Cả ngàn chi tiết vô lý nhưng cần thiết để hiểu thấu đáo pho sách vĩ đại này
Người dịch pho sách lớn này từ nguyên bản do hiền sĩ Amêtê Bênenhêli soạn, nói rằng tới chương về cuộc phiêu lưu dưới hang Môntêxinôx, ông ta thấy ở lề sách có những dòng chữ sau đây do chính tay ngài Amêtê ghi:
"Tôi không thể hiểu và cũng không thể tin được rằng tất cả những điều kể ở chương trên lại có thể xảy đến đối với chàng Đôn Kihôtê dũng cảm. Lý do là cho tới nay, tất cả những chuyện phiêu lưu của chàng hiệp sĩ đều có thể xảy ra và đều có thật, riêng chuyện về hang Môntêxinôx thì tôi thấy không có căn cứ gì để coi là có vì nó vượt ra ngoài giới hạn của sự thật. Tuy nhiên, tôi không thể nghĩ rằng Đôn Kihôtê nói dối vì chàng là nhà quý tộc chân chính nhất và là hiệp sĩ cao cả nhất của thời đại, dù có bị cả ngàn mũi tên xuyên vào người cũng không thể nói dối. Mặt khác, tôi thấy rằng chàng kể câu chuyện này với tất cả các tình huống đã diễn ra, vậy thì chàng không thể trong một thời gian ngắn bày đặt ra cả một mớ chuyện hoang đường như vậy. Còn nếu đây là chuyện bịa thì lỗi không chỉ tại tôi chỉ biết ghi chép, không kết luận đó là bịa hay thật. Bạn đọc, bạn là người thận trọng xin để tùy bạn nhận xét vì tôi không có nhiệm vụ nào khác và cũng không thể làm gì hơn. Tuy nhiên, người ta biết chắc rằng lúc sắp qua đời, Đôn Kihôtê có rút lui ý kiến và nói rằng chàng đã bịa ra câu chuyện này vì thấy nó phù hợp với những cuộc phiêu lưu mà chàng đã đọc trong đống sách của chàng.
Đến đây, tác giả Amêtê kể tiếp:
Chú em lấy làm ngạc nhiên trước những lời lẽ hỗn hào của Xantrô cũng như trước thái độ kiên nhẫn của chủ bác giám mã; chú cho rằng sở dĩ Đôn Kihôtê tỏ ra vui vẻ dễ tính như vậy là vì chàng vừa được gặp mặt tình nương Đulxinêa làng Tôbôxô - mặc dù nàng đã bị phù phép - nếu không thế, chắc chắn Xantrô đã bị dừ đòn vì những lời nói vừa rồi; quả thật, chú thấy Xantrô ăn nói xấc láo với chủ. Chú bảo:
- Thưa ngài Đôn Kihôtê xứ Mantra, Tôi đi với ngài chuyến này thật là bổ ích vì tôi đã thu hoạch được bốn điều. Thứ nhất là được làm quen với ngài mà tôi coi là đại hạnh. Thứ hai, được biết trong hang Môntêxinôx có những gì, cũng như sự biến hóa của con sông Goađiana và những hồ nước Ruiđêra, chi tiết bổ ích cho cuốn Ôđiviô Tây Ban Nha mà tôi đang soạn. Thứ ba là biết được sự xuất hiện lâu đời của những lá bài - ít nhất là từ thời hoàng đế Carlô Macnô - căn cứ vào những lời của Đuranđartê vì như lời ngài đã kể, khi nghe xong bài diễn thuyết tràng giang đại hải của Môntêxinôx, chàng đã tỉnh lại và nói: "Cứ chịu khó chia bài"; chắc hẳn chàng không học được lối nói này sau khi đã bị phù phép mà phải là trước đó, khi chàng còn ở Pháp, dưới thời hoàng đế Carlô Macnô; điều xác minh này rất có ích cho một cuốn sách nữa mà tôi đang soạn mang tên Bổ sung cho Virhiliô Pôliđôrô, về những phát minh thời cổ xưa. Theo tôi, Virhiliô đã quên không nhắc tới sự phát minh ra những lá bài trong sách của ông ta, và tôi sẽ nhắc tới trong cuốn của tôi; vấn đề này sẽ có một tầm quan trọng lớn lao, nhất là tôi lại dẫn chứng lời của một nhân vật chân chính và nghiêm túc như ngài Đuranđartê. Thứ tư là biết chắc chắn về cội nguồn con sông Goađiana mà cho tới nay thiên hạ chưa biết.
