Bịch, một tiếng động phát ra, cúi xuống thì tôi nhận thấy có một chiếc điện thoại ngay dưới chân của mình.
Và rồi người phụ nữ mặc áo vét đang ngồi bên cạnh tôi, khi nghe thấy bỗng chốc nhún vai tỏ ra giật mình.
Lập tức tôi nhặt lấy chiếc điện thoại rồi chuyền lại cho cô ta.
[A, thật xin lỗi.]
[Không có gì...... Nếu cô buồn ngủ, tôi nghĩ cô nên để nó vào trong túi thì hơn. Cái điện thoại ấy.]
Nghe tôi nói thế, khóe miệng cô gái nhấc lên lộ một chút vẻ ngượng ngùng, cô cúi đầu, cầm điện thoại bỏ vào trong túi, sau đó tiếp tục thu vai và nhắm mắt.
Ngay vào lúc đó, đột nhiên từ phía dưới bánh xe đang quay bỗng phát ra những tiếng động ồn ào, từ hướng của máy điều hòa cũng chỉ còn nghe được tiếng gió thổi thô kệch.
Cả đoàn tàu rung lắc, thi thoảng, tôi cảm thấy có gì đó rất kỳ quặc.
Hàng chục con người xa lạ, không quen biết bị nhồi nhét vào một không gian chật hẹp thế này, lại còn ngồi kế nhau, cùng chia sẻ thời gian dù chẳng tương đồng gì về sở thích. Người đang ngồi bên ta là người như thế nào, chẳng ai có tâm trí cũng như dự định tìm hiểu điều đó.
Những con người xa lạ, không biết từ đâu đến hít thở chung một bầu không gian, vô tình chạm mắt nhau trong thoáng chốc để rồi hạ tầm nhìn xuống một nơi không ai hay biết.
Vốn chuyện này cũng không có gì là lạ lùng khi cơ bản đây chỉ là tự thân tưởng tượng nên nhưng thật không biết phải diễn tả điều tôi cảm nhận được ra sao.
Giả sử những người đang đứng đây có quen biết nhau, nếu họ xuống trạm và đi về một nơi nào đó, liệu điều đó có làm tôi bận tâm không?
Trong khi đang mải suy nghĩ vừa đung đưa thân mình trên con tàu đang chạy, [A... mưa rồi] một giọng nói khẽ từ người đàn ông mặc thường phục đứng trước mặt tôi cất lên.
[Ừhmm.]
Một cách vô ý, tôi liền đáp lại như theo cái cách mà người ta giả bộ ho trước khi đọc diễn văn rồi ngoảnh mặt về phía sau nhìn về phía cửa sổ. Những hạt mưa đang dần dần va vào mặt kính.
Bỗng dưng tôi lại muốn tặc lưỡi, nhưng ở nơi công cộng đành phải nhịn. Quả thật từ chiều, bầu trời đã phủ đầy những lớp mây dày cộm, có mưa cũng chẳng phải chuyện lạ đời gì nhưng trước lúc về nhà thế này thì thật xui xẻo làm sao.
Mỗi sáng, tôi luôn xem dự báo thời tiết bằng điện thoại nên nếu ngày nào có mưa, tôi sẽ thủ sẵn một cây dù gấp trong ba lô của mình vậy mà, sáng nay do ngủ quên nên đã không xem được.
Bản thân lại chẳng muốn bộ vest bị ướt nên nếu khi đến nhà ga gần nhất mà mưa vẫn không có dấu hiệu tạnh, có lẽ chỉ còn cách mua một cái dù nhựa.
Bất chợt ngước lên, người đàn ông mặc thường phục đứng trước mặt tôi cũng đang nhíu mày nhìn ra phía cửa sổ.
Người này cũng bỏ quên dù chăng? Cũng như mình đi đến nhà ga gần nhất để mua dù, hay là cứ thế dầm mưa đi về? Lúc về đến nhà, liệu có ai ra trước cửa đón không? Nếu có thì tốt quá rồi. Họ sẽ chuyền cho một cái khăn để lau cho khô, để người vừa về không bị cảm lạnh.
