1
Băng qua khu dân cư rồi men theo con đường hướng về vùng đông bắc thành phố Kamiyama, tôi giáp mặt một con dốc dài. Bàn chân ấn xuống pê-đan bắt đầu trở nên nặng nhưng không đến nỗi khó chịu. Con dốc đủ thoải để không bắt tôi đứng lên đạp, nhưng đủ dốc để khiến thân nhiệt dần tăng lên.
Hai bên đường đã xuất hiện những mảng rừng thưa và lọt vào tầm mắt tôi là những khoảnh đất lấm tấm tuyết. Âm thanh báo hiệu sự tồn tại của con người đột nhiên tan biến cứ như một thảm họa thầm lặng nào đó vừa xảy ra vậy.
Nhìn nhận trên phương diện lịch sử thì vùng đồi núi phía đông bắc thành phố Kamiyama vốn là một ngôi làng độc lập có tên đàng hoàng, Satoshi nói vậy, và thực tế nó được biết nhiều hơn với cái tên địa phương là Jinde. Đoạn đường trở nên ngày càng dốc. Dù những dấu hiệu báo mùa xuân đã dần hiện rõ nhưng cái lạnh của buổi sáng vẫn hóa trắng những làn hơi hắt ra từ miệng tôi, mà nhẹ tan vào khí quyển.
Trên đỉnh hiện ra một ngôi đền. Nhân tiện mà nói thì đây không phải lần đầu tôi đạp xe qua nơi này. Lần đầu là thằng bạn chí cốt Satoshi chỉ và lần hai là khi cả bọn đi ăn mừng chiến tích kỳ diệu của CLB Cổ Điển tại Lễ hội văn hóa, nhưng trong cả hai lần tôi đều đã không để ý rằng trên đây có một ngôi đền. Có lẽ vì cả hai tôi đều bận trò chuyện chăng? Còn hôm nay, lần ba, tôi đi một mình. Ai có thể nghĩ rằng một Oreki Houtarou, người đường đường chính chính là một tiết-kiệm-năng-lượng gia lại dậy sớm và đạp xe đến ngôi nhà xa xôi như thế này. Nếu là một năm trước thì đúng hư cấu thật, nghĩ thế tôi phì cười.
Đền thờ này thờ đức Địa Tạng Viên Quang[1]. Dừng lại một lúc, tôi bước xuống xe và đưa một tay kính lạy đức Phật.
Sau ngôi đền là đoạn dốc xuống. Tôi có thể thấy những bông tuyết còn vương trên những đồng lúa. Ánh nắng mặt trời từng tia một như cố xuyên qua làn không khí lạnh giá. Ngọn đồi này không quá cao nên tầm mắt cũng chẳng phóng xa được mấy. Tuy nhiên, nằm giữa những thửa ruộng bát ngát và nổi bật hơn hẳn những ngôi nhà lác đác xung quanh là một dinh thự được bao bọc bởi một hàng rào trắng có hình thù kì lạ. Trong vườn còn trồng một cây thông cỡ bự - đó là hai trong các dấu hiệu cho biết đó là dinh thực của gia tộc Chitanda. Từ đây ai cũng có thể áng chừng rằng đó là một căn nhà lớn nhưng tin tôi đi, bạn sẽ há hốc mồm khi bước vào không gian rộng rãi đến nực cười của gian nhà chính, hay những chi tiết đầy tinh xảo trên các thanh gằng cửa và đó là chưa nói đến việc vào phòng…
Nhưng đó không phải đích đến của ngày hôm nay, tôi quay mặt đi. Sau dinh thự nhà Chitanda là một con sông chia cảnh quan về hai bờ. Một ngôi đền nhỏ được xây ở bờ bên kia, núp sâu vào lòng của một ngọn núi khó có thể coi là bao phủ bởi một màu xanh tốt. Tôi không nhìn thấy gian điện vì thứ duy nhất ngôi đền chìa ra tầm mắt là những lá cờ…
Đích đến đây rồi. Đền Mizunashi.
Chuyện bắt đầu từ hai ngày trước.
Tôi đang uể oải trên giường, lia mắt qua từng dòng của một cuốn truyện chữ cỡ dày chả biết đến hồi kết tới khi điện thoại reo.
“Xin chào. Xin lỗi vì làm phiền cậu trong ngày nghỉ.”
Là Chitanda. Trung thành với bản chất tiểu thư là chất giọng nhỏ nhẹ kèm phong thái rất ư lịch thiệp… và đó là bề nổi. Khi mặt đối mặt tôi luôn như bị thôi miên bởi đôi mắt to tròn chứa đầy sự hiếu kỳ của nhỏ, và quá nhiều sự kiện trong quá khứ đã khiến tôi nhận ra nhỏ không phải chỉ là một tiểu thư đài các. Còn nếu không thấy mặt, như trò chuyện điện thoại, thì vẫn thế - một quý cô lịch thiệp.
“Cũng chả phải đang nghỉ ngơi gì.”
“Ể? Oreki-san phải đi học phụ đạo sao?”
“Không phải…”
Tôi tự biết thành tích học tập của mình không phải loại chói sáng ở Cao trung Kamiyama nhưng là quá thừa để phải nhận thông báo phụ đạo. Ở đầu bên kia Chitanda đáp bình thản:
“Tụi mình đang nghỉ xuân.”
Đúng rồi. Tôi đang nghỉ xuân bằng một thái độ bất cần chưa từng thấy.
“Xin lỗi vì đường đột, nhưng…”
Thông qua ngữ điệu có thể thấy Chitanda thực sự cảm thấy có lỗi. Tôi như nín thở chờ nhỏ nói lên lý do…
“Ngày mốt cậu có việc bận gì không?”
Tôi liếc về tờ lịch. Ngày mốt chả có gì. Mốt nữa, mốt mãi… nói chung cả cái kỳ nghỉ đều trống trơn. Nếu bà chị yêu dấu ở đây thì kiểu gì tôi cũng bị dắt khi khắp nơi, nhưng ơn trời con người đáng sợ đó đã du hí tận Nanki[2] mà bỏ tôi yên bình ở nhà.
“Không.”
“Vậy sao. Thật tốt quá.”
Quá dễ để nhận ra cái thở phào nhẹ nhõm của nhỏ. Chitanda tiếp tục:
“Ưm, Oreki-san. Tớ biết rằng chuyện này là đường đột và phiền hà, nhưng cậu có thể cầm ô cho tớ được không?”
Vẫn giữ tai nghe, đầu tôi nghiêng qua một bên chả biết tự lúc nào.
Nếu tháng bốn này là của năm ngoái thì tôi sẽ cực kỳ rối rắm mà tự hỏi “cầm ô” có phải từ lóng đặc biệt nào không, nhưng đây là Chitanda tôi đã quen biết một năm trời. Nhỏ luôn có tật nhảy cóc qua khoản giải thích khi nhờ ai điều gì.
“… Giải thích từ đầu đi.”
“Từ đầu sao? Được rồi. Bắt đầu từ sau thời chiến quốc…”
“A không! Ý là… từ giữa… và theo một cách mà tớ có thể hiểu được.”
Có lẽ chính Chitanda cũng nhận ra cái tật của mình. Ngượng ngùng, nhỏ nói khẽ:
“Xin lỗi nhé, tớ không giỏi giải thích lắm.”
Tôi có thể nghe một tiếng tằng hắng – dấu hiệu cho thấy nhỏ đã sắp xếp xong câu chữ.
“Đại thể là ngôi đền gần nhà tớ sắp tổ chức Lễ hội Búp bê. Sẽ có các nhân vật Vua, Hoàng hậu, Đại thần[3] và ba Nữ Tư tế. Hồi xưa còn có thêm một đội ca kỹ năm người nữa nhưng vì càng ngày tỉ lệ sinh càng giảm nên đã được lược bớt.”
“Ra vậy…”
Tôi hoàn toàn không hiểu tại sao sự giảm tỉ lệ sinh lại khiến số búp bê bị giảm bớt. Tuy nhiên, có một mâu thuẫn quan trọng hơn: Lễ hội Búp bê lẽ ra phải được tổ chức vào tháng Ba.
“Chẳng phải trễ hơn một tháng rồi sao?”
“À đúng, nhưng là vì bên này họ dùng âm lịch.”
Câu nói đó khiến tôi phân vân giữa hai lời đáp “Vậy à?” và “Rồi sao?” Có nhiều nơi tổ chức theo âm lịch không nhỉ? Không đợi tôi Chitanda tiếp tục:
“Phải có người cầm ô cho búp bê, nhưng… người luôn nhận trọng trách này trong nhiều năm vừa bị gãy tay trong một vụ tai nạn. Tớ thực sự không muốn làm phiền, nhưng bên tớ đang thiếu nhân lực. Tớ cũng đã cố hỏi người quen quanh đây nhưng không ai có thể cả. Bộ trang phục được may vừa khuôn nên không phải ai cũng mặc được. Với Fukube-san thì quá to… nhưng tớ nghĩ sẽ rất hợp với cậu.”
Chitanda dừng lại một quãng, trước khi bồi thêm một lời đầy mong đợi:
“Lễ chỉ chưa đến một tiếng thôi. Giúp tớ nhé.”
Tôi nhận ra mình đang nhăn mặt.
Cơ bản tất cả những gì tôi sẽ làm là cầm ô che cho một cái quầy búp bê. Nói thật là chẳng hay ho gì cả, và lời ngon tiếng ngọt của Chitanda làm sao xua đi được cái sự ngượng của một người đi phụ lễ ở một nơi hoàn toàn chẳng thân thuộc?
“Tớ không có hứng lắm.”
“Ưm, vậy à…”
Tiếp sau là một khoảng im lặng khó chịu.
… Nhưng nghĩ đi thì cũng nên nghĩ lại. Ai thèm quan tâm đến thằng cầm ô cho búp bê nào? Hơn nữa một Chitanda thừa biết thói quen tiết kiệm năng lượng của tôi mà vẫn nhờ tức là nhỏ đã hết cách… Nếu chỉ một chút thời gian mà giúp nhỏ được thì, ờ, cũng không tệ.
“Nhưng không sao. Tớ đi được.”
“Ể? Có phiền cậu lắm không?”
Sự thay đổi đột ngột trong ngữ điệu khiến tôi tin rằng nhỏ thực sự bất ngờ. Hít một hơi sâu, nhỏ quay về giọng điệu bình thường.
“Cám ơn cậu rất nhiều. Cậu đã cứu tớ đấy.”
“Vậy là vào ngày mốt tớ chỉ việc đứng cạnh mấy con búp bê phải không?”
“Vâng, và cậu sẽ đi theo nữa. Dù không có gì nhiều nhưng sẽ có quà tặng cho người phụ lễ.”
A, có quà nữa kìa. Vậy xem như đây giống như việc làm bán thời gian rồi.
Vừa định bày tỏ sự thỏa mãn của mình với phần giải thích của Chitanda thì đột nhiên tôi nhận ra một chuyện. Hình như có cái gì sai sai ở đây.
“Cậu bảo là đi theo búp bê?”
“… Vâng.”
“Búp bê biết đi?”
“Đúng thế.”
Nhỏ đáp như thể đây là lẽ tự nhiên, nhưng vì lý do nào đó mà từ từ nhỏ trở nên lí nhí. Tôi định hỏi thêm “Làm sao búp bê đi được?” thì Chitanda lên tiếng, như là không còn chịu được nữa.
“Có thể là búp bê, nhưng xin cậu đừng cứ ‘búp bê’ này ‘búp bê’ nọ. Tớ cũng rất ngượng đấy.”
Có cái gì kì kì. Chắc chắn là có sự lạc tông ở đây. Tôi bèn suy nghĩ một chút.
Việc của tôi là cầm ô cho búp bê, nhưng Chitanda đã bảo là búp bê đi được. Nhỏ còn tỏ ra ngượng ngùng khi nghe tôi lặp lại từ “búp bê”…
Rồi, hiểu luôn.
