Hội Chợ Phù Hoa

chương 54

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

NGÀY CHỦ NHẬT SAU CUỘC XÔ XÁT

Trong toà lâu đài của tôn ông Pitt Crawley ở phố Greet Gaunt, người ta vừa sửa soạn đón chào ngày chủ nhật thì thấy Rawdon mò đến; trên người vẫn đeo bộ áo dạ hội đã hai ngày, anh ta lững thững đi qua mặt mấy người đầy tớ gái nhút nhát đang lau cầu thang rồi trèo thẳng lên phòng làm việc của anh trai. Công nương Jane đã dậy rồi, đang bận bảo người nhà tắm rửa mặc áo cho các con, và cầu kinh buổi sáng với mấy đứa trẻ. Sáng nào công nương Jane cũng cầu nguyện riêng với các con trong phòng trước khi dự buổi lễ kính chúa chính thức cùng toàn thể gia nhân trong nhà, do Pitt chủ toạ. Rawdon ngồi vào bàn làm việc của anh trai; mặt bàn toàn những sách và thư từ xếp ngăn nắp, cùng những hoá đơn, những bài xã thuyết, những sổ kế toán, những gói tài liệu sắp gửi đi tất cả hãy sẵn sàng, như chỉ chờ ông chủ đến kiểm tra lại. Trên bàn còn để sẵn một cuốn kinh của gia đình tức là cuốn sách ngày chủ nhật nào Pitt cũng dùng để giảng đạo cho mọi người trong gia đình nghe. Cạnh cuốn sách đạo, là tờ báo “Người quan sát, gấp cẩn thận, tờ báo này dành riêng cho tôn ông Pitt đọc”. Bác hầu phòng lúc vắng chủ đã lợi dụng cơ hội liếc qua tờ báo một lượt, trước khi mang vào đặt trên bàn giấy; sáng nay bác sẽ thấy báo đăng bài “Dạ hội tại lâu đài Gaunt”, với tên đủ các vị tai mắt được hầu tước Steyne mời tham dự cùng Hoàng tử. Trong lúc cùng ngồi uống trà và ăn bánh phết bơ buổi sáng sớm trong phòng ngủ của Crawley phu nhân đã quá cố, bác đã lên tiếng bình luận về cuộc dạ hội này với bà quản gia và cô cháu gái của bà này. Họ lấy làm lạ không biết làm thế nào mà vợ chồng Crawley len lỏi vào tận nơi ấy được; đoạn bác hầu phòng gấp trả tờ báo thật cẩn thận trông như mới, rồi đem vào cho chủ.

Anh chàng Rawdon đáng thương cầm tờ báo đọc cho qua thì giờ trong khi chờ anh trai, nhưng thấy những dòng chữ cứ như múa lên trước mặt. Tuy nhiên vẫn đọc mà anh ta chẳng hiểu gì cả. Báo đăng đủ các thứ tin tức: những việc tuyển bổ của chính phủ (tôn ông Pitt là một chính khách cần đọc những tin tức loại này, nếu không thì những tờ báo xuất bản ngày chủ nhật đừng hòng lọt vào nhà anh ta), những bài phê bình sân khấu, cuộc đấu quyền anh hạng nặng giữa võ sĩ Barking Butcher và Tutbury Pet, bài phóng sự về cuộc dạ hội tại lâu đài Gaunt trong đó người viết nhiệt liệt ca tụng mấy màn kịch đố chữ mà Becky là diễn viên xuất sắc nhất... Song Rawdon như bị một màn sương phủ kín mắt chẳng nhìn thấy gì trong suốt thời gian ngồi chờ anh trai đến.

Chiếc đồng hồ bằng đá đen treo trong phòng làm việc ngân nga đúng chín tiếng thì Pitt bước vào, mày râu nhẵn nhụi, y phục chỉnh tề, cổ áo là cứng, mớ tóc thưa thớt trên đầu bôi dầu chải mượt; anh ta bận một tấm áo ngủ bằng len màu xám, và thắt một chiếc cà vạt hồ cứng, bệ vệ bước xuống thang gác... tóm lại trông ra ra là một ông quý tộc dòng dõi con nhà...có thể nói là một điển hình của sự ăn vận chỉnh tề chải chuốt. Thấy em trai ngồi trong phòng, quần áo xộc xệch, mắt đỏ ngầu, tóc rối bù xoã xuống mặt, Pitt giật nảy mình. Anh ta tưởng em trai say rượu, chắc suốt đêm qua lại trác táng ở đâu. Pitt lạnh lùng hỏi:

- Trời ạ, Rawdon, mới sáng bảnh mắt ra chú đã mò đến có việc gì thế? Sao không về nhà.

