Đường Xưa Mây Trắng

chương 65: không “có” cũng không “không”

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Sau buổi pháp thoại này, đại đức Svastika thấy nhiều thầy có vẻ trầm ngâm, riêng đại đức thấy mình chưa nắm vững được những điều Bụt dạy.

Đại đức tâm niệm sẽ cố gần gũi các vị đại đức lớn để học hỏi thêm, qua những lời luận đàm của họ.Trong buổi pháp thoại kế tiếp, đại đức Ananda được phép đại diện các thầy đặt lên những câu hỏi để Bụt trả lời.– Bạch Thế Tôn, thế nào là thế giới? Thế nào là vạn hữu?– Ananda, thế giới (loka) là sự tập hợp của tất cả những gì có tính biến chuyển và tàn hoại (paloka).

Vạn hữu tuy sum la nhưng tất cả đều bao hàm trong mười tám lãnh vực: đó là sáu căn, sáu trần, và sáu thức.

Sáu căn, như các vị đã biết là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.

Sáu trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc và ý tưởng.

Sáu thức là cái thấy, cái nghe, cái ngửi, cái nếm, cái xúc chạm và cái ý.

Ngoài mười tám lãnh vực đó mà ta gọi là thập bát giới, không còn có gì nữa.

Tất cả mười tám cái ấy đều có tính sinh diệt và biến hoại, cho nên tôi đã định nghĩa thế giới là sự tập hợp của tất cả những gì có tính biến chuyển và tàn hoại.Ananda lại hỏi:– Thế Tôn đã từng nói vạn pháp là không.

Như thế nào gọi là vạn pháp không?– Bởi vì vạn pháp không có tự thể riêng biệt cho nên gọi là vạn pháp không.

Sáu căn, sáu trần cũng như sáu thức, không có pháp nào có tự thể riêng biệt.– Thế Tôn, có lần con đã nghe Thế Tôn nói về ba cánh cửa giải thoát là Không, Vô tướng và Vô tác.

Có lần con cũng đã nghe Thế Tôn nói vạn pháp là không, thế giới là không.

Con chưa thật sự hiểu được thế nào là không.

Có phải vì vạn pháp có tính biến chuyển và tàn hoại cho nên Bụt nói “vạn pháp là không” không?– Ananda, quả thật tôi đã từng nói về không, và phép quán về không.

Phép quán chiếu về không là một phép quán chiếu mầu nhiệm, có thể giúp người hành đạo vượt ra khỏi khổ ưu và sinh tử.

Hôm nay tôi sẽ vì đại chúng mà nói về không quán.Ananda, tất cả chúng ta đều đang ngồi trong giảng đường Lộc Mẫu.

Chúng ta biết rằng trong giảng đường này không có chợ búa, trâu bò, làng xóm, mà chỉ có các vị khất sĩ đang ngồi nghe pháp mà thôi.

Cái gì không thì ta nói là không, cái gì có thì ta phải nói là có.

Trong trường của chúng ta đây, tức là trong trường hợp giảng đường Lộc Mẫu, chợ búa, làng xóm, trâu bò là không, nhưng các vị khất sĩ là có, có phải như thế không?– Bạch Thế Tôn, đúng như vậy.– Sau buổi giảng này, tất cả chúng ta đều sẽ đi ra khỏi giảng đường Lộc Mẫu, và trong giảng đường sẽ không có một vị khất sĩ nào.

Lúc đó, giảng đường Lộc Mẫu không có chợ búa, không có làng xóm, không có trâu bò mà cũng không có các vị khất sĩ.

Có phải thế không?– Bạch Thế Tôn, đúng như vậy.

Lúc đó trong giảng đường Lộc Mẫu không có gì hết.– Ananda, có luôn luôn nghĩa là có cái gì, không luôn luôn nghĩa là không cái gì.

Tiếng có và tiếng không tự chúng không có nghĩa gì cả.– Xin Thế Tôn giải rõ cho chúng con.– Này nhé: không bao giờ cũng là không một cái gì, ví dụ không chợ búa, không trâu bò, không làng xóm, không có các vị khất sĩ.Ta không thể nói không một cách suông cụt được.

Có cũng thế.

Có bao giờ cũng là có một cái gì, như có chợ búa, có trâu bò, có làng xóm, có các vị khất sĩ.

Ta không thể nói có một cách suông cụt được.