“Đừng nói tớ búp bê là…”
“… A, hóa ra nãy giờ cậu không biết sao?”
Thế nghĩa là đúng rồi. Chỉnh lại tai nghe một chút, Chitanda đi vào giải thích chi tiết.
“Hằng năm, theo âm lịch đền Mizunashi tổ chức Lễ hội Búp bê bằng việc hóa thân những cô gái trở thành ‘Búp bê sống’. Đoàn búp bê sẽ diễu hành quanh làng. Tớ nghĩ rằng Lễ hội Búp bê sống đền Mizunashi cũng khá nổi tiếng nên nghĩ là cậu phải biết rồi… Và, từ hồi sơ trung hằng năm tớ đều vào vai Hoàng hậu… Fukube-san đã nói là cậu ấy sẽ đến xem một chút.”
Satoshi có lớp phụ đạo nên sẽ không kịp tới. Hắn mới gọi hôm qua, và bằng cái giọng nghe như thể cùng lúc đó hai bàn chân đang giộng thùm thụp xuống đất vì tiếc nuối.
“Nghe nè Houtarou. Cậu là người giữ ô cho Chitanda-san! Tuyệt đối KHÔNG. BAO. GIỜ được mắc lỗi đó!”
Tôi càng ngày càng lo về thứ trang phục mình sẽ mặc, cũng như chiếc ô mình sẽ cầm đằng sau “búp bê”…
Vẫn còn một chút thời gian, nhưng tôi không định để những suy nghĩ bâng quơ dẫn đi lạc trên một con đường xa lạ. Chỉnh lại áo khoác, tôi nhấn pê-đan mà lao xuống dốc.
[1] Đức Bồ Tát bảo hộ cho trẻ em, du khách phương xa và cai quản âm phủ.
[2] Một địa danh ở phía nam đảo Honshu.
[3] Bao gồm Tả đại thần và Hữu đại thần – các chức quan cao nhất trông coi mọi sự vụ
quốc gia trong triều đình phong kiến Nhật Bản.
2
Từ đây nhìn xuống có thể thấy ngôi làng như bị núi bao bọc tứ phía. Xa xa là vài tòa nhà, và có lẽ lúc này không phải thích hợp để trồng trọt nên trên những cánh đồng chỉ toàn là lá cùng những mảng tuyết chưa tan. Satoshi từng nói sau vụ lúa đông người ta sẽ trồng hoa sen, nhớ lại điều đó khiến tôi phì cười vì cứ như đây là lúc để Chitanda “lớn lên” vậy[1]. Thế thì phải chăng những chiếc lá bản to trên đồng kia là lá sen?
Tôi đang đi trên một bên bờ sông trồng nhiều cây. Các cây hầu như đều trụi lá chắc là từ mùa thu năm ngoái, còn chồi mới thì chưa mọc. Dù không mấy hứng thú với vẻ đẹp của thiên nhiên nhưng bản thân cả tôi cũng biết loài cây được trồng thành những hàng thẳng tắp và chiếm đa số trong quang cảnh nơi đây là loài gì. Anh đào. Cùng với hoa mai đã rộ bông trên những con phố mua sắm, có lẽ cũng đến lúc chúng phải nở rồi.
Vì cây trồng không phải sản phẩm công nghiệp nên không ngạc nhiên khi thi thoảng chúng được phép bộc lộ những dị biệt của mình. Trên con đường hướng về phía thượng nguồn là một cây anh đào đã nở những bông hoa đầy sức sống. Dù chưa mãn khai nhưng đây chắc chắn là cây có hoa duy nhất giữa một rừng những cây trụi lá vẫn vương vấn mùa đông. Có lẽ nhờ được phơi nắng nhiều hơn chăng? Cái cây mới mọc nửa số hoa này hẳn là khiến tôi lên tinh thần một chút.
Tôi dừng xe, lần này không phải để ngắm hoa. Từ trong túi tôi rút ra một miếng giấy ghi chỉ dẫn của Chitanda để đến đền Mizunashi.
“Từ chân dốc, chạy về phía thượng nguồn và cậu sẽ thấy một cây anh đào nở trái mùa. Băng qua cầu Choukyuu rồi cứ men theo con đường.”
Vậy là phải băng qua cây cầu đầu tiên tính từ cây anh đào. Tôi nhanh chóng leo lên xe.
Không khí lễ hội như đã truyền đến đây. Từ những tấm băng-rôn với gia huy được treo trước nhà, từ những gương mặt rạng rỡ của những đứa bé, từ những lá cờ phiến trắng tinh ở đằng xa và đáng chú ý nhất… là từ tôi đang đạp xe vào lúc chín giờ sáng dù chả có tiết học nào.
Đánh qua một khúc cua rốt cuộc tôi cũng thấy một cây cầu nhỏ. Cầu Choukyuu có lẽ là đây rồi. Như tên gọi đây là một cây cầu rất ư cũ kỹ[2] với bề rộng không đủ cho một chiếc xe hơi…
Tôi giảm tốc độ.
“… Hửm?”
Cạnh cây cầu có đặt một tấm biển. Ồ, căng rồi đây, trên đó đề “Không được qua”.
Có lẽ là xây sửa gì đó. Đọc thông báo kèm theo tôi biết rằng cây cầu sẽ được gia cố vì đã xuống cấp. Quả vậy, những thanh gỗ chuyển màu đen kịt trông chẳng vững chãi chút nào, thêm mấy tấm ván chưa được trải nhựa mà cứ phơi trước thiên nhiên chắc cũng phải mấy thế hệ rồi nữa.
Biển cấm thì có đấy, nhưng hiện tại không có vẻ gì là đang thi công cả nên tôi nghĩ nếu muốn mình vẫn có thể băng qua. Tuy vậy có một chiếc xe tải nhỏ ở đầu bên kia, cùng hai người đàn ông mang mũ bảo hộ và đồng phục màu vàng-xám đang lấy ra một số thứ đồ kim loại trông như chuẩn bị làm giàn giáo. Chắc hẳn là công nhân… và sẽ cực kỳ ngu ngốc nếu tự ý đi qua rồi phải gây gổ với họ.
May là cây cầu chỉ dài vài mét, tôi bèn gọi:
“Xin lỗi ạ!”
Người công nhân quay lại nhìn tôi có gương mặt sạm đen khiến tôi liên tưởng đến mùa hè dù là trong thời tiết lạnh thế này. Có lẽ bị cháy nắng khi làm việc hoặc là mê trượt tuyết vào những ngày nắng màu đông chăng? Mà kệ, dường như người này trông dễ chịu.
“Vâng, có chuyện gì thế?”
“Cháu có thể chạy qua không ạ?”
“Tất nhiên, cứ đi qua đi. Không sao cả.”
Nói xong ông vẫy tay. Tôi liền đẩy chiếc xe băng qua cầu Choukyuu. Những tấm ván rên lên tiếng nắc nẻ và oằn xuống bởi sức nặng. Tôi thành thật mong rằng nó được gia cố càng sớm càng tốt.
Khi tôi đã sang bở bên kia, người công nhân chống nạnh rồi cười nói:
“Bọn chú sẽ bắt đầu khi một xe nữa đến, nên cháu không qua lại được đâu đấy.”
“Dạ, cám ơn chú.”
Nghĩa là tôi sẽ phải kiếm một cây cầu khác trên đường về. Cũng chẳng sao, khu này xem ra khó mà lạc.
Khi cầu Choukyuu đã qua khỏi tầm nhìn tôi chợt nhận ra một điều kỳ lạ… nếu Chitanda sống ở đây nhỏ phải biết việc tu sửa cây cầu mà không bảo tôi đi qua chứ? Chắc chắn nhỏ sẽ không giỡn những việc như vậy. Thôi kệ, quan trọng là tôi vẫn có thể qua được, và giờ chỉ cần men theo con đường là đến được đền.
Nghĩ lại thì tôi đã có dịp nhìn thấy Chitanda trong bộ kimono vào ngày đầu năm. Lúc đó cũng là đi viếng đền, và giờ là lễ hội Búp bê. Một mối liên hệ kỳ lạ dù nhìn thế nào đi nữa, dù bản thân tôi chẳng tin cho lắm.
Không khác mấy so với ấn tượng khi nhìn từ xa, đền Mizunashi được xây như tựa vào bức tường núi, và nếu so kích thước với đền Arekusu – nơi tôi đi đầu năm –
thì đúng là một vực một trời. Đường vào thì nhỏ, cầu thang đá thì hẹp, và chánh điện trông không có vẻ gì là có bề dày lịch sử. Chỉ đơn giản là nó… cũ. Mà đúng là dở hơi khi lại đem so với một địa điểm du lịch nổi tiếng như đền Arekusu khi mà những người quản đền nơi đây cũng đang rất cố gắng lo cho đền. Một lịch trình tu sửa được dán ở bảng thông báo trước đền, cạnh một dòng chữ được ghi lớn: “Diễu hành Búp bê sống bắt đầu vào lúc mười một giờ ba mươi.”
Những năm trước chưa một lần tôi biết đến không gian trong sảnh đền, nhưng năm nay thì đây đã là lần hai. Không biết sao nhưng tôi thấy lần này mình bạo dạn hơn hẳn và điều này chẳng liên quan đến sự khác biệt về độ rộng của hai nơi, có chăng cũng giống như vào nhà hàng Osaka-don rồi thì sẽ cảm thấy tự nhiên khi vén màn mà bước vào nhà hàng Nagoya-don mà thôi. Hay là như câu nói “đáp lễ quân thù Edo ở Nagasaki” nhỉ? Cơ mà tóm lại tôi sẽ không thấy mình co rúm trước mấy ông già mặc áo Happi[3] lần nào nữa.
Sảnh tiếp khách rộng khoảng hai mươi chiếu tatami. Ở đây tôi tiếp cận một người đàn ông trung niên, có lẽ là quản lý, mà hỏi:
“Vậy, cháu phải làm gì ạ?”
Cuộc diễu hành sẽ bắt đầu vào lúc mười một rưỡi và tôi được bảo phải có mặt lúc chín giờ ba mươi. Lúc này còn hơi sớm nhưng tôi chẳng biết làm gì khác. Người đàn ông với cái mũi đỏ nhìn tôi tỏ vẻ nghi hoặc.
“Cháu là ai?”
Ông hỏi một cách cộc cằn.
“Cháu là Oreki, được gọi đến để cầm ô ạ.”
“Chưa từng nghe cái tên này.”
“Vâng, vì cháu không phải người ở đây.”
“Hừm…”
Tôi đang bị nhìn một cách chăm chú. Bộ có gì sai trong lời nói à? Chạy đến đây bất kể trời lạnh để rồi được tiếp kiểu này thì thật đáng thất vọng.
“Chú không được báo từ Chitanda sao? Cháu được bảo là do người cầm ô bị tai nạn nên đến đây thay.”
Đến đây thái độ của ông thay đổi hẳn.
“A! Vậy ra là người thay cho Hawaza. Sao cháu đến sớm thế? Trang phục của nam sắp chuẩn bị xong nên cháu vào trong ngồi chơi nhé.”
…Giá mà biết trước thì tôi đã chạy chậm rãi nhất có thể. Người đàn ông đặng mang đến một cái lò sưởi bằng dầu cho một thằng tôi đang-cực-kỳ-xuống-tinh-thần-trước-khi-vào-việc.
“Việc sắp xếp cứ để ta. Cho đến khi cháu được cần đến thì cứ giữ ấm nhé.”
“Vâng ạ.”
Thế lại hay. Được sự cho phép của ông tôi mặc lại chiếc áo khoác màu trắng mà trở thành bức tượng sống bên cạnh chiếc lò, một trong số công việc mà tôi đánh giá rằng ít hao phí năng lượng nhất. Nếu giờ là thời gian chuẩn bị của nam thì tôi đồ rằng Chitanda sẽ bắt đồ mặc trang phục từ chín rưỡi trở đi. Trừ tôi ra mọi người ở trong phòng đều có việc để làm, và tất cả đều đang “chạy” hết công suất. Thông thường sẽ có bốn đến năm người trong phòng, tới khi cái ông mặc áo Happi hồi nãy đi vào và lớn tiếng trao đổi vài câu thì lại có người chạy ra rồi lại chạy vào. Ví dụ,
“Này! Ai là người lo rượu sake?”
