Gần một giờ rưỡi đêm lúc Tereza về nhà. Cô vào phòng tắm thay quần áo ngủ rồi nằm xuống cạnh Tomas. Anh đang ngủ say. Trong lúc cúi xuống hôn lên mặt anh cô bỗng ngửi thấy mùi gì là lạ toát ra từ mái tóc anh. Cô ngửi đi ngửi lại hai ba lần. Cô dí mũi vào hít hít như chó đánh hơi mãi mới phát giác ra cái mùi lạ lùng bốc lên từ đầu tóc Tomas: mùi phần thầm kín nhất, phần trái cấm trên thân thể đàn bà.
Sáu giờ sáng, chuông đồng hồ báo thức reo vang. Thời điểm sung sướng nhất của Karenin đã điểm. Tuy bao giờ cũng thức dậy thật sớm nhưng nó không dám đánh thức ông bà chủ. Nó nóng nảy đợi tiếng chuông đồng hồ báo thức, lúc đó nó mới được quyền nhẩy lên giẫm bừa bãi trên giường và húc mõm dựng hai người dậy. Hồi mới đầu, hai người còn cố kềm nó xuống và đẩy nó ra khỏi giường, nhưng nó khỏe lắm, hai người chẳng dễ gì tước đoạt quyền lợi của nó. Dần dà, Tereza trở nên yêu thích thói quen được nó chào đón mỗi sáng như vậy. Với nó, thức dậy buổi sáng là niềm vui sướng tột cùng: nó luôn luôn tỏ ra kinh ngạc cách ngố ngác và giản dị khi khám phá mình vẫn còn trên mặt đất; nó thật sự vui mừng. Tereza thì khác, cô thức dậy trong uể oải và chỉ mong quên phức đi ngày dài trước mặt bằng cách cứ nhắm yên hai mắt.
Nó chạy ra đứng gần cửa ra vào, nghếch mõm lên nhìn giá treo mũ, trên đó treo toòng teng sợi dây xích cổ. Cô tròng dây rồi dẫn nó đi chợ. Cô cần mua ít sữa, bánh mì và như thường lệ ổ bánh nướng cho Karenin. Từ chợ ra, nó lon ton chạy bên cạnh cô, mõm ngậm ổ bánh, mắt nhìn ngang nhìn dọc ra vẻ dương dương tự đắc lắm về sự chú ý của đám đông qua lại.
Về đến nhà, nó vào nằm dài ngay cửa phòng ngủ, ổ bánh vẫn ngậm trên mõm chờ đợi Tomas nhận ra mình. Nó đợi anh bò đến gần, miệng gầm gừ làm như đang tìm cách giật ổ bánh khỏi miệng nó. Ngày nào cũng thế. Anh và con Karenin đuổi nhau như vậy trong nhà ít nhất năm phút trước khi nó chui vào gầm bàn ăn hết ổ bánh.
Tuy nhiên, lần này nó đợi mãi vẫn không thấy nghi thức mỗi sáng đó diễn ra. Tomas đang chăm chú lắng nghe một chương trình phát thanh từ chiếc máy thu thanh nhỏ đặt trên bàn trước mặt.
Đó là chương trình phát thanh đặc biệt về cộng đồng di dân Tiệp ở hải ngoại gồm những đoạn đối thoại kín thu lén bằng máy móc tinh xảo nhất do một tay gián điệp nằm vùng len lỏi trà trộn trong cộng đồng lưu vong nước ngoài thu được và gửi về Praha. Cuộn băng toàn những lời nói huyên thiên trên trời dưới biển, thỉnh thoảng xen vào những câu chửi bới chế độ, nhưng cũng có chỗ nhân vật lưu vong này gọi nhân vật lưu vong kia là thằng ngu, thằng bịp. Những điểm tầm thường thấp kém đó là chủ điểm buổi phát thanh. Nó cố minh chứng cộng đồng lưu vong hải ngoại không phải chỉ nói xấu Liên Sô, họ còn mắng chửi lẫn nhau tơi bời và tự tiện dùng những ngôn từ hạ cấp nhất. Người ta mở miệng văng tục văng tằn suốt ngày, nhưng khi nghe trên máy thu thanh nhân vật tăm tiếng, nhân vật họ kính trọng, mỗi câu mỗi “đù má đù mẹ”, họ bỗng có cảm tưởng như bị bỏ rơi.
“Mọi chuyện bắt đầu từ Prochazka.” Tomas nói.
Jan Prochazka, nhà văn Tiệp khắc bốn mươi tuổi với sức mạnh và sinh lực một con bò mộng, ngay từ trước đã bắt đầu gào thét chỉ trích chính quyền. Rồi ông trở thành một trong những nhân vật được yêu mến nhất của Mùa Xuân Praha, cái biến cố chóng mặt muốn tự do hoá chủ nghĩa Cộng sản và bị đập tan với cuộc xâm lăng của Nga. Sau vụ xâm lăng ít lâu, báo chí mở chiến dịch bôi nhọ ông, nhưng báo chí càng ra sức bôi nhọ ông bao nhiêu dân chúng càng yêu mến ông bấy nhiêu. Thế rồi (năm , cho chính xác) đài phát thanh Tiệp khắc phát thanh một loạt những mẩu đối thoại riêng tư giữa Prochazka và người bạn giáo sư của ông. Những mẩu đối thoại bị thu lén trước đó hai năm (tức là mùa Xuân ). Cả hai người không hề hay biết căn nhà vị giáo sư bị đặt máy nghe lén và mỗi bước chân của họ đều có con mắt nhìn theo. Prochazka rất thích biệt đãi bằng hữu với những điều khoa đại quá trớn. Giờ đây những điều quá trớn đó biến thành chương trình phát thanh hằng tuần. Sở mật thám trách nhiệm sản xuất và đạo diễn chương trình, họ bỏ ra nhiều công sức nhấn mạnh những đoạn Prochazka giễu cợt bạn bè ông – Dubcek chẳng hạn. Người ta phỉ báng bạn bè chỉ vì chuyện không đâu nhưng bị sốc vì một Prochazka đáng kính nhiều hơn là cái sở mật thám đáng ghét kia.
Tomas tắt máy rồi nói, “Quốc gia nào cũng có mật thám. Nhưng mật thám đi thu băng lén rồi phát trên làn sóng điện cho dân chúng nghe thì chỉ xảy ra ở Praha, tuyệt đối chưa từng thấy ở đâu bao giờ!”
“Có chứ.” Tereza bảo anh. “Năm mười bốn tuổi, em có tập nhật kí. Em cất giữ nó kĩ lắm vì sợ có người đọc lén. Em giấu nó trên gác xép. Thế mà không hiểu mẹ em mò mẫm thế nào vẫn tìm ra. Một hôm giữa bữa ăn tối, mọi người đang cắm cúi ăn súp, bà thò tay vào túi lấy ra quyển nhật kí rồi cất tiếng, ‘Mọi người lắng nghe này!’ Và sau mỗi câu bà phá lên cười. Mọi người cười bò lăn bò càng đến nỗi bỏ cả ăn.”
Thường anh cố không làm cô mất giấc ngủ lúc anh thức dậy một mình ra ăn sáng. Nhưng cô không chịu. Tomas làm ca ngày từ bảy giờ sáng đến bốn giờ chiều, trong khi cô làm ca tối từ bốn giờ đến nửa đêm. Nếu không cùng ăn sáng cô chỉ trông thấy mặt anh vào ngày Chủ nhật. Đó là lí do cô thức dậy cùng lúc với anh rồi sau đó vào giường ngủ tiếp.
Tuy nhiên, sáng nay cô không dám ngủ thêm vì mười giờ cô phải có mặt tại nhà tắm hơi bên khu đảo Zofin. Nhà tắm hơi không đủ chỗ chứa từng đó người chờ đợi xin vào cửa, vì thế chỉ có cách nhờ cậy chỗ quen biết. May mắn, người thu ngân là vợ một giáo sư bị mất chức sau và vị giáo sư là bạn một bệnh nhân cũ của Tomas. Nhờ thế Tereza mỗi tuần đều có vé vào cửa.
Cô đi bộ đến nhà tắm hơi. Cô ghét lấy xe điện vì trên xe lúc nào cũng chật cứng. Người ta xô đẩy nhau đầy ác ý, giẫm lên chân nhau, giật đứt khuy áo nhau và quác miệng hét những lời thoá mạ nặng nề.
Quang cảnh trông đến chóng cả mặt. Trong lúc vội vã bước tới, mọi người đồng loạt giương dù lên che đầu và lập tức đường phố đông như nêm cối. Những cây dù va vào nhau. Đàn ông còn lịch sự, khi đi ngang Tereza họ giơ cao cây dù nhường chỗ cho cô bước qua. Đàn bà không thế. Họ nhìn thẳng phía trước, chờ đợi người đàn bà kia chấp nhận yếu kém hơn và lạng người sang bên tránh chỗ. Va chạm dù vào nhau là cuộc thử thách sức mạnh. Tereza lúc đầu còn nhường nhịn, nhưng dần dà cô thấy mình lịch sự mãi vẫn chẳng thấy ai đáp lại nên cô làm y như những người đàn bà khác, cô giữ chặt dù mình rồi đâm sầm vào những chiếc dù đang lao tới. Chẳng ai buồn nói “Xin lỗi” bao giờ. Phần lớn họ cắm cúi đi tiếp, mặc dù đôi ba lần cô nghe tiếng chửi thề “Đồ bò!” hay “Tiên sư cha mày!” vẳng lại.
Những người đàn bà với vũ khí là chiếc dù trên tay, già có trẻ có, nhưng đám trẻ tuổi dường như vẫn là những nữ chiến sĩ vô cùng sắt thép. Tereza nhớ buổi đầu cuộc xâm lăng và những cô gái mặc váy ngắn tay cầm ngọn cờ chạy ngoài đường phố. Rửa hận bằng sắc dục: lính Nga, những tên lính bị cấm gần đàn bà suốt mấy năm dài chắn hẳn phải có cảm tưởng mình đang đặt chân đến hành tinh chỉ có trong truyện khoa học viễn tưởng, hành tinh nơi những cô gái phô bày lòng khinh miệt bằng những cặp đùi thon dài tuyệt mĩ cả năm sáu thế kỉ không thấy trên đất Nga.
Cô chụp nhiều bức ảnh các cô gái trẻ tuổi đó đứng trước họng súng xe tăng. Cô cảm phục họ xiết bao! Giờ đây chính những người đàn bà này đang dữ dằn và đầy ác ý đâm sầm vào cô. Thay vì ngọn cờ, họ cầm cây dù trên tay, nhưng hào khí trên mặt họ không đổi khác. Họ sẵn sàng chiến đấu ương ngạnh, dù đối đầu là đội quân xâm lăng hay cây dù khác không chịu ngoan ngoãn nhường lối cho họ đi.
