Giang Đông Song Bích

chương 1: đào hoa – 1

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Editor: Vện

Vào một ngày nhiều năm sau, đại chiến Xích Bích, khói lửa mịt mù.

Chiến thuyền ầm ầm đổ nát, lửa cháy ngợp trời, xác người trăm vạn, máu chảy thành sông.

Chu Du lẳng lặng nhìn biển máu Tu La, chợt nhớ đến buổi chiều lần đầu gặp Tôn Sách.

Năm đó Chu Du mới bốn tuổi, ngày xuân vừa chớm, hoa đào nở rộ.

Chu Du mới ngủ trưa dậy, đang ngồi xổm bên bờ hồ cho cá ăn, sau lưng vang lên tiếng cười hớn hở, Chu Du chưa kịp quay đầu, một thằng nhóc đến nhà làm khách đã đạp hắn rơi thẳng vào hồ.

Chu Du ngã “ùm” xuống nước, tên đầu sỏ khoái chí chỉ vào hắn mà cười, nhưng Chu Du bé không hoảng loạn kêu cứu như tưởng tượng, cũng không tức đến khó thở chửi ầm lên. Chu Du mình mẩy ướt nhẹp, uống hai ba ngụm nước hồ lạnh lẽo, bơi đến bờ hồ bên kia, hắt hơi một cái.

Thằng nhóc cười tủm tỉm đuổi theo trêu hắn, “A, biết bơi kìa!”

Nó đến trước mặt Chu Du, dí mũi gần sát mặt hắn, “Khóc đi khóc đi!”

Chu Du dùng tay áo lau nước trên mặt, thằng nhóc đắc ý cười to, “Khóc rồi!”

Ngay sau đó, Chu Du im lặng giật cổ áo thằng nhóc, cho nó một đấm nhanh gọn dứt khoát.

Thằng nhóc không ngờ Chu Du nói đánh là đánh, nhất thời hét ầm lên, hai người quần nhau vật lộn trong vườn hoa, Chu Du tung một đòn phủ đầu, nhắm ngay mũi thằng nhóc mà đấm liên tục. Thằng nhóc nhận ra đánh như vậy quá tàn nhẫn, ngay lúc định chạy thì sau gáy trúng một đòn, mắt nó nổ đom đóm, lăn kềnh ra đất.

Chu Du ngồi lên người nó, nhấn đầu nó xuống mà đánh, thằng nhóc lớn tiếng kêu cứu, lát sau bị đánh cho tóe máu mũi, muốn kêu cũng kêu không được, người hầu trong phủ bị kinh động, vừa chạy đến liền hoảng hồn gọi, “Tiểu thiếu gia!”

Người hầu hai nhà sợ mất hồn, dồn dập tiến đến tách Chu Du và thằng nhóc ra. Hôm đó Chu Du bị phụ thân phạt một trận đòn, hắn gào khóc trong sân. Thằng nhóc kia thì nói không ra hơi, lại thêm cảm lạnh, mũi bị đánh suýt gãy, nằm trong phòng không gượng dậy nổi, Chu gia phải mời danh y đến chăm nom mười ngày mới khỏe.

Từ bé đến lớn, đó là lần duy nhất phụ thân đánh hắn, dù đã qua nhiều năm mà mỗi khi nhớ lại trận đòn ấy, mông Chu Du vẫn đau âm ỉ.

Thuở nhỏ, Chu Du theo phụ thân đến Lạc Dương nhậm chức, danh sĩ Hứa Thiệu – chính là người đã phán Tào Tháo trị thế năng thần loạn thế gian hùng, vừa thấy hắn đã khách khí rằng, “Người này mai sau thành nghiệp lớn, không hổ bậc chủ tướng.”

Quan giỏi thời bình và gian hùng thời loạn.

Chu Dị giật giật khóe miệng, khinh thường thổi phù râu mép, thản nhiên nói, “Hà, nói thế thì nghe vậy.”