“Là Nakatake-san. Nhưng quan trọng là đến trưa thì sao?”
“Lúc đó thì để cho các bà lo, nhưng nhớ nhắc họ.”
Rồi…
“Hanai-san! Có người từ nhà đài gọi!”
“Nhà đài? Đừng nói là N.H.K[4] nhé?”
“Họ chỉ nói là từ một đài truyền hình thôi.”
Qua cuộc trao đổi này tôi biết được Hanai-san là tên người ta gọi cái ông mũi đỏ.
Trong một thoáng tôi như bị cuốn theo sự hối hả trong phòng mà tính tìm cho mình một việc để làm. Lâu lâu lại có người nhìn tôi đầy nghi ngờ, cứ như muốn nói “Thằng này là ai? Nó làm gì ở đây vậy?” nên hiện tại tôi hạn chế tối đa việc tiếp xúc bằng mắt.
… Phải nói là tôi không luôn luôn chọn con đường tiết kiệm năng lượng mà bất kể lý do. Tuy nhiên, lần này thì quá rõ và những điều kiện đều hội đủ để tôi không dịch một ly nào khỏi cái lò. Thứ nhất, tôi xa lạ nơi này. Tôi không biết gì về quan hệ giữa mọi người thế nào công tác chuẩn bị lễ ra sao. Cũng không ai yêu cầu phải làm gì, và cố gắng chen vào để rồi thành gánh nặng cho người ta thì thật còn tệ hơn.
Thứ hai, ngồi trước cái lò sưởi thì ấm…
Xem ra tôi đã khá thành công trong việc xóa nhòa sự tồn tại của mình khi không có ai ngang qua còn chú ý nữa. Vừa hơi lo rằng không biết người ta có quên đến hết lễ không thì người đàn ông tên Hanai đứng dậy. Ông nhìn tôi mà nói:
“Cháu cầm ô cho con gái nhà Chitanda đúng chứ?”
“Đó là điều cháu được báo ạ.”
“Tốt. Cái này nói để biết thôi, nhưng vì đang có tang ở nhà ông Sono nên lộ trình sẽ thay đổi.”
“Ồ. Cháu rất lấy làm tiếc.”
Nghe vậy, ông Hanai gật đầu.
“Nói chung thì cũng thanh thản. Cháu có muốn biết lộ trình mới không?”
“Dạ thôi ạ.”
“Vậy cứ đi theo người phía trước là tốt. Đường nói chung là sẽ ngắn hơn.”
Đã xong những gì cần nói, ông Hanai đứng dậy và vội đi. Nếu chỉ việc theo đuôi Chitanda thì chả ích gì lại phải biết lộ trình thay đổi hay không cả, và như vậy tôi chỉ cần biết tới sự đau buồn của nhà ông Sono và dành một lời cầu nguyện cho hương hồn người đã khuất ấy.
Âm thanh nặng nề của những bước chân không bao giờ dứt.
“Dép bị thiếu! Loại Zori[5] của nữ ấy có ai động vào không?”
“Thiếu một hay hai?”
“Một đôi.”
“Vậy là của con gái nhà Chitanda. Sẽ tự mang đến.”
Thế tôi có phải mang Zori luôn không nhỉ? Và trong trường hợp đó sẽ phải mang cả Tabi[6]? Thứ tôi đang có hiện giờ là một đôi vớ thường bảo vệ đôi chân trước trời lạnh. Chắc tròng vô thêm thì không sao đâu nhỉ.
…Chắc chắn là ổn thôi. Chỉ vì không khí ở đây mà tôi hơi mất bình tĩnh chút. Sẽ ổn cả, có gì thì cứ hỏi Chitanda là xong. Không phải lo gì cả…
Nhưng rồi tôi lại lo không biết cả nói chuyện cũng có được cho phép hay không. Một cảm giác thật khó chịu. Thời gian cứ trôi, và số người lao vào phòng với những nét mặt kì quặc càng tăng lên. Một ông lão khắc khổ với mái đầu bạc trắng bước vào phòng, mà hét lên với âm lượng khiến tôi không tin nổi là có thể phát ra từ cái cổ họng đó.
“Nakatake! Rượu sake sao rồi?”
Đặng người đàn ông đang lọ dọ ở góc phòng đứng dậy. Đó là một người có thân hình đầm và trông có vẻ chậm chạp, nhưng chắc chắn là lực điền.
“Tôi đặt rồi. Trưa họ sẽ giao.”
“Trưa là mấy giờ?”
“Một giờ.”
“Thằng ngốc!”
Một âm thanh vang lên như sấm rền. Ở tận bên kia phòng nhưng thân thể tôi vẫn rung lên vì sốc.
“Đoàn diễu hành sẽ về lúc mười hai rưỡi mà một giờ rượu mới đến à? Đã bảo bao nhiêu lần đặt giờ thì phải để dôi ra, giờ nhanh mà hối họ đến sớm hơn mau!”
Người phụ trách bị cằn nhằn không không có vẻ phục tùng, nhưng nhanh chóng nói: “Tôi đi làm ngay” rồi rời phòng. Ông lão tóc bạc đảo mắt quanh phòng và tôi vô tình tiếp xúc với ông bằng mắt. “Ồ,” ông thì thầm, rồi với gương mặt khắc khổ đó ông bước về phía nơi tôi đang sưởi. Khẽ khom lưng xuống ông nói:
“Cháu là người mà con gái nhà Chitanda nhờ giúp phải không?”
Làm sao mà người đàn ông này toát ra nhiều khí phách như thế? Tôi quả thực đã định trả lời “Không, ông lộn người rồi” mà chạy biến, nhưng lẽ dĩ nhiên là không thể.
“Vâng ạ.”
Chẳng biết nói gì thêm cả. Thế nửa-ngồi-nửa-quỳ của tôi đã trở thành thế Seiza[7] lúc nào không hay.
Đáp lại, ông cúi đầu xuống.
“Thành thật xin lỗi đã phiền cháu đến đây. Bọn già chúng ta không có đủ người nên phải gây phiền toái đến cả người không phải trong làng như cháu. Hy vọng cháu có thể thứ lỗi.”
Theo phản xạ tôi cởi áo khoác ra mà đứng dậy.
“Không đâu ạ! Cháu cũng xin lỗi vì không có ích lắm đối với một người phụ lễ. Cháu sẽ cố gắng không làm vướng bận ạ. Nếu có việc cần đến xin ông đừng ngại mà cứ sai bảo ạ.”
Ông lão ngẩng đầu lên, mắt hơi nheo lại.
“Ăn nói khá phết nhỉ.”
…Đó là lần đầu có người nói tôi như vậy.
“Cứ thong thả tới lúc người ta cần đến,” ông thêm vào, và sau một cái cúi đầu nữa ông rời phòng. Có thể xem như tôi đã được cấp phép ngồi chơi chính thức.
…Nhưng tấm vé này không phải muốn mà có đâu nhé.
Tôi lại nghe được cuộc nói chuyện giữa hai người thế này,
“Lo vụ cầu Choukyuu chưa đấy?”
Đó là ông Hanai mũi đỏ. Trả lời lại là một người đàn ông chắc nịch, khá cao và bặm trợn cũng đang mặc Happi.
“Tôi nhờ trụ trì Murai lo rồi.”
“Để cho thầy Murai à?”
Lời nói từ ông Hanai trông thoáng chút khó chịu và người đàn ông cao to nhận ra điều đó.
“Có vấn đề gì sao?”
“Không, ừm, tốt thôi, tôi mong vậy. Và họ đã dời việc thi công lại rồi hả?”
“Trụ trì bảo là hoàn toàn ổn, hôm nay sẽ không tu sửa gì hết và bên xây dựng họ cũng đồng ý dời ngày hoàn tất lại.”
Vì là người ngoài nên tôi có thể im lặng với những chuyện không phải của mình. Nhưng tại sao lại không làm thế? Chính tôi cũng không biết. Dù sao thì tôi cũng đã mở miệng trong lúc đang ngồi sưởi.
“Người ta đã bắt đầu làm việc ở cầu Choukyuu rồi ạ.”
Lời nói đó đã dẫn tới một hệ quả không ngờ. Ông Hanai và người đang nói chuyện cùng, ông lão tóc bạc lẫn người phụ trách rượu sake đang bị ông mắng, hay nói chung là tất cả mọi người trong phòng đều nhất loạt nhìn tôi. Đây là một tình tiết quan trọng, tôi biết thế. Điều này thể hiện ở việc tròng mắt của ông Hanai như muốn long ra khi ông hỏi:
“Cháu nói sao?”
Và không một lời nào nữa. Đặng ông quay sang người đàn ông cao to mà quát:
“Shige! Ông đã bảo là xong rồi cơ mà?”
Người đàn ông tên Shige cũng trở nên tức tối.
“Tôi đã nhấn mạnh với trụ trì Murai rồi! Thầy đã bảo cứ để cho thầy vì chúng ta đâu có ai vừa lo phụ lễ vừa liên hệ với bên xây dựng được đâu?”
“Còn cháu.”
Lần này ông hướng về phía tôi.
“Cháu tuyệt đối chắc chắn chứ?”
Ông tiến lại gần. Bị tra hỏi như vậy khiến tôi không thoải mái chút nào.
“Khi cháu đến đây thì biển ‘Không được qua’ đã được đặt ở đó. Do có người nên cháu đã hỏi và người ta cho cháu qua cầu.”
“Vậy là chỉ mới để biển thôi à?”
“Vâng… nhưng họ cũng bảo là sẽ bắt đầu thi công khi một chiếc xe khác đến.”
Sự hỗn loạn trong phòng bỗng chốc trở thành thinh lặng.
Chỉ có một tiếng ồn nhỏ có lẽ phát ra từ dưới bếp.
Ông lão tóc bạc lên tiếng:
“Sono-kun, lấy xe chạy đến đó kiểm tra. Tanimoto, gọi cho thầy Murai… không, gọi đến Sở Xây dựng Nakagawa.”
Vậy người đàn to cao to có tên đầy đủ là Tanimoto Shige. Tôi không chắc là trong “Shigeru” hoặc “Shigejirou” nữa[8]. Ông Hanai gật đầu đồng tình.
“Ừm, nhờ hai người.”
Rồi quay lại nhìn tôi một ánh mắt sắc lẻm, cứ như tôi sẽ bị cứa cổ nếu thực tế người ta vẫn được đi qua cầu Choukyuu.
…Nhưng nỗi lo ấy rốt cuộc cũng tan biến. Mười phút trôi qua, người đàn ông tên Sono mập đến mức chiếc áo Happi trên người như muốn nổ tung hớt hải chạy vào phòng. Trông kiệt sức là thế nhưng lời của ông vẫn rất to và rõ:
“Đúng vậy! Người ta đã thi công!”
Đúng như tôi dự đoán, sự thể nghiêm trọng là vì lộ trình của đoàn Búp bê có bao gồm đi qua cây cầu.
“Shige! Làm ăn vậy đó!”
Người đàn ông bị quát cũng sẵn điều phản pháo. Dù hơi xao động trước sự tức giận của ông Hanai nhưng ông vẫn đáp rành rọt:
“Có chuyện bất thường ở đây. Chắc chắn trụ trì Murai đã gọi cho Sở Xây dựng Nakagawa và bảo họ không thi công vào ngày hôm nay!”
“Vậy…”
“Tôi ngờ rằng có người đã gọi lại và bảo họ cứ tiếp tục làm việc.”
Ông Sono bước ra nói đỡ cho ông Tanimoto, bấy giờ đang vã mồ hôi.
“Đúng như Shige nói. Tôi đã điện hỏi người ở Sở và họ nói chính xác như thế.”
“Tại sao lại như vậy…” Một giọng nói lí nhí cất lên.