Rawdon cười gằn, đáp:

- Về nhà!... Pitt, anh đừng sợ, tôi không say rượu đâu. Đóng cửa lại, tôi muốn nói với anh một câu chuyện.

Pitt khép cửa lại, rồi đến cạnh bàn giấy ngồi xuống một chiếc ghế bành... chiếc ghế kê sẵn đành riêng cho quản lý, thầy kiện hoặc khách khứa đặc biệt có việc giao thiệp riêng với nam tước... anh ta lại tiếp tục ra sức mà giũa móng tay.

Ông em trung tá yên lặng một lúc rồi lên tiếng:

- Anh Pitt, tôi gặp chuyện không hay, thế là hỏng hết mọi sự.

Pitt bực mình đáp, vừa gõ gõ mấy ngón tay vừa giũa sạch lên mặt bàn:

- Tôi đã bảo chú hàng nghìn lần, là thế nào rồi cũng đến cơ sự này mà. Tôi không giúp được chú nữa đâu. Tiền tôi dùng vào việc cả rồi. Số tiền một trăm đồng Jane đứa chú hôm qua, sáng hôm nay tôi phải trả cho thầy kiện, đang lo không biết đào đâu ra bây giờ đây. Không phải là tôi không muốn giúp chú trong cơn hoạn nạn, nhưng trả hết nợ cho chú thì chịu, chả khác gì muốn trả hết nợ cho Nhà nước vậy. Có hoạ là điên cuồng rồ dại thì mới tính đến chuyện ấy. Bây giờ chú phải điều đình với họ đi, cũng xấu hổ cho gia đình nhà ta thật đấy... nhưng thiên hạ thế cả. Tuần lễ trước, George Kitely là con trai bá tước Ragland cũng bị ra toà, nhưng được điều đình với chủ nợ, thế cũng chả mang tiếng mang tăm gì. Bá tước Ragland chẳng phải trả một đồng xu nào cho con hết, mà....

Rawdon ngắt lời:

- Không phải là tôi cần tiền. Tôi không đến xin anh giúp tôi tiền. Anh không cần quan tâm đến chuyển tôi...

Pitt hơi yên tâm hỏi:

- Vậy thì có việc gì?

Rawdon nghẹn ngào đáp:

- Về việc thằng cháu; xin anh hứa với tôi rằng khi tôi đi rồi thì anh sẽ trông nom cháu cẩn thận giúp. Chị ấy tốt lắm, vẫn thương cháu như con; mà nó cũng quý bác gái nó hơn... Mẹ kiếp...Đây này, anh Pitt... anh cũng biết đáng lẽ tôi được hưởng gia tài của bà Crawley. Từ nhỏ tôi không được tập sống thiếu thốn như người con thứ không có quyền hưởng gia tài; trái lại, người ta khuyến khích tôi lười biếng và phá của. Nếu không vì thế thì tôi cũng thành được người đứng đắn. Nhưng tôi làm nhiệm vụ trong quân đội cũng không đến nỗi tồi quá. Anh đã rõ vì sao tôi mất phần gia tài, mà nó rơi vào tay ai chứ?

Pitt đáp:

- Tôi đã hy sinh cho chú rất nhiều, và tôi đã cư xử với chú, nâng đỡ chú ra sao, thiết tưởng chú chẳng nên trách móc tôi mới phải. Việc vợ con là tự chú, đâu phải tại tôi.

Rawdon vừa rên rỉ vừa đáp:

- Vợ con gì nữa, thế là hết rồi.

Ông anh trai giật nảy mình:

- Trời đất ơi! Thím ấy mất rồi ư? Giọng nói của Pitt có vẻ hoảng hốt và thương cảm thật sự.

