Bà Yokote bấy giờ nhìn tôi như thể mọi xúc cảm mãnh liệt vừa rồi chưa từng tồn tại.

“Vậy thì tại sao cháu lại muốn đi tìm?”

Chẳng phải câu trả lời đã quá rõ ràng sao?

“Vì mọi thứ đều đã trở nên khó khăn với cậu ấy.”

“Trở nên khó khăn ư?”

“Bà không thấy điều đó sao?”

Chẳng biết gì về vấn đề “thừa kế” hay cái gì cả, nhưng một điều tôi có thể chắc chắn là tinh thần trách nhiệm của Chitanda hết sức mạnh mẽ. Để phải chạy trốn như vậy chứng tỏ vấn đề nhỏ đang mang hiện nay là nghiêm trọng và tôi sẽ không chấp nhận một lý do như là “một khoảnh khắc của do dự”. Dĩ nhiên, như bà cụ Yokote đã chỉ ra, nhỏ chắc chắn sẽ xuất hiện. Nhưng sự xuất hiện đó sẽ chỉ là kết quả của một sự mâu thuẫn – thứ mâu thuẫn đến ngạt thở đang tồn tại bên trong nhỏ và đang cố che đậy lý do khiến nhỏ phải chạy trốn. Tất cả đều vì hai chữ “trách nhiệm”. Hành động của nhỏ như muốn nói rằng “Mình muốn đi” nhưng không, nhỏ phải đến đây. Nhỏ-phải-đến-đây!

Chẳng phải điều đó là quá khó sao?

Mỗi khi bản thân bị dồn vào góc tường như thế, nhìn thấy ai đó giơ tay mà kéo tôi ra sẽ làm tôi vui mừng. Đơn giản là vậy thôi. Việc tìm ra Chitanda quan trọng hơn bất kỳ thứ gì bà Yokote có thể biết.

Nhưng… thay vì nói một tràng như vậy tôi chỉ đúc kết thành một câu:

“Vì đã là bạn thì phải giúp đỡ nhau ạ.”

Bà Yokote chỉ nhìn tôi mà không nói gì. Có lẽ bà đang đánh giá xem có thể tin được bao nhiêu trong lời nói của tôi. Thực sự thì bây giờ đâu còn là lúc để nghi ngờ nhau nữa?

“Dù sao thì… vì muốn gặp Chitanda đầu tiên khi cậu ấy quay lại là lý do bà vẫn ngồi đợi ở đây phải không ạ?”

Bà Yokote dường như đã dao động.

“Bà muốn gặp cậu ấy ở đây, còn tụi cháu thì muốn gặp cậu ấy ở Jinde. Như thế chẳng phải bà và cháu có chung một mục đích sao? Như vậy đã là đủ chưa ạ? Bà sẽ nói cho cháu biết rằng cậu ấy đang ở đâu chứ ạ?”

“ ‘Tụi cháu” là gồm những ai nào?”

Hở, à ừ…

“Ibara cũng đang rất lo lắng ạ. Có lẽ sẽ tốt hơn nếu cậu ấy cùng đi và tìm thấy Chitanda. Kể cả bây giờ cậu ấy cũng đang chạy đôn chạy đáo để tìm kiếm nên có hơi khó để liên lạc… nói chung cháu cũng không chắc vì không còn nhiều thời gian nữa. Bà cảm thấy thế là không hay ạ?”

“Không hề.”

Vì lý do nào đó, bà Yokote đưa tay lên miệng như muốn che đi môt nụ cười. Đặt lại tay lên đùi, bà trả lời đầy mạnh mẽ:

“Ta hiểu rồi. Cháu nói cũng có lý. Dù biết rằng đứa bé đó sẽ đến đấy nhưng ta cũng bắt đầu thấy lo rồi. Ta sẽ nói cho nói những gì ta biết.”

Tôi gật đầu.

‘Đứa bé đó xuống xe ở trạm dừng Nam Jinde. Đến đó, rồi đi về phía tay phải hướng lên đỉnh núi cháu sẽ thấy một cái nhà kho có tường được trát vữa. Nếu muốn tìm một nơi để trốn thì chỉ có thể là ở đó.”

Bà Yokote đã nói là có gọi Chitanda lại trước khi nhỏ rời khỏi xe, và như bình thường chiếc xe buýt sẽ nhanh chóng rời đi. Tôi không biết cái nhà kho đó nằm xa đường lộ cỡ nào nhưng nếu phải đi lên đỉnh núi thì có vẻ là xa và sâu đây. Đó cũng là điều tôi thấy hơi kỳ lạ: bà Yokote có lẽ chỉ có đủ thời gian để nhìn thấy Chitanda rời khỏi xe. Nếu chỉ nhìn được một chút thì làm sao có thể trả lời tự tin như vậy?

“Bà có thấy cậu ấy đi vào nhà kho đó không ạ?”

