Đời Kỹ Nữ

chương 51: chương 27 part 1

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Suốt mùa hè năm ây, năm , tôi quá bận rộn với các hợp đồng, các buổi gặp gỡ bất thường với ông Tướng, các buổi trình diễn múa, và nhiều chuyện khác như thế, đến nỗi buổi sáng khi thức dậy tôi cảm thấy mình như một cái xô đầy đinh. Thường thường vào lúc giữa trưa, tôi cố làm cái gì cho quên mệt mỏi, nhưng tôi thường phân vân không biết tôi làm hết sức như thế mà lợi tức được bao nhiêu. Nhưng tôi không mong gì tìm biết được, cho nên tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy Mẹ gọi tôi vào phòng một buổi chiều cho tôi biết lợi tức kiếm được trong sáu tháng qua nhiều hơn cả lợi tức của Hatsumono và Bí Ngô cộng lại.

- Như thế nghĩa là – bà ta nói – đã đến lúc cô đổi phòng cho hai cô ấy.

Chắc anh biết tôi không vui mừng khi nghe thế. Tôi và Hatsumono tìm cách sống bên nhau trong mấy năm qua không ai động đến ai. Nhưng tôi vẫn xem cô ta là con hổ ngủ quên, chứ không phải là con hổ bị hạ gục. Dĩ nhiên Hatsumono không nghĩ Mẹ muốn đổi phòng, cô ta sẽ cho là phòng cô ta bị chiếm đoạt.

Tối đó khi tôi gặp Mameha, tôi nói cho cô ấy biết việc Mẹ đã nói với tôi, và tôi nói tôi sợ lửa hận trong lòng Hatsumono sẽ cháy bùng lên lại.

- Ồ, tốt, thế là tốt – Mameha nói – Con mụ ấy chưa bị đánh gục cho đến đổ máu là chưa xong. Cứ để ụ ta sáng mắt ra, và để lần này mụ ta như thế nào.

Sáng sớm hôm sau, bà Dì lên lầu để ra lệnh cho chúng tôi di chuyển đồ đạc. Bà dẫn tôi vào phòng Hatsumono, tuyên bố bây giờ phòng này thuộc về tôi, tôi muốn để đồ đạc của tôi ở đâu thì tôi để, không ai dám đụng vào vật gì hết. Rồi bà dẫn Hatsumono và Bí Ngô sang phòng nhỏ hơn của tôi và tuyên bố phòng ấy là của họ. Sau khi chúng tôi thu dọn xong đồ đạc, công việc đổi phòng mới hoàn tất.

Tôi bắt đầu dọn dẹp đồ đạc của tôi ngay chiều hôm đó. Tôi đã thu thập được một số đồ đẹp như Mameha, nhưng thời buổi lúc bấy giờ đã thay đổi nhiều. Mỹ phẩm và đồ nữ trang bị chính quyền quân nhân ban hành luật cấm dùng vì là đồ xa xỉ phẩm – nhưng ở Gion chúng tôi được dùng vì đây là nơi các ông lớn có quyền hành thường đến giải trí. Tuy nhiên, các món quà lãng phí thì không ai thèm để ý đến, cho nên tôi tích luỹ được trong mấy năm vài bức tranh cuốn, vài cái nghiên mực tàu, vài cái tô xưa cổ, cùng một số hình nổi chụp danh lam thắng cảnh và một đồng bạc bằng bạc có đúc hình nổi thật đẹp do nhà diễn viên Kabuki Onoe Yoegoro XVII đã cho tôi. Tôi mang hết những thứ này đi qua hành lang, cùng với đồ hoá trang, áo quần lót, sách và tạp chí, vào chất một đống trong phòng. Nhưng mãi cho đến hôm sau, Hatsumono và Bí Ngô vẫn không mang đồ đạc đi. Vào trưa ngày thứ Ba, khi đi học ở trường về, tôi quyết định nếu chai lọ và thuốc mỡ của Hatsumono vẫn còn để bừa bãi trên bàn trang điểm, tôi sẽ đi nhờ bà Dì lên giúp.