Rawdon đáp:

- Chính tôi đang muốn chết đây. Nếu không vướng thằng Rawdy thì sáng nay tôi cứa cổ chết quách và cắt đứt họng cả cái thằng khốn nạn kia nữa rồi. Pitt đoán ra ngay sự thể: ý hẳn ông em muốn giết chết lão Steyne đây.

Rawdon kể lại vắn tắt câu chuyện cho anh nghe, giọng nói đứt quãng vì xúc động. Anh ta thêm:

- Thì ra hai đứa nó bày mưu tính kế với nhau anh ạ. Chúng nó cho bọn công sai bắt tôi; tôi vừa ra khỏi nhà thằng kia là bị tóm ngay. Tôi viết thư cho con kia, nó bảo đang bị sốt, không đi được, hẹn đến hôm khác. Thế là tôi về nhà thấy nó đeo vàng ngọc đầy người ngồi tình tự với thằng khốn nạn.

Đoạn anh chàng kể tóm tắt cuộc xô xát với hầu tước Steyne, nói thêm rằng đối với vấn đề này chỉ còn có một cách giải quyết. Sau khi gặp Pitt, anh ta sẽ đi lo thu xếp cuộc gặp gỡ với kẻ tình địch.

Rawdon nghẹn ngào tiếp: “Rất có thể kết quả là tôi sẽ bị hại, cháu nó có mẹ cũng như không, tôi đành nhờ anh và chị Jane trông nom hộ. Pitt... nếu được anh hứa săn sóc cháu chu đáo, tôi không còn ân hận gì nữa.

Ông anh cảm động quá bắt tay em trai một cách thân mật ít thấy. Rawdon đưa tay lên chùi nước mắt, nói:

- Cảm ơn anh, tôi biết có thể tin lời anh hứa được.

Pitt đáp:

- Xin lấy danh dự mà thề với chú, tôi sẽ giữ lời hứa.

Thế là hai anh em thoả thuận với nhau xong xuôi. Bấy giờ Rawdon mới rút trong túi ra chiếc ví tìm thấy trong cái két của Becky; anh ta rút ra một xếp giấy bạc, nói:

- Chỗ này là sáu trăm đồng... chắc anh không ngờ tôi giầu thế nhỉ... Nhờ anh trả lại cho bà Briggs số tiền tôi vay từ lâu...bà ấy trông nom thằng cháu cẩn thận lắm... bắt buộc phải tiêu tiền của người đàn bà khốn khổ ấy, tôi vẫn lấy làm ngượng. Còn chỗ này để trả lại cho Becky, có lẽ nó cũng cần ít nhiều... tôi chỉ giữ vài đồng thôi.

Vừa nói Rawdon vừa cầm nốt chỗ tiền còn lại trao cho anh, nhưng bàn tay anh ta run lẩy bẩy, đánh rơi cả cái ví xuống đất; tờ ngân phiếu một nghìn đồng là món tiền bất hạnh cuối cùng của Becky kiếm được bỗng rơi ra...

Pitt cúi xuống nhặt, ngạc nhiên thấy em có lắm tiền quá.

Rawdon bảo:

- Không phải tờ ấy, tôi đang muốn bắn vỡ sọ cái thằng có tờ ngân phiếu ấy đây.

Anh ta định tâm lấy tờ ngân phiếu bọc viên đạn để bắn chết lão Steyne.

Chuyện trò xong, hai anh em lại bắt tay nhau một lần rồi cùng nhau từ biệt. Công nương Jane được tin em chồng đến chơi đã đứng chờ chồng trong gian phòng ăn bên cạnh; linh tính sáng suốt của đàn bà báo cho cô ta biết rằng có chuyện gì không hay đây. Cửa phòng ăn ngẫu nhiên vẫn mở, nên lúc hai anh em từ trong phòng làm việc bước ra thì cũng vừa gặp công nương Jane. Cô ta chìa tay cho Rawdon bắt, tỏ ý muốn mời Rawdon ở lại ăn sáng; nhưng nhìn bộ mặt bơ phờ, râu ria không cạo của em chồng và vẻ mặt rầu rầu của chồng, cô ta cũng hiểu rằng lúc này họ không lòng nào nghĩ đến chuyện ăn uống với nhau, Rawdon lúng búng kiếm cớ có việc bận để từ chối rồi nắm thật chặt bàn tay của người chị dâu rụt rè đưa ra. Đôi mắt đầy khẩn cầu của công nương Jane không nhận thấy gì trên nét mặt Rawdon ngoài sự đau khổ tột độ: anh ta không nói thêm điều gì, ra đi. Pitt cũng không giải thích cho vợ biết thêm điều gì.

