Trong vùng Mộc Độc trấn không còn ai chẳng biết câu thơ trên là hai vế liễn dán nơi cổng nhà của Tiết thần y. Dù xuân hạ hay thu đông, hai câu liểng ấy vẫn hiện diện mãi mãi. Giấy cũ thì thay giấy mới, vẫn nét bút sắc sảo, tân kỳ tung hoành như rồng bay phượng múa.
Đôi liễn nói lên tâm chí, ý nguyện của chủ nhân suốt đời người chứ không phải ghi một cái hứng nhất thời vào dịp Nguyên Đán mỗi năm như thiên hạ dùng đỏ đen để nghinh xuân tiếp phước.
Đôi liễn viết trên giấy hồng đơn có vẻ những đóa hoa mai vàng, thay thế cái bảng hiệu Danh y họ “Tiết” đáng lý ra phải có nơi cổng, để chỉ cho người đời biết nơi đây có bậc diệu thủ nắm cái thuật cải tử hồi sinh.
Gia cư họ Tiết được kiến trúc tại một nơi tịch mịch u nhàn, trước có khe nước trong mát, quanh có cây xanh tàng cao bóng rợp.
Cây có chim hót bốn mùa, nước có hoa trôi tám tiết đúng là một khung cảnh.
Đầu cành chim hót khơi tình bạn Mặt nước hoa trôi gợi ý văn Người địa phương cũng như viễn xứ muốn tìm nhà của danh y họ Tiết, cứ nhìn vào đôi liểng là biết ngay, không cần phải hỏi han đường hay nhờ ai chỉ dẫn.
Họ Tiết vốn là một danh y nổi tiếng thần thủ thành thuật của đất Tô Châu, suốt vùng Đại Giang Nam Bắc không ai chẳng biết danh. Nghề thuốc của lão gần như đoạt quyền của tạo hóa, từng cứu vớt không biết bao nhiêu mạng người trước móng vuốt Tử Thần.
Chẳng những hắn được nhân gian khâm phục mà ngay cả Hắc, Bạch lưỡng đạo trong giang hồ cũng ngưỡng mộ tài chữa trị của lão, dù là bịnh trầm kha hay là bị đả thương hấp hối, một khi đến gặp lão rồi là cầm như hồi sinh phục lực.
Hôm ấy...
Vào một chiều xuân, màn đêm vừa buông xuống, gió mát lộng cành, lá khua xào xạc...
Nơi hiên Đông, trong một gian thơ phòng dưới ánh sáng ngọn nến đỏ, một lão nhân mặc áo màu xanh diện mạo hồng hào, đang ngồi đọc sách bên cạnh áng thư.
Lão nhân tinh thần quắc thước ấy chính là Thần y họ Tiết. Theo thói quen sau mỗi buổi cơm chiều đều đến thư trại đọc vài trang sách rồi mới trở về phòng ngủ.
Đang ung dung chăm chú vào quyển sách, Tiết thần y bỗng buông rơi quyển sách xuống mặt bàn...
Một ngọn gió lạ từ bên ngoài cửa sổ thổi vào làm cho ngọn đèn chao chao ánh lửa.
Khi ngọn đèn đã đứng lại cũng vừa lúc lão ngước mắt nhìn lên với một trạng thái cực kỳ sửng sốt!
Vì trước mặt lão, không biết từ lúc nào đã xuất hiện một con người tuổi độ ngũ tuần, vận áo ngắn bằng bố màu lam, lưng thắt đai cỏ, giày cỏ, mày rậm, mặt tía, mắt, tóc nâu, lưng đứng, tướng mạo hết sức uy mảnh.
Người ấy tay trái bế một đứa bé tuổi độ hay , tay phải còn lại đang áp chặt vào lưng nó.
Trông qua tình hình cũng biết ngay đứa bé đang trong cơn bịnh, mà người đó đến đây không ngoài mục đích nhờ Tiết thần y chữa trị cho.
Qua thoáng chốc sững sờ về sự xuất hiện quá đột ngột của người lạ, Tiết thần y lập tức lấy ngay lại được bình tĩnh. Lão nghĩ thầm :
- “Người này có thân pháp kỳ diệu như vậy, hẳn không phải là tay tầm thường!”
