Editor: SQ
_____________________
[] Trích trong bài thơ Ký Hoàng Cơ Phục (寄黄几复) của Hoàng Đình Kiên thời nhà Tống. Tác giả làm bài thơ này để bày tỏ nỗi nhớ dành cho người bạn xa xôi ngàn dặm.
Ngày tháng tết Thanh Minh, nhà họ Cố đi tảo mộ, Đường Thi gặp được hai người phụ nữ còn lại trong lời đồn. Hạ Minh Nguyệt nắm tay một trong hai người đó, vừa xuống xe là chào Đường Thi: “Hello!”
Đường Thi đi theo bà Diệp sang đó, ba người phụ nữ ôm nhau, Diệp Hân Ngu Dương giới thiệu: “Đây là Đường Thi, hôm nay về nhớ cho lì xì.”
Hai người kia gật đầu cười.
Ba bà cụ xinh đẹp tụ lại với nhau, trong lời nói ngập tràn sự thân thiết và tin tưởng lẫn nhau, đã nắm tay qua bao mùa mưa gió, hiểu mọi thứ về nhau rõ như lòng bàn tay, nói cười cực kỳ ăn ý. Mặc dù vẻ ngoài của họ không còn trẻ trung, nhưng trong ánh mắt luôn toát ra hào quang của thiếu nữ, lúc cười vừa hiền từ vừa đáng yêu.
“Chị nói em nghe——” Hạ Minh Nguyệt thì thầm với cô, “Em mà ở chung với họ lâu dài, bảo đảm sẽ thích họ không chịu nổi luôn. Đây là ba bà cụ đáng yêu nhất chị từng gặp.”
Đường Thi cười.
Mọi người đi về phía nghĩa trang, người đến cúng bái càng tăng dần, tâm trạng của bà Diệp càng chùng xuống. Bà Thẩm không ngừng nói đùa trong xe, bây giờ nhìn thấy bà Diệp thế này thì không nói gì nữa. Bà Tống là người đầu tiên rơi nước mắt, bà Thẩm nắm chặt tay bà, thì thầm: “Cậu đừng khóc, bây giờ A Dương đang buồn nhất, thấy cậu thế này, sẽ buồn hơn còn gì?”
Bà Tống gật đầu, được người đàn ông tóc hoa râm bên cạnh ôm vào lòng.
Sau khi cúng bái ông cụ Diệp, Đường Thi đỡ bà đứng dậy, mọi người bắt đầu đi lên trên, chỉ có một mình bà Diệp vẫn đứng đó. Cố Bạc Tranh lấy bó hoa trong tay bà, “Để anh đi.”
Bà Diệp giữ chặt bó hoa, không đưa hoa cho ông.
Đường Thi nhìn sang Kỳ Bạch Nghiêm.
“Chú Kỷ phải không ạ?” Hôm nay trước khi đi, ông Cố đã kể riêng cho Kỳ Bạch Nghiêm nghe một vài chuyện trước đây, bảo anh an ủi mẹ mình.
Bà Diệp không nói lời nào.
“Con giúp hai người thăm chú ấy.”
Đôi mắt của bà Diệp đỏ hoe, bà đưa hoa Kỳ Bạch Nghiêm, giọng run rẩy: “……Con…..Con phải nói cho cậu ấy, mẹ sống tốt lắm.”
Đôi mắt Đường Thi không khỏi đỏ ửng.
Bà Diệp lau nước mắt, nói với Đường Thi: “Con cũng đi đi.”
Tất nhiên Cố Bạc Tranh muốn ở lại với Diệp Hân Ngu Dương. Những năm trước đây Diệp Hân Ngu Dương không đi, một mình Cố Bạc Tranh mang hoa đến, năm nay Kỳ Bạch Nghiêm lên đó, Cố Bạc Tranh chắc chắn phải ở lại với Diệp Hân Ngu Dương.
Đường Thi đi lên cùng Kỳ Bạch Nghiêm.
Đi được nửa đường, Đường Thi không kìm được, nghĩ đến nỗi nhớ mong người đã khuất của bà, cuối cùng rơi nước mắt. Kỳ Bạch Nghiêm dừng chân lau nước mắt cho cô, nói: “Chú ấy lựa chọn chết theo cách đó, là điều tốt nhất với chú ấy.”
Đường Thi cũng cố hết sức kiềm chế cảm xúc, gật đầu, rồi lại lắc đầu, run rẩy nói: “Là tốt nhất với chú Kỷ, nhưng với người khác, lại là cay đắng nhất.”
Kỳ Bạch Nghiêm thở dài, “Buồn vui tan hợp trên đời nhiều vô kể, người cũng đã khuất, quan trọng là trân trọng người trước mắt.”
Đường Thi gật đầu, “Dạ.”