Hai đứa con đến chào bố, Pitt cúi xuống lạnh lùng hôn chúng như thường lệ. Người mẹ kéo sát hai con vào lòng, nắm chặt lấy tay chúng, hai đứa nhỏ quỳ xuống nghe Pitt đọc kinh: bọn gia nhân bận chế phục ngày chủ nhật ngồi sắp hàng trên dãy ghế bên kia bình, nước trà đang sôi réo lên. Vì câu chuyện vừa rồi, nên hôm ấy ăn sáng muộn hơn mọi ngày; mọi người mới ngồi vào bàn mà đã nghe tiếng chuông nhà thờ đổ hồi. Công nương Jane bảo rằng mình khó ở, không đi lễ nhà thờ được; ngay lúc cả nhà đang cầu kinh, tâm trí cô ta vẫn vất vưởng đâu đây.

Trong khi đó Rawdon Crawley rảo bước khỏi phố Greet Gaunt, đến thẳng cổng lâu đài Gaunt, cầm cái cán bằng đồng đen hình đầu Medusa (), nện một tiếng chuông thật mạnh. Lão Silenus () mũi cà chua bận bộ chế phục màu đỏ ánh bạc, giữ nhiệm vụ gác cổng vội chạy ra. Thấy bộ dạng xốc xếch của anh chàng trung tá, lão hoảng quá vội đứng chắn ngang cổng, sợ anh ta cố tình len vào trong nhà.

Nhưng Crawley chỉ móc trong túi ra một tấm danh thiếp bảo lão đưa tận tay cho hầu tước Steyne, và bảo chủ nhớ kỹ địa chỉ viết trong giấy, lại nói thêm rằng từ một giờ trưa lúc nào trung tá Crawley cũng có mặt tại quán rượu Nhiếp chính, phố St. James, chứ không ở nhà. Đoạn anh ta rảo bước đi; lão gác cổng bép phị đứng đờ người ngó theo; khách qua đường “lên khung” ngày chủ nhật đi chơi sớm, nhìn anh ai cũng lấy làm lạ, cả mấy thằng bé ăn mày mặt nhớp nháp mồ hôi, bác chủ tiệm hoa quả đang đứng chơi trước cửa và lão chủ quán đang hạ rèm cửa che ánh nắng để sửa soạn tiếp khách.

Họ ra vẻ giễu cợt cách ăn mặc của Rawdon, nhưng anh ta mặc kệ, gọi một cái xe ngựa bảo đánh thẳng đến trại lính ở Knightsbridge.

Vừa đến trại lính thì nghe thấy tiếng chuông lễ đổ hồi. Giá lúc ngồi xe anh ta nhìn ra đường thì đã gặp người quen là Amelia, cô đi từ Brompton đến khu phố Russell. Từng đoàn học trò sắp hàng đi lễ nhà thờ; hè phố sạch bóng đầy những người đi chơi ngày chủ nhật; họ chen chúc nhau trên xe ngựa đi về phía ngoại ô thành phố.

Nhưng nào viên trung tá có dịp để ý đến những chuyện ấy; đến Knightsbridge, anh ta vội vã vào thẳng phòng riêng của người bạn đại uý Macmurdo; thấy bạn có nhà, Crawley mừng quá. Macmurdo là một sĩ quan kỳ cựu, đã từng chiến đấu ở Waterloo, được anh em trong trung đoàn rất mến; chỉ vì không có tiền nên không có cách nào leo lên chức cao hơn; anh ta đang bình tĩnh nằm ngủ trưa trên giường. Đêm trước Mac vừa dự buổi đại tiệc do đại uý George Cinqbars thết tại nhà riêng ở công viên Brompton; bữa tiệc có cả một số sĩ quan trẻ tuổi trong trung đoàn đến dự cùng mấy cô trong đội vũ Ba-lê. Mac quen đi lại thân mật với đủ mọi hạng người thuộc đủ mọi lứa tuổi, từ các vị tướng tá đến các ông lái chó, các chị vũ nữ cũng như các võ sĩ quyền Anh và các loại người linh tinh khác; sau một đêm vất vả, lại không bận công vụ, anh ta bèn lên giường nằm khểnh.