Khi tôi lên đến đầu cầu thang, tôi ngạc nhiên thấy cửa phòng của Hatsumono và của tôi để mở. Một cái lọ đựng nước mỡ trắng vỡ nằm trên nền hành lang. Tình hình có vẻ không ổn rồi. Khi tôi bước vào phòng, tôi thấy quả như vậy. Hatsumono đang ngồi trên cái bàn nhỏ của tôi, uống cái gì nơi ly nước nhỏ, và đọc cuốn sổ ghi chép của tôi!

Người geisha có bổn phận phải giữ kín chuyện về những người đàn ông mà họ quen biết, cho nên chắc anh ngạc nhiên khi nghe trước đó mấy năm, lúc tôi còn là cô tập sự, một buổi chiều tôi vào tiệm sách mua một cuốn sổ giấy trắng để đem về viết nhật ký. Tôi không điên để viết những chuyện mà người geisha không được tiết lộ. Tôi chỉ viết về những suy nghĩ và cảm tưởng của tôi thôi. Khi tôi muốn viết gì về ai đó, tôi cho ông ta một bí danh. Ví dụ khi nói đến ông Nobu, tôi dùng “ông Xì” vì thỉnh thoảng ông ấy xì xì nơi miệng một cách khinh bỉ. Còn ông Chủ tịch tôi viết “ông Hà” vì đôi khi ông hít vào một hơi thật dài rồi thở phào ra từ từ nghe như tiếng “hà” và mỗi khi ông ta làm thế, tôi đã tưởng tượng ra cảnh ông thức dậy sau giấc ngủ bên tôi – dĩ nhiên tôi đã quá bị ám ảnh. Nhưng không bao giờ tôi nghĩ đến chuyện có ai khác xem những gì tôi viết.

- Kìa Sayuri, rất sung sướng được gặp cô! – Hatsumono nói - tôi đợi cô để cho cô biết tôi rất thích cuốn nhật ký của cô. Nhiều đoạn rất hấp dẫn, và bút pháp của cô rất có duyên! Về lối chữ viết của cô không mấy ấn tượng, nhưng…

- Cô có thấy chữ tôi viết ở trang đầu không?

- Tôi chưa xem, để coi nào – “Chuyện riêng” . Được thôi, đây tôi muốn nói đến lối viết chữ của cô.

- Hatsumono, xin cô vui lòng để cuốn tập xuống bàn và ra khỏi đây ngay.

- Thật ư? Tôi quá ngạc nhiên Sayuri à. Tôi chỉ muốn giúp ý kiến cho cô thôi. Này nhé, cô lắng nghe rồi sẽ thấy. Ví dụ, tại sao cô chọn ông Nobu Tashikazu là “ông Xì”? Tên này không hợp cho ông ta. Theo tôi, cô nên gọi là “ông Phỏng da” hay có thể là “ông Cụt tay”. Cô không bằng lòng à? Nếu cô muốn cô cứ thay đổi đi, và cô khỏi phải trả công cho tôi.

- Tôi không biết cô nói cái gì, Hatsumono. Tôi không viết cái gì về ông Nobu hết.

Hatsumono thở dài, như thể nói với tôi rằng tôi là kẻ nói láo không sách, rồi cô ta lật cuốn nhật ký của tôi.

- Nếu cô không viết về Nobu, tôi muốn cô cho biết tên của người cô đề cập đến trong này, xem nào…A, đây rồi, “Thỉnh thoảng tôi nhìn mặt ông Xì nổi cơn thịnh nộ khi cô geisha nhìn vào mặt ông. Nhưng còn tôi, tôi muốn nhìn mặt ông khi nào thì nhìn, và ông có vẻ hài lòng khi thấy tôi nhìn. Tôi nghĩ rằng ông ta trở nên thích tôi là vì ông thấy tôi không xem làn da của ông và cánh tay cụt của ông là kỳ lạ và đáng sợ như những cô gái khác.” Vậy tôi muốn cô cho tôi biết có người nào trông giống như ông Nobu thế này không?