Cô đi về phía quảng trường Phố Cổ – tháp chuông toà thánh đường Tyn, những dinh thự Gô-tích và Ba-rốc hình chữ nhật không đều. Toà thị sảnh khu Phố Cổ, xây từ thế kỉ mười bốn và có thời chiếm trọn một bề dãy phố, bị bỏ hoang phế suốt hai mươi năm qua. Warsaw, Dresden, Berlin, Cologne, Budapest – tất cả bị tàn phá tan hoang trong cuộc chiến vừa qua. Nhưng cư dân các thành phố đó bắt tay xây dựng lại từ đổ vỡ và họ còn bỏ ra biết bao công sức trùng tu các di tích lịch sử. Dân Praha mang mặc cảm tự ti với những thành phố nọ. Toà thị sảnh khu Phố Cổ là di tích duy nhất bị phá hủy trong chiến tranh, và họ quyết định giữ nguyên như thế để người Ba lan, người Đức không được phân bì ai khổ hơn ai. Phía trước quang cảnh điêu tàn đầy vinh quang đó, người ta dựng một khán đài để nhắc nhở thế hệ bây giờ cũng như mãi mãi mai sau về tội ác chiến tranh. Khán đài cũng là nơi đảng Cộng sản lùa dân Praha ra đứng khi cần hò hét hoan hô đả đảo cái gì.
Nhìn đống gạch vụn toà thị sảnh khu Phố Cổ, Tereza chạnh nhớ mẹ cô: con người cần phải phơi bày vẻ tàn tạ xấu xa, phải hô hoán nỗi thống khổ, phải giơ ra khúc tay cụt và ép cả thế giới này nhìn vào. Gần đây, hình như cái gì cũng quy vào nhắc nhở cô về bà mẹ. Thế giới mẹ cô, thế giới cô từ bỏ mười năm trước, hình như đang quay về vây bủa cô vào giữa. Đó là lí do tại sao sáng nay cô kể Tomas nghe câu chuyện mẹ cô đem quyển nhật kí ra làm trò cười giữa bàn ăn. Khi câu chuyện riêng tư giữa hai người bạn qua li rượu bị đem ra phát trên làn sóng điện, điều đó có khác gì thế giới đang biến thành trại tập trung?
Ngay khi còn thơ ấu, Tereza đã dùng tên gọi này để diễn tả cảm giác của cô về cuộc sống trong gia đình. Trại tập trung là thế giới nơi con người thường trực sống chen chúc bên nhau, ngày cũng như đêm. Hung tợn, thô bạo chỉ là những thuộc tính phụ (và bắt buộc phải có.) Trại tập trung đồng nghĩa với sự tước đoạt hoàn toàn mọi điều riêng tư. Prochazka, người không được phép ngồi uống rượu nói chuyện phiếm với bạn mình trong vòng riêng tư, là người sống (không hề hay biết – sai lầm chết người về phần ông!) trong trại tập trung. Tereza sống trong trại tập trung lúc cô sống dưới cùng mái nhà với bà mẹ. Ngay từ thuở nhỏ, cô đã biết trại tập trung chẳng có chi ghê gớm, đó là nơi chúng ta sinh ra và chúng ta chỉ có thể vượt thoát với nỗ lực phi thường nhất.
Ba tầng ghế dài trong phòng tắm hơi chật đến nỗi các bà các cô phải ngồi sát nhau. Bên cạnh Tereza là một bà trạc ba mươi tuổi có khuôn mặt rất xinh đẹp. Nhưng bộ ngực bà ta lại to lớn không thể tưởng được, cặp vú núng nính chảy xệ xuống từ hai vai, lắc lư theo mỗi cử động dù rất nhẹ. Khi bà ta đứng lên, Tereza thấy đôi mông bà vĩ đại như hai cái bao tải. Thân hình người đàn bà chẳng ăn nhập gì tới khuôn mặt xinh đẹp kia.
Có lẽ người đàn bà hay đứng trước gương nhìn ngắm thân hình mình, cố thấu thị tâm hồn mình qua cái thân xác đó như Tereza thường làm khi còn bé. Chắc hẳn bà ta cũng ấp ủ niềm hi vọng chân phước nhìn thấy tâm hồn mình qua tấm gương thể xác. Nhưng quả là một tâm hồn gớm ghiếc nếu nó phản ảnh qua thân hình như bốn cái túi treo lủng lẳng đó.
Tereza đứng dậy dội nước lên người. Đoạn cô bước ra ngoài trời. Cô vẫn thấy chóng mặt. Đứng đây, ngay dưới sàn gỗ là khu Vltava và cách biệt với thành phố ngoài kia nhờ bức tường gỗ cao rộng vài thước vuông, cô đưa mắt nhìn xuống chạm phải đầu người đàn bà cô vừa suy nghĩ đến. Đầu bà ta nổi dềnh trên dòng sông chảy mạnh.
Người đàn bà ngước mặt lên nhìn cô mỉm cười. Bà ta có cái mũi rất thanh tú, đôi mắt to nâu và nụ cười trẻ thơ.
Trong lúc bước lên cầu thang, những nét dịu dàng trên mặt người đàn bà bỗng nhường chỗ cho hai cái túi rung rinh bắn những giọt nước lạnh li ti hai bên phải, trái.
Tereza bước vào trong mặc áo quần rồi đứng trước tấm gương lớn.
Không, thân hình cô không có gì gớm ghiếc. Cô không có hai cái túi chảy xệ xuống từ hai vai; thật ra, ngực cô rất nhỏ. Mẹ cô hay trêu chọc về bộ ngực không mấy kích thước đó của cô, và cô mang mặc cảm này mãi cho đến khi gặp Tomas. Nhưng chưa hết, cô còn bị hành xác bởi hai vòng tròn thật lớn, thật đen đậm chung quanh đầu v. Giá cô có khả năng tự vẽ kiểu thân hình cho mình, chắc hẳn cô sẽ chọn loại đầu v thật mờ nhạt, chỉ hơi nhu nhú trên vòm ngực một chút và tiệp với màu da thịt khắp người. Cô có cảm tưởng đầu v cô là những vòng tròn đỏ thẫm của tấm bia tập bắn do tay thợ vẽ tranh khiêu dâm hạng tồi nào đó vẽ cho dân nhà nghèo xem.
Nhìn thân thể mình, cô phân vân tự hỏi không biết cô sẽ ra sao nếu mũi cô mỗi ngày dài thêm một mili-mét. Bao lâu khuôn mặt cô bắt đầu giống mặt người khác?
Và nếu các phần khác trên thân thể cô cũng bắt đầu nở ra hay teo lại và Tereza không còn như bây giờ, lúc đó cô còn là cô, còn là Tereza nữa hay không?
Dĩ nhiên còn. Ngay nếu Tereza hoàn toàn không còn là Tereza tâm hồn cô bên trong vẫn không đổi khác và nó sẽ kinh ngạc lắm khi nhòm ra thấy cái phần thể xác ngoài kia đang hoá thân.
Nếu vậy, tương quan giữa Tereza và thể xác cô sẽ là gì? Thể xác cô vẫn có quyền tự gọi là Tereza hay không? Nếu không, phải gọi nó là gì? Cái vô thể? Cái không thể đụng chạm?
(Đây là những câu hỏi vướng vít trong đầu Tereza ngay từ khi cô còn bé thơ. Đúng vậy, câu hỏi vô cùng hệ trọng là câu hỏi chỉ cần đứa trẻ cũng có thể đặt ra. Những câu hỏi ngờ nghệch nhất là những câu hỏi hệ trọng nhất. Đó là những câu hỏi không có câu trả lời. Câu hỏi không có câu trả lời là phòng tuyến không sức mạnh nào phá thủng. Nói cách khác, chính những câu hỏi không có câu trả lời đặt ra giới hạn những khả hữu, vạch biên cương cho sự hiện hữu của con người.)
Tereza đứng trước gương như bị mê hoặc. Cô nhìn vào thân xác mình như thể nó xa lạ với cô lắm. Xa lạ nhưng thuộc về chính cô chứ không ai khác. Cô thấy ghê tởm nó. Nó không đủ sức mạnh trở thành thân xác có một không hai trong cuộc đời Tomas. Nó dối gạt và làm cô thất vọng. Suốt đêm đó cô đã phải hít vào mùi háng một người đàn bà khác bốc lên từ mái tóc anh!
Đột nhiên cô muốn đuổi thân xác cô đi như người ta đuổi đầy tớ: chỉ để phần tâm hồn ở lại với Tomas còn phần thể xác, hãy đuổi quách nó về cái thế giới kia để nó sống như các thể xác đàn bà khác, luông tuồng chung đụng với thể xác đàn ông. Nếu thể xác cô thất bại trong cố gắng trở thành thể xác có một không hai của Tomas, tức là thảm bại trong trận chiến lớn nhất đời cô, nó cứ việc tự nhiên ra đi!
Cô về nhà và tự bắt mình đứng ăn trưa trong bếp. Ba giờ rưỡi chiều, đến giờ đi làm, cô tròng sợi dây vào cổ con Karenin rồi dẫn nó đi bộ (lại đi bộ) về phía ngoại ô thành phố. Cô làm việc trong quán rượu một khách sạn sau khi bị đuổi khỏi tờ tạp chí. Chuyện đó xảy ra vài tháng sau khi cô từ Zurich về: cuối cùng, họ cũng không tha cô về tội dám chụp hình xe tăng Nga. Cô có việc làm mới này là nhờ chỗ bạn bè quen biết, những người phải vào nương náu sau khi bị người Nga cho nghỉ việc: vị cựu giáo sư thần học trong phòng kế toán, ông đại sứ (ông lên truyền hình nước ngoài phản đối vụ xâm lăng) tại quầy tiếp tân.
Cô lại lo lắng về đôi chân mình. Thời kì còn làm hầu bàn tại nhà hàng ăn dưới tỉnh, cô vô cùng khiếp đảm khi nhìn những đường gân xanh vằn vện nổi trên da chân những bà hầu bàn luống tuổi, kết quả một đời người làm lụng lúc nào cũng đâm xấp bổ ngửa với vật nặng trên tay. Nhưng công việc mới của cô không đến nỗi cực nhọc: bắt đầu mỗi ca làm cô phải khệ nệ lôi ra những két bia và chai nước suối nặng chình chịch, nhưng sau đó cô chỉ phải đứng sau quầy rượu, rót rượu cho khách và rửa ráy li tách trong cái bồn nước nhỏ phía trong. Suốt thời gian cô làm việc, Karenin nằm ngoan ngoãn dưới chân cô.
