Hoàng Cung Kỳ Ngộ

chương 87: ngoại truyện 1 : lê ứng thiên

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Uy nghi, lạnh lùng, vô cảm.

Mặc cho hắn khóc lóc, giãy giụa.

Phụ vương, vẫn là như thế, nhìn hắn.

“Cẩu hoàng đế, nếu ngươi không thả tướng quân của bọn ta ra, ta sẽ giết nó.” Gã đàn ông áo đen túm lấy cổ đứa trẻ, giơ lên cao, ấn mũi kiếm vào cổ nó. Một tia máu đỏtứa ra, chảy dọc theo lưỡi kiếm.

“Ta không phải chỉ có một đứa con trai.” Người đàn ông trong bộ triều phục màu đỏ điềm nhiên nói. “Nếu ngươi muốn có thêm một người bầu bạn trên đường xuống suối vàng, ta cho ngươi ân huệ đó.”

Một cái phất tay, ngàn mũi tên vùn vụt xé gió lao đi.

Đến khi Lê Ứng Thiên đẩy ra được cái thân thể nặng nề kia để đứng lên, hắn mới biết rằng gã áo đen ban nãy đã dùng thân che tên cho hắn.

Người gã, toàn là tên.

Người hắn, toàn là máu.

“Phụ vương, xin người cứu mẫu phi!” Lê Ứng Thiên cuống cuồng chạy theo nắm lấy tay áo người đàn ông trong bộ triều phục đỏ.

“Ngay cả hai tiếng ‘phụ vương’ cũng không phát âm đúng.” Người đàn ông ấy vung mạnh cánh tay, khiến Lê Ứng Thiên chới với. “Không xứng đáng làm con của ta.”

Một viên thị vệ bế xốc hắn lên, vác thẳng về tẩm cung của mẫu phi. Lê Ứng Thiên không khóc, cũng không kêu gào nữa, trong đầu hắn chỉ có ánh mắt vừa lạnh lùng vừa khinh miệt của người mà hắn đã gọi bằng hai tiếng “phụ vương”.

“Mẫu phi, người thấy sao rồi?” Hắn nhón gót leo lên giường, nhè nhẹ vỗ vào gương mặt xanh xao của người thiếu phụ.

“Thiên, ngoan, đừng khóc con, mẫu phi không sao.” Thiếu phụ dịu dàng mỉm cười, nắm lấy bàn tay nhỏ xíu của hắn, áp vào mặt mình. “Có muốn nghe mẫu phi hát ru không?”

Hắn mím môi, gật gật đầu.

“Em vẫn đợi, dưới trăng vàng, mây bạc

Nhiều lần ngỡ nghe tiếng kèn lẫn trong gió cát

Tháp có đôi,

Sao em vẫn lẻ loi

Anh không về, mãi mãi không về…”

Tiếng hát ấy, nhỏ dần, rồi lại nhỏ dần. Hắn sợ hãi không dám cất tiếng gọi.

Mẫu phi đã nhiều đêm không ngủ được rồi, hắn nên để cho người ngủ.

Ngày mai, người lại sẽ thức dậy chải tóc cho hắn.

Ngày mai, người lại sẽ kể hắn nghe câu chuyện về các chiến binh,

Ngày mai, người lại sẽ hát khúc hát đó, và lại sẽ khóc. Nhưng không sao, hắn sẽ lại lấy tay lau nước mắt cho người.

Sau cái ngày mà mẫu phi không bao giờ có thể hát được nữa. Hai cung nữ đến đưa hắn đi. Đó là lần đầu tiên trong suốt sáu năm xuất hiện trên cõi đời này, hắn được danh chính ngôn thuận bước chân ra khỏi tẩm cung của mẫu phi.

Tình cảm của đế vương là gì? Là thứ sớm đến chiều đi, nồng nàn rồi tắt ngấm?

Không, đó chỉ là một cuộc trao đổi.