Vào giờ phút hiện tại, các vị có thể nói là trong Lộc Mẫu Đường không chợ búa, không trâu bò, không xóm làng, nhưng có các vị khất sĩ.

Đó là trường hợp Lộc Mẫu Đường, còn trong trường hợp vạn pháp thì sao? Nếu ta nói vạn pháp có, thì vạn pháp có cái gì? Nếu ta nói vạn pháp không thì vạn pháp không cái gì?Này các vị khất sĩ, cái mà tôi gọi là không trong vạn pháp đó là cái ngã, nghĩa là cái tính chất thường tại và bất biến.

Vạn pháp không nghĩa là vạn pháp không có ngã, nghĩa là không có tính chất thường tại và bất biến.

Nghĩa căn bản của không là như thế.

Các vị đã chấp nhận và đã biết rằng vạn pháp đều có tính biến chuyển và hoại diệt.

Chính vì vạn pháp có tính cách biến chuyển và hoại diệt cho nên vạn pháp không có ngã, không hàm chứa một cái ngã.

Vì vô thường cho nên vạn pháp cũng là vô ngã.

Tất cả các pháp đều không có ngã trong tự thân, cho nên vạn pháp được gọi là không… Này quý vị, không có nghĩa là không có tự ngã.Này các vị khất sĩ! Trong năm uẩn không có uẩn nào có tính cách thường tại bất biến cả.

Cả năm yếu tố hình hài, cảm giác, tri giác, tâm tư và nhận thức đều không có tự ngã, đều không có tính cách thường tại bất biến.

Tính cách thường tại bất biến ấy thường được gọi là cái ta.

Đã không có ta thì làm gì có cái của ta? Đã không có ngã thì làm gì có ngã sở? Quán chiếu để thấy được sự không có mặt của cái ta và cái của ta trong vạn pháp tức là quán chiếu về không vậy.Ananda hỏi:– Vạn pháp không có ngã, đó là điều mà chúng con đã hiểu và đã thấy, nhưng bạch Thế Tôn, có vạn pháp không?Bụt im lặng nhìn xuống phía trước mặt người.Trước mặt Bụt có một chiếc bàn nhỏ, trên bàn có đặt một cái bát đầy nước trong để Bụt giải khát.

Chỉ vào bát nước trên bàn, Bụt hỏi đại đức Ananda:– Ananda, theo thầy thì cái bát này là bát không hay bát đầy?– Bạch Thế Tôn, cái bát này không phải là bát không, nó là một cái bát đựng đầy nước trong.– Ananda, thầy hãy cầm cái bát nước đầy này lên và đem đổ hết nước trong bát ra phía ngoài Lộc Mẫu Đường.Đại đức Ananda làm theo lời Bụt dạy.

Khi trở vào đại đức đặt chiếc bát không lên bàn.Cầm chiếc bát lên và úp miệng về phía dưới, Bụt hỏi:– Ananda, cái bát này bây giờ đây là bát không hay bát đầy?– Bạch Thế Tôn, cái bát này bây giờ đây không phải là cái bát đầy nước nữa, mà là một cái bát không.– Ananda, thầy có chắc cái bát này là cái bát không không?– Bạch Thế Tôn, con chắc chắn cái bát này là cái bát không.– Ananda, trong cái bát này không có nước nhưng lại có đầy không khí.

Cái bát chỉ không có nước thôi, chứ cái bát đang có đầy không khí.

Thầy đã quên rồi.

Không luôn luôn nghĩa là không một cái gì, có luôn luôn nghĩa là có một cái gì.

Trong trường hợp này, thầy phải nói: cái bát không có nước, nhưng có đầy không khí.– Bạch Thế Tôn, con đã hiểu.– Vậy thì này Ananda, cái bát có thể là một cái bát không mà cũng có thể là một cái bát đầy.

Cái không hay cái đầy ấy tùy thuộc vào sự có mặt của cái bát.

Nếu không có cái bát thì làm gì có cái không hay cái đầy.

Vậy nếu muốn không hay muốn đầy thì phải có cái bát đã.

Như giảng đường Lộc Mẫu mà trong đó chúng ta đang ngồi đây.

Giảng đường có thể không hay đầy, nhưng muốn không hay đầy thì phải có giảng đường trước đã.Đại chúng “ồ” lên một tiếng.