Bà Yokote lắc đầu.

“Ta không thấy, nhưng không cần thấy ta cũng biết.”

Bà nói rất nhẹ nhàng, như vừa nhớ lại một ký ức dịu dàng nào đó của ngày xưa.

“Cái nhà kho đó thuộc về gia đình ta nhưng lâu rồi không dùng tới nữa. Hồi còn nhỏ xíu đứa bé ấy thường đến đó để trốn những người khác.”

Tôi đã nghĩ rằng bà Yokote thuộc kiểu hàng xóm thân thiết, nhưng nếu Chitanda có thể tùy nghi sử dụng cái nhà kho làm nơi trú ẩn thì có lẽ còn hơn thế.

“Bà Yokote có họ hàng với Chitanda phải không ạ?”

“Ta là cô của đứa bé ấy. Hôm nay sẽ có người bên nhà Chitanda vì công chuyện mà qua lại gần đó, nên để tránh những cặp mắt tò mò cháu không được đi thẳng vào nhà kho. Đầu tiên hãy đến căn nhà bao quanh bởi bờ giậu với tấm biển đề là “Nhà Yokote”. Đi qua khỏi bờ giậu luôn rồi đánh một vòng trở về phía sau nhà kho. Không có ai ở nhà vào lúc này cả, nhưng lỡ có và họ hỏi tại sao cháu ở đó thì cứ nói là ta nhờ cháu lấy đồ để quên. Thế thôi, cháu hãy nhanh lên.”

Nói xong bà giơ tay mà chỉ về cánh cửa sắt.

6

Jinde là một vùng được bao quanh bởi đối và núi ở phía đông phía thành phố Kamiyama. Trên phương diện pháp lý thì nơi này vẫn được xem là một quận của thành phố, nhưng thực tế hai vùng chỉ nối với nhau bằng những con đường gồ ghề nhỏ hẹp. Dân cư hai bên cũng ít khi tiếp xúc. Nói thế nhưng không có nghĩa Jinde quá tách biệt so với phần còn lại và việc Chitanda từ nhà đến trường mỗi ngày là một ví dụ. Lên và xuống những con dốc thực sự là một cực hình dù đạp xe thì chậm lắm cũng chỉ ba mươi phút là đi hết cả chặng. Đồng hồ lúc này đã chỉ bốn giờ ba mươi. Phải khởi hành thôi!

Bước ra khỏi Nhà văn hóa, tôi vừa định đi lấy xe thì một chiếc xe buýt đã xuất hiện và mở cửa cứ như đoàn hộ tống đến đón một tài tử nào đó. Tôi ngây ra, chân tay thì cứng ngắc như một con hươu bất ngờ bị đèn pha chiếu thẳng mặt. Không chỉ ở việc xe buýt thì chắc chắn nhanh hơn xe đạp mà nếu đi bằng xe buýt thì khỏi mắc công đi tìm đâu là điểm dừng Nam Jinde. Gặp ngay một chiếc xe buýt cứ phải một tiếng mới có một lần ngay lúc mình cần nó nhất – điều may mắn kinh khủng gì thế kia? Hay đó là bẫy? Ồ, cũng có thể là bẫy thật! Lỡ như nó hướng về nơi khác thì sao? Lỡ như tôi cả tin mà leo lên rồi nhận ra nhìn đang đi về hướng ngược lại thì sao? Và quan trọng là sẽ mất bao lâu để tôi có thể nhận ra rằng mình đã đi lộn? Cố gắng kiếm tấm biển đề tên trạm dừng, tôi thở phào một cái trước dòng chữ “Hướng về Jinde”.

“À, ừ rồi. Lên thôi.”

Không cần tính tới cú sốc hồi nãy thì tâm trí tôi lúc này đang chạy loạn lên rồi. Không nhận ra điều đó rốt cuộc tôi đã hô lên rất to lời vừa rồi với tài xế. Leo lên xe rồi ngồi vào ghế, tôi thở dài một cái thượt. Âm thanh của một thứ như là xi-lanh xì hơi vang lên khi cánh cửa từ từ đóng lại.

“Xe sẽ bắt đầu đi.”

Cỗ máy bốn bánh từ từ chuyển động sau lời thông báo. Đây là loại xe buýt mà khách tới nơi mới trả tiền.

Tôi vốn định xách xe đi tìm Ibara trước rồi mới đến Jinde nhưng chuyến xe bất ngờ này đã khiến kế hoạch thay đổi. “Đừng trễ xe buýt!” Tôi nhớ lại lời của người biên tập viên trong một chương trình ti-vi từng xem. Không biết mình có tiền không nhỉ. Tôi chắc rằng mình có mang ví. Lục tìm trong túi rồi lấy ví ra, tôi nhẹ nhõm khi thấy tờ một ngàn yên duy nhất. Ít ra thì cái viễn cảnh phải đi rửa chén để trả tiền xe buýt đã không còn dù rằng ý định mua cuốn truyện chữ đành phải bị dời lại. Chán thật, nhưng có lẽ đời là thế.

