Duyên

quyển 1 chương 5: hãy cùng ta, yêu nhau giữa hồng trần

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Mây mưa thoắt lẻn thiền phòng,

Giậu phên tình nặng, uyên ương nô đùa.

Rằng ngày xử chém Biện Cơ,

Ca dài thay lệ khóc cho má hồng.

Khuyết danh

Mang theo mưa phùn mùa thu tìm đến ngôi chùa trong núi, đâu phải vì hẹn hò, chỉ là muốn tìm đến. Con đường mòn lát đá xanh phủ đầy rêu phong năm tháng, mưa phùn và lá vàng trơ trọi đậu xuống đó, sự ướt át tiêu điều càng tăng thêm ý thơ. Vì trời mưa nên trong chùa cũng vắng khách dâng hương, lư đồng tịch mịch vẫn đốt đàn hương, Phạn âm ngân nga còn vấn vít quanh chùa cùng mưa khói. Mấy vị tăng nhân trẻ tuổi trong điện đọc kinh, dăm chén trà trong trên bàn nghi ngút khói. Cảnh tượng ấy khiến tôi chợt nghĩ từ xưa đến nay, người tu hành hết đời này sang đời khác, vẫn trải qua tháng năm thanh tịnh mà tịch mịch trong chùa như thế. Cuốn kinh ố vàng là tri kỷ, ngọn đèn xanh lét là giai nhân, lẽ nào bọn họ thực sự nhập định tham thiền, không mảy may xao lòng trước hồng trần ư?

Bất giác nhớ tới các vị tình tăng xưa nay, cùng chuyện tình gắn liền với họ. Thực ra chỉ là chuyện nam hoan nữ ái, âm dương hòa hợp thông thường, bình thường đến độ không thể bình thường hơn, chỉ vì kẻ tu hành là người trong cửa Phật, cắt đứt duyên trần, nên khi những chuyện này xảy ra với họ, mới trở thành truyền kỳ, thành câu chuyện thê lương mà mỹ lệ trong lòng thế nhân. Đó không phải một vở kịch mà trên sân khấu diễn hết, người bên dưới xem xong rồi thôi. Rất nhiều câu chuyện thực sự đã tồn tại trong năm tháng, mà những vị sư ấy, vì thanh quy giới luật, đã phải chịu đựng nỗi đau khổ người thường khó bề tưởng tượng nổi. Bọn họ đều có ngộ tính và thiền tâm phi phàm, nhưng vận mệnh đã định, không dứt nổi duyên nghiệt nợ tình.

Gửi lòng cửa Phật song vẫn nhớ nhung luyến ái phàm trần, điều này không phải tội, cũng không có nghĩa là phản bội. Đức Phật từ bi, tâm nguyện ban đầu của ngài là muốn ban phát thêm thật nhiều yêu thương cho người đời, mà những nhà sư kia, chỉ dựa vào ý muốn của ngài giảng kinh thuyết pháp, bố thí từ thiện chốn nhân gian. Một mối chân tình, vừa là độ ta, cũng lại độ người. Tiếc rằng tình yêu của họ, sau cùng vẫn phải dùng bi kịch để lý giải. Ví như Thương Ương Gia Thố đến nay vẫn được người đời truyền tụng, rất nhiều người vì mối tình đẹp đẽ ấy mà khoác hành trang lên đường đi Tây Tạng, hòng truy tìm chút dấu tích của ngài. Còn cả tình tăng một thời Tô Mạn Thù, cũng có người vì ngài mà vượt biển sang Nhật Bản để ngắm mưa hoa anh đào lãng mạn. So với những mối tình thế tục, tình yêu của họ gian khổ hơn, khắc cốt ghi tâm hơn, khiến người ta đau lòng khôn xiết.