Quanh phòng của Mac treo toàn những tranh vẽ cảnh đấu quyền Anh, cảnh đi săn nhảy múa; đó là tặng vật của các bạn đã giải ngũ về cưới vợ để sống thột cuộc đời bình lặng. Năm nay Mac gần năm mươi tuổi đã từng sống hai mươi bốn năm trời trong quân đội, cho nên anh ta có một bộ tranh khá lý thú. Mac là một tay súng vào bậc cừ nhất nước Anh; tuy vóc người phục phịch nhưng cũng là một tay kỵ mã có tài. Hồi Crawley chưa giải ngũ, hai người vẫn cưỡi ngựa thi với nhau. Macmurdo đang nằm dài trên giường đọc một bài báo đăng tin cuộc tỉ thí giữa hai võ sĩ Tutbury Pet và Barking Butcher; trông anh ta rõ ra là một chiến sĩ hiên ngang, với bộ tóc cắt ngắn điểm hoa râm lộ ra dưới chiếc mũ ngủ bằng lụa, với bộ mặt và cái mũi đỏ ửng, điểm hàng ria mép rậm rịt nhuộm đen. Nghe Rawdon nói cần một người bạn, anh chàng đại uý hiểu ngay anh này đang cần mình giúp việc gì, bởi vì anh đã có dịp giúp bạn bè công việc tương tự hàng chục lần một cách hết sức chu đáo. Cái hồi ngài Hoàng tử còn chỉ huy trung đoàn, ngài đã có dịp khâm phục tài năng của Macmurdo trong một trường hợp giống như thế, bè bạn gặp chuyện gay go cần giải quyết đều tìm đến anh ta nhờ lo hộ.

Nhà chiến sĩ lão luyện hỏi han:

- Thế nào Crawley, cu cậu lại có vấn đề gì thế. Không phải vì chuyện đánh bạc, như hồi chúng mình bắn chết đại uý Marker chứ?

Crawley đỏ mặt nhìn xuống đáp:

- Lần này là chuyện... chuyện con vợ mình.

Chàng kia huýt một tiếng sáo, nói:

- Tớ đã bảo thế nào rồi cũng có ngày rắc rối, y như rằng.

Thật ra trong trung đoàn và trong câu lạc bộ, đã nhiều người đánh cuộc với nhau thế nào Rawdon Crawley cũng bị mọc sừng, vì bè bạn của anh ta cũng như tất cả mọi người đều cho Rebecca là người không đứng đắn. Nhưng mới nói thế đã thấy Rawdon đưa đôi mắt dữ tợn nhìn mình, Mac không dám đi sâu thêm vào câu chuyện.

Lấy giọng đứng đắn, anh chàng đại uý hỏi tiếp:

- Thế không còn cách nào giải quyết nữa à? Cậu mới nghi ngờ thôi chứ gì?... hay là... thế nào? Có bắt được thư từ gì không? Liệu có ỉm đi cho xong được không ? Về những chuyện ấy, tốt nhất là đừng “vạch áo cho người xem lưng”, cậu ạ.

Macmurdo nghĩ thầm: “Đến tận bây giờ thằng cha mới biết sự thực... Anh ta nhớ lại những chuyện bè bạn bàn tán hàng trăm lần quanh bàn ăn về tư cách không ra gì của vợ Crawley.

Rawdon đáp:

- Chỉ có mỗi một cách giải quyết... Đối với những người như bọn mình, đó là cách duy nhất. Mac... anh hiểu chứ? Chúng nó cho bắt giam mình lại để tự do với nhau; thế rồi mình tóm được quả tang hai đứa ngồi tình tự. Mình mắng vào mặt thằng kia là đồ dối trá, đồ hèn nhát, và quai cho một trận cẩn thận.

