Từ Văn nghĩ ra kế ấy rồi hào khí chàng nổi lên bồng bột miệng lẩm bẩm :
- Chuyện này thật đúng với câu tục ngữ “Đi ngày đàng học một sàng khôn” võ học thiên hạ bao la như biển cả, người nào mà thiếu lịch duyệt thì khó mà bôn tẩu giang hồ được.
Hoàng Minh vẫn chưa buông tha vấn đề trước, gã hỏi :
- Hiền đệ! Tiểu huynh vẫn thủy chung tin là hiền đệ đã uống một thứ thiên tài địa bảo hoặc trân phẩm gì. Nếu không thì chẳng tài nào giữ được sinh cơ tồn tại để chết đi mà sống lại được.
Từ Văn lắc đầu đáp :
- Đại ca ơi! Tiểu đệ không giấu đại ca đâu, thực tình chẳng hiểu vì nguyên nhân gì?
Bất thình lình một thanh âm trong trẻo lọt vào tai nhưng rất lạnh lùng nói :
- Ngươi không hiểu thì để ta nói cho mà nghe.
Từ Văn kinh hãi giật nẩy mình lên, nhưng thương thế chàng chưa khỏi nguyên khí chưa hồi phục. Chàng vừa bắn người lên thì đầu nhức mắt hoa lảo đảo muốn té bất giác la lên một tiếng :
- Úi chao!
Hoàng Minh cất tiếng hỏi :
- Các hạ là cao nhân phương nào?
Từ Văn nghe thanh âm đã biết ngay người mới đến là ai rồi, lập tức bầu nhiệt huyết sôi lên sùng sục. Nhưng chàng hiểu rằng bây giờ chàng không thể cùng người động thủ được đành miễn cưỡng dằn mối oán hờn hỏi :
- Tôn giá biết thế nào?
Luồng gió thổi tà áo bay lạch phạch, rồi một bóng người xuất hiện đối phương rõ ràng là Vân Trung Tiên Tử. Hoàng Minh cũng hít một luồng khí lạnh.
Vân Trung Tiên Tử với dung nhan làm say đắm lòng người mặt mụ không lộ một chút sát khí nào, mụ bình tĩnh đáp :
- Từ Văn! Trong người ngươi có máu của Thiên Đài Ma Cơ.
Từ Văn kinh hãi hỏi lại :
- Trong mình tại hạ có máu của Thiên Đài Ma Cơ ư?
- Đúng thế!
- Sao tại hạ không hiểu?
Vân Trung Tiên Tử đáp :
- Dĩ nhiên là ngươi không hiểu, lần đầu tiên ngươi bị người hạ sát sắp chết đến nơi thì Thiên Đài Ma Cơ vì muốn cứu mạng cho ngươi đã không tiếc lấy máu huyết bản thân của thị để vãn hồi sinh cơ cho ngươi..
Từ Văn dương cặp mắt tròn xoe tỏ vẻ cực kỳ kinh ngạc, chàng run lên hỏi :
- Máu huyết của nàng có thể cứu được người ư?
- Phải rồi! Vì thị đã uống “Thạch long huyết tương” trong huyết dịch nàng có chứa chất trân bảo tuyệt thế và có thể giữ cho sinh cơ khỏi tuyệt diệt. Đó là nguyên nhân khiến cho ngươi dù gặp sát thủ cũng không chết.
Hoàng Minh cùng Từ Văn đồng thời bật tiếng la hoảng, đây thật là một dị sự chưa từng nghe thấy bao giờ.
Mối cảm giác của Từ Văn cảm thấy có phần khó nghĩ, vì thế là Thiên Đài Ma Cơ đối với chàng đã có ơn nặng tày non tình sâu tựa biển. Mối ân tình này thật không bút nào tả xiết và bất cứ sự đền đáp nào cũng không đủ trả nợ trong muôn một. Còn điều đáng quý hơn nữa là thủy chung nàng tuyệt không nhắc tới vụ này với chàng nếu nàng nói ra thì giữa hai người không khỏi phát sinh mối ngượng ngùng, và mối tình cảm cũng bị suy giảm. Nàng nhắc gì tới là hoàn toàn làm cho chàng có điều kiện thuận lợi, đồng thời sự kín đáo của nàng càng khiến cho người ta kính phục.