Đại đức Ananda chắp tay:– Bạch Thế Tôn, như vậy là có vạn pháp, và vạn pháp có thật.Bụt mỉm cười:– Ananda! Thầy đừng nên bị từ ngữ khống chế như thế.

Nếu vạn pháp có mặt như những hiện tượng không có ngã thì cái có đó không phải là cái có của tri giác thông thường.

Cái có ấy cùng với cái không kia là một.Ananda lại chắp tay:– Xin Bụt khai thị cho chúng con.– Này Ananda, chúng ta vừa nói đến cái bát không và cái bát đầy.

Chúng ta cũng vừa nói đến giảng đường không và giảng đường đầy.

Tôi đã nói sơ lược về không, bây giờ tôi sẽ nói sơ lược về có.Cái bát trên bàn kia tuy là cái bát không còn nước, nhưng nếu đại chúng nhìn thật kỹ thì không phải như vậy.Nâng cái bát lên, Bụt nhìn Ananda:– Ananda, trong những yếu tố nhân duyên đã đưa tới sự có mặt của cái bát này, có yếu tố nước không?– Bạch Thế Tôn, có.

Nếu không có nước trộn vào đất sét thì người thợ gốm không thể nào biến đất sét thành cái bát.– Đúng rồi, Ananda! Nhìn kỹ vào cái bát ta thấy có nước ở trong đó, dù trong giờ phút hiện tại, nó là một cái bát không có nước.

Sự có mặt của cái bát chứng minh được sự có mặt của nước.

Ananda! Thầy có thấy yếu tố lửa trong cái bát này không?– Bạch Thế Tôn, con có thấy.

Nếu không có lửa thì đất trộn với nước không thể nào đưa tới sự có mặt của cái bát.

Nhìn sâu vào cái bát con thấy sự có mặt của hơi nóng của lửa.– Nhìn sâu vào cái bát thầy thấy gì nữa?– Con thấy không khí.

Nếu không có không khí thì lửa không cháy được và người thợ gốm cũng không sống được.

Con thấy người thợ gốm.

Con thấy bàn tay khéo léo của người thợ gốm.

Con thấy lò gốm.

Con thấy tâm thức của người thợ gốm.

Con thấy lò gốm.

Con thấy củi chất trong lò.

Con thấy rừng cây đã làm ra củi.

Con thấy mưa, nắng, đại địa đã làm cho rừng cây mọc lên tươi tốt… Bạch Thế Tôn, con thấy muôn ngàn yếu tố nhân duyên đã cùng nhau hợp lại để đưa tới sự có mặt của cái bát này.– Hay lắm, Ananda! Thầy đã thấy được sự có mặt của nhữngyếu tố nhân duyên, đã đưa tới sự có mặt của cái bát khi quán sát về cái bát.

Ananda! Những yếu tố ấy cũng có mặt đồng thời với cái bát và trong cái bát.

Trong những yếu tố ấy, có yếu tố tâm thức của thầy.

Ananda! Nếu từ trong cái bát này mà thầy lấy hơi nóng để trả về cho mặt trời, lấy đất sét trả về cho đại địa, lấy nước trả về cho dòng sông, lấy bàn tay người thợ gốm trả về cho cha mẹ người ấy, lấy than củi trả về cho rừng cây… thì cái bát sẽ còn có mặt không? Cái bát sẽ đi về đâu?– Bạch Thế Tôn, cái bát sẽ không còn có mặt, bởi vì những nhân duyên tạo nên cái bát đã trở về với vị trí nguyên thủy của chúng.

Cái bát sẽ trở về với những yếu tố nhân duyên ấy.– Ananda! Nếu thầy đã quán chiếu chín chắn về đạo lý nhân duyên, chắc chắn thầy đã thấy rằng cái bát không thể tự riêng mình mà có mặt được.

Cái bát chỉ có thể có mặt trong liên hệ nhân duyên với tất cả các pháp.

Các pháp nương nhau mà sinh khởi, có mặt và hoại diệt.

Sự có mặt của một pháp kéo theo sự có mặt của tất cả các pháp.

Sự có mặt của các pháp có thể được chứng minh nhờ sự có mặt của một pháp.

Ananda, đó là nguyên lý tương nhập và tương tức.Ananda! Tương nhập nghĩa là trong cái này có cái kia và trong cái kia có cái này.