Đã quá nửa đêm từ lâu lúc cô tính toán tiền nong xong xuôi và đem xấp biên lai đến giao cho người quản lí khách sạn. Sau đó cô ra chào ông đại sứ, ông làm ca đêm. Đằng sau quầy tiếp tân là căn phòng nhỏ có cái ghế bố cho ông ngả lưng. Trên tường phía trên cái ghế bố, ông treo không biết bao nhiêu khung ảnh. Có tấm ông đang bắt tay một nhân vật nào đó, mắt nhìn vào máy ảnh và miệng cười tươi tắn. Có tấm ông ngồi cùng bàn với nhiều người và họ đang kí kết cái gì đó. Có tấm có chữ kí đề tặng. Chỗ danh dự nhất trên tường, bên cạnh khuôn mặt chính ông là khuôn mặt Tổng thống John F. Kennedy đang nở nụ cười. Lúc Tereza bước vào phòng ông đêm đó, cô thấy ông không nói chuyện với Tổng thống Kennedy mà với người đàn ông tuổi trạc sáu mươi cô chưa bao giờ gặp mặt, người đàn ông đột nhiên im bặt khi thấy cô bước vào.
“Không sao đâu,” ông đại sứ nói. “Cô ấy là bạn, anh cứ việc tự nhiên.” Đoạn ông quay sang Tereza, “Con trai anh bạn tôi đây vừa bị kêu án năm năm tù.”
Thì ra trong những ngày đầu cuộc xâm lăng, anh con trai ông cùng vài người bạn giữ nhiệm vụ đứng canh chừng cổng ra vào toà nhà dùng làm nơi đặt bản doanh ban tham mưu quân đội Nga. Những người Tiệp ra vào toà nhà bắt buộc phải là tay sai của bọn xâm lăng Nga nên cậu trai và các bạn cậu theo dõi hành tung những người đó, ghi bảng số xe và chuyển các chi tiết này đến đài phát thanh và đài truyền hình thân Dubcek đang hoạt động bí mật chống Nga. Đài loan báo trên làn sóng điện để công chúng đề phòng. Trong lúc thi hành công tác cậu con trai ông và các bạn cậu đặc biệt chiếu cố khá tận tình đến một trong những tên Tiệp gian.
Người cha chép miệng, “Tấm hình này là bằng chứng buộc tội nó đây. Nó chối mãi cho đến lúc bọn chúng chìa tấm hình ra.”
Ông moi trong ví ra tấm hình cắt từ mặt báo. “Tôi cắt tấm hình này trên tờ Thời Báo số mùa thu .”
Tấm hình chụp cậu thanh niên đang nắm cổ một gã đàn ông và đám đông đứng đằng sau làm bối cảnh. “Tay sai cho kẻ thù đang bị trừng phạt” là lời ghi chú phía dưới.
Tereza thở phào nhẹ nhõm. Không, tấm hình không phải do cô chụp.
Trời Praha về khuya, trong lúc cuốc bộ về nhà bên cạnh con Karenin, cô nhớ những ngày xông xáo ngoài đường chụp hình xe tăng Nga. Bọn mình ngây thơ thật, cứ ngỡ đang liều mạng sống cho quê hương, đâu biết làm vậy chỉ tiếp tay cho bọn công an Nga.
Cô về đến nhà lúc một giờ rưỡi khuya. Tomas đang ngủ say. Tóc anh vẫn bốc mùi háng đàn bà.
Tán tỉnh là gì? Có thể nói đó là hành vi khiến người khác tin tưởng có thể sẽ có chuyện lên giường ngủ với nhau, cùng lúc lại ngăn ngừa, không cho điều đó biến thành sự thật. Nói cách khác, tán tỉnh là lời hứa hẹn sẽ có cuộc mây mưa nhưng không kèm theo bảo đảm nào.
Lúc Tereza đứng sau quầy rượu, những gã đàn ông cô hầu rượu thi nhau tán tỉnh ve vãn cô. Cô có bị quấy nhiễu bởi những lời tán dương nhăng nhít, những mẩu chuyện vu vơ, những câu tỏ tình sống sượng, những cái nhìn cái liếc không ngớt đó không? Không chút nào. Có cái gì thôi thúc khiến cô như muốn phô bày thân xác mình (thân xác cô muốn tống khứ quách về cái thế giới to rộng kia).
Tomas cố thuyết phục cô tình yêu và tình dục là hai cái gì hoàn toàn khác biệt. Cô không thèm hiểu. Giờ đây chung quanh cô là những gã đàn ông cô không chút quan tâm đến. Làm tình với những gã đàn ông này như thế nào nhỉ? Cô tò mò muốn thử, nhưng với điều kiện chỉ dưới hình thức một lời hứa hẹn không bảo đảm, lời hứa hẹn có tên gọi khác là tán tỉnh.
Chúng ta đừng hiểu sai ở đây: Tereza không hề muốn thả thù Tomas; cô chỉ mong tìm ra lối thoát cho chính mình để bước ra khỏi mê lộ cô đang lâm phải. Cô biết cô trở thành hệ lụy của Tomas: cô trầm trọng quá, với cô chuyện gì cũng có thể biến thành tấn thảm kịch, cô không thấu hiểu được sự hời hợt của tình yêu xác thịt. Cô ước mong xiết bao biết ra hời hợt là gì! Phải chi có người giúp cô bước ra cái vỏ xác lỗi thời đó của cô.
Có hạng đàn bà xem tán tỉnh ve vãn chỉ là cái gì thứ yếu, thường nhật, không đáng kể. Nhưng với Tereza nó trở thành môn học nghiên cứu với mục đích dạy cho cô biết cô là ai và cô có những khả năng nào. Nhưng vì quá trầm trọng, nó không hời hợt nữa mà trở nên o ép, dốc sức quá trớn. Cô làm xáo trộn sự cân bằng một lời hứa hẹn không có bảo đảm (nếu được giữ cho cân bằng sẽ là dấu hiệu sự tán tỉnh rất nhà nghề); cô hứa hẹn quá nhiệt tình, cô không chịu làm sáng tỏ lời hứa hẹn đó chẳng có chi bảo đảm. Nói cách khác, cô cho mọi người cảm tưởng cô ở đó sẵn sàng, nhưng khi những gã đàn ông đáp lại bằng cách đòi hỏi điều họ được hứa hẹn thì cô cương quyết chống cự chối từ, và để giải thích họ chỉ có thể gán lên cô nhãn hiệu cô là hạng đàn bà tà tâm dối trá.
Một hôm, một cậu trai chừng mười sáu tuổi sà vào ngồi trước quầy rượu. Cậu ta buông câu nói trong cuộc đối thoại bình thường nghe như đường vẽ trật trìa trong bức tranh, đường vẽ kéo dài ra không ổn tẩy xoá đi cũng không xong.
“Cặp đùi cô đẹp hết xảy!”
“Cậu nhìn xuyên qua gỗ được sao?” Cô trả đũa.
“Tôi thấy cô đi ngoài đường,” cậu ta trả lời, nhưng lúc đó cô bận bưng rượu cho người khách khác. Lúc cô quay lại, cậu ta gọi một li cô-nhắc. Cô lắc đầu.
“Tôi mười tám tuổi rồi mà.” Cậu ta phản đối.
“Cho tôi xem thẻ chứng minh nhân dân.”
“Không.” Cậu trai trả lời.
“Vậy thì một li nước ngọt nhé.”
Không nói không rằng, cậu ta đứng dậy bước ra khỏi quán. Chừng nửa giờ sau cậu ta quay lại, hơi thở sặc mùi rượu. Cậu ta ngồi xuống và ra lệnh, “Cho tôi li nước ngọt.”
“Cậu say quá rồi.” Tereza nói.
Cậu trai giơ tay chỉ tấm biển treo trên tường sau lưng Tereza: Cấm Bán Rượu Cho Thanh Thiếu Niên. “Cô không được phép bán rượu cho tôi,” cậu ta miệng nói tay đưa sang chỉ vào Tereza, “Nhưng có ai cấm tôi không được quyền say sưa đâu.”
“Cậu đi đâu uống rượu vậy?” Tereza hỏi lại.
“Quán rượu bên kia đường,” cậu ta nói, miệng cười, và lại đòi li nước ngọt.
“Tại sao cậu không ở luôn bên đó?”
“Vì tôi muốn nhìn mặt cô,” cậu ta vẫn lè nhè. “Tôi yêu cô.”
Trong lúc nói mặt mũi cậu ta méo mó rất khó coi khiến Tereza khó phân biệt cậu ta đang chế nhạo, tấn công hay chớt nhả với mình. Hay chỉ vì cậu ta say quá và chẳng biết mình đang lảm nhảm nói điều gì?
Cô đem đến li nước ngọt đặt trước mặt cậu trai rồi bỏ ra chỗ khác. Hình như sau câu nói “Tôi yêu cô” cậu ta cạn sạch vốn liếng nên chỉ biết yên lặng ngồi nốc hết li nước xong móc tiền bỏ lên quầy đoạn lẳng lặng rút lui êm trước khi Tereza có thì giờ ngước lên nhìn.
Một chặp sau khi cậu trai ra khỏi quán, một gã đàn ông người thấp lùn đầu hói uống tới li vốt-ka thứ ba, ngước lên bảo cô, “Cô nên biết bán rượu cho thanh thiếu niên như vậy là vi phạm pháp luật.”
“Tôi đâu có bán rượu cho cậu ấy! Nước ngọt mà!”
“Chính mắt tôi thấy cô rót rượu vào li.”
“Ông ăn nói cái gì vậy?”
“Cho tôi li vốt-ka khác,” gã đàn ông đầu hói nói tiếp, “Mắt tôi vẫn theo dõi cô từ hồi nào đến giờ.”
“Nếu vậy tại sao ông không chịu ngồi yên thưởng thức nét đẹp một người đàn bà và khoá mồm mình lại?” Một gã đàn ông khác dáng người cao ráo chợt xen vào, gã bước đến quầy rượu đúng lúc quan sát mọi chuyện xảy ra.
“Không việc gì ông phải xen vào chuyện này!” Gã đàn ông đầu hói quát to.
“Cho tôi hỏi việc của ông trong chuyện này là gì?” Gã đàn ông dáng người cao trả miếng ngay.
Tereza rót li vốt-ka cho gã đàn ông đầu hói. Gã đưa lên miệng ực một hơi hết sạch, trả tiền rồi bước khỏi.
“Cám ơn ông.” Tereza nói với gã đàn ông dáng cao.
“Có gì đâu cô.” Gã trả lời rồi cũng bỏ đi.
Mấy hôm sau, gã trở lại quán rượu. Thấy gã, cô nở nụ cười như gặp người quen. “Cám ơn ông lần nữa. Cái lão đầu hói đó vô đây hoài. Lão ta khó chịu lắm.”
“Cô quên hắn ta đi.”
“Tôi không hiểu tại sao lão ấy muốn hại tôi?”
“Hắn ta chỉ là thằng say. Cô quên hắn đi.”
“Vâng, nếu ông bảo vậy.”
Gã đàn ông nhìn thẳng vào mắt cô. “Cô hứa nhé?”
“Tôi hứa.”
“Tôi thích nghe cô hứa hẹn với tôi.” Gã nói trong lúc mắt vẫn nhìn vào mắt cô.
Sự tán tỉnh đang diễn ra: hành vi khiến người khác tin tưởng cuộc mây mưa có thể xảy ra, nhưng chính sự có thể đó vẫn còn trong lí thuyết, vẫn còn treo lơ lửng nơi đâu.
