Duyên

quyển 5 chương 5: xuân còn đây, mà người đã chân trời

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Nhân gian xuân như bể,

Tịch mịch núi dựng nhà.

Đảo lẻ hờ hững tựa,

Cành cao lạnh trổ hoa.

Ngày sau không sắc tướng,

Nơi nao lại đâm ra.

Chẳng hiểu lòng gió ấm,

Nẻo xuân héo dần dà.

Kính An thiền sư

Tôi còn nhớ rõ một cành mai, mai trắng, nở sau bức tường cao, vách tường rực màu lá ngân hạnh mùa thu, trên ngói xanh còn khắc chữ từ niên đại nào đó. Chính nhành mai nở giữa ngôi chùa trong núi như thế, khiến tôi cả đời không quên được. Thường nói hoa sen có Phật tính, nó tự có linh hồn, phiêu đãng trong mỗi góc nhỏ của chùa, không khe hở nào không len lỏi qua. Còn hoa mai lại quên hết xuân sắc nhân gian, chẳng hay tình ý gió đông, bình đạm tịch mịch, thản nhiên trầm tĩnh. Tôi là một cô gái hoài cổ, cái gì cũng chỉ ưa một thứ, nhưng trước hai loài hoa này, lại chẳng biết nên chọn nên bỏ thế nào. Thời tiết sắp xếp thật khéo, gặp được hoa mai, thì phải cùng hoa sen ly biệt.

Tôi cũng chẳng phải người tin tưởng hoàn toàn vào định mệnh. Nhưng phải thừa nhận rằng tôi tin nhân quả, tin duyên phận. Một thuật sĩ giang hồ từng nói, kiếp trước tôi đã kết duyên với Phật, nên kiếp này phải nối tiếp mối duyên dang dở. Về sau lại có vị cao tăng trong chùa bảo rằng Phật duyên của tôi rất sâu, muốn độ hóa tôi. Những điều này tôi đều không để vào lòng, tôi là một cô gái thư nhàn, không giữ được thanh quy, cái gọi là duyên, chỉ là một dạng hứa hẹn về mặt tâm linh mà thôi. Tôi không tin Phật, nhưng tôi không thể phủ nhận rằng mình thích thiền cảnh không linh trong chùa chiền, ưa mùi hương nhàn nhạt của gỗ đàn, thích sự từ bi của một nhành cỏ trước Phật, cũng thích cả mảnh gương đồng cũ kỹ trên xà nhà. Nhưng tôi còn quyến luyến phàm trần, quyến luyến hơi ấm tỏa ra khi ôm củi tới nhóm lửa, quyến luyến hương ngũ vị đủ đầy hơn thế. Tâm nguyện của tôi chỉ là cùng một người đàn ông ôn hòa bình dị, sống yên ổn qua ngày, cơm chay áo vải, dưới khung cửa sổ gỗ ở Giang Nam.

Đọc một bài thơ về hoa mai, do một tăng nhân viết. Tâm cảnh của người xuất gia đã tham thấu thiền ý khiến hoa mai cũng thành ra tao nhã xuất trần.

"Nhân gian xuân như bể, Tịch mịch núi dựng nhà.

...

Ngày sau không sắc tướng, Nơi nao lại đâm ra."

Gốc mai ấy chẳng đua sắc với muôn hoa giữa nhân gian sắc xuân như biển, mà cam lòng tịch mịch, một mình đẹp đẽ giữa núi rừng. Nó treo thời gian trên đầu hồi loang lổ, để những kẻ lánh đời thấy được dáng vẻ trang nhã, hương thơm thanh khiết của mình. Mai xưa nay không hề khao khát ánh xuân, cũng chẳng bao giờ thổ lộ với ai nỗi ưu sầu lẩn quất giữa đôi mi, chỉ ngẫu nhiên tỏ bày cùng trăng sáng chút tâm sự võ vàng. Có lúc mai giống như thiếu phụ ở mãi phòng khuê, có lúc lại như bậc cao sĩ ẩn cư trong rừng núi, có khi còn giống một nhà sư tọa thiền giữa tầng mây. Bất luận mai là ai, chúng ta chỉ cần nhớ rằng, mai ưa thanh tĩnh chán phồn hoa, thích thiên nhiên chứ chẳng ưa trang điểm nhạt.

