Thượng Quan Linh lúc này không khác gì như kẻ nằm mơ, thầm nghĩ: một nơi hoang vắng của Đại Ngũ Trì đây, sau lại có một đáy hồ tuyệt thế này? Xem ra không phải một cảnh thiên nhiên mà chính ra là một cảnh nhân tạo rõ ràng, quả thật không thể nào tưởng tượng nổi. Sức lạnh trong người bớt đi, nhưng cơn đói tăng lên kinh khủng. Những tiếng sôi bụng ục ục nổi lên từng hồi, bụng nghĩ: làm sao trước khi chết mình cũng phải ăn no chứ, ai lại dại gì làm ma đói! Nhưng trong thạch thất này lấy đâu ra thức ăn? Thượng Quan Linh đành đưa chân bước đi lang thang và chàng cố để ý từng nơi khả nghi của thạch thất. Đi được một chập, bỗng thấy phía trước hiện ra một vật đen ngòm, đứng xa nhìn, trông phảng phất như một con thú dữ lớn, hình thù quái đản, Thượng Quan Linh bất giác đứng khựng lại. Chàng cố nhìn kỹ quả là một con thú dị hợm mà xưa nay chàng chưa thấy qua bao giờ. Trông nó cao lại vừa lớn, bề cao của thạch thất có gần hai trượng, thế mà lưng con quái vật lại kề giáp với đỉnh thạch thất, đầu nó cúi sát xuống, nhìn tổng quát con quái vật trông không khác gì con Tích dịch (loại kỳ đà chàng hiu) khổng lồ, toàn thân nó có đến ba bốn trượng, châu thân vi vẩy láng bóng, phía sau cả chiếc đuôi dài lòng thòng, và bốn chiếc chân ngắn cứng cát bám sát trên mặt đất, trông chẳng khác nào như bốn cột trụ nhà đang dựng bốn góc cân đối vậy!
Nhìn kỹ bộ mặt của con quái vật Tích dịch khổng lồ nó có một chiếc đầu khá đồ sộ, một đôi mắt xanh lè to bằng miệng bát lấp lánh ánh sáng, miệng hơi hé mở và để lộ hẳn những hàm răng nanh kinh khủng ra!
Dẫu cho chàng Thượng Quan Linh có to gan bạo phổi đến đâu, trong tình cánh này chàng cũng không khỏi nơm nớp lo trong bụng, chỉ thấy mõm con vật nhô hẳn ra, Thượng Quan Linh tính quay mình chạy cho xong, nhưng bỗng chàng phì cười ngầm, rõ lẩm cẩm, đã định tìm chết mà lại còn sợ chết sao? Nếu tí nữa phải chết quằn quại về vết thương độc hành hạ đau khổ, chẳng thà mình gửi ngay thân vào con quái vật này là yên ổn hơn? Thế là chàng bạo gan đứng lại và bước ngay phía trước mặt con quái thú dị hợm! Chàng không đám mở mắt, bụng nghĩ chuyến này thế nào cũng toi mạng, và sẵn sàng chịu đựng sự ngấu nghiến kinh khủng trong hàm răng cưa của con quái vật khổng lồ. Nào hay chàng nhắm mắt đứng đợi cả đỗi, vẫn không thấy con Tích dịch khổng lồ sơi mình, và cũng chẳng nghe nó động đậy gì. Thượng Quan Linh lấy làm lạ, chàng hé mắt, con vật khống lồ vẫn uy nghi, đôi mắt long lanh màu lục quang, nhưng chẳng thấy nó gầm hét hay nhảy vọt qua, mà chỉ trơ trơ đôi mắt đứng nhìn Thượng Quan Linh, không hề nhúc nhích hay động đậy.
Thượng Quan Linh tự hỏi: không lý con vật khổng lồ này đã chết rồi hay sao? Chàng cố ý bước sát thêm một bước, con vật vẫn bất động: Thượng Quan Linh lại tiến thêm một bước, thân đã sắp kề sát đến mõm con vật nhô hắn ra ấy, nhưng con quái vật khổng lồ này vẫn trơ trơ ra đó. Lúc này chàng mới xác thực là con vật khổng lồ này đã chết từ lâu, chàng bực mình rủa:
- Đồ chết toi! Mi mà cũng cả gan lừa ghẹo ta hả?
Dứt tiếng chàng vung chưởng đánh thẳng vào chiếc mõm dài của con vật vô tri ấy, nghe rầm một tiếng, chẳng khác nào như đánh phải sắt đá vậy, khiến cho tay Thượng Quan Linh tê buốt đau nhói, may là chàng chỉ mới dùng hai ba phần công lực nếu không lại chẳng bị tét hổ khẩu và ứa máu tay mới là chuyện lạ đời!
Thượng Quan Linh càng tức mình, rút phắt ngay cây Lệ thủy tinh kiếm bên mình chém phạt tưng bừng vào con quái vật khổng lồ, nhưng chẳng ăn nhằm gì với bộ giáp vô cùng cứng rắn của nó, dù cho chàng Thượng Quan Linh đã vận hết chân lực vào cây kiếm vô cùng sắc bén của mình, rút cục vẫn không làm gì nổi con quái vật, nó vẫn trơ trơ với thân mình đồ sộ đứng ỳ ra đó! Tuy đường kiếm chém tóe đom đóm lửa, và tiếng kiếm vang lên những tiếng coong coong kinh người! Thượng Quan Linh càng kinh hãi, chỉ sợ cây kiếm quí bị tổn hại, vội vàng ngừng tay xem lại ngọn kiếm, nghĩ rằng đáng lẽ mình không nên đem theo cây kiếm quí bên mình để xuống dưới đáy Đại Ngũ Trì này, đáng lý ra phải đem tặng cho Liễu Mi hay là sư huynh Hầu Hạo mới đúng, như vậy kiếm được gặp minh chủ và nó sẽ tiếp tục lập công nghiệp cho chủ nhân mới của nó. Nay xem ra, cây kiếm này không còn bao giờ xuất hiện trên thế gian nữa, nó sẽ nằm dưới đáy trì này muôn đời, sau khi mình chết đi, và bao nhiêu năm sau đó, khi mà thi hài ta chẳng còn một di tích gì để lại nhưng cây kiếm này vẫn trơ trơ phơi gan với tuế nguyệt. Nhưng nào đâu có ai có thể phát giác về bí mật dưới đáy của Đại Ngũ Trì này cơ chứ? Càng nghĩ đến cây bảo kiếm từ nay bị trầm luân, Thượng Quan Linh càng buồn rầu, chàng nạp ngay kiếm vào vỏ, trong lòng bơ vơ vất vưởng!
Chàng thả bước bâng quơ vào dưới bụng con vật khổng lồ, chàng cảm thấy bốn chân to bằng trụ đình ấy đang chịu hết toàn thân xác của con vật một cách hiên ngang, và chàng cảm thấy mình không khác nào đang đứng trong mái đình làng vậy. Thượng Quan Linh tính nhẩm, sắp tới giờ độc thương Phủ Chưởng Hàn của mình bộc phát rồi đây, mình gửi nắm xương khô dưới bụng con Tích dịch này cũng được lắm. Thế là chàng ngồi sát vào hai mông đùi sau của con quái vật khổng lồ chờ đợi cái chết của mình sắp đến. Nhưng chỉ trong nháy mắt, bỗng có một mùi thơm nhẹ nhàng bay thoảng qua mũi chàng, Thượng Quan Linh hé mắt ra nhìn, cách mình không xa, thấy trên mặt đất mọc sẵn một cây nhỏ bằng đốt ngón tay, và trên ngọn cây ấy lại nở đóa hoa nhỏ trắng như tuyết.
Mùi thơm chính do đóa hoa trắng ấy tỏa ra, Thượng Quan Linh lấy làm lạ, suốt từ lúc trầm mình xuống đây đến giờ, biết bao nhiêu sự kiện ly kỳ đã khiến cho đầu óc chàng mất hẳn với ý thức tại của nó. Trạng thái của chàng đâm ra mơ hồ. Chàng đứng dậy và bước ngay đến ngắt đóa hoa đưa lên mũi ngửi mạnh, nhưng khi có hơi người gần đến, đóa hoa lập tức ủ rũ ngay và héo hẳn, nhưng nó đã biến ra một mùi thơm dịu lạ lùng. Thượng Quan. Linh vội tận hưởng hết những mùi thơm do đóa hoa tiết ra. Bỗng chàng cảm thấy trong mình khoan khoái vô cùng, cả một sự thư thái trong người, thuận tay chàng bứt luôn cây của nó bỏ ngay vào miệng nhai ngấu nghiến và nuốt ngay vào bụng mình, mùi thơm sặc đầy miệng, chàng nhận thấy trong người mình lúc này hây hây lạ, tứ chi bách cốt trong mình, không một chỗ nào mà không cảm thấy khoan khoái, chàng bèn ngồi xuống nghỉ ngơi, nhưng chẳng bao lâu, chợt nhiên chàng cảm thấy kinh lạ, sau khi ăn đóa hoa trắng và cả cuống hoa của nó, trong bụng không còn cảm thấy đói và lạnh nữa.