“Người xinh đẹp như cô sao lại chui vào cái xó xỉnh tối tăm dơ dáy nhất Praha này?”
“Còn ông?” Cô phản công. “Ông đang làm gì ở cái xó xỉnh tối tăm dơ dáy nhất Praha này?”
Gã bảo nhà gã gần đây. Gã làm nghề kĩ sư và hôm nọ chỉ tình cờ tạt vào quán trên đường từ sở làm về nhà.
Khi Tereza nhìn Tomas, mắt cô không nhìn vào mắt anh mà chiếu vào phần trên đó mấy phân, vào mái tóc anh nơi mùi háng đàn bà bốc lên. “Em chịu đựng hết nổi rồi, Tomas ạ. Em biết em chẳng nên trách cứ anh điều gì. Từ khi vì em anh quay về Praha, em tự cấm, không cho mình ghen tuông. Nhưng em không đủ sức chống giữ mãi như vầy. Giúp em với, anh làm ơn giúp em.”
Anh khoác tay cô đoạn dìu cô đến khu công viên nơi nhiều năm trước hai người thường ra đi dạo. Công viên có những chiếc ghế dài sơn màu vàng xanh đỏ. Hai người ngồi xuống. “Anh hiểu em. Anh biết em muốn gì.” Tomas bảo cô. “Anh đã lo liệu mọi bề. Còn em, em chỉ cần leo lên đỉnh đồi Petrin.”
“Đỉnh đồi Petrin?” Cô ngạc nhiên vô cùng. “Tại sao lại đồi Petrin?”
“Khi lên đó em sẽ thấy.”
Cô bực dọc với ý tưởng phải leo lên ngọn đồi. Thân xác cô yếu ớt đến độ cô cảm thấy vô cùng khó nhọc nhấc mình ra khỏi ghế. Nhưng cô không có quyền cãi lệnh Tomas. Cô lấy hết sức duỗi chân đứng dậy.
Cô quay lại nhìn. Tomas vẫn ngồi trên ghế dài, nhìn theo cô miệng cười rạng rỡ. Anh giơ tay vẫy vẫy như khuyến khích cô hãy bước tới.
Đến chân ngọn đồi Petrin, cái mỏm đất xanh rì sừng sững giữa lòng Praha, cô ngạc nhiên thấy vắng ngắt bóng người. Lạ thật, bởi vào những lúc khác có đến nửa dân số Praha túa ra đây. Cô lo sợ trong bụng. Nhưng ngọn đồi yên ả quá và sự yên ả dễ chịu đến nỗi cô có cảm tưởng như muốn buông người vào để nó ôm chầm lấy cô. Trong lúc leo lên đồi, thỉnh thoảng cô ngừng chân ngoái đầu nhìn lại: phía dưới là tháp đài, cầu cống; những ông thánh đang khoa nắm tay và ngước đôi mắt đá lên nhìn mây. Praha quả là thành phố đẹp nhất hoàn cầu.
Cuối cùng cô lên đến đỉnh đồi. Đằng sau những quầy bán kem và kỉ vật (không quầy nào mở cửa bán hàng) là bãi cỏ rộng cây cối mọc đây đó lưa thưa. Cô thấy có bóng người qua lại trên thảm cỏ. Càng đến gần, chân cô càng chậm. Có sáu người cả thảy. Kẻ đứng, người đi nhàn tản như những tay chơi gôn đang quan sát bãi cỏ chuẩn bị tinh thần cho cuộc tranh tài sắp tới.
Cuối cùng cô đến gần họ. Trong số sáu người đàn ông có ba người đóng vai trò cô đang đóng: họ nôn nả, tỏ vẻ sốt ruột như muốn mở miệng hỏi han điều gì nhưng lại sợ gây phiền hà nên cố giữ lại và đành nhìn với con mắt dọ hỏi đợi chờ. Ba người kia khuôn mặt toát ra vẻ từ tâm độ lượng. Một người ôm khẩu súng dài trong tay. Trông thấy Tereza, ông giơ tay vẫy cô lại miệng nở nụ cười, “Đúng nơi đây rồi đấy.”
Cô khẽ gật đầu xác nhận nhưng trong lòng vẫn thấy mười phần lo lắng. Người đàn ông lại nói: “Để biết chắc không nhầm lẫn, chúng tôi xin hỏi có phải chính cô tự ý lên đây tìm gặp chúng tôi?”
Tereza có thể dễ dàng cải chính, “Không, không. Tôi đâu có tự ý dẫn xác lên đây bao giờ!” nhưng Tomas sẽ thất vọng biết bao nếu cô nói vậy! Cô sẽ phải ăn nói giải thích như thế nào khi về nhà đối diện Tomas? Và vì thế cô bảo người đàn ông, “Vâng, dĩ nhiên rồi, chính tôi tự ý lên đây.”
Người đàn ông tay ôm khẩu súng nói tiếp, “Để tôi giải thích cô nghe tại sao tôi cần biết điều đó. Chúng tôi làm công việc này chỉ khi nào biết chắc chắn người đến với chúng tôi là người tự ý đi tìm cái chết. Chúng tôi xem đây là một ân huệ.”
Ông vẫn nhìn cô với đôi mắt soi mói dọ hỏi khiến cô phải trấn an ông lần nữa, “Không, không. Ông đừng lo. Chính tôi tự chọn như thế.”
“Cô muốn đi trước không?” Ông hỏi cô.
Vì muốn kéo dài thời gian chờ đợi thời điểm bị hành quyết cô trả lời, “Không, không, tôi không muốn đi trước. Nếu có thể tôi xin là người đi sau cùng.”
“Được, nếu cô muốn vậy.” Nói xong ông quay sang người khác. Những người phụ tá ông không có vũ khí trong tay; nhiệm vụ họ chỉ là đưa dắt những kẻ đang đi tìm cái chết. Họ nắm cánh tay những người này rồi dẫn họ đi băng qua bãi cỏ. Bãi cỏ rộng thênh thang, xanh biếc tận chân trời. Kẻ bị hành quyết có quyền chọn mỗi người một gốc cây. Đến gốc cây nào họ cũng dừng lại ngắm nghía mà vẫn chưa tìm ra gốc vừa ý. Cuối cùng hai người chọn hai cây dương ngô đồng còn người thứ ba lòng vòng đi mãi, như thể không gốc cây nào xứng đáng là nơi ông ta gửi gấm cái chết của mình. Người phụ tá nắm cánh tay ông ta kiên nhẫn bước theo đến khi ông ta không còn can đảm đi thêm và dừng lại trước một cây phong cành lá tươi tốt sum suê.
Đoạn họ lấy khăn bịt mắt ba người đàn ông.
Thế rồi ba người đàn ông, mắt bịt kín, mặt ngửng lên trời xanh, lưng dựa vào ba gốc cây trên bãi cỏ bao la.
Người cầm súng giơ nòng súng và bóp cò. Không một tiếng động nào vang lên ngoài tiếng chim ríu rít hót trên cây: khẩu súng như có gắn bộ phận hãm thanh. Cảnh vật yên ả trầm lắng ngoại trừ hình ảnh người đàn ông lưng dựa gốc cây phong đột nhiên gục xuống.
Vẫn không tiến thêm một bước, người hành quyết quay sang hướng khác, và thêm xác người nữa lặng lẽ co rúm. Vài giây sau (chỉ thấy người hành quyết khẽ xoay người), đã thấy người đàn ông thứ ba nằm sóng sượt trên thảm cỏ.
Một người phụ tá tiến đến Tereza; ông cầm trong tay chiếc khăn màu xanh dương đậm.
Cô hiểu ông đang định bịt mắt cô. “Đừng,” cô lắc đầu. “Tôi muốn nhìn.”
Nhưng đó không phải là lí do thật cô không chịu bịt mắt. Cô đâu phải hạng anh thư quyết tâm trừng mắt nhìn họng súng đội hành quyết. Giản dị, cô chỉ muốn kéo dài thời gian trước cái chết. Một khi hai mắt bị bịt kín, cô lọt vào phòng đợi của tử thần mất rồi, và từ đó cô sẽ mất hẳn lối về.
Người đàn ông không ép buộc cô; ông ta chỉ nắm cánh tay cô rồi dẫn đi. Nhưng Tereza đi mãi vẫn chưa tìm được gốc cây như ý. Không ai hối thúc nhưng cô biết cuối cùng cô vẫn không sao tránh được cái chết cận kề. Trông thấy một cây dẻ đang ra hoa trước mặt, cô đến đứng dưới gốc cây. Cô dựa lưng vào thân cây rồi ngửng đầu lên nhìn. Cô thấy tàn lá rực rỡ dưới ánh dương quang; cô nghe tiếng thành phố, êm ái và ngọt ngào như hàng ngàn cây vĩ cầm từ xa vẳng lại.
Người đàn ông giơ khẩu súng lên.
Tereza thấy lòng can đảm cứ thế nhụt dần. Tính yếu đuối dồn cô vào trạng huống tuyệt vọng, nhưng cô không biết phải làm gì để chống chõi. “Ô hay, tôi có tự ý đến đây bao giờ đâu!”
Ông ta lập tức hạ nòng súng xuống và giọng nói vẫn từ tốn nhẹ nhàng, “Nếu cô không tự ý lên đây tìm chúng tôi thì chúng tôi không thể thi hành công tác này được. Chúng tôi không có quyền hạn đó.”
Ông ta nói năng tử tế như thể cáo lỗi cùng Tereza đã không có khả năng cho cô phát đạn vì đó không phải là điều cô lựa chọn. Sự tử tế của ông làm Tereza thấy tâm can mình chấn động, cô úp mặt vào thân cây rồi bật lên tiếng khóc.
Toàn thân cô run lên theo tiếng khóc nức nở. Cô ôm thân cây như thể nó không phải là thân cây mà là người cha quá cố từ lâu hay người tổ phụ cô chưa từng biết mặt, cái vỏ cây sần sùi bỗng biến thành khuôn mặt ông già râu tóc bạc phơ bước ra từ quá khứ mịt mù an ủi vỗ về cô.
Lúc cô ngừng khóc quay đầu lại ba người đàn ông đã bỏ đi từ lâu. Họ vẫn chậm chạp thả bước trên đồi cỏ như những tay chơi gôn nhàn tản. Người giữ khẩu súng dài còn cầm nó trên tay như người ta cầm cây gậy đánh gôn.
Trong lúc quay gót trở xuống chân đồi Petrin, cô miên man suy nghĩ về người đàn ông lẽ ra đã cho cô phát súng ân huệ kia. Chao ơi, cô mong đợi ông biết dường nào! Dẫu sao, phải có người giúp cô đứng dậy chứ! Tomas không chịu giúp lại còn đẩy cô vào chỗ chết. Nhất định phải có người khác giúp đỡ cô!