Nghĩ một hồi, tôi cảm thấy mình thật buồn cười.
Đơn giản, chỉ là ảo tưởng. Tôi chẳng biết tí gì về người đàn ông này cả.
Tôi phịt mũi. Cứ mỗi lần bắt đầu suy nghĩ về một chuyện kỳ quặc nào đấy, thì y như rằng đầu tôi chẳng còn để tâm đến gì ngoài những trăn trở xoay quanh đến nó, đúng là thói xấu khó bỏ.
......Ấy mà.
Thêm một lần nữa tôi lại nhìn ra ngoài cửa sổ, và thấy cơn mưa đã trở nên to hơn.
Rồi tự hỏi, những người đứng đây đang nghĩ gì? Sẽ làm sao để bản thân không bị cảm vào hôm sau đây?
[Ôi...... mưa như này không phải là quá lớn rồi sao?]
Vừa đặt chân đến nhà ga gần nhất, mưa càng lúc càng nặng hạt, tiếng ào ào vang vọng như thể một con thác khổng lồ, to và dày đến mức không nhìn được có gì phía bên kia làn nước. Cứ như thể cả một cái xô nước khổng lồ đang ập xuống vậy.
Tôi liền tạt vào cửa hàng tiện lợi nhỏ bên trong nhà ga để rồi biết được toàn bộ dù nhựa đã được bán hết sạch.
[Trời ạ, mua hết sạch rồi còn đâu......]
Một lần nữa, tôi ra chỗ có mái che rồi đứng sát ngay mé ngoài để nhìn lượng mưa rơi, còn kinh hơn cả hồi nãy. Tiếng mưa đập ầm ầm xuống mặt đất, khiến âm thanh lan tỏa ra xung quanh, nước bắn tung tóe.
Có lẽ nào tôi phải đứng chết ở cái nhà ga này cho đến khi cơn mưa dịu bớt sao? Có nên lao ra ngoài đón taxi hay chỗ nào khác không đây? Tôi vừa suy nghĩ vừa đăm chiêu nhìn lên bầu trời, đến mức gần như không nhận thấy có người đang tiếp cận mình.
[Nhìn anh có vẻ đang như gặp rắc rối nhỉ?]
[Hửm.]
Bị hỏi đột ngột, hạ tầm mắt xuống thì một bộ đồng phục nữ sinh cấp ba tay cầm dù đang đứng ngay trước mặt.
[Mưa lớn quá nhỉ.]
[Ờ, ừ......]
[Dù... Anh lỡ để quên cây dù ở nhà, nên giờ phải đứng thế này đây. Khó coi quá nhỉ.]
[Ra là thế.]
Nhìn kỹ thì, tay trái con bé đang cầm một cây dù khác với cây đang cầm bên tay phải, là cây dù màu đen mà mọi khi tôi vẫn hay dùng.
[Anh không tính nói gì cả sao?]
Vừa nói xong, con bé nâng khóe miệng cười mỉm. Rồi lấy cây dù bên trái ra đưa cho tôi.
Con bé này...... Bắt đầu trở nên láu cá rồi đấy.
Tôi thầm tặc lưỡi rồi đưa tay nhận lấy cây dù.
[Cám ơn, Sayu.]
[Hihi, không có gì.]
Do Sayu cúi đầu xuống nên tôi không nhìn rõ nhưng có thể thoáng thấy được nụ cười của con bé, một nụ cười mãn nguyện.
[Về thôi. Đến giờ cơm rồi.]
[......Ừm.]
Bung dù xong, bước ra mé ngoài mái che thì ngay lập tức hạt mưa đập ầm ầm lên thân dù, tạo ra một âm thanh dữ dội.
Nếu Sayu không mang dù đến, có lẽ tôi đã phải nai lưng ra để hứng làn mưa đạn theo đúng nghĩa đen này. Ánh mắt tôi liếc nhìn về phía Sayu, tôi nhận ra con bé thật sự rất chu đáo.