Ví dụ nhìn vào cái bát ta có thể thấy người thợ gốm, nhìn người thợ gốm ta có thể thấy cái bát.

Tương tức nghĩa là cái này là cái kia, cái kia là cái này.

Ví dụ sóng là nước, nước là sóng.

Ananda, hiện Lộc Mẫu Đường không có chợ búa, trâu bò, và làng xóm nhưng kỳ thực nói rằng không có chợ búa, trâu bò và làng xóm, đó chỉ là một cách nói, một lối nhận thức.

Sự thực thì nếu không có chợ búa, trâu bò và làng xóm thì chúng ta sẽ không bao giờ có Lộc Mẫu Đường.

Nếu không có giáo đoàn của các vị khất sĩ thì cũng sẽ không có Lộc Mẫu Đường.

Vì vậy cho nên, Ananda, khi nhìn giảng đường Lộc Mẫu vào lúc giảng đường trống vắng, ta cũng phải thấy có sự có mặt của chợ búa, trâu bò, xóm làng, và các vị khất sĩ trong đó.

Không có cái này thì không có cái kia, và ý nghĩa căn bản của không (sunna) là: cái này có thì cái kia có.Nói tới đây Bụt im lặng.

Giảng đường Lộc Mẫu im phăng phắc.

Những lời Bụt nói đã gây ấn tượng sâu sắc trong tâm trí người nghe.

Một lát sau, Bụt nâng cái bát không lên, nói với đại chúng:– Các vị khất sĩ! Cái bát này tự một mình nó không thể có mặt được.

Nó chỉ có thể có mặt đồng thời với tất cả những cái khác mà ta không gọi là bát, như đất, nước, lửa, không khí, người thợ gốm… Tất cả các pháp trên thế gian, pháp nào cũng thế.

Pháp nào cũng có mặt trên liên hệ nhân duyên trên nguyên tắc tương tức và tương nhập.Các vị khất sĩ! Nhìn vào cái bát này ta thấy được tất cả vũ trụ vạn hữu.

Vậy ta có thể nói cái bát này chứa đầy cả vũ trụ vạn hữu.

Chỉ có một cái không có mặt trong cái bát này thôi.

Đó là tự ngã riêng biệt của cái bát.Tự ngã là gì? Tự ngã là tự mình có mặt, không cần đến một yếu tố nào khác.

Trên thế gian không có pháp nào có thể tự mình có mặt mà không cần đến bất cứ một yếu tố nào khác, vì vậy cho nên không có một pháp nào có tự ngã.

Đó là ý nghĩa căn bản của không.

Không nghĩa là không có tự ngã.Các vị khất sĩ! Năm uẩn là năm yếu tố của sinh mạng.

Hình sắc không có tự ngã, vì hình sắc không thể tự mình có mặt một cách riêng biệt.

Trong hình sắc có cảm thọ, có tri giác, có tâm tư và có nhận thức.

Cảm thọ cũng vậy.

Cảm thọ cũng không có tự ngã, bởi vì cảm thọ không thể tự mình có mặt một cách riêng biệt.

Trong cảm thọ có hình sắc, có tri giác, có tâm tư và có nhận thức.

Điều này cũng được áp dụng cho các uẩn khác là tri giác, tâm tư và nhận thức.

Trong năm uẩn, không có uẩn nào có tự tính riêng biệt.

Năm uẩn nương vào nhau mà thành lập.

Vì vậy năm uẩn là không.Các vị khất sĩ! Sáu căn, sáu trần và sáu thức là không.

Mỗi nhân duyên phải nương vào các nhân duyên khác mà được thành lập, không nhân duyên nào có tự tính riêng biệt.Các vị khất sĩ! Tôi muốn nhắc lại để quý vị cùng nhớ: cái này có cho nên cái kia có.

Các pháp vì nương vào nhau mà có mặt cho nên các pháp được gọi là không.

Không ở đây nghĩa là không có tự ngã, không có một sự hiện hữu riêng biệt và độc lập.Đại đức Ananda bạch:– Thế Tôn, có những nhà trí thức Bà la môn nói rằng: “Sa môn Gotama chủ trương thuyết hư vô đoạn diệt.

Sa môn Gotama dẫn dắt người ta tới sự tiêu diệt mọi hình thức của sự sống”.

