Chắc anh nghĩ rằng nếu ông Nobu không giúp tôi thì cũng có thể có ai đấy cứu tôi, vì tôi là một geisha thành đạt được nhiều người ngưỡng mộ. Nhưng nàng geisha khi sa chân thất thế không phải như đồ nữ trang rơi ở ngoài đường khiến cho ai thấy cũng lượm được. Trong số hàng trăm geisha ở Gion, cô nào cũng cố tìm cho ra một ai đó giúp chỗ ẩn náu cho đến khi hết chiến tranh, và chỉ vài người mới có may mắn tìm ra được một người giúp. Cho nên anh thấy đấy, khi tôi còn sống với gia đình Arashino ngày nào là tôi cảm thấy mang ơn Nobu ngày đó.
Sang mùa xuân năm sau, tôi cảm thấy tôi được may mắn biết bao khi nghe tin Raiha chết ở Tokyo vì trúng bom. Chính Raiha là người đã làm cho chúng tôi cười bằng câu nói rằng chẳng ai biết được tương lai bằng quá khứ. Cô ta và mẹ cô đều là những geisha nổi tiếng, bố cô ta thuộc một gia đình thương gia giàu có. Đối với những người như chúng tôi ở Gion không ai dám nghĩ mình có thể sống qua chiến tranh hơn cô Raiha. Lúc chết, cô ta đang đọc sách cho cháu trai nghe trong dinh cơ của bố cô ấy ở quận Denenchofu tại Tokyo, và tôi nghĩ chắc cô ta cảm thấy rất an toàn khi ở đấy. Kỳ lạ thay là máy bay oanh tạc giết chết Raiha còn giết luôn cả nhà đô vật vĩ đại Mizagiyama. Cả hai đang hưởng cuộc sống êm ả cùng nhau. Thế nhưng Bí Ngô, người mà tôi cho là kẻ đã bị bỏ rơi, thì lại sống qua khỏi chiến tranh, mặc dù nhà máy làm thấu kính nơi cô ta làm việc nằm ngoài thành phố Osaka đã bị dội bom năm sáu lần. Năm đó tôi mới hiểu ra rằng không ai tiên đoán được người này sống còn sau chiến tranh và người kia không qua khỏi. Mameha qua khỏi, cô ấy làm hộ lý trong một bệnh viện nhỏ ở quận Fukui, nhưng chị hầu Tatsumi thì bị chết vì quả bom ác nghiệt rơi xuống Nagashaki, còn người lo áo quần cho cô là ông Itchoda chết vì đứng tim trong một trận máy bay oanh kích. Trái lại, ông Bekku, làm việc tại một căn cứ hải quân ở Osaka thì vẫn còn sống. Ông Tướng Tottori cũng vậy, ông ta sống ở quán trọ Sayura cho đến giữa thập niên mới chết, còn ông Nam tước cũng sống qua khỏi chiến tranh, nhưng tôi rất buồn nói cho anh biết ông ta trầm mình tự vẫn trong cái hồ đẹp đẽ của mình sau khi chức danh và nhiều tài sản của ông ta bị tước đi. Tôi nghĩ là ông ta không thể sống nổi cuộc sống mà ông không còn được tự do làm theo những ý nghĩ điên khùng của mình nữa.
Còn về phần bà Mẹ, tôi luôn luôn tin rằng bà sẽ sống còn với tài năng kiếm lợi trên sự đau khổ của người khác, bà dấn thân vào công việc làm ăn ở chợ xám, như thể bà đã làm ăn lâu ngày ở thị trường này rồi vậy. Bà ta nhờ chiến tranh mà giàu thêm chứ không phải nghèo đi bằng cách buôn bán các thứ di vật của người khác. Bất cứ khi nào ông Arashino bán một chiếc kimono trong số áo của mình để thêm vốn làm ăn, ông ta nhờ tôi đến tiếp xúc với bà Mẹ để bà có thể cho ông chuộc lại. Anh biết không, nhiều áo kimono bán ở Kyoto đều qua tay bà. Ông Arashino có lẽ hy vọng Mẹ sẽ hy sinh lợi nhuận để giữ kimono của ông vài năm cho đến khi ông có tiền mua lại, nhưng chắc không bao giờ ta có thể tìm ra chúng, hay ít ra, đấy là chuyện bà ta nói.