Khi ấy tôi cảm thấy đau đớn vô cùng, không bút nào miêu tả cho được. Bỗng nhiên để cho người ta biết được chuyện bí mật của mình, nhưng vì điên khùng ngu ngốc mới ra nông nỗi này. Phải, nếu tôi định nguyền rủa ai thì chính tôi là người đáng bị nguyền rủa nhất, vì tôi để cuốn nhật ký vào chỗ Hatsumono có thể tìm được. Người bán sách để cửa sổ mở cho gió thổi mưa vào cửa ướt sách, thì chỉ có nước giận mình mà thôi.

Tôi đi đến bàn để lấy lại cuốn nhật ký từ tay Hatsumono, nhưng cô ta ôm cuốn sổ vào ngực và đứng dậy. Tay kia cô lấy cái ly mà tôi nghĩ là ly nước, nhưng khi đến gần tôi ngửi thấy mùi sakê. Cô ta đã say.

- Sayuri, dĩ nhiên là cô muốn lấy lại cuốn nhật ký, và dĩ nhiên tôi sẽ đưa lại cho cô - cô ta nói, nhưng cô ta vừa nói vừa bước ra cửa – vấn đề phiền phức là tôi đọc chưa hết. Cho nên tôi đem nó về bên phòng tôi…trừ phi cô muốn tôi đem đến cho Mẹ. Tôi tin chắc bà ấy rất thích thú khi đọc những trang cô viết về bà ấy.

Hồi nãy tôi có nói cái lọ mỡ bị vỡ nằm trên nền hành lang. Đây là do Hatsumono gây nên và không thèm nói cho người hầu đến dọn dẹp. Nhưng bây giờ khi rời phòng tôi, cô ta đã lãnh hậu quả do mình gây ra. Có lẽ cô ta quên việc có cái lọ bị bể vì cô ta say, cho nên cô ta bước ngay lên mảnh chai và kêu thét lên một tiếng. Tôi thấy cô ta nhìn xuống chân mình một lát, miệng rên rỉ nhưng vẫn đi tiếp.

Tôi cảm thấy hoảng hốt khi thấy cô ta bước vào phòng tôi. Tôi nghĩ đến chuyện dành cuốn sổ lại khỏi tay cô ta…nhưng tôi bỗng nhớ lời nhận xét của Mameha lúc chúng tôi xem đô vật. Đuổi theo Hatsumono là điều rõ ràng phải làm. Tốt hơn hết là tôi phải đợi cho đến khi cô ta thấy thoải mái, cho là mình đã thắng, rồi khi nào cô ta sơ ý thì giật lấy nó. Tôi nghĩ đây là ý hay nhưng một lát sau tôi nghĩ đến khả năng cô ta có thể giấu cuốn sổ vào một chỗ tôi không thể tìm ra.

Khi ấy cô ta đã đóng cửa. Tôi đến đứng ở ngoài, bình tĩnh gọi lớn:

- Cô Hatsumono, nếu tôi có vẻ giận dữ với cô, tôi xin lỗi. Tôi vào phòng được chứ?

- Không, không được vào - cô ta trả lời.

Nhưng tôi vẫn mở cửa, phòng hết sức bừa bãi, vì Hatsumono để đồ đạc khắp nơi khi dọn phòng. Cuốn nhật ký nằm trên bàn trong khi Hatsumono cầm cái khăn áp vào bàn chân. Tôi không biết làm sao để cho cô ta lơ đãng, nhưng đương nhiên tôi không thể rời phòng mà không có cuốn nhật ký.

Mạng cô ta là mạng chuột, chuột cống, nhưng cô ta không phải đồ điên. Nếu cô ta không say, tôi chắc khó mà lừa cô ta được. Nhưng xem tình hình trước mắt…Tôi nhìn khắp nền nhà nào là từng đống áo quần lót, nào là chai lọ nước hoa, và các thứ linh tinh cô ta vứt bừa bãi trên nền nhà. Cánh cửa tủ để mở, và cánh cửa tủ két nhỏ cất đồ nữ trang mở he hé, nhiều thứ nữ trang rơi xuống chiếu như thể sáng nay cô ta ngồi uống rượu ở đấy và lấy ra đeo thử. Bỗng một thứ đập vào mắt tôi rõ ràng như một vì sao sáng trên bầu trời đen.