Đúng là bạn cùng phòng của tôi, sâu sắc đến đáng kinh ngạc.
Vào một hôm, khi mối tình đơn phương nhiều năm của mình bị tan vỡ, trong lúc tôi lết về nhà trong tình trạng say bí tỉ, tôi đã gặp Sayu.
Không biết vì lý do gì mà Sayu lại bỏ nhà ra đi, từ Hokkaido đến tận Tokyo này nhưng theo lời Sayu nói thì trước đó con bé đã từng trọ lại nhiều nhà của nhiều người đàn ông khác nhau.
Để đổi lại, con bé trao thân cho những người đó, xem như là phí trả tiền trọ để có thể ở lại một thời gian.
Đối với tôi, Sayu cũng dùng cách tương tự để tiếp cận khi lần đầu gặp mặt nhưng tôi thì không có một chút hứng thú nào với nữ sinh cấp ba cả. Ấy thế mà con bé cứ không bỏ cuộc cứ mãi thả thính tôi, thế rồi điều kiện đưa ra là con bé sẽ đảm nhận toàn bộ việc nhà để đổi lại cho việc tá túc nhưng mà......
[Cuối tuần em thấy anh có vẻ mệt mỏi nên em có thử nêm hơi mặn một chút.]
[Ừ, vậy à......]
Không hiểu sao nhìn hình ảnh Sayu tay khuấy muôi, hâm lại nồi súp miso, một cảm xúc gì đó rất khó tả trỗi dậy trong tôi.
Con bé nói đúng ra đang ở cái tuổi đi học ở Hokkaido, một thiếu nữ xinh đẹp, lại rất chỉn chu. Đúng là đẹp người đẹp nết.
Ấy thế mà tại sao lại đang ở nhờ chỗ một người đàn ông xa lạ, lại còn làm việc nhà? Đã thế lại ở cùng một thằng như tôi? Càng lúc càng chẳng biết phải nói như thế nào.
Và hôm nay, chúng tôi vẫn tiếp tục giữ mối quan hệ nương nhau mà sống này rồi cứ thế mà kết thúc một ngày.
Nó phức tạp song cũng rất đỗi yên bình.
Tôi thở dài rầu rĩ vừa húp một miệng súp miso thì bắt gặp ánh nhìn của Sayu đang hướng về phía mình. Chuyện đụng mắt nhau lúc ăn không phải là chuyện hiếm có gì nhưng hôm nay ánh nhìn của con bé có gì đó khác với mọi khi, nó có vẻ lúng túng ngại ngùng.
[......Sao vậy, có chuyện gì à?]
Ngay khi tôi cất tiếng, rõ như ban ngày, cái điệu bộ đáng ngờ đó như thể Sayu cố ý chờ tôi mở miệng trước. Rồi đột ngột, con bé chỉnh lại tư thế ngồi chính tọa của mình. (ngồi thẳng kiểu Nhật)
[Anh Yoshida.]
[S-sao tự nhiên lại trịnh trọng như thế?]
Một Sayu trước giờ luôn tươi cười một cách thoải mái, nhẹ nhõm đột nhiên lại làm vẻ mặt nghiêm nghị như vậy, khiến tôi dè chừng không biết đã có chuyện gì nghiêm trọng xảy ra hay không.
Đừng bảo là con bé lại tính làm mấy trò như là sáp lại gần tôi rồi đột ngột thoát y chỉ chừa lại bộ đồ lót như lần trước.
Con bé này, cứ mỗi lần nó giở chứng như thế, tôi mà hành xử không khéo thì chẳng còn quay đầu được nữa.
Cảm xúc như bị căng ra cực độ khi phải chờ xem Sayu nói gì. Con bé đưa hai tay ra, cúi dập đầu xuống.
[Xin hãy cho em đi làm ạ.]
Tôi á khẩu, sững người trong một lúc.
Rồi ngay lập tức, [Hả...] từ miệng tôi thốt lên.
