Giấc Mộng Sói Vương

chương 6: bồi dưỡng hắc tử

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Một tháng nay, Tử Lam khá may mắn, liên tục bắt được hai chú dê rừng béo mập, khỏe mạnh, lại còn nhặt được một chú lợn hoang đầu tròn tai rộng ở trong chuồng lợn hoang. Ông trời dường như cũng trở nên kỳ lạ hơn, cả ngày rót những tia mật vàng óng ả xuống nhân gian. Vết thương ở phía sau cổ của Tử Lam đang từ từ khép miệng, nỗi đau xót bởi mất đứa con yêu cũng nguôi ngoai dần. Cơ thể yếu ớt sau kỳ sinh nở đã hoàn toàn bình phục, thậm chí còn béo hơn lúc trước. Sáu núm vú căng đầy, sữa tiết ra sánh và đặc hơn, tuy không thể nói là dồi dào nhưng cũng đủ cho bốn chú sói con bú hàng ngày. Cuộc sống của năm mẹ con trôi qua trong tĩnh lặng và yên bình. Mỗi khi lúc sói con háo hức rúc vào lòng mẹ, tham lam mút những giọt sữa thơm lành của mẹ, Tử Lam cảm nhận được niềm tự hào và hạnh phúc vô bờ mà chỉ người làm mẹ mới có được.

Bốn chú sói con, ba đực một cái. Chú sói lớn nhất khoác trên mình một bộ lông đen mượt nên được đặt tên là Hắc Tử; chú sói thứ hai chòm lông trắng trên sống lưng có màu xanh lam nên được đặt tên là Lam Hồn Nhi; chú sói đực nhỏ nhất chỉ nửa bộ lông là màu đen, phần bụng và bốn chân có màu vàng đậm nên Tử Lam gọi chú là Song Mao. Nàng sói cái duy nhất sở hữu bộ lông màu tía giống hệt mẹ nên Tử Lam gọi nàng là Mi Mi.

Trong số mấy đứa con, Tử Lam yêu nhất là Hắc Tử. Không phải vì Hắc Tử là con cả. Chỉ có loài người mới coi trọng điều đó, còn loài sói thì chẳng hề bận tâm. Tại sao Tử Lam lại yêu Hắc Tử đến thế, bản thân Tử Lam cũng không thể diễn tả cảm xúc của mình. Hắc Tử thật giống Hắc Tang đã quá cố, giống từ màu lông đến tướng mạo hình dáng, hai cha con cứ như cùng đúc từ một khuôn ra vậy. Ngắm làn môi của Hắc Tử, Tử Lam thấy nó cũng có hình dáng chữ S và vẻ cương nghị đầy sức lôi cuốn hệt như của Hắc Tang. Vào khoảnh khắc của một ngày xa xôi năm xưa, chính làn môi khác với người thường của Hắc Tang ấy đã làm Tử Lam hồn xiêu phách lạc để rồi dệt nên câu chuyện tình yêu giữa hai người. Hắc Tang đã chuyển thế và tái tạo trong hình hài của Hắc Tử. Giữa Hắc Tử và Hắc Tang chỉ có một điểm khác biệt duy nhất, ấy là Hắc Tử chỉ là một chú sói non còn đang bú mẹ. Nhưng theo thời gian, sự khác biệt ấy sẽ biến mất. Hắc Tử đã được thừa hưởng toàn bộ gien di truyền của Hắc Tang là điều không thể chối cãi. Chắc chắn sau này, Hắc Tử sẽ trở thành một chàng sói cường tráng khỏe mạnh, thông minh và can đảm hơn người.

Tử Lam dồn toàn bộ tình yêu thương của mình cho Hắc Tử. Ngay cả trước mặt các sói con khác, nó cũng không hề giấu diếm sự thiên vị đó. Mỗi lần cho các con bú, Tử Lam luôn để Hắc Tử bú thật thỏa thê, sau đó mới đến lượt Lam Hồn Nhi, Song Mao và Mi Mi. Sức ăn của Hắc Tử ngày một khỏe, gần như phải mút sạch ba bầu sữa mới chịu thôi. Một mình Hắc Tử bú hết nửa lượng sữa của mẹ. Nửa còn lại khó có thể đủ cho Lam Hồn Nhi, Song Mao và Mi Mi bú.