Khi giá trị lợi dụng của một người đã hết, công cuộc tìm kiếm một đối tượng trao đổi khác lại bắt đầu. Mẫu phi không phải là một trong số những người phụ nữ từng được sủng ái, mà là một trong số những người phụ nữ từng có giá trị lợi dụng. Suốt mười mấy năm quan sát vị đế vương ngồi trên ngai vàng kia, hắn cười khỉnh nhận ra, phụ vương hắn là một tay gian thương cao cấp, lợi nhuận mang về từ những người phụ nữ quanh ông ta, luôn lớn hơn gấp bội những gì ông ta bỏ ra.

Ngày rời khỏi tẩm cung của mẫu phi, hắn đứng dưới gốc cây bằng lăng, thề rằng, hắn sẽ trở thành hoàng đế. Hắn sẽ biến mẫu phi thành người phụ nữ cao quý nhất của cả Phồn Lư và Lạc Việt. Hoàng đế từng bảo hắn không xứng đáng làm con ông ta? Một ngày nào đó, hắn sẽ mặc cẩm bào, chỉ vào bài vị của ông ta rằng, là ông ta không xứng đáng làm cha của hắn.

Hắn được đưa đến cho hai cung nữ già chăm sóc. Họ dạy lại hắn tiếng Việt, cho hắn ăn uống. Suốt một năm, hắn không gặp ai khác. Hắn muốn mình nói tiếng Việt phải thật lưu loát, để không kẻ nào còn có thể bắt bẻ hắn vì điều ấy.

Hắn có bốn người anh em, nhưng chưa từng nhìn thấy ai trong số họ. Rồi một lần nọ, hắn gặp cả bốn người.

Khi ấy, bốn người họ rủ nhau chơi cầu mây. Quả cầu rơi vào trúng đầu hắn khi hắn vừa từ trong phòng đi ra. Vừa nhìn thấy họ, hắn đã đoán ra họ là ai. Trẻ con có thể tự do nô đùa trong cung với cái thái độ ngông nghênh đó, chỉ có thể là hoàng tử.

Tên to con nhất đưa mắt ra hiệu cho hắn ném trả quả cầu. Lấy lại quả cầu, họ trở lại với trò chơi, không mảy may để mắt đến hắn, mà có lẽ họ cũng chẳng biết hắn là ai. Trong bốn đứa trẻ ấy, chỉ có một thằng nhóc mũm mĩm cắm cúi ngồi mút kẹo là giương mắt lên tò mò nhìn hắn. Đến lúc những người kia đến nơi khác tiếp tục chơi, thằng nhóc ấy mới tách ra, chạy theo hắn.

“ Anh là anh Ứng Thiên?”

“ Cậu là…”

“ Em là Nguyên Phong, em từng nghe nhũ mẫu nói về anh.”

Hoá ra, trong cung cũng có người biết hắn là ai.

“Anh… cho em sờ tóc anh một cái nha…”

Lê Ứng Thiên ngần ngại cúi đầu xuống.

“Thật là ngộ…” Lê Nguyên Phong tròn mắt khi chạm tay vào những lọn tóc xoăn của Lê Ứng Thiên.

Đến năm năm tuổi, các hoàng tử đều được đưa đến học viện của hoàng cung, bắt đầu dùi mài kinh sử. Lê Ứng Thiên vốn sống như một kẻ vô hình trong hoàng cung, dĩ nhiên dù đã bảy tuổi vẫn không được gửi đến học. Cơ hội đến với hắn khi Lê Nguyên Phong vì hay trốn học nên thường xuyên bị bắt chép phạt. Lê Nguyên Phong nhờ hắn chép giùm, nhưng vì hắn không biết chữ, nên thằng bé bắt đầu dạy từng chữ cho hắn. Cũng vì lý do đó, khi lớn lên, nét chữ của hắn nhìn không khác Lê Nguyên Phong là mấy.

Lê Nguyên Phong mồ côi mẹ còn sớm hơn hắn, được một phi tần không có con nuôi nấng, nhưng dù sao cũng nhận được đãi ngộ tốt hơn nhiều. Thằng bé này chẳng bao giờ thèm đọc sách, toàn nhờ hắn đọc lớn để nghe. Vì thế, Lê Nguyên Phong thuộc trang nào, hắn cũng thuộc trang ấy.