Lão đứng lên định hỏi, nhưng người kia đã lên tiếng trước :
- Vì sự tình cấp bách, lão phu đến không hợp lúc lại không đợi thông báo, xin tiên sinh thứ cho lỗi đường đột.
Vì đôi tay bận giữ đứa bé không tròn lễ, khách chỉ cúi nửa thân người hạ thấp dần.
Thần y vội vàng vòng tay đáp lễ, từ tốn hỏi :
- Tiết Đạo Lăng này đâu dám cố chấp như thế! Có lẽ lịnh lang bất hạnh lâm trọng bệnh nên các hạ đang đêm tìm đến tại hạ để chữa trị?
Khách nhìn xuống đứa bé trên tay :
- Đây là giòng máu của một cố nhân, thọ trọng thương. Lão phu từ ngàn dặm xa xôi mang nó đến đây, hy vọng tiên sinh cứu mạng nó. Trên đời này, chỉ có tiên sinh mới làm được cái việc phi thường đó, mong tiên sinh không nỡ từ nan!
Khách thốt xong, cung kính đứng chờ.
Tiết thần y quan sát lão già áo lam một thoáng, đoạn vòng tay lượt nữa, điểm một nụ cười :
- Với thân pháp đó, các hạ đúng là người trong võ lâm. Chẳng hay cao danh đại tánh là chi? Xin cho tại hạ được biết!
Khách khiêm tốn :
- Tên hèn, hiệu mọn, nói ra thêm thẹn, xin tiên sinh miễn cho lão phu khỏi phải nhắc đến.
Tiết thần y gật đầu :
- Các hạ không muốn xưng danh tùy các hạ vậy, tại hạ không dám cưỡng ép. Song, chiếu lệ tại hạ chữa trị cho người trong võ lâm chỉ...
Khách biết rõ Thần y muốn nói gì, vội chận lời :
- Lão phu mộ danh tiên sinh mà đến. Trước khi đến ít ra cũng phải biết qui củ của tiên sinh trị bịnh cho nhân vật võ lâm như thế nào. Chỉ cần tiên sinh cứu sống đứa bé thôi, lão phu có tiếc gì một chiêu thức với tiên sinh! Dù hai chiêu, ba chiêu, lão phu cũng sẵn sàng, quyết chẳng bao giờ trái lệ!
Tiết thần y nhếch mép cười nhẹ :
- Các hạ có thể cho biết trước sẽ để lại cho tại hạ chiêu thức tuyệt học nào?
Tự nhiên, khách hiểu tâm ý của Tiết thần y, bởi mình không chịu tiết lộ thân phận nên Thần y nghi ngờ cũng phải, biết đâu sau khi Thần y chữa trị cho đứa bé rồi, khách chẳng cống hiến một vài chiêu thức thông thường để tạ công ơn?
Khách nghiêm trang nét mặt, chiếu nhãn quang sáng ngời cao giọng thốt :
- Tiên sinh nghĩ lão phu là hạng người như thế nào lại không biết đạo nghĩa, xem thường một ơn trọng? Mạng sống của đứa bé quí hơn kỳ công tuyệt học của lão phu, chỉ mong tiên sinh tận tình cứu chữa, lão phu quyết chẳng bao giờ để sự thất vọng cho tiên sinh đâu. Chiêu thức của lão phu để lại cho tiên sinh nếu không siêu thần nhập hóa, cũng phải là hi hữu trên giang hồ, làm hài lòng tiên sinh trên chỗ tưởng.
Tiết thần y cười lớn một chút :
- Có thể tin được nơi các hạ đó! Vậy coi như chúng ta đã thỏa hiệp với nhau rồi. Các hạ hãy ngồi xuống ghế kia, cho tại hạ xem mạch của đứa bé.
Khách không đợi giục lần thứ hai, ngồi liền xuống ghế bên cạnh.
Tiết thần y bước tới cầm cổ tay đứa bé nghe mạch một lúc.
Sáu mạch đều trầm, nhưng chân khí của nó còn sôi động, đúng là nó nhờ vào nội lực của lão áo lam truyền sang, nhờ vậy mà nó giữ được mạng sống.