Thế Tôn, có phải vì Thế Tôn nói vạn pháp không cho nên người hiểu lầm như thế hay chăng?Bụt nói:– Ananda, những nhà trí thức Bà la môn kia, những vị lãnh đạo giáo phái kia không nói đúng sự thật.

Tôi không bao giờ chủ trương thuyết hư vô, thuyết hoại diệt.

Tôi không chủ trương dẫn dắt đến sự hoại diệt mọi hình thức của sự sống.Ananda! Trong số các tà kiến có hai tà kiến mà nhiều người đã vướng phải: đó là chấp có và chấp không.Chấp có là nhận thức vạn sự vạn vật như những gì thường tại và có tự thể riêng biệt.Chấp không là nhận thức vạn sự vạn vật như một màn ảo thuật của thần linh.Kẹt vào tà kiến nào trong hai tà kiến ấy cũng không có cơ hội thấy được sự thật.Ananda! Có lần khất sĩ Kaccayana hỏi tôi: Thế Tôn, thế nào là chánh kiến, thế nào là cái thấy chân thực? Tôi đã trả lời: Kaccayana, chánh kiến là thứ nhận thức vượt thoát hai luận chấp có và không.

Khi ta đã thấy được tự tính chân thực của thực tại rồi thì ta không còn bị ràng buộc bởi hai tà kiến ấy nữa.

Người có chánh kiến thấy được quá trình phát sinh và hoại diệt của các pháp, và vì vậy không bị lay chuyển bởi các ý niệm có và không.

Khi khổ đau phát sinh, người có chánh kiến biết là khổ đau đang phát sinh.

Khi khổ đau tàn hoại, người có chánh kiến biết là khổ đau đang tàn hoại.

Sự phát sinh và tàn hoại của vạn pháp không lay chuyển được người có chánh kiến.

Chấp có là một thái cực, chấp không cũng là một thái cực khác.

Nhận thức duyên sinh vượt ra ngoài hai thái cực đó và an trú ở trung đạo.Ananda! Có và không thực ra chỉ là những ý niệm không phù hợp với thực tại.

Thực tại vượt ra ngoài khuôn khổ của những ý niệm ấy.

Kẻ giác ngộ là người đã vượt thoát ý niệm có và không.Ananda! Không những có và không đều không, mà sinh và diệt cũng là không.

Sinh và diệt cũng chỉ là những ý niệm.

Sinh diệt cũng là không.Đại đức Ananda hỏi:Bạch đức Thế Tôn, nếu sinh diệt là không thì tại sao Thế Tôn nói “vạn pháp vô thường, luôn luôn sinh diệt?”– Ananda! Đứng về tục đế ta có thể nói vạn pháp có sinh và có diệt, nhưng đứng về đệ nhất nghĩa đế, ta cần thấy được tính cách bất sinh và bất diệt của vạn pháp.– Xin Thế Tôn chỉ dạy thêm cho chúng con.– Này Ananda! Cây bồ đề mà thầy trồng ở trước Lộc Mẫu Đường, cây bồ đề ấy đã được sinh ra từ lúc nào?– Bạch đức Thế Tôn, cây bồ đề ấy sinh ra từ bốn năm nay, vào giờ phút mà hạt bồ đề bắt đầu nứt mầm trong đất.– Ananda! Vậy trước khi cây bồ đề ấy sinh ra, nó đã có chưa?– Thế Tôn, trước khi cây bồ đề sinh ra, nó chưa có.– Vậy thì cây bồ đề có thể từ không mà trở thành có hay sao? Thầy đã thấy một pháp nào từ không mà trở thành có hay chưa?Đại đức Ananda im lặng.

Bụt nói:– Ananda, trong vũ trụ không có một pháp nào đã từ không mà trở nên có.

Nếu không có hạt giống bồ đề thì không thể có cây bồ đề.

Cây bồ đề là từ hạt bồ đề mà có.

Cây bồ đề chỉ là sự tiếp nối của hạt bồ đề.

Trước khi hạt bồ đề nứt mầm, cây bồ đề đã có sẵn trong hạt bồ đề.

Một pháp đã có sẵn thì cần gì sinh ra nữa? Vì vậy cho nên cây bồ đề có tính cách bất sinh.Bụt lại hỏi Ananda:– Ananda, sau khi hạt bồ đề nẩy mầm thành cây bồ đề, hạtbồ đề có diệt không?– Bạch Thế Tôn, hạt bồ đề có diệt thì cây bồ đề mới sinh ra được.– Ananda, hạt bồ đề không diệt.