Macmurdo nói:

- Đánh bỏ mẹ nó đi! Đứa nào thế?

Rawdon đáp là hầu tước Steyne.

- Chết cha? Một ông hầu tước ? Họ đồn rằng lão... nghĩa là họ đồn rằng chính cậu...

Rawdon gầm lên:

- Cậu nói cái quỷ gì đấy? Cậu nghe thấy có đứa đồn rằng vợ tớ ngoại tình mà cậu lờ đi không bảo tớ phải không, Mac?

Ông bạn đáp:

- Thiên hạ chúng nó thối mồm lắm. Những chuyện bọn vô công rồi nghề tán láo, nói lại với cậu làm gì?

- Mac, cậu thật không tốt tí nào.

Rawdon giận quá. Anh ta đưa hai tay lên ôm mặt trông cực kỳ thê thảm, khiến cho ông bạn quân nhân lòng dạ sát đá ngồi trước mặt cũng phải mủi lòng. Mac nói.

- Can đảm lên cậu. Phen này lão có là giời con cũng phải xơi một viên đạn vào đầu. Còn cái bọn đàn bà, chúng nó đứa nào chả thế.

Rawdon gần như nghẹn ngào đáp:

- Cậu không biết, mình yêu nó đến thế nào; mình theo nó ngoan ngoãn như một thằng hầu; mình có gì cũng cho nó hết. Chỉ vì lấy nó mà mình bị nghèo khó như thằng ăn mày. Thật đấy, mình đã bán cả đồng hồ đi để sắm sửa cho vừa lòng nó. Thế mà nó... lúc nào cũng chỉ lo gây vốn riêng; mình bị tù mà nó không chịu bỏ ra lấy một trăm đồng để cứu mình.

Rawdon kể lại đầu đuôi câu chuyện cho bạn nghe, giọng nói giận dữ, đứt quãng; chưa bao giờ Mac thấy bạn xúc động dữ dội đến thế. Anh ta lựa lời khuyên giải bạn:

- Dẫu sao đi nữa, vợ cậu có thể vẫn là vô tội. Chị ấy nói thế cơ mà; xưa nay Steyne vẫn ngồi chơi một mình với vợ cậu hàng bao nhiêu bận, có sao đâu.

Rawdon buồn rầu đáp:

- Cũng có thể; nhưng có cái này thì còn vô tội làm sao được...

Anh ta đưa cho bạn xem tờ ngân phiếu một nghìn đồng tìm thấy trong ví của Becky.

- Mac ạ, của thằng kia cho nó đấy. Thế mà nó giấu không cho mình biết. Có ngần này tiền trong túi mà không chịu cứu mình khỏi bị ở tù.

Anh chàng đại uý đành công nhận rằng cái việc giấu giếm tiền nong này xem ra cũng có vẻ khả nghi lắm.

Trong khi hai người nói chuyện với nhau, Rawdon sai người hầu của đại uý Macmurdo lại phố Curzon, bảo người nhà trao cho chiếc va-ly đựng quần áo của mình để lấy đồ thay ngay. Trong lúc ngồi chờ, Rawdon và bạn hì hục tra cuốn từ điển Johnson để thảo một bức thư gửi cho hầu tước Steyne: “Đại uý Macmurdo, đại diện cho trung tá Crawley, có hân hạnh được hầu tiếp hầu tước Steyne, xin báo cùng ngài rằng đại uý đã được trung tá giao cho toàn quyền sắp đặt cuộc gặp gỡ mà chắc hầu tước cũng đòi hỏi phải có, đồng thời cũng không thể không có được vì câu chuyện xảy ra đêm qua”.

Một cách hết sức lễ độ, đại uý Macmurdo yêu cầu hầu tước Steyne chỉ định một người để tiếp xúc với mình, lại ngỏ ý hy vọng cuộc gặp gỡ sẽ được ấn định sớm chừng nào hay chừng ấy.

