Giang Đông Song Bích

chương 4: huyện thư

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Editor: Vện

Chu Du tính tình bướng bỉnh, không chịu làm hòa. Hôm sau là lễ di quan Chu Dị, dân chúng huyện Thư tiễn đưa mười dặm, Huyện lệnh cũng đến, Chu Du khóc đứt gan đứt ruột. Tôn Sách đi sau nhỏ giọng nói chuyện với Huyện lệnh, đến lúc đưa quan tài lên núi, Tôn Sách cũng khóc long trời lở đất.

“Ôi Chu lão gia!” Tôn Sách gân cổ gào khan, “Hài cốt ngài còn chưa lạnh mà đã có người muốn cướp ruộng đất Chu gia kìa…”

Chu Du, “…”

“Hà hiếp mẹ góa con côi nhà ngài…”

Chu Du nghe Tôn Sách rú một chập, khóc không nổi nữa, vội nói, “Được rồi được rồi…”

Dân chúng đưa linh cữu dọc đường đều nghe thấy, Huyện lệnh dĩ nhiên cũng nghe, nhóm họ hàng thân thiết biết nội tình sắc mặt không mấy dễ nhìn, họ hàng xa không biết chuyện thì bàn tán sôi nổi, chỉ chỉ trỏ trỏ. Tôn Sách khóc vài tiếng rồi im lặng, cùng Chu Du lên núi.

Chiều hôm đó, sau khi chôn cất, Tôn Sách cùng Chu Du đích thân đến cửa hàng tơ lụa, Chu Du viết thông báo tạm ngừng kinh doanh, phát cho người làm, chưởng quỹ một khoản tiền về kiếm nghề khác mưu sinh. Ruộng dâu thì niêm phong, chỉ giữ lại vài nông dân chăm cây dâu, chờ đầu xuân sang năm nuôi tằm lại.

Cuối xuân, hoa đào huyện Thư nở đầy núi, khung cảnh phồn hoa hưng thịnh.

Bận rộn mấy ngày rốt cuộc cũng xong, Tôn Sách cùng Chu Du sóng vai về phủ, nhìn ruộng rẫy trải dài, non xanh nước biếc, Tôn Sách nói, “Công Cẩn, bỗng dưng ta thấy có lẽ đệ nên bán ruộng.”

“Tại sao?” Chu Du hỏi, “Huynh thiếu tiền à?”

Tôn Sách trêu, “Ta muốn tìm đệ vay tiền đó, có bán không?”

Chu Du đáp không cần suy nghĩ, “Huynh cần tiền thì đương nhiên phải bán, dùng làm gì?”

Tôn Sách khoát tay, “Ta đang nghĩ, đệ có đồng ý theo ta đến Trường Sa làm việc không? Dưới trướng ta đang thiếu vài Chủ bộ, đệ đến thì mỗi ngày đều được ở cùng nhau, uống rượu luận kiếm.”

Chu Du nói, “Không.”

“Sao vậy?” Tôn Sách đi lùi trước mặt Chu Du, đế giày toàn bùn.

“Cha mẹ còn, Du không đi.” Chu Du chỉ nói sáu chữ.

Tôn Sách mỉm cười tiếp nửa câu sau, “Du tất có hướng riêng, đúng không?”

Chu Du nói, “Đợi ít hôm nữa đi, ta hiểu ý huynh, cha ta vừa mất, mẹ ta ở nhà không người bầu bạn, ta sợ bà suy sụp.”

Tôn Sách nghĩ cũng phải, đành gật đầu, lát sau nói, “Hôm qua Phi Vũ mang tin đến, cha giục ta về.”

Chu Du ngẩn ra, trong lòng thấy mất mát không nói nên lời.

“Về làm gì?” Chu Du hỏi.