Thần y cau đôi mày, với tay lấy chiếc bình nhỏ để nơi án thư, lấy trong bình ra một viên thuốc to bằng hạt đậu nhét vào miệng đứa bé rồi bảo :
- Các hạ có thể buông tay.
Khách do dự :
- Thương thế đứa bé trầm trọng, đã mấy ngày qua lão phu không dám rời tay, sợ nó bị đứt hơi.
Thần y điềm nhiên :
- Tại hạ biết rõ, nó nhờ nội lực của các hạ mà cầm hơi đến bây giờ. Nhưng tại hạ vừa cho nó uống một viên Hộ Tâm đan, chỉ trong khoảnh khắc thuốc sẽ ngấm, tự đứa bé đủ sức chi trì. Các hạ cứ yên tâm.
Khách đắn đo một chút rồi buông tay ra.
Tiết thần y kéo một chiếc ghế ngồi đối diện với lão già áo lam, cầm tay đứa bé xem mạch thêm một lần nữa, lâu hơn lần đầu.
Lão lộ vẻ kinh dị, ngẩng mặt lên thốt :
- Đứa bé bị chưởng lực âm nhu gây nên trọng thương, chưởng lực âm nhu đó hết sức kỳ quái.
Khách gật đầu :
- Tiên sinh đoán đúng.
Tiết thần y nói tiếp :
- Điều lạ hơn hết là nó không bị trực tiếp đả thương. Chưởng lực đi qua một trung gian rồi mới chạm nó.
Khách giật mình trông thấy, vừa gật đầu vừa run giọng đáp :
- Tiên sinh không hổ danh là thần y. Người trúng chưởng là mẫu thân của nó. Lúc đó mẫu thân nó đáng bế nó trên tay...
Khách lộ vẻ khích động vô cùng, khi nói đến đoạn thương tâm tưởng chừng như vừa trải qua ngắn ngủi trước đó. Vì quá thương tâm, khách bỏ dỡ câu nói.
Tiết thần y không đáp, tiếp tục xem mạch đứa bé. Sau cùng lão buông tay ngồi trầm ngâm nghĩ ngợi.
Khách sốt ruột hỏi nhanh :
- Có thể cứu nó không tiên sinh?
Thần y lắc đầu đáp :
- Nếu là mười hôm trước thì còn hy vọng.
Khách xanh mặt :
- Mười hôm trước? Mười hôm trước lão phu còn trên nẻo đường xa ngoài ngàn dặm...
Khách giương tròn đôi mắt tiếp lời :
- Theo khẩu khí của tiên sinh, trường hợp này kể như vô vọng.
Tiết thần y đứng lên vòng tay :
- Các hạ nên tìm người cao minh hơn tại hạ.
Không xác nhận là vô vọng mà lại vòng tay chào ra ý đuổi khách, lại bảo đi nơi khác cầu thầy. Tiết thần y đã tuyên đọc bản án tử tuyệt về sinh mạng của đứa bé rồi, còn nghi ngờ gì nữa?
Đôi mắt của khách chớp ngời ánh lệ, nhìn thẳng vào Thần y đau đớn than :
- Thảm thương thay cho gia đình cố nhân lão phu! Song song ngộ nạn bỏ lại một giọt máu rơi với thương thế trầm trọng như vậy! Tiên sinh không thể nào đem cái thuật cứu nhân độ thế phổ cập đến cái chết của cả cha lẫn mẹ này hay sao?.... Tiên sinh! Lão phu sẽ thay thế đứa bé mà hàm ân trọng đại suốt đời.
Tiết thần y lắc đầu :
- Khó lắm! Sáu mạch đều trầm, nếu các hạ không phải là tay võ công thượng thừa, tiếp hơi cho nó, nó đã chết từ lâu. Tại hạ e cho sở năng của mình có hạn, không tạo được phi thường...
Khách khẽ chớp đôi mắt tỏ vẻ không tin :
- Nếu đứa bé nhờ nội lực của lão phu mà sống sót được đến ngày nay, thì điều đó chứng tỏ nó vẫn còn hy vọng được cứu sống, tiên sinh...