Càng về gần thành phố cô càng mong nhớ người đàn ông với khẩu súng dài và càng hãi sợ Tomas. Anh sẽ chẳng bao giờ tha thứ cô vì cô dám cãi lời anh. Anh sẽ chẳng bao giờ tha thứ hành động hèn nhát và tính phản trắc của cô. Về đến con đường nhà mình, chỉ còn một hai phút đồng hồ nữa cô phải đối diện anh. Cô sợ phải gặp anh đến nỗi ruột gan cô quặn thắt và cô có cảm tưởng cô đang ngã bệnh.
Gã đàn ông làm nghề kĩ sư bắt đầu mời mọc dụ dỗ cô lên phòng gã. Hai lần đầu cô từ chối nhưng lần thứ ba cô nhận lời.
Sau bữa ăn trưa đứng trong bếp như thường lệ, cô ra khỏi nhà. Lúc đó khoảng trước hai giờ chiều.
Gần đến nhà gã cô thấy đôi chân mình không tự chủ được nữa mà cứ quýnh quíu vào nhau.
Nhưng thốt nhiên cô nhận ra chính Tomas là người đẩy cô đến đây. Có phải chính anh đã nói đi nói lại không biết bao nhiêu lần tình yêu và xác thịt là hai cái gì hoàn toàn khác biệt? Cô chỉ thử nghiệm câu nói của anh thôi, cô đang tìm cách minh chứng câu nói đúng hay sai sự thật. Tai cô còn văng vẳng câu nói, “Anh hiểu em. Anh biết em muốn gì. Anh đã lo liệu mọi bề. Em sẽ thấy khi em đặt chân lên đó.”
Vâng, cô chỉ ngoan ngoãn vâng lời Tomas thôi.
Cô không định ở lại lâu; vừa vặn để uống cạn tách cà phê; vừa vặn để thấy cảm giác đứng tại biên giới sự phản bội ra sao. Cô sẽ nhích người ra mấp mé bến bờ đó trong thoáng chốc, và rồi khi gã đàn ông quàng hai tay lên người cô, cô sẽ bảo gã như cô phân trần với người đàn ông trên đồi Petrin, “Ô hay, tôi đâu có tự ý đến đây.”
Lúc đó gã sẽ hạ nòng súng xuống và nói với cô bằng giọng nói ôn nhu từ tốn, “Nếu cô không tự ý lên đây tìm chúng tôi thì chúng tôi không thể thi hành công tác này được. Chúng tôi không có quyền hạn đó.”
Rồi cô sẽ úp mặt vào thân cây và bật lên tiếng khóc.
Khu nhà xây hồi đầu thế kỉ trong khu lao động của Praha. Cô bước vào, hai bên tường dơ bẩn. Lần theo bậc cầu thang đá mòn nhẵn, cô lên lầu rồi quẹo về phía trái. Phòng thứ hai, không bảng tên, không chuông bấm. Cô giơ tay gõ cửa.
Gã đàn ông ra mở cửa.
Nhà chỉ có một phòng. Tấm màn ngăn đôi phòng ngoài và phòng trong. Bàn, bếp điện và tủ lạnh. Vén màn bước vào trong, cô thấy gian phòng hẹp lại, một bên là kệ sách, bên kia cái giường nhỏ và cái ghế bành kê sát nhau. Cuối phòng là khung cửa sổ hẹp nhìn ra ngoài trời.
“Chỗ tôi ở giản dị lắm,” Gã đàn ông bảo cô. “Tôi hi vọng cô không thấy chán.”
“Không, không. Ông nói quá lời.” Tereza bảo gã trong lúc đứng nhìn lên kệ sách che kín mít bức tường. Gã đàn ông không có bàn viết nhưng có đến hàng trăm quyển sách. Cô thích nhìn sách, và nỗi lo sợ trong người giảm đi đôi chút. Từ lúc trẻ, cô đã xem sách vở là biểu tượng tình thân anh em. Người đàn ông có tủ sách như vầy chẳng lẽ gia hại cô sao?
Gã hỏi cô muốn dùng gì. Rượu vang không?
Không, không, đừng đem rượu ra. Cà phê được rồi.
Gã lách mình sau tấm màn, cô vẫn đứng xem tủ sách. Một quyển sách làm cô chú ý ngay. Đó là bản dịch quyển Oedipus của Sophocles. Quả là chuyện hi hữu! Nhiều năm trước, Tomas mua tặng cô quyển sách đó, và sau khi cô đọc xong anh nói đi nói lại về nó. Rồi anh gói ghém ý tưởng mình trong bài viết gửi đăng báo và bài báo đảo lộn cuộc sống hai người. Nhưng giờ đây chỉ cần nhìn vào gáy quyển sách cô đã thấy lòng mình dịu êm hẳn lại. Quyển sách cho cô cảm giác như thể Tomas cố tình để lại dấu vết, sắp sẵn thông điệp sự có mặt của cô nơi đây là do chính anh định đoạt. Cô cầm quyển sách xuống và lật ra xem. Khi gã đàn ông trở lại, cô sẽ hỏi lí do nào gã có quyển sách, gã đọc nó hay chưa, và gã nghĩ gì về nó. Đó là mưu kế cô dùng để chuyển biến câu chuyện ra khỏi vùng đất nguy hiểm trong nhà kẻ lạ thành thế giới gần gũi thân quen tràn đầy những ý tưởng Tomas hằng suy ngẫm.
Cô thấy bàn tay gã đặt lên vai mình. Gã lấy quyển sách trong tay cô, không nói không rằng đặt nó trở lại kệ rồi dìu cô ra giường.
Một lần nữa cô nhớ câu nói cô phân trần với người xử bắn trên đồi Petrin và cô kêu to, “Nhưng tôi đâu có tự ý đến đây!”
Cô tin tưởng câu nói là công thức kì diệu lập tức sẽ thay đổi trạng huống, nhưng trong căn phòng đó câu nói hoàn toàn mất hết sức mạnh mầu nhiệm. Tôi có cảm tưởng câu nói còn làm gia tăng sức lực gã đàn ông khiến gã cương quyết hơn: gã ép người sát vào cô và đặt tay lên ngực cô.
Kể cũng lạ, khi bàn tay gã chạm vào ngực cô, lập tức mọi lo sợ còn sót lại trong người cô đột nhiên tan biến. Bởi bàn tay gã đàn ông chỉ chạm vào thân xác cô thôi, còn chính cô (tâm hồn cô) thì chẳng hề dính dáng. Chỉ có thân xác, cái thân xác phản bội cô đã vất ra thế giới ngoài kia cho nó chung chạ với các thân xác khác từ lâu lắm rồi.
Gã cởi khuy áo thứ nhất rồi ra dấu bảo cô cởi tiếp. Cô không chịu. Cô vất thân xác cô rồi, cô đâu còn trách nhiệm gì về nó nữa. Cô không chống cự hành động gã đàn ông mà cũng không tiếp tay gã, tâm hồn cô tuyên bố tuy nó không tha thứ chuyện đang xảy ra nhưng nó quyết định đứng vào vị thế trung lập.
Cô gần như bất động trong lúc gã lần tay cởi quần áo cô. Lúc gã hôn cô, đôi môi cô không đáp lại. Nhưng đột nhiên cô thấy phần dưới mình ẩm ướt, cô bỗng lên cơn hoảng sợ.
Sự kích thích càng mạnh hơn vì cô bị kích thích ngược với ý chí. Nói cách khác, mặc dù cố tình che giấu, tâm hồn cô quả có dung thứ chuyện đang xảy ra. Nhưng cô cũng biết thêm là để cảm giác kích thích này tiếp tục, sự đồng thuận của tâm hồn phải giảm đi. Một khi nó lớn tiếng tán trợ, một khi nó cố tình xen vào giữ vai trò chủ động trong cuộc mây mưa, lập tức sự kích thích sẽ mau chóng tàn lụi. Bởi tâm hồn bị khích động là lúc thể xác đi ngược lại ý chí, thể xác phản bội ý chí trong lúc tâm hồn đứng xem.
Đoạn gã kéo quần lót cô xuống và cô hoàn toàn loã thể. Khi tâm hồn nhìn thấy thể xác trần truồng nằm trong tay kẻ lạ, nó có cảm giác khó tin như đang quan sát Hoả tinh ở khoảng cách thật gần. Dưới ánh sáng của sự khó tin đó, lần đầu tiên tâm hồn thấy thể xác không hẳn là cái gì tầm thường, vô vị; lần đầu tiên nó nhìn thể xác với cảm giác say đắm lạ thường. Tất cả những đặc điểm của một thể xác duy nhất, có một không có hai trên đời, không thể xác nào bắt kịp, không thể xác nào bắt chước được, đột nhiên hiện ra trước mắt. Đây không phải là thể xác tầm thường như bao thể xác khác (cho đến lúc đó tâm hồn vẫn xem vậy); đây là một thể xác khác thường, nó đặc biệt hơn bất cứ thể xác nào khác. Tâm hồn đừng tưởng có thể ngoảnh mặt không thèm nhìn vết bớt hằn trên thể xác, cái tì vết tròn tròn màu nâu nằm phía trên khoảng tam giác mịn lông. Nó nhìn vết hằn như con dấu, con dấu thánh thiện in sâu đậm trên thể xác, và giờ đây dương vt một kẻ lạ mặt đang thô bạo tìm cách tiến đến gần.
Nhìn chòng chọc vào mặt gã đàn ông, cô nhận ra cô sẽ không bao giờ cho phép thể xác cô, thể xác tâm hồn cô để lại vết hằn, tiếp nhận niềm hoan lạc từ vòng tay kẻ cô không quen biết hay không muốn quen biết. Cô thấy lòng khinh miệt tràn ứ lên. Cô lấy sức phun bãi nước bọt vào mặt kẻ lạ. Gã cũng đang chú tâm quan sát cô như cô quan sát gã. Khi thấy cô lên cơn giận dữ, gã hối hả nhấp nhổm trên người cô nhanh hơn. Tereza thấy dường như cơn khoái lạc đang từ xa dần dần ùa lại. Cô kêu lên, “Không, không, không!” để cố chống cự, kềm hãm xuống. Nhưng càng chống cự, càng kềm hãm, càng muốn đè nén khoái cảm, khoái cảm càng dằng dai ở lại thể xác cô, tuôn chảy trong mạch máu cô như liều moọc-phin. Cô giẫy giụa trong tay gã đàn ông, hai nắm tay vung lên trong không khí và cô đập đánh chát một cái vào mặt gã.
Ở thời đại mới toa-lét phòng tắm trắng trẻo như những bông hoa huệ nước. Kiến trúc sư vẽ kiểu ngôi nhà tìm mọi cách cho người ta quên bẵng thân thể mình dơ dáy dường nào, để người ta không phải quan tâm đến những cặn bã ruột gan thải ra sau khi dội nước trôi sạch xuống ống cống. Mặc dù ống cống chạy khắp nhà nhưng nó được che giấu kĩ lưỡng và chúng ta sung sướng không phải nhìn thấy nguyên một Venice đầy cứt đái nằm bên dưới nhà tắm, phòng ngủ, phòng khiêu vũ, toà nhà Quốc hội của chúng ta.