Gia đình Arashino đối xử với tôi rất tử tế trong những năm tôi sống với họ. Ban ngày, tôi làm việc may dù với họ. Ban đêm tôi ngủ với cô con và đứa cháu ngoại của họ trên tấm đệm trải trên nền xưởng thợ. Chúng tôi có rất ít than, nên dùng lá ép để sưởi ấm – hay là giấy báo, nghĩa là bất kỳ cái gì chúng tôi kiếm được. Dĩ nhiên thực phẩm càng khan hiếm, anh không thể tưởng tượng ra nổi những thứ chúng tôi ăn, như bã đậu nành thường làm thức ăn gia súc, và một thứ rất ghê tởm mà chúng tôi gọi là “Nukapan”, đó là thức ăn gồm cám gạo rang trộn với bột lúa mạch. Trông như da khô lâu ngày, nhưng tôi cảm thấy da e còn ngon hơn thứ này. Rất hiếm khi mới ăn được một ít khoai tây hay khoai lang, thịt cá voi phơi khô, xúc xích bằng thịt hải cẩu, và thỉnh thoảng có cá mòi, thứ mà người Nhật thường dùng làm phân bón. Tôi gầy tong teo đến nỗi khi đi trên đường phố Gion, không ai nhận ra tôi. Vài ngày, đứa cháu ngoại của ông Arashino, bé Juntaro, lại khóc kêu đói – thế là ông Arashino quyết định đem một cái kimono đi bán. Cuộc sống như thế này người Nhật gọi là “cuộc sống củ hành”, lột lần ra mà sống.
Một đêm vào mùa xuân năm , sau khi tôi đã sống ở nhà ông Arashino khoảng ba bốn tháng, chúng tôi chứng kiến cảnh oanh kích đầu tiên. Chúng tôi thấy trên không trung những chiếc phóng pháo cơ gào thét vang trời, trong khi đó những quả đạn cao xạ từ mặt đất bắn lên nổ tung chung quanh chúng như sao sa. Chúng tôi sợ nghe tiếng rít kinh khủng vang lên và thấy Kyoto bùng cháy khắp nơi quanh chúng tôi, và nếu thế, cuộc sống chúng tôi sẽ chấm dứt ngay cho dù chúng tôi có chết hay không, vì Kyoto mảnh mai như cánh con bướm đêm, nếu nó bị đập tan, sẽ không bao giờ bình phục lại. Còn Osaka và Tokyo, cũng như nhiều thành phố khác, các nơi này có thể bình phục lại được. Nhưng những chiếc phóng pháo đi qua đầu chúng tôi, không những chỉ đêm ấy mà còn các đêm sau nữa. Nhiều đêm chúng tôi thấy mặt trăng trở thành đỏ rực vì lửa cháy ở Osaka, và thỉnh thoảng chúng tôi thấy tro bay trong không khí như lá vàng rơi – đến tận Kyoto, cách đây năm mươi cây số. Chắc anh biết tôi lo lắng đến dường nào cho ông Chủ tịch và ông Nobu, vì công ty của họ đặt ở Osaka và hai người đều có gia đình ở đấy cũng như ở Kyoto. Tôi cũng tự hỏi không biết chị Satsu của tôi ra sao và đang ở đâu. Tôi không biết hiện chị ở đâu, nhưng trong thâm tâm, tôi cứ tin có ngày chúng tôi sẽ lại gặp nhau. Tôi nghĩ có thể chị ấy viết thư gởi đến nhà kỹ nữ Nitta cho tôi, hay trở về Kyoto để tìm tôi. Rồi vào một buổi chiều – trong khi tôi dẫn bé Juntaro ra bờ sông chơi, chúng tôi lượm đá trên bờ ném xuống nước, bỗng tôi nghĩ rằng chắc Satsu không bao giờ trở lại Kyoto để tìm tôi. Tôi đang sống trong cảnh nghèo khổ, làm sao đi xa khỏi thành phố cho được. Vả lại, nếu gặp nhau ngoài đường, tôi và Satsu cũng không nhận ra nhau. Còn chuyện tôi mơ ước chị ấy gởi thư cho tôi…thì ôi, tôi thấy mình điên, bộ tôi không biết là chị Satsu không biết nơi tôi ở có tên là nhà kỹ nữ Nitta hay sao? Nếu muốn viết, chị ấy cũng không thể viết được – trừ phi chị có tiếp xúc với ông Tanaka, mà chắc không bao giờ chị làm được việc này. Trong khi bé Juntaro tiếp tục ném đá xuống nước chơi, tôi ngồi xổm xuống bên cạnh chú bé, lấy tay vọc nước đắp lên mặt, cười với chú, giả vờ rửa mặt át. Mưu vặt của tôi hữu hiệu, vì Juntaro có vẻ không biết gì hết và cứ tiếp tục trò chơi.