Thiên Đài Ma Cơ về bề ngoài dường như một cô gái dâm đãng mà trong lòng nàng lại có mối thanh cao tuyệt đại. Nếu chỉ lấy bề ngoài mà đo lường lòng dạ con người mà không xét sâu vào tâm địa thì thật là lầm to. Ngay từ lúc này hình bóng của Thiên Đài Ma Cơ đã hoàn toàn chiếm lấy tâm hồn của Từ Văn.
Nhưng chàng chưa hiểu cặn kẽ liền hỏi vặn :
- Tại sao tôn giá lại biết được?
Vân Trung Tiên Tử mỉm cười đáp :
- Bản Tiên Tử vô tình đã nghe được thị nói chuyện với sư phụ là Tam Chỉ mỗ mỗ như vậy.
Từ Văn bật lên tiếng ủa, Vân Trung Tiên Tử nói tiếp :
- Từ Văn! Ta thưởng cho ngươi một chưởng chẳng qua là để tiết hận, ta đã biết rõ ngươi không chết và ta cũng không muốn giết ngươi. Nếu ta tiêu hủy xác ngươi thì dù cho chất “Thạch long huyết tương” có huyền diệu đến đâu cũng chẳng thể vãn hồi sinh cơ cho ngươi được.
Từ Văn nghiến răng nói :
- Tôn giá đã có lòng hậu tứ, tại hạ không dám quên. Bây giờ tôn giá muốn hạ thủ cũng hãy còn kịp.
Vân Trung Tiên Tử nghiêm nghị nói :
- Bản toàn đã nói là không giết ngươi nhưng qua bữa nay thì không thế nữa.
- Tôn giá không hối hận ư?
- Bản tòa chẳng bao giờ hối hận cả.
- Tại hạ mà không chết thì cái đầu của tôn giá khó òng giữ được trên cổ.
- Chỉ cầu sao ngươi làm được như vậy..
Từ Văn lại hỏi :
- Tôn giá tới đây không có điều gì khác chỉ giáo nữa ư?
- Có chứ!
- Xin tôn giá cho nghe.
- Bản tòa gửi lời nhắn đến Từ Anh Phong bảo y ra mặt để giải quyết món nợ máu ngày trước.
- Nếu quả gia phụ chưa chết dĩ nhiên sẽ có chuyện đó, song gặp trường hợp mà người đã quá cố thì tại hạ xin tiếp thụ.
Vân Trung Tiên Tử mấp máy cặp môi anh đào dường như còn có điều chi muốn nói nhưng mụ lại thôi không mở miệng lướt người đi như quỷ mị mất hút.
Hoàng Minh kích động nói :
- Thân pháp này thật là tuyệt thế vô song.
Từ Văn không nói gì lòng chàng mãi nghĩ đến Thiên Đài Ma Cơ, chàng tự hứa thầm trong bụng :
- Sau khi đền ơn trả oán xong rồi ta quyết cùng nàng giữ mối chung tình trọn kiếp để báo đáp con người hồng nhan tri kỷ.
Nhưng chàng chợt nhớ tới Tưởng Minh Châu. Chàng tự nghĩ :
- Cha con họ Tưởng đối với mình ân tình trọng đại. Chuyến này Tưởng thế thúc đến Quỷ hồ ở Chung Nam để kiếm hảo quả đặng giải tán độc công cho mình, tuy nói là vì mình thật ra là vì việc chung thân của Tưởng Minh Châu mới đúng. Vạn nhất mà Tưởng thế thúc đi chuyến này mà xảy chuyện bất trắc thì cả tình lẫn lý mình phải hoàn toàn chịu trách nhiệm, rồi mình an bài Tưởng Minh Châu cách nào đây? Nếu mình thu nạp cả hai cô thì đầu tiên là Tưởng Minh Châu chưa chắc cô đã ưng thuận mà đối với Thiên Đài Ma Cơ không thuần nhứt cũng là tiết mạn nàng. Tình yêu đã không chân chính thì làm gì có hạnh phúc, năm thê bảy thiếp là sự thường ở đời nhưng ở địa vị người hào kiệt thật khó bề giải quyết.