Có chưa đến mười người trong xe tính cả tôi. Phải một lúc sau khi rời khỏi Nhà Văn hóa chúng tôi mới đến khu dân cư với những căn nhà cổ, tất cả cũng là do kẹt xe vì đường ở đây rất hẹp. Tôi mơ màng nhìn ra ngoài cửa sổ với những khung cảnh quen thuộc thay nhau lướt qua: một hàng bánh kẹo với món yomogi dango [note3063] ngon tuyệt, một hàng sách với các ngăn trên cùng đều bỏ trống vì người chủ đã không còn với tới được, một cửa hiệu giặt là mà lúc tôi còn nhỏ từng bán vải may kimono, một cửa hàng tiện lợi không bán thuốc lá…

Điểm dừng tiếp theo được thông báo trên loa và ai đó đã bấm nút để đi xuống. Hai người xuống và một người lên. Điểm dừng kế tiếp cũng được thông báo. Vừa tính nhìn đồng hồ tôi đã ép mình quay mặt đi ngay. Dù có trăm phương vạn kế để đến với Chitanda nhưng tôi đã chọn cách này. Việc biết lượng thời gian còn lại trong tình cảnh mà có muốn cũng không làm gì hơn được chỉ tổ làm tôi thêm sợ hãi.

Rồi thì xe cũng bỏ lại khu dân cư mà tiếp tục băng qua một giao lộ có trạm xăng to bằng bốn chiếc máy bay tiêm kích ở một bên, trong khi bên còn lại là một tiệm bánh hamburger phục-vụ-tại-xe. [note3064] Tốc độ xe có phần được nhanh hơn khi qua hết đoạn đường vòng. Dựa cùi chỏ lên thành cửa sổ, tôi nhìn ra ngoài mà suy nghĩ thêm một chút…

Ban đầu bà Yokote gọi Chitanda là “con gái nhà Chitanda”, nhưng trò chuyện một hồi bà đã đổi cách xưng là “đứa bé”. Tôi không dám chắc điều gì nhưng có một cảm giác rằng bà đã cố không dùng từ “đứa bé” khi nói chuyện với bà cô Danyabashi. Vài người sẽ cho rằng đơn giản chỉ là bà muốn giữ tính lịch sự nhưng tôi thì nghĩ cách biểu đạt đó có ý nghĩa phức tạp hơn – đó là cách gọi mà bà không muốn để lộ cho người không thân thích biết.

Bà Yokote cũng gọi Chitanda là “con gái nhà Chitanda”, “người thừa kế nhà Chitanda” và rồi, chỉ khi sau tất cả, bà mới cho tôi biết quan hệ của hai người là cô ruột với cháu. Tôi chẳng biết chi tiết chuyện là như thế nào cũng như việc mình nó nên biết hay không, nhưng mỗi khi nghĩ về một Chitanda Eru mà mình biết – Hội trưởng CLB Cổ Điển trường Cao trung Kamiyama – bị bao vây trong những danh xưng ấy, tôi lại như phải chịu chứng say từ những con sóng không ngừng vỗ vào bầu tâm trí. Tôi cũng chẳng biết chính mình lúc này có đang bị bệnh không nữa.

Chitanda đã xuống xe trước khi đến nơi cần đến.

Tại sao nhỏ làm thế? Câu hỏi đó cứ lởn vởn trong đầu khi tôi không biết làm gì khác ngoài việc chờ cho xe đến trạm dừng mong muốn. Có những con đường khác nhau nối Jinde với thành phố Kamiyama, và lộ trình xe buýt đang đi cũng khác với đường tôi thường đi bằng xe đạp. Tự dưng tôi chột dạ mà nghĩ rằng xe bắt đầu đi sai hướng, rồi nhận ra rằng đây chỉ là một con đường song song mà nhẹ nhõm ngồi lại vào ghế. Tôi tiếp tục đợi.

Xe rốt cuộc cũng tiếp cận tới vùng núi. Lướt qua những mảng đồi trọc, con đường bắt đầu trở thành những cung quẹo gắt hết trái lại phải và cơ thể tôi cũng đành phải nương theo. Cảm giác choáng váng này hệt như lúc bị say trong hồ nước nóng nhà người thân Ibara vậy. Không biết có thật không chứ tôi từng nghe ở đâu rằng chứng say xe thực chất chỉ là do tâm lý không ổn định mà ra, vì vậy khi xe bắt đầu lên dốc tôi phát trong đầu bài hát “Tôi nào sợ say xe?” mà ngân nga theo giai điệu đó.