“Đánh giặc.” Tôn Sách xoay lại, cùng Chu Du sóng vai mà đi, thuận miệng nói, “Ta cũng không muốn xa đệ, nên mới hỏi đệ có đồng ý theo ta xuất chinh hay không, thân thủ đệ tốt ta cũng sẽ bảo vệ đệ, lúc ra trận không cần đệ xông pha, chỉ cần giúp ta tính sổ sách, đề xuất chủ ý là được.”

Chu Du, “Bất cần liều mạng như huynh mà đòi bảo vệ ta?”

Tôn Sách cười nói, “Không tin à? Đó là đệ chưa thấy ta ngoài chiến trường thôi.”

“Tin.” Chu Du thản nhiên nói.

Ngày đó thấy Tôn Sách ra tay như mãnh hổ xuống núi, oai phát bốn phương, thiếu niên anh hùng là phải thế nào? Tôn Sách chính là thế ấy.

Tôn Sách còn nói, “Nếu đệ không yên tâm thì có thể đón mẹ đệ đến quý phủ ở Trường Sa, cũng tiện có mẹ ta nói chuyện giải sầu.”

Trong nháy mắt, quả thật Chu Du có lung lay. Nhưng gia nghiệp lớn như vậy, đâu thể nói đi là đi, cũng không thể nói bỏ là bỏ. Lặn lội đường xa, chỉ sợ mẫu thân tàu xe mệt nhọc, cũng lo bà không hợp khí hậu. Đi tức là buông bỏ toàn bộ sản nghiệp ở huyện Thư.

Tôn Sách tuy thân thiết với hắn nhưng còn quan viên, thuộc hạ của Tôn Kiên, nhất là nhóm lão tướng thân kinh bách chiến sẽ không hiếu khách như Tôn Sách, muốn ăn nhờ ở đậu tuyệt không dễ dàng.

Xét cho cùng vẫn không qua nổi cửa ải bản thân.

Tôn Sách mong mỏi nhìn Chu Du, trong khoảnh khắc, Chu Du suýt chút nữa gật đầu, nhưng cuối cùng hắn nói, “Một thời gian nữa đi.”

“Khi nào?” Tôn Sách đứng lại, hỏi.

“Chừng nào huynh về?” Chu Du hỏi ngược.

Tôn Sách, “Sáng mai lên đường rồi.”

Chu Du nhất thời buồn phiền, hắn phải mất ít nhất mười ngày nửa tháng giải quyết công việc nơi đây, lại xin ý kiến mẫu thân, cân nhắc chu toàn mới có thể đi cùng Tôn Sách, ai ngờ Tôn Sách đi quá vội. Y ở lại cùng hắn quá lâu rồi, việc quân quan trọng, không thể bắt y trì hoãn.

Chu Du nâng mắt nhìn Tôn Sách, hai người im lặng nhìn nhau rất lâu, Tôn Sách bỗng nói, “Công Cẩn, ta thật sự muốn đệ đến ở với ta, không phải thương hại đệ không có chỗ đi.”

Chu Du nói, “Huynh đa tâm rồi, ta chưa bao giờ nghĩ như vậy, huynh cứu cha ta, mấy ngày nay còn giúp đỡ ta, ta thật lòng…”

Chu Du dời mắt, lát sau nói, “Bá Phù, huynh là người làm đại sự.”

“Thật hả?” Tôn Sách cười nói, “Ai cũng nói vậy hết.”

“Lại nữa.” Chu Du dở khóc dở cười.

Chu Du nhấc bước, Tôn Sách theo sau hắn, nghiêm túc nói, “Công Cẩn, ta đang rất cần phụ tá, lần này tìm đến là muốn mời đệ về giúp ta, nhưng xảy ra nhiều chuyện như vậy, nhất thời không dám đề cập với đệ, đệ chỉ việc về dưới trướng ta, ngày sau ta đạt được gì…”

Chu Du dừng lại, Tôn Sách nói, “Đều có một nửa của đệ.”

Chu Du biết Tôn Sách nói vấn đề triều chính, hắn nhẹ gật đầu, đáp, “Bá Phù, ta tin có ngày huynh không thành danh tướng cũng thăng hàng Tam công, ta tin. Nhưng bây giờ chưa được, ta không tin bản thân mình.”