Việc không khí trong phòng đã trở nên trang nghiêm làm tôi có ý định lỉnh ra ngoài. Có nên không? Không may, sự lo lắng khiến tôi dù không có nghĩa vụ vẫn phải đứng đó mà chờ diễn tiến như thế nào.
Người đưa ra đề nghị một cách bình tĩnh nhất, một lần nữa, là ông lão tóc bạc.
“Mặc kệ Sở đi. Có lẽ người nói gà kẻ nghe vịt thôi. Vấn đề quan trọng bây giờ là thay đổi lộ trình thế nào.”
Chiếc đồng hồ quả lắc chẳng ăn rơ gì với ngôi đền đứng cạnh lanh-tô mà khẽ nhắc chúng tôi rằng đã quá mười giờ.
Lộ trình ban đầu cực kỳ đơn giản.
Từ con đường trước đền đoàn diễu hành sẽ đi về phía hạ nguồn, băng qua cầu Choukyuu rồi chuyển hướng quay về thượng nguồn. Gần đền có một cây cầu tên là Kaya và chúng tôi sẽ băng qua đó để về điểm xuất phát. Chỉ thế thôi.
Vấn đề là bây giờ cầu Choukyuu không dùng được nữa.
Nhận được tin khẩn, những người nãy giờ ở bên ngoài lo việc chuẩn bị đã tề tựu vào phòng. Căn phòng chờ rộng rãi thoáng chốc trở thành nơi họp bàn chật chội. Tôi không thể ngồi cạnh lò sưởi nữa, bèn cởi áo khoác ra lần nữa mà chui vào một góc. Vì họ trông sắp sửa tiến hành họp nội bộ nên tôi định rời khỏi phòng trước khi nhận ra đã quá muộn. Cuộc họp đã bắt đầu.
“Có thể bằng cách nào đó bảo họ ngừng làm việc được không? Cả đoàn đi qua chỉ tốn tầm năm phút là cùng.”
Nếu dễ thế thì cần họp làm gì. Ông Hanai lắc đầu.
“Không chỉ đoàn mà còn có báo chí và người từ đài truyền hình nữa. Nếu chẳng may có ai bị thương khi bước qua cầu thì trách nhiệm sẽ thuộc về Sở. Họ đã bảo là được bên này thông báo nên đừng làm khó họ. Vì lo điều này xảy ra nên mới có chuyện bàn bạc trước, nào ngờ…”
Nói xong ông đảo mắt nhìn quanh, chắc là để tìm ông Tanimoto.
“Đành chịu thôi. Vậy chúng ta bỏ qua cầu Choukyuu rồi quay về, thấy thế nào?”
Ông vừa nói vừa gãi cằm, đáp lại từ khắp hướng là những âm thanh giận dữ.
“Ai mà lại làm vậy?”
“Đi một đường hai lần à?”
“Nếu vậy thì chỉ có bờ Đông. Còn bờ Tây thì sao, không có Búp bê cho họ à?”
Có lẽ tôi hiểu tình huống này. Người ở bờ Đông và bờ Tây đều phụ giúp cho lễ hội nên đoàn Búp bê không thể chỉ diễu hành một bên được.
Chấp nhận bị phê bình, ông Hanai đưa ra đề xuất khác.
“Vậy thì ta bỏ qua cầu Choukyuu, quay lại, rồi qua cầu Kaya để đi qua bờ Tây, lại bỏ qua cầu Chuukyou rồi quay đầu lại thì sao?”
Đi và về hai lần à. Cũng là cách giải quyết, nhưng mà…
Lần này chỉ duy nhất một người lên tiếng phản đối, trông như chỉ mới bước vào phòng.
“Như thế thì cả thời gian lẫn quãng đường đều gấp đôi rồi còn gì?”
“Đâu còn cách nào khác nữa?”
“Thực sự là vậy à? Quay đầu trên một con đường sẽ khiến đoàn diễu hành bị gãy hình. Hơn nữa người ta có truyền hình đấy nhé, chúng ta không thể làm một việc xấu hổ như thế.”
Một người khác thêm vào:
“Với lại hành trình ban đầu đối với đoàn, đặc biệt là những người mặc trang phục búp bê đã tốn không ít sức lực rồi. Gấp đôi quãng đường thì thật là tồi tệ.”
Một ý kiến tuyệt vời! Tôi chẳng biết cái ô sẽ nặng bao nhiêu, nhưng tuyệt nhiên không muốn cầm nó mà đi gấp đôi quãng đường chút nào.
Bị làm như mình là “người xấu”, gương mặt của ông Hanai tối sầm lại.
“Các ông cứ nói đi, nhưng còn cách nào để giải quyết không? Ai đưa ra ý gì đi.”
“Chúng ta có thể đi hết đến cầu Tooji.”
Một chàng trai trẻ lên tiếng.
“Nếu chúng ta đi qua cầu Tooji để sang bờ Tây rồi trở về bở Đông bằng cầu Kaya thì quãng đường sẽ không tới nỗi gấp đôi phải không?”
Tôi đồ rằng đó là một cây cầu khác nằm xa hơn cầu Choukyuu về phía hạ nguồn. Lúc đến đây tôi có thấy không nhỉ? Mà thôi, vốn tôi đâu có thú ngắm cảnh nên bỏ qua là chuyện thường.
Tuy nhiên, khi ý kiến đó được đề ra ông Hanai đanh mặt lại mà không nói lời nào. Một bầu không khí kỳ lạ bao trùm căn phòng. Thời điểm cuộc diễu hành phải bắt đầu đang tới gần. Ai đó dẹp tan thế đóng băng này dùm đi chứ! Tôi hoàn toàn không biết nguyên do của sự thụ động này nhưng may sao nó đã nhanh chóng bị phá vỡ. Cánh cửa đột ngột trượt qua một bên và một người phụ nữ trung niên mũm mĩm bước vào.
“Tôi xin phép… xin lỗi vì làm phiền các ông đang bàn chuyện, nhưng có vị nào tên là Oreki-san ở đây không?”
“À, vâng.”
Tôi duỗi chân ra rồi đứng lên.
“Là cháu ạ.”
Người phụ nữ nhìn tôi với biểu cảm dè chừng. Tôi có cảm giác mình đã vô tình tỏ ra bất kính chăng?
“Có chuyện gì ạ?”
“À… Con gái nhà Chitanda muốn gặp cháu.”
Chitanda à?
Họ cứ như đang chờ “kẻ lạ mặt” biến đi vậy. Tôi nhanh chóng rời khỏi căn phòng có bầu không khí hết sức nặng nề kia trong sự im lặng của mọi người xung quanh. Không biết Chitanda có việc gì, nhưng tôi thực lòng biết ơn nhỏ.
[1] Trong truyện ngắn “Con ma nhìn gần”, Houtarou đã so sánh Chitanda với loài hoa sen.
[2] Chữ “Choukyuu” bao gồm “Chou” (長- trường (dài)) và “Kyuu” (久 - cửu (lâu dài))
[3] Loại áo khoác rộng dành cho đàn ông trong dịp lễ truyền thống tại Nhật.
[4] Một đài truyền hình rất nổi tiếng tại Nhật Bản.
[5] Một loại dép phẳng làm từ rơm
[6] Một loại tất có vết xẻ giữa ngón cái và bốn ngón còn lại
[7] Thế ngồi lịch sự của người Nhật, hai đầu gối chống xuống đất, phần đùi đè lên cẳng chân và mông đặt trên gót chân.
[8] Houtarou đang phân vân tên “Shige” này được viết bằng hán tự là hai chữ nào.
3
Tôi không được phép nhìn thẳng mặt Chitanda.
Đây là một căn phòng có kích thước gần bằng nơi mà cánh đàn ông đang họp bàn “chiến lược”. Có nhiều lò sưởi ở đây nên không gian ấm hơn hẳn. Một tấm vải dày giống như màn được treo ngăn phòng ra làm hai, khiến tôi không thể thấy ai hay bao nhiêu người đang ở bên kia. Có lẽ là không nên cố nhìn, tôi cảm thấy vậy. Cả căn phòng toát lên thứ mùi hỗn hợp giữa dầu hỏa và nước hoa.
Một giọng nói khẽ vang lên.
“Cậu ở đấy phải không Oreki-san?”
Là Chitanda. Không ai khác sở hữu một chất giọng như thế.
… Nhưng trong một khoảnh khắc tôi trở nên do dự. Chitanda luôn nói chuyện một cách rất nhỏ nhẹ. Lần này cũng vậy, nhưng giọng nói cất lên từ phía sau tấm màn như nghiêm nghị và lạnh lùng hơn trước. Đầy trịnh trọng và, nếu không nói quá, là trịnh thượng.
“Xin lỗi vì phải nói chuyện thế này. Tớ đang được mặc trang phục.”
Tôi đã đoán chức năng của tấm vải và đã đúng… đây là phòng thay đồ nữ. Tôi bất giác trả lời với “À” và “Ừm”. Sự thiếu thoải mái chợt ùa vào căn phòng khiến cái nơi họp bàn chiến sự của mấy ông lão kia trông còn thoải mái chán. Tôi chỉnh lại chiếc áo khoác tuột một bên vai của mình.
“Tớ gọi cậu chỉ vì một lý do duy nhất. Có chuyện xảy ra đúng không?”
“… Ừ.”
“Có nghiêm trọng không?”
“Có lẽ.”
“Tớ hiểu rồi.”
Âm thanh bị ngắt quãng trong chốc lát. Chitanda có phải là người duy nhất đằng sau tấm màn hay không? Chắc không đâu nhỉ? Vì đoàn Búp bê đâu chỉ có mình nhỏ. Tôi không biết họ sẽ mặc gì nhưng thông thường quần áo trong lễ hội không phải tự có thể mặc được. Tôi cũng im lặng. Một hồi sau Chitanda mới tiếp tục.
“Vậy xin cậu hãy nói cho tớ biết chuyện gì đã xảy ra. Không còn nhiều thời gian nữa.”
Đúng là vậy. Nếu khởi hành vào lúc mười một rưỡi thì cả tôi cũng nên được chuẩn bị đồ từ lúc này. Tôi hiểu sự gấp gáp đó và cả việc tại sao Chitanda muốn giải quyết sự việc này. Nhỏ gọi tôi thay vì bất cứ người nào khác vì hai chúng tôi sẽ dễ nói chuyện hơn vì bằng tuổi. Nhưng lần này… giá mà được nhìn thẳng mặt nhau hay qua điện thoại thì có khi tôi còn bớt cứng lưỡi hơn. Cũng có khi chỉ là vì đột ngột chuyển từ nơi lạnh sang nơi ấm chăng?
Nhưng không sao. Đây là chuyện cần phải nói. Liếm môi, tôi bắt đầu trình bày.
“Ở cầu Choukyuu…”
Việc tu sửa đã bắt đầu.
Việc tu sửa đáng-lẽ-bị-đình-lại đã bắt đầu.
Sở Xây dựng đã được ai đó báo rằng có thể làm việc trong ngày hôm nay, hậu quả là đoàn diễu hành sẽ không thể băng qua cầu Choukyuu và cánh đàn ông đang bàn bạc phải đổi lộ trình như thế nào. Tôi cố gắng tóm gọn mọi thứ và nói gấp gáp hơn bình thường. Không có đến một tiếng tằng hắng từ phía sau tấm màn. Trong những lúc này thì tôi mong đợi có âm thanh hơn, ít ra nó cho thấy Chitanda đang nghe chuyện. Cũng có thể nhỏ có nhưng âm thanh không thể qua tấm màn. Có thể nhỏ đang phải ngồi rất nghiêm trang, được cài trâm tóc trong khi cố gắng nghe, hoặc là nhỏ đang trồng cây chuối… tóm lại là nhỏ có nghe hay không đây?
Cảm thấy không ổn, tôi dừng lại mà hỏi.
“Có người để xuất đi qua cầu Tooji nhưng… cậu có đang nghe không đấy?”
Nhỏ đáp ngay:
“Vâng, tớ đang nghe.”
