Pháo đài Iserlohn thất thủ!
Hung tin nọ làm rung chuyển cả Đế quốc Ngân Hà.
- Chẳng phải Iserlohn bất khả xâm phạm sao?
Bộ trưởng Bộ Quân sự - Nguyên soái Ehrenberg tái mặt, sững sờ thì thào nơi bàn làm việc của ông.
- Ta không tin! Có khi nào là nhầm lẫn không?
Nguyên soái Steinhof - trưởng ban Chỉ huy Quân đội Đế quốc khàn giọng than. Sau khi xác minh tin này là thật, ông lặng người rúc vào tòa pháo đài câm lặng.
Ngay đến Hoàng đế Friedrich IV vốn không mấy quan tâm đến quốc sự cũng sai Bộ trưởng Nội chính Neukölln triệu Bộ trưởng Quốc vụ là Hầu tước Lichtenrade đến hỏi tình hình.
- Lãnh thổ Đế quốc vốn là thần thánh bất khả xâm phạm trước những kẻ ngoại bang. Sự thật ấy chưa bao giờ đổi khác. Nhưng hôm nay, một sự việc không may đã xảy ra, quấy nhiễu thánh an. Đây hoàn toàn là do chúng thần thất trách, khiến chúng thần hổ thẹn trong lòng, không mặt mũi nào nhìn bệ hạ.
Người ta kháo nhau rằng Hầu tước đã thấp thỏm bẩm tấu như thế.
oOo
- Đúng là luận điệu nực cười, Kircheis nhỉ?
Trong văn phòng phủ Nguyên soái, Bá tước Reinhard von Lohengramm bình luận với người bạn thân của mình như thế.
- Một tấc lãnh thổ Đế quốc cũng không thể bị ngoại bang xâm phạm. Lũ phiến quân thành thế lực ngoại bang ngang hàng chúng ta từ bao giờ thế? Chẳng qua lão già đó không dám đối mặt hiện thực nên mới ăn nói mâu thuẫn kiểu kia.
Từ khi khai phủ Nguyên soái, nắm quyền chỉ huy phân nửa Hạm đội Vũ trụ của Đế quốc, ngày nào Reinhard cũng phải đánh vật với vấn đề nhân sự.
Phương châm cơ bản của anh là nâng đỡ nhóm sĩ quan trẻ có xuất thân quý tộc cấp thấp cùng thường dân, nên tuổi tác trung bình của lớp sĩ quan cấp cao giảm mạnh. Nhóm sĩ quan trẻ tuổi ngập đầy nhuệ khí như Wolfgang Mittermeyer, Oskar von Reuenthal, Karl Gustav Kempff hay Fritz Joseph Bittenfeld đều được ban danh đề đốc, khiến phủ Nguyên soái tràn ngập sức trẻ cùng khí phách.
Thế nhưng, trong mấy ngày này, Reinhard vẫn chưa thấy hài lòng. Anh có đủ số chỉ huy dũng mãnh cùng giỏi chiến thuật để xông pha nơi tiền tuyến, nhưng còn chưa tìm được một tham mưu hợp tính.
Reinhard không trông đợi gì vào nhóm tướng tá tham mưu có xuất thân quý tộc tốt nghiệm hạng ưu từ trường Sĩ quan. Anh biết rất rõ rằng tài năng về mặt quân sự không phải thứ trường học có thể đào tạo. Bản thân anh cũng là như thế. Một quân nhân thiên bẩm sẽ là anh tài trong trường học, nhưng điều ngược lại chưa chắc đã đúng.
Kircheis cũng không thể làm tham mưu của anh. Những lúc Reinhard không thể phân thân, cậu ấy sẽ thay anh chỉ huy toàn hạm đội; mà khi có mặt Reinhard, Kircheis phải là người xem xét đại cục, giúp anh định ra quyết sách. Đó mới là công việc thực thụ dành cho một vị tâm phúc.
Trước đó mấy ngày, Reinhard đã để Kircheis thay mình xuất chinh, đến tinh hệ Castrop dẹp loạn. Đây cũng là một biện pháp giúp Kircheis lập công tích cho riêng mình, để công chúng thừa nhận anh đủ năng lực làm phó tư lệnh cho quân đoàn Reinhard.
