Cuối tháng mười, thời tiết dịu mát. Tôi say sưa với công việc khảo sát thành Guzang trong làn gió thu nhè nhẹ. Tôi đã chán ngán những ngày dài chỉ biết ăn và chơi. Rajiva cả ngày ở bên cạnh Lữ Quang, một mình không có việc gì để làm, tôi bèn nối lại “nghề cũ”. Kẻ vẽ chán chê, tôi ngẩng đầu, hé mắt nhìn trời. Bầu trời nơi đây không xanh trong thuần thiết như ở Khâu Từ, nhưng đổi lại, có mây bồng bềnh, gió rì rào, rất khác lạ. Tôi vẽ chán lại nghỉ ngơi, nghỉ ngơi xong lại tiếp tục, cảm thấy không đến nỗi nào.
Đang vẽ lầu chuông ở trung tâm thành Guzang, chợt nghe tiếng vó ngựa từ xa vọng lại. Dân chúng bàng hoàng, dạt vào lề đường. Tôi băn khoăn ngẩng lên, thì thấy một đoàn người ngựa đang tiến vào thành. Vội thu dọn đồ đạc, đeo chiếc ghế gỗ lên vai, nhưng chưa kịp rời khỏi đó, đoàn người ngựa đã đến trước mặt. Con ngựa dẫn đầu đang lao về phía tôi. Biết không tránh kịp, theo phản xạ tự nhiên, tôi ra sức chạy lùi về phía sau. Con ngựa lồng qua, đẩy tôi ngã nhào xuống đất.
Phản ứng đầu tiên của tôi khi ngồi dậy là: kiểm tra xem có bị thương không. Khuỷu tay hơi đau, tôi kéo tay áo lên xem xét, cũng may, chỉ bị rách áo. Chưa kịp than thở, một giọng nói trịch thượng dội lên đầu tôi:
- To gan, dám chặn ngựa của ta!
Ngẩng lên, tôi thấy trên lưng con tuấn mã có cái đầu to lớn màu mận chín là một thanh niên khôi ngô, tráng kiện. Anh ta nhiều nhất cũng chỉ hai mươi tuổi, khuôn mặt vuông vức, nếu tách bạch ngũ quan để đánh giá, thì không có gì nổi bật. Hai hàng lông mày dài, rậm dường như dính liền với nhau, đôi môi dày, mím chặt, lạnh lùng. Đôi mắt hung dữ như mắt chim ưng, từ đôi mắt ấy chiếu ra những tia sáng sắc lạnh, khôn lường, khiến người ta phải sợ hãi. Ngũ quan không lấy gì làm độc đáo, hấp dẫn, nhưng nhờ kết hợp với sức mạnh nội tại căng tràn phát tiết ra bên ngoài, như dây cung căng trên nỏ, nên cả gương mặt và con người ấy toát lên khí khái của bậc anh hào. Hai cánh tay dài lực lưỡng, động tác thanh thoát, chỉ nhìn cũng có thể khẳng định người này rất giỏi cưỡi ngựa bắn cung. Cộng vào với tất cả đặc điểm trên là tuổi trẻ cường tráng, tràn đầy sức sống nên con người này, đứng từ xa, cũng có thể nhận ra vẻ oai hùng, khí phách xuất chúng của anh ta giữa đám đông, nhưng đồng thời cũng có thể “cảm” thấy sự nguy hiểm từ gương mặt...
Tôi lục lọi kho tư liệu trong não bộ với tốc độ nhanh nhất. Thân thể cường tráng ấy, gương mặt cương nghị, có phần cục mịch ấy chắc chắn không phải người Hán. Con ngựa anh ta cưỡi và cách phục trang quý tộc cho thấy, xuất thân của người này không tầm thường. Anh ta là người Tiên Tì, người Khương hay người Hung Nô? Sau khi Lữ Quang xưng vương “các quận huyện trong vùng Lũng Tây lần lượt quy phục”, trong đó, các dân tộc thiểu số quy phục Lữ Quang được chia thành hai nhánh. Một là Thốc Phát Ô Cô, người Tiên Tìở Hà Tây, sau này cát cứ phía Đông Bắc Thanh Hải và lập ra nước Nam Lương. Không biết những người này thuộc nhánh nào?