Phòng tắm căn gác trong khu lao động ngoại thành Praha không được ngụy trang khéo léo như thế: sàn lát gạch màu xám và toa-lét rộng bề ngang nhưng thấp lè tè. Trông nó chẳng giống bông hoa huệ nước chút nào, nó chỉ là miệng cái ống cống thông xuống bên dưới. Ngay bàn cầu gỗ cũng không có, Tereza phải ghé mông ngồi lên rìa bồn tráng men lạnh lẽo.
Cô ngồi đó trong nhà cầu, đột nhiên cô muốn đi tiêu. Thật ra, đó chỉ là ý muốn tiến đến cực điểm của nhục nhã, biến thành một thân xác đần độn, thân xác bà mẹ cô lúc xưa vẫn cho là chẳng được tích sự gì ngoài chuyện tiêu hoá và bài tiết. Trong lúc ngồi bài tiết, nỗi buồn và niềm cô độc vô hạn dâng lên tràn ngập tâm hồn cô. Chẳng gì thê thảm hơn hình ảnh thân thể trần truồng của cô ngồi bấp bênh trên miệng ống cống loe rộng.
Tâm hồn cô không còn lòng hiếu kì của kẻ bàng quan nữa, nó cũng mất đi tính âm độc và lòng kiêu ngạo; nó lại rút về ẩn nấp thật sâu trong thể xác và nằm đợi chờ trong tuyệt vọng ai đó gọi ra.
Cô đứng dậy, dội nước cầu đoạn trở ra phòng ngoài. Tâm hồn cô run rẩy trong thể xác, cái thể xác trần truồng bị coi thường, khinh rẻ. Cảm giác lúc chùi đít dường như cô vẫn thấy lờm nhờm bên dưới.
Thốt nhiên cái gì không quên được chợt xảy ra: bùng lên trong cô cảm giác cô muốn nghe tiếng gã nói. Giả như gã thủ thỉ vào tai cô những lời êm ái, rất có thể tâm hồn cô sẽ can đảm chui ra khỏi thể xác, và cô sẽ bật lên tiếng khóc. Cô sẽ ôm choàng hai tay quanh người gã như cô ôm gốc cây dẻ sần sùi trong giấc mơ kia.
Đứng đó, cô cố hết sức không bật tiếng khóc trước mặt gã. Cô biết nếu làm vậy, hậu quả sẽ tai hại vô cùng. Cô đến yêu gã mất thôi.
Ngay lúc đó, gã cất tiếng gọi cô. A, đến bây giờ cô mới nghe tiếng nói của gã (tiếng nói tách li khỏi thân hình cao lớn), cô kinh ngạc vô cùng: giọng gã cao và mỏng. Sao cô vô tâm đến thế? Bấy lâu rồi cô không để ý đến điều đó ư?
Có lẽ sự ngạc nhiên khi nhận ra giọng nói không mấy truyền cảm đó đã cứu cô khỏi cám dỗ. Cô bước vào phòng, nhặt quần áo mặc vội lên người rồi ra khỏi nhà.
Cô mua sắm xong và đang trên đường về nhà. Karenin ngậm ổ bánh trên mõm như thường lệ. Sáng hôm đó trời lạnh, tuyết rơi nhẹ. Cô đi ngang một khu chung cư. Xen giữa những toà nhà cao tầng là những mảnh đất nhỏ người ta trồng hoa hay rau cỏ. Karenin đột nhiên đứng khựng lại, hai mắt nhìn chằm chặp vào vật gì. Cô nhìn theo nhưng chẳng thấy gì bất thường. Nó chạy kéo cô theo sau và khi đến gần cô mới nhìn ra vật lạ. Từ dưới mặt đất trong mảnh vườn trơ trụi khô cằn nhô lên đầu và mỏ một con quạ đen. Đầu con quạ hấp hối nhấp nhô lên xuống và mỏ nó thỉnh thoảng quác ra tiếng kêu thảm thiết.
Karenin nhẩy cẫng lên đến nỗi đánh rơi ổ bánh. Tereza cột nó vào gốc cây để nó không hại đến con quạ. Đoạn cô quì xuống cố đào xới chỗ đất nện chặt chôn sống con quạ. Không dễ như cô tưởng. Cô làm gãy một móng tay. Máu ứa ra.
Bỗng có hòn đá ai ném rơi gần đó. Cô quay lại và bắt gặp hai đứa bé trai chừng chín mười tuổi đang thập thò sau bức tường. Cô đứng dậy. Hai đứa trẻ thấy cô dợm chân, lại thấy con chó cạnh gốc cây, chúng liền bỏ chạy.
Cô trở lại tiếp tục cào xới đám đất. Cuối cùng cô lôi được con quạ ra khỏi mồ chôn nó. Nhưng con quạ nằm ì một chỗ chứ không đi đứng hay cất cánh bay lên nổi. Cô lấy chiếc khăn phu la màu đỏ đang quấn trên cổ phủ trùm con quạ rồi ôm nó vào lòng. Tay trái ôm con quạ, tay phải cô nắm sợi dây xích cổ con Karenin. Phải vận hết sức lực cô mới ghìm nó xuống được.
Cô nhấn chuông cửa vì chẳng còn tay nào mở khoá. Tomas mở cửa cho cô vào. Cô đưa anh sợi dây xích chó bảo anh cầm lấy rồi ôm con quạ vào phòng tắm. Cô đặt nó dưới sàn. Nó yếu ớt đập đôi cánh hai ba cái, nhưng chỉ được thế. Chất nước vàng đặc sệt rỉ ra từ thân nó. Cô gom mấy miếng giẻ làm ổ cho nó nằm để nó khỏi bị lạnh. Thỉnh thoảng con quạ đập đập đôi cánh thương tích và ngóc mỏ lên kêu như quở trách ai.
Cô ngồi thừ người trên thành bồn tắm, mắt nhìn con quạ đang giẫy chết. Trong nỗi hiu quạnh và thê lương đó cô như nhìn thấy định mệnh đời cô, và cô lẩm bẩm nhiều lần trong miệng, Mình đâu còn ai nữa trên cõi đời này ngoài Tomas.
Cuộc phiêu lưu với gã đàn ông làm nghề kĩ sư có dạy cô bài học chuyện xác thịt nhăng nhít chẳng qua chỉ là chuyện qua đường, không quan hệ chi đến tình yêu không? Rằng đó chỉ là cái gì vô trọng lượng và nhẹ như tơ? Cô có thấy tâm hồn mình yên ổn hơn không?
Hoàn toàn không.
Đầu óc cô cứ hình dung ra cảnh tượng sau: Từ phòng tắm bước ra, thể xác cô đứng đó, trần truồng và kinh tởm. Còn tâm hồn cô thì run rẩy, kinh hãi, chìm ngập dưới cặn bã của chính cô. Giá lúc đó gã đàn ông ở phòng ngoài gọi đúng tâm hồn cô, cô sẽ oà lên khóc và lăn xả vào vòng tay gã.
Cô tưởng tượng giả thử cô gái đứng bên trong là một trong những người tình của Tomas và gã đàn ông bên ngoài là chính anh. Anh chỉ cần thốt lên tiếng gọi, vỏn vẹn một tiếng thôi, cô gái sẽ chạy ào ra ôm chầm lấy anh và nước mắt tuôn rơi.
Tereza biết rõ chuyện gì xảy ra khi tình yêu ra đời: người đàn bà không cưỡng được tiếng gọi đang kêu gọi tâm hồn khiếp hãi của mình; người đàn ông không cưỡng được người đàn bà mà tâm hồn đã đáp lại tiếng gọi đó. Tomas không có vật tự vệ trong tay để cưỡng lại sự quyến rũ của tình yêu, và Tereza hãi sợ cho anh từng giây từng phút.
Vũ khí cô có trong tay là gì? Có gì đâu ngoài tấm lòng chung thủy. Và cô hiến dâng anh điều đó ngay từ buổi đầu, ngay từ ngày đầu, như thể cô biết mình chẳng có gì khác cho anh. Tình yêu hai người là cấu trúc bất đối xứng đến kì lạ: nó được chống đỡ bởi sự khẳng định tuyệt đối tấm lòng chung thủy của cô như toà lâu đài khổng lồ được chống đỡ bằng cột trụ duy nhất.
Chẳng bao lâu, con quạ ngừng đập cánh, nó nằm bất động, thỉnh thoảng co giật hai cái chân gãy. Tereza không chịu rời nó. Cô ngồi nhìn như thể nó là người em bất hạnh đang qua đời. Tuy vậy, cuối cùng cô cũng ra bếp tìm cái gì ăn cho đỡ đói.
Khi cô trở lại, con quạ đã chết cứng.
Năm đầu yêu Tomas, mỗi lần ân ái Tereza hét thật to. Tiếng hét, như tôi thuật, có mục đích khiến mọi giác quan trở nên mù loà, tê liệt. Dần dà cô hét ít đi, nhưng tâm hồn cô vẫn bị tình yêu làm mù loà, nó vẫn đắm chìm trong tăm tối. Làm tình với người đàn ông không có tình yêu, cuối cùng tâm hồn cô mở mắt ra.
Lần đi tắm hơi sau đó, như thường lệ cô lại đứng trước gương, nhìn vào chính mình, hồi tưởng cuộc chơi yêu đương xác thịt với gã đàn ông lạ trên căn gác của gã. Tâm trí cô đâu để ý gì đến người tình của cô. Thật vậy, bây giờ có ai hỏi cô mặt mũi gã ra sao chắc cô khó lòng miêu tả cho chính xác. Cô cũng chẳng buồn để ý lúc trần truồng gã như thế nào. Cô chỉ nhớ thân hình của chính cô thôi (và giờ đây đứng trước gương cô cảm thấy rạo rực khôn tả): khoảng tam giác trái cấm và cái bớt son tròn đỏ ửng ngay trên đó. Cái bớt trước đây cô xem như tì vết xấu xa trên da thịt mình, giờ đây cô bị nó ám ảnh. Cô khao khát được nhìn thấy nó gần gũi hạ thể một người đàn ông xa lạ.
Đến đây tôi lại phải nhấn mạnh thêm lần nữa: Cô không hề khao khát thân xác một người đàn ông khác. Cô chỉ ước mong được nhìn thấy phần da thịt thầm kín nhất của mình gần gũi, va chạm hạ thể một người đàn ông xa lạ. Cô không thèm muốn da thịt của người tình. Cô thèm muốn thể xác của chính cô, một thể xác vừa được khám phá, gần gũi và khác lạ vượt xa mọi thể xác khác, rạo rực không gì so sánh bằng.
Nhìn vào thân thể mình lấm tấm những giọt nước vừa tắm ra, cô tưởng tượng gã đàn ông sẽ quay lại quán rượu. Ôi, cô nhung nhớ gã xiết bao! Cô háo hức chờ đợi gã rủ cô về phòng lần nữa. Ôi, cô khao khát điều đó biết dường nào!