Vì thế, Reinhard đã nhờ Bộ trưởng Quốc vụ - Hầu tước Lichtenrade ban sắc lệnh cho Kircheis.
Ban đầu, sắc mặt hầu tước Lichtenrade không quá tốt. Nhưng phụ tá chính trị của Lichtenrade là Weitz đã rỉ tai ông rằng:
- Như vậy không tốt sao, thưa ngài? Thiếu tướng Kircheis là tâm phúc trong tâm phúc của Bá tước Lohengramm. Nếu chuyến thảo phạt thành công, chúng ta ban thưởng, coi như bán cho Bá tước Lohengramm một cái ân tình, ngày sau chắc chắn sẽ có lợi. Còn nếu thất bại, trách nhiệm thuộc về người tiến cử là Bá tước Lohengramm. Cho dù sau đó hắn có cất quân thảo phạt thành công thì bộ hạ hắn đã từng chiến bại một lần, chúng ta không việc gì phải khen ngợi chiến công của hắn.
- Không tồi. Cứ quyết định như thế.
Hầu tước đồng ý, cũng hoàn tất các thủ tục ban lệnh xuất binh thảo phạt Castrop. Ông hoàn toàn không biết chút gì về chuyện Reinhard bí mật hối lộ cho Weitz để anh ta đưa ra lời khuyên.
Và như thế, Kircheis nhận lệnh. Với một quân nhân Đế quốc, xét theo mặt ý nghĩa nào đó thì đây cũng là một loại giá trị con người. Nơi phủ Nguyên soái của Reinhard, địa vị của Kircheis đã vượt lên nhóm đồng liêu cùng cấp bậc, trở thành nhân vật thứ hai trong phủ. Tất nhiên đây chỉ là hình thức. Để địa vị này trở thành thực chất, Kircheis còn cần lập nên một chiến công thực thụ.
Còn nguyên nhân tinh hệ Castrop nổi loạn là...
Đầu năm này, trong một tai nạn tàu vũ trụ tư nhân, Công tước Eugen von Castrop bất hạnh qua đời.
Là một quý tộc, Công tước có quyền thu thuế trong lãnh địa của mình, và lẽ tất nhiên, ông rất tự hào về sự giàu có của bản thân. Không chỉ thế, là một trọng thần trong triều, ông còn giữ chức Bộ trưởng Tài chính suốt 15 năm trời. Trong quãng thời gian đó, ông đã lợi dụng chức quyền của mình để vơ vét tiền tài. Mặc dù thường xuyên dính líu tới những vụ bê bối cùng xét xử oan sai, nhưng luật pháp Đế quốc vốn khoan dung cho giới quý tộc; mà kể cả trong những vụ việc pháp luật không thể bỏ qua, ông cũng khéo léo vận dụng quyền lực cùng tài lực của mình để tránh thoát trừng phạt.
Bá tước Ruge là Bộ trưởng Tư pháp đương thời đã châm chọc mà gọi đó là “trò ảo thuật tuyệt diệu”. Thậm chí trong mắt giới quý tộc cùng cấp, hành động của công tước Castrop cũng là lạm dụng chức quyền quá đà. Thân là trụ cột của đế quốc, nếu ông không tuân thủ những luật lệ tối thiểu sẽ kéo theo đủ thứ rắc rối. Bất mãn của dân chúng trước một vị trọng thần rất dễ khuếch đại thành bất mãn với cả một thể chế.
Vậy nên, cái chết của Công tước Castrop là sự kiện đáng mừng cho Bộ Tài chính lẫn Bộ Tư pháp của Đế quốc. Nhất định phải té nước theo mưa một phen. Phải cho công chúng biết rằng, dù có là đại quý tộc cũng không thể trốn tránh pháp luật, thể hiện một chút uy nghiêm của chính quyền Đế quốc, từ đó ước thúc một số đông quý tộc muốn làm Công tước Castrop thứ hai. Huống hồ số tiền biển thủ cùng nhận hối lộ lúc sinh thời của Công tước Castrop còn là một con số khổng lồ. Nếu có thể thu hồi số tiền này, Bộ Tài chính vốn đang chịu đủ áp lực từ chi phí quân sự cũng có thể thở phào một hơi.