- Ngài nói phải, Đôn Kihôtê bảo, song tôi xin hỏi: một khi Chúa phù hộ cho ngài được phép in những cuốn sách đó (điều mà tôi không chắc), ngài sẽ tặng cho ai?
- Ở Tây Ban Nha có nhiều nhà quyền quý để tặng, Chú em đáp.
- Không nhiều đâu, Đôn Kihôtê nói; không phải vì họ không xứng đáng mà vì họ không muốn nhận, sợ phải mang ơn tác giả là người đã bỏ công sức và có ý tặng sách cho mình. Tôi biết có một ông hoàng có thể khắc phục được điểm thiếu sót này của các vị kia; ông ta có rất nhiều ưu điểm, nếu tôi kể ra, chắc chắn sẽ khiến cho những trái tim hào hiệp phát ghen. Nhưng thôi, ta hãy bàn vấn đề này vào một dịp khác thuận tiện hơn, bây giờ ta hãy đi tìm nơi nghỉ chân đêm nay đã.
Chú em bảo:
- Cách đây không xa có một tu viện do một ẩn sĩ trông coi; đồn rằng ông ta trước kia đi lính, có tiếng là người ngoan đạo, lịch thiệp và nhân từ. Bên cạnh nhà tu có một căn nhà nhỏ do chính tay ông ta dựng lên, tuy hẹp nhưng cũng có thể đón khách được.
- Chẳng hay ông ẩn sĩ đó có gà không?
- Ít ẩn sĩ không có gà, Đôn Kihôtê đáp, vì các ẩn sĩ thời nay không giống như các ẩn sĩ thời trước kia sống trên những bãi sa mạc ở Ai Cập, chỉ mặc lá cỏ và ăn rễ cây. Đừng nghĩ là tôi muốn khen người này và chê người khác, tôi chỉ muốn nói rằng sự khổ hạnhcủa các nhà tu ngày nay không chặt chẽ và khắc khổ như ngày trước, song cũng không vì thế mà họ không tốt; tôi nghĩ về họ như vậy đó. Và một khi xảy ra chuyện không hay, kẻ đạo đức đóng vai mô phạm ít gây tác hại hơn là công khai làm bậy.
Còn đang trò chuyện, bỗng thấy có một người đi tới, chân bước vội vã, vừa đi vừa cầm cây sào quất một con la chở đầy giáo mác. Khi đi qua trước mặt Đôn Kihôtê, người đó cúi đầu chào rồi đi thẳng. Đôn Kihôtê bảo:
- Người anh em hãy dừng chân lại một chút nào, hình như hơi nhanh đấy, con la không theo kịp đâu.
- Tôi không thể dừng lại được, người kia đáp; ngày mai phải dùng tới những vũ khí mà ngài thấy tôi mang theo đây. Bởi vậy, tôi không thể đứng lại được, xin chào ngài. Nếu ngài muốn biết tôi chở đống vũ khí này làm gì, xin thưa là đêm nay tôi ngủ tại quán trọ phía bên trên tu viện; nếu ngài cùng đường, ngài sẽ gặp lại tôi tại đó và tôi sẽ kể cho nghe những chuyện lạ lùng. Thôi xin chào ngài một lần nữa.
Nói rồi, người đó giơ roi thúc con la đi gấp khiến Đôn Kihôtê không kịp hỏi xem những chuyện lạ lùng bác định kể là chuyện gì. Vốn tính tò mò, lại hay muốn biết những điều mới lạ, Đôn Kihôtê ra lệnh lên đường ngay và sẽ nghỉ đêm tại quán trọ, không nghỉ tại tu viện như ý kiến Chú em nữa.
Cả ba người lên đường thẳng tiến về phía quán trọ, xẩm tối tới nơi. Trên đường đi, Chú em đề nghị tạt vào tu viện kiếm rượu uống chơi. Nghe Chú em nói, Xantrô vội hướng luôn con lừa về phía đó, theo sau là Đôn Kihôtê và Chú em. Nhưng do vận đen của Xantrô xui khiến - ẩn sĩ đi vắng - một ả coi nhà tu bảo họ như vậy. Ba người hỏi có rượu ngon đắt tiền không; ả đáp là ông chủ không có, nếu muốn nước lã rẻ tiền thì ả mang đến cho.