Nhìn theo bóng lưng rộng mà đẹp đẽ của nhà sư trẻ tuổi, tôi lại nhớ đến một vị hòa thượng đời Đường tên gọi Biện Cơ. Cuộc đời ngắn ngủi của ông, cũng trở thành truyền kỳ cảm động thiên cổ. Đọc một đoạn văn viết về ông, tuy chỉ sơ sài mấy câu, nhưng đã bao hàm buồn vui cả đời: "Biện Cơ, không rõ năm sinh, xuất gia năm mười lăm tuổi, là đệ tử của Đạo Nhạc pháp sư nổi tiếng ở chùa Đại Tổng Trì. Về sau vì đánh mất gối vàng do công chúa Cao Dương tặng, ngự sử trong lúc tra án tấu lên rằng công chúa Cao Dương tư thông với Biện Cơ ở đất phong, Đường Thái Tông nổi giận sai chém ngang lưng." Đó chính là Biện Cơ, một vị hòa thượng ở thời Đại Đường thịnh thế, nổi danh về học vấn uyên bác và văn chương tao nhã lưu loát, được Đường Thái Tông ngự chuẩn, là cao tăng duy nhất được chọn biên soạn "Đại Đường Tây Vực ký".

Nhưng trong lịch sử Trung Hoa, Biện Cơ vẫn là một vị hòa thượng khó luận công tội, gây cho người đời nhiều tranh cãi. Nếu không vì bị tội mà chết, thì ở thời đại Phật giáo thịnh hành như thế, bằng vào sự ưu tú của mình, ông hẳn đã được vẻ vang lưu danh trong sách vở, chứ không phải chỉ là mấy ghi chép vụn vặt sơ sài. Một vị cao tăng tiền đồ vô lượng, đương độ tài năng nở rộ, lại vì yêu một nàng công chúa xinh đẹp cao ngạo mà bị xử chém ngang lưng. Trong mắt thiên tử Đại Đường, trong mắt ngàn vạn chúng sinh, một vị cao tăng và một phụ nữ trần tục yêu nhau, là tội lỗi không thể tha thứ được. Huống hồ đó không phải cô gái nhà nông bình thường, mà là công chúa thứ mười bảy được Đường Thái Tông yêu thương nhất. Một vị công chúa nghiêng nước nghiêng thành, một nàng con gái ngạo mạn kiêu kỳ, một cô gái có thể sống chết vì yêu. Công chúa Cao Dương là con cưng của trời, dựa vào nhan sắc phi phàm và trí tuệ xuất chúng, khiến Đường Thái Tông yêu thương như bảo bối. Ông dùng quyền lực chí cao vô thượng của mình để thỏa mãn mọi yêu cầu của Cao Dương, nàng cứ thế lớn lên trong sự sủng ái ấy. Trong mắt nàng, trên đời này chỉ có hai người đàn ông xuất sắc nhất, một là Đường Thái Tông cha nàng, người kia là Lý Khác huynh trưởng của nàng. Bởi thế, về sau khi Đường Thái Tông gả nàng cho Phòng Di Ái, con trai tể tướng Phòng Huyền Linh, nàng vô cùng bất mãn. Dưới mắt Cao Dương, Phòng Di Ái chỉ là gã đàn ông yếu đuối tầm thường. Một người như vậy, không thể thỏa mãn lòng kiêu hãnh của nàng. Vẻ lộng lẫy của nàng, chẳng khác nào một đóa mẫu đơn phong hoa tuyệt đại, chỉ nở bừng khoe sắc trước người đàn ông biết thưởng thức mà thôi.