Đấy là chiếc ghim hoa cài trên dải thắt lưng bằng bích ngọc, chính chiếc ghim mà Hatsumono đã hô tôi ăn trộm cách đây mấy năm về trước, vào cái đêm mà tôi bắt gặp cô ta và ông bồ nằm trong phòng gia nhân. Tôi không ngờ thấy lại được thứ này. Tôi đi đến tủ, đưa tay xuống lấy chiếc ghim nằm lẫn trong số nữ trang khác.

- Có ý định tuyệt vời nhỉ! – Hatsumono nói – Đến ăn trộm đồ nữ trang của tôi. Đúng đấy, tôi muốn có tiền mặt cô trả cho tôi.

- May cho tôi là cô không có ý định ấy – tôi đáp – nhưng tôi phải trả cái này bao nhiêu tiền mặt?

Vừa nói tôi vừa bước tới đưa chiếc ghim ra trước mặt cô ta. Nụ cười tươi trên mặt cô ta biến mất, y như bóng tối trong thung lũng biến mất khi mặt trời mọc lên.

Ngay khi ấy, trong lúc Hatsumono đang ngồi sửng sốt, tôi đưa tay xuống bàn lấy cuốn nhật ký lên.

Tôi không nghĩ đến chuyện Hatsumono sẽ phản ứng ra sao, nhưng tôi bước ra ngoài và đóng cửa lại. Tôi định đi thẳng đến gặp Mẹ để nói cho bà biết vật tôi vừa tìm ra, nhưng dĩ nhiên tôi không thể đến gặp bà với cuốn nhật ký trên tay. Nhanh như gió, tôi nhét cuốn nhật ký vào giữa hai cái áo gói trong giấy lụa. Chỉ trong mấy giây đồng hồ là xong, trong lúc đó tôi cứ lo sợ Hatsumono mở cửa phòng cô ta và thấy tôi. Sau khi đóng tủ lại, tôi chạy vào phòng tôi, mở và đóng cửa hộc bàn hoá trang của tôi để cho Hatsumono nghĩ tôi giấu cuốn nhật ký trong đó.

Khi tôi đi ra ngoài hành lang, cô ta đang đứng nơi ngưỡng cửa phòng đưa mắt nhìn tôi, miệng mỉm cười như thể cô ta đã biết hết chuyện này. Tôi cố làm ra vẻ lo sợ - điều này không khó đôi với tôi – rồi đem chiếc ghim hoa đến phòng bà Mẹ, để trên bàn trước mắt bà. Bà để tờ báo đang xem xuống một bên rồi lấy chiếc ghim nhìn, vẻ thán phục.

- Đồ nữ trang đẹp đấy – bà ta nói – nhưng lúc này thị trường chợ đen khó khăn, không ai trả giá nhiều để mua đồ như thế này.

- Chắc Hatsumono sẽ bán được giá, Mẹ à – tôi đáp – Mẹ có nhớ cái ghim mà cô ta đã gán cho con ăn cắp cách đây mấy năm không, cái ghim đã được cộng thêm vào nợ của con đấy? Đây là cái ghim ấy đấy. Con đã tìm thấy trên nền nhà gần bên hộp đựng nữ trang của cô ta.

- Mẹ biết không – Hatsumono nói, cô ta đã vào phòng và đứng sau lưng tôi – Tôi tin Sayuri nói đúng. Đấy là chiếc ghim tôi đã bị mất! Hay ít ra giống thế. Tôi không ngờ tôi được thấy nó lại!

- Phải, rất khó tìm đồ đạc khi người ta say cả ngày – tôi nói – giá mà cô nhìn kỹ vào hộp nữ trang của cô thì chắc cô sẽ thấy liền.

Mẹ để cái ghim xuống bàn, và quắc mắt nhìn Hatsumono.

- Tôi tìm thấy trong phòng của nó – Hatsumono nói – Nó giấu trong bàn trang điểm của nó.

- Tại sao cô nhìn vào trong bàn trang điểm của cô ấy? – Mẹ hỏi.