Hôm nào cô cũng nơm nớp lo âu gã đàn ông xuất hiện tại quán rượu và cô không đủ sức mạnh chối từ gã. Nhưng ngày qua ngày, dần dà nỗi lo âu biến thành lòng khiếp hãi tại sao gã không đến?
Một tháng trời trôi qua, gã đàn ông vẫn né tránh. Tereza thấy khó hiểu. Từ thất vọng cô biến thành hoang mang: Tại sao gã không đến?
Một hôm, trong lúc bưng rượu cho khách, cô chợt đụng phải lão đàn ông hói đầu, chính lão là người vu oan cô bán rượu cho cậu trai vị thành niên bữa nọ. Lão đang bô bô kể một chuyện tiếu lâm tục tĩu. Cô nghe câu chuyện này không biết bao nhiêu lần từ hồi còn làm hầu bàn tại nhà hàng ăn dưới tỉnh. Một lần nữa, cô có cảm tưởng bà mẹ cô đang lén lút xâm phạm đời sống cô. Cô bực bội đến bảo lão đầu hói bớt tiếng xuống.
“Cô là ai mà dám ra lệnh cho tôi, hả?” Lão đổ quạu lớn tiếng sinh sự. “Này, tôi nói cho cô biết, cô phải cám ơn ngôi sao may mắn của cô vì chúng tôi để cô làm việc trong quán rượu này.”
“Chúng tôi? Chúng tôi là ai vào đây?”
“Chúng tôi.” Lão vừa nói vừa giơ li lên đòi thêm rượu vốt-ka. “Cô không được quyền lăng mạ tôi nữa, nghe rõ chưa? À này, nhân tiện tôi hỏi cô,” vừa nói lão vừa chỉ xâu chuỗi ngọc trai giả Tereza đeo trên cổ, “Cái này ở đâu ra? Đừng bảo tôi chồng cô mua tặng cô. Chồng cô, một tên làm nghề lau chùi cửa sổ đời nào có tiền mua được món quà đắt tiền như thế. Chắc bọn khách khứa đến uống rượu mua tặng cô chứ gì? Tôi thắc mắc cô đã tặng lại bọn chúng cái gì?”
“Ông câm họng lại ngay!” Cô rít lên.
“Cô nên nhớ mãi dâm là một tội phạm.” Lão ta vẫn tiếp tục lải nhải lại còn giơ tay định giật xâu chuỗi.
Đột nhiên con Karenin chồm hai chân trước lên thành quầy rượu và bắt đầu gầm gừ trong cổ họng.
Ông đại sứ nói: “Hắn là người của sở mật thám.”
“Nếu vậy tại sao hắn lộ liễu đến thế? Mật thám không giữ được bí mật thì còn gì là mật thám?”
Ông đại sứ co hai chân lên ghế bố ngồi xếp bằng như lúc ngồi thiền quán. Tổng thống Kennedy từ khung ảnh treo trên tường nhìn xuống như đang công nhận lời ông đúng.
“Cô cháu của tôi ơi, sở mật thám có nhiều nhiệm vụ,” ông nói như bậc trưởng thượng đang dạy bảo con cháu trong nhà. “Nhiệm vụ thứ nhất, nhiệm vụ bất di dịch của công an chìm xưa nay là nghe ngóng người ta nói gì rồi về tường trình lên thượng cấp.
“Nhiệm vụ thứ hai là đe doạ, uy hiếp dân lành. Họ làm như thể chúng ta nằm dưới nắm tay quyền lực của họ; họ muốn chúng ta lúc nào trong lòng cũng nơm nớp lo sợ. Đó là công tác ông bạn hói đầu của cô đang thi hành.
“Nhiệm vụ thứ ba là dàn cảnh để ép buộc chúng ta phải theo họ. Hết rồi cái thời họ buộc tội chúng ta là phản động, là âm mưu lật đổ chính quyền nhà nước. Điều đó chỉ khiến chúng ta chiếm cảm tình của dân chúng nhiều hơn thôi. Ngày nay, họ lén lút nhét cần sa vào túi chúng ta hay hô hoán chúng ta hiếp dâm cô bé gái mười hai tuổi. Làm gì họ chẳng tìm ra một cô bé gái như thế để kết tội chúng ta.”
Ngay lúc đó, hình ảnh gã đàn ông làm nghề kĩ sư hiện về trong trí óc cô. Tại sao gã không bao giờ quay lại?
“Họ cần giăng bẫy,” ông đại sứ nói tiếp, “để ép buộc người này cộng tác với họ giăng bẫy người khác, cứ thế dần dà họ biến đất nước này thành một tổ chức toàn người điềm chỉ.”
Tereza không thể không nghi ngờ gã đàn ông làm nghề kĩ sư. Chắc chắn gã là người sở mật thám. Còn cậu trai lạ mặt uống rượu say khướt rồi buông lời chọc ghẹo cô là ai? Vì cậu ta lão lính kín đầu hói mới chụp cơ hội bắt chẹt cô để gã đàn ông làm nghề kĩ sư đứng lên bênh vực. Thì ra cả ba người đều thủ vai trong vở kịch đưa cô vào tròng.
Chỉ có thế mà cô nghĩ không ra! Căn gác của gã đàn ông có cái gì không ổn, nhà gã đâu phải ở đó! Tại sao một kĩ sư ăn mặc lịch sự lại sống trong căn gác tồi tàn như vậy? Gã có thật là kĩ sư không? Nếu thật, tại sao gã tan sở về nhà lúc hai giờ chiều? Hơn nữa, có bao nhiêu kĩ sư đọc Sophocles? Không, người hành nghề kĩ sư không thể có tủ sách đó được! Căn gác mang không khí nơi cư ngụ của một nhân vật trí thức thanh bần bị bắt bỏ tù. Chính cha cô cũng bị bắt vào tù năm cô lên mười và ngôi nhà cùng sách vở của ông cũng bị nhà nước tịch thu. Ngôi nhà sau đó được dùng vào việc gì thì chỉ có trời biết.
Cô bừng tỉnh và hiểu ra lí do tại sao gã đàn ông không bao giờ quay lại: gã đã hoàn tất nhiệm vụ của mình. Nhiệm vụ gì? Lão lính kín đầu hói say rượu lơ đễnh tiết lộ khi nói, “Cô nên nhớ mãi dâm là một tội phạm.” Gã đàn ông tự nhận làm nghề kĩ sư sẽ cung khai là cô đòi trả tiền khi ngủ với gã! Họ sẽ làm lớn chuyện ngụy tạo một vụ xì căng đan trừ phi cô chịu cộng tác nhận nhiệm vụ dòm ngó và tường trình lên họ những kẻ vào quán uống rượu.
“Đừng lo lắng thái quá cô ạ,” ông đại sứ trấn an cô. “Câu chuyện của cô chẳng có gì nguy hiểm đâu.”
“Cháu cũng nghĩ vậy.” Giọng cô buồn buồn, nói xong cô ra về. Vẫn một mình với con chó Karenin lầm lũi bước vào trời đêm Praha.
Người ta thường đi vào tương lai để lẩn trốn khó khăn của mình; họ vẽ ra đường ranh tưởng tượng mà chỉ cần bước qua các khó khăn sẽ tự nhiên biến mất. Nhưng Tereza không thấy đường ranh đó ở tương lai. Chỉ có cách nhìn ngược về quá khứ cô mới thấy an ủi. Lại một ngày chủ nhật. Hai người lên xe bỏ Praha thật xa đằng sau lưng.
Tomas ngồi ở tay lái, Tereza bên cạnh và Karenin ở băng sau, thỉnh thoảng nó chồm lên thè lưỡi liếm tai hai người. Lái mất hai tiếng đồng hồ, họ dừng xe tại một thị trấn nhỏ nổi tiếng có suối nước nóng. Sáu năm trước, hai người ghé chơi mấy bữa. Hôm nay họ dự định ở lại ngủ qua đêm.
Tomas đậu xe trước công trường ngay phố chính. Cảnh vật chẳng có gì thay đổi. Họ đứng đối diện khách sạn họ thuê phòng lúc trước. Vẫn những cây đoạn nhô lên trước khách sạn. Phía trái công trường, hàng cột gỗ cũ kĩ chạy dài, dòng nước chữa bệnh chảy róc rách xuống bồn đá cẩm thạch. Người đứng lom khom chung quanh bồn nước, vẫn những cái li nhỏ cầm trên tay.
Lúc Tomas ngước lại nhìn khách sạn thêm lần nữa, anh nhận ra nó có thay đổi. Bảng hiệu “Đại Khách Sạn” lúc trước bây giờ đổi thành “Khách Sạn Baikal.” Anh nhìn lên bảng tên đường ở góc toà nhà: Công trường Moskva. Đoạn hai người tản bộ trên những con đường quen thuộc (Karenin lon ton chạy theo sau, cổ không dây xích.) Đường phố hoàn toàn thay tên mới: đường Stalingrad, đường Leningrad, đường Rostov, đường Novosbirsk, đường Kiev, đường Odessa. Rồi viện điều dưỡng Tchaikovsky, viện điều dưỡng Tolstoy, viện điều dưỡng Rimsky-Korsakov, lại có khách sạn Suvorov, rạp chớp bóng Gorky, và cà phê Pushkin. Tất cả đều lấy từ địa dư và lịch sử nước Nga.
Đột nhiên Tereza nhớ lại ngày đầu cuộc xâm lăng. Khắp nơi, từ thành phố cho đến tỉnh lị, bảng chỉ đường, bảng tên đường bị dân chúng gỡ hết. Chỉ qua một đêm, cả quốc gia không nơi nào còn bảng chỉ đường. Suốt bảy ngày, lính Nga lang thang ngoài đồng nội, không biết đang ở đâu. Sĩ quan Nga lùng lên đi tìm toà báo, đài truyền thanh, truyền hình, nhưng đành chịu vì không biết chúng toạ lạc nơi đâu. Hỏi dân thì dân nhún vai hoặc chỉ trỏ lung tung.
Điều đó giờ đây biến thành tai hại. Nhà cửa phố xá không mang tên cũ nữa. Rốt cuộc, cái thị trấn khoáng tuyền nước Tiệp đột nhiên hoá thân biến thành một nước Nga giả tưởng thu nhỏ, và cái quá khứ Tereza đi tìm bị tước đoạt mất rồi. Hai người làm sao ở lại ngủ đêm trong khung cảnh đó được.
Họ trở lại chỗ đậu xe trong im lặng. Tereza miên man với ý tưởng cảnh và người dường như ai cũng phải cải dạng biến thân. Một thị trấn Tiệp cổ kính nay mang toàn tên Nga. Người Tiệp thu hình cuộc xâm lăng vào ống kính vô tình làm công không cho mật thám. Người đàn ông đưa cô đến cõi chết đeo mặt nạ khuôn mặt Tomas. Tên mật thám thủ vai trò người kĩ sư, và người kĩ sư thủ vai trò người đàn ông trên đồi Petrin. Quyển sách trên căn gác là biểu tượng vở kịch đưa cô vào tròng.