Âm thanh ầm ồ của việc phải chuyển động ở số nhỏ [note3065] từ từ dịu lại khi xe được đi trên đoạn thẳng. Chúng tôi dừng lại trước một cột đèn giao thông, thứ mà đã lâu rồi tôi không thấy, và ngay sau đó là tiếng thông báo bằng loa:

“Trạm kế tiếp là Nam Jinde. Trạm kế tiếp là Nam Jinde.”

Tôi nhấn nút để yêu cầu xuống trạm. Không lâu sau khi xe chuyển động lúc đèn xanh được bật, nó từ từ chậm lại rồi dừng. Cửa mở ra. Lần này là thông báo được phát từ chính miệng của tài xế bằng một giọng khàn đặc kỳ lạ: “Đã đến N… Nam Jinde.”

Trả tiền xong tôi xuống xe, và hành động tiếp theo là hít một hơi sâu. Nghĩ rằng mình vẫn ổn nhưng xem ra chắc là tôi còn say một chút. Không khí mát rượi thật dễ chịu. Sáng nay có mưa ở Jinde nhưng mặt đường lúc này đã không còn dấu vết của nước. Nắng tháng bảy không nhiều nhưng có lẽ đã đủ để hong khô những giọt mưa. Tuy vậy bấy giờ trên bầu trời chỉ toàn là mây đen. Mùi mưa cũng lan tỏa trong không khí. Thôi rồi, tôi không có mang dù.

Đảo mắt xung quanh tôi nhận ra con đường khi xe buýt đến đây được xây trên một triền dốc. Đất phía phải thì dốc lên, còn phía trái thì hướng xuống những thửa ruộng ánh lên màu xanh rạng rỡ của mùa hè. Đất không dùng trồng trọt ở đây không nhiều nên nhà dân cũng được xây cách xa nhau, mà tạo thành những chấm như trang trí thêm vào bức tranh phong cảnh. Không thể ước lượng khoảng cách thực sự nhưng bằng một cách nào đó tôi có thể chỉ ra con dốc sẽ còn lên cao hơn nữa, vượt qua những dãy đồi xanh thẫm là vùng núi Kamikakiuchi quanh năm tuyết phủ.

“Cái nhà kho…”

Vừa lẩm bẩm tôi vừa nhìn quanh lần nữa. Bà Yokote có bảo là cứ nhìn bên phải con đường, như vậy là nó sẽ ở trên đồi.

Đằng kia! Cứ sợ là nhiều nhưng hóa ra chỉ có một. Cũng không xa đây lắm. Từ nơi tôi đang đứng nửa dưới của nhà kho bị che khuất bởi một hàng rào bằng gỗ nhưng tôi vẫn nhận ra nhờ cái mái hình tam giác và tường rõ là được trét vữa trắng, cùng một cặp cửa đôi trên tầng hai nhằm mục đích thông gió và hướng ánh sáng vào trong. Chẳng có nhà nào bao quanh nó cả. Cái nhà kho cứ trơ trọi một mình trên đồi tạo nên một khung cảnh kỳ dị.

Băng qua đường, tôi tiến thẳng tới mục tiêu nhưng may sao kịp nhớ lại lời cảnh báo của bà Yokote: đi đường vòng, tránh người lạ. Phải khi đường vòng đúng là phí phạm năng lượng thật nhưng tôi cần phải tôn trọng người đã chỉ cho mình nơi này. Nghĩ vậy tôi bèn đi kiếm căn nhà có bờ giậu bao quanh.

Vài chục mét tính từ nhà kho tôi nhận ra một ngôi nhà có vẻ phù hợp với miêu tả. Ngôi nhà trông đầy phóng khoáng và vững chãi với mái lợp gạch. Nhìn qua khe hở giữa bờ giậu tôi thấy một cái cột đá đứng cạnh một thân cây cỡ đại. Không thể đem ra so với dinh thự nhà Chitanda nhưng đây vẫn là một cơ ngơi ấn tượng.

“Vậy là phải tới đó à?”

Dù đã được bà Yokote cho phép nhưng tôi vẫn thấy lo. Có lẽ nào đây là một âm mưu do bà sắp đặt, để rồi ngay giây đầu tiên bước vào tôi sẽ bị phát hiện và buộc tội xâm nhập gia cư bất hợp pháp?

Nghĩ vớ vẩn.

Lúc này tôi mới dám nhìn đồng hồ. Bốn giờ năm mươi, như vậy khoảng thời gian trên xe buýt là tầm hai mươi phút. Có lẽ việc bà Yokote nói rằng đi một giờ và đến lúc một giờ ba mươi chỉ là áng chừng. Tấm thời gian biểu cũng có nói rằng chuyến tiếp thoe đến Nhà Văn hóa sẽ khởi hành vào lúc năm giờ mười.

“Vậy thì còn kịp.”

Tôi có hai mươi phút để kéo Chitanda ra khỏi cái nhà kho đó. Nếu nhỏ hóa ra không tới đây thì coi như tôi đã làm hết cách và Ibara cũng không thể trách được.