Từ Văn cảm thấy việc đi Quỷ hồ không thể trì hoãn được nếu chàng tìm thấy Tưởng thế thúc bình yên vô sự, chàng mong lão sẽ thể tất mối đau khổ của chàng mà thu hồi ý định.
Chàng uể oải hỏi Hoàng Minh :
- Đại ca! Tiểu đệ muốn đi Quỷ hồ ngay tức khắc nên chăng?
Hoàng Minh ngần ngừ đáp :
- Hiền đệ ơi! Tiểu huynh không thể đi với hiền đệ được.
Hoàng Minh nói câu này khiến Từ Văn rất đỗi ngạc nhiên nhưng lòng riêng chàng lại mừng thầm, và thực tình chàng không muốn để Hoàng Minh đi theo vì chàng cảm thấy có chuyện không nên để người ngoài dúng vào mà phải tự giải quyết lấy.
Chàng liền hỏi :
- Tại sao vậy?
- Hiện tiểu huynh có việc gấp phải làm ngay.
- Việc gấp ư?
- Đúng thế! Đây là nghiêm lệnh lúc gia sư lâm bệnh, lão gia đã dặn lúc nào gặo thời cơ là phải hành động, bây giờ thời cơ đã đến tiểu huynh không thể bỏ lỡ.
Từ Văn muốn hỏi Hoàng Minh xem việc gì, nhưng chàng lại nghĩ nếu mình hỏi ra tất khiến cho gã có chỗ khó nghĩ. Nếu quả là việc công khai thì mình chẳng hỏi gã cũng nói ra rồi.
Chàng gật đầu nói :
- Vậy tiểu đệ đi một mình cũng được.
- Hiền đệ! Nếu giữa đường mà hiền đệ nghe được tin tức gì của gia sư thì bất tất phải đi tìm Tưởng Úy Dân nữa.
Từ Văn nghi ngờ hỏi :
- Tại sao vậy?
Hoàng Minh ngẩn người ra một chút rồi đáp :
- Gia sư sẽ nói nguyên nhân cho hiền đệ hay, nếu có tin tức về gia sư thì hiền đệ chỉ cần tìm được lão nhân gia là đủ.
Từ Văn ngẩn ngơ chẳng hiểu chi hết, chàng tự hỏi :
- Hoàng Minh nói vậy là có ý gì? Tại sao được tin tức về Diệu Thủ tiên sinh lại bỏ việc đi kiếm Tưởng thế thúc? Mục đích của mình là phải tìm cho ra Tưởng thế thúc lạc lõng nơi đâu có được an toàn không, chuyện này thât khó hiểu.
Hoàng Minh bao giờ thường hay giữ câu chuyện thần bí, khiến cho Từ Văn lắm lúc phải bực mình nhưng chàng chẳng biết làm thế nào nên chàng hàm hồ đáp :
- Hay lắm! Tiểu đệ ghi nhớ rồi.
- Tiểu huynh còn một phong cẩm nang này nữa...
Từ Văn bật cười ngắt lời :
- Cẩm nang ư? Phải chăng đại ca muốn bắt chước Gia Cát Võ Hầu? Gia Cát Võ Hầu ngày trước điều binh khiển tướng nhiều lần dùng đến cẩm nang diệu kế...
Hoàng Minh cũng cười theo rồi đưa phong thư dán rất kỹ trịnh trọng nói :
- Hiền đệ! Vụ này trọng yếu vô cùng, khi nào hiền đệ gặp việc nghi nan không quyết định được hãy mở ra coi.
- Nếu không gặp việc nghi nan thì sao?
- Hiền đệ đốt cẩm nang này đi.
Từ Văn hỏi :
- Không được mở ra coi ư?
Hoàng Minh nghiêm sắc mặt nói :
- Đừng coi là hay hơn hết.
- Được rồi! Tiểu đệ xin cất kỹ.
Đoạn rồi hai người từ biệt.