Chàng sung sướng mỉm cười, và cho rằng ông trời quả nhiên đã không bạc đãi mình, trước khi tuyệt mạng sống lại còn may mắn gặp những sự ly kỳ thế này, không những đã tìm ra một nơi chết lý tưởng như đây mà cả đến nguyện vọng không muốn làm ma đói cũng đã thành đạt! Chàng không còn ân hận gì nữa! Tính nhẩm, hạn bảy ngày cũng sắp đến rồi, giờ đây mình vừa ấm lại vừa no, có thể yên tâm chờ đợi tử thần lại rước đi, chàng ung dung bước vào dưới bụng con quái vật tĩnh tọa, nhắm mắt vận công, trong óc ngầm khấn vái và cầu nguyện, xin cho độc thương trong mình phát ra, làm sao cho chàng được chết ngay tức khắc thì hay, chớ để phải chết trong quằn quại đau đớn thì khổ thân lắm! Khấn xong, Thượng Quan Linh hồi hộp ngồi đợi thời gian đưa đến. Và cũng trong lúc này, chàng mới hiểu rõ chữ chết. Thì ra cái chết cũng không phải dễ dàng gì, nhất là người sống phải chờ đợi cái chết, quả là một sự hành hạ tinh thần đến cực độ. Cũng không biết chờ đợi được bao lâu rồi, Thượng Quan Linh dần dần cảm thấy mệt mỏi, và chàng chợp mắt gửi hồn mình vào làng mộng.
Giấc ngủ của chàng tuy say sưa, nhưng chàng vẫn không quên đây là những giờ giấc cuối cùng nhất của đời chàng, và chàng ao ước giấc mộng sẽ không bao giờ còn tỉnh lại với mình, nghĩa là chàng vẫn muốn chết trong một không khí bất tri bất giác thì tuyệt dời! Thế là chàng yên tâm thả hồn trong giấc mộng, chàng thường nghĩ là giấc điệp này không bao giờ mình còn có cơ hội tỉnh lại nữa... Nhưng oái oăm thay chàng vẫn phải tỉnh lại. Sau khi tỉnh, chàng đâm ra hoài nghi mình không còn sống trong trần gian thì phải? Hình như mình đang sống trong một thế giới khác!...
Chàng dùng tất cả những phương pháp của đời người thường thí nghiệm: hết cắn môi lại cắn đốt ngón tay, nhưng vẫn cảm thấy đau như thường, và còn thấy có máu là khác, chứng tỏ mình hãy còn sống nhăn trên trần gian, thật không thể nào tưởng tượng được, thời gian tận số chưa đến với mình sao? Hay ngọn độc công của Phủ Chưởng Hàn kém công hiệu? Nhưng không thể nào như thế? Luận về thời gian, kỳ hạn bảy ngày đã hết từ lâu, nói về độc công Phủ Chưởng Hàn, lão bà đã coi mình như kẻ đại thù nghịch, sau khi thắng một chường, đã không nhân cơ hội dồn mình vào ngay tử địa mà bỏ đi như thế, chứng tỏ người ta đã cầm chắc vận mạng của mình trong tay! Độc ý thâm ác của địch là muốn cho mình bị chết trong sự quằn quại đau khổ!
Lại nữa Hoạt thương công Hoa Diệp Tử lại là bực hiệp y trứ danh trên giang hồ, lời nói của ông ta đâu có lý sai? Thượng Quan Linh nghĩ liên miên những vấn đề lạ lùng trong đầu óc mình, nhưng tinh thần chàng cảm thấy minh mẫn, trong mình như đầy đủ sinh lực, không có triệu chứng gì là độc thương sắp bộc phát. Chàng lại cố chờ đợi thêm, dần dà chàng đã chịu không nổi cảnh tịch mịch xung quanh, bèn đứng dậy bước loanh quanh sau một giấc ngủ, chàng cảm thấy bụng mình không hề thấy đói. Thượng Quan Linh bước vượt khỏi đuôi con Tích dịch, đi được chừng lối ba mươi bước, chỉ thấy là lối tận cùng của ngôi thạch thất, trống rỗng và không thấy một vật gì, chàng bất giác cảm thấy thất vọng.
Thì ra cả một ngôi thạch thất to lớn này, ngoại trừ con quái vật khổng lồ Tích dịch đứng giữa nhà với thế rùng rợn kinh khủng của nó, và những chất lân tinh lấp lóe của vách tường tỏa ra, không gì khác lạ thêm. Thượng Quan Linh bất giác lại chán nản trong người, thầm nghĩ: dù cho mình may mắn không chết cũng không làm sao mà ra khỏi ngôi thạch thất này nữa, và những lời tương truyền của dân gian về hồ Đại Ngũ Trì, đến lông ngỗng còn không thể nào nổi lên mặt nước được huống hồ là con người? Xem ra mình không bị chết về độc thương Phủ Chưởng Hàn, cũng bị chết cóng về thạch thất đồ sộ này mất. Nhưng Thượng Quan Linh đã bước thử lại phía tận cùng để quan sát xem có gì lạ nữa không, nhưng phía tận cùng mờ ám ấy chàng thấy có một khoen tròn, hình như lại là một khoen cửa. Chàng đưa tay kéo ngay chiếc khoen, quả nhiên là một cánh cửa động, tiếp theo là mùi thơm ngát tỏa vào mũi chàng.
Thượng Quan Linh bước ngay vào bầu không khí thơm bát ngát này, lần này chiếc cửa cũng tự động đóng ngay lại, thế là cánh cửa trông không khác nào thạch bích nằm nguyên lại như một vách tường, nếu không có chiếc khoen tròn, đố ai nhận ra đó lại là cánh cửa động bí mật.
Thượng Quan Linh phải thần phục lối kiến trúc tài tình này, quả là tuyệt luân. Chàng buông mắt nhìn khắp xung quanh, ngoài mùi thơm ngát dịu ra, chỉ thấy ngôi thạch thất này diện tích cũng không khác gì ngôi ngoài kia mấy, nhưng đặc biệt chất lân tinh trên vách trong này có vẻ mạnh hơn bên ngoài kia, ánh lấp lóe của nó khiến cho hoa mắt. Chàng bước lại gần nhìn kỹ, thì ra vách ở đây khác hẳn, ngoài kia sần sùi lởm chởm bao nhiêu thì trong này trái lại nhẵn nhụi bấy nhiêu và trên vách này cũng chạm khắc những bức hình người nhan nhản.
Mỗi bức hình người, chiều dài ngắn đều được bốn năm thước, giơ quyền hất cước, hoặc đứng hoặc khom, mỗi một hình là một thế khác biệt nhau, càng kỳ lạ hơn nữa là những chất lân tinh ấy được chạm gắn vào mắt mũi, ngón tay ngón chân của những bức hình linh động trên vách, nhờ ánh lấp lóe ấy mà càng lộ rõ hẳn những nét linh động của hình người trên vách. Thượng Quan Linh bỗng nghĩ: không lẽ những bức hình tuyệt tinh xảo đã được người ta cố ý tạo ra để cho người xem am hiểu những động tác của bức chạm trổ tinh vi ấy. Trong mắt con nhà võ như Thượng Quan Linh, chàng nhận ngay ra tất cả những tư thế của các bức hình người chạm trổ trên vách, từ: mắt, chưởng, cước, ngón tay, ngón chân của hình người, hiển nhiên là đang diễn từng thế võ một!
Lòng Thượng Quan Linh bất giác háo kỳ, chàng bèn bắt đầu từ bức hình người thứ nhất từ nơi ngõ vào, cẩn thận chăm chú xem, chỉ thấy bức hình như đang hiểu rõ ý: bắt đầu của một lối chưởng pháp, trông điệu bộ quái dị và sống sượng vô cùng.