Hai người đuổi kịp mọi người, Hạ Minh Nguyệt thấy chỉ có hai vợ chồng lên đây, đi đến cạnh Đường Thi, Hạ Minh Nguyệt thì thầm hỏi: “Năm nay mẹ nhỏ cũng không lên hả?”
Đường Thi gật đầu.
Hạ Minh Nguyệt khẽ thở dài: “Chú Kỷ ra đi như thế, người đau đớn nhất là mẹ nhỏ.”
Diệp Hân Ngu Dương học thư pháp từ ông nội của Kỷ Phác Tồn, Kỷ Phác Tồn cũng vậy. Cố Bạc Tranh lớn lên từ nhỏ với bà, Kỷ Phác Tồn cũng vậy. Một bên là tình yêu nam nữ, một bên là hoạn nạn có nhau. Kỷ Phác Tồn đau khổ vì tình, sau mười năm xa quê hương, chết vì nhảy dù lượn trên rạn san hô Great Barrier, không còn hài cốt.
Trước khi chết chỉ nhắn tin cho hai người.
Một là người yêu tha thiết, gửi một câu “Tôi yêu người.”
Người còn lại là bà Diệp, Kỷ Phác Tồn nhắn: “Cho dù đời này không còn gặp nhau nữa, cậu cũng là người bạn tốt nhất của mình, không gì sánh bằng.”
Sau khi bà Diệp nhận được tin tức, tim đau như vỡ ra, nỗi đau không ai có thể diễn tả thành lời. Cho đến ngày hôm nay, đã hơn hai mươi năm trôi qua, bà Diệp chưa từng dám cúng bái.
Mọi người đến trước mộ của ông Kỷ, Kỳ Bạch Nghiêm đặt hoa xuống, “Thưa chú Kỷ, con đến thăm chú thay mẹ.”
Đường Thi đứng cạnh, trái tim thắt lại.
Kể từ khi về nhà họ Cố, đây là lần đầu tiên Kỳ Bạch Nghiêm gọi bà Diệp là “mẹ”.
Bà Tống và bà Thẩm đỏ hoe hai mắt. Anh nhìn đi, A Dương tìm được Thừa Thừa rồi đó.
“Mẹ rất nhớ chú.”
Bà Tống run rẩy tiếp lời: “Bọn em cũng rất nhớ anh.” Hai hàng nước mắt lăn dài.
Nhưng người nhớ anh nhất, vẫn là A Dương. Nếu anh có thời gian, hãy vào giấc mơ thăm cô ấy.
Cố Bạc Tranh đứng cùng với Diệp Hân Ngu Dương dưới gốc cây lớn ở lối vào nghĩa trang, cả hai không ai nói gì.
Bất thình lình, bà Diệp vùi vào lòng người đàn ông, khóc khàn cả giọng: “Anh đừng giận nha, em khóc lần này nữa thôi.”
Ông Cố ôm chặt bà vào lòng.
Ngần ấy năm trôi qua bà không cho phép bản thân nghĩ ngợi, vì còn một đứa con trai chưa tìm được, bà không thể gục ngã. Bây giờ đã tìm được, đã hai mươi năm, sinh chia cắt, tử chia lìa; sinh chia cắt đã tìm lại được, nhưng tử chia lìa là vĩnh viễn biệt ly. Chịu đựng suốt hai mươi năm, sao có thể chịu đựng thêm được nữa.
Trong «Tôi và Địa Đàn» [], Sử Thiết Sinh hoài niệm về mẹ, câu chữ bình thường giản dị, nhưng câu nào cũng rướm máu. Lúc đó đọc xong, bà tự hỏi rằng khi ông nội ra đi, liệu mình cũng sẽ nhớ thương Diệp Tàng Sơn như Sử Thiết Sinh nhớ thương mẹ mình chăng. Chưa từng mong ông nội sống sau trăm tuổi, nghĩ rằng cả đời này của ông nội cũng đã trọn vẹn, hai ông cháu còn nói tạm biệt nhau đàng hoàng, sau khi nỗi đau đã đóng vảy, cũng xem như đã ổn. Nhưng cô thường xuyên nhớ đến Kỷ Phác Tồn vì điều này —— “Một khi tôi buộc phải rời xa người trong một thời gian dài, tôi sẽ nhớ nhung người thế nào, tôi sẽ nhớ nhung và mơ về người thế nào, tôi sẽ vì không dám nhớ người mà nằm mơ cũng chẳng mơ thấy người thế nào [].”
[] Tác phẩm «Tôi và Địa Đàn» là tản văn nổi tiếng của tác giả Sử Thiết Sinh.