Có cái gì lạnh lạnh đập vào má. Tôi chạm tay vào và nhận ra nó ướt. Con đường dưới chân bắt đầu lấm tấm những hạt đen…

Trời mưa rồi.

“Đùa nhau sao?”

Thường có nguy cơ những cơn mưa rào buổi chiều sẽ chuyển lớn. Tôi đã cố gắng hết sức nhưng có lẽ ông trời vẫn còn muốn thử thách. Hít thở sâu một cái cuối, tôi lao về phía ngôi nhà có bờ giậu.

7

Vòng qua ngôi nhà có hàng giậu rồi quay lại, lúc này tôi đã đứng trước cửa nhà kho.

Tới lúc này mưa vẫn chưa chuyển lớn nhưng vẫn đủ khiến cảnh vật như bị lồng trong một cái khung lờ mờ. Mái hiên không đưa ra nhiều và khó có thể coi đây là một chỗ trú mưa tốt. Hy vọng là gió lặng. Nhờ dãy hàng rào gỗ che chắn mà một thằng trông như học sinh trốn học như tôi mà đỡ lo về việc bị phát hiện khi đứng đây. Nhưng mừng bao nhiêu thì cũng lo bấy nhiêu: nếu tôi còn vào được thì gặp phường trộm cướp sẽ ra sao? Có lẽ đúng như bà Yokote đã nói – nơi này không còn chút giá trị nào với họ nữa.

Cửa nhà kho trông có vẻ dày và được trét vữa. Ban đầu còn nghĩ là cửa này chống cháy nhưng khi nhìn thấy cốt gỗ bên trong tôi đã biết mình sai. Đinh tán – loại to bằng cỡ nắm tay con nít được đóng thành một dãy từ trên xuống dưới khiến cánh cửa trông cực kỳ vững chãi. Có một cái lỗ chỉ ra rằng có thể khóa cửa nhưng vật quan trọng nhất là cái khóa thì không có ở đây. Xem ra chẳng phải nhọc công tìm chìa. Rê cánh tay dọc theo cột đinh tán, tôi lẩm bẩm:

“Rồi, giờ thì làm gì đây.”

Trước tiên phải biết được Chitanda có thực sự ở trong hay không đã. Tôi nghĩ mình chỉ cần đến và gõ cửa.

Vào lúc đó, một âm thanh ngọt ngào vang lên mà quyện hòa cùng tiêng mưa rơi. Ghé sát tai vào cửa, tôi im lặng mà lắng nghe

“Là… lá… la…”

Không phí quá nhiều thời gian để tự hỏi đây là ngôn ngữ gì tôi đã nhận ra. Tiếng xướng âm. Để kịp cho buổi trình diễn nhỏ đã khởi động ngay tại đây. Mải mê nghe tôi đã chẳng nhận ra những ngón tay của mình đang gõ theo nhịp… vào cánh cửa.

Âm thanh trong nhà kho im bặt ngay. Với người ở bên trong thì tiếng gõ lọc cọc của tôi có lẽ chẳng khác gì một tình tiết trong phim kinh dị. Để trấn an Chitanda tôi bèn lên tiếng:

“Chitanda, cậu ở trong đó hả?”

Áp tai lại vào cửa nhưng lần này lại chẳng nghe gì, tôi bèn gọi thêm một lần rồi áp tai vào đúng chỗ cũ.

“Cậu có trong đó không?”

Đáp lại là một âm thanh run run như thì thầm: “… Oreki-san à?”

Tốt rồi. Chitanda ở đây đúng như bà cụ Yokote đã dự đoán, dù không lâu trước tôi còn bán tín bán nghi.

Trông kềnh càng nhưng dường như cánh cửa khá mỏng nên tôi có thể nghe được tiếng thì thầm của Chitanda. Giọng nhỏ gần đến ngạc nhiên.

“Tại sao cậu lại ở đây?”

Nhỏ muốn biết lý do hay là cách mà tôi đến được đây nhỉ? Kệ, cứ trả lời cả hai vậy.

“Ibara đang tìm cậu khắp nơi nên tớ cũng tới giúp. Nhờ suy đoán của một bà cụ tên là Yokote mà tớ đến được đây.”

“Vậy à…”

Sau một quãng ngừng, nhỏ tiếp tục nói bằng một âm điệu như không còn sức sống.

“Tớ xin lỗi.”

Không có lý do gì để nhỏ phải xin lỗi cả. Vờ như mình không nghe thấy, tôi nói:

“Ở ngoài đây khó nghe lắm. Tớ mở cửa được chứ?”

Chúng tôi có thực là chỉ cách nhau một cánh cửa, hay là vạn lý thiên thu thế này?

“… Vâng.”

“Nếu cậu không muốn thì tớ sẽ không mở. Xin lỗi.”