Diệt tức là từ có mà trở thành không.

Thầy có thấy trong vũ trụ này có một pháp nào từ có mà trở thành không được không? Một chiếc lá, một hạt bụi, một làn hương cũng không thể từ có mà trở thành không được.

Các pháp ấy chỉ có thể biến chuyển để trở thành những pháp khác.

Hạt bồ đề cũng thế, hạt bồ đề không diệt mà chỉ biến chuyển thành cây bồ đề.

Hạt bồ đề cũng như cây bồ đề đều là những pháp bất sinh và bất diệt.

Ananda! Không những hạt bồ đề và cây bồ đề là những pháp bất sinh bất diệt mà tất cả các pháp trong đó có tôi, có thầy, có các vị khất sĩ, có Lộc Mẫu Đường, có chiếc lá, có hạt bụi, có làn hương, tất cả đều bất sinh diệt.Ananda! Tất cả các pháp đều bất sinh và bất diệt; sinh và diệt chỉ là những ý niệm của nhận thức mà thôi.

Các pháp không có, không không, không sinh, không diệt, không dơ, không sạch, không thêm, không bớt, không tới, không đi, không một, không nhiều.

Tất cả các ý niệm có không, sinh diệt, dơ sạch, thêm bớt, tới đi, một nhiều… đều là những ý niệm phân biệt.

Nhờ quán chiếu về tự tính không của các pháp, các vị có thể vượt thoát những ý niệm phân biệt ấy để chứng nhập được thực tại của vạn hữu.Ananda! Thực tại của vạn hữu là không có cũng không không, không sinh cũng không diệt, không thành cũng không hoại.

Nếu không có thực tại ấy làm cơ bản thì làm gì có cái thế giới có sinh có diệt, có có, có không, có thành có hoại của nhận thức phân biệt? Nếu không có thực tại ấy thì làm gì có lối thoát cho thế giới sinh diệt, có không và thành hoại?Ananda! Có khi nào đứng trên bờ biển thầy nhìn ngắm những đợt sóng nhấp nhô sinh diệt trên mặt đại dương không? Thực tại bất sinh bất diệt có thể đem so sánh với nước trong đại dương, và thế giới sinh diệt có thể được đem so sánh với những đợt sóng lô nhô trên mặt biển.

Ananda! Sóng thì có cao có thấp, có lớn có bé, có sinh có diệt, nhưng nước trong đại dương thì không cao không thấp, không lớn không bé, không sinh không diệt.

Nếu không có nước thì làm sao có sóng? Và sóng đi về đâu nếu không là trở về với nước?Ananda! Sóng là nước, nước là sóng.

Sóng tuy có sinh có diệt, nhưng một khi sóng nhận biết được rằng mình chính là nước thì tự khắc sóng vượt thoát được sinh diệt và không còn sợ hãi, âu lo và khổ đau vì sinh diệt.Các vị khất sĩ! Phép quán chiếu về tự tính không của vạn pháp là một phép quán chiếu mầu nhiệm có thể đưa các vị vượt thoát sợ hãi, vượt thoát lo lắng, vượt thoát khổ đau.

Phép quán chiếu này có thể đưa quý vị vượt thoát thế giới của sinh tử.

Các vị hãy nỗ lực mà thực tập phép quán chiếu này.Nói tới đây Bụt lặng im.

Người đã chấm dứt pháp thoại.Buổi pháp thoại hôm nay làm xôn xao cả đại chúng.Đại đức Svastika chưa bao giờ được nghe Bụt nói những điều sâu sắc và mầu nhiệm như hôm nay.

Đại đức thấy các thầy lớn thầy nào nét mặt cũng rạng rỡ.

Vẻ sung sướng hiện rõ trong cái nhìn và trong nụ cười của họ.Svastika có cảm tưởng mình hiểu được những điều Bụt nói, nhưng thầy nghĩ có thể là mình chưa thấy hết được chiều sâu của buổi pháp thoại này.

Thầy biết thế nào mai mốt đại đức Ananda cũng sẽ trùng tuyên lại bài thuyết pháp hôm nay và thầy sẽ có dịp học hỏi thêm qua những cuộc pháp đàm do các thầy lớn tổ chức..

Truyện Chữ Hay