Trên đời liệu được mấy người đàn ông có thể dâng lên Cao Dương tình yêu rực cháy như thế? Mãi tới khi Biện Cơ, một hòa thượng trẻ tuổi, anh tuấn, học vấn uyên thâm xuất hiện, ánh mắt trí tuệ, cốt cách thanh tịnh của ông đã khiến Cao Dương rung động lạ thường. Sách sử có ghi rằng: "Thoạt đầu, thảo am của sư nằm trên đất phong của công chúa, gặp công chúa đi săn với Di Ái, vừa gặp liền ưng, đôi bên dâm loạn tại thảo am." Mây trôi nước chảy ngàn năm, song chúng ta vẫn có thể hình dung ra cảnh tượng ngày ấy công chúa Cao Dương đi săn ở ngoại ô, tình cờ gặp Biện Cơ. Một ngôi thảo am vô danh, một nhà sư áo vải anh tuấn ngồi bên cửa sổ đọc sách, phong thái thoát tục của ngài đã làm Cao Dương rung động. Nhìn chán văn võ bá quan phục sức đẹp đẽ, mặt mũi dung tục, nên đối với Cao Dương, một nhà sư phong độ bất phàm là tạo vật hoàn mỹ mà hết thảy phồn hoa trên đời cũng không sánh kịp. Còn Biện Cơ giam mình trong thảo am cũ nát hoang vu nghiền ngẫm kinh sách, tình cờ gặp được nàng công chúa cao quý diễm lệ như mẫu đơn, lòng thiền tịch mịch thoắt chốc đã bị ánh mắt nóng bỏng của nàng nhen lửa.

Một vị công chúa dám yêu dám hận, ngại gì cái nhìn của người đời, nàng dám thề với đất trời, nàng muốn có được hòa thượng này. Nghĩ là làm, Cao Dương lệnh cho đám tùy tùng cung nữ khiêng giường màn và đồ dùng mang theo vào thảo am. Nàng nhìn Biện Cơ bằng ánh mắt nóng bỏng mà kiên quyết, nói rằng ông chính là Phật của nàng, dẫu phải liều tất cả, nàng cũng muốn cùng ông kết một đoạn tình duyên giữa hồng trần. Trước nàng công chúa cao quý kiêu ngạo ấy, sự cự tuyệt và tránh né của Biện Cơ trở nên mong manh như giấy, ông chìm đắm cũng là lẽ tất nhiên thôi. Thế là, trong thảo am đơn sơ, Biện Cơ trầm luân dưới tà váy công chúa Cao Dương. Bao kinh văn ông hằng tụng niệm, định lực tu hành bấy nhiêu năm, cũng không kháng cự nổi một ánh mắt, một nụ cười của Cao Dương. Còn Phòng Di Ái yếu hèn kia, vẫn trung thành với Cao Dương đến mức đứng ngoài canh giữ cho bọn họ.

Hằng ngày, Biện Cơ đều chìm trong mâu thuẫn, một bên là Phật Tổ pháp lực vô biên, từ bi thấu triệt, một bên là công chúa cao quý diễm lệ, thơm nức phấn son. Hoài bão cả đời ông là chuyên tâm nghiên cứu Phật học, soạn kinh chép sách, phổ độ chúng sinh. Nhưng ông cũng không dứt nổi mối tình này. Cao Dương là một phụ nữ không để người ta kháng cự, hễ người đàn ông nào yêu nàng, có được nàng, đều cam lòng chết vì nàng. Trong lịch sử Đại Đường, nàng là một kẻ tột cùng, yêu đến tột cùng, hận đến tột cùng, sống đến cùng, chết cũng đến cùng. Nếu chẳng vì gối ngọc mà Cao Dương tặng Biện Cơ vô tình rơi vào tay quan phủ, có lẽ tháng ngày tươi đẹp của họ còn kéo dài thêm được ít lâu.