Nhớ đến quyển sách cầm trên tay lúc đứng trên căn gác, óc cô chợt loé lên ý nghĩ thầm kín khiến hai má cô đỏ bừng. Lớp lang vở kịch như thế nào? Thoạt đầu, gã đàn ông bảo cô gã đi lấy cà phê cho cô. Cô đến bên giá sách và cầm xuống quyển Oedipus của Sophocles. Đoạn gã trở lại. Nhưng không có cà phê!
Cô trăn trở với cảnh tượng trên căn gác lúc đó: gã đi lấy cà phê trong bao lâu? Chắc chắn ít nhất một phút. Có lẽ hai ba phút không chừng. Gã làm gì ở phòng ngoài lâu đến thế? Hay gã vào phòng tắm? Cô cố nhớ xem có tiếng đóng cửa hay tiếng dội cầu không. Không, cô chắc lắm không có tiếng nước; nếu có cô không thể quên được. Và cô cũng chắc không nghe tiếng cửa đóng. Vậy gã làm gì lúc ở phòng ngoài?
Rõ như ban ngày thôi. Nếu định đưa cô vào tròng, nhất định bọn chúng cần thêm nhân chứng ngoài gã đàn ông giả dạng kĩ sư. Bọn chúng cần có những bằng chứng không thể chối cãi. Trong lúc ở phòng ngoài, chắc chắn gã đã đi bấm máy quay phim. Hay, có lẽ đúng hơn, đã mở cửa cho kẻ nào đó lẻn vào đứng sau màn chụp ảnh hai người.
Trước đó chỉ vài tuần, cô mắng mỏ Prochazka không chịu nhận ra đang sống trong trại tập trung, nơi mọi điều riêng tư hoàn toàn không có. Nhưng cô thì sao? Ra khỏi mái nhà bà mẹ, cô ngây thơ tưởng mình từ nay làm chủ được cuộc sống riêng của mình. Nhưng không, mái nhà bà mẹ cô kéo dài khắp thế giới và sẽ chẳng bao giờ cho cô tự do. Tereza sẽ không bao giờ thoát khỏi bàn tay bà.
Trong lúc hai người bước trở lại chỗ đậu xe, Tomas hỏi cô, “Em sao vậy?”
Trước khi cô kịp trả lời anh, có tiếng người chào hỏi Tomas.
Ông ta trạc năm mươi tuổi, khuôn mặt dày dạn nắng mưa. Ông làm nghề nông và trước đây được Tomas giải phẫu chữa bệnh, mỗi năm ông đến thị trấn khoáng tuyền này chữa bệnh một lần. Ông mời Tomas và Tereza đi uống rượu. Luật pháp cấm không cho thú vật vào nơi công cộng nên Tereza phải dẫn con Karenin trở lại xe trong lúc Tomas và người đàn ông đi tìm bàn trong quán cà phê gần đó. Lúc ngồi vào bàn, cô nghe người đàn ông nói, “Chúng tôi sống bình lặng êm ả lắm. Cách đây hai năm tôi còn được bầu làm chủ nhiệm hợp tác xã.”
“Chúc mừng ông.” Tomas nói.
“Bác sĩ biết đó. Người ta tranh nhau dọn lên thành phố. Đám chóp bu, họ mừng lắm khi có người muốn ở lại thôn quê. Họ không dám đá động gì đến chúng tôi đâu.”
“Thật lí tưởng cho chúng tôi.” Tereza bảo ông.
“Thưa bà, bà sẽ buồn chán đến chết mất thôi. Chẳng có việc gì. Hoàn toàn không.”
Tereza nhìn khuôn mặt dày dạn mưa nắng của người đàn ông. Cô thấy ông rất tử tế. Lâu lắm rồi, cả thế kỉ cô mới gặp người tử tế như thế! Cảnh đời sống thôn dã hiện ra trước mắt cô: ngôi làng có gác chuông nhà thờ, ruộng nương đồng áng, rừng cây, chú thỏ chạy nhảy nhởn nhơ bên luống cày, và người thợ săn đầu đội mũ màu xanh. Cô chưa bao giờ sinh sống dưới làng quê. Hình ảnh này hoàn toàn do những gì cô nghe được. Hay đọc trong sách vở. Hay từ tổ tiên hiện về trong vô thức. Tuy vậy, nó sống trong tâm khảm cô, bình dị và rõ ràng như tấm ảnh xưa cũ chụp hình bà cố ba đời của cô trong quyển an-bum gia đình.
“Ông còn bị bệnh hành không?” Tomas hỏi người đàn ông.
Ông đưa tay chỉ sau gáy mình. “Thỉnh thoảng tôi vẫn bị đau chỗ này.”
Tomas luồn tay ra sau gáy người đàn ông. “Tôi không được phép cho toa nữa,” anh nói sau khi khám sơ chỗ đau của ông, “nhưng ông về nói chuyện với bác sĩ đang điều trị cho ông là ông có nói chuyện với tôi và tôi đề nghị ông nên dùng loại thuốc này.” Nói xong anh rút ví lấy ra tập giấy nhỏ, xé một mảnh rồi ghi xuống tên vị thuốc.
Hai người lên xe về lại Praha.
Suốt dọc đường, Tereza ưu tư mãi về bức ảnh cô trần truồng ôm thân hình gã đàn ông làm nghề kĩ sư. Cô cố tự an ủi bằng cách nghĩ là ngay cả nếu bức ảnh thật sự hiện hữu chắc gì Tomas sẽ trông thấy nó. Bức ảnh chỉ có giá trị khi nó được dùng vào việc hăm doạ. Nó sẽ mất giá trị nếu Tomas trông thấy.
Nhưng việc gì xảy ra nếu bọn công an bỗng dưng quyết định không dùng cô nữa? Bức ảnh sẽ trở thành món đồ chơi trong tay chúng, và chẳng có gì cản trở chúng nhét bức ảnh vào phong bì gửi đến Tomas. Như một cuộc mua vui.
Chuyện gì xảy ra nếu Tomas nhận được bức ảnh như vậy? Anh sẽ tống cổ cô ra khỏi nhà chăng? Có lẽ không. Nhưng toà lâu đài mong manh tượng trưng cho tình yêu hai người chắc sẽ sụp đổ mất thôi. Bởi toà lâu đài đó xây dựng trên cột trụ duy nhất là lòng chung thủy của cô với anh. Và tình yêu giống như đế quốc: một khi lí tưởng sụp đổ, tình yêu dựa trên lí tưởng đó cũng sụp đổ theo.
Giờ đây trước mắt cô hiện lên hình ảnh: chú thỏ chạy nhảy nhởn nhơ bên luống cày, người thợ săn đầu đội mũ màu xanh, và gác chuông nhà thờ đầu làng nhô lên trước khu rừng.
Cô rất muốn quay sang bảo Tomas vợ chồng mình hãy từ bỏ Praha đi nơi khác. Hãy từ bỏ những đứa trẻ tinh quái thích chôn sống bầy quạ, hãy từ bỏ những tên mật thám, hãy từ bỏ những người đàn bà trẻ với vũ khí là cây dù trên tay. Cô rất muốn bảo anh vợ chồng mình hãy về quê sinh sống, bởi đó là con đường giải thoát duy nhất cho hai người.
Cô quay sang anh. Không thấy Tomas phản ứng gì. Anh đang chăm chú lái xe. Không phá vỡ được bầu không khí im lặng giữa hai người, cô tiêu tan can đảm bày tỏ ý nghĩ mình. Cô có cảm tưởng cô gục ngã như lúc từ đồi Petrin leo xuống. Ruột gan cô quặn thắt, và cô ngỡ mình đang ngã bệnh. Cô sợ Tomas. Anh mạnh mẽ quá còn cô thì yếu đuối vô cùng. Anh ra lệnh cho cô, những mệnh lệnh cô không hiểu nổi; cô cố gắng thực hiện nhưng không biết phải làm gì.
Cô muốn trở lại ngọn đồi Petrin và yêu cầu người đàn ông có khẩu sùng dài hãy bịt mắt cô và dẫn cô đến dựa lưng vào gốc cây dẻ. Cô muốn chết.
Tỉnh giấc, cô thấy trơ trọi một mình ở nhà.
Cô ra khỏi nhà và đi về hướng bờ sông. Cô muốn nhìn dòng Vltava. Cô muốn ra đứng bên bờ sông để nhìn thật lâu, thật kĩ dòng nước, bởi chỉ có dòng nước êm đềm mới làm lòng cô dịu xuống. Dòng sông chảy từ thế kỉ này sang thế kỉ khác, bên bờ dòng nước con người bày ra không biết bao nhiêu cuộc chơi. Cuộc chơi có thể bị lãng quên ngay ngày hôm sau, nhưng dòng sông vẫn miên man chảy.
Đứng tựa thành lan can, cô nhìn chăm chú xuống dòng nước. Cô đang ở ngoại thành, và dòng Vltava xuôi chảy qua thành phố bỏ lại mọi vinh quang đền đài dinh thự; giống như người nữ diễn viên sau buổi trình diễn, dòng nước mệt mỏi, như đang trầm tư suy nghiệm điều gì. Hai bên bờ sông dơ bẩn, hàng rào bao quanh nhà máy và sân chơi bỏ không.
Cô vẫn nhìn xuống dòng sông – ở đây cảnh vật dường như buồn thảm, tối tăm hơn – đột nhiên cô nhìn thấy vật lạ đang trôi giữa dòng nước, vật gì màu đỏ – à, một băng ghế dài. Băng ghế gỗ, chân sắt, loại thường thấy trong các công viên thành phố. Băng ghế dài trôi trên dòng Vltava. Một cái khác trôi sau đó, một cái khác, lại một cái nữa, và đến lúc đó Tereza chợt nhận ra tất cả ghế công viên ở Praha, nhiều lắm, không biết cơ man nào mà kể, hết chiếc này đến chiếc khác cứ thế trôi về cuối dòng sông, dật dờ như lá thu bị dòng nước cuốn đi – đỏ, vàng, xanh.
Cô quay lại như thể nhờ người qua đường nào đó giải thích giùm cô thế này nghĩa là gì. Tại sao ghế công viên ở Praha lại trôi hết về cuối dòng sông? Nhưng người qua đường dửng dưng bởi họ có bao giờ để ý đến con sông vẫn chảy qua cái thành phố phù vân của họ thế kỉ này qua thế kỉ khác đâu.
Cô lại nhìn xuống dòng nước. Nỗi sầu não dâng lên vô tả. Cô hiểu đây là lần vĩnh biệt.
Những băng ghế trôi đi gần hết, chỉ còn đôi ba cái lác đác sau cùng: cái màu vàng, rồi thêm cái nữa, cái màu xanh là cái cuối cùng.