Đang miên man suy nghĩ, bỗng tôi giật mình bởi tiếng cười sang sảng, phóng túng và ngỗ ngược:
- Con gái người Hán ở Guzang này thú vị hơn các nơi khác rất nhiều, dám nhìn trân trân vào nam giới, và còn để lộ cả cánh tay trần nữa chứ.
Tôi chợt nhớ ra cánh tay trần bất nhã của mình, vội thu về và đứng lên. Bất luận anh ta thuộc tộc người nào, tôi cũng không nên đụng vào. Phủi sạch bụi sau lưng, tôi vội vã tìm đường tháo lui. Nhưng chưa kịp bước đi, người đó đã quay ngựa lại, chặn trước mặt tôi. Tôi ngước nhìn đôi mắt chim ưng bí ẩn ấy, ánh nắng mùa thu cũng chẳng đủ để khiến đôi mắt ấy bớt thâm u. Tôi bỗng chột dạ, không biết đụng phải ai thế này?
- Mông Tốn, nơi này không phải Lô Thủy, chớ lỗ mãng.
Một người đàn ông khác, chừng ba mươi tuổi, thúc ngựa tiến đến, giọng nói thâm trầm đầy uy lực, có ý trách móc.
- Nam Thành, Guzang tuyệt hơn Lô Thủy nhiều, có bao nhiêu là mỹ nữ yêu kiều, chuyến này không lo cô đơn, buồn chán nữa rồi!
Anh ta hớn hở đáp lại người kia, tên gọi trong cuộc đối thoại của họ khiến tôi kinh ngạc. Tôi biết họ là ai, thì ra người đàn ông va vào tôi chính là Thư Cừ Mông Tốn!
Sở dĩ có tên gọi Thư Cừ, bởi vì tổ tiên của tộc người này làm quan Tả thư cừ trong bộ lạc Hung Nô ở Lô Thủy, nên về sau con cháu đã lấy chức quan này làm tên gọi cho cả dòng tộc. Lữ Quang cát cứ Lương Châu, tộc trưởng Thư Cừ La Cừu đã dẫn theo toàn thể bộ tộc đến quy hàng. La Cừu được phong làm quan thượng thư. Cháu trai Thư Cừ Mông Tốn cũng là một trong những nhân vật kiệt xuất của thời đại này. Mông Tốn nổi tiếng vì là vua Bắc Lương đời thứ hai và còn vì anh ta đã bán đứng anh trai mình để có được ngôi vị đó. Người anh cả mà Mông Tốn bán đứng, chính là người đàn ông buông lời trách móc anh ta vừa rồi – Thư Cừ Nam Thành.
- Cô em thật to gan, dám giương mắt nhìn chằm chằm vào ta!
Tôi giật mình, thấy bên khoé môi anh ta treo một nụ cười thích thú, ánh mắt nhìn tôi dò xét. Lúc này mới chợt nhớ ra, khi nãy tôi mải suy nghĩ, mắt không rời khỏi anh ta. Căn bệnh nghề nghiệp này phát bệnh không phải lúc rồi!
Vội thu hồi đặc trưng của con gái hiện đại, tôi cung kính tạ lỗi:
- Xin tha tội tiểu nữ đã va phải ngựa của ngài. Xin ngài rộng lượng bỏ qua cho.Anh ta vẫn ngồi trên lưng ngựa, dùng roi da nâng cầm tôi lên, nheo đôi mắt chim ưng lại, đong đưa:
- Ta có thể bỏ qua. Ta thấy nàng trông cũng xinh đẹp, lại mạnh bạo, hãy đi theo ta, ta hứa sẽ yêu chiều nàng.
Trời đất, lẽ nào đây chính là Thư Cừ Mông Tốn mà sách sử miêu tả là một người giỏi mưu lược, thạo kế sách, cả đội chinh chiến hầu như không một lần bại trận, am hiểu lịch sử, trên thông thiên văn dưới tường địa lý, một người mà ngay cả Lữ Quang cũng phải kiêng nể vài phần? Nhân vật hàng đầu trong số các nhân vật kiệt xuất ở Lương Châu ấy đang ở trước mắt tôi, nhưng bộ dạng này, có khác nào một tên công tử con nhà giàu ham chơi, phóng đãng đâu! Và tại sao, tình tiết thiếu nữ ra phố bị kẻ xấu trêu hoa ghẹo nguyệt mà không bộ phim truyền hình nào bỏ qua ấy lại xảy ra với tôi thế này? Thật là đen đủi!