“Cái gì?” Tôn Sách bất ngờ.

“Cho ta chút thời gian.” Chu Du trầm giọng nói, “Được không? Khi nào ta cảm thấy đủ sức làm phụ tá cho huynh, ta sẽ đến tìm huynh.”

“Cần bao lâu?” Tôn Sách cười nói, “Đừng có nói mười năm hai mươi năm, ta chờ không kịp đâu.”

“Ba năm?” Chu Du nói.

Tôn Sách không trả lời, Chu Du biết y không đồng tình, chỉ e y không chờ được lâu như vậy, bèn không nhắc lại nữa, hai người mang tâm sự khác, chậm rãi đi dọc con đường. Cánh đào cuối xuân tung bay, không ít trẻ con cầm diều chạy dưới đồng ruộng.

“Đi thả diều không?” Chu Du hỏi.

Tôn Sách gật đầu, Chu Du mua diều từ nhà dân, hai người lên thuyền, Tôn Sách cầm diều, kéo dây, diều lượn lờ cưỡi gió bay lên, xa như cánh chim trong bức tranh thủy mặc. Chu Du khoanh chân ngồi ở mũi thuyền, ngẩng đầu nhìn như đứa trẻ, Tôn Sách đứng ở đuôi thuyền, tay cầm dây diều.

“Được đó.” Tôn Sách bỗng dưng đáp.

Chu Du quay đầu lại, thấy Tôn Sách cười sảng khoái.

“Ba năm thì ba năm, đệ chính là cánh diều này, dây nằm trong tay ta, rồi sẽ về với ta thôi.” Tôn Sách nói.

Chu Du cười, không lên tiếng, lấy đàn trong khoang thuyền, tay bắt dây đàn, âm vang trong trẻo văng vẳng dưới trời.

Hôm sau, núi rừng thấp thoáng sau màn sương, Tôn Sách cùng Chu Du không ngủ, nằm trên giường nói chuyện thâu đêm, lúc đưa tiễn Chu Du còn ngáp ngắn ngáp dài, Tôn Sách lại tinh thần phấn chấn, dắt cương ngựa nói lời tạm biệt với Chu Du.

“Đến đây được rồi.” Tôn Sách nói, “Nhớ rõ, ba năm.”

“Nhớ rõ.” Chu Du mệt mỏi đáp.

Cắt trắng bay đến, đậu trên vai Chu Du, Tôn Sách nói, “Phi Vũ sẽ thay ta đưa tin cho đệ, nhớ chăm sóc tốt bản thân.”

Chu Du tiến lên một bước, phút chốc cảm xúc lẫn lộn, hắn dừng chân, Tôn Sách lại hiểu, không khách khí bước đến ôm Chu Du thật chặt, hai người cứ vậy đứng trên sơn đạo.

Một lúc lâu sau, Tôn Sách vỗ lưng Chu Du, buông hắn ra, không nói câu nào, phi thân lên ngựa.

“Sa!” Trong khoảnh khắc Tôn Sách xoay đi, Chu Du rõ ràng thấy vành mắt y đỏ ửng, nhưng Tôn Sách không nói gì, vó ngựa dồn dập, nháy mắt đã mất bóng trong sương mù.

—oo—

Gió thu xào xạc buổi bình minh, danh sĩ phương Đông ngoảnh lối về.

Một con cắt trắng bay qua muôn sông nghìn núi, lướt qua hồ Sào, khuấy động mặt hồ thu, gợn sóng lan tỏa.

Cắt trắng bay về phía một chiếc thuyền mui, đậu bên cạnh người câu cá thả câu đầu thuyền. Người câu cá đội mũ rộng vành, thả dây cách thuyền ba bốn tấc, giật nhẹ.

Một thiếu niên lười biếng nằm ở mũi thuyền, một thân trường bào gấm vóc, mặt như ngọc, mày như núi, môi hồng như son, mắt sáng như sao.

