044 - ♥10
“Không được bảo là mình mệt, thế có nghĩa là đùn đẩy trách nhiệm của mình cho người khác…”
Tôi đã được dặn như vậy, hay điều gì đó gần giống thế.
“Nếu cảm thấy mệt thì cháu nên nói rằng mình cần nghỉ ngơi, và rồi tiếp tục công việc mình đang làm khi đã nghỉ đủ.”
Đó là những lời mà người bà thân thương của tôi đã từng dạy.
Không, không nên dùng thì quá khứ chứ. Bà tôi vẫn còn sống và sống rất khoẻ mạnh.
Nhờ được chị Irisu bán dùm tập san và khiến CLB Cổ Điển được nhắc đến trên báo tường. Một ngày không uổng phí, nhưng không hiểu vì sao trên trưởng trở về phòng Địa Chất tôi lại thấy cơ thể mình nặng trịch vì một thứ gì đó.
Tôi không nghĩ là mình yếu. Cũng chẳng phải tuýp người siêng năng thể thao gì nhưng tôi đã có điểm trên trung bình trong môn chạy đường dài. Mà nói đâu xa? Hai ngày qua tôi cũng đã đi qua đi lại khắp sân trường vì vậy thể chất chắc chắn không phải là lí do khiến tôi mệt mỏi.
Nói sao đây… tôi không mệt mỏi như thế khi giải quyết những vấn đề của chính mình. Dường như cố gánh vác mọi thứ là có hơi quá sức. Và dù vậy, đó chỉ là những nỗ lực nhằm nhờ vả người khác giúp đỡ cho mình : ban tổ chức, CLB Báo tường, chị Irisu…
Vụ việc của tên đạo chích “Juumoji” đã trở thành mối quan tâm lớn nhất. Hắn đã hành động như thế nào, hay tại sao lại trộm như vậy? Tôi hết sức hiếu kì. Cứ nghĩ về điều đó là cơ thể tôi lại năng động tới nỗi chẳng thể ngồi yên một chỗ…
Nhưng mà, sau một cái hít thở thật sâu và suy nghĩ như một người hội trưởng CLB Cổ Điển nên vậy, tôi nghĩ rằng mình đã không nên xem người khác như là công cụ để sử dụng và hơn hết là không nên coi việc yêu cầu gì đó từ người khác như một chiến lược cần hoàn thành tốt.
Khó mà tin nổi là khi đó tôi lại không nghĩ thế.
Không, không phải lúc để bàn lùi. Chẳng phải Oreki-san cũng đang nỗ lực hết sức để giúp sao? Chưa nói đến việc chúng ta vẫn chưa thể tăng doanh số bán tập san như mong muốn. Ngày mai tôi phải đi nhờ vả nhiều hơn nữa. Là điều bắt buộc nhưng không phải là tôi không thích làm, nhưng mà…
Có lẽ là tôi hơi mệt rồi.
045 - ♦10
Tối nay đã muốn ngủ sớm nhưng chẳng hiểu sao lại không thể. Thế là tôi bèn lấy ra một quyển truyện từ trên kệ. Đó là một trong những “bảo vật” khác – “Cơ thể biết nói”.
Nếu “Tro tà” còn ở đây thì hẳn nó là sự lựa chọn đầu tiên. Còn khi phải xét trong những tác phẩm còn lại thì “Cơ thể biết nói” rõ ràng là một trải nghiệm đọc thú vị, thú vị tới nỗi thay vì làm cho dễ ngủ nó lại giúp bộ não đang mệt mỏi của tôi minh mẫn trở lại.
Có thể xếp vào thể loại hài hước, nhân vật chính của “Cơ thể biết nói” là một chàng trai trẻ tuổi không biết nói do ảnh hưởng từ chứng điếc của mình, nhưng anh ta có thể truyền tải những suy nghĩ của mình nhờ thần giao cách cảm thông qua việc chạm vào người khác. Và vì cũng có thể đọc được suy nghĩ của người đó khi chạm vào nên anh thường bị coi là một kẻ quấy rối. Dù câu truyện đã bỏ đi tính hiện thực nhằm gia tăng sự thú vị nhưng những rắc rối mà nhân vật chính gặp phải vẫn rất hợp lí – người ngoài hành tinh và thây ma.