[] Đoạn trong ngoặc kép được trích trong «Tôi và Địa Đàn». Trong tác phẩm, đoạn này tác giả bày tỏ tình cảm với Công viên Địa Đàn nên dùng chữ “它” (dùng để chỉ đồ vật/con vật), còn trong truyện Ôn Sưởng thay bằng chữ “他” (ngôi thứ ba chỉ nam) nên mình dịch là “người”.
Cậu ra đi như thế, mình phải buông bỏ thế nào đây.
Sao cậu lại chết vì một người như thế chứ!
Sau khi cúng bái, mọi người xuống núi, cách đó không xa có một ngôi nhà rơm, hình như có người nằm dưới đất trước cửa nhà. Đường Thi bối rối nhìn theo mãi.
Có người mà đúng không? Nhìn bên ngoài hình như là một ông cụ. Đang nằm mà nhỉ? Trời đang hơi lạnh, bị bệnh chăng?
Đường Thi kéo tay áo của Hạ Minh Nguyệt, lo lắng nói: “…..Hình như đằng đó có người bệnh bị ngã.”
Hạ Minh Nguyệt liếc nhìn, môi mím chặt, vẻ mặt phức tạp.
Đường Thi nhìn cô ấy.
“Em không phải lo.” Hạ Minh Nguyệt kéo cô đi, “Ông ta không sao đâu.”
Đường Thi không hiểu lắm, thấy ông cụ đó hình như di chuyển cực kỳ khó khăn, cuối cùng vẫn không đành lòng, “Xung quanh đây ngoài tụi mình đâu có ai đâu, cũng không biết ông ấy nằm đó bao lâu rồi.”
“Chỗ đó là nhà của ông ta. Ngày nào cũng có người tới xem ông ta còn sống hay không, em không phải lo đâu.”
Đường Thi bị Hạ Minh Nguyệt kéo đi, vội vã xuống núi.
Sau khi không còn thấy ngôi nhà tranh nữa, Hạ Minh Nguyệt mới bước chậm lại, Đường Thi quay về cạnh Kỳ Bạch Nghiêm.
Thấy vẻ mặt vẫn còn lo lắng của cô, anh nắm tay cô, “Về nhà anh kể em nghe.”
Sau khi về nhà, tinh thần của bà Diệp đã rất kém, bác sĩ gia đình đến làm một số xét nghiệm, kê một số loại thuốc an thần, bà Diệp đi nghỉ ngơi sớm.
Kỳ Bạch Nghiêm cũng dắt Đường Thi về phòng.
Hôm nay đi cả ngày, ai cũng đã mệt mỏi, không chỉ về thể xác mà tinh thần cũng đã kiệt quệ.
Hai người đứng ngoài ban công trò chuyện, Đường Thi dựa vào lòng Kỳ Bạch Nghiêm.
Kỳ Bạch Nghiêm đã bàn bạc với Cố Bạc Tranh. Đại khái là nhà họ Cố nhận lại anh, vào gia phả, nhưng Kỳ Bạch Nghiêm không tham gia vào bất kỳ lợi ích thương nghiệp nào của nhà họ Cố, cũng không cần tất cả tài sản thừa kế. Ông Cố và bà Diệp nhận lại con trai, Kỳ Bạch Nghiêm có thêm một cặp bố mẹ. Chỉ thế thôi.
Kỳ Bạch Nghiêm nói kết quả cho Đường Thi, Đường Thi nhìn anh: “Làm vậy ổn không anh?”
“Cố hết sức biến thành ‘ổn’.”
Đường Thi nhớ đến ông cụ mình thấy hôm nay, hỏi: “Người ở nhà tranh là ai?”
“Người mà chú Kỷ gửi câu ‘Tôi yêu người’ trước khi chết.”
Đường Thi tròn mắt. “Ông ấy?” Đó rõ ràng là một người đàn ông mà.
“Ừm.”
Đường Thi sửng sốt, “Hóa ra….”
Kỳ Bạch Nghiêm hôn cô một cái, “Chuyện đã qua lâu lắm rồi, không cần nghĩ tới nữa.”
Đường Thi ngơ ngác gật đầu. Cô im lặng hồi lâu, cảm giác kinh hoàng trong lòng mới dần nguôi ngoai.
Câu chuyện của hai mươi năm trước, chắc chắn rất cảm động và bi thương
Đường Thi đột nhiên ôm Kỳ Bạch Nghiêm thật chặt —— những người yêu nhau sánh bước bên nhau không hề dễ dàng, ai cũng phải trải qua muôn ngàn gian khó. Nhưng tại sao cô lại may mắn đến thế, thoáng chốc đã gặp được Kỳ Bạch Nghiêm, còn trở thành vợ anh một cách suôn sẻ.
Hôm nay Kỳ Bạch Nghiêm cũng có vô vàn cảm xúc, hai người tâm linh tương thông, tất nhiên Kỳ Bạch Nghiêm biết tại sao Đường Thi lại hành động như thế. Anh không nói gì, chỉ hôn đỉnh đầu cô, ôm cô vào lòng nhẹ nhàng vuốt ve.