Mặc dù trong hàng ngũ quan chức Bộ Tài chính cũng có người đề xuất đánh thuế giới quý tộc, nhưng như thế sẽ phải thay đổi chính sách Rudolf Đại đế đề ra, cũng có khả năng dẫn đến phản loạn hoặc một cuộc cách mạng ngay chốn cung đình. Thế nhưng, nếu chỉ có một mình Công tước Castrop, số lượng quý tộc phản đối sẽ giảm đi nhiều.
Nhân viên thanh tra từ Bộ Tài chính đến lãnh địa Castrop. Và ở đó, rắc rối nảy sinh.
Công tước Castrop có một người con trai tên là Maximilian. Ngay sau khi ông mất, Maximilian đã dâng thư thỉnh nguyện lên hoàng đế thông qua Bộ trưởng Quốc vụ để kế thừa tước vị cùng tài sản của cha mình. Thế nhưng, vì sự tình kể trên, Bộ trưởng Quốc vụ là Hầu tước Lichtenrade đã kéo dài thời hạn làm thủ tục thừa kế, hòng chờ đến lúc điều tra hoàn tất, tịch thu xong phần tài sản bất hợp pháp rồi mới bàn giao phần di sản kế thừa.
Maxilian phản đối. Người thanh niên là con trai của một vị quý tộc trọng thần có thừa bản tính ích kỷ trước những đặc quyền cùng tài phú, lại không có được sức nặng chính trị tương đương như người cha đã mất của mình. Anh ta thả lũ chó săn có sừng đuổi thanh tra của Bộ Tài chính. Giống chó săn nổi danh hung hãn đã qua xử lý DNA này vốn được coi là biểu trưng cho thói bạo lực của giới quý tộc.
Có vẻ người thanh niên khuyết thiếu trí tưởng tượng đã không ý thức được rằng hành vi của mình chẳng khác gì một cái tát vào mặt chính phủ Đế quốc. Bất quá, phía bị tát quyết không ngoan ngoãn nuốt xuống nỗi nhục này.
Chính phủ lại phái thanh tra đến Castrop một lần nữa, và sau khi nhóm thanh tra này lại bị đuổi đi, Bộ trưởng Tài chính - Tử tước Gerlach yêu cầu Bộ trưởng Quốc vụ phát lệnh triệu tập Maximilian đến cung điện hoàng gia.
Đến tận lúc nhận được lệnh triệu tập với lời lẽ nghiêm khắc, Maximilian mới nhận ra hành vi của mình có vấn đề. Nhưng rồi, việc khuyết thiếu năng lực phán đoán lại khiến Maximilian hoảng loạn. Người thanh niên này cho rằng một khi đặt chân đến Odin, anh ta sẽ chẳng thể trở về Castrop nữa.
Tất nhiên là Công tước Castrop không thiếu thân bằng quyến thuộc. E sợ tình hình không mấy khả quan, họ cũng thử ra mặt điều đình, nhưng chỉ càng khiến Maximilian nghi ngờ thêm.
Trong số thân tộc của Công tước Castrop có một vị nổi danh hiền lành là Bá tước Franz von Mariendorf. Ông đến lãnh địa Castrop hòng thuyết phục Maximilian nhưng lại bị cầm tù. Đến lúc này thì giải quyết trong hòa bình đã là điều không thể. Maximilian hoàn toàn điên cuồng, bắt đầu chiêu mộ tư binh, mở rộng quy mô đội quân cảnh vệ của lãnh địa, còn Đế quốc thì quyết định phái quân thảo phạt.
Hạm đội thảo phạt do Đề đốc Schmude chỉ huy rời Odin gần như cùng thời điểm nổ ra xung đột giữa Đế quốc với Liên minh nơi tinh hệ Astarte. Và rồi, cuộc chinh phạt Castrop lần thứ nhất thất bại.
Maximilian không có bao nhiêu năng lực thích ứng xã hội, nhưng về phương diện quân sự lại khá tài năng. Thêm vào đó, quân thảo phạt còn khinh địch đến độ tấn công mà không thèm lập kế hoạch tác chiến. Đủ loại nguyên nhân dẫn đến kết quả kể trên. Nhưng sự thật là, cánh quân thảo phạt ồ ạt tấn công đã lọt vào ổ phục kích, Đề đốc Schmude tử trận.