Vận rủi của con người như luồng gió mạnh. Nó xô đẩy lôi cuốn ta từ chỗ không may này đến chỗ không may khác cho đến khi ta đành phải buông xuôi cho số phận. Như trường hợp của con cái ông Arashino chẳng hạn, cô gái đau khổ vì chồng chết trong chiến tranh, và sau đó đổ hết sức lực vào hai việc: chăm sóc thằng bé và may dù cho lính dù. Cô ta có vẻ sống buông xuôi không mục đích. Cô ta gầy dần gầy mòn, chắc anh biết từng gam thịt của cô ta biến đi đâu. Đến ngày chiến tranh chấm dứt, cô ta chỉ biết bám vào thằng bé ấy như thể nó là mép núi đá trên bờ biển giữ cô ta khỏi rơi xuống biển.
Vì tôi đã sống qua vận rủi rồi nên tôi biết, lúc nào cũng có cái gì đấy nhắc nhở tôi nhớ đến những ngày rủi ro, cho nên tôi không quên được – nói trắng ra là dưới lớp vỏ quần áo sang trọng, với điệu múa hoàn hảo, và với cách nói chuyện khéo léo, cuộc đời của tôi không có gì phức tạp hết, mà đơn giản như hòn đá lăn xuống đất. Mục đích tối hậu trong mười năm qua của tôi là phải chiếm cho được tình thương của ông Chủ tịch. Ngày này qua ngày nọ, tôi nhìn dòng nước ở thượng nguồn sông Kame xuôi dòng gần xưởng thợ, thỉnh thoảng tôi ném một cánh hoa xuống nước, hay là một cọng rơm, nghĩ rằng chúng sẽ chảy qua Osaka trước khi chảy ra biển. Tôi tự hỏi không biết ông Chủ tịch khi ngồi làm việc có nhìn qua cửa sổ vào một buổi chiều thấy cánh hoa hay là cọng rơm và nhớ đến tôi không. Có thể ông Chủ tịch thấy, nhưng tôi không tin. Cho dù ông thấy đi nữa, ông cũng có trăm nghìn chuyện nghĩ đến chẳng khác gì cánh hoa đập vào trong óc ông, tôi có thể chỉ là một trong số đông đó. Ông ta thường tốt với tôi, ông ta vốn là người tốt. Chưa bao giờ ông tỏ vẻ nhận ra tôi là cô gái ông đã an ủi ngày nào, hay nhận ra tôi lưu tâm tới ông, hay nghĩ đến ông.