Lê Nguyên Phong chưa đến tuổi học võ, nhưng ngày nào cũng lẽo đẽo theo các hoàng tử lớn hơn để học ké. Học võ một mình thì buồn, mà các hoàng tử khác thì không thèm đấu với một thằng nhóc. Vì vậy, học được bao nhiêu, Lê Nguyên Phong đều dạy lại cho hắn, để có dịp tỉ võ. Hai người đối với việc học võ hứng thú hơn nhiều so với việc học văn, nên thường xuyên đến thư phòng lục sách về võ thuật để xem. Chẳng mấy chốc, võ công của họ vượt hơn hẳn các hoàng tử khác.

Năm hắn mười hai tuổi, hoàng đế tổ chức đại thọ. Hắn không được đến dự, nhưng lại không muốn một lần nữa trở thành một hoàng tử hữu danh vô thực giữa hoàng cung. Vì vậy, hắn đã bỏ cả tháng để viết một bài thơ chúc thọ, nhờ Lê Nguyên Phong đọc giữa buổi tiệc. Lê Nguyên Phong đọc xong bài thơ, tất cả văn võ bá quan đều trầm trồ, hoàng đế cũng tỏ ra vô cùng hài lòng. Đến lúc ấy, Lê Nguyên Phong mới nói thật là bài thơ ấy do hắn làm, dù không có dịp gặp hoàng đế, nhưng trong lòng luôn hướng về ông như thế nào. Hắn được triệu đến buổi tiệc, và được ban một ly rượu. Con đường quyền lực của hắn bắt đầu từ đấy.

Các hoàng tử lúc nhỏ thì vô tư chơi với nhau, nhưng khi lớn lên, ai cũng nuôi mộng bá quyền. Hắn và Lê Nguyên Phong đều không có khả năng bước vào cuộc tranh giành ấy, do không có hậu thuẫn từ gia đình bên ngoại. Nếu bản thân hắn không đủ mạnh để thắng, hắn chỉ có thể làm đối thủ đủ yếu để thua.

Thái tử Lê Duy Khánh, con của hoàng hậu, gia đình họ ngoại thế lực nhất, là một ngừơi hiền lành, nhân nghĩa. Chính cái hiền lành nhân nghĩa ấy lại khiến hoàng đế lo lắng. Nhưng ông ta cũng không thể có sự lựa chọn tốt hơn. Nhị hoàng tử là người chỉ biết giải quyết vấn đề bằng bạo lực, tam hoàng tử thông minh, văn thao võ lược, nhưng cũng vì thế mà quá khinh người, cao ngạo. Lê Nguyên Phong từng có mẹ được sủng ái, nhưng họ hàng bên ngoại đã tử chiến sa trường. Lê Ứng Thiên thì vốn có dòng máu Phồn Lư trong huyết quản, đều không phải là sự lựa chọn hợp lý vào thời điểm đó.

Năm mười lăm tuổi, hắn trở nên thân thiết với nhị hoàng tử Lê Anh Minh, một người thích bạo lực, nhưng suy nghĩ nông cạn. Gia đình họ ngoại Lê Anh Minh là võ tướng, vì thế cũng không quan trọng hoá dòng máu Phồn Lư của Lê Ứng Thiên, để mặc hai người giao du. Từ đầu, hắn đã xác định nhị hoàng tử sẽ là người bị tiêu diệt đầu tiên. Hắn đứng phía sau kích động mối bất hoà giữa nhị hoàng tử và tam hoàng tử Lê Chính Văn, từ chuyện giành giật kĩ nữ, đến tranh công săn bắn.

Đỉnh điểm của mâu thuẫn là khi qua sự giới thiệu của Lê Ứng Thiên, nhị hoàng tử mê đắm đuối một tiểu thư là đệ nhất mỹ nữ của kinh thành. Nàng ta, lại ngưỡng mộ tài thơ văn của tam hoàng tử. Thật ra, những bài thơ tình mà nàng ta nhận được, đều do Lê Ứng Thiên viết, nhưng kí tên bằng một chữ Văn, cùng kí hiệu lượn sóng, vốn được xem như bút tích độc quyền của Lê Chính Văn.

