Hẹn Ước Nơi Thiên Đường

chương 21

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Ông Thiên nhìn đồng hồ với ý buổi nói chuyện đến đây là kết thúc. Trong buổi nói chuyện ngắn ngủi, vẫn như những lần trước, ông vẫn giữ được thái độ hiền từ và hòa nhã của người lớn tuổi. Ông nói: “Bác đã làm cháu đi làm muộn, lần sau sẽ nói chuyện nhiều.” Ông đưa một tay ra cáo biệt cô gái.

Cô gái bắt tay ông, tay cô mềm mại hơn trước. Ánh mắt của cô cũng có thêm sự ngượng ngùng khó đoán, nhìn thẳng vào ông, không lần tránh như mọi lần, cô nói: “Thưa bác, trước đây cháu không biết nên gọi bác là Chủ tịch hay gọi bằng bác. Bây giờ, cháu cũng không biết, không biết gọi bằng bác hay gọi bằng... gọi bằng bố.” Ông Thiên ngớ ra, chưa kịp phản ứng, cô nói tiếp: “Cháu và anh Hiểu, chúng con đã làm lễ thành hôn từ hôm qua rồi ạ.”

Cái gì? Nụ cười của ông Thiên chưa kịp tắt, vẻ mặt ông bỗng sững sờ.

Vì quá kích động và ngắn ngủi, mặt cô gái cũng đỏ ửng, nhưng giọng nói vẫn bình tĩnh, không kích động, giọng nói rủ rỉ: “Việc này, lẽ ra để anh Hiểu thưa chuyện lại với bố. Nhưng vì sợ bố giận, cho nên chúng con không dám mời bố dự hôn lễ. Chúng con không cầu xin bố chúc mừng hạnh phúc. Nhưng con nghĩ, bố tin con sẽ mãi mãi, mãi yêu anh Hiểu. Con sẽ làm cho anh Hiểu hạnh phúc. Con xin bố hãy tin như vậy. Con chào bố!”

Cô gái ung dung quay đi, cô gọi “Bố”, sau đấy biến mất nơi lối vào vườn hoa. Ông Thiên không nói gì, hoặc không nói được gì. Không chúc mừng hạnh phúc, không trách cứ, thậm chí không kịp bày tỏ nghi ngờ. Ông hoàn toàn kinh ngạc, sững sờ, không biết là mơ hay thực, không biết tâm trạng mình lúc này như thế nào, không rõ lời tuyên bố vừa rồi của cô gái có ý nghĩa gì với mình. Có ý nghĩa thằng con trai của ông đã xa hẳn ông rồi chăng? Lòng ông trống trải, chậm bước về xe của mình, những ngón tay run run tưởng như không cắm nổi chìa khóa xe vào lỗ khóa. Trong giây phút trấn tĩnh đầu tiên, lòng ông không nén nổi cảm giác bị sỉ nhục và phẫn nộ, không biết nên giận cô gái này hay giận con trai mình. Hai người nêu ý kiến phản đối rất bình thường với ông. Một người làm bố, nhưng lại hành động phản kháng và trả thù quyết liệt như vậy. Giấu ông để làm lễ cưới, không báo tin cho ông, ngay cả thông điệp cuối cùng cũng không, cứ vậy tổ chức lễ cưới! Ông không nghĩ được thằng con mình lại trở nên vong ơn bội nghĩa đến vậy. Ngô Hiểu là người thân duy nhất của ông. Ông phải chắt chiu từng hớp cháo từng hạt cơm để nuôi Ngô Hiểu khôn lớn và dành trọn yêu thương. Vậy mà Ngô Hiểu đối với ông như vậy, đã làm tổn thương tình cảm ông mà không để lại một chút gì. Con trai làm như vậy coi như một trò cười trước những người dưới quyền, bạn bè và ông Mai Khởi Lương, một nhà lãnh đạo. Ông nghĩ, không còn nghi ngờ gì nữa, mọi sự phiền hà bắt nguồn từ cô gái này. Nếu không có cái cô gái coi mình cao hơn mọi mục tiêu, cái cô gái việc gì cũng làm bằng được mà không hề tiếc bất cứ một thứ gì, cái cô gái làm ông tức giận vì không cho cô tiền chữa bệnh, liệu con trai ông có thể hành động như vậy được không?

