Đại Chu vào năm Nguyên Thái thứ hai mươi lăm, Đông Thát xâm phạm Bắc Cương, quân biên phòng Bắc Yến thiết kỵ và quân đóng ở hai nơi Ninh Châu, Đồng Châu hợp binh tại sông Vô Định, đánh bại bộ chúng Đông Thát, lại lùi về hơn bảy trăm dặm, thu phục Tây Thu quan.
Tháng tám cùng năm, Ô Châu bộ của Đông Thát tỏ ý xin hàng, nguyện quy phụ Đại Chu, xưng thần nạp cống. Mười sáu tháng tám, sứ thần hai bên hoàn thành nghi thức tiếp nhận đầu hàng bên bờ sông Vô Định, ước định Ô Châu bộ mỗi năm tiến cống da lông, dược liệu, ngựa và vàng bạc, cũng đưa thân tử của Khả Hãn nhập kinh, tới Quốc Tử Giám để học tập lễ nghi Trung Nguyên.
Tháng chín, triều đình phát chỉ, lệnh cho thống soái của Bắc Yến thiết kỵ là Tĩnh Ninh hầu Phó Thâm, hộ tống sứ đoàn Đông Thát vào kinh triều kiến.
Lúc này chiến sự đã bước đầu ổn định, Ô Châu bộ lui về quan ngoại, Phó Thâm tạm thời không có nỗi lo về sau, liền lệnh cho thủ hạ Viên Hoàng mang quân chủ lực về Bắc Cương trước, rồi tự mình dẫn một đội tinh kỵ hộ tống sứ đoàn xuôi Nam.
Ngày mùng chín tháng chín, sứ đoàn đang trên đường đến ải Thanh Sa, chợt thấy mặt đất chấn động không ngừng, vách núi hai bên ầm ầm đổ nát, loạn thạch như mưa, ngựa chấn kinh lao nhanh, trong lúc khẩn cấp, tiểu vương tử Đông Thát ngồi trong xe ngựa tránh né không kịp, trực tiếp bị một khối cự thạch từ trên trời giáng xuống đập nát.
Địa hình ải Thanh Sa cao dốc chật hẹp, nhưng vẫn thuộc cảnh nội Đại Chu, luôn luôn trị an, theo lý không nên xuất hiện mai phục. Dọc đường đi, Phó Thâm mặc dù chú ý đề phòng, song thực sự không ngờ ở ngay cửa nhà mình mà lại gặp tại họa bất ngờ như núi long đất lở thế này, trong lúc nhất thời không để ý tới tiểu vương tử hay đại vương tử gì nữa, mắt thấy phía trước đá rơi ào ào, liền quả quyết quay đầu ngựa, hô lớn “Lùi về sau”, dẫn người xông thẳng về đường cũ ban đầu.
Bụi mù nổi lên bốn phía, gần như nhuộm cả sơn cốc thành màu đất cát. Trong bụi cây trên cao, một chiếc nỏ tinh xảo chuyển hướng, mũi tên mang hàn quang hiểm ác nhắm ngay vào thống soái Bắc Yến đang thúc ngựa lao nhanh.
Trực giác nhạy bén tôi luyện trên chiến trường đã cứu y một mạng trong thế ngàn cân treo sợi tóc này. Trường thương phía sau xé gió mà đến, Phó Thâm như thể mọc mắt sau lưng, cúi thấp người đồng thời kéo dây cương, quân mã phanh gấp, móng trước giương lên, xoay nửa vòng tại chỗ, sát sao tránh được mũi tên chết người kia. Mũi tên xẹt qua sau lưng y, cắm sâu nửa tấc vào vách đá, lập tức bị cát đá cuồn cuộn bao phủ.
“Kẻ nào?”
Kẻ nào muốn giết y?
Ý nghĩ băng lãnh này chỉ chợt thoáng hiện qua trong đầu Phó Thâm, sau một khắc, tiếng hô hoán của thân binh chung quanh liền kéo y trở về nhân gian.
“Tướng quân cẩn thận!”
Đá tảng rơi trên đỉnh đầu che kín bầu trời, cũng triệt để ngăn cách tầm nhìn của y.
Ngày mùng chín tháng chín năm Nguyên Thái thứ hai mươi lăm, sứ đoàn Đông Thát bị tập kích ở ải Thanh Sa thuộc Đông Châu, tiểu vương tử Đông Thát chết tại chỗ, sứ đoàn hao tổn hơn phân nửa. Tĩnh Ninh hầu Phó Thâm đi theo hộ tống sứ đoàn bị đá tảng đập trúng hai chân, hứng chịu trọng thương, được hộ vệ thân tín chạy suốt đêm mang về Bắc Cương, tuy may mắn bảo toàn được một mạng, nhưng về sau e rằng khó mà khôi phục như thường.
Tin tức truyền đến kinh thành, triều đình và dân chúng xôn xao, trên dưới không ai không khiếp sợ.
Nguyên Thái đế tức giận, chiếu lệnh Tam Pháp ty điều tra án này, còn đặc chỉ thưởng hậu cho Phó Thâm, tăng thêm một ngàn lộc vào bổng lộc của Tĩnh Ninh hầu, tiến phong làm trấn quốc tướng quân, ban thưởng tử thụ kim ấn, cho phép tại chức hồi kinh an dưỡng.
Chuyện Phó Thâm bị thương lan truyền sôi sục khắp kinh thành, có không ít người âm thầm suy đoán sau khi y bị thương, binh quyền của Bắc Yến quân sẽ rơi vào tay người phương nào. Một đạo đặc chỉ của hoàng đế tạm thời ngăn chặn được miệng lưỡi nhiều kẻ nhàn rỗi, chức thống soái vẫn còn đó, chỉ là tạm rời khỏi Bắc Cương mà thôi. Nếu Phó Thâm đủ thông minh thức thời, nghe đàn ca hiểu nhã ý, chờ sau khi hồi kinh liền thoái vị nhượng chức, đem binh quyền trao trả thánh thượng, thì có thể dùng một đôi chân đổi lấy cả đời vinh hoa phú quý.
Như vậy xem ra, bệ hạ đối với công thần không chỉ hết sức ưu ãi, mà còn có thể xưng là tận tình tận nghĩa.
Tĩnh Ninh hầu và Bắc Yến quân ở giữa trung tâm lời đồn đãi, tiếp nhận thánh chỉ, song vẫn không hề có động tĩnh gì. Mãi đến tận cuối tháng chín, Phó Thâm mới dâng lên một cuốn sổ gấp, bên trong trình bày tỉ mỉ an bài chuyển giao quân vụ đóng tại Bắc cảnh, thỉnh cầu hoàng đế cho phép từ chức dưỡng bệnh.
Cuốn sổ này khiến Nguyên Thái đế thở phào nhẹ nhõm, theo lệ bác bỏ lời thỉnh cầu của y, cho phép từ Bắc Cương lên đường hồi kinh.
Trong kinh không biết có bao nhiêu người bấm ngón tay đếm vàng, ngẩng đầu trông mong, chờ xem vị Tĩnh Ninh hầu uy danh hiển hách này rốt cuộc biến thành thế nào. Mà lúc này bên ngoài ngàn dặm, sắc trời không rõ, một chiếc xe ngựa nhỏ được thân binh vây quanh, rời khỏi thành Yến Châu thủ vệ nghiêm ngặt, lao nhanh về hướng kinh thành.