Khi chuyến thảo phạt lần hai cũng thất bại, Maximilian liền thừa cơ thâu tóm luôn lãnh địa Mariendorf liền kề hòng gây dựng nên một vương quốc bán độc lập trong lòng Đế quốc. Chủ nhân lãnh địa Mariendorf là Bá tước Franz hãy còn bị cầm tù, nhưng gia tộc Mariendorf cùng đội quân cảnh vệ thiện chiến đã kiên trì chống trả cánh quân xâm lược, đồng thời gửi thư cầu viện về Odin.
Kircheis nhận lệnh xuất binh dẹp loạn trong tình thế ấy. Và anh đã dùng khoảng thời gian mười ngày đặt dấu chấm hết cho cuộc nổi loạn kéo dài suốt nửa năm.
Trước tiên, Kircheis vờ đem quân cứu viện lãnh địa Mariendorf, rồi đột ngột chuyển hướng tấn công Castrop. Maximilian bị bất ngờ, cũng lo sợ cảnh căn cứ của chính mình bị đánh úp nên đành chấm dứt màn bao vây Mariendorf, dẫn toàn quân về Castrop. Cứ như vậy, nguy cơ của Mariendorf được giải trừ. Thế nhưng, đến cả màn tấn công của Kircheis vào Castrop cũng chỉ là nghi binh.
Maximilian nóng lòng về căn cứ nên lơ là chuyện phòng bị phía sau lưng. Kischeis đem hạm đội giấu trong vành đai tiểu hành tinh, rồi tấn công bất ngờ vào hậu quân vốn không chút đề phòng của anh ta.
Maximilian trốn thoát khỏi chiến trường, nhưng lại bị thủ hạ của chính mình giết chết hòng lấy công chuộc tội. Những kẻ sống sót còn lại đều đầu hàng.
Cứ như vậy, bạo loạn ở Castrop được giải quyết nhanh chóng.
Nói là trong mười ngày, nhưng trong đó có đến sáu ngày dùng cho việc hành quân từ Odin, hai ngày dùng để xử lý những sự vụ sau khi chiến sự kết thúc, thời gian chiến đấu thực thụ chỉ có hai hôm mà thôi.
Trong lần dẹp loạn này, Kircheis đã cho thấy tài cầm quân phi phàm của mình. Reinhard hài lòng, những Đề đốc trong phủ Nguyên soái cũng gật đầu khen ngợi, còn quý tộc môn phiệt thì ngạc nhiên tột cùng khi không chỉ Reinhard mà đến cả tâm phúc của anh cũng tài năng bực này. Với họ, loại chuyện này chẳng có gì là vui vẻ.
Nhưng công trạng vẫn cứ là công trạng. Kircheis tấn thăng trung tướng, cũng được trao tặng Huân chương Đại bàng vàng hai đầu. Bộ trưởng Quốc vụ - Hầu tước Lichtenrade dùng thân phận Quyền Tể tướng Đế quốc trao tặng huân chương này cho Kircheis, cũng khen ngợi chiến công này của anh, nhắn nhủ anh phải cảm tạ ân sủng của Hoàng đế bệ hạ, dâng hiến trung thành để báo đáp ngài.
Kircheis biết rõ toàn bộ nội tình phía sau nên cảm thấy thái độ thân thiết mà Hầu tước Lichtenrade phô ra dưới sự xúi giục của Weitz hết sức lố bịch. Bất quá anh không để ý nghĩ này lộ ra ngoài mặt.
Hơn nữa, chuyện dâng hiến lòng trung thành cho Hoàng đế, với Kircheis, hoàn toàn là một trò cười. chẳng phải chính là Hoàng đề Friedric IV đã cướp đi người anh nguyện dâng hiến trọn lòng trung thành ngay trước mắt anh đó sao? Anh chiến đấu, không vì Đế quốc, không vì Hoàng tộc, càng không vì Hoàng đế.
Kỳ thực, cậu thanh niên tóc đỏ cao ráo có tên Siegfried Kircheis vẫn rất được lòng các thiếu nữ trong hoàng cung, từ thiên kim của các vị đại quý tộc đến cung nữ cấp thấp. Chỉ là bản thân anh không nhận ra điều đó. Mà cho dù nhận ra, có lẽ anh cũng chỉ thấy hoang mang mà thôi.
Cứ thế, giữa lúc Reinhard và Kircheis dần xác lập địa vị của chính mình, Đại tá Oberstein với mái đầu nửa bạc xuất hiện trước mặt họ.