Thượng Quan Linh nhìn mãi, với sức học uyên bác của chàng, nhất là được sự chỉ dẫn tận tâm của Nam bút Gia Cát Dật trong thời ở Ngao Sơn, khiến chàng đối với các võ công của các môn phái trong thiên hạ, đều cũng biết được một sự tổng quát, nhưng quả thật xưa nay chàng chưa hề được thấy một chường pháp nào mà lại bắt đầu ra tay bằng lối kỳ dị này bao giờ. Chàng cố moi óc nhớ của mình về tất cả các lối mở đầu của chường pháp của hầu hết các môn phái trong thiên hạ, nhưng không có một lối mở đầu chưởng pháp nào bằng lối của bức hình thứ nhất trên vách này, ngầm cảm thấy lạ lùng! Nhìn mãi chẳng hiểu, đành bỏ bức hình thứ nhất, và quay sang nghiên cứu về bức hình thứ hai nhưng chàng càng chăm chú xem hao nhiêu thì bức hình thứ hai này lại càng rối loạn phức tạp bấy nhiêu, nhìn thét rồi chàng cũng đành chịu.
Và cứ thế chàng nhìn hết các bức hình còn lại trên vách, chỉ thấy những bức hình to nhỏ bằng nhau ấy chất lân tinh óng ánh nhoà hoa cả mắt, không làm sao hiểu nổi những điệu bộ kỳ quái bí hiểm ấy, toàn là những thế chưởng cổ quái mà xưa nay chàng chưa hề thấy bao giờ. Nhất là lối ăn mặc quái dị của những bức hình chạm trổ trên vách, chỉ thấy bức hình nào cũng để trần ngực và hở hẳn đến lỗ rốn (rún), từa tựa như những bức Phật Như Lai, trong lòng cũng hơi nghi: những bức hình trên vách này, rõ ràng không phải nhân vật trong miền Trung Nguyên, mà chính là phiên tăng (sư tăng nước ngoài) bên Tây Vực Thiên Trúc, hay Mê tông của Tạng Phái, cho nên những dáng điệu của võ kỹ biểu hiện một cách quái dị lạ lùng như trên những bức hình trạm trổ trên vách đại thạch thất này.
Thượng Quan Linh cảm thấy phấn khởi, trong hai bức vách dài thườn thượt ấy, đều trạm trổ toàn những bức hình nhà sư Tây Trúc, với những điệu bộ không bức nào giống với bức nào. Tuy chàng chưa đếm kỹ, nhưng cũng ước lượng có cả trên trăm bức hình chạm như thế là ít, trong lòng Thượng Quan Linh bèn lập ý tính học ngay những võ công kỳ dị của Tây Vực này xem sao. Thế là bắt đầu từ bức thứ nhất, chiếu đúng theo hình dáng của bức hình trên vách, đầu gối bên phải khẽ co lên, chưởng bên trái chỉ thiên, chưởng bên phải trỏ đất. Thoạt đầu chàng cảm thấy cũng bình thường, không có gì lạ, nhưng chỉ trong chớp nhoáng, bỗng cảm thấy khó chịu ngay, khí huyết rạo rực bồi hồi, vội thu ngay tay lập tức.
Thượng Quan Linh lấy làm kinh dị, không hiểu nguyên cớ tại sao? Khi luyện công lại gặp trở ngại như kỳ này quả thật xưa nay chàng chưa hề có hiện tượng này bao giờ! Nhưng chàng bỏ ngay ý định học về loại võ công kỳ dị này, chàng men theo tường vách bước đi, ước đâu hơn ba chục bước, đã đến nơi tận cùng của thạch thất, chợt chàng thấy một cỗ thạch. sàng (giường bằng đá), nhờ ánh lấp lánh của chất lân tinh chiếu sáng, chàng chập chờn thấy có một người ngồi xếp chân bàn tròn trên thạch sàng. Thượng Quan Linh vừa mừng vừa hoảng, không ngờ một nơi bí mật như đáy hồ Đại Ngũ Trì, chắc phải là một vị ẩn thế cao nhân chứ không phải tay phàm tục tầm thường.
Chàng chờ mãi, không thấy người này nhích động, bèn bạo gan cất tiếng rằng:
- Đệ tử Thượng Quan Linh, nay kính tham kiến lão tiền bối! Mong ngài khoan dung tội mạo muội đột nhập tiên đàn của ngài? - Dứt lời chàng cung kính cúi sát mình thi lễ.
Mặc dù cử chỉ hành động của Thượng Quan Linh vô cùng cung kính, tiếng nói trong rõ, nhưng người ngồi trên thạch sàng vẫn như không nghe và không thấy. Chờ mãi không thấy động tỉnh, Thượng Quan Linh lo nghĩ bụng: không lý người này cũng giống như con quái vật khổng lồ Tích dịch sao? Đã chết từ lâu? Chàng buông tiếng gọi thêm hai câu: Lão tiền bối! Nhưng vẫn tuyệt nhiên không tiếng trả lời, chàng đánh bạo gan bước gần lại xem, chỉ thấy người này ngồi im, tóc xõa ngang vai và xoắn kết từng hàng thành khu ốc, hình như đã không tắm gội từ lâu, và bộ tóc hầu như đã che kín cả khuôn mặt, nên nhận diện không rõ lắm. Nếu phán đoán theo bộ áo nhà tăng kỳ dị trên thân của người này, thì đây quả đúng là một vị tăng lữ, hình như vì thời gian ở trong này khá lâu, nên trên đầu mới có tóc dài như thế. Nhận xét chung về tướng hình của người này, hình như không phải là người ở miền Trung Thổ, mà là tăng lữ miền Tây Vực hoặc giả bên Tây Tạng, hay Phật quốc Thiên Trúc!
Thượng Quan Linh đứng tần ngần một hồi khá lâu, chàng thầm lặng suy nghĩ: chắc nhà sư ngoại quốc này có liên quan mật thiết với những bức hình chạm trổ tinh xảo trên hai bức vách kia, nay thấy nhà sư vẫn uy nghi bất động, chàng cũng không dám đoán chắc là người ta còn sống hay đã chết! Chờ mãi đâm sốt ruột, Thượng Quan Linh liền quyết tâm, tự lẩm bẩm một mình rằng:
- Không biết tiền bối là pháp sư và tiên cư tại đâu mà tọa hóa nơi đây! Chắc ngài còn di mạng (lệnh di chúc) để lại chăng, nay tiểu tử có duyên được gặp mặt ngài, nguyện xin được tuân mạng hoàn thành!
Thượng Quan Linh quên bẵng mình có sống nổi để ra khỏi động thất này không, khom lưng kính cẩn vái dài hai vái, rồi chàng nhẹ đưa tay ra khẽ thọc ngay vào mớ tóc xõa trước mặt tính vén lên để xem chân dung vị tiền bối này ra sao! Nhưng nào ngờ tay chàng cảm thấy thọc ngay vào một nơi lỗ trống hỗng, và ngấm ngầm lành lạnh! Thì ra gương mặt của vị tăng nhân này không biết đã biến đâu!
Thượng Quan Linh bất giác cẩn thận nhìn kỹ lại, dù chàng to gan đến đâu, lúc này cũng giật thót mình tái mặt nhảy vọt ngay về sau? Thì ra màn tóc xõa che phủ bộ mặt, chỉ còn lại một chiếc đầu răng trắng kinh khủng, thịt đã bị hóa từ hồi nào rồi, hai lỗ mắt và một lỗ mũi sâu và đen thui, hàm răng nhe trắng hếu, trông càng tăng thêm vẻ hãi hùng.
Thượng Quan Linh trống ngực vẫn còn đập thình thịch! Khá lâu chàng mới định thần lại được, chàng nghĩ: có lẽ xưa kia vị tăng nhân này cũng như mình bây giờ, lạc lầm vào đáy hồ của Đại Ngũ Trì, và sự đói lạnh đã khiến cho vị tăng nhân này để lại cỗ thây ma tại thạch thất này đây, căn cứ theo hài cốt này, có thể đoán phỏng chừng vị tăng nhân đã chết cách đây mười năm có dư. Bất giác Thượng Quan Linh động lòng trắc ẩn, và càng liên tưởng đến vị tăng này đâu có ngờ bao nhiêu năm qua, lại có một kẻ đi theo con đường tuyệt vọng để đến đây như mình bây giờ... chàng thở dài!
Biết mình nay đã vào đến nơi này, không còn mong tái sinh ra khỏi đây nữa, giờ sao không nhân lúc mình còn chưa chết hẳn đem chôn cất hài cốt của vị tăng nhân này, và chính đây cũng là một việc công đức cuối cùng của ta còn sống. Nghỉ xong chàng bèn lập tức lại quì ngay xuống lẩm bẩm khấn rằng:
- Đệ tử Thượng Quan Linh, nay xin mạn phép được chôn cất hài cốt của tiền bối cho chu đáo, kính mong vong linh ngài phù hộ cho đệ tử hoàn thành công việc này trong thời gian trước khi đệ tử chết.