Lời đáp không chỉ gọn lỏn mà còn xa cách ở một mức tôi chưa từng trải nghiệm. Cứ như nhỏ đang để quạt trước miệng mà nói vậy. Tôi còn tưởng tượng ra cả một tiểu thư đang tựa đầu vào một cánh tay trong khi vừa ngáp vừa nói… Thở dài, tôi đề cập nốt việc không khí trong phòng thay đổi một cách khó hiểu khi lời đề nghị ấy được đưa ra.
Giờ thì căn phòng trở lại với sự im ắng với chỉ thứ âm thanh ầm ừ phát lên từ những chiếc lò sưởi dầu.
…Không, không hẳn.
Tôi tập trung thính lực mà nghe thấy những âm thanh rất khẽ như thì thầm. Một ai đang nói chuyện với một ai khác. Là Chitanda chăng? Hay là người nào khác mà nãy giờ im lặng?
Và rồi, lời nhận xét được ban bố.
“Cậu đã tóm tắt những gì diễn ra rất tốt.”
Vâng, xin đa tạ.
Nhưng những lời tiếp theo có hơi khác. Tôi cảm thấy một cái hít thở sâu, trước khi nhỏ tiếp tục với âm lượng lớn hơn.
“Trụ trì Murai là thành viên của Hội đồng Thành phố Kamiyama. ‘Dời ngày hoàn tất’ chỉ là cách nói thôi, vì Sở Xây dựng Nakagawa khó mà chối từ đề nghị từ trụ trì được. Như vậy chúng ta đành tin rằng cuộc điện thoại bảo họ cứ tiếp tục công việc là thật.”
Lẫn trong âm điệu mới của nhỏ là thứ cảm giác tôi đã thân thuộc. Đó là nỗi hào hứng dữ dội luôn tồn tại bên dưới vẻ ngoài thuần chân. Chỉ cần nghe đến tên Chitanda là tôi lại nhớ về ngày ấy. Cái ngày đầu tháng tư năm ngoái mà kể từ đó nhỏ đã kéo tôi, Satoshi và cả Ibara vào những sự kiện kỳ lạ không kể hết.
Một nàng tiểu thư đầy hiếu kỳ.
Chitanda đằng sau tấm màn không có một chiếc quạt nào cả. Nhỏ chỉ muốn tìm ra ai đã làm điều này và vì sao lại thế. Có lẽ nhỏ từ nãy giờ đã ở gần tấm màn nhất có thể. Chẳng có ngáp hay dựa đầu gì hết. Tôi tin rằng từ nãy giờ đôi mắt to tròn ấy đang tràn đầy năng lượng. Vì đó là Chitanda.
“Vậy tại sao…”
Băng sau tấm màn ấy là một Chitanda-hiếu-kỳ.
Nhưng… chỉ thế thôi. Tôi nhận ra sự háo hức của nhỏ nhưng nó nhanh chóng tan biến, như là chưa hề tồn tại. Tới cái tôi đang ngồi ngay ngắn trên chiếu tatami không phải là câu “Tớ hiếu kỳ!” mà là:
“Nhưng sẽ ổn thôi. Xem ra vấn đề không trầm trọng lắm.”
Có hai điều tôi muốn nói, nhưng cái thứ nhất là “Chỉ thế thôi à?” thì không nói được. Nuốt nước miếng, tôi bèn hỏi:
“Thế sao? Ở phòng chờ thì trông sự việc có vẻ trầm trọng lắm đấy.”
“Có lẽ là vậy nhưng không phải là không có cách. Nói đơn giàn thì là bọn họ do dự trước việc đi xa hơn về phía hạ nguồn vì lý do tín ngưỡng.”
Nhỏ nói như đang giảng bài. Không hứng thú lắm nhưng tự nhiên tôi vẫn hỏi: “Cậu có thể giải thích thêm không?”
Chitanda suy nghĩ trong một quãng.
“Oreki-san, cậu có thể chuyển một lời nhắn cho những người trong phòng chờ được không?”
“Ừm, được thôi.”
“Vậy…”
Lời nói tiếp theo chứa đựng một sự quyết đoán cao độ.
“Tớ sẽ liên hệ với trụ trì của bên đó. Tớ cũng sẽ nhờ ba thỏa thuận với những người đại diện. Hãy nói với họ điều đó.”
Tôi có hơi lo rằng đây có phải là lúc cái tật của Chitanda lại phát tác hay không. Thông điệp này trông có vẻ hơi tiết kiệm từ ngữ đặc biệt là phần giải thích, hệt như lúc nói điện thoại vậy. Trong nhiều trường hợp phải đến khi tôi chỉ ra nhỏ mới để ý mà bổ sung. Nhưng lần này, dù tôi có hỏi rằng “Chỉ thế thôi à?”, thì âm thanh cuối cùng vang lên từ phía sau tấm màn chỉ lại là những lời lạnh lùng và đơn điệu.
“Họ sẽ hiểu.”
Đó cũng là những gì tôi có thể nói.
Về căn phòng chờ lạnh lẽo nơi cánh đàn ông vẫn đang tụ họp, tôi truyền lại lời nhắn và thậm chí khi chưa nói xong thì sắc diện ông Hanai đã tươi tỉnh thấy rõ.
Ồ, vậy thì cứ để cho con gái nhà Chitanda vậy… Được rồi mọi người, chúng ta sẽ đi qua cầu Tooji.”
Và thế là lộ trình được chốt khi tôi còn chưa kịp hiểu mô tê gì. Mà thôi, chỉ cần biết bây giờ không phải là lúc giành cho nghi hoặc nữa. Giờ khởi hành sắp đến rồi.
4
Việc mặc tranh phục cho tôi diễn ra với một tốc độ điên cuồng.
Ngoài sân đã ngập màu vàng của những tia nắng đầu xuân. Còn trong đây tôi bị cởi áo thun, áo khoác, nói chung tất tần tật. Bên ngoài đồ lót tôi bị bảo mặc một chiếc Haori[1] và sau đó là một thứ trông có vẻ là Hakama[2]. Bộ áo này có tay dài nhưng cổ tay thì lại quá rộng. Một phần ba da thịt của tôi đã phơi hết ra ngoài.
“Không hẳn là hợp nhỉ.”
Tôi nói với người đang giúp tôi mặc đồ. Lý do tôi đến đây là vì hợp với trang phục nhưng sự thật thì đâu có thế. Tuy vậy người ấy, trông diện mạo chưa đến hai mươi, cười mà đáp lại:
“Nó là như vậy mà.”
“Thật sao?”
Chân tôi lạnh cóng, y như cái hồi đầu năm. Cứ như chỉ cần đặt “Chitanda” và “trang phục truyền thống” cạnh nhau thì y như rằng kết quả sẽ là “lạnh”.
“Vậy là rất vừa rồi đó. Nếu tay áo dài hơn chút thì anh đã là người mặc.”
Ông anh này quả là dài người hơn tôi nhiều. Tóc được nhuộm màu nâu sáng càng làm anh toát ra ấn tượng về một “ông anh trai ngỗ ngược”. Nếu có người trẻ ở đây thì tại sao Chitanda phải nhờ giúp nhỉ. Cám giác sắp phải khởi hành khiến tôi lo lắng mà làu bàu:
“Nếu chỉ là cổ tay áo thì em nghĩ anh làm tốt hơn chứ?”
Ông anh nhún vai trong khi đưa cho tôi một cặp Tabi màu đen.
“Không nhiều lần được xem một cuộc diễu hành như vầy đâu, nên anh mới cố tình về thăm nhà đấy chứ. Nếu ở trong đoàn thì đâu có ngắm được gì.”
Ừm, đúng là nhiều khả năng tất cả những gì tôi nhìn thấy là tấm lưng của Chitanda.
Tôi không thực sự hạp với loại quần áo này, càng không với cái cảm giác phải mang Tabi bị người khác dùng rồi. Lần này thì phải chịu thôi. Ngần ngừ rồi tôi cũng đeo vào. Thế là áo đen, quần đen, vớ đen đều đã xong. Đúng như tôi nghĩ phần da lộ ra ngoài trông chẳng lễ độ chút nào khi mặc một bộ toàn đen như thế này.
“Rồi, tiếp theo là cái này.”
Anh đưa cho tôi một bộ áo ngoài màu trắng.
“Khoác vào, rồi anh sẽ cột chặt phần eo cho chú.”
Thế là một cái nút hình cánh bướm được thắt. Cổ áo này có thun nên chật hơn. Ống tay áo thì khá rộng để lộ phần áo màu đen bên dưới. Ở hai bên từ hông đến đầu gối bị xẻ ra và từ đó có thể thấy những nếp gấp từ bộ Hakama. Phần chính diện toàn hoàn phẳng lì và không có cổ, làm lộ phần cổ áo phía trong khiến bộ trang phục nhìn tổng thể là sự xen kẽ giữa hai màu đen và trắng.
Hóa ra người như tôi khi diện vào cũng được cỡ này. Cứ như mình đã thành một phần của lễ hội rồi ấy.
“Rồi, đội cái này lên đầu là xong.”
Anh đưa cho tôi một cái nón đen nhìn như một cái ống bị ép chặt hai bên sườn. Giống như một loại nón Eboshi[3], tôi nghĩ vậy.
Một cảm giác không ổn. Đến lúc này thì vẫn không sao, nhưng nếu đội cái này vào…
Đã đội. Hình ảnh của tôi được phản chiếu trong gương. Anh chàng phụ mặc nhìn vào gương mà lẩm bẩm:
“Đúng là không hợp thật.”
Còn phải nói.
Dù Oreki Houtarou có hợp với trang phục truyền thống hay không thi lễ hội vẫn phải bắt đầu.
Dường như vấn đề liên quan đến lộ trình đã được giải quyết, nhưng thời gian khởi hành đã bị đình lại. Người ta nói rằng cuộc diễu hành sẽ bắt đầu trễ hơn dự định khoảng mười lăm phút.
Tôi sẽ đi ra bằng cửa sau. Dường như cửa trước là dành cho Búp bê hoàng gia và họ sẽ xuất hiện ở tiền đền. Đó chưa phải lượt của tôi. Chỉ khi Búp bê xếp thành hàng thì tôi mới len vào, và đi đằng sau Chitanda.
Ừm, đơn giản vậy thôi. Hoàn hảo.
Với cảm giác không thật sự thoải mái khi mang Tabi của người lạ, tôi đi dọc theo hành lang mà hướng về cửa ra. Tại đó tôi đeo vào một đôi Zori. Đó sẽ là thứ bảo vệ đôi chân trong suốt một tiếng diễu hành, hay thậm chí là dài hơn vì lộ trình đã thay đổi. Tôi cứ thế tha thẩn ở khu vực gần cửa để quen chân. Không dễ chịu cho lắm, nhưng tôi sẽ chịu được thôi.
Vừa ra khỏi đền tôi nhận ra một người đàn ông với chiếc áo Happi trông như muốn nổ tung tới nơi. Người đó, tôi nhớ được gọi là Sono, đang cầm một chiếc dù và rõ là đợi tôi. Trên dù đính những mảnh giấy màu đỏ hơi ngả tím và kích cỡ thì to hơn nhiều so với tưởng tượng của tôi. Góc mở cũng rộng hơn so với dù phương Tây khiến chiếc ô trông như hình chữ T. Nhìn tôi có vẻ nản chí, ông Sono liền động viên.
“Này, Lễ hội Búp bê chưa phải là dịp để người ta cảm thấy áp lực. Cháu đừng đặt nặng quá.”
“Ý chú là còn những lễ hội khác?”
“Ừ. Xuân mà, còn vài cái nữa.”
Vậy thì chắc mệt lắm. Tôi nói trong lòng khi nhận lấy chiếc ô… Hóa ra chỉ được cái vẻ ngoài to kềnh thôi, chứ sức nặng thì không hơn dù thường là bao. Tôi sẽ được dùng hai tay nên cầm cái này trong một tiếng cũng không thành vấn đề.
Phù! Hít thở sâu nào.