Vài năm trôi qua, Chu Du đã đọc hết sách ở Lạc Dương, cả thành Lạc Dương to như vậy mà không tìm nổi tiên sinh dạy hắn. Năm Chu Du mười hai, Chu Dị đuổi hắn về quê nhà là huyện Thư. Cha mẹ đã già, bên ngoài loạn lạc, cho hắn về giúp đỡ chuyện làm ăn, đọc sách thi làm Hiếu liêm rồi đến Lạc Dương làm quan.

Hiếu liêm là một chức quan nắm quyền cai trị ở cấp bậc trung bình của chính quyền địa phương. Chức Hiếu liêm là sản phẩm của nền hành chính triều Hán.

Nhưng mấy năm gần đây thời cuộc khó lường, ngay cả phụ thân hắn là Huyện lệnh Lạc Dương cũng đã từ quan về quê. Lại một mùa xuân qua, gió lửa bùng lên, lưu dân trỗi dậy bốn phía, Trương Giác chỉ huy quân Khăn Vàng nhân lúc cháy nhà mà đi hôi của, đổ bộ vào Ký Châu, Dương Châu, gặp cửa hàng nào là cướp phá cửa hàng đó.

Bị quân Khăn Vàng liên lụy, phụ thân hắn mang một xe sách và hai lão bộc cáo lão về quê. Như lời mẫu thân nói là từ quan cũng tốt, về kinh doanh sản nghiệp, đỡ cho cảnh lẻ loi không người săn sóc.

Chu Du ngồi trong nhà, thấp thỏm chờ phụ thân về. Bài tập đã khảo, kiếm pháp đã luyện, việc làm ăn cũng đã hỏi, kiến thức bốn năm qua dò không sót một chữ. Chu Du nhớ phụ thân thường nhắc hắn không được kết giao bạn xấu, nhưng thế nào là bạn xấu, thế nào là bạn tốt? Hắn nhịn không được nhớ về năm bốn tuổi, Tôn Sách bệnh nặng ngay trong nhà mình, phụ thân thường xuyên lui tới Tôn gia, chẳng biết Huyện thừa Tôn Kiên bây giờ ra sao.

Loạn Khăn Vàng phủ khắp tám châu, thế tới ồ ạt, treo cổ quan địa phương, đốt phủ đệ quận huyện, ngay cả Ngô Quận cũng không may mắn thoát được, sợ là Tôn gia cũng đã gặp nạn…

Đang nghĩ ngợi, người hầu trong phủ đã báo, “Thiếu gia, lão gia truyền tin, đêm qua đã đến Cô Sơn, sáng nay sẽ khởi hành về nhà.”

Chu Du lập tức đứng lên, chỉnh trang y phục, thật ra hắn đã dậy từ sớm, quần áo cũng đã sửa sang nhiều lần, chỉnh tề đến mức không thể chỉnh tề hơn, hắn đeo bội kiếm, muốn chờ phụ quân qua Cô Sơn rồi hắn sẽ qua hồ Sào nghênh đón.

Chu Du chỉ thấy đứng ngồi không yên, hắn đi qua đi lại, bỗng nhớ phụ thân thường trách hắn đeo kiếm là phường du hiệp loạn pháp, là hạng thịt chó giết heo, bèn tháo bội kiếm xuống. Nhưng nghĩ lại thời thế hiện giờ, vẫn nên mang theo thì hơn, tới tới lui lui như vậy mấy bận, lo âu lắng xuống, cuối cùng mang kiếm ra khỏi cửa.

Giục ngựa thẳng đến hồ Sào, bắt đò qua, bờ bên kia hồ Sào chính là Cô Sơn, ở giữa là con đường nhỏ hẹp, hai bên là vách núi cheo leo, một dòng nước biếc lặng lẽ chảy xuyên núi, quanh co vòng vèo.

Vượn trong núi hú không ngừng, cánh chim trăm mối, non núi trùng điệp, nước biếc non xanh, cảnh đẹp như tranh, Chu Du lại nhớ về năm bốn tuổi, sau khi Tôn Sách hết bệnh, phụ thân lôi hắn đến nhận tội, còn bắt hắn dập đầu lạy ba cái.