Khấn vái xong, chàng đứng ngay dậy ra tay di động hài cốt của vị tăng nhân vô danh, khi chàng lấy chiếc áo tăng ra, những lớp bụi trắng bay tứ tung xung quanh và một bộ xương người hiện ra trước mặt chàng, chàng dưa tay đụng vào bộ hài cất, bỗng những tiếng lích kích lốc cốc vang lên, cỗ hài cốt đổ xuống thành một đống xương lộn xộn trắng hếu.
Chàng thẫn thờ, bụng nghĩ: sau này mình cũng chẳng khác gì thế! Nhưng vị tăng nhân này nay còn có mình chôn cất tử tế, nhưng liệu phần mình, sau khi chết, chắc gì có ai lại đây chôn cất cho không?... Chàng không còn nghĩ thêm những điều buồn ấy nữa. Sau khi thu gọn đống hài cốt, và chàng đếm có khúc xương cả thảy, chàng nghĩ nên đựng vào một cái gì, nhưng hay nhất là một cái hộp gỗ có nắp để chôn cất thì tốt quá! Nghĩ vậy bèn đi xung quanh chiếc thạch sàng tìm kiếm, dưới ánh sáng của chất lân tinh trên vách, chàng loay hoay tìm tới tìm lui, thình lình chàng phát hiện ra một chiếc rương lớn kiên cố bằng sắt, sau khi giở nắp rương ra xem, bên trong toàn là quần áo, mà trên đống quần áo lại có một quyển sách nhỏ. Thượng Quan Linh cầm lên giở sơ, thấy có chữ tích, nhưng vì nơi thạch sàng này hơi thiếu ánh sáng nên nhìn không rõ mặt chữ. Thượng Quan Linh thầm nghĩ: chắc có lẽ đây là quyển di chúc của tăng nhân vô danh này đây cũng chưa biết chừng! Và chàng muốn lập tức biết ngay danh tánh và lai lịch của vị tăng nhân này, thế là chàng không cần kiểm điểm những vật linh tinh trong rương sắt, cầm ngay quyển sách nhỏ, đi nhanh lại gần vách tường để mượn ánh sáng của lân tinh xem trong quyển sách ghi chép chuyện gì.
Chỉ thấy trên trang thứ nhất ghi rằng:
Tháng tư Đinh Sửu Sùng Trinh năm thứ mười.
Hằng Hà tăng (Tăng nhân miền sông lớn (Le
Gange), nằm phía Bắc nước ấn Độ)
Hữu Duy Na thư thạch thất
Kính đợi ngộ sư huynh Tả Pháp Phụ, hoặc kẻ có duyên phần miền Trung Thổ đến được đây!
May là những chữ trên đây toàn dùng chữ Hán tự, Thượng Quan Linh tính nhẩm ngày tháng ghi trên đây cách nay đã có trên ba chục năm, thời đó rõ ràng là mình còn chưa xuất thế, thế mà vị tăng nhân của miền Hằng Hà Thiên Trúc này quá cố rồi. Chàng bất giác càng kinh ngạc về thời gian tính xa lắc như thế, bèn từ từ giở ngay trang thứ hai để xem tiếp. Hình như vị tăng nhân xưng danh là Hữu Duy Na này rất tinh thông về Hán học, tự pháp sắc sảo nét chữ như rồng bay phượng múa, và đã ghi chép cả một sự tích khá dài! Ở trang hai của quyển sách nhỏ ghi chép rằng:
Ta tên Hữu Duy Na, người xứ Hữu Trà miền Hằng Hà, nay biết ngày chết đã kề gần, trong lòng bần thần xao động kinh khủng, không sao bình tĩnh tự ngưỡng chế nổi tâm tình của mình. Trời ơi!... ta là người qui y tam bảo, cũng là một tăng nhân từng khổ tu lâu năm, giờ này trước khi lên niết bàn, đáng lẽ linh đài phải thanh tịnh, vô suy vô nghĩ, nhưng tại sao ta lại đau khổ và buồn phiền như thế này? Thật quả đúng như lời nói của sư huynh, thân ta mang đầy tội lỗi, dù cho có dùng hết nước sông Hằng Hà để tắm gội, cũng không làm sao rửa hết tội lỗi của mình để mà lên được miền cực lạc đâu!
Nghĩ lại mười năm về trước, tại miền thánh thủy Hằng Hà của nước Thiên Trúc, trong một ngôi tịnh xá trong khu rừng Bàn Na Tha, ta và sư huynh Tả Pháp Thụ, cùng sư đệ Bối Bách Nhân, cùng lo hầu hạ sư phụ ta là Minh Quang đại sư. Sư phụ ta vốn là người miền Trung Thổ, là một vị đắc đạo cao tăng được toàn quốc khiêm kính, ta được hầu cạnh bên ngài, thật còn gì sung sướng cho bằng, và đời sống nhà chùa của ta, suốt ngày chuông mõ tụng niệm Phạn kinh, linh đài thật thanh tịnh, không một chút khổ não nào của trần tục. Sư phụ và sư huynh đều yêu thương ta, và đều dùng tịnh đế (những lẽ phải) của Phật pháp truyền giảng cho ta, càng hết lòng khuyên ta nên cố gắng, để ngõ hầu theo kịp đạo hạnh của thầy và sư huynh ta để sớm thành chánh quả, và thăng lên miền cực lạc!
Nhưng đáng tiếc ta lại là một tăng nhân đầy ma kiếp nghiệt chướng trong mình, chẳng bao lâu, cảnh thanh tịnh của Phật địa Bàn Na Tha, những cảnh vui thú xưa kia ấy, trong nháy mắt đã thành hư không, nay ta ở trong thạch thất của đáy trì này, sóng lòng phảng phất bồi hồi, vẫn còn tưởng nhớ đến những ngày sống thanh bình tại tịnh xá của Bàn Na Tha xưa kia, sự hoài niệm của ta sâu đậm vô ngần, tuy trong lòng ta vô cùng đau khổ, nhưng cũng chẳng biết làm sao hơn, cách xa sư môn, không mong gì sống mà về đến nơi, dẫu cho có võ công tuyệt vời trong người, nhưng cũng chẳng có cách gì, ta cầm bút ghi tới đây, mắt đã nhòa hẳn về những dòng lệ đau khổ. Khởi nguyên của câu chuyện, vào thời năm về trước, vào một cuối buổi của hoàng hôn ta và sư huynh ta Tả Pháp Thụ tôn giả, cả hai lo theo hầu cạnh sư phụ là Minh Quang đại sư, ba thầy trò sau khi lên một ngọn phong phía sau của Bàn Na Tha, trong lúc này ánh tà dương đã khuất núi, gió chiều tà thổi phất phơ, trong lúc này thì thấy sắc mặt của thầy ta rầu rầu không vui.
Minh Quang đại sư, tuổi trên thất tuần, đạo hạnh cao thâm, và đã sớm phá thất tình lục dục, tà ma nghiệp chướng lẽ đương nhiên không có ám ảnh gì có thể xâm hại tâm linh của thầy ta, nhưng không hiểu tại sao ngay trong lúc đó, thầy ta lại có thể có sắc mặt rầu buồn vậy, hiển nhiên trần duyên của ngài còn chưa dứt! Ngay khi đó, ta và sư huynh quì dài ngay xuống hỏi nguyên do, và thầy ta đã thố lộ tâm tình, quả nhiên nhân phi thái thượng (người vẫn không phải thánh hiền tuyệt đỉnh) đâu có thể không xúc động tâm tình được, và thầy ta vốn đến từ miền Trung Thổ, xa quê hương đã gần sáu bảy chục năm, nay công hành sắp viên mãn, và cũng sắp đến ngày phi thăng lên cõi niết bàn, đứng trước cảnh chiều tà, thầy ta cố ngóng trông về miền Bắc, và đã không làm sao cầm lòng nổi, nỗi niềm quyến luyến quê hương của mình, và ngài đã nghĩ đến trước khi tạo hóa (cái chết của nhà Phật), muốn về thăm cố hương một chuyến, và xem các thành quách và thân nhân ngày nay ra sao. Ngay lúc đó, ta và sư huynh cùng hoảng thần, sau khi biết thầy mình có ý này, thế nào cũng sinh nhiều chuyện nghi chướng, thậm chí có thể ảnh hưởng đạo hạnh của thầy ta là khác, và khi bị ảnh hưởng thế thì nhục thân làm sao thành Phật được, chưa chừng vì ý niệm này mà trầm luân trong bể khổ mất!