“Cháu vẫn còn lo à?” Ông Sono hỏi.
… Một chút ạ.
Giờ là lúc các Búp bê bước ra ngoài.
Đầu tiên là Vua. Anh ta cũng đội một chiếc nón Eboshi, nhưng khác kiểu của tôi, với một cái đuôi dài được đính ở phía sau. Toàn bộ trang phục đều màu đen ngoại trừ đôi tất trắng lúc ẩn lúc hiện. Điểm ấn tượng nhất, nếu nhìn kỹ, hóa ra lại nằm ngay trên bộ áo. Màu đen nhưng không phải hoàn toàn đen, trên đó có những họa tiết với những sắc thái đen khác nhau được khâu lên. Nhìn từ xa thì trông có vẻ chỉ là những đường sọc nhưng tôi đồ rằng phải là họa tiết tinh xảo nào đó. Nhân vật vua quả là rất hợp với một người thanh niên tuấn tú với gương mặt oai vệ.
… Và ít nhất đó là những điều tôi đã nghĩ và đã bé cái lầm. Không thể tin được! Đó không phải là đàn ông mà hóa ra tất cả Búp bê đều là nữ! Tôi cũng đã nhận ra gương mặt đó. Đôi mắt sắc lảnh với khóe cằm nông và chỉ có mái tóc là vén lên hết thì đừng hòng qua mặt tôi. Đó là nữ sinh năm hai Cao trung Kamiyama – Irisu Fuyumi. Chúng tôi biết nhau từ Lễ hội văn hóa năm trước và có thể coi là “có qua có lại”. Tôi không biết nhiều về chị, nhưng ít nhất cũng biết gia đình chị không sống gần đây. Co khi nào cũng là “người chữa cháy” như tôi không nhỉ? Chị Irisu nhìn thẳng không chút ngượng ngùng và nhờ thế tôi không bị phát hiện.
Tiếp theo là Hoàng hậu.
Rất nhiều người đang đứng trước đền khiến tôi tự hỏi từ đâu mà ra. Có lẽ là du khách từ ngoại thành, và chả trách Chitanda đã bảo Lễ hội Búp bê ở đây “khá nổi tiếng”. Sự ồn ào bắt đầu gia tăng khi ai cũng giơ máy ảnh lên chụp. Nếu không có nắng thì tôi tin rằng mình sẽ thành cái nền không-mong-muốn bị ngập trong ánh sáng đèn flash. Vua thì mặc trang phục đen, vậy Hoàng hậu thì sao nhỉ?
Chitanda bước ra với bộ Juunihitoe[4].
Lớp ngoài cùng có màu cam, kế đến lần lượt là hồng đào, xanh lá lợt, những sắc thái vàng và thêm màu trắng. Có những họa tiết hình vòng trên bộ kimono, cùng một chiếc quạt ngũ sắc được đặt một cách hết sức thanh lịch trên bàn tay. Chitanda đang bước đi với gương mặt được trang điểm khá dày và đôi mắt nhìn xuống. Chỉ vài bước thôi tôi đã có thể cảm nhận sự tinh thông trong nghệ thuật đi đứng với trang phục truyền thống của nhỏ.
“A!” Tâm trí tôi bất giác thốt lên.
Không tốt! Xấu òm! Trời ơi! Lẽ ra mình không nên đến đây mới phải!
Thế nghĩa là… nói cách khác… là sao?
Rốt cuộc, nói cách khác… là sao?
Oreki Houtarou vẫn luôn tự hào về khả năng Nhật ngữ của mình.
Thêm nữa, dù không phải lúc nào cũng tuyệt đối hợp lý, nhưng tôi luôn tin rằng mình là loại lấy lý trí để suy nghĩ.
Thế mà vào cái ngày đó. Trên nền đất của đền Mizunashi thành phố Kamiyama, mùa xuân, tầm mười một giờ bốn mươi lăm, vào cái khoảnh khắc tôi chứng kiến Chitanda bước đi trong bộ Juunihitoe…
Tôi không có lời nào để giải thích vì sao mình chỉ nghĩ đến chữ “chết cha”.
Thực ra là có nhiều lý do, nhưng chẳng cò cái nào đủ để giải bày. Việc không làm thì bỏ, đã làm thì phải làm cho nhanh. Phương châm tiết kiệm năng lượng của tôi đang bị tàn phá trầm trọng. Không có một cách nào khác để giải thích tâm trạng này cả.
…Tôi thấy mình chỉ cứ thế mà nghĩ: “Chết cha, không ổn chút nào!”
Phía sau bộ kimono của Chitanda là chiếc tà rất dài và cần hai phụ nữ cũng mặc đồ truyền thống giữ cho không chạm xuống mặt đất. Mái tóc dài đến quá lưng được buộc thành búi bởi giấy nhũ vàng. Một người không biết Chitanda sẽ nghĩ rằng cô gái trong bộ Juunihitoe kia có mái tóc rất dài nhưng tôi biết rằng tóc nhỏ không tới thế. Chỉ là tóc giả thôi.
Tiếp đến là Hữu đại thần và Tả đại thần cùng ba Nữ Tư tế. Tiếc là tôi không được nhìn họ. Công việc cầm ô cho Chitanda khiến tôi phải đi theo sau ngay lập tức mà hòa vào đoàn diễu hành hoan hỉ. Thứ tự lần lượt là chị Irisu, Chitanda, hai người cầm tà rồi tới tôi.
Đi trên con đường hẹp, tôi cảm thấy chiếc tà áo thật là vướng víu… vì nó mà tôi không được nhìn rõ Chitanda.
Ngoài du khách thì xem ra không ít ký giả cũng đến đây. Tôi nhận thấy những ống kính khổng lồ đặt trên giá ba chân mà thi nhau nhắm vào chúng tôi. Phía trước cũng có vài chiếc camera đang chờ đợi lấy hình. Âm thanh hoan hô hòa cùng những tràng vỗ tay. Tôi đã từng nghĩ rằng mình sẽ lo lắng lắm nếu bị lên TV, nhưng đến thời điểm này dù trước mặt thực tế là ống kính nỗi lo ấy lại không xảy ra. Tôi cảm thấy bình thường. Có lẽ vì mình chỉ là nhân vật phụ.
Đoàn diểu hành đi lâu hơn tôi tưởng. Một tốp đàn ông trong đồng phục theo sau và thổi sáo. Tôi không nhìn được họ, nhưng với âm thanh “don”, “don” hòa vào tiếng sáo tôi đoán trong dàn nhạc cũng có người chơi trống Taiko.
Xuôi về thượng nguồn, chúng tôi đang đi dọc theo bờ sông mà bên kia là con đường tôi đã đạp xe đến. Hồi sáng dù khoác thêm áo nhưng trời vẫn rất lạnh, nhưng giờ đã ấm hơn với những tia nắng dịu nhẹ. Một cơn gió thoáng qua bề mặt của con sông lúc này lại mang đến sự mát mẻ rất dễ chịu.
Du khách xếp thành hai hàng trái phải trên con đường hẹp. Tôi chưa từng được thấy nhiều người như vậy trong đời… nhưng dĩ nhiên, họ kéo đến không phải để nhìn một thằng cầm ô phía sau Búp bê. Đưa mắt về lại phía trước, tôi nhận ra đoàn diểu hành đã đi qua cây cầu Choukyuu đang được xây sửa mà tiến về cầu Tooji từ lúc nào không hay. Nhanh chóng, lọt vào tầm mắt chỉ toàn là màu hồng khiến tôi phải ngước lên…
Chitanda đang bước đi dưới một cây anh đào. Một cây hoa nở trái mùa và chỉ mới được phân nửa. Chitanda vẫn cứ thế trầm mặc trong bộ Juunihitoe. Ánh nắng vàng tươi, ngôi nhà lợp ngói cũ nhưng vô tình xây ở đó, những mảng tuyết còn vương lại trên đồng, con lạch óng ánh nước từ tuyết đã tan, tiếng róc rách của dòng chảy. Chẳng có thứ nào luc này không lung linh, ít nhất là với tôi.
Thế nhưng, tất cả những gì tôi được thấy từ Chitanda, với mái tóc dài và chiếc tà được nâng lên, chỉ là lưng của nhỏ.
Không nghĩ mình có thể hiếu kỳ được như Chitanda, nhưng lần này trong tôi như tự sự… Đây là cám giác Chitanda luôn có hay sao. Tôi muốn được nhìn nhỏ ngay lập tức.
Thời điểm này, ngay tại đây, nếu như được nhìn nhỏ mặt-đối-mặt với đôi mắt đánh phấn và chỉ nhìn xuống, tôi sẽ ra sao…
“Houtarou!”
Giật mình, tôi quay về phía nguồn phát ra âm thanh và thấy Satoshi trong dòng người đứng xem.
Tôi quay lại về trước mà tin rằng mặt mình đang thể hiện một sự tụt hứng chưa từng thấy.
[1] Loại áo khoác dùng trong những dịp trang trọng của người Nhật
[2] Loại quần phía trước được gấp nếp
[3] Dịch nghĩa đen ra là “nón quạ” – một loại nón màu đen thường được đeo bởi giới quý tộc Nhật Bản.
[4]
Loại kimono có mười hai lớp, một trong những trang phục truyền thống cầu kỳ nhất của người Nhật.
5
Rượu sake bị giao muộn, nhưng nhờ lộ trình bị thay đổi và giờ khởi hành cũng bị đình lại nên hóa ra vừa đúng giờ. Về tới đền, đoàn diễu hành được chiêu đãi một bữa tiệc nóng sốt cùng rượu ấm. Dù có vài sự việc không mong muốn nhưng rốt cuộc buổi lễ cũng thành công tốt đẹp, chỉ còn lễ buổi tối nữa là xong. Bữa ăn chiều diễn ra cực kỳ vui vẻ với đầy những tiếng cười.
Chitanda và những người đóng vai búp bê không dùng bữa mà đi vào chánh điện. Tôi nghĩ là còn một nghi lễ kiểu như thanh tẩy nào đó.
“Búp bê, như tính chất của nó, là thứ được tạo ra để nhận vào tội lỗi của con người. Không biết đền Mizunashi đã bắt đầu Lễ hội Búp bê từ khi nào, nhưng việc dùng người sống đóng vai Búp bê thì khá là kỳ lạ. Xét về phương diện tâm linh thì còn có thể coi là nguy hiểm nữa. Thế nên một nghi lễ thanh tẩy ngay lập tức là cần thiết.”
Phần độc thoại này là lời của một con người biết tất cả mọi thứ vặt vảnh từ trên trời xuống dưới đất – Fukube Satoshi… không, lộn. Thực ra là từ người bạn đồng hành Ibara của hắn ta.
Tôi đã thay lại đồ thường, mặc áo khoác và đang ăn một xiên dango Mitarashi ở một góc cùng Ibara và Satoshi. Khó mà tin được Ibara lại am hiểu về một vấn đề tâm linh đến thế.
Còn những lời sau đó của Satoshi, mặt khác, lại chả liên quan.
“Thật là kỳ diệu đó Houtarou.”
“Việc cậu có thể đến đây à?”
“À, không, nhưng đó cũng có thể coi là một điều kỳ diệu. Cậu không thể tưởng tượng tớ vui thế nào khi biết tin giờ khởi hành bị dời lại đâu.”
Xem ra cậu chàng đã phóng lên xe ngay khi lớp phụ đạo kết thúc, đến đây với tốc độ tối đa và kịp xem nửa sau của cuộc điễu hành khi chúng tôi sắp qua cầu Tooji rồi. Thò tay vào chiếc túi dây hắn lấy ra một chiếc máy ảnh.
“Hàng họ của tớ thì không ngon lành lắm, nhưng còn hơn là không chụp được gì. Đây là cơ hội chục ngàn năm có một đó! Tớ đã rất hoảng loạn trước nguy cơ bị trễ mất buổi diễu hành, bởi không chụp được tấm nào thì dám chết vì tức lắm.”
“Vậy có chụp được không?”