Lòng thành không được chấp nhận, Chu Du nghiến răng nghiến lợi làm một con diều tặng cho Tôn Sách làm lễ vật đền tội, Tôn Sách tính tình con nít, chưa đến mấy ngày đã quên, còn chắp tay nhận lỗi với Chu Du, quân tử đến mức khiến Chu Du dở khóc dở cười. Hai người tranh cãi ầm ĩ, cũng coi như không đánh không quen, Tôn Sách cầm diều la hét muốn đi chơi, Chu Du liền theo nó đến bên bờ hồ Sào thả diều.

Chiều hôm đó, một chiếc bè trúc trôi trên mặt hồ, hàng cây tùng hai bên bờ kéo dài như nét bút, hai đứa trẻ ngồi trên bè trúc, Chu Du gắng sức cầm cây sào học theo bác lái bè, cắm sào xuống nước. Tôn Sách cầm diều, con diều lắc lư nghiêng ngả một lát rồi cũng bay lên…

Đò cập bến, Chu Du một tay ấn kiếm, vững vàng nhảy lên bờ, không thèm nhìn lật tay một cái, đồng tiền leng keng rơi vào ống trúc cắm đầu đò.

“Thiếu gia đi thong thả.” Người lái đò ngậm cọng cỏ cười nói.

Chu Du xoay lại ôm quyền, đi đến hướng sơn đạo, ngày xuân mưa phùn, đất đai lầy lội, mới đi vài bước thì đột nhiên nhận ra gương mặt người lái đò hôm nay hơi là lạ, mơ hồ cảm thấy có gì đó không đúng mà không nói ra được. Vừa đi vừa trầm ngâm, người lái đò kia sức lực rất mạnh, cơ bắp cuồn cuộn, dường như có tập võ.

Nhưng ai lái thuyền đò mà không vạm vỡ, chẳng hiểu tại sao lại thấy khác thường.

Núi non hẻo lánh mà không nghe tiếng chim hót, Chu Du băng qua rừng, chạy đến hướng trạm dịch. Một người hầu của Chu gia vội vã lao ra, dựa thân cây thở dốc, trái tim Chu Du thót lên cuống họng.

“Thiếu gia! Thiếu gia!” Tên người hầu hoảng loạn thưa, “Lão gia…”

“Bình tâm tĩnh khí.” Chu Du nén xuống cảm giác choáng váng, cố hết sức nói, “Từ từ nói, đừng hoảng.”

Người hầu ổn định nhịp thở, bẩm, “Giặc Khăn Vàng làm loạn… Lão gia qua đêm trong trạm dịch Cô Sơn, một đám giặc Khăn Vàng xông vào đánh cướp, bắt hết toàn bộ tôi tớ trong trạm dịch, xe ngựa của chúng ta đậu bên ngoài trạm dịch…”

Trong đầu Chu Du nổ ầm một tiếng, suýt thì không đứng vững, hắn mệt mỏi xoa mi tâm, hồi lâu sau mới lấy lại tinh thần, nói đứt quãng, “Quân Khăn Vàng… sao lại xuất hiện ở Cô Sơn? Chờ đã, Bình Quý, ngươi…”

Hắn bình tĩnh lại, phụ thân cáo lão từ quan, thứ nhất không mang tiền tài, thứ hai không có nữ quyến, chỉ có một trường hợp là bắt cóc đòi tiền chuộc. Nếu vậy thì phụ thân không đến nỗi nguy hiểm tính mạng.

“Mau đến huyện phủ huyện Thư báo quan.” Chu Du ra lệnh, “Về nhà báo với Tứ thúc, không được cho mẹ ta biết.”

Người hầu ngạc nhiên gật đầu, Chu Du lại nói, “Hiểu rồi thì đi nhanh, ta thăm dò tình hình.”