Mồi ngon dâng tới miệng, Lê Chính Văn dĩ nhiên không chối từ. Nhị hoàng tử nghĩ mình bị phổng tay trên, càng thêm căm hận tam hoàng tử, nhất là khi được “vô tình” nghe những lời đồn về việc tam hoàng tử gọi mình là kẻ thất phu, rằng nếu được làm hoàng đế, sẽ xử trí nhị hoàng tử đầu tiên vì dám cả gan tranh mỹ nữ. Trong cơn men say, lại nghe lời trái tai, nhị hoàng tử tức giận cầm đao đi tìm tam hoàng tử, ngay lúc tam hoàng tử đang hẹn hò với mỹ nữ ở hồ Tây. Cuộc ẩu đả đó, tuy không tước đi sinh mạng của tam hoàng tử, nhưng cũng khiến hắn bị thương nặng. Hoàng đế tức giận đày nhị hoàng tử làm thường dân, cũng nhân dịp đó từ từ tước bỏ binh quyền của gia đình họ ngoại nhị hoàng tử.

Trong vai kẻ bị hại, tam hoàng tử nhận được sự thương cảm của mọi người, cộng với danh tiếng về tài văn võ song toàn, tam hoàng tử ngày càng được lòng hoàng đế và nhiều đại thần. Điều đó khiến gia đình hoàng hậu, mẹ đẻ của thái tử, lo âu. Trước đây, họ khoanh tay nhìn nhị hoàng tử và tam hoàng tử đấu đá nhau. Giờ đây, phe của nhị hoàng tử thảm hại, phe của tam hoàng tử lên như diều gặp gió. Tam hoàng tử lập trức trở thành mối nguy chính của thái tử. Lê Ứng Thiên, đứng một góc, chờ màn kịch long hổ tranh hùng.

Lê Ứng Thiên tỏ ý muốn đứng về phía thái tử. Điều đó hợp lý, vì nhiều người cũng biết tới mối quan hệ thân thiết giữa hắn và nhị hoàng tử trước kia, mà nhị hoàng tử thì đối đầu với tam hoàng tử. Ba năm sau, hoàng đế băng hà cũng là lúc cuộc tranh giành trở nên căng thẳng. Tin đồn rộ lên là có hai bản di chiếu, trong đó, bản di chiếu cuối cùng là truyền ngôi cho tam hoàng tử, vì thái tử quá nhu nhược để nối ngôi. Với thế lực của gia đình hoàng hậu, dĩ nhiên bản di chiếu chính thức được công bố, là quyền nối ngôi thuộc về thái tử. Tam hoàng tử cùng phe phái của mình từ lâu đã tập hợp binh lính chờ ở ngoài thành, nghe tin mình bị gạt ra khỏi ngai vàng, lập tức dấy binh tạo phản.

Thù của thù là bạn. Gia đình hoàng hậu liên kết với thế lực còn lại của gia đình nhị hoàng tử, sau nửa tháng giằng co, đẩy lùi lực lượng của tam hoàng tử. Tam hoàng tử bị ban chết, gia đình bị tru di tam tộc. Thái tử chính thức lên ngôi hoàng đế, không biết rằng âm mưu của tam hoàng tử, hay chính xác là âm mưu của Lê Ứng Thiên, vẫn chưa chấm dứt ở đó.

Trước đó, tam hoàng tử từ sau vụ ẩu đả với nhị hoàng tử, giấc mộng đế vương ngày càng mãnh liệt. Trong một buổi tiệc, khi đang bình phẩm về các vũ nữ, Lê Ứng Thiên nhắc đến một câu chuyện cổ xưa. Những người trong buổi tiệc, mỗi người một câu, thể hiện kiến thức bằng cách nhắc đến việc vị hoàng đế nọ vì mỹ nhân mà cuối cùng không có con nối dõi, phải nhường ngôi cho cháu, con của người em cùng cha khác mẹ.