“Quá tuyệt luôn, thêm cả cây anh đào nữa.”
Tôi không nói gì thêm. Satoshi nhìn vậy mà tủm tỉm cười.
“Và tớ cũng thừa biết cậu là loại dù muốn nhưng chẳng đời nào nói câu ‘cho tớ mấy tấm làm kỷ niệm’ phải không? Đừng lo, tớ sẽ gửi cho dù cậu có không muốn chăng nữa.”
“Nói luôn là ông chả hợp với trang phục tí nào.”
Ibara luôn thích thêm vào trong những lúc này.
Rốt cuộc vẫn chưa được nhìn thấy Chitanda. Tôi không biết nghi thức thanh tẩy đã xong chưa nhưng số lượng du khách giảm đi hẳn sau buổi diễu hành, và Ibara lẫn Satoshi đều không cảm thấy nên nán lại nữa. “Gửi lời chào tới Chitanda dùm tụi này nhé!” Satoshi la lên khi hắn đạp xe đi về.
Về phần tôi, vì chẳng biết mình còn phải giúp đến khi nào nên bèn phụ việc lau dọn. Những người có việc đều đã đi nhưng vẫn còn tầm chục người ở trong phòng ăn đến cuối, thế là chúng tôi xử lý hết đống thịt cá và rau còn lại trong khi trò chuyện sôi nổi.
Tôi chỉ gặp Chitanda khi mặt trời đã ngả về phía tây. Băng qua nhà Chitanda tôi bắt gặp nhỏ ở trước thềm và được mời vào. Sau đó là một quãng thời gian chờ đợi khiến tôi rời khỏi phòng khách để đi vệ sinh, và trên đường về chúng tôi mới lại đụng mặt.
“A, Oreki-san. Tớ đang định vào chào cậu.”
Cô bạn Chitanda đang mỉm cười với tôi đã được tẩy trang hoàn toàn. Một Chitanda của thường nhật. Tôi chưa từng chăm chú quan sát nhỏ nhưng giờ đã hiểu: đây là Chitanda mà tôi đã thân quen. Nhỏ đã cởi bỏ mười hai lớp kimono rực rỡ sắc màu và giờ đây chỉ là một chiếc áo thun cùng chiếc váy màu nhạt thanh nhã phù hợp để mặc trong nhà. Nhỏ cũng có thể ra đường với bộ đồ này, và…
Mải ngắm nhìn tôi nhận ra gò má Chitanda chợt ửng nên.
“S-sao thế?”
Chitanda thở dài một cái, rồi la lên đầy xúc động
"Oreki-sanǃ"
"......"
“Hôm nay thật là mệt! Tớ đã cố kìm nén quá trời lâu ấy! Nhưng rồi tớ cũng nghĩ mình đã làm tốt.”
“À, làm búp bê ấy hả?”
Không phải. Chitanda lắc đầu mà bước lên trước về phía hiên nhà bóng loáng.
“Đó không phải lý do khiến tớ kìm nén, mà vì…”
Đặt tay lên ngực, Chitanda tiếp tục:
“Ai là người đã gọi cho Sở Xây dựng Nakagawa? Tớ rất là hiếu kỳ!”
...Ờ, phải rồi.
“Oreki-san hẳn là đã có manh mối nào rồi đúng không? Nhưng lúc đó tớ không hỏi được. Chỉ là suy nghĩ thôi nhưng tớ cảm thấy sau tấm màn cậu vẫn còn điều gì muốn nói.”
“Chưa có manh mối nào cả.”
“Nhưng cậu thật có chuyện muốn nói phải không?”
Tại sao lại bị hỏi kiểu này nhỉ?
“Tớ đã nghĩ rất nhiều! Ai sẽ là người được hưởng lợi khi đoàn diễu hành không đi qua cầu Choukyuu? Nhưng tớ có công việc của ngày hôm nay nên không thể cứ mãi nghĩ về điều đó, và cũng chẳng có ai để tớ hỏi…”
Sắc mặt của nhỏ không thay đổi, nhưng tôi thấy có chút gì hối tiếc. Ngoài thềm nhà, đôi mắt như hiện thân chính sự hiếu kỳ của Chitanda tiến gần đến tôi.
“Oreki-san đã ở trong phòng chờ suốt từ đầu phải không? Thực sự không có ai đáng nghi sao?”
“Không hề” là lời tôi đã định nói, nhưng thực tế thì có. Thông thường tôi chẳng rảnh mà hóng chuyện về một cây cầu, nhưng do hôm nay là một ngày đặc biệt, và vì Chitanda có lẽ sẽ hứng thú nên tôi đã lắng nghe từng lời. Những tưởng sự đã thành công cốc khi không được nghe nhỏ thốt lên “Tớ hiếu kỳ!” trong phòng thay đồ nhưng lúc này, tại nhà Chitanda, chuyện đó lại được đề cập đến.
Lùi về một bước, tôi trả lời:
“Ừm… nhưng có quá nhiều người ở đó. Tớ cũng chẳng nhớ hết tên.”
“Tớ nghĩ là mình nhớ hết đó.”
“Vậy cậu nghi ai là thủ phạm?”
Tôi hỏi. Đôi mắt còn đong đầy sự hiếu kỳ của Chitanda bỗng dưng nở to vì bất ngờ.
“Ể? Cậu hỏi tớ sao?”
Nhỏ vừa nói vừa chỉ tay vào mình. Giờ mới để ý cái hành động này của nhỏ gần đây xuất hiện cũng nhiều. Nghiêng đầu, nhỏ nghĩ một hồi.
“…Có. Dù không có bằng chứng, nhưng thực sự chỉ có một người mà tớ nghĩ rằng dám làm chuyện đó.”
“Tớ cũng chỉ nghĩ được một người có khả năng làm điều này.”
Chitanda để vuột ra một cái cười khúc khích.
“Vậy thế này đi. Tụi mình sẽ viết ra và cho nhau xem cùng lúc nhé.”
Viết à. Đâu có bút hay giấy ở đây? Nhưng Chitanda đã nhanh chóng rút ra từ túi váy một cây bút.
“Tớ có bút này.”
“Sao có hay vậy?”
“Ban nãy ở bưu điện tớ có việc phải viết tên và địa chỉ. Nó có ra mực đấy.”
“Vậy thì viết lên đâu bây giờ?”
Chitanda dáo dác nhìn xung quanh rồi nhanh chóng đưa ra ý tưởng.
“Tụi mình viết lên tay cũng được.”
…Ừm, tôi thì không sao, nhưng nhỏ còn phải dự lễ buổi tối cơ mà?
Chitanda mở nắp bút rồi viết vào lòng bàn tay trắng muốt chẳng chút do dự. Viết xong nhỏ xoay đầu bút lại rồi giơ ra.
“Của cậu đây Oreki-san.”
Không còn cách nào khác tôi cũng viết, mà cố gắng kiềm nén một cái cười kỳ cục vì lòng bàn tay trái đang bị nhột. Có lẽ cái mặt lúc đó khó coi lắm…
Chúng tôi chĩa nắm tay vào nhau. Vì cửa tránh gió đang được dựng lên nên ai ở ngoài cũng có thể dòm trộm chúng tôi. Mặc kệ, nhà Chitanda lớn lắm, lại còn có hàng rào nữa thì lo gì người tận ngoài đường?
“Đếm nào… Một, hai!”
Trên tay trái của Chitanda là “Con trai chú Konari.”
Trên tay tôi là “Tóc nâu.”
Chiatnda chăm chút xem xét hai bàn tay, rồi gật đầu mà cười tươi.
“Con trai chú Konari đúng là nhuộm tóc nâu.”
“Ban đầu khiến tớ cảm thấy kỳ lạ là ông chú tên Sono. Tớ được biết sáng nay nhà có tang nhưng ông vẫn đến phụ lễ.”
“À, chú Sono… bà ngoại của chú cũng gần một trăm tuổi rồi.”
“Nhưng rồi tớ lại thấy không lạ lắm, vì có khả năng trong làng có nhiều hơn một gia đình mang họ ‘Sono’.”
Chitanda gật đầu.
“Đúng là có hai nhà mang họ Sono thật. Trong làng cũng còn những trường hợp trùng họ khác nữa.”
“Thế là tớ loại ông chú Sono khỏi diện tình nghi. Tiếp theo là ông chú Nakatake, người phụ trách chuẩn bị rượu. Ông chú đó đã đặt vào lúc một giờ chiều và bị ông lão tóc bạc mắng té tát. Nhờ việc đoàn diễu hành phải đi đường vòng nên rượu mang đến mới được coi là ‘đúng giờ’… Tuy nhiên chẳng ai có đầu óc bình thường lại đi xa đến thế chỉ vì rượu, hơn nữa cuộc điện thoại gọi đến Sở đã là hai ngày trước. Vì vậy tớ nghĩ đó chỉ đơn thuần là sai sót trong việc lên kế hoạch mà thôi.
“Chú Nakatake… không phải người xấu đâu.”
Nhỏ nói nhưng không tỏ ra rành mạch lắm. Tôi tiếp tục:
“Tiếp theo là bộ ba: Sở Xây dựng Nakagawa, trụ trì khiêm thành viên Hội đồng Thành phố Murai và ông chú tên Tanimoto, người đã giao việc thương thảo cho trụ trì Murai. Tớ nghĩ rằng một trong ba người đã nói dối. Có thể Sở muốn hoàn thành việc tu sửa cầu càng sớm càng tốt nên họ đã thi công bất kể lễ hội. Tớ cũng tự hỏi rằng có khả năng trụ trì Murai nói với ông chú Tanimoto một đằng nhưng với Sở thì một nẻo hay không. Vô tình hay có lý do? Tuy nhiên việc thi công đã chưa diễn ra sáng nay, khi tớ còn có thể đi qua, nghĩa là họ chỉ mới bắt đầu. Trong trường hợp đó lẽ thường sẽ có ít nhất một ngày được dự trù dôi ra phòng trời mưa và vì thế chẳng lý nào khiến họ phải gấp gáp. Dĩ nhiên cũng có khả năng lý do liên quan tới Hội đồng Thành phố…”
Chitanda thở nhẹ một cái. Tôi nghĩ mình đã đi hơi xa khi nhỏ nói:
“Nghe có vẻ mơ hồ quá…”
Đúng vậy, tôi còn chả nhớ nổi một cái tên trong cái hội đồng đó.
“Khi mọi người thi nhau đưa ra những giải pháp dùng không được thì duy nhất chỉ một người đề xuất lộ trình đi qua cả cầu Choukyuu.”
“Và đó là con trai chú Konari?”
“Lúc đó tớ chẳng biết ảnh là ai cả.”
Cứ đứng nói thì hơi kỳ nên tôi và nhỏ cùng ngồi dưới hiên nhà. Nắng buổi chiều thật lung linh. Lúc này mà có con mèo tam thể để vuốt ve hay trà Nhật để thưởng thức thì chắc là tuyệt lắm.
“Anh ta cũng nói với tớ là đã ‘cố tình về thăm nhà’ vì ‘không nhiều lần được xem một cuộc diễu hành như vầy đâu’. Lạ đúng không? Cậu bảo rằng đã vào vai Búp bê từng hồi sơ trung tới giờ tức đây là một Lễ hội diễn ra hằng năm. Một năm thì đúng là dài thật nhưng không tới mức khiến người ta phải coi là dịp ‘không nhiều lần được xem’.”
“… Đúng là lạ thật.”
Chitanda gật đầu. Nhìn nhỏ từ một bên thế này, cộng thêm nắng chiều khiến tôi như thấy một bờ má ửng đỏ… Tôi lại trông về phía bầu trời mà tiếp tục:
“Và rồi năm nay, một sự kiện ‘không nhiều lần được xem’ quả thật đã xảy ra.”
“Ể?”
Chitanda nhìn tôi tỏ ra chưa hiểu, còn tôi thì lại nhớ đến lời nhận xét của Satoshi.
Đúng là điều kỳ diệu.