Chu Du cầm kiếm, không đi đường lớn mà chạy vào rừng đào, lao vun vút qua nhánh cây. Trong lòng không ngừng tự an ủi mình, cả đời phụ thân làm quan thanh liêm, chưa bao giờ làm chuyện trái lương tâm, Chu gia chưa gặp tai bay vạ gió, tức là hữu kinh vô hiểm, hơn phân nửa là quân Khăn Vàng chỉ muốn ngân lượng, thiếu tiền quá nên phải bắt cóc người.

Chạy hơn nửa ngày, Chu Du nóng lòng không chịu được, vừa nghĩ phải làm sao để cứu phụ thân và những người vô tội bị vạ lây, vừa lo người của quan phủ sẽ giải quyết thế nào, chỉ sợ đánh rắn động cỏ, làm bị thương con tin. Nếu mẫu thân ở nhà biết chuyện, xưa nay bà vốn yếu đuối, chỉ sợ bị kinh động…

Mặt trời sắp ngả về Tây, rốt cuộc Chu Du cũng đến trạm dịch Cô Sơn.

Nắng hoàng hôn kéo chiếc bóng của hắn thành một vệt dài, trước mắt hắn, trạm dịch dưới sườn núi đã bị đốt trụi, hơn phân nửa phòng ốc sụp đổ, xác người cháy khét nằm la liệt.

Trên bức tường đã cháy thành than viết tám chữ: Thương Thiên dĩ tử, Hoàng Cân đương lập.

Trời xanh (tức nhà Hán) đã chết, Khăn Vàng phải lập.

Trong đống đổ nát vang lên tiếng động, là tiếng khóc đứt quãng của đàn ông, trong lòng Chu Du run lên, không khỏi bước nhanh hơn, lúc đến gần trạm dịch, xuyên qua khe ngói, hắn thấy trong trạm dịch tàn tạ có người đàn ông quỳ một gối hướng mặt về một thương binh.

Tên kia rút dao găm bên hông, đâm xuống một nhát, tiếng khóc ngắc ngứ kia liền im bặt.

Tim Chu Du hụt mất một nhịp, hắn nín thở, không dám kinh động tên kia, chậm rãi áp sát.

Bội kiếm tuốt khỏi vỏ, thanh đồng sáng loáng phản chiếu ánh tà dương.

“Kẻ nào?” Tên kia cảnh giác quát lên.

Chu Du không nói hai lời, phi thân vào cuộc, giận dữ hét, “Bỏ vũ khí xuống!”

Ngay sau đó, một cây côn im hơi lặng tiếng bổ đến trước mặt, Chu Du giơ ngang kiếm đỡ, kiếm côn chạm nhau “keng” một tiếng, âm thanh sắt thép va vào như rồng ngâm, quanh quẩn dưới bầu trời hoàng hôn đẫm sắc máu.

“Được lắm!” Tên đàn ông kia to tiếng nói, đối mặt với Chu Du, trong một khoảnh khắc, hắn hơi ngây người.

Chỉ một ánh mắt ngắn ngủi mà xa vời vợi như năm năm tháng tháng.

Người kia là một thiếu niên xấp xỉ Chu Du, thân mặc võ bào già dặn, mi mày đen như mực, phóng khoáng hệt bức tranh sơn thủy, hai mắt sáng ngời, khóe môi khẽ nhếch, sống mũi cao thẳng, khí khái mười phần. Chu Du thầm khen một tiếng “Tuyệt”, không ngờ trong quân Khăn Vàng lại có một nhân vật thế này.

Thiếu niên kia cũng kinh ngạc trong thoáng chốc.

Lập tức, hai người hồi phục tinh thần, Chu Du tách khỏi cuộc chiến, một chân đạp bờ tường, bức tường cháy đen không chịu nổi sức nặng, ầm ầm sụm xuống.

Thiếu niên kia quét côn, sức gió tung ra theo hình xoắn ốc phóng ra ngoài, cuốn cánh hoa rợp trời đuổi hướng Chu Du.