Hoàng Minh đi rồi, Từ Văn biết chắc Vân Trung Tiên Tử không tập kích hạ thủ giết mình nữa, chàng phóng tâm ngồi nguyên chỗ để điều dưỡng thương thế. Chỉ trong khoảnh khắc công lực hồi phục như cũ chàng lập tức đứng dậy nhắm hướng Tây trực chỉ. Kể ra bây giờ chàng có thể vào miếu để kiếm Vân Trung Tiên Tử rửa hận nhưng người ta đã không nhân lúc mình gặp nguy cơ mà hạ thủ thì bất cứ thì oán gì chàng cũng bỏ qua bữa nay, và cương quyết ra đi. Đó cũng là lòng dạ anh hùng khác với người thường.
Một hôm Từ Văn đi tới chân núi Chung Nam chàng hỏi khắp sơn dân mà chẳng một ai hiểu Quỷ hồ ở đâu. Nhưng chàng vẫn tin lời Hoàng Minh nhất định không sai có điều Quỷ hồ là một địa điểm nào đó mà người võ lâm gọi khác đi. Danh từ này chỉ lưu trong nhân vật võ lâm thì người sơn dân hiểu thế nào được? Vì trường hợp bắt buộc Từ Văn phải chuẩn bị lương khô để đi hẳn vào núi điều tra.
Quỷ hồ là một nơi bí hiểm người thường không thể biết được thì tất nhiên nó cũng là một nơi ít vết chân người. Từ Văn nghĩ vậy nên sau khi vào núi cứ tìm những nơi hiểm trở mà dò la.
Ba ngày trời ăn gió nằm sương vẫn không được việc gì nhưng chàng vẫn không nản lòng quyết định phải tìm cho ra gốc ra ngọn mới nghe. Nếu không thì ngay đối với lương tâm mình chàng cũng ân hận đừng nói chuyện phúc đáp Tưởng Minh Châu nữa.
Ngauỳ thứ tư chàng ỷ mình có thân pháp tuyệt thế là môn “Hoàn Không Phi Thăng” liền tung mình vọt lên một ngọn núi rất cao vô cùng hiểm trở. Ngọn núi cao này trừ loài chim bay kể cả khỉ vượn cũng khó lòng mà trèo lên được, vách núi dựng đứng chỉ có rêu phong không một cây cỏ nào mọc được. Từ Văn lên đỉnh núi thấy một khu rừng cây cối rậm rạp xanh rì, mắt nhìn không thấu chẳng khác gì một ngọn núi cao đầu đội mũ xanh, chàng lẩm bẩm :
- Không hiểu ngọn núi này tên là gì, giả tỷ kêu nó bằng “Lục Mạo phong” thì thật đúng.
Đứng trên đỉnh núi trông xuống thì thấy quần sơn nhấp nhô khe suối rõ ràng chứ chẳng thấy bóng một cái hồ nào. Vì đầu núi bị rừng cây bao phủ chàng chỉ có thể nhìn về phía trước và một phần hai tả hữu, nếu muốn nhìn rõ mặt sau thì phải xuyên qua khu rừng đến tận bên kia mới được. Từ Văn ngẫm nghĩ một chút rồi nhảy vọt lên cao cứ chuyền ngọn cây mà tiến. Chàng đi cách này tránh khỏi chông gai cùng cây cối làm cản trở bước đường.
Từ Văn đi chừng mấy chục trượng trước mắt chàng bỗng sáng lòa một cái hồ rộng chừng mấy mẫu nằm chình ình ngay giữa rừng. Bốn mặt toàn là rừng cây dầy đặc như vậy mà đứng ngoài mà trông vào thì chẳng thể nào thấy được. Chàng tự hỏi :
- Chẳng lẽ vì tình trạng này mà người ta kêu nó bằng Quỷ hồ.
Từ Văn mừng quýnh đặt chân xuống cành lá lướt đi rồi nhẹ nhàng đặt chân xuống bên hồ còn cách chừng mười trượng. Nước hồ lờ mò trên mặt bao phủ một làn mù trắng coi như một ảo cảnh đầy vẻ âm trầm quỷ khí. Bất giác chàng buột miệng la :
- Đúng rồi! Đây chắc là Quỷ hồ không còn sai nữa.
Bất thình lình giữa hồ nổi lên một trận cười the thé nghe rất chói tai như tiếng quỷ khóc ma gào song chẳng thấy bóng người đâu hết. Từ Văn toàn thân run bần bật lông tóc dựng đứng cả lên chàng lẩm bẩm :
- Trong Quỷ hồ này chẳng lẽ có quỷ thiệt ư?