Một hôm, tôi nhận ra rằng chuyện tôi và chị Satsu gặp lại nhau là điều không thể có được, lòng tin này dựa theo nhiều thực tế trước mắt chứ không phải vì bốc đồng. Đêm trước tôi đã dằn vặt suốt đêm, lần đầu tiên tự hỏi nếu tôi chết đi mà vẫn chưa được ông Chủ tịch đoái hoài đến thì sao. Sáng hôm sau, tôi xem lịch thật kỹ với hy vọng tìm ra dấu hiệu gì cho tôi đời tôi sẽ có ý nghĩa. Tôi rất chán nản đến nỗi ông Arashino có vẻ nhận thấy, ông nhờ tôi đi mua kim khâu ở một tiệm bán tạp hoá. Tôi cố tìm có dấu hiệu gì về ông Chủ tịch, nhưng không thấy. Từ kinh nghiệm này, tôi kết luận rằng cứ chạy theo điều phi thực là rất nguy hiểm. Nếu tôi cứ phí cả đời chạy theo một người đàn ông không bao giờ đến với tôi thì sao? Cuộc đời tôi sẽ buồn rầu tê tái biết bao khi nhận ra tôi không thưởng thức được thức ăn mình đang ăn, vì tôi không nghĩ đến gì khác ngoài ông Chủ tịch, ngay cả khi cuộc đời của tôi đã trôi về một nẻo khác. Thế nhưng nếu tôi không nghĩ đến ông ta nữa, cuộc đời của tôi sẽ ra sao? Chắc khi ấy tôi sẽ là một vũ công tập luyện từ nhỏ để chờ buổi trình diễn không bao giờ đến được.
Chiến tranh chấm dứt vào tháng Tám năm . Bất cứ ai đã sống ở Nhật trong giai đoạn này đều sẽ nói với anh rằng đây là thời điểm hoang mang nhất trong đêm tăm tối. Đất nước chúng tôi không những bị bại trận, mà còn bị tàn phá – tôi không muốn nói chỉ bị bom tàn phá rất kinh khủng mà thôi đâu. Khi đất nước anh bại trận, và quân chiếm đóng ùa vào, chắc anh sẽ cảm thấy như bị trói tay dẫn đến pháp trường chờ lưỡi gươm đầu. Suốt thời gian một hay hai năm, tôi không nghe được tiếng cười – ngoại trừ tiếng cười của Juntaro, vì chú bé không biết gì hết. Và khi Juntaro cười, ông ngoại chú huơ tay bảo im đi. Tôi thường quan sát những người đàn ông và đàn bà mà vào thời kỳ ấy họ còn nhỏ, họ rất nghiêm nghị vì thời thơ ấu họ rất ít cười.
Vào mùa xuân năm , tất cả chúng tôi đều nhận ra rằng chúng tôi sẽ sống qua cảnh thử thách của sự thất bại. Thậm chí có người còn tin rằng một ngày nào đó nước Nhật sẽ đổi mới. Tất cả những chuyện nói rằng nước Mỹ giết chóc, hãm hiếp, hoá ra đều sai hết, trên thực tế, chúng tôi nhận thấy người Mỹ rất tốt. Một hôm có đoàn lính đi trên xe ngang qua khu vực tôi đang ở. Tôi cùng các phụ nữ khác trong xóm ra đứng xem. Trong thời gian ở Gion, tôi tự ình là người cách biệt với các phụ nữ khác, và thực tế tôi cảm thấy cách biệt với họ chỉ vì tôi không chịu tìm hiểu họ, không biết họ sống ra sao, thậm chí cách biệt với cả những bà vợ của những ông tôi đã giúp vui. Thế rồi bây giờ tôi đứng với họ, mặc quần lao động rách rưới, tóc xoã sau lưng nhớp nhúa. Tôi không tắm nhiều ngày vì chúng tôi thấy không đủ nhiên liệu để nấu nước tắm, phải vài ngày mới được tắm một lần. Trước mắt những lính Mỹ ngồi trên xe chạy qua trước mắt tôi, trông tôi chẳng khác gì những người đàn bà chung quanh tôi. Một cái cây mà không lá, không vỏ, không rễ, có gọi là cây được không? Tôi là nông dân – tôi tự nhủ - và không còn là geisha chút nào hết. Nhìn hai bàn tay chai sần, tôi cảm thấy hoảng hốt lo sợ. Cố xua đuổi hết những điều lo sợ trong óc đi, tôi chú ý nhìn đoàn xe lính chạy qua. Đây là những người lính Mỹ mà chúng tôi đã được dạy bảo phải căm thù, những người đã dội bom lên các thành phố của chúng tôi rất ác liệt phải không? Bây giờ họ đi qua đất nước chúng tôi, ném kẹo cho con nít.