[Chỉ thế thôi sao?]
[Tức là sao cơ chứ ạ!]
[Được.]
[Nhưng mà tại sao! ......Hả, được ạ?]
[Thì anh đã bảo là được rồi đấy thôi.]
[Anh đồng ý dễ dàng vậy sao......]
Sayu tay giữ lấy áo khoác, miệng há hốc nhìn khiến tôi không khỏi tức cười.
[Chỉ có thế mà em phải trịnh trọng, cầu xin đến vậy sao?]
[Vì, vì... trước đó anh đã bảo em tạm thời hãy cứ làm việc nhà đi mà.]
Nghe con bé nói thế, một cách tự nhiên ánh nhìn của tôi hướng về phía căn phòng.
So với từ lúc sống một mình thì bây giờ trong căn phòng nhìn quanh không có lấy một hạt bụi nào, chiếc giường lộn xộn khi ngủ dậy mỗi ngày cũng được gấp lại ngay ngắn, ngay cả mấy bộ quần áo nhăn nheo vốn hay vứt lung tung cũng đã được treo gọn gàng trong tủ.
Thành thật thì, tôi nghĩ để con bé làm việc nhà đến mức chỉn chu như vậy cũng hơi quá.
Sau tất cả, tôi cảm thấy ngưỡng mộ những gì mà Sayu làm nhưng đồng thời cũng nhận ra một điều trước giờ mình không để ý. Đó là căn phòng này nhỏ hẹp đến mức nào.
Giả sử đây là một căn biệt thự, có nhiều phòng ốc thì chuyện đã khác, với căn nhà thế này thì cũng chẳng có mấy “việc nhà” để mà làm hết cả ngày được. Chưa kể chỉ có hai người, nhắc đến quần áo đem đi giặt thì mỗi ngày cũng chỉ thay qua thay lại có mấy bộ đồ. Nếu dùng đến máy giặt thì ngược lại chỉ làm lãng phí thêm tiền nước. Lau dọn nhà cửa cũng thế, có em ấy dọn dẹp, hút bụi mỗi ngày thật sự tôi rất cảm ơn nhưng sau mỗi lần như thế chẳng phải số bụi sẽ ít dần đi sao? Vì nơi này cũng chẳng phải rộng lớn, cứ mỗi lần như thế thì việc dùng máy hút bụi mỗi ngày chẳng có ý nghĩa gì. Rồi cứ thế công việc lặt vặt sẽ dần ít đi và em ấy sẽ chẳng còn gì để làm cả.
[Gần đây cũng còn mấy việc nhà để mà làm mỗi ngày đâu chứ. Anh cũng nhận ra là gần đây khối lượng công việc của em ít đi hẳn.]
[Nó...... lộ liễu đến vậy sao?]
[Rõ rành rành ra còn gì.]
Vào những lúc không có việc nhà để làm thì đối với Sayu ngoài đọc manga và lướt web để giết thời gian ra thì con bé chẳng có mấy sự lựa chọn nào khác.
Bản thân tôi cũng cho rằng, nếu con bé muốn bắt đầu làm việc bán thời gian thì đây chính là lúc thích hợp. Còn dịp nào tốt hơn lúc này chứ?
[Nhưng, nhưng mà...... Nếu thế chẳng phải việc nhà sẽ bị ảnh hưởng sao?]
[Cứ cho là thế thì nó vẫn tốt hơn là trước đây lúc anh chỉ có một mình.]
Nghe câu trả lời của tôi, Sayu trông có vẻ lúng túng đến mức đưa tay ra sau gáy gãi nhẹ, rồi con bé mỉm cười miệng lẩm bẩm [Cám ơn anh.]
Gần đây, từng chút một, vẻ ngại ngùng của Sayu đối với tôi đang giảm dần, ngược lại tôi nhận ra con bé nói [Cám ơn] nhiều hơn trước. Riêng điều đó đã đủ khiến tôi cảm thấy ấm lòng.
[Em đã có dự tính sẽ làm công việc nào chưa?]