Ông ngồi lặng trong ô tô, rất lâu, rất lâu, tức giận và thương cảm thiêu đốt, toàn thân toát mồ hôi, khó chịu như người ốm. Ông rất phản cảm với cô gái này từ lần đầu tiên cô ta bất chấp tất cả, không hiểu mọi quy tắc, cứ thế xông vào văn phòng đòi phỏng vấn ông. Về điểm này trai và gái không giống nhau, con trai giàu tính công kích cũng hiểu được phải lựa chiều, nhưng tính công kích của con gái không khỏi có chút thoải mái, không kiêng dè, thường xâm phạm trực diện đối phương. Cho đến lúc ấy, ông rất hận cô gái này, cha con bất hòa xa nhau, thảm án đổ máu trong đêm sinh nhật. Ông gặp phải bao nhiêu điều bất hạnh và bế tắc, chừng như đều có liên quan đến người con gái này, vì quen biết cô ta mới nên chuyện. Nếu cái cô Tiểu Tinh Tinh này là ngôi sao chiếu mệnh của ông, vậy thì sáng nay ông tìm đến cô để nhờ giúp đỡ cho tai qua nạn khỏi, chẳng hóa ra tự mình chui vào lưới? Một cảm giác bất hạnh bao trùm ông, khiến ông không rét mà run.

Nghĩ đến tai họa ở ngay trên đầu, tâm trạng ông co lại, không còn tự giác nghĩ đến cô gái về thực tế hay về pháp lý đã trở thành nàng dâu, mà chìm vào nỗi sợ vì cú điện thoại bí ẩn hôm qua. Buổi sáng, ông Công cầm chứng minh thư của ông Thiên đi ngân hàng lặng lẽ rút tiền. Buổi trưa, ông đem ba triệu đồng về biệt thự Kinh Tây, ba người hẹn gặp nhau ở đây, sau đấy liên hệ với kẻ tống tiền. Đây là một việc lớn họ phải dồn sức để kết thúc, còn những việc khác đến đâu hay đấy. Ông Thiên tự trấn tĩnh, cắm chìa khóa vào, cho xe chạy.

Ông đến văn phòng Công ty xử lý vài văn bản không mấy quan trọng, sau đấy về biệt thự Kinh Tây sớm để chờ ông Công.

Buổi trưa, ông Công về. Khi ông xách cái cặp nặng bước vào thư phòng, ông Thiên và ông Tường đã chờ sẵn. Cơm trưa cũng bảo người đưa đến tận nơi. Ba triệu đồng phải lấy ở những quỹ khác nhau, từng bó tiền cho vào cặp. Sau khi xem tiền, ông Thiên dặn cho cặp tiền vào tủ tường, sau đấy ba người ngồi lại, hút thuốc, im lặng chờ điện thoại của kẻ tống tiền.

Họ chờ đợi trong tâm trạng nặng nề. Ba tiếng đồng hồ lặng lẽ trôi qua, căn phòng nhỏ đầy khói thuốc nôn nóng, sốt ruột. Gần bốn giờ chiều, tiếng chuông điện thoại di động réo vang, vẫn là ông Tường nhận điện. Đối phương “Alô” trước để thăm dò, tiếp theo là câu hỏi của ông Tường: “Xin hỏi, ông là ai?” Đối phương đã nhận ra tiếng ông Tường, câu đầu tiên là:

“Đã chuẩn bị đủ tiền chưa?”

Cho dù tiền đã chuẩn bị, ba triệu để trong tủ, nhưng ông Tường phải ngắc ngứ một lúc mới nói, vì câu nói hàm ý thừa nhận tội lỗi.

“Chuẩn bị rồi.”

“Đủ ba triệu chứ?”

“Làm thế nào để trao cho ông?”

“Cầm tiền, ra cửa thuê taxi, nhớ mở điện thoại di động. Ngoài tôi ra, cấm không được liên lạc với ai. Mình ông đi. Tôi biết ông, trên truyền hình tôi đã trông thấy ông. Nếu không phải ông, coi như vụ giao dịch không thành.”

Điện thoại lập tức bị cúp, trong ống nghe chỉ còn tiếng “tít... tít...” báo bận. Ba người nhìn nhau, ông Công nói: “Anh Thiên, để em đi.”