- Mông Tốn!
Người kia tỏ vè khó chịu, bực dọc quát nạt.
- Đệ còn định bày trò trăng hoa đến bao giờ nữa, đệ muốn họ tộc phải xấu mặt vì đệ à? Chớ quên, chúng ta còn phải đến yết kiến vua Lương đấy!
Thư Cừ Mông Tốn thở dài, nhún vai với tôi vẻ tiếc nuối, đôi mày rướn lên, chọc ghẹo:
- Người đẹp ơi, gặp mặt vua Lương ta sẽ được phong quan, đến lúc đó, ta sẽ quay lại tìm nàng. Hãy nhớ, tên ta là Thư Cừ Mông Tốn!
Anh ta đột ngột vươn cánh tay dài, đổ người xuống định tóm lấy tay tôi, tôi giật mình né tránh, nhưng không kịp, khi tôi nhận ra mưu đồ của anh ta thì một bàn tay đã lướt trên má tôi. Anh ta chậc chậc, xuýt xoa:
- Làn da mềm mượt quá! Con gái Hán hấp dẫn hơn con gái Hung Nô nhiều!
Bực mình quá, đây là lần đầu tiên tôi bị sàm sỡ! Tôi đưa tay ôm má, bàn tay thô ráp của anh ta khiến tôi hơi đau. Vừa định nổi trận lôi đình, chợt bắt gặp ánh mắt anh ta truyền tín hiệu cho ai đó ở phía sau, tôi giật mình! Ánh mắt đó chắc chắn không phải là ánh mắt của kẻ lãng tử, vì nó sắc lạnh, bí hiểm và thâm u. Chỉ trong nháy mắt, đôi mắt chim ưng ấy đã lại trở về trạng thái bỡn cợt, bông lơi lúc đầu. Trong đoàn người ngựa phía sau, một người đàn ông ăn vận quý phái đang nhíu mày nhìn anh ta. Tôi chợt hiểu ra...
Sách “Tấn thư” miêu tả Thư Cừ Mông Tốn là người “kiệt xuất, giỏi mưu lược, gian hùng và biết tuỳ cơ ứng biến”. Có thể chớp lấy thời cơ trong thời loạn này để lên ngôi làm vua, sự dũng mãnh chỉ là một phần rất nhỏ, điều quan trọng là anh ta phải có thủ đoạn tàn độc. Con người ấy chắc chắn không thể là con người với bộ dạng như tôi đang thấy. Anh ta đang cố tình diễn trò công tử ăn chơi, ra phố chọc ghẹo con gái nhà lành.
Mới hai mươi tuổi đã biết đóng kịch, tự hạ thấp bản thân để nuôi dã tâm. Không biết anh ta diễn vở kịch này cho ai xem? Nam Thành, hay tộc trưởng La Cừu, hay là Lữ Quang?
Rajiva nhắm nghiền mắt lại, thoải mái tận hưởng những phút thư giãn với đôi tay mát- xa của tôi. Mỗi tối, chàng thường trở về với vẻ mặt mệt mỏi, chán nản. Chỉ khi ở cạnh tôi, vẻ mệt mỏi ấy mới tan biến.
- Dân lưu lạc đến thành Guzang này ngày một đông.
Chàng nằm trên giường, để tôi tẩm quất và mát-xa hai vai, tôi vừa thao tác, vừa nói. - Mùa hạ năm nay bị hạn hán, lúa mạch thất thu. Vùng Đôn Hoàng, Tửu Tuyền chịu thiên tai nặng nề nhất. Người dân không thể tiếp tục sinh sống ở quê hương, lũ lượt kéo nhau đi tha hương cầu thực, rất nhiều người đã lưu lạc đến Guzang. Bây giờ trên phố có rất nhiều người ăn xin.