[Ừm. Em dự định sẽ làm ở cửa hàng tiện lợi gần đây.]
[À...... Family Market à.]
[Đúng, đúng.]
Từ đây đi đến đó chỉ khoảng 5 phút đi bộ. Đúng là chỗ làm gần nhà nếu có vấn đề gì xảy ra thì giải quyết cũng dễ hơn.
Nhưng mà, hồi còn học cấp ba do bản thân chưa từng đi làm thêm bao giờ, nên để cho chắc ăn tôi cần xác nhận một điều.
[Học sinh cấp ba, có cần phải xin phép phụ huynh để đi làm thêm không?]
[Hả, em nghĩ là không cần đâu. Trừ khi nếu là công việc nguy hiểm đến tính mạng thì lại khác.]
[Vậy sao? Thế tức là không cần sự xác nhận của cha mẹ à?]
[Có lẽ thế.]
Nghe Sayu nói thế, phần nào khiến cho tôi thở phào nhẹ nhõm. Nếu thế thì không còn trở ngại nào nữa cả. Nếu có ngày con bé nói rằng cần có sự cho phép của người bảo hộ, thì hóa ra tôi sẽ phải đứng ra giả vờ làm người bảo hộ cho con bé sao? Nếu thế thì có khác gì phạm pháp đâu, coi như bớt được một vấn đề phải lo nghĩ.
[Vậy, em đi phỏng vấn cũng gần đây thôi phải không?]
[Ưm, đúng rồi]
[Nếu vậy, phải đi mua vài bộ đồ để em mặc ra ngoài thôi nhỉ.]
[Ơ, mặc đồng phục thì không được sao?]
Nghe Sayu hỏi câu hiển nhiên như thế khiến tôi cau mặt.
[Đương nhiên là không được rồi, với cái đồng phục đó, người ta nhận ra ngay trường học của em ở Asahikawa còn gì.]
[Đúng nhỉ, em không nhận ra thật.]
[Tra một phát là ra ngay thôi. Vả lại, nếu người dân quanh đây thấy đồng phục vốn không phải ở vùng này thì họ sẽ nhận ra ngay lập tức. Tới lúc đó họ nghi ngờ thân thế của em chẳng phải phiền phức lắm sao.]
[À, ra vậy.]
Sayu ậm ừ, cố gượng cười.
[Bất tiện quá nhỉ, bộ đồng phục này.]
Tôi nhún vai tỏ vẻ đồng tình.
Đồng phục, nó giống như “thẻ căn cước” của học sinh cấp 3 vậy, nó chứng minh thân phận của họ. Cũng như xe hơi, chiếc nào cũng có mã seri của nó. Tương tự, muốn làm “người giám hộ” cũng thế. Đối với bản thân tôi, việc đứng ra chịu trách nhiệm với Sayu có ý nghĩa vô cùng mơ hồ.
Cái thời cấp ba, nghĩ về nó chỉ gợi lại những điều phiền toái. Tuy nhiên, vào lúc này, tôi đang che chở cho một cô bé vị thành niên khỏi nhiều vấn đề pháp lý, đánh đổi lại là tôi không còn tự do thoải mái như trước nhưng đây cũng là hiển nhiên.
[Em, ghét bộ đồng phục đó sao?]
Chẳng biết tại sao tôi lại hỏi câu đó, nó đột nhiên thốt ra từ miệng.
Có lẽ do hồi đó, bản thân tôi cũng ghét đồng phục của mình cũng không chừng.
Nghe hỏi xong, Sayu chớp mắt ngạc nhiên nhìn sau đó lắc đầu.
[Không. Em thích đồng phục mình lắm chứ. Chỉ là bây giờ không thể mặc nó được thôi.]
Thú thật là tôi không ngờ con bé lại trả lời như vậy.