Bà Yokote đã nói rằng đây là “căn cứ bí mật” của Chitanda. Theo tình hình hiện tại dù có xông vào mà không báo trước thì có lẽ Chitanda sẽ thông cảm… nhưng tôi vẫn thấy kỳ. Mưa không quá nặng hạt nên vẫn có thể nói chuyện qua cánh cửa… Tôi vừa nghĩ đến điều đó thì Chitanda đột nhiên trả lời:

“Không, không sao cả. Chỉ là… tớ đang là một mớ lôi thôi nhếch nhác.”

Im lặng, rồi lần này Chitanda lên tiếng với giọng điệu như mỉa mai mình.

“Oreki-san chắc là ghét tớ lắm. Nhiệm vụ thì chỉ có một nhưng tớ lại bỏ trốn. Chắc chắn là mọi người đều nghĩ tớ là đồ rắc rối. Tớ đúng là… tồi tệ hại.”

Rắc rối thì hơi hơi, nhưng ghét thì không bao giờ.

“À thì đúng là đã trễ buổi giới thiệu vào lúc hai giờ, nhưng tớ biết rằng cậu định sẽ đến vào lúc sáu giờ phải không? Ý tớ là, dù sao thì nãy giờ cậu cũng luyện quá trời.”

Nhỏ hỏi lại ngay:

“Cậu có nghe sao?”

“Ờ, một chút đoạn cuối.”

“…”

“Không phải tớ cố ý nghe trộm đâu. Chỉ là vô tình mà thôi.”

Trong một thoáng tôi chỉ được nghe âm thanh của mưa. Càng ngày việc đứng dưới cái mái hiên hẹp với mặt quay vào cửa càng trở nên mệt mỏi, tôi bèn tựa lưng vào tường, nuốt nước miếng rồi tiếp tục:

“Vậy… bây giờ thế nào? Cậu có đi được không?”

Nhỏ khẽ đáp:

“Cậu không định nói là tớ phải đi à?”

Chitanda thì không thấy, chứ hai vai tôi đã buông lõng.

“Nếu cậu không thể thì tớ cũng không ép. Bà cô tên Danbayashi đã bắt đầu tính đến chuyện chọn người hát thay rồi. Chắc chắn sẽ có một hay hai người thay thế được vị trí của cậu.”

“Tớ không thể làm thế.”

Tôi chưa từng nghe những âm thanh mỏng manh như thế này phát ra từ nhỏ.

Một con sên đang bò trên tấm gỗ hàng rào trước mặt tôi. Nó ở đây tự lúc nào? Thơ thẩn nhìn con sên, tôi nói:

“Nhưng cậu không thể hát mà, đúng không?”

Mãi hồi sau tôi mới nghe một lời đáp đầy cảnh giác:

“Oreki-san. Cậu đã biết điều gì đúng không?”

“Không, không hẳn. Xin lỗi vì đã làm như là mình biết cái gì nhé. Tớ không biết đâu.”

Nhỏ trả lời:

“Cũng đúng thôi… vậy ra đúng là tớ có vấn đề thật.”

Đám cỏ dại dưới chân tôi trở nên óng ánh mà hơi trĩu xuống vì những hạt mưa phùn. Con sên trên hàng rào có vẻ muốn bò lên cao hơn, nhưng chưa có tiến triển gì.

“Tớ không biết tất cả, nhưng nghĩ rằng mình có hiểu một chút.”

Tại sao Chitanda lại xuống xe.

Lúc này tôi tự hỏi Chitanda trông như thế nào. Rồi nhỏ cũng lên tiếng, hệt như một đứa bé đòi tôi kể truyện.

“Xin hãy nói cho tớ nghe.”

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi làm vậy? Nếu thực sự đúng về nỗi mâu thuẫn Chitanda đang giữ trong lòng thì tôi có thể cho nhỏ một sự cứu vớt nào không? Làm sao tôi có thể chắc là mình đúng. Thật là ngớ ngẩn. Tốt hơn tôi nên im lặng…

Không có âm thanh gì từ bên kia cửa, có lẽ nhỏ đang chờ…

Tôi nhìn đồng hồ, vẫn còn một chút thời gian trước khi xe đến…

Hình như có một truyện ngụ ngôn mang bối cảnh ý hệt như thế này. Vậy vai của tôi trong truyện là gì? Nhà thông thái, hay là đấu sĩ can trường? Phải chăng tôi chỉ là một chàng vũ công hòa vào điệu múa của người kép chính? Một điệu nhảy kỳ quặc, nhưng nếu ngôi sao của biểu trình diễn muốn vậy thì tôi sẽ phải nhảy. Dù là nông cạn hay sai lầm thì tôi cũng phải nói.

“À thì, tớ chỉ nghĩ có khi nào…”

Hớp một ngụm không khí lớn, tôi nhìn lên bầu trời đang đổ mưa không ngớt. Nhìn vào những vầng đen vô định kia.

“… cậu đã được bảo là không cần phải kế thừa cơ nghiệp của gia đình?”