Tiết thần y một mực khăng khăng lắc đầu :
- Tại hạ nhận mình bất lực.
Khách tuyệt vọng dậm chân, kêu trời cố năn nỉ :
- Xin tiên sinh ra ơn cứu mạng nó, dù phải làm việc gì khó khăn đến đâu để đền đáp công đức của tiên sinh, lão phu cũng không từ.
Tiết thần y vẫn không thay đổi thái độ :
- Các hạ nên tìm nơi khác, càng sớm càng có lợi hơn!
Khách tự nhiên nhìn thấy chỗ thoái thác của danh y họ Tiết dựa trên một lý do nào khác hơn là bất lực, trước sau Thần y không hề nói là đứa bé vô phương cứu chữa mà chỉ nhận mình vô năng thôi, như vậy khách còn phải đi đâu nữa?
Khách thầm nghĩ :
- “Lão này thừa sức cứu chữa, song lại ngại phí công sợ lụy phiền, ta phải tìm cách nào cho lão phải chấp nhận sự thỉnh cầu của ta mới được!”
Khách thòng một câu :
- Vậy là đứa bé phải chết?
Tiết thần y lại lắc đầu :
- Tại hạ không đoán như thế. Nếu các hạ tìm được bậc thánh thủ thần thuật thì đứa bé được cứu sống ngay.
Thần y vô tình nhìn nhận đứa bé vẫn còn phương thế sinh tồn, nhưng vẫn lấy cái cớ là mình bất lực để chối từ, người áo lam tội gì phải đi tìm nơi khác? Mà dù có muốn đi nơi khác thì biết đi đâu? Trên thế gian này còn ai quán thông y thuật hơn họ Tiết.
Khách bỗng bật tràng cười cuồng dại, ngẩng mặt lên không :
- Trong thiên hạ còn người thứ hai nào dám khinh đời ham danh như tiên sinh mà lão phu đi tìm?
Từ chỗ lễ độ sang chỗ khinh miệt, khách đã trải qua biết bao nhiêu lời cầu khẩn thiết tha, càng cầu khẩn Thần y càng thoái thác, bắt buộc khách phải mắng xéo Thần y là hạng mạo danh khinh đời, kém nhân thiếu đức. Mắng được mấy tiếng lại nhìn xuống đứa bé lẩm bẩm :
- Hiền điệt! Hiền điệt! Bá phụ không ngại dặm ngàn hiểm trở, ngày đêm kiên trình mang hiền đệ đến đây, những tưởng Thần y thừa khả năng cứu chữa cho hiền điệt, không ngờ gặp người rồi mới biết là danh không thù với thật, lầm gõ cửa kẻ vô tài làm uổng phí thời gian quan trọng, làm cho tình trạng hiền điệt thêm khó khăn nguy hại. Giờ đây ta làm sao đi tìm nơi khác? Tánh mạng của hiền điệt cầm như vất bỏ rồi...
Tiết thần y bị mắng xỏ không giận, chỉ cười nhẹ vòng tay thốt :
- Tại hạ tự thẹn là mình bất lực, xin các hạ hãy tìm nơi khác may ra được việc hơn. Các hạ thứ cho tại hạ không tiễn khách xa được.
Khách “Hừ” một tiếng khẽ, rút trong mình ra một chiếc Thiết Tiêu màu đen nhánh, đôi mắt bắn tinh quang chớp ngời cao giọng quát :
- Tiết Đạo Lăng!
Tiết thần y lùi lại một bước, cười khổ :
- Dù đánh chết tại hạ cũng thế thôi! Oai lực của một người không tạo được năng lực cho một kẻ khác bất tài.
Khách trầm giọng :
- Thần y xem đây.
Chiếc Hắc Thiết tiêu đảo một vòng rồi hoành ngang, hướng ra ngoài cửa quét một nhát.
Tiết Đạo Lăng chuộng võ ngay từ thuở bé, đã có căn cơ võ thuật khá vững rồi sang qua y học. Chữa trị cho hào kiệt giang hồ, mỗi người đều phải truyền cho lão một tuyệt kỹ. Trong mười mấy năm qua, lão thu thập được rất nhiều kỳ công diệu học, nghiễm nhiên trở thành một nhân vật hữu hạng trong võ lâm. Tuy nhiên lão góp mặt trong giang hồ với phương diện y thuật, chớ không hề sở cậy võ học bao giờ.