- Tôi không muốn nói cho Mẹ nghe chuyện này, Mẹ à, nhưng Sayuri để cái gì trên bàn, tôi định cất đi cho cô ta. Đáng ra tôi đem đến cho Mẹ ngay, nhưng…Mẹ biết không, nó đang giữ một cuốn nhật ký. Năm ngoái nó có đưa cho tôi xem. Nó viết xấu một số các ông, và..nói thật cho Mẹ biết, có vài đoạn nó viết về Mẹ nữa.

Tôi định nói chuyện ấy không thật, nhưng chẳng cần nữa. Hatsumono đang gặp chuyện rắc rối, cô ta có nói gì cũng không thay đổi được tình thế. Mười năm trước đây khi cô ta còn là người làm ra tiền chính của nhà kỹ nữ, có lẽ cô ta buộc tôi cái gì cô ta muốn đều được hết. Cô ta có thể buộc tội tôi đã ăn chiếu rơm trong phòng cô ta, chắc Mẹ cũng buộc tôi phải mua chiếu mới để đền. Nhưng bây giờ thời thế đã đổi thay, sự nghiệp sáng chói của Hatsumono đã khô héo rồi, trong lúc sự nghiệp của tôi đang nở rộ. Tôi là con gái của nhà kỹ nữ và là geisha chính. Tôi nghĩ Mẹ sẽ không thèm biết thực hư ra sao.

- Không có nhật ký đâu Mẹ ạ - tôi nói – Hatsumono đặt điều ra đấy.

- Tôi đặt điều à? – Hatsumono hỏi – Để tôi đi lấy à xem, rồi khi Mẹ đọc, cô sẽ mặc sức cho là tôi đặt điều.

Hatsumono đi đến phòng tôi, có Mẹ đi theo. Nền nhà ở hành lang bê bối kinh khủng. Không những Hatsumono làm bể chai rồi dẫm lên, mà cô ta còn vấy thuốc mỡ và máu ở khu vực cầu thang, và bê bối hơn nữa là vấy lên chiếu rơm trong phòng cô ta, phòng của Mẹ, và bây giờ trong phòng của tôi nữa. Khi tôi nhìn vào, cô ta đang quỳ nơi bàn trang điểm của tôi, từ từ đóng các ngăn kéo lại, vẻ thất bại hoàn toàn.

- Hatsumono nói đến nhật ký gì thế? – Mẹ hỏi tôi.

- Nếu có nhật ký, con chắc Hatsumono sẽ tìm ra – tôi đáp.

Nghe thế, Hatsumono để hai tay vào lòng, cười gượng như thể câu chuyện chỉ là trò cười, và cô ta đã bị mắc mưu thua cuộc.

- Hatsumono – Mẹ nói với cô ta – cô phải trả cho Sayuri cái ghim hoa mà cô đã buộc tội cô ấy ăn cắp. Ngoài ra, tôi không muốn có thảm trong nhà vấy máu như thế. Phải thay hết và tiền phí tổn cô phải chịu. Hôm nay thế là cô tốn mất nhiều tiền rồi đấy, mà chưa quá trưa. Không biết cô đã xong việc chưa để tôi tính toán vào sổ?

Tôi không biết Hatsumono có nghe Mẹ nói không. Cô ta đang chú ý nhìn tôi, với ánh mắt mà tôi chưa quen thấy bao giờ.

Thời tôi còn trẻ, nếu anh yêu cầu tôi nói cho anh biết về bước ngoặt của tôi trong mối liên hệ với Hatsumono, tôi sẽ nói rằng đấy là chuyện mizuage của tôi. Cho dù quả đúng chuyện mizuage của tôi đưa tôi lên kệ cao nơi Hatsumono không tài nào với tới, mà nếu không có gì xảy ra giữa chúng tôi, thì cô ta và tôi có thể sống bên nhau cho đến ngày già yếu. Theo chỗ tôi thấy thì lý do tạo ra bước ngoặt chính là việc cô ta đọc nhật ký của tôi và việc tôi tìm ra chiếc ghim cài dải thắt lưng mà cô ta đã tố cáo tôi ăn trộm.