Về sau mới biết, tăng nhân sáng tác bài thơ này tên Kính An thiền sư, còn gọi là Ký Thiền, Bát Chỉ Đầu Đà, một bậc kỳ tăng lẫy lừng danh tiếng. Song tôi lại chỉ thích một tên hiệu tao nhã khác của ông: hòa thượng Bạch Mai. Cũng chính vị Thi tăng trác tuyệt này, trong muôn hoa chỉ riêng thích hoa mai, sáng tác cả "Bạch mai thi tập". Có lẽ vì có duyên phận cùng tên, hoặc bởi cùng yêu hoa mai, trùng hợp hơn là, ngày sinh của tôi và vị hòa thượng Bạch Mai này đều rơi vào tháng Chạp, cách nhau có một ngày. Tháng Chạp là mùa hoa mai, trong cõi u minh quả thực đã định sẵn, chẳng cho phép bạn nghi ngờ. Nếu quan sát bằng một tâm thế bình thường thì vạn vật trên đời đều sản sinh ra nhau, liên kết với nhau, đi lướt qua người, cũng coi là một mối duyên. Duyên phận chẳng hề có khoảng cách không gian và thời gian, chỉ cần một nén tâm hương, dù cách muôn sông nghìn núi, cuối cùng cũng đến bên nhau.

Phật duyên của Kính An thiền sư rất sâu. Ông sinh vào năm Hàm Phong thứ nhất đời nhà Thanh, thuở nhỏ thường theo mẹ đi lễ Phật, thích nghe mẹ kể những câu chuyện về thần tiên, Bồ Tát và Phật Tổ. Về sau cha mẹ từ trần, gia cảnh bần hàn, nếm trải hết cay đắng cuộc đời. Song ông còn nhỏ tuổi, lòng vẫn giữ được thiện niệm, nên chỉ cách cửa Phật một bức tường âm mỏng mảnh. Năm mười bốn tuổi, một hôm trời đổ mưa lớn, thấy hoa đào trắng rụng tả tơi đầy vườn, ông xúc động khóc òa lên. Hoa rụng đã mở ra cánh cửa lòng ông, từ ấy ông vào chùa Pháp Hoa ở Tương Âm, cắt tóc xuất gia theo Đông Lâm hòa thượng. Lấy pháp danh Kính An, tự là Ký Thiền. Từ đó cắt đứt trần niệm, tọa thiền khổ tu, đông qua xuân đến, quang âm mấy chục năm đều dâng cả cho Phật Tổ. Kính An thiền sư có tấm lòng bao dung vạn vật, tâm từ bi phổ độ chúng sinh, ông mượn thơ tỏ chí, siêu thoát khỏi khói lửa nhân gian, truyền đạt thiền ý thâm sâu.

Kiếp này, vì triều đình hỗn loạn, ông đã trải qua đủ mọi thăng trầm từ Phật giáo hưng thịnh đến chùa miếu suy vi. Song ông vẫn lập chí chấn hưng lại tất cả, quanh năm giảng thiền, truyền bá Phật pháp, gây dựng lại tôn phong. Kính An không chỉ là Thi tăng, Thiền tăng mà còn là khổ hạnh tăng. Ông ưa thích non nước vùng Ngô Việt, từng một thân một mình chống gậy trúc, giày rơm bát vỡ, thăm thú danh sơn cổ tự, huýt dài giữa núi rừng trăng gió. Ông lấy đá làm gối, mây làm chăn, quả thông làm thức ăn, nước suối làm đồ uống. Ông từng muốn thiền định trước bệ Phật, cắt đứt mọi dây dưa, thậm chí từ bỏ cả thơ: Từ nay đá nát thông khô, không vịnh gió ngâm trăng nữa. Song duyên phận giữa ông và thơ cũng sâu sắc chẳng kém gì duyên phận với mai, với Phật. Cuối cùng danh về thơ của ông lừng lẫy khắp giang hồ, cơ hồ át cả danh về Thiền. Điều này khiến tôi càng thêm tin tưởng vận mệnh, có những việc những người sẽ dây dưa suốt một đời, không thể tháo gỡ.