Điều đó tất nhiên chẳng công bằng chút nào. Nhiều lúc, nhìn vẻ thèm thuồng do ăn nửa no nửa đói cùng thái độ bất mãn vì mẹ thiên vị quá mức của Lam Hồn Nhi, Song Mao và Mi Mi, Tử Lam không khỏi đau xót. Đều là máu thịt do mình đứt ruột đẻ ra, đều là những bảo bối mà mình thương quý rất mực, tại sao lại phải đứa yêu nhiều đứa yêu ít như thế? Nhưng lượng sữa thì có hạn, Tử Lam chẳng thể nào tìm ra cách để thỏa mãn nhu cầu của cả bốn sói con. Nó cũng không thể phân chia một cách công bằng, bởi phân chia công bằng chỉ có thể mang lại cho những đứa con tầm thường như nhiều con sói khác. Nó bắt buộc phải thỏa mãn Hắc Tử, bởi Hắc Tử là nơi nó gửi gắm lý tưởng và hy vọng. Trong lòng Tử Lam đã sớm coi Hắc Tử là ứng cử viên và là người thừa kế ngôi vị Sói Vương. Không, nói như thế là không khoa học, bởi lẽ trong thế giới sói đâu tồn tại bốn chữ “kế thừa vương vị”, cũng đâu có chế độ ứng cử. Bởi vây, nói đúng hơn thì Tử Lam đã coi Hắc Tử là người đi tranh đoạt và giành giật ngôi vị Sói Vương đời tiếp theo. Nếu thế, nó cần phải tập trung bồi dưỡng Hắc Tử về mọi mặt, từ thể chất đến tâm hồn, phải tạo một cơ sở vững chắc cho Hắc Tử ngay từ nhỏ, để đảm bảo rằng, khi lớn lên, Hắc Tử trở thành một “siêu sói”. Nói cách khác, nó đành phải hi sinh ba đứa còn lại, bởi lẽ, không có mất làm sao có được? Một chút nhẫn tâm như thế là cần thiết. Nói cho cùng thì trên ngọn núi tuyết Streca này chỉ có một Sói Vương mà thôi.

Một thời gian sau, Song Mao và Mi Mi dường như đã quen với sự thiên vị của mẹ và ngầm hiểu được vị trí của mình. Mỗi lần mẹ cho bú, chúng ngoan ngoãn ngồi xổm một bên, quan sát dáng vẻ ăn như hùm đơm của Hắc Tử, rồi nhìn xoáy vào từng giọt sữa nhỏ xuống từ trên bụng mẹ. Dường như chúng rất biết thứ tự và ý thức được hoàn cảnh của mình. Chỉ có một mình Lam Hồn Nhi là vẫn tỏ ra bướng bỉnh. Mỗi khi nhìn thấy Hắc Tử được ưu tiên một mình độc chiếm ba bầu sữa, nét mặt nó lại hằn lên vẻ đố kỵ và ganh ghét, chẳng chịu yên lặng, cứ đứng lên ngồi xuống, lăn đi lăn lại ở bên cạnh. Chừng như nó muốn đánh hay muốn cắn một thứ gì đó để hất cẳng Hắc Tử và đòi hai chữ bình đẳng.

Nếu Tử Lam không ấp ủ hy vọng bồi dưỡng Hắc Tử thành một “siêu sói” thì nó có thể hả hê sung sướng trước cá tính phản kháng mạng mẽ của Lam Hồn Nhi. Bởi lẽ, dã tâm sôi sục là bản sắc của loài sói. Chỉ có loài chó mới thuận theo nghịch cảnh, chấp nhận an phận thủ thường. Có lẽ, nó sẽ cổ vũ và khuyến khích Lam Hồn Nhi thể hiển lòng đố kỵ và ganh ghét ở hàm răng và nanh vuốt của mình. Nhưng vì niềm khao khát mong Hắc Tử trở thành Sói Vương đời tiếp theo quá mạnh mẽ, nó đành phải dùng ánh mắt nghiêm nghị để áp chế ý nghĩ muốn hoán vị của Lam Hồn Nhi. Như thế cũng có nghĩa, nó đã trói buộc và giết chết tính cách thiên bẩm của Lam Hồn Nhi, trong lòng nó không khỏi buồn rầu.