“Đó là cây anh đào nở trái mùa. Tớ không biết ông anh đó vốn ở đâu, nhưng nếu nhà chú Konari gần đây thì hẳn là anh ta đã biết được thông tin rằng nếu phải tu sửa thì cầu Choukyuu sẽ không qua được. Và nếu thay vào đó, đoàn diễu hành phải đi qua cầu Tooji thì đó sẽ là một khung cảnh không thể dùng từ gì khác ngoài ‘kỳ diệu’. ‘Đoàn diễu hành búp bê bước đi dưới tán cây anh đào nở rộ bông’ – mấy ai có thể được chiêm ngưỡng cảnh này đúng không?
Tớ nghĩ nó đáng để anh ta phải quay về nơi này.”
“Chỉ…”
Chitanda lấy tay che miệng.
“Chỉ vì thế thôi sao?” Nhỏ la lên.
Siêu đạo chích Ishikawa Goemon[1] như đang khiêu vũ trong tâm trí tôi. Ôi hãy nhìn cảnh sắc tuyệt vời này xem! Cảnh trời mùa xuân này đáng giá một ngàn đồng vàng, chúng đã nói thế, nhưng thế còn rẻ lắm, còn rẻ lắm![2]
Sự kết hợp giữa hoa anh đào, búp bê và Chitanda đã cuốn lấy hồn tôi dù chỉ là cảnh tượng từ phía sau. Chắc chắn đó đã là một cảnh tượng có giá trị, thậm chí có thể nói là đáng để một người đi lừa dối người khác… nhưng dĩ nhiên tôi sẽ không bình phẩm thành lời.
Quay sang bên, tôi hỏi Chitanda:
“Tại sao cậu lại nghĩ là ảnh?”
Chitanda bẽn lẽn nhìn xuống đất.
“Ưm… tớ có nói là từ đầu đã không có chứng cứ.”
“Thì cứ nói đi, tớ không cười không mà lo.”
Dù vậy nhỏ vẫn ngần ngờ một hồi mới chịu nói:
“Người duy nhất tớ nghĩ có thể bình thản nhìn trụ trì Murai bị mất thể diện chỉ có thể là con trai chú Konari mà thôi.”
Ra là thế.
Nhưng vậy thì chẳng phải Fukube Satoshi cũng nên nằm trong diện tình nghi sao?
Tóm lại trong một quan điểm có phần không được tốt đẹp này, thì tôi chưa và không hề có ý định truy tội ông anh tóc nâu. Nếu thực sự muốn thì một chút điều tra thêm là cần thiết, nhưng liệu có đáng không? Đúng là đã có những xáo trộn nhưng lễ hội đã diễn ra tốt đẹp. Cho nhau xem cái tên trong lòng bàn tay mình đủ làm tôi thỏa mãn và may sao Chitanda cũng vậy.
Mặt trời dần lặn và không khí cũng trở nên lạnh hơn, nhưng trước khi tôi kịp nói “Lạnh rồi, vào trong thôi” thì Chitanda đã lên tiếng.
“Oreki-san, lúc ở trong phòng tớ có nói là sẽ liên hệ với trụ trì bên đó.”
Tôi gật đầu. Chitanda sẽ liên hệ với trụ trì, còn ba của nhỏ sẽ liên hệ với những người đại diện. Đây là thông điệp tôi được yêu cầu phải truyền đi và ngay lập tức đã xóa tan bầu không khí hỗn loạn vì cây cầu Choukyuu như phép màu.
“Dù có thể là chán, nhưng xin cậu nghe nhé.”
Với Satoshi thì không hẳn là mới nhưng là lần đầu tôi bị Chitanda mào đầu bằng một câu như vậy. Thế thì sao mà than thở lạnh được nữa?
Đôi mắt nhỏ hướng từ nhà ra bức tường bao quanh vườn, rồi tập trung vào vùng núi ở phía xa ngôi làng đang thắm mình trong ráng chiều.
“trông không giống lắm, nhưng ngày xưa ruộng đất nơi đây bị chia thành hai vùng. Khu vực xung quanh cầu Choukyuu trước kia là đầm lầy và trải lên phía bắc là làng tớ, còn phía nam là một làng khác. Giờ đây hai làng đã hợp lại và cả vùng bắt đầu được người dân trong thành phố Kamiyama biết đến với cái tên là Jinde.”
Không nói một lời cũng như nuốt nước miếng, tôi chỉ nghe.
“Làng tớ có đền Mizunashi, còn làng kia có đền Sakou. Nhờ vào sự tiến bộ trong canh tác nên không còn xảy ra tranh chấp về đất hay nước nữa, nhưng việc đi trên đất của bên kia vì mục đích tín ngưỡng như làm lễ thì giống như hành động xâm phạm lãnh thổ vậy. Điều này sẽ gây khó chịu cho cả hai bên. Lần này là trường hợp đặc biệt nên tớ nghĩ những đạo dân ở đền Sakou sẽ hiểu cho mà thôi. Bác Hanai và mọi người biết điều đó, nhưng dù vậy bước qua bên kia mà không báo trước vẫn có khả năng gây xung đột. Họ muốn thông báo cho bên đó nhưng không ai có thể làm cầu nối cả. Tớ đã nói vấn đề vốn không trầm trọng phải không? Vì chỉ cần liên hệ với trụ trì đền Sakou thì mọi người sẽ an tâm vì biết rằng đoàn diễu hành có thể thoải mái mà đi qua.”
“… Tớ hiểu rồi.”
Thực tình tôi khá là hứng thú với câu truyện.
“Satoshi có bảo rằng gia tộc của cậu lâu rồi và rất có uy tín.”
Nhưng Chitanda đáp lại với chất giọng cao hơn bình thường.
“Thế à?”
“…”
“Chẳng phải đây là một thế giới nhỏ bé sao? Tất cả những gì tớ đã làm là giải quyết một xung đột có thể xảy ra giữa hai ngôi làng phía bắc thành phố Kamiyama, hay còn gọi là vùng Jinde này. Oreki-san, tớ tự giác được đây không phải chuyện nhỏ, nhưng cũng chẳng hề lớn lao gì.”
Mặt trời đã chạm vào đỉnh núi, vùng đất được tắm trong ánh nắng đã bắt đầu tối dần.
“Con trai chú Konari muốn trở thành một nhiếp ảnh gia. Anh ấy đang theo học một trường nghề ở Osaka vì ước mơ đó, nên tớ có thể đồng tình với cậu về việc anh ấy thực sự dám làm vì muốn có một khung cảnh đẹp vì như vậy không chỉ ngắm, anh ấy còn có thể chụp những tấm ảnh ưng ý nữa. Không nói tới chuyện đó, tớ nghĩ rằng mình sẽ lên đại học sau khi tốt nghiệp cao trung… Nhưng khác với con trai chú Konari, tớ sẽ về lại đây. Dù tớ có được lựa chọn đi đâu chăng nữa thì đích đến cuối cùng vẫn chỉ là ở đây. Chính nơi chúng ta đang ngồi.”
Rồi nhỏ mỉm cười.
“Oreki-san. Giữa tự nhiên và nhân văn cậu đã chọn chưa?”
Thoạt đầu tôi không hiểu ý nhỏ “tự nhiên và nhân văn” nghĩa là gì, tới khi nhận ra đó là việc chọn lựa hướng theo các môn về khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội dành cho học sinh năm nhất chuẩn bị lên năm hai tôi mới trả lời:
“À, tớ theo bên nhân văn.”
“Vì sao?”
“Trong số bốn môn tự nhiên tớ thích nhất là Hóa học, còn trong bốn môn nhân văn thì là Lịch sử. Tớ thích Lịch sử hơn Hóa học nên chọn thoe hướng nhân văn. Vậy thôi.”
Chitanda lấy tay che đi một nụ cười khúc khích.
“Rất là lô-gíc.”
“Còn cậu?”
“… Tớ chọn tự nhiên.”
Điểm của Chitanda nằm trong tốp năm của khối. Nhỏ không nói điều đó và bảng xếp hạng cũng không được truyền ra công khai nhưng đó là ước chừng của tôi. Tóm lại là một học sinh như nhỏ hẳn là có nhiều chọn lựa về nghề nghiệp sau này… nhưng Chitanda lại không nghĩ như vậy.
“Tớ không do dự hay buồn vì phải quay lại đây. Tớ rất muốn hoàn thành bổn phận của mình là con gái của nhà Chitanda, gia tộc nắm vai trò lãnh đạo phía bắc vùng Jinde. Trong lúc học tớ luôn trăn trở rằng: đến mình thì mình sẽ làm điều đó bằng cách nào? Thứ nhất là tìm cách tăng năng suất vụ mùa để mọi người ai cũng ấm no đủ đầy. Thứ hai là vận dụng những chiến lược kinh tế để nông sản bán được với giá tốt hơn, tránh để người nông dân rơi vào cảnh nợ nần. Kết quả tớ đã chọn cách thứ nhất, đó cũng là lý do tớ theo tự nhiên.”
Khi tôi vẫn còn đang im lặng, Chitanda hỏi một câu nữa:
“Chắc cậu biết lý do lớn nhất cho quyết định của tớ nhỉ?”
“Không hẳn…”
Nhưng rồi tôi cũng thú thật.
“Chỉ là cách sau không hợp với cậu lắm.”
Chitanda khẽ gật đầu.
“Đúng thế… Nói thẳng ra là từ Lễ hội văn hóa khi chúng ta phải cố bán cho hết số tập san ấy, tớ biết mình đã gây ra nhiều vướng bận cho Oreki-san. Tớ cũng nhận ra mình có lẽ không phù hợp với việc quản lý một công ty.”
Ừ, đó cũng là điều tôi nghĩ.
Ngồi trên thềm nhà Chitanda duỗi tay lên không trung. Trời đã sập tối và tôi có thể thấy vài ngôi sao.
“Xin hãy nhìn này Oreki-san. Đây là nơi mà tớ thuộc về. Một nơi chỉ có nước và đất, cùng những người dần già đi và mỏi mệt. Những ngọn núi đang được trồng thêm cây nhưng cậu nghĩ sao về giá trị của nó? Tớ không nghĩ đây là nơi đẹp nhất hay có tiềm năng kinh tế nhất, nhưng…”
Đặt tay xuống, nhỏ cũng cúi đầu.
“Tớ muốn cậu nhìn nó, Oreki-san.”
Lúc đó, tôi nhận được câu trả lời cho câu hỏi ở trong lòng bấy lâu.
Tôi đã muốn nói rằng: “Nhân tiện thì, về cái mảng kinh doanh mà cậu từ bỏ ấy, để tớ lo dùm cho được không?”
Nhưng tôi đã làm gì? Tôi nghĩ là mình nên nói, nhưng thực tế không hề thấy có thể một chút nào.
Đó là lần đầu tiên trong cuộc đời này tôi nhận ra tâm can mình mâu thuẫn như vậy. Trải nghiệm này là chìa khóa cho câu hỏi mà khi đó tôi không trả lời được…
Giờ thì tôi đã hiểu.
Tại sao Fukube Satoshi lại đập vỡ sô-cô-la của Ibara.
Lý do phải là cảm giác này. Cảm giác khiến tôi không thể nói những gì mình muốn mà phải thay bằng một lời khác, ngay tại dinh thự của gia tộc Chitanda và khi hoàng hôn đã buông xuống như thế này.
Đó là lời nói được làm bộ như thờ ơ.
“Trời lạnh quá nhỉ.”
Đôi mắt Chitanda lại một lần tròn xoe vì ngạc nhiên. Nở một nụ cười dịu dàng, nhỏ khẽ lắc đầu.
“Không đâu, đã sang xuân rồi mà.”
[1] Một siêu đạo chích nổi tiếng thời Chiến quốc, từng áp sát thất bại Toyotomi Hideyoshi – người kế vị tướng quân Nobunaga mà chấm dứt chính thời Chiến quốc này
[2] Trích trong vở kịch nổi tiếng “Kinmon Gosan no Kiri” nói về người đạo chích Ishikawa Goemon