Ông Thiên không nói gì. Ông Tường nói với ông Công: “Trong điện thoại hắn không nhận ra tiếng anh Thiên, chắc chắn hắn không quen biết anh. Anh đi trước tiếp xúc với hắn. Tôi đi sau tiếp ứng, không việc gì đâu, đừng sợ.”

Ông Công gật đầu: “Tôi đi không việc gì, hắn không dám làm gì tôi đâu. Anh Thiên cầm điện thoại, nếu có việc gì chúng ta liên lạc với nhau.”

Họ nói, rồi lấy cặp tiền trong tủ ra, chưa ra khỏi cửa, ông Thiên gọi hai người lại.

Ông đứng dậy, vẻ mặt không chút biểu cảm, cầm cái cặp trong tay ông Công, nói: “Tôi đi.”

Ông Tường và ông Công cùng ngớ ra, nhưng qua sắc mặt ông Thiên họ biết không cần thiết phải giành lại.

Bốn giờ chiều, ông Thiên tay xách cặp ra cửa sau của biệt thự Kinh Tây vắng lặng. Năm phút sau, ông đứng bên đường, vẫy một chiếc taxi. Đang giữa mùa hè, tháng Bảy nắng như đổ lửa, tuy mặt trời đã ngả về Tây nhưng vẫn nóng bức. Ông Thiên vóc người cao to ngồi vào taxi chật hẹp, thấy không tương xứng. Trong xe không có máy lạnh, nóng như trong lồng hấp. Ông nghĩ, đúng là tháng Bảy sinh tử.

Người lái xe hỏi ông đi đâu, ông nói đại một địa chỉ nào đấy, xe chạy về hướng mặt trời. Ông cố giữ bình tĩnh, không nhìn trước ngó sau, cho dù ông rất muốn ngó lại phía sau xem xe ông Tường và ông Công có bám theo được không.

Xe chạy một quãng chưa xa, điện thoại của ông đổ chuông, người kia hỏi: “Lên xe chưa?” Ông trả lời: “Tôi đang ở trên xe.” Người kia hình như không nhận ra giọng nói khác với giọng nói của ông Tường, ông Công, liền ra lệnh: “Đến Trung tâm triển lãm Quốc tế, có biết chỗ ấy không?” Ông đáp: “Biết!” Đối phương tắt máy.

Lúc này chưa phải giờ cao điểm, xe chạy nửa tiếng là đến Trung tâm triển lãm Quốc tế. Ở đây đang lúc hết giờ của triển lãm đồ điện gia dụng, lại là lúc đông nhất của chợ Gia Lạc Phúc gần đấy, cho nên đường phố người xe chen chúc, tắc trước tắc sau, xe của ông Thiên cũng kẹt ở giữa.

Lại có tiếng chuông điện thoại: “Xuống xe, qua phố trước mặt đổi xe, đến Quảng trường Trung Lương.” Người kia ra lệnh rõ ràng, rành mạch.

Ông xách cái cặp, rất vất vả len qua dòng người và xe, đi sang con phố trước mặt, lên một chiếc taxi khác, đi ngược con đường vừa đến. Tất nhiên ông biết tại sao ở nơi người xe chen chúc, ồn ào, xe không có cách nào quay đầu, bắt ông phải đổi xe chuyển hướng. Hơn nữa, đối thủ đã đạt được mục đích, ông Tường và ông Công mất hút mục tiêu.

Hai mươi phút sau xe đến Quảng trường Trung Lương, đúng lúc có tiếng chuông điện thoại: “Xuống xe, đi về phía trước.” Theo mệnh lệnh, ông xuống xe, tay xách cặp đi về phía trước. Mỗi lần có điện thoại là lúc ông đến một vị trí nào đó. Chứng tỏ kẻ tống tiền bám theo ông, theo dõi hành tung của ông. Bất giác ông nhìn bên phải, nhìn bên trái, phía trước phía sau, người đi lại đông đúc, ồn ào. Ông nhìn theo bản năng, muốn phát hiện tên điều khiển ông bằng điện thoại di động, tất nhiên chỉ là ảo tưởng ngu ngốc.

Ông cứ vậy đi về phía trước, đi mãi, đi mãi, trước mặt là ga xe lửa Bắc Kinh. Điện thoại một lần nữa vang lên: “Vào ga, mua vé tàu, chuyến tàu đi Mãn Châu Lí, giường nằm cứng.” Ông bực tức hỏi: “Giao hàng ở đâu?” Đối phương lập tức cúp máy.