Kỳ Bạch Nghiêm không nói cho Đường Thi biết rằng, đối diện ban công này, nơi hoa tường vi đã phủ kín cửa sổ, cả ban công nhỏ chìm trong hoa tường vi đó, chính là nhà của Kỷ Phác Tồn.
Hai vợ chồng ôm nhau một lúc, Đường Thi hơi mệt, hai người vào phòng ngủ.
Không biết qua bao lâu sau, một ông cụ xốc xếch đầu tóc bù xù, run rẩy đi đến trước ngôi nhà đó, ngồi bệt xuống đất, ngẩn người nhìn tường vi nở tốt tươi.
“Nếu người đến thăm tôi mà tôi không có ở nhà, hãy ngồi ngoài cửa với khóm hoa nhà tôi một lúc nhé. Tôi đã ngắm chúng rất nhiều rất nhiều ngày rồi.” —— Uông Tăng Kỳ.
Chết là một chuyện rất dễ dàng, sống thì không. Tôi không nỡ chết, không phải vì sống thì có thể tự tra tấn bản thân hàng ngày hàng đêm, mà vì tôi biết rằng, chết rồi thì hai ta hoàn toàn cắt đứt. Tôi không biết sau khi chết có kiếp sau hay không, nếu không có, vậy thì đây là một kiếp cuối cùng của hai ta, sao tôi có thể nỡ lòng chết được; mà cho dù có, tôi cũng biết rằng kiếp sau người không muốn sánh bước bên tôi nữa.
A Tồn à, về giấc mơ, người đời có một câu thế này, rằng nếu có người nhớ thương ta, ta sẽ mơ thấy người đó. Có lẽ người chưa từng nhớ tôi, biết bao năm qua, tôi chưa từng mơ thấy người.
Người thì ngày nào cũng mơ thấy tôi nhỉ.
Vì ngày nào tôi cũng nhớ người.
Tôi thật lòng mong mỏi có kiếp sau, ngay cả khi Diêm Vương đày tôi vào cõi súc sinh vì những tội lỗi của tôi ở kiếp này đi nữa, tôi cũng vẫn muốn có kiếp sau.
Làm chó của người.
Sau khi Diệp Hân Ngu Dương ngủ say, Cố Bạc Tranh rời khỏi phòng, đến phòng làm việc gọi điện thoại.
“Không cần công bố chuyện nhà họ Cố nhận lại Du Thừa, nếu có người hỏi thì cũng có thể nói, không cần gióng trống khua chiêng. Những người nên biết chuyện này có lẽ đã biết đại khái rồi, phải kiểm soát dư luận, tôi không muốn có người làm phiền cuộc sống hiện tại của nó.”
“Di chúc của tôi và A Dương có thể thay đổi theo như đã dặn dò trước đó, nhưng đừng để nó biết. Chúng tôi cho hay không là chuyện của hai ông bà này, nó muốn hay không là chuyện của có. Sau này chúng tôi mất, nó muốn làm thế nào cũng được.”
“Tình hình cổ phần hiện tại khoan hãy thay đổi, đại khái là vậy.”
Cúp cuộc điện thoại này, Cố Bạc Tranh gọi cho thư ký, đầu tiên là nói một số chuyện công việc, sau đó nói: “Hình như bộ văn hóa đang có dự án nghiên cứu khúc Nguyên, có vẻ là về âm vị học, cậu xem họ có cần rót thêm vốn không, nếu cần, nhà họ Cố có thể góp chút ít sức lực.”
“Không có yêu cầu gì khác, chỉ là muốn cải thiện đời sống của các nhân viên nghiên cứu thôi.”
“Nhà họ Cố đã làm về văn hóa, bên bộ văn hóa có cần, chúng ta cũng có thể hợp tác lâu dài, tài trợ lâu dài cho một số công trình nghiên cứu, còn chi tiết thì có thể từ từ bàn bạc.”
“Ừ, cứ thế nhé.”
Nói chuyện điện thoại xong, Cố Bạc Tranh ra khỏi phòng, đến ban công đứng uống trà.
Sắp hoàng hôn, ráng chiều lộng lẫy nhuộm sắc vàng óng ánh lên hoa tường vi, Cố Bạc Tranh nhìn thoáng qua, sau đó dời ánh mắt sang người không biết đã ngồi bên bức tường bao lâu.
Ánh mắt của hai người giao nhau giữa không trung.
Trong chiều tà nhớ về quá khứ, khi ấy chỉ nghĩ chuyện tầm thường [].
[] Trích trong bài từ “Hoán khê sa” (浣溪纱) của Nạp Lan Dung Nhược đời nhà Thanh.
Đã qua cả rồi.