Ta và sư huynh Tả Pháp Thụ tôn giả, mỗi người vội đưa ngay song chưởng để giúp thầy ta vận công hầu bài trừ tất cả những tà niệm khó khăn, và hai anh em sư huynh đệ chúng ta đã cố dùng đến Vô Tướng thần công để khôi phục sức khỏe cho thầy, chỉ trong nháy mắt, sắc mặt thầy ta thay đổi hơn, và liền hối thúc hai anh em ta xuống núi về ngay tịnh xá. Hôm sau, sư huynh đến cho hay tin, mới hay thầy ta ý niệm xúc động trong giây lát, trần duyên chưa dứt, nên đã bị tà ma ngoại xâm, pháp thể khó chống nổi. Nay ngài đã nằm liên miên trên thiền sàng, tuy không đến nỗi thiệt mạng ngay, nhưng vì thầy ta đã trên sáu chục năm công hành, nay đều đã bị tiêu tan trong một lúc, vì nhớ nhung, nếu nay muốn được bách nhật phi thăng, đắc đạo chánh quả, khác nào như vẽ bánh nhìn cho khỏi đói. Ta đã hầu cạnh thầy ta gần hai chục năm, tình thầy trò thân thiết còn hơn tình phụ tử, nghe tin vậy đau lòng vô cùng, hấp tấp vội cùng vôi sư huynh vào thăm ngài trong tịnh xá sau khi đến nơi, quả đúng như lời sư huynh nói, bao nhiêu năm công tu hành của thầy ta nay đã bị tiêu tan hết, một vị cao tăng đắc đạo nổi danh trong nước, thế mà công lực nay đều mất hết, nghiễm nhiên hóa thành một tục tử phàm nhân!
Sư huynh và ta bèn thương lượng với nhau tìm cách để cứu thầy, sư huynh ta bèn cho hay rằng: nghe đồn trên tuyệt lãnh Phòng Sơn của miền Trung Thổ, có một hồ lớn được mệnh danh là Đại Ngũ Trì, dưới đáy trì có một ngôi thạch thất rất lớn, nghe đâu ngôi thạch thất này do một vị cao tăng thánh giả xây cất, trong đó nghe truyền rằng có một cây dị thảo, cả ngàn năm mới khai hoa, nếu lấy được loại hoa ấy, công lực của sư phụ chúng ta có thể khôi phục lại ngay.
Thế là sư huynh ta quyết ý ngược miền Bắc đến miền Trung Thổ để tìm cây hoa quí ấy đem về Thiên Trúc cứu trị thầy ta, mong công lực thầy có cơ khôi phục, để kịp ngày chánh đạo phi thăng, vì ta theo hầu sát cạnh thầy lâu lắm, nên học được rất nhiều Hán văn và Hán ngữ, nên bàn kỹ là cùng đi với sư huynh cho tiện lợi. Trước khi khởi hành, sư phụ ta đã bói cho hai anh em sư huynh đệ ta một quẻ về hung kiết, nhưng bói phải một hạ hạ chi quẻ (quẻ xăm xấu tệ), báo trước một điềm hung hiểm sẽ đến với hai anh em, thầy ta không vui, và có ý muốn ngăn cản cuộc đi của anh em ta chuyến ngược Bắc này, nhưng sư huynh Tả Pháp Trụ tôn giả quả quyết đi, không hiềm ngại gì về quẻ bói, và hẹn với thầy là trong hai mươi năm sẽ trở về phục mạng. Thấy sư huynh đệ chúng ta thành tâm như thế, sư phụ đành chấp thuận và cố tu thân duy trì chờ đợi bằng lối cố dùng môn Vô Tướng thần công kéo dài cuộc sống thêm hai chục năm để anh em sư huynh đệ chúng ta về. Sau khi nghe lời thầy dặn kỹ lưỡng, anh em chúng ta bèn cáo biệt thầy lên đường!
Ta còn nhớ cảnh, trước khi chia tay tại Bàn Na Tha tịnh xá, sư đệ Bối Bách Nhân biết hai anh em chúng ta lên đường chuyến này hung hiểm gian nan, sư đệ Bối Bách Nhân bèn mặc theo tăng y màu trắng, mang theo chiêng trống pháp khí, tiễn đưa đến tận sông Hằng Hà, và đã tụng hết kinh về Đại bi tiêu họa, cầu thần linh phù hộ cho hai anh em sư đệ chúng ta. Bao phục lên vai tay xách thiền trượng, ngược dòng thánh thủy Hằng Hà hướng về phía Tây khởi trình. Ròng rã hơn tám tháng trời, mới đến miền Trung Thổ, ta và sư huynh vội tìm ngay đến tuyệt lãnh của Phòng Sơn, quả thấy Đại Ngũ Trì hùng vĩ trước mắt, anh em ta bèn gieo mình ngay xuống đáy trì, với ngọn Vô Tướng thần công phá ngay thạch bích. Quả nhiên xưa kia Thánh Giả Thượng Nhân có lưu kệ (câu sấm của đạo Phật) lại, chỉ sơ lược về chiếc cây nhỏ tự tiết ra được mùi thơm ấy, loại cây này thuộc loại tiên phẩm, trời đất tuy là mênh mông đại hải, nhưng lại chỉ độc có mỗi cây này, mà cũng chẳng biết được tên thật của nó. Nhưng Thánh Giả Thượng Nhân đã lưu kệ đặt tên là Tuyết bi, cũng chẳng biết là ý gì, nhưng chắc là thiền cơ của Thánh Giả Thượng Nhân uyên sâu huyền diệu, và công hành của hai anh em sư huynh đệ ta còn non thấp, nên chưa thể nào thấy rõ ngụ ý của vị Thánh Giả Thượng Nhân.
Trong động thất, có con thú khổng lồ Tích long gác giữ cây báu Tuyết bi tiên thảo này, được trồng từ đời nhà Đường, và phải chờ đến ngàn năm sau mới có thể khai ra một đóa hoa màu trắng, và suốt trong mấy trăm năm, con quái thú Tích long lo canh giữ cây tiên thảo này đã sống bằng cách ngửi mùi thơm của Tuyết bi, vì hễ ngửi được mùi thơm thì không còn cảm thấy đói lạnh. Nhưng lúc hai anh em huynh đệ chúng ta đến đây, con Tích long đã chết cứng trong động thất, tra xét theo sấm kệ của Thánh Giả Thượng Nhân để lại thì con vật khổng lồ rùng rợn này đã lo canh giữ cây tiên thảo Tuyết bi chín trăm hai mươi năm, vì hấp thụ mùi thơm của vị thảo quá lâu đời, nên tự nhiên thoát hóa mà chết, nhưng con thú khổng lồ này trước khi chết nó còn biết tám chục năm trách nhiệm chưa hoàn tất xong của mình, nên đã cố gắng chống cho bốn cẳng không bị trụy bẹp xuống để bày ra một thế lo canh giữ cây dị thảo Tuyết bi, trước tinh thần trung kiên của con vật Tích long khổng lồ ấy, quả đã khiến hai anh em huynh đệ ta khâm phục vô cùng.
Khi anh em sư huynh đệ chúng ta vào đến đây, thì nhằm lúc cây dị thảo Tuyết bi đang trổ mầm, tính theo thời gian nở hoa của nó còn phải mất thêm tám năm trời, nếu không chờ đợi mà bứt lấy ngang tay, cây dị thảo này lập tức thành phế vật vô dụng ngay, thế là hai anh em sư huynh đệ chúng ta đành ở lại canh gác và chờ đợi cây dị thảo này khai hoa, rồi sẽ lấy đem ngay về Thiên Trúc cho thầy uống, công như tái tạo, chẳng những công lực bản thân khôi phục lại như xưa, mà còn có thể đắc đạo phi thăng là khác. Cuộc sống của anh em sư huynh đệ ta trong động thất này, thoạt tiên cũng không lấy gì làm cực khổ, vì cây Tuyết bi gần đến kỳ nở hoa, mùi thơm của nó có thể khiến người không cảm thấy đói lạnh, và hai anh em chúng ta đã nghiễm nhiên như trở thành bực tiên nhân không cần ẩm thực đến yên hỏa (khói lửa, ý chỉ những thức ăn phải nấu nướng của phàm nhân)!