Trong khoảnh khắc, hai người từ bất ngờ đánh thăm dò trong trạm dịch biến thành một côn một kiếm công khai sống chết mà đánh! Côn pháp của thiếu niên kia sát phạt quyết đoán, mỗi một đường quét qua đều có thể tạo gió lớn, chỉ trong chốc lát đã thổi trạm dịch thành bình địa. Chu Du lùi về, lại bị gió cuốn vào, hắn như chiếc thuyền lá giữa cơn mưa rào, càng đánh càng kinh hãi, mình thế mà không đối phó được kẻ này, quá khinh địch rồi!

Chu Du nhảy ra, lắc mình chạy vào rừng đào, thiếu niên kia không nhượng bộ, đuổi theo như hình với bóng, xung quanh cây cối rậm rạp, côn pháp bị áp chế, thiếu niên rút côn sắt về, chiêu thức thình lình biến hóa thành đâm thẳng dọn đường. Chu Du vừa thấy đã biết thiếu niên này chắc chắn có sư phụ nổi danh, không thể là sơn tặc tầm thường.

“Dừng tay!” Chu Du quát, “Ta không phải cướp!”

“Nhận thua rồi?” Thiếu niên mỉm cười hỏi.

Chẳng biết tại sao, Chu Du bỗng dưng nổi nóng, hắn giận mà không nói, thầm nghĩ tiểu gia ta chỉ không muốn đánh nhau vô cớ, sợ quái gì ngươi, tay chợt rút kiếm, mưa kiếm bay đầy trời!

Thiếu niên vốn muốn thu chiêu, vừa thấy Chu Du nóng nảy ra tay, nhất thời nổi máu hiếu thắng, hô một tiếng “Được!” rồi lại rút côn giao đấu!

Kiếm đồng của Chu Du lượn vòng, bóng hắn nhập vào vô vàn hào quang kiếm ảnh, hư chiêu một hóa ba, ba hóa mười xuất hiện trùng trùng điệp điệp. Lưỡi kiếm chuyển động, hoa đào cuộn xoáy, một cánh hoa rơi trên thân kiếm.

Thiếu niên kia ngửa người tránh mũi kiếm, nháy mắt Chu Du quét ngang kiếm, cánh hoa trên thân kiếm bị kình khí nghiền nát, theo hắn lao đi. Ngay sau đó, kiếm ý như nước, từ nhu hóa cương, mãnh liệt bộc phát!

Đó chính là kiếm pháp cổ “Thích Tần” thời Chiến Quốc, lúc ẩn lúc hiện, kiếm không sát ý nhưng kình khí nằm trong hoa đào đầy trời.

Thời gian như ngừng trôi, đồng tử thiếu niên kia đột nhiên co lại, mắt phản chiếu bóng Chu Du cầm kiếm, thuận đà lao đến.

“Lùi!” Chu Du giận dữ quát một tiếng!

Hoa đào đầy trời nát vụn, nương theo gió mạnh ập đến thiếu niên, thiếu niên cao giọng nói, “Công Cẩn! Thủ hạ lưu tình!”

Trong khoảnh khắc, Chu Du ngẩn ra, thiếu niên kia ngược gió mà đến, một côn tung ra, Chu Du sắp thành lại bại, kiếm trong tay bị đánh bay, cắm vào thân cây, đồng thời hắn không thu lại được thế đánh, cả người chật vật đâm vào ngực thiếu niên kia.

“Huynh…”

Chu Du thật sự không còn gì để nói, lại nhớ đến cái tên bất cần đời vô liêm sỉ nhiều năm không gặp…

“Muốn khóc hả?” Đứa trẻ kia đến trước mặt hắn nhe nanh múa vuốt, mũi gần như chạm vào mặt hắn.

“Khóc đi khóc đi…” Âm thanh non nớt vang lên trong hồi ức.

“Cái diều này tặng ta hả, Chu Du?”