Dù có bao nhiêu cảnh tàn phá đi nữa thì cuối mỗi trang đều có hình một chú mèo được vẽ cách điệu cho giống người như lời mời lật qua trang sau. Diễn tiến của truyện đi rất nhanh và đó là thứ khiến nó nổi bật so với những tác phẩm không chuyên khác, cơ bản thì giống như một mẩu truyện đăng trên tạp chí hơn là một manga chính thống. Đặt quyển truyện lên gối, tôi nằm sấp lên tấm futon mà đọc một lèo tới hết.
Cơ mà… con mèo ấy, cứ như là cái con heo của hoạ sĩ Osamu Tezuka vậy – còn xuất hiện gần như là ở mọi khung tranh mà chẳng mang một ý nghĩa nào cả. Phải chăng nó tượng trưng cho nhân vật “tôi” mà tác giả muốn đưa vào? Con mèo đứng thẳng, không mặc thứ gì ngoài một đôi bốt quá khổ – một “Chú mèo đi hia”[1] đúng nghĩa.
Với một nội dung khó có thể xem là nghiêm túc, bởi hầu như chả có lời thoại nào ăn nhập với lời thoại nào thì tài của tác giả nằm ở việc lồng vào được một ý nghĩa sâu sắc. Tất cả nhân vật, kể cả nhân vật chính đều hành động tự do, tuỳ tiện và dường như muốn tự tìm một cái kết cho riêng mình. Đúng, đây là một tác phẩm hay nhưng nếu mang cho chị Kouchi thì chưa cần tới chị ta tôi cũng thấy được những khuyết điềm nào sẽ bị vạch ra: nội dung quá ngẫu nhiên, nhiều khung tranh chả vẽ gì ngoài cái nền đơn sắc, khá nhiều khung chỉ dừng lại ở những nét phác thảo và như đã nói – những lời thoại không liên quan cứ thi nhau từ trên trời rơi xuống.
…Rốt cuộc tôi vẫn không biết phải cho chị ta xem cái gì.
Ánh sáng duy nhất đến từ chiếc đèn ngủ đặt cạnh giường càng làm cái tủ truyện của tôi chìm trong bóng đêm đặc quánh.
“Tro tà” và “Cơ thể biết nói” là hai tập truyện phi-thương-mại được tôi giành cho nhiều sự ngưỡng mộ nhất. Dĩ nhiên tôi vẫn sở hữu những bộ truyện thương mại khác cũng toả sáng chẳng kém hai tác phẩm này.
Trên thế giới có rất nhiều người vẽ được những câu truyện hay.
Trước khi tắt đèn, tôi ngồi dậy mà lấy ra tập bản thảo truyện tranh tự sáng tác trong ngăn bàn. Chẳng có gì ngoài những nét nguệch ngoạc trên giấy trắng.
Lẽ ra tôi chẳng nên lấy nó ra ngắm làm gì.
Mà… công bằng mà nói thì cũng được chứ không tới nỗi “nguệch ngoạc”. Nét vẽ hơi cứng nhưng không thể xem là tệ, nhưng mở ra đọc một hai trang thì…
Các khung tranh chẳng hợp lí một xíu nào, và thậm chí tôi còn chẳng hiểu nổi những câu thoại hồi đó do chính mình viết lên thì nói chi đến cảm nhận nội dung? Không đầu cũng không đuôi, dường như khó mà kiếm ra một tập truyện dở tệ hơn vầy nữa.
Tôi ngờ rằng nếu để ai đọc cái này chắc họ chẳng cần dùng tới thuốc an thần để ngủ mất!
Vậy mà tôi vẫn đang đọc nó.