Hiện tại, lão nhận ra khách hoàng ngang chiếc Thiết Tiêu quét gió vù vù, khí thế vô cùng hùng mạnh, lão giật mình kinh hãi nhảy tạt qua một bên né tránh, nở một nụ cười lạnh lùng hơn cởi mở :
- Tại hạ đã phân trần là mình bất lực, các hạ không chịu tin cho, bức bách làm chi quá độ?
Lão thốt, nhưng đôi mắt dán chặt vào chiếc Thiết Tiêu.
Thực ra, khách hoành tiêu quét tới rất nhẹ, bất quá chỉ với mấy thành công lực thôi, chiêu thức thì không có gì kỳ lạ thế mà hiệu dụng vô lường, chận tả ngăn hữu, đón trước chận sau, tiêu phong như dồn Tiết thần y vào bốn bức tường vững chắc. Thần y nghe tay chân bủn rủn, không còn động đậy nổi.
Lão sững sờ, thừ người ra nhìn đối tượng không chớp.
Khách nhếch một nụ cười ngạo nghễ, thu chiếc Hắc Thiết tiêu về bước tới cạnh bên áng thư, đặt chiếc Hắc Thiết tiêu lên đó.
Tiết thần y không hiểu khách làm như vậy là có dụng ý gì, lùi thêm mấy bước, đến đầu kia áng thư.
Khách ung dung với lấy cán bút cầm tay, quay nhìn Thần y điểm một nụ cười :
- Tiết Đạo Lăng! Lão phu muốn hỏi ngươi một chữ, không rõ ngươi có biết chữ đó chăng?
Đang lúc khẩn cấp vì tình trạng đứa bé, đối phương lại có thì giờ đố chữ, không khác nào giở một trò đùa, điều đó khiến Tiết thần y kinh dị không ít.
Lão luôn luôn chú ý đến đối phương, tự bảo đã chuẩn bị sẵn sàng phòng bị khi bất trắc. Lão không đáp.
Khách “Hừ” lên mấy tiếng, không buồn nhìn đến Thần y, toan hạ bút viết lên tờ giấy trải sẵn.
Bỗng phía bên ngoài cửa có tiếng gọi vọng vào :
- Cha! Cha!
Một bé gái vận áo lụa đỏ bước vào. Tóc ngắn của nó thắt thành hai bính nhỏ, vừa đi vừa đưa hai tay tới, chờ ôm người nó gọi.
Chân nó chập choạng như mới biết đi, nó hiện ra gần người áo lam hơn Tiết thần y. Lúc đó người áo lam đứng sát cửa.
Nó là đứa con gái yêu duy nhất của Tiết Đạo Lăng, trông thấy nó lão hoảng, vừa bước tới nó, vừa bảo :
- Châu Châu! Trở lại ngay! Ra đi.
Khách dừng tay không viết nữa, quay lại hỏi :
- Con gái ngươi đấy à? Khá lắm!
Tiết thần y bước tới thêm một bước, đột nhiên dừng lại. Không rõ người áo lam đã làm gì khi ngưng viết, đưa cao tay lên, một áp lực phát ra, chận lão lại.
Khoảng cách giữa Thần y và Châu Châu chỉ độ ba bước, thế mà lão không nhích chân được để bế đứa bé lên tay.
Chẳng những thế, luồng áp lực đó còn đẩy lão lùi lại, lùi dần, lùi dần.
Đứa bé nhìn thấy có người lạ cao lớn trong thơ phòng của cha nên kinh sợ vô cùng, nó giương tròn đôi mắt gọi nhanh Tiết thần y :
- Cha! Cha! Vô ngủ thôi. Đi cha!
Tiết thần y bị đối phương dùng cường lực đẩy lùi xa con nên bực tức hét :
- Ngươi...
Ý lão muốn nói ngươi định làm gì, song lão không dứt câu tròn ý, chỉ bảo con gái :
- Châu Châu! Đi đi con. Ra khỏi nơi này nhanh đi con.