Sau một năm trôi qua, vào một hôm, trên thạch sàng, bỗng ta sinh một ý niệm vu vơ.
Ta nghĩ đến thầy ta Minh Quang đại sư, vốn là người Trung Thổ, phiêu bạt tít sang Thiên Trúc, chính ngài đã sáng tạo ra Vô Tướng thần công, trong tất cả những ngọn pháp tinh túy của Vô Tướng thần công, này đã tận truyền hết cho sư huynh Tả Pháp Thụ tôn giả và ta Hữu Duy Na tôn giả, quả là một môn học vô cùng huyền bí thâm sâu, nhưng tiếc thay ta và sư huynh đều là người Thiên Trúc, ta nghĩ: hay là thầy ta muốn có một người Hán nào được sự Chân truyền của môn Vô Tướng thần công, để truyền bá Trung Thổ, biểu dương phái Minh Quang Vô Tướng cũng nên?
Đêm đó ta liền nằm mơ và rõ ý của thầy ta, vội đem những suy đoán ấy nói với sư huynh, và quyết ý ngay là nhân lúc Tuyết bi còn chưa. nở hoa, anh em sư huynh đệ chúng ta nhân tạm đi chu du miền Trung Thổ, tìm kiếm một hậu bối có duyên phận, tư chất căn cơ phải đúng lý tưởng, để truyền cho môn Vô Tướng thẩn công, như thế anh em ta cũng hoàn tất được tâm nguyện của thầy ta phần nào! Nhưng ý quyết định này của ta không được sư huynh Tả Pháp Thụ đồng ý, và còn mắng ta là hão huyền, đồng thời cấm ta có ý niệm tìm học trò để truyền nghề. Xưa nay, ta vốn là một người vô cùng kính nể sư huynh, nên sau khi bị mắng, ta đành bỏ ngay ý niệm tìm người nối truyền.
Nhưng từ đó trở đi, tinh thần của sư huynh ta bỗng nhiên trở nên quái dị lạ lùng, suốt ngày như bồi hồi phảng phất không an, nói mớ trong cơn mộng, ta hết lòng chăm sóc, và dùng công lực của bản thân ra chữa trị cho sư huynh, sau mấy ngày liên tiếp, sư huynh tạm định thần lại bình phục, bỗng sư huynh quyết ý ngay là: đem môn Vô Tướng thần công của thầy truyền ghi khắc toàn bộ lên hết hai bức vách của động thất, để cho những người Hán nào sau này có duyên phận đến đâu, có thể nhìn theo các bức hình toàn bộ đó mà học tập thành công.
Ta nghĩ: động thất dưới đáy của Đại Ngũ Trì đây một nơi vắng vẻ và bí mật như thế, làm sao có người lại được? Còn môn Vô Tướng thẩn công vốn là môn võ học thần kỳ huyền diệu của trí tuệ thầy ta tạo ra, biến hóa tuyệt luân vô cùng tận, những bụng phàm phu tục tử, dẫu tư chất thông minh mà có duyên phận đến được động thất này, nếu không được minh sư chỉ điểm, cũng không thể nào thành công học nổi. Huống hồ khi thầy ta Minh Quang đại sư trong lúc truyền dạy, đã phân chia thành: Tả kiếm hữu chưởng (bên trái dùng kiếm, bên phải dùng chưởng) và hai anh em sư huynh đệ ta chia nhau ra học, mà riêng ta lo tinh cứu về Duy Na chưởng thức cộng tám mươi mốt thế, lại phức tạp vô cùng, nếu không có thầy ta hay ta chỉ điểm tường tận, kẻ học dù có đại trí tuệ, hay đại thông minh đến đâu đi nữa, cũng chật vật khó mà thành công được nếu không lại còn ảnh hưởng đến thể chất của bản thân là khác, nếu tệ hơn, tất cả công lực của bản thân bị mất hơn vài tháng trời mới khôi phục lại. Xem như vậy, dù có ghi khắc lên vách của động thất để chờ kẻ hữu duyên đến, chẳng những không giúp ích gì cho kẻ đến mà trái lại còn gây tai hại cho người ta là khác.
Do đó! ta đã cố khuyên can sư huynh ta bỏ ý niệm này nhưng sư huynh vốn là người cương tính, không chịu nghe, ta phần vì kính nể sư huynh, nên đành miễn cưỡng nghe lời, và ngay từ lúc đó, ta bắt đầu công việc ghi khắc tám mươi mốt thế Duy Na chưởng thức của Vô Tướng thần công lên trên vách của thạch thất!
Và sư huynh cũng ghi khắc luôn tám mươi mốt thế Pháp Thụ kiếm chiêu lên trên vách bên cánh trái, thế là hai bức vách nghiễm nhiên trở thành Tả kiếm Hữu chưởng, ghi khắc hết tất cả những tinh tế trong môn Vô Tướng thần công của thầy ta. Đồng thời muốn cho kẻ học được rõ ràng, sư huynh đã nghĩ ra cách khảm gắn những lân tinh thạch (chất đá có lân tinh) lên mắt, và chân tay của hình tượng trên vách, và hai anh em sư huynh đệ ta trong hai năm trời thời gian, mới hoàn thành những bức hình tuyệt tác này.
Sau khi thành công hai bức bích họa lớn lao công phu này anh em sư huynh đệ ta nắm tay cười mừng sung sướng, trong động thất, Tả kiếm Hữu chưởng khổng lồ! Và cũng từ đó trở đi, hễ mỗi lần nửa đêm ta tỉnh giấc, thường thấy sư huynh ta lảng vảng đứng nhìn những bức hình khắc bên phải là Duy Na chưởng thức, thỉnh thoảng lại giơ chân múa tay như tập luyện.
Lúc ấy trong lòng ta bất giác tự hào vô cùng: môn võ học Vô Tướng thần công mà thầy truyền cho hai anh em sư huynh đệ ta, cả hai môn kiếm và chưởng, hợp lại thì thành một, mà chia ra lại thành hai, tương sinh và tương khắc, sư huynh học về kiếm, còn ta học về chưởng, không ai can dự đến ai, sư huynh không biết rõ môn tinh tuyệt của Duy Na bát thập nhất chưởng cũng như ta không thể hiểu thấu môn huyền diệu Pháp Thụ bát thập nhất kiếm vậy, nay sư huynh ngang nhiên vì phạm sư huấn của thầy, tự ý lén học Duy Na chưởng thức. Sau khi ta phát giác vụ này, thoạt tiên là kinh ngạc, nhưng sau ta lại mừng và tự hào, nhất là ta rõ bản tính của sư huynh là người kiêu ngạo tự cao, nếu ngọn Duy Na chưởng thức của ta không hơn ngọn Pháp Thụ kiếm chiêu của sư huynh, không đời nào sư huynh lại chịu đi học lén lút như thế.
Thì ra sự đề nghị của sư huynh ghi khắc Vô Tướng thần công chưởng kiếm lên vách thạch thất là cố ý muốn học lén chưởng thức của ta mà thôi, và ta lập tức nghĩ ngay sau khi sư huynh học lén hết tám mươi mốt thế Duy Na chưởng thức, thân tụ tập hết những tinh hoa của Vô Tướng thần công, công lực thế nào chẳng hơn mình, và không biết chừng vì lòng tự ích kỷ sẽ ngang nhiên xóa hủy hai bức đại bích họa kiếm chưởng trên vách cũng nên.
Nghĩ vậy, lòng háo thắng của ta đã nổi lên, và nhân lúc sư huynh ta ngủ say, ta lén thức và lại vách bên hai cánh trái, dùng thiền trượng làm kiếm, và cũng học lén môn Pháp Thụ kiếm chiêu. Quả nhiên ta phát hiện một điều, là tuy Pháp Thụ kiếm chiêu lợi hại khôn lường, nhưng oai lực vẫn thua xa hẳn Duy Na chưởng thức của ta nhiều lắm, hèn gì sư huynh dám vi phạm sư huấn của thầy để học lén như thế.!
Và từ đó ta cũng chẳng cần phải học lén kiếm pháp của sư huynh, phần nghĩ ta và sư huynh vốn đồng môn, chưởng kiếm lại đồng nguồn gốc, nay sư huynh muốn kiêm cả hai công lực kiếm và chưởng, cũng là tình thường, vì dù sao cũng là sư huynh, lại vì tính hay tự ái, nên không muốn cúi mình hạ thân học hỏi với sư đệ, ngoài hạ sách học lén bằng cách này ra, không còn thượng sách nào hơn, tuy đáng nực cười, nhưng cũng không phải việc làm trái lẽ phải! Từ đó ta bắt đầu an nhiên trong lòng, nhưng thường khi tỉnh giấc, thấy sư huynh lo tập luyện như say sưa vô cùng, ta bất giác chăm chú, vì Duy Na chưởng thức vô cùng thần kỳ và huyền bí, nếu không người chỉ dẫn học tập quả không phải là dễ dàng, nếu không thấu hiểu được những tinh vi ảo diệu của nó, kẻ học thường bị tụ khí buồn nản, tâm huyết rạo rực ngược lưu, công lực sẽ mất ngay.