Đọc chính tác phẩm của mình mang lại cảm giác như vừa tống vào một liều trụ sinh hơn là thuốc ngủ. Với cái cảm giác khó tả ấy tôi trả tập bản thảo về ngăn bàn. Vô vọng, thật là ngốc khi đọc cái này để “dễ ngủ”. Thức khuya trong thời điểm này là cấm kỵ nên tôi quyết định dùng đến nửa viên thuốc ngủ còn lại.
046 - ♠12
Theo đuổi chủ nghĩa tiết kiệm năng lượng đã một thời gian đáng kể giúp tôi ít nhiều thấu hiểu cơ chế vận hành của mình. Với việc để dành quá nhiều trong ngày hôm nay, tôi cùng với mớ năng lượng thừa mứa đó hiện tại đang trằn trọc suốt đêm trên giường. Đồng hồ đã qua một giờ đêm từ lâu và sắp tiếp cận con số hai.
Oái oăm ở chỗ dù biết mình không xài nhưng tôi cũng bí luôn về cái khoản năng lượng mình đã tiết kiệm là cái gì. Và buồn cười thay khi đây là lễ hội văn hoá – biểu tượng cho “đời học sinh màu hồng” của cao trung Kamiyama mà tôi lại không kiếm đâu cách để hao phí bớt năng lượng dùm mình.
Chờ cho buồn ngủ, tôi nghĩ tới việc đọc sách nhưng quanh đây chỉ có mỗi cuốn truyện chữ nhạt phèo. Mà đúng là phải nhạt mới làm người ta ngủ được chứ? Nghĩ vậy nhưng tôi lại quyết định lên mạng mà tìm đến trang chủ của lễ hội văn hoá.
Nhấn vào đường link trên trang tìm kiếm, vết bầm trên mắt phải của tôi lại nhói lên.
Trên cùng trang chủ là hàng chữ lớn in hoa: “HỘI KANYA ĐÃ MỞ CỬA! MỜI MỌI NGƯỜI THAM GIA!” Một bức hình chụp cảnh một CLB đang diễn kịch trong nhà thi đấu được đặt ngay bên dưới.
Kéo xuống tôi thấy danh sách các CLB tham gia trong từng ngày, một bản đồ hướng dẫn cùng vài lời khuyên cho du khách… rồi mắt tôi gắn vào một chỗ mà hai ngày trước đã không để ý – khu vực đặt hàng qua mail.
Đó là một dịch vụ đặt hàng các sản phẩm liên quan tới lễ hội văn hoá. Trên danh mục dĩ nhiên là những thứ đã và đang lên kệ suốt hai ngày qua: áo thun của CLB Nghiên cứu Thời trang, tập san “Kodama” Của CLB Văn Học cùng tuyển tập “Zeamis” từ CLB Nghiên cứu Manga.
Cả một lễ hội mà chỉ có thế thôi à?
Nhìn cái cửa hàng trực tuyến nghèo nàn đến nản. Kéo xuống dưới nữa tôi thấy một mẫu đơn đặt hàng cùng với một địa chỉ e-mail. Địa chỉ này có cùng tên miền với hộp mail của trường Kamiyama còn tên tài khoản là “somuiinkai”[2]. Satoshi à, ban tổ chức hẳn có thể làm tốt hơn chứ hả? Mà nhắc mới nhớ tôi chưa từng hỏi là hắn làm gì trong cái ban tổ chức này nữa.
Và cái địa chỉ này đây. Thay vì dùng một từ tiếng anh dễ hiểu thì… somuiinkai? Thôi thì cũng xem như dễ hiểu với một thằng học sinh cao trung như tôi đi.
Những gì còn lại chỉ là những đường dẫn tới vài trang vô thưởng vô phạt khác. Mà thôi, tôi nghĩ rằng đã đến lúc mình thật sự phải ngủ. Vậy nên tôi tắt máy rồi đi về phòng. Về việc làm sao để ngủ được á? Tôi quyết định sẽ nghĩ về nó sau khi trèo lên giường.
047 - ♣15
Tôi muốn đi bộ một chút giữa trời khuya.