- Nếu muốn uống nước lã thì trên đường thiếu gì giếng, tha hồ mà uống, Xantrô đáp. Ôi, đám cưới của Camachô, ngôi nhà sung túc của Đôn Điêgô, ta còn phải luyến tiếc các ngươi bao nhiêu lần nữa.
Rời tu viện, ba người thẳng về phía quán trọ, mới được một quãng, thấy phía trước có một chàng trai lững thững đi trên đường, lát sau, ba người đuổi kịp. Anh ta vác trên vai thanh gươm treo lủng lẳng một cái bọc dáng chừng đựng quần áo - hình như quần, áo khoác và vài ba chiếc sơmi, - trên người mặc một chiếc áo ngắn bằng nhung có những lát xa tanh, sơ mi khoác ngoài, đi bít tất lụa và giầy vuông kiểu cung đình. Anh ta trạc mười tám, đôi mươi, nét mặt tươi tỉnh, dáng điệu nhanh nhẹn. Vừa đi, anh ta vừa hát những bài dân ca cho quên mệt nhọc. Khi ba người đi ngang, anh ta vừa kết thúc một bài ca mà Chú em thuộc ngay, bài hát như sau:
Túng tiền nên phải ra đi
Túi mà rủng rỉnh thiết gì binh đao
Đôn Kihôtê là người đầu tiên lên tiếng hỏi:
- Hỡi chàng trẻ bảnh trai, trông anh thật nhẹ nhàng thảnh thơi. Anh đi đâu vậy? Nếu không có gì phiền, hãy cho chúng tôi được biết.
Chàng trai đáp:
- Tôi nhẹ nhành thảnh thơi là do nóng nực và nghèo túng. Tôi đi đâu ư? Tôi đi đánh giặc.
- Sao lại nghèo túng? Đôn Kihôtê hỏi. Do nóng nực thì có thể.
- Thưa ngài, chàng trai đáp, tôi có mang trong bọc vài chiếc quần nhung để mặc cùng với tấm áo ngắn này; nếu mặc đi đường, sợ hỏng, vào tỉnh không có quần diện, mà tiền thì không có để mua. Vì thế để được thoáng mát, tôi cứ mặc thế này cho tới khi gặp các đại đội bộ binh đóng cách đây khoảng mười hai dặm để nhập ngũ. Khi đó, tôi sẽ được trang bị đầy đủ để đi tới bến tàu, nghe nói là ở Cartahêna. Tôi muốn thờ phụng Đức vua và muốn phục vụ Người trong chiến tranh chứ không muốn hầu hạ những kẻ ngu xuẩn trong triều nữa.
- Nhưng chắc ngài cũng đã được hưởng lương cao bổng hậu chứ? Chú em hỏi.
Chàng trai đáp:
- Nếu như tôi phụng sự một viên đại thần hoặc một nhân vật quan trọng nào, chắc chắn là có rồi. Phục vụ những ông chủ tốt mới được như vậy; từ thân phận tôi đòi, ta có thể trở thành thiếu úy, đại úy hoặc được hưởng bổng lộc kha khá. Khốn thay, tôi chỉ những kẻ chạy theo địa vị và hãnh tiến, trả lương chết đói, hồ cứng một cái cổ áo đã hết nửa tiền. Họa chăng có phép mầu thì số phận một gã thị đồng mới khấm khá lên đôi chút.
- Xin hỏi anh bạn, Đôn Kihôtê lên tiếng, có lẽ nào trong những năm phục vụ thiên hạ, anh bạn không được cấp một bộ chế phục ?
- Họ có cho tôi hai bộ, gã thị đồng đáp, song cũng giống như với kẻ phá giới trước kia làm lễ thề nguyền, người ta tước quần áo tu hành và trả lại quần áo cũ, những ông chủ của tôi, - sau khi đã giải quyết xong công việc trong triều - trở về nhà trả lại cho tôi bộ quần áo cũ và thu hồi những bộ chế phục mà họ đã cấp cho, chỉ vì họ sính phô trương hình thức.