Lê Ứng Thiên nửa đùa nửa thật, đặt giả thiết không biết đó có phải âm mưu từ trước của kế mẫu của vị hoàng đế kia hay không. Tất cả những điều ấy chỉ cốt để gieo vào đầu tam hoàng tử cái ý nghĩ làm thái tử không có con nối dõi. Nếu thái tử thật sự chết đi không con con nối dõi, thì tam hoàng tử và con hắn sẽ là đối tượng được thừa kế ngai vàng trong trường hợp họ không đủ binh lực để giành ngôi sau này.

Đầu độc giết thái tử sẽ dễ bị phát hiện, nên độc mà tam hoàng tử sai người hạ, là để thái tử Duy Khánh dần dần mất đi khả năng sinh sản. Đó là nguyên nhân vì sao thái tử mãi vẫn không có con. Khi sức khoẻ tiên hoàng có dấu hiệu chuyển biến xấu, Lê Ứng Thiên bắt đầu tẩm thêm thuốc độc liều nhẹ vào gối của thái tử, khiến thái tử sức khoẻ thái tử từ từ suy yếu. Cuộc chiến giữa thái tử và tam hoàng tử, Lê Ứng Thiên từ sớm đã nhắm chắc phần thắng sẽ thuộc về ai.

Hoàng đế Duy Khánh lên ngôi nửa năm, triều chính vừa mới ổn định, thì sức khoẻ ngày càng xuống dốc. Lê Ứng Thiên nhân lúc thái hậu đi chùa cầu phúc, tăng thêm liều thuốc độc, để thái hậu không kịp về can thiệp. Trước đó, Lê Ứng Thiên đã tạo tin đồn về việc thái hậu năm xưa vì ghen tuông mà hãm hại mẹ của Lê Nguyên Phong. Tuy bằng chứng chưa có, nhưng điều đó cũng khiến Duy Khánh lo lắng nếu Lê Nguyên Phong lên ngôi, sẽ đối phó mẹ mình. Vì vậy, cuối cùng khi Duy Khánh băng hà, người được chọn trong di chiếu là Lê Ứng Thiên. Hắn tạm thời không đụng đến thái hậu, vì quá nhiều cái chết, sẽ dễ khiến người khác hoài nghi.

Người duy nhất Lê Ứng Thiên không muốn đối phó, là Lê Nguyên Phong. Thứ nhất là vì tình nghĩa lâu năm, không có Lê Nguyên Phong, hắn sẽ không có được ngày hôm nay. Thứ hai là vì Lê Nguyên Phong bản tính tài tử, thích rong chơi du ngoạn, không có chút hứng thú với quyền lực. Từ lúc tiên đế còn ở ngôi, đến khi Duy Khánh lên ngôi, Lê Nguyên Phong có dịp đều xin đi sứ nước ngoài, chứ không thích ở Lạc Việt.

Ngày lên ngôi, Lê Ứng Thiên sắc phong cho mẫu phi danh hiệu Linh Thuận hoàng thái hậu. Cuối cùng, hắn đã hoàn thành lời thề thứ nhất. Hắn tự cho phép bản thân về lại tẩm cung của mẫu phi, nay đã là một phế cung hoang tàn. Hàng cây bằng lăng nhỏ bé ngày chỉ cao qua mép tường, nay đã thân cao tán rộng. Hắn ngồi trên cành cây cao nhất. Từ đây, hắn có thể nhìn bao quát toàn cảnh phế cung.

Hắn ngắt một cành hoa, đặt trước cửa phế cung. Ngày nào chưa chiếm được Phồn Lư, hoàn thành lời thề thứ hai, hắn sẽ không vượt qua bức tường ấy.

Hắn không thể vì ngồi trên ngai vàng mà có thể ngủ quên trong chiến thắng. Ngày này qua tháng nọ, hắn vừa phải giải quyết quốc sự, vừa phải dàn xếp các cuộc tranh đấu trong triều và cả hậu cung. Hắn không phải thánh nhân, cũng có lúc mệt mỏi, cũng có lúc bế tắc. Những lúc ấy, hắn lại tìm đường về phế cung, đi qua những gốc cây bằng lăng.