Tiếng cười này lúc đứt lúc nối, như gần như xa công lực của Từ Văn dù có cao thâm đến đâu nhưng ở vào tình trạng này chàng cũng không khỏi điên đầu. Chàng tự hỏi :
- Tưởng thế thúc đã đến đây chưa? Hay là lão gia đã trở gót rồi, có lẽ thế thúc chưa tìm được đến nơi không chừng.
Tiếng cười dứt bầu không khí trở lại trầm tịch chết chóc, Từ Văn định thần lại vận nội công rồi lớn tiếng :
- Kẻ mạt học trong võ lâm là Từ Văn xin vào bái kiến chủ nhân chốn này.
Chàng gọi luôn ba câu vẫn không thấy phản ứng, chàng còn đang ngần ngừ bỗng thấy một bóng người tựa hồ ma quỷ ở trong nước hồ đủng đỉnh hiện lên. Từ Văn kinh hãi không bút nào tả xiết, chàng tự hỏi :
- Nếu là người thì sao họ lại đi trên mặt nước được? Nếu là quỷ lại càng vô lý giữa lúc thanh thiên bạch nhật làm gì có ma quỷ xuất hiện?
Bóng người đi mỗi một gần chân bước vững vàng như ẩn như hiện mà không thấy nước bắn toé lên, cước bộ này thì không giống phép Lăng Ba về khinh công tối thượng thế nó vì nguyên nhân gì? Từ Văn trong lòng hồi hộp nhìn bóng người thủng thỉnh đi về phía mình.
Bây giờ chàng nhìn rõ. Y là một lão già cao lớn ngoài năm chục tuổi mặt không lộ vẻ chi hết chỉ có cặp mắt sâu hoắm. Lão ngó Từ Văn hai lần rồi cặp môi mấp máy ngoảnh sang mé bên...
Từ Văn chấp hai tay nói :
- Xin các hạ hãy dừng bước!
Lão chẳng bảo sao mà cũng không quay đầu lại lão cứ ung dung mà đi.
Từ Văn nghĩ bụng :
- Không chừng lão này điếc nhưng mắt lão còn trông rõ thì thấy người lạ đến lẽ nào không nhìn?
Từ Văn nghĩ vậy liền lớn tiếng hô :
- Tại hạ có lời muốn phỏng vấn các hạ.
Lão kia vẫn chẳng nhìn nhõi gì chàng cứ thẳng đường mà đi chớp mắt lão đã tới bên hồ nhắm về phía rừng rậm mà tiến. Từ Văn băng mình nhảy xổ lại cản đường đí phương chàng nhịn được cơ tức giận liền xẵng giọng hỏi :
- Sao các hạ lại cự tuyệt người ở ngoài ngàn dặm tới đây?
Lão vẫn không trả lời nhưng dừng bước lại, Từ Văn lớn tiếng hỏi :
- Nơi đây phải chăng là Quỷ hồ?
Lão nhíu cặp lông mày khoé mắt lộ vẻ khác lạ, lão cất tiếng nói rất khẽ nhưng Từ Văn cũng nghe được :
- Dời khỏi nơi đây lập tức.
Từ Văn lại càng ngờ vực, chàng chẳng hiểu tại sao lão lại không trả lời câu hỏi của mình mà chỉ bảo mình phải lập tức rời khỏi nơi đây, vẻ mặt lão ra chiều rất lo lắng không biết vì lẽ gì?
Lão già né mình sang bên để vượt qua thân pháp lão mau lẹ phi thường, dĩ nhiên Từ Văn khi nào chịu bỏ qua chàng băng mình nhanh như chớp đón đầu lão rồi lớn tiếng hỏi :
- Tại hạ xin hỏi, nơi đây có phải là Quỷ hồ không?
Lão già lùi lại mấy bước liền nét mặt lão lộ vẻ cực kỳ đau khổ, Từ Văn lại càng nghi hoặc vì đối phương không câm không điếc mà sao lại có thái độ kỳ dị như vậy?
Đột nhiên giữa hồ lại có tiếng đàn bà lạnh lẽo vang lên :
- Y không thể trả lời ngươi được đâu.