Chậm mất rồi.
Người áo lam đã đảo bộ bước tới, đưa tay bế xốc Châu Châu lên. Đứa bé kinh hãi giẫy giụa :
- Không! Không! Ông đừng bế tôi! Tôi không muốn ông bế tôi đâu.
Tiết thần y quýnh quáng, hét lớn :
- Buông nó ra! Ngươi có buông con ta ra không?
Hai cánh tay đưa cao, Thần y chực nhào tới.
Khách bật cười ha hả, quay lại đối diện với Thần y, ánh mắt ngời lên sáng lạnh, gằn giọng :
- Tiết Đạo Lăng!
Thần y chạm ánh mắt đó, nghe lạnh khắp người. Đừng nói là lão tự lượng sức mình, không thủ thắng nổi trước đối phương khi đứa con gái yêu ở trong tay khách lạ, lão dù tài có kinh thiên động địa cũng không dám làm gì.
Lão rung giọng thốt gấp :
- Buông con gái ta ra đi, ta bằng lòng chữa trị cho cháu ngươi!
Khách cười lạnh :
- Ngươi đã chẳng bảo là mình bất lực à?
Tiết thần y đổ mồ hôi trán to bằng hạt đậu, ấp úng :
- Tại hạ nhận thấy đứa bé bị một môn âm công kỳ dị gây nội thương, muốn chữa lành ít nhất cũng phải mất một năm. Tại hạ sợ thời gian dài quá, không chiếu cố trọn vẹn được nó, nên không dám đảm đương...
Khách lạnh lùng :
- Rồi bây giờ ngươi thấy cần phải đảm đương?
Tiết thần y không lưu ý câu mỉa mai của đối phương :
- Các hạ buông con tôi ra đi, tại hạ đã hứa rồi tự nhiên phải tận tình chữa trị.
Khách đặt đứa bé lên bàn, nghiêm giọng thốt :
- Lão phu đã hiến cho tiên sinh một chiêu Thiết Tiêu rồi, nợ chưa vay đã trả trước, vậy tùy tiên sinh xử trí. Một năm sau, lão phu chờ đợi tiên sinh tại cầu Thiên Tân nơi Lạc Dương!
Một bóng người chớp lên, khách đã biến mình qua khung cửa khuất vào trong màn đêm.
Tiết thần y hoảng hốt gọi gấp :
- Để con gái ta lại! Ta đã chấp thuận giúp người rồi!
Nhưng vô ích, lão đã ra bên ngoài, nhìn vào bóng tối, còn đâu hình ảnh khách áo lam.
Lão đứt từng đoạn ruột. Lão không bỏ, băng mình chạy đi về phía trấn Mộc Độc.
Lão đuổi theo làm gì? Lão chạy đi một lúc, biết mình làm một việc vô công, lại quay về nhà, đứa bé thoi thóp thở nằm bên cạnh chiếc Hắc Thiết tiêu.
Lão mơ màng nhớ lại thủ pháp của khách áo lam, lão không hình dung nổi chiêu thức hoành tiêu đánh tới như thế nào nữa.
Lão đứng đờ ra một lúc, đột nhiên nhớ đến một người, dĩ nhiên lão nhớ đến người đó qua chiếc Hắc Thiết tiêu, người đó chính là Hắc Thánh Thần Tiêu Du Long Tang Cửu, oai danh chấn động giang hồ, trong hắc bạch lưỡng đạo nghe tên đều bay hồn bạt vía.
Chợt lão nhìn lên tờ giấy trải trên mặt bàn. Không rõ khách viết từ lúc nào một chữ “Cửu” hiện ra rành rành trước mắt.
Tiết Đạo Lăng rú khẽ một tiếng hãi hùng.
Mười năm về trước lão có thọ ân một người. Người đó chỉ lưu lại cho lão một chữ “Cửu” thay cho họ tên.
Rồi người hôm nay, là người ơn năm xưa chăng? Lúc đó lão chưa hiểu rõ được người cứu lão thoát nạn là nhân vật như thế nào.
Lão ngửng mặt lên không than dài :
- Ân công! Ân công! Tại sao ngươi không chịu nói thật?