Mặc dù không rõ là vì lý do gì nhưng từ bỏ cuộc sống của một học sinh, từ bỏ mái trường để rồi con gái một thân một mình đi đến một thành phố xa lạ như vậy. Chắc hẳn, phải cảm thấy chán ghét bộ đồng phục của trường mình chứ? Mà đấy cũng chỉ là suy nghĩ chủ quan của riêng tôi thôi.
[Mà, có nhận ra thì đã sao? Mặc đồng phục thì có khi là học sinh cấp 2, cấp 3 mới nhận ra thôi đúng không?]
[Cũng đúng.]
Sayu cười khúc khích, con bé dùng ngón tay vén nhẹ tà váy mình lên.
[Hồi cấp 2, giáo viên trường em rất là nghiêm khắc, toàn bộ váy của học sinh đều không được ngắn quá đầu gối. Có vài bạn không chịu nghe lời, họ phản kháng bằng cách canh sao cho váy chỉ ngắn cách đầu gối một ít.]
Sayu vừa nheo mắt, vừa từ tốn kể tiếp.
[Còn cấp 3, năm nhất váy chỉ ngắn có một chút, đến năm hai thì họ bắt đầu vén lên một cách lố bịch, và rồi năm ba thì họ hơi kiềm chế lại một chút, nếu có kỳ thi họ sẽ rủ váy xuống như cũ.]
Tôi tiếp tục ngồi đấy, lặng lẽ nhìn Sayu kể chuyện trong thích thú.
Tại sao, một cô bé có thể thích thú kể về trường học mình lại phải từ bỏ mọi thứ để một mình đi đến nơi xa lạ như vậy?
Cắt ngang dòng suy nghĩ của mình, đột nhiên Sayu hướng ánh nhìn về phía tôi.
[Đồng phục của nữ sinh cấp 3, so với mọi người, khác nhau hoàn toàn đấy chứ.]
[Gì cơ? Em đang nói về thiết kế của bộ đồ à?]
[Không phải. Ui, nói thế nào đây?]
Sayu tay đụng cằm, ậm ừ suy tư.
[Trong xã hội, ai đi làm cũng mặc đồng phục mà nhỉ? Thế, chẳng phải ai cũng mặc giống nhau còn gì?]
[Ừ thì đúng. Quy tắc mà.]
[Đúng đúng. Nhưng mà nhé, đồng phục thì tùy vào trường học mà có nhiều loại khác nhau, chưa kể đến người mặc cũng có những phong cách của họ nữa, nói sao đây ta?]
Nghe cái cách kết câu của Sayu, khiến tôi không nhịn được cười.
[Nói tới đồng phục thì có một chuyện thế này, không hiểu vì sao, “Nhìn đồng phục là biết một con người”, em thấy có những người nói như vậy nữa cơ.]
Trông Sayu có vẻ rất vui.
Thành thật, tôi không hiểu lắm những điều mà con bé đang kể, cũng không biết nó thú vị chỗ nào.
Chỉ là, nhìn bộ dạng hào hứng vui thú của con bé khi kể, tôi cảm thấy rất đáng yêu.
[Ừ, cứ thử nhìn bộ vest của anh mà xem, “Ô kìa, trông ai như Yoshida của doanh nghiệp IT ấy nhỉ!”]
[Đúng đúng! Chính là như thế!]
Nghĩ đến việc lời nói tôi nói, lại có thể làm cho Sayu gật đầu vui vẻ, cười hồn nhiên như thế.
Bỗng đột nhiên, như thể nảy ra gì đó, con bé cất tiếng lớn [A!]
[Râu! Râu kìa!]
Tôi nhíu mày, cảm thấy khó hiểu
[Râu thì sao chứ?]
[Lớp râu còn thừa lại sau khi cạo của anh ấy, y hệt như bộ đồng phục vậy.]
[Hả......?]
Mặt tôi cau lại vì không hiểu con bé nói gì còn Sayu thì cười khúc khích, nhún vai.
[Nhìn bộ vest của anh Yoshida ấy, chẳng khác gì của một ông chú cả.]
[Ông chú thì hơi quá đó.]