Trong giai đoạn tái bút, viên đại uý viết rằng mình “Hiện đang giữ một tờ ngân phiếu có ghi một số tiền rất lớn, mà trung tá Crawley có nhiều lý do để đoán rằng thuộc về hầu tước Steyne”. Anh ta rất mong được thay mặt trung tá Crawley trao tờ ngân phiếu lại cho người có của.

Đang khi bận thảo nốt lá thư thì thằng hầu được Crawley sai sang phố Curzon trở về, nhưng không mang theo va-ly hoặc áo sống gì hết; coi bộ nó bối rối lúng túng quá. Nó nói:

- Họ không chịu giao cho cháu. Nhà cửa trông tan hoang cả, cứ lộn bậy cả lên. Ông chủ nhà đến ngồi đấy, nhất định đòi giữ hết đồ vật lại. Bọn người làm đang nốc rượu với nhau trong phòng khách. Họ bảo rằng... Thưa trung tá, họ bảo rằng ngài đã mang bộ đồ ăn bằng bạc chuồn đi rồi...

Ngừng một lát, nó nói tiếp:

- Một người làm đã bỏ đi mất. Bác Simpson nốc rượu say tuý luý hò hét ầm lên, bảo rằng hễ không trả tiền công cho bác ta thì đừng có hòng mang cái gì ra khỏi nhà.

Cuộc nổi loạn ở May Fair làm cho Rawdon ngạc nhiên, nhưng cũng khiến cho không khí bớt buồn bã vì câu chuyện trao đổi vừa rồi. Hai viên sĩ quan cùng buồn cười vì nỗi Rawdon bị cụt hứng.

Rawdon cắn móng tay nói:

- May quá, thằng bé lại không có nhà. Mac, Anh còn nhớ nó không, cái hồi ở Trường huấn luyện kỵ mã ấy mà? Nó cưỡi ngựa khéo đấy chứ?

Viên đại uý vui tính đáp:

- Phải, khéo lắm.

Lúc ấy thằng Rawdy đang ngồi giữa đám năm mươi mấy đứa học trò trong thánh đường của Trường thầy dòng áo trắng. Nó không để tai nghe giảng đạo, vì nó đang bận tâm nghĩ đến chuyện về thăm nhà chiều thứ bảy sắp tới; chắc thế nào bố nó cũng cho tiền tiêu, có khi lại cho đi xem hát nữa.

Ông bố vẫn mơ màng đến con trai, lại nói:

- Thằng bé ngoan ngoãn quá. Này Mac, nếu vạn nhất có chuyện không may... nếu tôi bị... thì nhờ anh...nhờ anh đến tìm cháu hộ nhé. Anh bảo rằng tôi quý nó lắm và... Đây này... anh đưa hộ tôi cho nó hai cái khuy áo bằng vàng; tôi chỉ còn có thế thôi.

Anh ta đưa hai bàn tay đen bẩn lên ôm lấy mặt, những giọt nước mắt chảy xuống từng vệt trắng, Macmurdo cũng có dịp kéo chiếc mũ ngủ bằng lụa chùi mắt. Rồi anh to tiếng vui vẻ gọi người hầu.

- Xuống bảo làm cái gì ăn. Ăn gì nào Crawley, bồ dục và cá thu nhé.. Clay, soạn một bộ quần áo đưa ngài trung tá thay; hai thằng chúng mình cùng to béo nhỉ; thế mà trong quân đội ít người ăn đứt được cánh mình về khoa cưỡi ngựa đấy.

Đoạn anh ta quay mặt vào tường đọc nốt tờ báo bỏ dở để Rawdon thay quần áo cho tự nhiên; chờ bạn mặc áo xong, anh ta mới dậy thay quần áo của mình.

Vì sắp sửa giáp mặt vị hầu tước nên đại uý Macmurdo ăn bận chải chuốt lắm. Anh ta lấy sáp vuốt bộ râu cho bóng, thắt một chiếc “nơ” hồ cứng và khoác một tấm áo da thật đẹp. Trông Mac bảnh bao quá đến nỗi bọn sĩ quan trẻ tuổi trong quán ăn nhà binh thấy anh ta cùng Crawley xuống ăn sáng hỏi đùa có phải hôm nay chủ nhật, anh ta định đi cưới vợ hay không?

Truyện Chữ Hay