Đóa mai nở trong lòng, cũng như mai nở trong thiền viện hay trên mặt giấy, nhìn như mấy chấm mực nhòa vết rõ, lác đác lưa thưa, nhưng hoa liền với cành, rất khó chia lìa. Nương tựa lẫn nhau, trời băng đất tuyết, tĩnh tại mà rạng ngời, thanh nhã mà tú lệ, kiên định mà mềm dẻo. Một người thích hoa mai, hẳn phải có phong cốt và sự thanh nhã của mai, những lúc không người thưởng thức, cũng luôn giữ lòng bình thản, tỏa hương thoang thoảng. Nếu không làm được cũng chẳng sao, cứ làm một cội mai mộc mạc, đặt mình ngoài dịch trạm giữa núi rừng, bên dòng nước cạnh cây cầu, lặng lẽ nở rồi lại rụng. Quên hết tháng năm, quên cả bản thân vốn có thể ban hương thơm cho cây cỏ, đem hơi ấm cho bùn đất.

Một ý niệm sinh ra, muôn sông ngàn núi thảy hữu tình. Một ý niệm tiêu biến, bể biếc nương dâu đã vô tâm. Kính An thiền sư từng tới chùa A Dục Vương ở Ninh Ba, chiêm bái xá lợi Phật. Khi trông thấy xá lợi từ chân thân của Phật Đà, ông vô cùng xúc động, sau khi quỳ bái bèn khoét một miếng thịt trên tay mình bỏ vào đĩa đèn, còn đốt luôn hai ngón tay cúng Phật. Lòng thiền kiên định của ông khiến người ta kinh hãi, từ đó tự lấy tên là "Bát Chỉ Đầu Đà". Ông yêu mai bằng tấm lòng từ bi, viết ra vô số bài thơ về hoa mai, thần thái của mai, phẩm chất của mai, cốt cách của mai, phong vận của mai, đều gửi gắm vào bút mực, chảy dài trên giấy Tuyên, mỹ lệ như tuyết. Lòng thơ một vầng nguyệt, vùi cốt vạn cội hoa, khiến người ta mãi ghi nhớ, từng có một vị hòa thượng Bạch Mai, cùng mối duyên tình với hoa mai.

Phật pháp vô biên, nhân sinh hữu hạn. Muốn ở lại trong chùa một lần, một lần là đủ. Nghe một đợt chuông trống, đọc một quyển sách kinh, ngắm một độ hoàng hôn, uống một chén trà nhạt, bẻ cả một cành mai. Không nhớ nổi đã bao lần hứa hẹn cùng một tâm nguyện trước bệ Phật: "Kiếp này ngài cho con được tròn giấc mộng, kiếp sau con sẽ nghe ngài giảng thiền." Từ một bé gái nhỏ tuổi, đến giờ chỉ có thể nắm hờ vào chót đuôi của thanh xuân, tuy dáng điệu chẳng nhuốm bể dâu, song cũng không lấy lại được nét trong sáng ngày cũ nữa. Vậy mà lời hứa trước bệ Phật của tôi, vẫn là tâm nguyện ấy. Tại mộng khó vẹn tròn ư? Hay vì mộng ước quá nhiều. Ngay bản thân tôi cũng không rõ nữa.

Bao việc hưng vong xưa nay đều chìm trong màn khói mù dương liễu, cao tăng đi xa mãi, chung quy vẫn không có duyên gặp mặt. Tôi cũng chỉ ghi nhớ từng có một vị hòa thượng Bạch Mai, nặng lòng với cả cây cỏ bụi tro, còn ông có biết có một người như tôi hay không chẳng hề quan trọng. Hoa mai rụng hết, giang sơn vẫn như xưa, mây nước Tiêu Tương[], mộng thu không dấu vết.

[] Tiêu là sông Tiêu, Tương là sông Tương, hai con sông này đều chảy trong tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, nên từ "Tiêu Tương" cũng được dùng để chỉ địa khu Hồ Nam. "Tiêu Tương" còn có nghĩa là nước mắt, là tượng trưng của cái đẹp. Trong "Hồng Lâu Mộng", Lâm Đại Ngọc ở trong quán Tiêu Tương, được xưng là "Tiêu Tương Phi Tử".

Truyện Chữ Hay