Hôm đó, Tử Lam đuổi bắt một con thỏ trên thảo nguyên Ga Marr rồi kéo nó vào một bụi cây rậm rạp mọc chi chít gai độc. Phải vất vả mất một buổi chiều, nó mới chén hết con thỏ. Về tới hang, trời đã nhá nhem tối, bốn con sói con phần vì nóng lòng đợi mẹ, phần vì đói lả nên khi vừa nhìn thấy mẹ ngoài cửa hang chúng reo hò rối rít rồi tíu tít nhào đến mẹ. Như mọi lần, Tử Lam nằm nghiêng ở giữa hang, ngửa những bầu vú căng đầy cho Hắc Tử bú trước. Chính vào lúc đó, điều mà Tử Lam luôn lo sợ trong lòng đã xảy ra. Có lẽ vì quá đói và cũng có lẽ và nỗi căm ghét tích tụ lâu ngày nay đã đến cực điểm nên khi Hắc Tử vừa cất bước chân hướng về phía mẹ với vẻ thản nhiên như thường thì bất ngờ Lam Hồn Nhi rống lên một tiếng đầy tức giận rồi lao tới, húc đầu vào bụng Hắc Tử, làm Hắc Tử ngã ngửa trên mặt đất. Sau đó, Lam Hồn Nhi nhào vào lòng mẹ, ngậm chặt lấy bầu vú đang tràn trể sữa thơm mà hàng ngày Hắc Tử vẫn độc hưởng một mình.

Giữa lúc Tử Lam do dự không biết nên dùng móng vuốt đẩy Lam Hồn Nhi ra hay mặc nhiên chấp nhận hành động phản kháng này thì Hắc Tử trườn dậy, ánh mắt chứa đầy vẻ nghi hoặc rồi nó nhìn trừng trừng vào Lam Hồn Nhi đang thế chân mình tận hưởng dòng sữa ngọt ngào của mẹ. Nó vừa trải qua một cú sốc quá bất ngờ. Vài giây sau, Hắc Tử chợt rùng mình như thể vừa bị một chậu nước bẩn hắt lên cả thân mình. Theo cùng với cái rùng mình là sự thay đổi trong ánh mắt của Hắc Tử, nó dần chuyển từ nghi hoặc sang thù hận. Vẻ ngây thơ trên gương mặt của chú sói con bỗng nhưng biến mất, thay vào đó là nét đau khổ của một chú sói trưởng thành. Đuôi mắt hơi xếch, làn môi nhếch ngược, những chiếc răng nhọn còn chưa đủ độ vững chắc nhe ra, Hắc Tử ngửa mặt lên trời rống lên một tiếng. Tiếng rống ấy là thanh âm ngang tàng của sự đau khổ và phẫn nộ, của kích động và khát máu. Tiếng rống ấy làm cho Tử Lam mừng vui trong dạ. Thật không ngờ, Hắc Tử lại có thể biểu hiện một cách thuần thục đến thế! Đó là biểu hiện mà trước đây Tử Lam đã thấy không ít lần ở Hắc Tang.

Mỗi khi Sói Vương Lạc Giáp ra hiệu thi hành mệnh lệnh hoặc dùng địa vị số một của mình để tranh giành ăn nội tạng của con vật săn được thì những biểu hiện ấy lại rõ mồn một trên gương mặt Hắc Tang. Nó tuyệt đối không phải là sự giận dữ bất bình thông thường do cãi vã hay xích mích gây ra. Ngay cả một con sói bình thường nhất cũng biết giận dữ bất bình. Chỉ con sói có cốt cách cao quý mới có được biểu hiện hiếm thấy trong đám quần lang ấy. Nó là một thứ giận dữ bất bình quyền quý. Giận dữ bất bình bởi lòng tự tôn bị khiêu khích, giận dữ bất bình bởi lợi ích bị chà đạp, giận dữ bất bình bởi bị xâm phạm. Nếu trong lòng không dạt dào cảm nghỉ bản thân ưu việt hơn người thì chẳng thể nào có được biểu hiện ấy. Hắc Tang sở dĩ biểu hiện như thế khi đối mặt với Sói Vương Lạc Giáp vì Hắc Tang thấy, bản thân mình vốn sẵn tư chất của một Sói Vương, vốn dĩ ông trời sinh ra Hắc Tang là để Hắc Tang làm Sói Vương. Ấy vậy mà Lạc Giáp lại chiếm địa vị đế vương đó, thật là một sai lầm của lịch sử và cũng là một nụ cười mỉa mai đối với tài năng xuất chúng của Hắc Tang. Đó là một động lực tâm lý hiếm có và đáng quý. Hổ phụ sinh hổ tử, không ngờ Hắc Tử tuổi còn nhỏ mà đã có được khí chất như vậy. Tuyệt lắm, Hắc Tử à, những dòng sữa ngọt thơm này là của con, thảo nguyên Ga Marr phì nhiêu màu mỡ này là của con, ngọn núi tuyết Streca hùng vĩ hiểm trở này là của con! Cả thế giới này thuộc về con, con sẽ không cho phép bất kỳ con sói nào xâm phạm đến. Phải, biểu hiện của con chính là cốt cách và tâm thái của một Sói Vương trong tương lai!

Truyện Chữ Hay