“Tử Kính.” Người thả câu hỏi thiếu niên, “Xem có phải chim nhà chúng ta không?”

Thiếu niên gọi Tử Kính kia là Lỗ Túc, mí mắt cũng lười nhấc, nói, “Hóa ra đặc biệt đến nơi này câu cá vì muốn chờ con chim cắt kia à?”

“Là nó! Thư của Bá Phù!” Người câu cá thu dây, lấy con cá nhỏ trong thùng đút cho cắt trắng, chim cắt đậu ở đầu thuyền nhảy lóc chóc, giương mắt nhìn. Người kia cởi mũ xuống, hiện ra dung nhan tuấn mỹ – chính là Chu Du.

Lỗ Túc thuận miệng nói, “Lại là con chim này, lại là Tôn Bá Phù, nghe mắc mệt. Chu Công Cẩn, ta đoán vẫn không có kết quả.”

“Qua đây.” Chu Du cười nói.

Cắt trắng nhảy đến, Lỗ Túc lấy ngón tay búng nó. Cắt trắng bị Lỗ Túc đùa cho phát cáu, vừa thấy ngón tay hắn đã vội vàng nhảy ra chỗ khác né.

Lỗ Túc nghiêm túc đường hoàng cầm cá nhỏ dụ nó, cắt trắng cảnh giác đến gần, Lỗ Túc nhếch khóe môi, hờ hững nói, “Chim cắt ăn thịt, chỉ có mi ăn cá.”

Cắt trắng trừng Lỗ Túc, nghiêng đầu. Chu Du xoa đầu nó, hỏi, “Thư của Bá Phù đâu?”

Lỗ Túc kéo móng vuốt nó, tháo một ống nhỏ, rút thư bên trong ra.

Thân gửi Công Cẩn hiền đệ:

Từ biệt bao năm, tình hình gần đây thế nào? Ít hôm nữa huynh rút quân lên phía Bắc. Trương Giác đã mất đại thế, loạn Khăn Vàng tàn lụi, Hà Tiến dẫn Mi hầu Đổng Trác vào kinh, thế cuộc ở Lạc Dương vô cùng rối loạn, quân Lương Châu đóng ở Quan Đông, liên tục quấy rầy. Gia phụ tập trung hỏa lực áp chế, ngừa khi có biến. Hổ Lao Quan quá nhiều lưu dân, bách tính khổ cực khôn cùng. Hàng hóa đệ bảo, huynh đã nghĩ cách điều tra nhiều mặt, song không có manh mối, lo đệ nóng lòng bèn truyền tin báo trước, hiền đệ chớ vội, hấp tấp không ăn được đậu hũ nóng, chờ vi huynh từ từ tra xét.

Ước hẹn ba năm đã qua hai, chức Tham tán trong quân vẫn để trống.

Dám hỏi bá mẫu mạnh khỏe, hiền đệ đừng quá nhớ ta.

Bá Phù.

“Quả nhiên, nói cũng như chưa nói.” Lỗ Túc không chút nể tình cười nhạo Chu Du, Chu Du vẻ mặt bất đắc dĩ.

Lỗ Túc hỏi, “Thư cũng nhận rồi, về chưa?”

“Huynh về trước đi.” Chu Du nói, “Mắc công lại bị chị dâu quở trách.”

“Trách ngươi mới đúng, cùng lắm là ỷ không có vợ quản, còn cười gì ta? Nói bao nhiêu lần rồi, ngươi xem xét việc hôn nhân đi, mau mau thỏa mãn tâm hồn thiếu nữ con cháu đầy nhà mới được chứ.”

Chu Du, “Ta ở lại câu cá một lát.”

“Có tâm sự?”

“Tâm sự gì đâu? Chỉ là muốn câu cá.”