Sau ngày đầu hàng được một năm, ông Arashino được mọi người khuyến khích làm áo kimono lại. Tôi không biết gì về áo kimono ngoài việc mặc áo, cho nên tôi được giao công việc chăm sóc các vại thuốc nhuộm nấu ở dưới tầng hầm nơi nhà phụ gần bên xưởng thợ. Đây là một việc rất khủng khiếp, một phần vì chúng tôi chỉ có chất đốt gọi là “taidon”, một loại than bùn đóng thành bánh, khi đốt mùi hôi toả ra rất khó chịu. Trong thời gian này, ông bà Arashino dạy cho tôi cách đi kiếm lá và cọng, vỏ cây nào có thể đem về dùng làm thuốc nhuộm, công việc xem như là bước khởi đầu học nghề. Và chính công việc này đã làm co dạ dày của tôi hư hỏng. Bàn tay tôi dùng để múa trước đây phải dùng kem để nuôi da, bây giờ da tróc ra như vỏ hành và lem luốc như bị bầm tím. Trong thời gian này tôi có quen biết thân mật với một thanh niên làm nghề dệt thảm rơm – có lẽ vì quá cô đơn – anh tên là Inoue. Anh ta rất đẹp trai, đường chân mày thanh như vẽ, làn da mịn màng và đôi môi mềm mại rất gợi cảm. Suốt mấy tuần liền, cứ vài đêm, tôi lẻn vào phòng phụ và để cho anh ta vào đây với tôi. Tôi không nhận ra hai bàn tay tôi ghê tởm như thế nào cho đến một đêm, ánh lửa nấu thuốc nhuộm cháy rất sáng khiến cho chúng tôi trông thấy nhau. Sau khi Inoue trông thấy tay tôi, anh ta không muốn tôi sờ tay vào anh ta nữa.
Để cho da tay tôi khỏi hư, ông Arashino giao cho tôi công việc đi hái hoa nhện trong mùa hè. Hoa nhện là loại hoa được dùng ép lấy nước cốt để vẽ trên lụa trước khi phủ hồ và nhuộm. Loại hoa này mọc quanh các mép ao, hồ trong suốt mùa mưa. Tôi nghĩ đây là công việc dễ dàng, cho nên một buổi sáng, tôi mang giỏ lên lưng, đi thưởng thức một ngày tạnh ráo, mát mẻ. Nhưng sau đó, tôi phát hiện ra loài hoa nhện này rất quỉ quái. Chúng được xếp vào loại hoa được côn trùng ưa thích nhất ở nước Nhật. Mỗi khi tôi ngắt một đóa hoa, là cả một bầy bọ chét và muỗi vây vào tấn công tôi, và điều đáng ngại hơn nữa, là chốc chốc tôi lại dẫm lên một con nhái gớm ghiếc. Rồi sau một tuần thu gom hoa khổ sở, tôi làm một công việc mà tôi tưởng chắc sẽ dễ dàng hơn, đó là ép hoa để vắt nước cốt ra. Nhưng khi ngửi mùi nước cốt của hoa nhện đó rồi, tôi thấy sung sướng khi đến cuối tuần lại được đi hái hoa.
Tôi làm việc rất cực nhọc vào những năm ấy. Nhưng mỗi đêm khi đi ngủ, tôi vẫn nghĩ đến Gion. Tất cả các khu geisha ở Nhật đã được mở cửa trở lại sau ngày đầu hàng mấy tháng, nhưng tôi phải đợi cho đến khi Mẹ gọi về tôi mới về được. Bà ta làm ăn rất phát đạt bằng nghề bán áo kimono, tác phẩm nghệ thuật, gươm Nhật cho lính Mỹ. Cho nên trong thời gian này, bà và Dì vẫn ở tại một nông trại nhở ở phía Bắc Kyoto, họ có mở gian hàng buôn bán ở đấy trong khi tôi vẫn tiếp tục sống và làm việc với gia đình ông Arashino.