“Em vẫn đợi, dưới trăng vàng, mây bạc

Nhiều lần ngỡ nghe tiếng kèn lẫn trong gió cát

Tháp có đôi,

Sao em vẫn lẻ loi

Anh không về, mãi mãi không về…”

Hắn không nghe lầm, đúng là có tiếng hát nho nhỏ phát ra từ phế cung.

Không phải tiếng hát của mẫu phi.

Tiếng hát ấy, đưa hắn về những ngày còn thơ dại. Hắn nhớ bàn tay mềm mại, nhớ những giọt nước mắt của mẫu phi, nhớ cái ôm ấm áp của người.

Hắn ghét mình trở nên mềm yếu.

Người bên trong nghe thấy tiếng bước chân của hắn, vội im bặt tiếng hát.

“ Đừng ngừng lại!” Hắn nói, rồi cảm thấy ngạc nhiên với chính bản thân mình vì đã thốt lên ba tiếng đó.

“ Ta không thích hát cho người khác nghe” Người phía bên kia bức tường đáp lại.

Hắn thấy bất ngờ trước giọng điệu cao ngạo ấy, có lẽ nàng ta không biết hắn là ai.

“ Cô không biết đây là cấm địa sao, nếu ta báo với ngự lâm quân, cô sẽ bị bắt.”

“ Ngươi dám báo sao? Chỗ ngươi đang đứng, cũng nằm trong cấm địa.”

“ Cô là người Phồn Lư?”

“ Hát tiếng Phồn Lư thì nhất định phải là người Phồn Lư sao?”

“ Sao ban đêm lại đến đây hát một mình?”

“ Ngươi không thấy nguyên nhân quá hiển nhiên sao? Hát ở đây không ai nghe thấy cả. Chỉ vì ngươi mà sau này ta không còn chỗ để hát nữa.”

Tại sao hắn có thể nói nhiều như thế với nàng ta, bản thân hắn cũng không thể giải thích.

“Tiếp tục hát đi, xem như ta không tồn tại.”

“Ngươi phải hứa là không được mở miệng, thở không ra tiếng. Nói tóm lại là hoàn toàn vô hình.”

“Được.”

“Ngươi được nghe ta hát, còn ta không được gì cả. Không công bằng”

Hắn bước một đoạn đến bên cây bằng lăng, ngắt một cành hoa, ném sang phía bên kia vách tường.

“Đã công bằng chưa?”

Đêm nào, hắn cũng đến phế cung. Có hôm nàng ta ở đấy, có hôm không.

Lúc nàng ta đến, hắn muốn hỏi nàng ta ngày mai có đến nữa không, nhưng không thể lên tiếng, vì lời hứa “vô hình”. Hắn chợt nghĩ ra một ý.

Trên bưc tường có một lỗ hỏng nhỏ. Lần này hắn không ném cành bằng lăng qua nữa, mà luồn nó qua lỗ hỏng ấy, vẫy vẫy.

Khi nàng ta bước đến lấy cành bằng lăng, hắn chụp lấy bàn tay nàng, dùng ngón tay viết chữ lên đấy. Hai người, từ đó, thích cái trò vẽ chữ ấy, dùng để trò chuyện với nhau đủ thứ chuyện trên đời.

Lần đầu tiên, hắn có thể kể với một người những suy nghĩ ngốc nghếch của mình lúc nhỏ, rằng hắn từng ngồi cầu mưa như thế nào, chiên châu chấu ra sao.

Nàng không biết hắn là ai. Hắn cũng không biết nàng là ai. Có lẽ vì thế mà hắn tin nàng.

Ngày ngày, hắn phải mang tấm mặt nạ đế vương với thế gian. Không gặp nàng, có lẽ hắn cũng quên mất mình thật ra chỉ là một con người.

Truyện Chữ Hay