[Nhưng mà, do anh để thừa lại râu còn gì, “Ô kìa, nhìn cứ như ông chú không chịu cạo râu cho tử tế ấy!”, không phải sao?]
[Tức là sao chứ?]
Tôi cười cay đắng, Sayu thì thầm [Ai biết chứ?], tay đưa ra sau vuốt gáy.
[Từ bộ râu, em có thể biết thêm một chút về anh Yoshida. Cũng như anh thôi, nhìn đồng phục mình có thể tưởng tượng được một ít về con bé này ấy.]
[......Ừ thì, anh chưa hiểu lắm.]
Tôi lắc đầu ngao ngán, Sayu cũng nhún vai đồng tình. Có nói tiếp cũng chẳng đi đến đâu, Sayu thở ra một tràng hơi, nhìn xuống sàn nhà, nói.
[Đúng thật...... Em đúng là không nên mặc đồng phục nhỉ?......]
[Ừ...... Bởi vậy.]
[Đành chịu thôi.]
Tôi vừa định nói tiếp thì bị cắt ngang bởi ánh nhìn nhìn chằm chằm của Sayu.
[Tháng lương đầu tiên, em sẽ dùng nó để trả lại anh nên là trước đó... Em có thể mua một ít đồ mặc khi ra ngoài được không?]
Câu nói của Sayu, cảm giác như thể con bé đã đè nén lại những lời đó trong miệng từ mấy giây trước rồi. Thay vì cố giữ trong lòng, nó lại bộc lộ, khiến bầu không khí trở nên nhẹ nhàng, thoải mái hơn.
Đơn giản mà nói thì tôi rất ngạc nhiên.
[Không được sao?]
Nói không thành lời, miệng tôi cứ mở ra rồi khựng lại như thế một hồi lâu, Sayu nghiêng đầu nhẹ tỏ vẻ bối rối, tôi gấp rút lắc đầu.
[À, không, không phải là không được.]
[Sao thế, anh nói không rõ ràng gì cả.]
[Không, cái đó......]
Lúc mới đến đây, Sayu luôn lúc nào cũng rất khách sáo, ngại ngần không khi nào dám nhờ vả điều gì. Gần đây thì tôi thấy có vẻ con bé đã bắt đầu biết làm nũng một chút, ừ thì đó là một chuyển biến tốt.
Hai tay chụm lại, cổ nghiêng sang một bên, tôi cố ra vẻ hài hước nói.
[Hiếm khi thấy em hỏi xin anh chuyện gì ấy nhỉ?]
Nghe tôi nói xong, Sayu hướng ánh nhìn ra phía ngoài, mặt đỏ bừng.
[Tại......]
Do dự một hồi, con bé mở miệng.
[Làm vậy anh Yoshida sẽ vui mà, đúng không?]
Một lần nữa, tôi sững người. Trong vô thức, bản thân đã không kiểm soát được âm thanh phát ra từ cuống họng mình.
[Hả...]
Vốn dĩ đã cố gắng kiềm chế vậy mà, vòm miệng cứ theo bản năng mà mở ra.
[Nói thẳng ra thì anh không hiểu lắm.]
Nghe thế, Sayu cười khúc khích, nói [Kệ đi]
Bản thân tôi đã dần dần hiểu được một ít về Sayu, tương tự, con bé cũng đã hiểu được một phần nào đó về ông chú đang sống cùng mình, chỉ thế mà, tại sao lồng ngực tôi lại rộn ràng đến thế?
[Giờ, đi mua đồ thôi nhỉ?]
[Ơ, đi ngay bây giờ sao? Gấp thế?]
[Em muốn bắt đầu đi làm thì phải cần có nó còn gì? Thôi ăn nhanh đi.]
[Ừm......!]
Nhìn Sayu gấp gáp chộp lấy đôi đũa mà ăn, bất giác tôi thở phào nhẹ nhõm.
Biến đổi từng chút một, cuộc sống kỳ lạ cùng một cô bé cấp ba của tôi vẫn tiếp tục theo từng ngày.