Chàng giữ tay tôi lại, ngoảnh đầu nhìn tôi, gương mặt thanh tao nhuốm vẻ âu lo:
- Ngày mai ta sẻ đề nghị Lữ Quang mở kho lương phát chẩn cứu đói.
Suy nghĩ một lát, chàng lại hỏi:
- Chúng ta còn tiền không?
Tôi gật đầu. Pusyseda chuẩn bị cho chúng tôi rất nhiều tiền bạc, bản thân tôi cũng mang theo từ thời hiện đại không ít ngân lượng, Trên đường tới Guzang, chúng tôi hầu như không dùng đến, nhưng mấy ngày vừa qua tôi cũng đã lấy một ít trong số đó để bố thí cho người ăn xin khi tôi ra phố.
- Ngải Tình, tiền bạc của cải chỉ là vật ngoài thân, cứu người mới quan trọng. Ngày mai, nàng hãy vào thành cứu tế.
Tôi cười vì biết rằng chàng sẽ nói vậy.
- Chàng yên tâm.
Đặt ngón tay cái lên huyệt thái dương của chàng, hỏi chàng đã vừa độ chưa, chàng gật đầu, nhắm mắt thư giãn. Dưới ánh đèn, gương mặt chàng dịu dàng, đôn hậu, tôi say mê ngắm nhìn. - Rajiva... chàng hãy nghĩ ra cách gì đó để khuyên Lữ Quang, sẽ hiệu quả hơn.
Chàng mở mắt, nhìn tôi băn khoăn:
- Cách gì vậy?
- Là... là... một quẻ bói, một lời tiên tri chẳng hạn.
Tôi ấp úng, bàn tay đang ấn trên huyệt thái dương bỗng dừng lại.
Chàng khẽ nhíu mày, tôi bèn nửa quỳ nửa ngồi bên cạnh chàng, giải thích:
- Ví dụ như khi có gió lớn, chàng có thể nói với Lữ Quang rằng: đó là dấu hiệu không tốt lành, chắc chắn sẽ xảy ra phản loạn. Nếu ông ta chịu mở kho lương phát chẩn cứu dân, thì không cần động binh, phản loạn tức khắc sẽ...
- Ngải Tình!
Chàng ngắt lời tôi, có vẻ không vui, đôi mắt trong veo tựa hồ thu, không một gợn đục.
- Ta không muốn nói điều giả dối. Càng không thể cúi mình bợ dỡ họ Lữ kia.
Tôi biết chàng sẽ từ chối. Nếu chàng bằng lòng hạ mình, thì ngay khi còn ở Khâu Từ chàng đã làm việc đó rồi, nếu thế có lẽ chàng sẽ ít phải chịu giày vò. Tính cách cao ngạo, bất khuất của chàng sẽ khiến chàng phải chịu khổ ra sao suốt mười bảy năm sắp tới? Kể từ khi đặt chân đến Guzang, chàng rất ít khi cười. Không ai tín Phật, chàng lại chẳng thể ra ngoài truyền pháp, hàng ngày phải bó mình với công việc thế tục, áp lực tinh thần đè nặng lên chàng. Tôi đưa tay lướt trên hàng lông mày thanh tú của chàng, ngón tay chạm đến đôi mắt sâu hun hút của chàng, tôi ước gì có thể xoá tan những vết nhăn hằn trên đuôi mắt chàng. Chàng chớp mắt, nhìn sâu vào mắt tôi, niềm vui trong đáy mắt dần dần hiện rõ.
Tôi đặt nụ hôn lên hàng mi dài của chàng, chàng nhắm mắt lại, tận hưởng. Trượt môi xuống dưới, chạm vào môi chàng, nhưng khi chàng muốn đáp lại, tôi vội rời ra, hôn lên cổ chàng, chàng rên lên khe khẽ. Tiếp tục trượt xuống dưới, ngón tay mân mê chạm vào chiếc nhẫn cưới được lồng vào một sợi dây màu đỏ trên cổ chàng. Kể từ ngày chàng tặng nhẫn cho tôi, tôi đã ép chàng phải buộc nó vào y phục. Vì một nhà sư mà đeo nhẫn cưới thì trông rất kỳ quặc, tôi sợ người ta cười nhạo chàng.
Tôi khẽ tách chàng ra, nhẹ nhàng cởi khuy áo của chàng:
- Ngải Tình, nàng...