Để giải thích lý do tại sao như thế, tôi xin kể cho anh nghe chuyện có lần Đô đốc Hải quân Yamamoto – người thường được miêu tả là cha đẻ của ngành hải quân Hoàng gia Nhật bản – nhưng tôi có hân hạnh được đến tham dự những buổi tiệc vui chơi với ông ta vài lần. Ông ta nhỏ con, nhưng ông nghĩ rằng thanh thuốc nổ cũng nhỏ. Những buổi tiệc thường vui nhộn sau khi Đô đốc đến. Đêm đó, ông ta và một người đàn ông đang thi vòng chung kết trò thi uống rượu, họ nhất trí rằng người nào thua phải đi mua một cái bao cao su ở tiệm thuốc tây gần nhất – chắc anh biết chỉ nhằm mục đích làm cho người thua bối rối mà thôi, chứ không có mục đích gì khác. Dĩ nhiên cuối cùng ông Đô đốc thắng, và tất cả mọi người hoan hô vui mừng.

- Thưa Đô đốc, thật may là ngài không thua – một người phụ tá nói với ông ta – ngài cứ nghĩ đến cảnh anh chàng bán thuốc tây ngước mắt nhìn thấy Đô đốc Yamamoto đứng trước quầy, chắc ngài sẽ ngượng biết mấy.

Mọi người đều cho đây là chuyện khôi hài, nhưng Đô đốc trả lời không bao giờ ông ta tin là ông ta thua.

- Tôi đồng ý là người nào cũng có lần thua – ông ta đáp – nhưng tôi thì không bao giờ.

Có người trong phòng có thể cho đây là thái độ kiêu ngạo của ông ta, nhưng tôi thì không nghĩ thế. Theo tôi, Đô đốc là người đã quen với cảnh chiến thắng. Cuối cùng có người hỏi ông ta bí mật gì đã giúp ông ta thành công.

- Tôi không bao giờ tìm cách đánh bại người tôi đang chiến đấu – ông ta trả lời – tôi tìm cách đánh bại lòng tin của họ. Người nào tâm trí đang bấn loạn vì nghi ngờ sẽ không tập trung tư tưởng vào con đường dẫn đến chiến thắng. Hai người bằng nhau – bằng nhau thật sự - chỉ khi nào họ cùng có niềm tin như nhau.

Lúc ấy tôi không nhận ra hết ý nghĩa câu nói này, nhưng sau khi Hatsumono và tôi đụng độ nhau vì cuốn nhật ký, tâm trí cô ta bị bấn loạn vì nghi ngờ, như lời ông Đô đốc đã nói. Cô ta biết rằng không có cách gì khiến cho Mẹ đứng về phe cô ta để chống lại tôi nữa, và vì thế, cô ta như chiếc áo lấy trong tủ khô ráo đem ra treo ngoài trời, thời tiết khắc nghiệt ở bên ngoài sẽ làm cho cái áo bị hư ngay.

Nếu Mameha mà nghe tôi giải thích tình hình như thế này, thế nào cô ấy cũng không đồng ý và cãi lại ngay. Quan điểm của cô ấy về Hatsumono hoàn toàn khác tôi. Cô ấy cho rằng Hatsumono có hành động ác độc. Khi cuộc đời đã bắt đầu xuống dốc, cô ta vẫn có những hành động ác độc với mục đích rõ ràng, y như người võ sĩ đạo rút gươm ra – không chém vu vơ mà chém vào kẻ thù. Nhưng đến lúc này thì cô ta đã mất đối tượng để tấn công, không nhắm vào kẻ thù được, và đôi lúc quay qua tấn công vào Bí Ngô.

Thỉnh thoảng trong các buổi tiệc, thậm chí cô ta còn có lời sỉ nhục những người cô ta đang giúp vui. Và thêm một điều nữa, cô ta không còn đẹp như trước. Da bị bủng và nét mặt bự ra. Hay có lẽ tôi thấy như thế thôi. Cái cây trông bao giờ cũng đẹp, nhưng nếu người ta thấy côn trùng đục khoét, đầu cành bị sâu nấm làm biến màu, thì thân cây có còn cũng mất hết vẻ đẹp.

Truyện Chữ Hay