Kế đến chỉ là tiếng mưa. Năm giác quan của tôi ong ong lên bởi những thanh điệu nhiễu nhặng xì xào.

Suỵt!

“Cậu có nhớ cái buổi mà Ibara đưa ra một bí ẩn để cả bọn cùng giải không? Chuyện về tách cà phê ngọt quá mức cần thiết ấy. Hôm đó cậu khá là xao lãng và điều đó không bình thường chút nào. Ban đầu tớ chỉ nghĩ là mỗi người đều có những ngày khó ở, nhưng rồi lúc chuẩn bị rời khỏi phòng tớ có nhìn lại cuốn sách cậu đang đọc. Hóa ra là tớ đã không nhầm – đó là một cuốn cẩm nang hướng nghiệp phải không? Nên chọn đại học nào sau khi tốt nghiệp cao trung, sẽ theo đuổi chuyên ngành nào rồi cụ thể sau này mình sẽ làm việc gì. ‘Cẩm nang hướng nghiệp’ là thứ chứa tất cả lựa chọn đúng chứ?”

Nhờ mái hiên nên tôi vẫn an toàn dưới cơn mưa trừ việc bàn chân đã bắt đầu thấy ướt. Mưa mùa hè mà, ướt chứ không lạnh.

“Tụi mình đã lên năm hai và việc bắt đầu nghiên cứu những loại sách như vậy là bình thường… nhưng tớ lại thấy lạ. Ibara và Satoshi sẽ phải suy xét về con đường tụi nó muốn đi trong tương lai, nhưng cậu thì khác. Trong dịp đi viếng đền đầu năm hay ở lễ hội Búp bê sống vào tháng tư, tớ đã được chứng kiến cậu hành sự với tư cách một người con nhà Chitanda như thế nào. Cậu đã chọn con đường của mình sớm hơn tất cả bọn tớ – ít nhất thì lẽ ra là vậy. Chẳng có lý do gì kiến cậu phải chăm chú vào một cuốn sách hướng nghiệp cả.”

Bấy giờ tôi chỉ vô tư mà nghĩ rằng có thể nhỏ muốn tham khảo về những hướng đi mà mình đã bỏ qua. Tuy nhiên, với mọi thứ đã và đang diễn ra trong ngày hôm nay tôi bắt đầu lo ngại về một khả năng khác.

“Và rồi đến trưa nay, tớ nhận được điện thoại của Ibara báo rằng cậu mất tích. Tớ biết là cậu có lý do, và phải tới khi đọc những thứ mà cậu sẽ phải hát tớ mới nghĩ đến một giả thuyết.”

Đúng hơn là lý do đó chỉ nằm trong đoạn bà cô Danbayashi đã chỉ ra.

“Satoshi có nói thế này: trong sáng tác của mình nhạc sĩ Sandou Enjima thường tôn vinh những giá trị đạo đức một cách không ngại ngần, vì vậy nhiều tác phẩm bị cho là quá mang tính giáo huấn và ông ấy chưa boa giờ được coi là nghệ sĩ lớn.”

Được nằm dưới trời, bầu trời rộng thênh.

“Đoạn solo của cậu bày tỏ sự ngưỡng mộ vô bờ tới tự do.”

Nếu Satoshi không đề cập tới chuyện đó thì có lẽ tôi đã không thể liên kết cái cảm giác kỳ lạ nơi đầu lưỡi với sự mất tích của Chitanda. Khi chơi cờ shogi vói cháu họ của mình hắn có thể thả cho thắng, nhưng tuyệt nhiên không chịu nói là “Anh chịu thua”.

“Tớ cũng có một câu truyện gần giống như vậy. Hồi xưa khi dự đám cưới của một người thân trong gia đình tớ bị bắt phải hát thánh ca. Lẽ ra đó là một việc đơn giản vì lời bài hát cũng chỉ quanh quẩn trong tôn vinh Chúa Giê-su và Đức Mẹ Maria nhưng không, tớ đã không thể hát. Tôn vinh một thứ trong khi chưa có đức tin, chẳng phải thế là xúc phạm với những người thực sự tin vào Chúa hay sao?”

Dối trá đặt đánh nặng lên tâm can.

“Nếu là bất cứ cái gì khác thì chuyện đã không là vấn đề, và tớ tự hỏi là cậu – với tình hình hiện tại – liệu có thể hát một bài tôn vinh sự tự do hay không?”