“Du, người đẹp như ngọc. Ta tên Tôn Sách, lệnh phát bốn phương, không ai chối từ…”

Hai đứa trẻ ngồi thuyền ba lá trôi xa, nước sông xanh biếc, non núi như tranh, trời xa một màu, nhạn lẻ bay về…

Cầm đuôi diều thả phất phơ dưới trời xanh.

“Tôn Bá Phù.” Chu Du nhổ kiếm từ trên cây xuống, “Sao lại biết ta ở đây?”

Thiếu niên kia chính là Tôn Sách, y chỉ cười ha ha, đến ôm chặt Chu Du, dúi một đấm lên đầu hắn. Chu Du tức tối đẩy y ra, không cho y làm bừa, Tôn Sách kéo Chu Du, Chu Du lôi theo kiếm, chưa gì đã bị tên bạn cũ lớn lên như con khỉ này dắt đi xa.

Đêm dưới Tây Sơn, bên trạm dịch sáng ánh lửa trại, hắt lên mặt Chu Du và Tôn Sách.

“…Cha bảo ta đến đây điều tra rõ việc này.” Tôn Sách nói, “Đâu ngờ thế bá gặp nạn ngay trạm dịch.”

Chu Du nhíu tít chân mày, không yên lòng ừ một tiếng, Tôn Sách vỗ vai Chu Du, bảo, “Đừng lo, chúng chỉ muốn tiền, ta đã phái người về báo tin rồi.”

“Chỉ sợ…” Chu Du chưa nói hết đã bị Tôn Sách bá cổ, vươn một tay che miệng.

Chu Du, “…”

Tôn Sách cười hà hà, đẩy hắn ra, lại cho hắn một đấm. Chu Du thực sự không quen được phương thức ở chung nhiệt tình phóng khoáng thế này, không nhịn được muốn xù lông nhưng rồi lại nén xuống.

“Mấy năm nay thế nào?” Tôn Sách nói, “Lúc trước nghe nói đệ đi học ở Lạc Dương, vốn muốn đến gặp một lần, nhưng cha ta mới nhậm chức ở Trường Sa, không thoát thân được.”

“Cũng tạm.” Chu Du lo lắng thêm củi vào đống lửa, thuận miệng đáp, “Đọc sách, tính sổ, trông coi việc làm ăn, vâng lời cha, phụng dưỡng mẹ… Chớp mắt đã qua bao nhiêu năm, huynh thế nào? Sao vừa nhìn một cái đã nhận ra ta vậy?”

“Trong tay đệ là cổ kiếm Xích Quân cha ta tặng, sao lại không nhận ra được hả?” Tôn Sách cười nói.

Chu Du khẽ gật đầu, Tôn Sách vỗ lưng hắn, tự lẩm bẩm, “Mẹ ta lại sinh một thằng nhóc, trông nó muốn sứt đầu mẻ trán, ta cũng không khác mấy, đọc sách, học binh pháp, luyện binh đánh nhau…”

“Ha ha.” Chu Du lắc đầu cười, không biết là cười Tôn Sách hay cười bản thân hắn, cuộc sống của tên này đặc sắc hơn hắn nhiều, một khắc cũng không nghỉ ngơi.

Chu Du lại hỏi, “Sao huynh đến đây có một mình thế? Cha huynh mặc kệ huynh à?”

Tôn Sách cười khà khà, bứt cọng cỏ ngậm, nhướn mày với Chu Du, “Ngủ đi, dưỡng đủ sức, mai tính tiếp.”

Chu Du chẳng hiểu gì, nhưng Tôn Sách đã tự nhiên nằm xuống, Chu Du đành phải thấp thỏm nằm theo.

Gió đêm phất qua, hoa rơi rũ rượi, Chu Du chạy cả ngày trời, giờ đã thấm mệt, nhưng nghĩ đến an nguy của phụ thân mà trằn trọc không yên, Tôn Sách thì ngược lại, vừa nằm không bao lâu đã vào mộng đẹp. Chu Du bị vô số suy nghĩ dằn vặt đến lúc trăng treo giữa trời mới chịu không nổi nữa, mơ màng thiếp ngủ.

Truyện Chữ Hay