Vừa ra khỏi bồn tắm chưa lâu khiến cơ thể tôi trở nên nhạy cảm với những luồng gió khuya. Đã cuối tháng mười rồi, không cẩn thận là cảm như chơi nên để chắc ăn tôi mang theo áo khoác.
Trăng non đang toả sáng trên bầu trời cùng với những vì sao. Thời tiết hôm nay cũng tốt như hôm qua, và cứ thế này thì mai hứa hẹn cũng sẽ là một ngày đẹp. Với tư cách là thành viên ban tổ chức tôi không giấu nổi niềm vui, vì nếu thời tiết tốt thì những hoạt động trong ngày bế mạc lễ hội sẽ thuận buồm xuôi gió. Và với tư cách là chính mình, tôi còn vui gấp bội vì thế có nghĩa là sẽ được vui chơi thoả thích với những hoạt động ngoài trời. Tôi khao khát được chiêm ngưỡng các CLB chuẩn bị và trình diễn đủ mọi tuyệt chiêu mà chỉ từng nghe đến, vì vậy sẽ thật đáng tiếc nếu cơ hội được khoe mẽ của họ bị một cơn mưa từ chối.
Ấn tượng lớn nhất của tôi trong ngày hôm nay là màn diễn ảo thuật của anh Tamaya – hội trưởng CLB Ào thuật. Dù trong “cơ sở dữ liệu” có thừa thông tin về màn diễn với trái bóng và cốc nước nhưng một điều hiển nhiên là tôi chẳng đời nào làm tốt được như anh. Đó lá lý do khi ấy tôi đã vỗ tay từ tận đáy lòng. Ơ… mà, khi nói “chẳng làm tốt” không có nghĩa là tôi không khéo léo đâu nhé. Tôi không làm được vì chưa đủ tự tin, và chỉ vì muốn biết bí mật của chiếc cốc với quả bóng không có nghĩa là tôi muốn thử.
Các bạn có thể nói tôi giống Houtarou ở khía cạnh này. Dù luôn bền bỉ khẳng định mình chẳng tích sự gì suốt ba năm sơ trung, cậu ấy chắc chắn không phải tên vô dụng.
Tôi lững thững đi dưới trời đêm, dưới những ánh đèn đường bị mấy con côn rùng bao vây mà hướng về một khu dân cư khác. Mang giày bata khiến tôi nghe được rõ từng tiếng bước chân của mình. Tôi cũng nghe thấy tiếng của một chương trình TV khuya mà ai đó đang xem.
Từ khi hạ cánh thành công vào trường Kami rồi quen biết cô bạn “hiếm có khó tìm” Chitanda Eru, Houtarou đã thay đổi. Hay tôi nên nói là, cậu ấy đã để lộ giá trị thực của mình bằng việc trình diễn sự nhạy bén, óc quan sát tinh tường cùng khả năng suy luận dường như đã là bản năng. Từ cái buổi chiều khi Chitanda đứng một mình trong phòng Địa Chất đã không ít lần tôi bị cậu ấy làm cho kinh ngạc. Houtarou không đời nào và một sinh vật vô dụng hay “không màu”. Cậu ấy đã trở thành một nhân tố đặc biệt, nắm giữ thứ sức mạnh kì bí bên trong một cách thầm lặng.
Có câu nói “Con chim ưng già đời luôn giấu cái vuốt của nó”. Tìm thấy “cái vuốt” sắc nhọn ẩn sâu trong Houtarou liệu có khiến tôi vui cho cậu ta không?
Đó là lý do tôi quyết định không trông đợi Houtarou giải quyết kì án “Juumoji” vì nó không phù hợp với cậu ấy. Tôi sẽ đứng ra giải quyết vụ này. Thông thường tôi sẽ chẳng làm nên trò trống gì chỉ với mớ kiến thức của mình, nhưng giờ đây, để thể hiện lòng ngưỡng mộ với thằng bạn chí cốt tôi sẽ bắt chước cậu ta. Ha, tôi nhận thức rất rõ điều này xấu hổ tới mức nào. Mọi tuyên bố “quảng bá hình ảnh cho CLB Cổ Điển” chỉ là một cái cớ thôi.