Chitanda còn ở bên kia cánh cửa chứ? Nhỏ không nói, đúng hơn là không gây ra đến một tiếng động. Dù vậy tôi vẫn muốn tiếp tục màn độc thoại:

“Cho đến tận gần đây thôi, thì tương lai của cậu – xin lỗi nếu tớ có khiếm nhã – không phải là thứ tớ có thể coi là “tự do”. Tớ chắc rằng cậu có những suy nghĩ của mình, nhưng có một sự thật không thay đổi là rồi cậu cũng sẽ kế thừa cơ nghiệp nhà Chitanda. Và, nếu chỉ dừng lại ở đó thì tớ không thấy một lý do gì khiến cậu có vấn đề với bài hát cả. Chắc hẳn trước ngày hôm nay cậu đã có những buổi tập luyện bình thường và ngay từ đầu cậu cũng chẳng từ chối đoạn solo. Như vậy chỉ mới đây thôi tình hình đã thay đổi.”

Có lẽ là trước cái ngày Ibara kể chuyện về tách cà phê.

“Và nếu nó khiến cậu không thể hát thì… chẳng phải nghĩa là cậu đã cảm thấy mình ‘tự do’?”

Không một lời xác nhận hay phủ nhận.

“Một người đã luôn sống và làm những thứ mình muốn trong khi vẫn hiểu là một ngày nào đó mình sẽ kế thừa cơ nghiệp của gia đình. Đối với cậu đó là một sự thật không bao giờ thay đổi… nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu đột ngột bị bảo là nó sẽ thay đổi? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu cậu, có thể là chỉ trong một đêm, được ba mẹ cậu bảo là không cần phải lo lắng về việc kế nghiệp gì hết mà hãy sống cuộc sống của mình?”

Bà cụ Yokote có lẽ cũng nghĩ rằng việc người cháu gái của bà trở thành người kế nghiệp là đương nhiên và vì lẽ đó sẽ quay lại để hoàn thành bổn phận của mình, nhưng liệu bà có còn nghĩ vậy nếu Chitanda không còn được đặt vào cái khuôn đó?

“… Cậu sẽ không biết phải làm sao.”

Trên vai tôi không mang một vai thứ nào to lớn. Đó chỉ là chuỗi ngày lười biếng trung thành với phương châm “tiết kiệm năng lượng” mà mình đã đặt ra. Có lẽ tôi không thể hiểu những gì Chitanda đang mang trong lòng hay đúng hơn, là tôi không có tư cách để hiểu bất cứ thứ gì trong số đó – thế mà lại dám khẳng định như đúng rồi. Thật nực cười mà.

“Trước hàng trăm con người như vậy cậu có thể hát bài hát đó mà bảo rằng mình tự do? ‘Nhưng dĩ nhiên vì cậu đã chấp nhận nhiệm vụ này nên bằng mọi giá cậu phải làm. Không thể đặt cả ban hợp xướng vào thế khó chỉ vì vấn đề của riêng mình. Dẹp nó qua một bên mà hát đi. Đó là nghĩa vụ. Đừng coi tất cả chỉ là việc của mình…’ Tớ đồ rằng đó là những lời mất lòng nhưng hợp lẽ và bất kỳ ai biết chuyện của cậu cũng sẽ nói với cậu...”

Thực tế là vậy. Ibara thì có lẽ không. Satoshi thì càng không. Nhưng sẽ có người nói.

“Nhưng tớ… dù mọi suy đoán ban nãy có đúng đi nữa thì tớ sẽ không trách cậu.”

Có quyền gì mà trách?

Mùa mưa đã qua từ lâu nhưng cơn mưa phùn xôm xốp, lằng lặng của hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu tạnh bớt hay chuyển lớn. Con sên trên hàng rào đã biến mất. Nó đã chậm nhưng chắc mà lên được tới đỉnh hay là rớt xuống đám cỏ bên dưới. Tôi không thể biết được.

Từ bên kia cánh cửa phát lên những âm thanh khe khẽ:

“Oreki-san.”

“Tớ nghe đây.”

“Dù được bảo là cứ sống theo những gì mình muốn… Dù được bảo là có thể chọn bất cứ công việc nào… Dù được bảo là nhà Chitanda rồi sẽ ổn nên tớ không cần lo…”

Giọng nói của nhỏ, lại một lần nữa bị lạc đi thành sự tự mỉa mai mà thốt lên lời cuối cùng.

“Dù bây giờ đã được ban đôi cánh… nhưng tớ phải làm gì đây?”

Không còn một lời nào hết.

Gánh nặng Chitanda luôn mang trên mình giờ đây đã được giỡ bỏ. Thế à? Vậy tại sao tôi đột nhiên muốn đấm vào một thứ gì đó với tất cả sức lực của mình. Để làm tan nát nó. Để tự làm bàn tay này rỉ máu.

Đồng hồ đã chỉ năm giờ sáu phút. Chưa đầy bốn phút nữa chuyến xe buýt hướng về Nhà Văn hóa sẽ đến.

Lời cần nói đã nói. Việc phải làm đã làm.

Những gì còn lại, dù có khiến tôi đau khổ đến thế nào, cũng chỉ là giành cho Chitanda.

Mưa vẫn rơi. Trong nhà kho không còn giai điệu nào được cất lên nữa…

Truyện Chữ Hay