Đúng là người đàn bà kia đã dùng phép truyền âm để nói rõ ràng từng tiếng một. Từ Văn chấn động tâm thần tự nghĩ :
- Hiển nhiên đối phương đã luyện thành thuật “Thiên thính, Địa thị” nếu không thế thì làm sao y lại biết rõ cảnh tượng bên ngoài. Nhưng đã có người đối đáp thì công việc có thể hoàn thành được.
Chàng liền dùng phép truyền thanh hỏi lại :
- Tại sao vậy?
Thanh âm kia trả lời :
- Ngươi không can thiệp vào được.
Từ Văn lại hỏi :
- Phải chăng tôn giá là chủ nhân nơi đây?
- Chính thị!
- Xin tôn giá cho biết tôn hiệu.
Thanh âm kia đáp :
- Ta là Quỷ Hồ phu nhân.
- Tại hạ xin vào bái kiến.
Quỷ Hồ phu nhân hỏi :
- Về việc gì?
- Tại hạ mạo muội tới đây để tìm kiếm một người không hiểu lạc lõng nơi đâu?
Quỷ Hồ phu nhân hỏi :
- Ngươi muốn kiếm ai?
- Tại hạ muốn kiếm Tưởng Úy Dân ở Khai Phong, ba tháng trước đây lão đã tới đây tìm thuốc...
Quỷ Hồ phu nhân ngắt lời :
- Có phải ngươi là Địa Ngục thư sinh không?
Từ Văn vừa nghe đã biết ngay là Tưởng Úy Dân đã tới đây rồi, chàng chắc là lão bị giam cầm trong Quỷ hồ và đã trình bày sự thực với đối phương nếu không thì làm sao mụ lại biết danh hiệu chàng?
Từ Văn mừng quýnh đáp ngay :
- Chính là tại hạ.
- Ngươi muốn gặp Tưởng Úy Dân ư?
- Chính thế!
- Ngươi có nhận biết Tưởng Úy Dân không?
Lão già kia mấy lần đưa mắt ra hiệu cho Từ Văn, nhưng Từ Văn đã buột miệng đáp :
- Dĩ nhiên tại hạ quen biết lắm.
Quỷ Hồ phu nhân bật lên mấy tiếng cười the thé bỗng mụ cất tiếng lạnh như băng nói :
- Ngươi nói hoang đường.
Từ Văn ngạc nhiên hỏi lại :
- Sao phu nhân lại nói thế?
- Thực tình ngươi không biết hắn.
- Tôn giá căn cứ vào đâu mà nói vậy?
Quỷ Hồ phu nhân ỡm ờ đáp :
- Vì ngươi không nhận ra hắn.
- Tại hạ không hiểu ý kiến của phu nhân muốn nói gì?
Quỷ Hồ phu nhân hỏi lại :
- Người đứng đối diện vơi ngươi là ai đó?
Từ Văn chấn động tâm thần chú ý nhìn vào lão già nhưng chẳng thấy giống Tưởng Úy Dân chút nào ngoại trừ tầm thước người còn chẳng có chỗ nào tương tự. Nhất là Tưởng Úy Dân có chùm râu dài tới bụng mà lão này râu ngắn ngủn mà lại rất ít. Chàng tự nhủ :
- Chẳng có lý nào mình lại không nhận ra được Tưởng thế thúc.
Bỗng thấy da mặt lão co rúm lại mấy lần tỏ ra rất quái lạ nhưng vẫn chẳng nói gì. Lúc này Từ Văn đã nhìn tướng mạo lão già rất kỹ chàng phát hiện ở giữa cặp chân mày có một nốt ruồi lớn bằng hạt đậu. Dấu vết này theo sách tướng gọi là “Nhị long đoạt châu” song Tưởng Úy Dân không có dấu vết đó mà tại sao Quỷ Hồ phu nhân lại bảo lão là Tưởng Úy Dân mới kỳ? Chàng cương quyết đáp :
- Lão này không phải.
Quỷ Hồ phu nhân hỏi lại :
- Sao lão này không phải ư?
Từ Văn cương quyết đáp :
- Nhất định không đúng.
Quỷ Hồ phu nhân nói :
- Nếu vậy thì ở đây không có ai là người ngươi muốn kiếm.