Ừ, tôi hiểu rất rõ điều đó.
Một thằng nhóc tiểu học chắc cũng kiếm ra được cái cớ như vậy.
Rồi, suy nghĩ nghiêm túc nào.
Đối tượng tình nghi là tên đạo chính bóng ma “Juumoji” có rất nhiều. Đúng như Houtarou đã nhận định: “Cậu nghĩ có bao nhiêu người vào và ra khỏi trường trong lễ hội nào? Đó là chưa nói tới trường ta đã có sẵn một ngàn học sinh.”
Tình cảnh mò kim đáy bể hiện tại không chỉ thường xuyên xuất hiện trong truyện trinh thám mà ngoài đời cũng chẳng sáng sủa hơn nổi. Thậm chí một vụ vặt vãnh thế này cũng không ngoại lệ. Để tìm ra thủ phạm trước nhất ta cần thu hẹp diện tình nghi.
Trong sáu tỉ người sống trên thế giới này những diện tình nghi thông thường sẽ bị lọc ra nhờ một vài phương pháp điều tra cơ bản, vào những chi tiết như là thói quen gây án, động cơ cá nhân v.v… Ví dụ, nếu có án mạng ở một căn biệt thự nằm sâu trong núi và mọi đường ra bị phong toả thì mù cũng biết kẻ thủ ác phải là người trong biệt thự (nếu không ai nghe thấy tiếng của một chiếc máy bay trực thăng). Hay nếu một quý bà giàu sang bị giết trong khi đi nghỉ dưỡng thì kẻ sát hại bà ấy phải là người đi cùng. Cứ lần nhau những hình mẫu ấy ta sẽ giảm số đối tượng xuống tầm một tá, rồi từ đó bắt đầu điều tra về chứng cứ ngoại phạm của từng người…
Tuy nhiên, trường hợp này thì khác.
Những vụ trộm không diễn ra trong một khu vực “đóng” nào cả. Như CLB Acapella để thùng đồ uống của mình ở ngoài thì ai cũng có thể lấy trộm nếu nổi hứng, CLB Cờ vây thì không khoá cửa phòng, Hiệp hội Tiên tri chỉ có một thành viên thì hắn chỉ cần chờ trong cái toa-lét gần đó, CLB Làm vườn bị mất khi tất cả thành viên cùng rời phòng trong một lúc; rồi vụ ở CLB Ảo thuật hôm qua nữa. Việc không biết chúng đã bị lấy từ khi nào khiến hầu như ai trong trường cũng có thể là thủ phạm.
Tên đạo chích không bàn cãi phải là học sinh trường này. Khó mà nghĩ được ai đó bên ngoài lại bày ra cái trò như vầy mà chơi liên tiếp trong hai ngày như vậy. Nhưng thế nghĩa là vẫn còn một ngàn nghi phạm. Một ngàn đấy! Sẽ thật là dễ thương khi phán rằng: “Kẻ trộm đang nằm trong số một ngàn người chúng ta!” Huy động cả cơ quan chấp pháp của một quốc gia thì may ra…
Để ý thì dường như hiện trường kì lạ nhất nằm ở CLB Nấu ăn Mới. Nếu lời của anh hội trưởng là đúng – tức là họ đã chuẩn bị cái muôi cho chúng tôi thì nó đã bị lấy đi ngay trước lúc cuộc thi bắt đầu. Không chỉ thế, để đặt vào thêm tấm thiệp tuyên bố cùng tờ hướng dẫn thì thủ phạm có khả năng nhất là người trong CLB. Nhưng nhìn cái cách mà các thành viên đồng lòng chuẩn bị cho cuộc thi tôi thật chẳng nghĩ ra lí do gì để một thành viên nào đó tự dưng dở chứng. Hơn nữa cái muôi là một dụng cụ làm bếp cơ bản. Lỡ món chính của chúng tôi là một món hầm thì sao? Tính công bằng của cuộc thi sẽ lập tức bị nghi ngờ ngay. Thế thì những mục tiêu ít rủi ro hơn như CLB Nghiên cứu Bùa ngải ([O]KARUTO KEN 'オカルト研') hay CLB Cổ động chẳng phải là lựa chọn lý tưởng hơn cho hắn sao?