Từ đó, mỗi lần sư huynh học lén, ta tại ngấm ngầm quan sát, trong lòng lo lắng bất an, song sư huynh là người cũng từng theo hầu thầy lâu năm, Duy Na chưởng thức và Pháp Thụ kiếm vốn cùng một nguồn hệ mà ra, xem ra sư huynh ta cũng không gặp trở ngại gì, mà rất có thể học một thấu ba là khác. Tuy ta mấy lần tính ra tay giúp sư huynh mau chóng thu được kết quả nhưng lại e ngại xúc phạm đến tự ái của sư huynh, nên lại đành thôi, thoáng mắt thời gian lại vụt trôi qua ngày tháng. Một lần nọ bỗng có tiếng rên la khiến cho ta tỉnh lại trong cơn mộng, chỉ thấy sư huynh nằm lăn dưới nền chân vách cánh phải và có vẻ đau đớn vô cùng. Mà vị trí của sư huynh đang quằn quại ấy chính là bức hình thứ bốn mươi chín, tức là thế Huyết lệ giao bưng (máu huyết tung vọt), thế này là thế khó luyện nhất, nay sư huynh vì thiếu người chỉ dẫn, miễn cưỡng luyện bừa, khiến nỗi khí huyết buồn tụ và các đường huyết trong mình bị nghịch lưu, trong sự đau đớn, đành nằm lăn ra mặt đất rên la.
Ta thấy vậy kinh hồn hoảng vía, vội bồng ngay sư huynh lên thạch sàng, và dùng công lực của bản thân trợ giúp cho sư huynh khôi phục lại. Được sự trợ sức của ta, dần dần sư huynh khôi phục lại sức khỏe, và lẽ đương nhiên là sư huynh đã kinh hãi không dám tiếp tục học thêm nữa, bởi vậy ta càng tự hào về trong tám mươi mốt thế Duy Na Chưởng pháp ấy, sư huynh chỉ có thể biết được có bốn mươi tám thế, và từ thế Huyết lệ giao bưng và cũng tức là thế bốn mươi chín trở về sau, sư huynh ta dành phải bỏ dở không dám tiếp tục.
Cũng vì lòng kính nể sư huynh, ta không nỡ nói thẳng ra, và sư huynh cũng tưởng rằng ta không hay biết chuyện học lén chưởng pháp ấy, trong lòng sư huynh cũng an tâm, từ đó trở di hai anh em vẫn hòa thuận như xưa, đều sống trong động thất chờ đợi tiên thảo khai hoa, hầu mau về Thiên Trúc phục mạng với thầy. Cứ thế, thấm thoát lại trôi qua bốn mươi năm trường, và ngày khai hoa của tiên thảo sắp đến nơi.
Một chiều trong sự im tịch cửa động thất, bỗng sinh kỳ biến. Thạch thất dưới đáy Đại Ngũ Trì xưa nay vẫn là một nơi yên tĩnh, lúc này thình lình sóng nước rung động cuồn cuộn, trời nghiêng đất ngửa, ta và sư huynh thấy vậy biết ngay là núi lửa dưới lòng đất chuyển mình, nên đã gây nên địa chấn, nếu không rời khỏi đây khi nước trì sôi động đến mức kinh hoàng của nó, ngôi động thất này thế nào cũng bị hủy mất, và như thế thì hai anh em sư huynh ta làm sao còn sống sót cho nổi với thiên tai dữ dội ấy.
Sư huynh bảo ta cùng mau chạy thoát thân khỏi cảnh hiểm nghèo cái đã, nhưng ta vì tiếc tiên thảo sắp khai hoa, không muốn bị uổng công khó nhọc trong bao nhiêu năm trời đã chờ đợi, và nhất là khi nghĩ đến thầy ta đang trông ngóng tít đằng phương trời Thiên Trúc, cũng chỉ có độc một chiếc tiên hoa này. Thà ta chịu tan xương nát thịt cũng phải ở lại đây để chờ đợi, không thể nào vì chút tham sinh úy tử mà đành về phục mạng tay không với thầy, và nhất là phải chứng kiến cảnh thảm thương của thầy vì tuyệt vọng mà chết. Và ngay lúc đó ta đã quyết chí không rời bỏ động thất này, sư huynh nổi giận trở mặt trách mắng ta thậm tệ, và tính bứt luôn cây Tuyết bi tiên thảo để trốn ngay khỏi nơi nguy hiểm của thiên tai này. Thế là ta cố liều chết lo bảo vệ cây Tuyết bi tiên thảo, do đó hai anh em ta xảy ra ngay một cuộc xô xát kinh khủng ngay bên cạnh con quái vạt khổng lồ tích long.
Trong cuộc tranh chấp kịch liệt này, sư huynh ta đã dùng ngay cây Pháp Thụ thần kiếm, thế đánh kinh khủng, oai lực cực mạnh, ta thấy không sao cưỡng đỡ nổi, bất đắc dĩ phải dùng đến Duy Na chưởng thức để cứu vãn tình thế nguy ngập trước mắt. Thoạt đầu, chỉ nghĩ là chống đỡ thế đánh của sư huynh để lo bảo vệ cây tiên thảo, mong cứu mạng ân sư, nhưng không ngờ sau khi sử dụng ngọn Duy Na chưởng thức, ta không thể tự chủ được nữa, và dồn đánh hết một hơi tuốt bốn mươi tám thế trong Duy Na Chưởng và đến thế thứ bốn mươi chín tức là ngọn Huyết lệ giao bưng, sau khi ta bửa mạnh một chưởng xuống, ngang nhiên phá hẳn thế thần kiếm của sư huynh, mắt thấy mình không mau thu ngay thế đánh lại, sư huynh thế nào cũng bị mất mạng vì ngọn chưởng của ta mất!
Ngay lúc ấy, sắc mặt sư huynh trông thảm thiết kinh khủng đến nay ta ngồi ghi chép mà vẫn còn nhớ rõ mồn một, và ta cũng thừa biết thế đánh hễ đã phát ra, quyết không thể nào nào miễn cưỡng thu lại được, nhưng trời đã phú cho ta một tính tình nhân hậu, vì thế ta đã nghĩ đến tình sư huynh đệ đồng môn, không nỡ ra tay tàn giết sư huynh. Cũng ngay trong lúc đó, ta đã chợt nghĩ đến tất cả những hình ảnh kỷ niệm từ thuở còn bé sống chung với nhau, những cảnh yêu mến của sư huynh đối với ta, nào cảnh vòi vĩnh của ta được sư huynh hết lòng chiều chuộng, sư huynh đối với ta không khác nào anh em ruột thịt... Tất cả những hình ảnh nên thơ lưu luyến ấy trong chớp mắt đã lướt hết qua trong đầu óc ta. Vì thế ta không thể nào hạ sát thủ với sư huynh ta, thà là mình chịu cảnh khí huyết nghịch trở (máu quản dội ngược) để tự hủy thân mà chết còn hơn là giết sư huynh của ta. Ta bèn miễn cưỡng nhắm mắt thu ngay thế đánh của mình lại. Nhưng cũng ngay trong lúc ta thu chưởng về ấy, sư huynh đã được dịp may ngàn năm một thuở, cây Pháp Thụ thần kiếm vụt đưa nhanh ra, xỉa trúng ngay vào vai bên phải của ta, máu tươi vọt thành vòi, ta hét lên một tiếng thê thảm! Sư huynh thất kinh... ngay trong lúc căng thẳng cực độ này, bên phía ngoài động thất, tiếng đất động trời nghiêng ngả vang lên dữ dội, khiến cho cả hai anh em ta đều ngã lăn ra mặt đất!
Sư huynh thấy ta bị thương nặng mà vẫn lo khư khư bảo vệ cây Tuyết bi tiên thảo, lạnh lùng hậm hực rồi vụt tung mình dậy tìm đường ra ngay khỏi cửa động thất luôn. Và ta không ngờ cuộc biệt ly này của hai anh em sư huynh đệ lại thành cuộc tử biệt với nhau.