“Nói không đúng lòng.” Lỗ Túc vừa dứt lời, tiện tay bẻ tấm gỗ mạn thuyền ném trên mặt hồ, đạp lên mép thuyền, lao đi như tên bắn, người đứng giữa không trung, tay chắp đằng sau, một chân đạp lên tấm gỗ, nương sóng hồ thu lướt vào bờ, thản nhiên đáp đất, tiêu sái vô cùng.

Góc nghiêng anh tuấn của Chu Du in dưới làn thu thủy, tay cầm cần câu, trầm ngâm không nói, hệt như bức tượng. Mãi đến lúc đổ mưa, nước bắn tí tách đầy mặt hồ Sào, Chu Du mới thở dài, thu cần, xách thùng về nhà.

Đã hai năm trôi qua từ ngày hắn từ biệt Tôn Sách. Linh Đế băng hà, Hiến Đế lên ngôi, tin tức truyền về từ Lạc Dương ngày càng căng thẳng, Hà Tiến dẫn Đổng Trác vào kinh, Lữ Bố giết Đinh Nguyên, về dưới trướng Đổng Trác, người kinh thành hoảng sợ, thế gia dồn dập chạy khỏi Quan Đông.

Nhất thời có người nói Đổng tặc soán vị, giục Hiến Đế triệu tập quần thần; lại có người nói anh hùng trong thiên hạ đã tập hợp, tôn Viên Thiệu làm minh chủ diệt Đổng.

Tin tức sôi trào, nơi Giang Tả cũng bị bầu không khí căng thẳng đó ảnh hưởng, trên đường có không ít vệ binh tuần tra. Mưa thu hiu quạnh, khói bếp mập mờ sau rặng núi, Chu Du xách thùng, đội mũ rộng vành, trên vai là con cắt trắng hai năm trước Tôn Sách giao cho hắn, đi dọc sơn đạo quanh co.

Trong hai năm qua, thư của bọn họ chưa bao giờ đứt đoạn. Thỉnh thoảng Chu Du viết thư cho Tôn Sách, Tôn Sách thì thư từ thường xuyên hơn, nhưng thư qua thư lại, nói toàn là chuyện không đâu, y như con nít cãi cọ. Mỗi lần thư đi đều đơn giản là hoa đào rơi rụng, nước hồ Sào dâng cao, bốn mùa luân chuyển, vạn vật đổi mới.

Mãi đến nửa năm trước, đầu xuân, theo lệ, cửa hàng từ huyện Thư phái đội buôn đi theo đường Hàm Cốc Quan đến Lương Châu, vào con đường tơ lụa sang thông thương với Tây Vực. Nhưng ngay lúc ấy, thế cục rung chuyển không phải thứ hắn có thể khống chế, các thương nhân đi chưa đến ba tháng đã báo tin rằng rất nhiều hàng hóa bị giữ lại.

Số hàng hóa đó không chỉ có mỗi tơ lụa của Chu gia mà bao gồm toàn bộ thương nhân huyện Thư, không ai biết chuyện gì xảy ra, chỉ có hai con la do quan sai trạm dịch tiện đường gửi tin về.

Thời loạn đã đến, thế gia huyện Thư hoảng hốt, liên tục sai người thăm dò. Nhưng ba mươi sáu thành viên đội buôn như đá chìm biển sâu, bặt vô âm tín.

Hàng có thể bỏ, người về cũng được, nhưng bây giờ sống không thấy người, chết không thấy xác. Người làm trong thôn trang của Chu Du bất mãn, mạng người quan trọng, Chu Du không thể không vội vàng viết thư nhờ Tôn Sách giúp đỡ.

Tôn Sách nhiều lần an ủi Chu Du, ai cũng biết mạng người thời loạn như cỏ rác, hơn phân nửa là không về được rồi. Nếu có người hầu trong triều, nói không chừng có thể liên hệ dò tung tích đội buôn kia. Người nhà của ba mươi sáu thành viên toàn là mẹ góa con côi, suốt ngày khóc lóc nỉ non, chờ đợi một tia hy vọng mịt mờ.

Truyện Chữ Hay