- Thật là bủn xỉn, Đôn Kihôtê kêu lên; tuy nhiên anh bạn hãy mừng là đã rời bỏ cung đình với một ý định hay ho như vậy. Trên đời này không có gì danh giá và lợi ích hơn là trước tiên phụng sự Chúa, sau đến Đức vua của chúng ta, đặc biệt bằng nghề võ; như tôi đã nói, nếu nghề này không mang lại lắm tiền bạc hơn nghề văn, ít ra nó cũng mang lại nhiều vinh quang hơn. Mặc dù nghề văn đào tạo ra nhiều quan lại đại thần hơn nghề võ, quan võ vẫn có một cái gì đó trội hơn quan văn, cái gì đó chính là vẻ uy nghi hùng tráng khiến ông quan võ vượt lên trên tất cả những người khác. Tôi muốn anh nhớ kỹ điều tôi sắp nói ra đây, điều này rất có lợi, khiến cho mọi công việc của anh trở nên nhẹ nhàng; đừng bao giờ nghĩ tới chuyện chẳng lành có thể xảy đến. Xấu nhất là chết, nhưng nếu chết vinh thì chết lại đẹp nhất. Có lần người ta hỏi Huliô Xêdar, vị hoàng đế La Mã dũng cảm, cái chết nào đẹp nhất, ông đáp: "Chết mà không nghĩ tới, chết đột ngột, chết không biết trước". Mặc dù câu trả lời này là của một kẻ dị giáo, không hề biết tới Chúa, nhưng ông ta đã nói đúng vì chết như vậy là không bị một tình cảm nào chi phối. Giả sử anh bị chết trong cuộc giao tranh đầu tiên, hoặc bị trúng đạn hoặc bị trúng mìn, điều đó có gì quan trọng đâu nào. Chết cũng vẫn là chết, và thế là xong. Theo Têrenxiô, người lính thà chết ngoài mặt trận còn hơn sống trong lẩn trốn. Và người quân nhân càng chấp hành tốt mệnh lệnh của cấp trên và những người chỉ huy càng được nổi tiếng. Con nên nhớ rằng đối với người lính, thuốc súng thơm hơn xạ hương, và nếu ta trọn đời theo đuổi nghề nghiệp vinh quang đó thì đến đầu bạc răng long, mình đầy thương tích, dù què cụt, ta vẫn được tiếng thơm, không một sự nghèo túng nào có thể làm phai nhạt. Vả chăng, đã có lệnh nuôi dưỡng chăm sóc những quân nhân già và phế binh. Thật chẳng hay ho gì nếu người ta đối xử với họ như những kẻ vẫn thường trả tự do cho nô lệ da đen một khi người này già yếu, kiệt sức: bị đuổi ra khỏi nhà chủ dưới danh nghĩa được giải phóng, họ trở thành nô lệ của sự đói nghèo, và chỉ cái chết mới giải phóng được họ mà thôi. Tôi nói thế thôi, bây giờ anh bạn hãy leo lên ngồi trên mông con ngựa của tôi. Ta cùng đi đến quán trọ rồi cùng ăn với nhau một bữa; sáng mai, anh sẽ tiếp tục lên đường. Chúa sẽ phù hộ cho anh gặp may mắn, cần gì được nấy.
Gã thị đồng từ chối không ngồi mông ngựa nhưng nhận lời cùng ăn một bữa với Đôn Kihôtê tại quán trọ. Người ta đồn rằng, nghe chủ nói xong, Xantrô đã lẩm bẩm một mình như sau: "Ông chủ của mình thật kỳ lạ! Có lẽ nào một con người vừa thốt ra những câu chí lý như vậy lại bảo là đã nhìn thấy những chuyện nhảm nhí đến mức không thể tưởng tượng được dưới hang Môntêxinôx! Thôi cũng đành vậy, mặc cho ông ấy nói".
Xẩm tối, họ tới quán trọ. Thấy chủ không gọi là lâu đài như mọi lần mà gọi đích danh là lữ quán, Xantrô lấy làm mừng lắm. Vừa bước vào, Đôn Kihôtê hỏi ngay chủ quán về người chở giáo mác; chủ quán đáp là bác ta đang buộc la trong chuồng. Chú em và Xantrô cũng dắt lừa vào buộc trong chuồng, dành cho Rôxinantê cái máng ăn và chỗ nghỉ tốt nhất