Chắc anh nghĩ rằng tôi chỉ ở một nơi cách Gion có mấy cây số, nên có lẽ tôi đến thăm họ luôn. Thế nhưng suốt gần năm năm rời Gion, tôi chỉ về lại đấy một lần. Đó là một buổi chiều mùa xuân, khoảng một năm sau khi hết chiến tranh trong khi tôi đi mua thuốc cho Juntaro tại bệnh viện ở quận Kamigyo trở về. Tôi đi dọc theo đại lộ Kawaramachi cho đến tận đại lộ Shijo rồi qua cầu để vào Gion. Tôi rất sửng sốt khi thấy nhiều gia đình sống nheo nhóc khổ sở dọc theo bờ sông.
Ở Gion tôi nhận ra một số geisha, nhưng dĩ nhiên họ không nhận ra tôi, và tôi không nói với họ một tiếng, hy vọng được xem Gion như người ngoài cuộc. Nhưng thật ra, tôi không thấy gì ở Gion hết, mà khi đi qua đấy, tôi chỉ thấy những kỷ niệm hãi hùng thôi. Khi tôi đi dọc theo bờ suối Shirakawa, tôi nhớ đến những buổi chiều tôi và Mameha đi qua đấy. Gần đấy là chiếc ghế đá nơi tôi và Bí Ngô ngồi với hai cái tô mì vào cái đêm tôi nhờ cô ta giúp đỡ. Không xa đấy bao nhiêu là con đường nhỏ nơi Nobu đã khiển trách tôi chấp nhận ông Tướng làm danna. Từ đấy tôi đi nửa khu phố là đến góc đường nằm trên đại lộ Shijọ nơi tôi làm cho anh chàng giao hàng để rơi khay đựng các hộp cơm. Tại tất cả những nơi này, tôi cảm thấy như tôi đang đứng trên sân khấu mấy giờ sau khi vở múa chấm dứt, khi sự yên lặng nặng nề bao trùm lên nhà hát như bức màn tuyết. Tôi đi đến nhà kỹ nữ, nhìn vào chiếc khoá móc bằng sắt nặng nơi cửa với lòng khấp khởi. Khi tôi bị nhốt trong nhà, tôi muốn ra. Bây giờ cuộc sống đã đổi thay, thấy mình bị khóa ở ngoài, tôi lại muốn vào trong. Thế nhưng tôi đã là người lớn rồi, nếu tôi muốn, tôi tự do đi ra khỏi Gion, và không bao giờ trở về nữa.
Một buổi chiều của tháng mười một trời lạnh như cắt, ba năm sau ngày chiến tranh chấm dứt, khi tôi đang hơ tay cho ấm trên những vại nấu thuốc nhuộm ở phòng phụ, thì bà Arashino xuống tìm tôi, bà cho biết có người khách muốn gặp tôi. Nhìn vẻ mặt bà, tôi cứ tưởng đấy là bà hàng xóm nào đấy đến chơi. Nhưng chắcanh có thể tưởng tượng ra vẻ mặt kinh ngạc của tôi khi tôi thấy người khách là ông Nobu. Ông ta ngồi nơi xưởng thợ với ông Arashino, cầm trên tay cái tách trà đã uống hết như thể ông ta đã nói chuyện đã lâu rồi. Khi thấy tôi, ông Arashino đứng dậy. Ông ta nói:
- Tôi có công việc ở phòng bên cạnh. Hai người cứ ngồi đây nói chuyện. Tôi rất sung sướng được ông đến thăm, ông Nobu à.
- Đừng nói chuyện điên, Arashino – Nobu đáp – Sayuri mới là người tôi đến thăm.
Tôi nghĩ ông Nobu đã nói năng thiếu tế nhị, không đáng cười chút nào. Thế nhưng ông Arashino phá lên cười rồi bước ra ngoài và đóng cửa lại.