Chàng ngạc nhiên, gương mặt đỏ như gấc chín, hơi thở gấp gáp:
- Nàng làm gì vậy?
Tôi ngẩng lên, nhìn vào đôi mắt tựa hai vực nước sâu hun hút của chàng, má nóng bừng, khẽ đáp:
- Em muốn chàng được vui vẻ. Gương mặt chàng bỗng nhiên rạng rỡ, nụ cười xua đi vẻ băn khoăn, những ngón tay dài, gầy guộc đan vào làn tóc tôi, vuốt ve yêu chiều. Khi ham muốn lên cao, chàng dường như không kìm chế nổi, kéo tôi lên.
- Chàng mệt rồi, để em.
Tôi mỉm cười, ấn chàng nằm xuống gối, mãn nguyện khi thấy chàng nằm bên dưới tôi, nhắm nghiền mắt, đẩy đưa nhịp thở đều đặn. Sắc đỏ lan toả, đôi mắt khép hờ, làn sương mờ ảo bồng bềnh trôi trong đôi mắt chàng. Khoảnh khắc ngọt ngào đỉnh điểm, vẻ thoả mãn, cực khoái trên gương mặt chàng đã an ủi tôi. Tôi ước gì người đàn ông này không bao giờ phải chau mày phiền muộn.
- Ngải Tình, chúng ta hãy tính chuyện sinh con đi.
Khi cao trào qua đi, chúng tôi nằm ôm nhau theo thói quen, chàng thảnh thơi lùa tay vờn nghịch mái tóc tôi, ánh mắt dịu dàng:
- Chúng ta đã ổn định cuộc sống ở Guzang, nàng nói rằng chúng ta sẽ phải lưu lại nơi này mười bảy năm. Nếu sinh con, nàng sẽ có nhiều việc để quan tâm, không còn buồn chán nữa.
Máu trong huyết quản tôi như ngưng tụ lại trong giây lát, nhưng tôi đã kịp ậm ừ đáp lại chàng, tôi không muốn chàng biết được nỗi bi ai đang tràn ra trong lòng tôi. Sử sách không hề đề cập đến việc chàng có con trong khoảng thời gian này. Chỉ có sách “Tấn thư” ghi chép rất ngắn gọn sự kiện kinh thiên động địa, rằng chàng đòi hỏi được ban cho cung nữ trước mặt rất nhiều người và liền sau đó đã sinh hai con trai. Nhưng đó là sự kiện khi chàng năm mươi hai tuổi và đã đến Trường An, không phải lúc này. Nếu những gì sử sách viết là đúng, thì chắc chắn chàng sẽ không có con khi ở Lương Châu.
Chất phóng xạ tích tụ qua nhiều lần vượt thời gian đã huỷ hoại cơ quan sinh sản của tôi thật ư? Nếu tôi không thể sinh con, thì đến năm năm mươi hai tuổi, chàng sẽ đòi hỏi được ban cung nữ và trong một lúc đã tiếp nhận mười người vợ nữa ư? Nhưng tình yêu chàng dành cho tôi sâu đậm là thế, sao chàng có thể? Trước khi gặp chàng, tôi chỉ xem đoạn sử đó là một câu chuyện ly kỳ. Gặp chàng thuở thiếu thời, sau khi biết thân phận thực sự của chàng, điều đầu tiên tôi nghĩ đến (thật xấu hổ) cũng là về chuyện này. Nhưng sau khi yêu chàng, tôi tin rằng đó chỉ là lời đồn đại. Bởi vì, một cô gái đến từ thế kỷ XXI như tôi, sao có thể chấp nhận một người chồng năm thê bảy thiếp kia chứ!
- Rajiva, nếu như... nếu như...
- Sao kia?
Người đàn ông tuấn tú, thanh tao ấy đang ở gần tôi trong gang tấc, đang nhìn tôi với ánh mắt ngọt ngào, yêu thương, ngập tràn hạnh phúc.Tôi không thể tin vào những ghi chép tam sao thất bản mà nghi ngờ tình yêu chàng dành cho tôi. Cuộn tròn trong vòng tay ấm áp của chàng, tôi cất giọng khe khẽ:
- Không có gì...