Tôi quyết định bác bỏ khả năng này.
Làm sao để giảm được số người… trong một ngàn người…
Giống như một kẻ giết người hay phóng hoả hàng loạt đang ẩn mình giữa biển người mênh mông. Trong hầu hết các truyện trinh thám, người thám từ thường phải chờ đến lúc hung thủ gây án lần tiếp theo mới có hướng suy luận. Điển hình là một trong những câu truyện về Sherlock Holmes ưa thích của tôi – Cuộc phiêu lưu của sáu vị Napoleon, chả ai biết hung thủ là ai khi bức tượng Napoleon đầu tiên bi đập vỡ cả.
Đúng rồi. Bằng cách đợi các vụ trộm diễn ra ta có thể xác định điểm chung giữa các nạn nhân, sau đó dùng chính những điểm này để dụ hắn thực hiện hành động tiếp theo. (Cơ mà, “điểm chung” này trong tiếng Anh người ta dùng thuật ngữ “missing link”[3], còn lá bài “Vòng xoay định mệnh” bị mất cũng có thể được gọi là “missing ring”[4]. Vậy cái nào mới đúng đây? Mượn lời Chitanda-san một chút – tôi thực sự hiếu kỳ về điều này.)
Những gì tôi có thể làm là chờ. Đúng hơn đây là cách duy nhất.
Hy vọng ở hiện trường sắp tới hắn sẽ hậu đậu hay gặp xui một tí, mà để lại vài dấu vết có ích cho việc thu hẹp diện tình nghi.
Nói thẳng ra là tôi đang chờ hắn mắc sai lầm.
Giá như nhận ra rằng tên trộm có thể lấy đồ của CLB Ảo thuật trước giờ diễn rồi để lại lời nhắn sau khi buổi diễn kết thúc thì tôi đã ở ngoài. Chắc chắn không phải ai ngồi trong căn phòng đó cũng đến chỉ vì muốn xem ảo thuật.
Tóm lại ngày mai tôi phải dậy sớm, và việc đầu tiên cần làm khi tới trường là mai phục sẵn ở hiện trường mục tiêu kế tiếp của Juumoji – một CLB có tên bắt đầu bằng chữ [KU]. Khả năng quan sát hiếm khi nào được tôi lấy ra để khoe mẽ nhưng tôi quyết tìm đến cùng những dấu vết mà hắn để lại.
Thế giới chắc sẽ chuyển biến to lắm trong ngày tôi có thể “rút ra kết luận chỉ dựa trên cơ sở dữ liệu”. Dường như trong tôi đã nổi lên một nỗi chộn rộn muốn xem mình có thể gây bất ngờ cho chính mình hay không rồi đây.
Ấn hai gót giày xuống mặt đường để quay lại, tôi tiếp tục rải bước dưới con đường được chiếu sáng bởi ánh trăng để về nhà. Cao hứng lấy tay vả vào mặt để lên dây cót tinh thần một cái, tôi bị chó sủa.
[1] Tên một câu chuyện cổ tích của Pháp.
[2] Nghĩa là “Ban tổ chức”. Houtarou than phiền chắc là vì email được viết bằng chữ cái latin, nếu là chữ Nhật thì đã dễ vì không nhiều người Nhật đọc được chữ latin và suy ra được nghĩa tiếng Nhật của nó.
[3] Mắt xích bị mất.
[4] Cái vòng (nhẫn) bị mất. Người Nhật thường không thể phát âm âm “r” mà phải phát âm là “l” nên những từ mượn tiếng nước ngoài có âm đầu là “l” và “r” rất dễ bị hiểu lầm nghĩa.