Cái gọi là kiếp nạn khó tránh, hẳn là như thế. Dã sử chép rằng, quan phủ bắt được một tên trộm, trong lúc lục soát nơi ở của hắn, phát hiện một chiếc gối ngọc. Quan gia biết gối ngọc này là vật của hoàng gia, không dám chậm trễ, vội trình lên hoàng thượng. Đường Thái Tông vừa trông thấy, tức thì mặt rồng giận dữ, đập bàn đứng bật dậy. Nàng công chúa cao ngạo ngây thơ ấy thẳng thắn nhận trách nhiệm về mọi chuyện, nhưng nàng đâu biết rằng, nàng là con cưng của trời, đương nhiên không có gì phải sợ, còn Biện Cơ tuy là cao tăng trẻ tuổi tiếng tăm lẫy lừng, nhưng trong mắt Thái Tông, chẳng qua chỉ là con sâu cái kiến có cũng được không cũng chẳng sao. Để giữ gìn thể diện hoàng gia, Đường Thái Tông không chút nương tình, phán Biện Cơ phải chém ngang lưng. Cao Dương ngạo mạn bấy giờ mới hiểu ra rằng, nàng sẽ vĩnh viễn mất đi Biện Cơ, mà người làm hại Biện Cơ, lại chính là phụ hoàng yêu thương nàng nhất.

Nghe nói pháp trường đặt ở ngã tư chợ phía Tây thành Trường An, nơi đó có một gốc liễu già từng chứng kiến hết vinh nhục phàm trần, thế sự thăng trầm. Nghĩ lại những bách tính tới xem náo nhiệt ngày hôm ấy, hẳn cũng xúm xít đông nghẹt quanh pháp trường, bởi kẻ bị hành hình là vị cao tăng tài trí bất phàm kia. Tội của ông là tư tình với công chúa cao quý nhất Đại Đường, phạm vào sắc giới. Trong bấy nhiêu người xúm đông xúm đỏ hôm ấy, chẳng biết có bao nhiêu người đồng tình với ông, lại có bao nhiêu kẻ đến cười nhạo ông. Chỉ riêng Biện Cơ vẫn bình thản ung dung, ngẩng nhìn trời xanh mây trắng, ông tham thấu được lẽ sinh tử, nhưng chẳng cách nào buông bỏ nổi ái tình.

Tôi mãi mãi không quên được cảnh Biện Cơ bị chém trong phim "Tình sử Đại Đường", trước lúc hành hình, ông còn cứu lấy một con kiến trên lưỡi đao. Ông từ bi cứu lấy con kiến từ lưỡi đao, nhón lấy rồi thả nó đi. Còn bản thân ông, lại chết dưới lưỡi đao chém xuống. Cảnh tượng này thực khiến người ta rúng động, nên tôi tin rằng, dù Biện Cơ phạm giới luật thế nào chăng nữa, thì một con kiến ấy đã đủ đền bù lỗi lầm cả đời ông. Cuối cùng, Biện Cơ vì Cao Dương mà chết, cái chết như thế, còn thê lương, đẹp đẽ, quyết tuyệt hơn hết thảy mọi phương thức.

Ta trước mắt người là vạn trượng hồng trần.

Người trong mắt ta là miền chưa khai hóa.

Nếu người dứt được tơ tình,

Cứ yên lòng làm hòa thượng,

Ta sẽ chỉ ghi nhớ dáng vẻ năm ấy của người,

Áo như tuyết trắng, xuất chúng tài hoa.

Nếu người không dứt nổi,

Thì người yêu ơi,

Xin hãy cùng ta, yêu nhau giữa hồng trần.

Cười nói tiếp người ba vạn trận.

Đừng kể biệt ly.

Nửa năm sau, Đường Thái Tông Lý Thế Dân băng hà, công chúa Cao Dương không nhỏ một giọt nước mắt. Nàng không đau đớn, bởi cõi lòng nàng đã chết theo Biện Cơ, một người vứt bỏ linh hồn, hiển nhiên chẳng còn yêu hận. Về sau, có người nói rằng nàng buông thả phóng túng, tư thông với đám hòa thượng, đạo sĩ, ngự y. Nhưng cả đời nàng, chỉ cùng một hòa thượng tên Biện Cơ, yêu nhau giữa hồng trần. Bất luận tình yêu này có phải tội lỗi hay không, thì sách vở Đại Đường cũng đã vĩnh viễn ghi lại một chuyện tình như thế

Truyện Chữ Hay