- Em tưởng thế giới đã đổi thay – tôi nói – nào ngờ ông Nobu vẫn không thay đổi gì hết.
- Tôi không thay đổi – ông ta nói – Nhưng tôi không đến đây để nói chuyện. Tôi muốn biết cô có vấn đề gì không.
- Không có vấn đề gì hết. Thế ông không nhận được thư của em à?
- Thư của cô đọc nghe như thơ! Cô chẳng nói gì đến ngoài việc “nước chảy róc rách thơ mộng” hay là những chuyện vô nghĩa như thế.
- Kìa, ông Nobu, em sẽ không bao giờ mất công gởi thư cho ông nữa.
- Nếu viết thư như thế thì tôi thích cô đừng gửi còn hơn. Tại sao cô không nói cho tôi nghe những chuyện tôi muốn biết, như là khi nào cô trở về Gion? Tháng nào tôi cũng điện thoại đến phòng trà Ichiriki để hỏi về cô, và bà chủ cứ viện cớ này cớ nọ. Tôi cứ tưởng cô mắc bệnh truyền nhiễm gì khủng khiếp rồi. Tôi thấy cô gầy nhiều nhưng khoẻ mạnh. Cái gì giữ cô ở lại đây?
- Ngày nào em cũng nghĩ đến Gion.
- Cô bạn Mameha đã về cách đây hơn một năm rồi. Ngay cả Michizono đã già rồi, mà bà ta cũng có mặt ngay ngày mở cửa. Nhưng không ai có thể nói cho tôi biết tại sao Sayuri không về.
- Nói thật ra, quyết định không phải của em. Em phải đợi Mẹ mở cửa nhà kỹ nữ đã chứ. Em rất sẵn sàng về lại Gion như ông mong muốn em về đấy vậy.
- Vậy thì gọi bà Mẹ nói cho bà ấy biết đã đến lúc trở về. Tôi đã quá kiên nhẫn chờ đợi hơn sáu tháng nay rồi. Cô không hiểu những điều tôi viết trong thư à?
- Khi ông nói ông muốn em về Gion, em nghĩ ông muốn nói ông hy vọng thấy em về đấy cho sớm.
- Nếu tôi nói tôi muốn thấy cô về Gion, tức là tôi muốn nói tôi muốn cô mang hành lý về Gion. Tôi không biết tại sao cô phải đợi cái bà Mẹ ấy của cô! Nếu bây giờ mà bà ta chưa nghĩ đến chuyện quay về, thì bà ta là đồ điên.
- Ít người nói tốt về bà ta, nhưng em cam đoan bà ta không điên. Nếu ông biết bà ta, thế nào ông cũng khâm phục bởi bà ta làm ăn rất phát đạt bằng cách bán đồ lưu niệm cho lính Mỹ.
- Lính tráng không còn ở đây nữa đâu. Cô nói cho bà ta biết ông bạn tốt Nobu của cô muốn cô quay về Gion – nói xong ông ta lấy một cái gói nhỏ, thảy xuống chiếu gần chỗ tôi ngồi. Ông ta không nói tiếng nào nữa, chỉ uống nước trà và nhìn tôi.
- Ông Nobu ném cái gì cho em đấy – tôi hỏi.
- Tôi mang quà đến cho cô. Mở mà xem.
- Nếu ông cho em quà, trước hết em phải mang quà cho ông đã.
Tôi đến góc phòng, nơi tôi để cái rương của tôi, lấy ra chiếc quạt tôi định tặng ông từ lâu. Cái quạt có thể là vật quá đơn giản khi đem tặng người đã cứu tôi khỏi cảnh làm việc khổ nhọc trong nhà máy. Nhưng với một geisha, quạt dùng để múa là vật thiêng liêng – và đây không phải là cái quạt của một vũ công thường, mà là cái quạt của cô giáo cho tôi khi tôi đạt được mức shisho trong trường múa Inoue. Chưa bao giờ tôi nghe có cô geisha nào đem quạt cho ai như thế - chính vì lý do này mà tôi tặng ông.