Ông đứng trước quảng trường nhà ga mới được sửa chữa, suy nghĩ hồi lâu rồi đi tiếp. Ông vẫn phải làm theo yêu cầu của người kia. Người kia đòi tiền không phải đòi sinh mệnh. Ông nghĩ mình sẽ không gặp nguy hiểm. Người kia bắt ông phải đi lại loanh quanh, có thể là vì an toàn của bản thân.

Ông mua vé chuyến tàu nhanh số đi Mãn Châu Lí. Vé rất dễ mua, có thể người kia đã thăm dò trước. Ông mua được tấm vé nằm giường dưới. Đối phương lựa chọn chuyến tàu này cũng phải tính toán kỹ càng lắm, bởi chỉ còn chưa đầy hai mươi phút nữa thì tàu chuyển bánh, xem ra tên tống tiền tính thời gian rất khớp.

Lúc này ông Thiên mệt lắm rồi, nhưng vẫn cố xách theo cặp hành lý không nhẹ nhàng, vội vã lên đoàn tàu số . Ông không nhớ nổi mình bao nhiêu năm không nằm giường cứng trên tàu, lạ cả với những thủ tục như kiểm tra vé, đổi vè. Ông nằm toa số mười hai, đấy là toa xe cuối đoàn tàu. Hành khách không đầy toa, chỉ chừng sáu, bảy phần mười, trên giá để hành lý đã đầy bọc lớn bọc nhỏ, ông đành để cái cặp dưới gầm giường.

Trên sân ga vang lên tiếng nhạc tiễn biệt, giọng người phát thanh sôi nổi có tính nghi thức tràn vào tai ông. Ông Thiên chú ý hành khách qua lại trên sân ga và những người đi tiễn vội vã xuống tàu, không còn tâm trạng nào để lắng nghe tiếng phát thanh. Chỉ một lúc sau, đoàn tàu từ từ chuyển bánh trong tiếng nói hòa tiếng nhạc của nhân viên phát thanh, đi về phía ánh mặt trời đỏ rực, rồi rầm rập rời Bắc Kinh.

Không thấy điện thoại gọi tiếp, ông Thiên đi lại vài bước nơi ông nằm, chú ý quan sát hành khách nằm giường bên, tưởng như ai cũng có hành tung khả nghi, ánh mắt lẩn tránh, nhưng khi ông đưa mắt nhìn họ tất cả lại như vô tội.

Dọc đường không có động tĩnh gì, ông ngồi bên cửa sổ dọc lối đi trên tàu, nhìn cảnh vật dọc đường Bắc Kinh - Thiên Tân cứ lùi về phía sau, lòng những cảm thấy vô cùng bất hạnh. Tàu sắp đến Thiên Tân, tiếng loa thông báo: Sắp tới là ga Bắc Thiên Tân, quý khách xuống tàu xin chuẩn bị, tàu chỉ dừng lại ở ga này một phút. Tiếng loa chưa dứt thì có tiếng chuông điện thoại, ông Thiên nghe mệnh lệnh cuối cùng của người kia:

“Đi lên toa trước, đi thẳng, không được ngoảnh lại, không đem theo hành lý.”

Ông đóng điện thoại, đứng lên đi sang toa trước, đi qua hai toa tàu thì tàu vào ga Bắc Thiên Tân. Ông vừa đi vừa nhìn ngoài cửa sổ toa tàu, người xuống ga này không nhiều. Trời đã nhá nhem tối, không trông rõ mặt người trên sân ga. Ông đến toa số bảy thì tàu lại chạy, ông đứng lại. Dù không có lệnh nhưng ông vẫn bước nhanh trở về toa số mười hai, về chỗ của mình. Có bốn người ngồi quanh cái bàn nhỏ đánh tu-lơ-khơ. Ông ngồi xuống, cúi nhìn gầm giường, quả nhiên cái cặp không còn.

Ông Thiên xuống ga Thiên Tân, về đến Bắc Kinh đã mười một giờ đêm. Ông không muốn nhớ lại từng chi tiết hành trình vừa rồi, mỗi chi tiết đều rất mệt mỏi và nhục nhã. Hy vọng duy nhất của ông là sự việc đến đây kết thúc, đồng thời có thể quên hẳn.

Truyện Chữ Hay