Sau khi sư huynh bỏ đi, ta vội vận công để trị thương, thời gian đã hết trên một ngày một đêm, bên ngoài động thất, mọi sự đã trở lại bình thường hóa, núi lửa chưa bộc phát, cuộc động đất cũng ngưng hẳn luôn.
Thật là câu hoạn nạn mới biết kẻ trung gian! Lúc lâm nạn, sư huynh đã lo tẩu thoát lấy thân mình, và không biết đã đi về đâu, còn phần ta thì cố duy trì sức lực để đợi chờ ngày tiên thảo khai hoa, hòng đem nhanh về cho thầy miền Thiên Trúc, dẫu mình có chết cũng không ân hận gì! Duy trì thêm được vài tháng, quả nhiên cây tiên thảo đã trổ nụ, cách ngày khai hoa không còn bao lâu nữa, song, chính lúc sắp đạt tới mục đích này thì Hữu Duy Na tôn giả ta đã mắc bệnh quá nặng. Vết thương do cây kiếm của sư huynh gây nên tuy có thể chữa khỏi, nhưng đáng lẽ ta không nên vì chút lòng nhân mà đang nhiên cắn răng chịu khổ, để thu thế đánh thứ bốn mươi chín là Huyết lệ giao bưng về đến nỗi phải chịu cảnh khí huyết nghịch trở bị thương toàn nội phủ, phần sau khi bị thương, lại lo sợ sư huynh quay về cướp đoạt Tuyết bi tiên hoa, đêm ngày lo lắng canh giữ, nên không có tinh thần yên tĩnh để trị thương, thế là bệnh huyết lệ nghịch đảo càng ngày càng tăng nặng, không những công lực đã mất hẳn đi bảy tám phần mười, mà đến nỗi đi đứng cũng cảm thấy khó khăn, nghĩa là ta chỉ còn lại vỏ xác chờ chết! Than ôi...
Lòng ta đau buồn vô kể, mỗi lần nghĩ đến cảnh ân sư đang mong ngóng anh em ta mau về phục mạng, mà nay mình còn vẫn chờ đợi ngoắc ngoải trong động thất này cho hoa nở, sư huynh không biết đi về đâu? Dần dà tiên hoa đã nở, mùi thơm ngào ngạt khắp thạch thất, tuy thứ hoa này có thể chữa khỏi nội thương cực nặng, nhưng hễ ta mỗi lần nghĩ đến ân sư, lại lập tức bỏ ngay ý niệm ích kỷ của mình, ta cố gượng gạo đứng dậy để thử ra khỏi thạch thất này, nhưng mấy lần đều thất bại, biết không còn hy vọng nào rời khỏi Đại ngũ Trì để đem tiên hoa về cho ân sư trừ phi mình ăn tiên hoa, không những khỏi bệnh mà còn khôi phục lại được công lực xưa kia mà mình đã mất dần mất mòn vì chứng bệnh khí huyết nghịch lưu, nhưng ân nghĩa của sư phụ thâm sâu như trời biển vậy mình nỡ nào sinh lòng ích kỷ để chiếm đoạt nguồn hy vọng cuối cùng của thầy được!
Nay cơn bệnh của ta đã trầm trọng hẳn, gần như tê liệt hết toàn thân, ta biết mạng ta không sống được bao lâu nữa, và càng biết không còn cách nào để đem tiên hoa về xứ, bất đắc dĩ đành ghi lại lời di chúc đây nói rõ mọi sự, và kính đợi kẻ có duyên đến!
Khi ta viết đến đây, hơi thở đã thoi thóp, tuy vậy nhưng trong lòng ta vô cùng đau khổ và hối hận, không làm sao chuộc nổi tội lỗi tầy trời của mình, tuy ta chết đi không lấy gì làm hận, nhưng ta không thể nào nhắm mắt được vì cây Tuyết bi tiên hoa. Nay ta có đem theo loại trầm hương đặc biệt của xứ Thiên Trúc để trong động thất này, thứ gỗ thơm này giữ cho toàn thi hài ta trong mười năm trời. Nay ta gần chết, còn mỗi một linh minh là hy vọng sư huynh ta Tả Pháp Thụ tôn giả có thể về động thất này, hoặc kẻ nào có duyên đến đây, và sau khi thấy cảnh xả thân của ta như thế, hãy làm ơn mang cây tiên hoa về nguồn sông Hằng Hà xứ Thiên Trúc, tìm ngay đến tịnh xá trong khu rừng ở Bàn Na Tha, dâng hiến ngay tiên hoa này cho sư phụ của ta là Minh Quang đại sư, được vậy vong linh của ta sẽ biết ơn vô ngần. Ta cũng kính cẩn yêu cầu sư huynh, hoặc kẻ có duyên nào đây, hãy ráng hiểu cho: Tuyết bi tiên hoa này, vốn là dị chủng trong trần gian, kẻ nào may mắn ăn được, có thể nói là đã đoạt hết công tái tạo của tạo hóa, một báu vật như thế, thử hỏi ai mà không thèm cho được, nhưng xin hãy nghĩ cho Hữu Duy Na ta đây, ráng cắn răng chịu nỗi thống khổ ác nghiệt của bệnh khí huyết nghịch lưu, đến nỗi tạng phủ bị tê liệt mà chết cứng một chỗ, như thế mà ta còn không dám đụng đến mảy may Tuyết bi tiên hoa thì biết.
Và chính lòng tin vô biên của ta đã thúc ta phải hy sinh, chết đi để giữ toàn danh dự cho mình, càng bảo vệ được Tuyết bi tiên hoa! Vì thế, ta kính cẩn yêu cầu kẻ có duyên phần đến, đừng nên vì lòng ích kỷ mà đoạt nuốt Tuyết bi tiên hoa. Được vậy ta vô cùng biết ơn và nguyện gội ơn tạc dạ dưới chín suối.... Ta đã sắp chết..
Và ta cũng không quên giao hạn với người đến sau, là ta đã hẹn với thầy ta kỳ hạn là trong hai mươi năm trời, trước khi ta chết đi, ta vẫn còn mười năm trời hẹn với sư phụ ta. Vậy trong mười năm ta chết ấy bất luận là ai, hoặc giả là sư huynh Tả Pháp Thụ tôn giả, hay là kẻ hữu duyên đến sau, đều nhất loạt phải tuân theo di chúc của ta, hái ngay tiên hoa đưa về Thiên Trúc, cứu sống thầy Minh Quang đại sư để tròn hết ý chí duy nhất của ta, được vậy linh hồn của ta dưới âm phủ nguyện sẽ hết lòng phù hộ. Nếu kẻ nào dám cưỡng lời di chúc của ta, ta sẽ hóa ngay quỉ dữ tàn sát ngay trong động thất này.
Nhưng nếu sau khi ta chết trên mười năm, tức là kỳ hẹn đã quá hạn, và như thầy ta cũng đã qui tiên!... Ta cũng tự giải ngay lời nguyền, hoặc giả sư huynh ta, hoặc giả kẻ có duyên phần, đều có thể ăn ngay Tuyết bi tiên hoa, và ta thành tâm cầu nguyện cho người được ăn tiên hoa ấy hãy cố gắng hành hiệp tế thế cho muôn dân được nhờ.... Còn theo lời sấm truyền của Thánh Giả Thượng Nhân để lại, kẻ nào sau khi ăn được tiên hoa ấy, công lực trong người sẽ bị tạm mất hơn đi trong thời gian bốn mươi chín ngày, và nên tĩnh dưỡng ngay trong thạch thất.
Ô hô!... Ta cũng ngu muội thật, trước giờ sắp chết mà còn cố gượng viết bức thư này để lại cho người sau... lúc này ta chỉ còn ngửi thấy mùi thơm của hương trầm hòa chung với mùi bát ngát của Tuyết bi tiên hoa, mắt mơ hồ còn nhận ra những bức ghi khắc vĩ đại trên hai bức vách, bên trái là Tả Pháp Thụ kiếm chiêu, bên mặt là Hữu Duy Na chưởng thức. Ôi tiên hoa! Ôi Thần công! Tâm sức ta đã tàn cạn! Chức trách đã tận, không còn đâu canh giữ cho bọn mi được nữa.
Nay ta mượn quyển di chúc này để lại cho người đến sau, ta tuy chết nhưng vẫn đem theo nỗi hận lòng xuống tuyền đài!...
Hữu Duy Na thủ bút lưu di thư.
Suốt cả một quyển di chúc dài dặc như thế, thì ra đều là thủ bút của vị cao tăng miền Thiên Trúc, mà vị cao tăng này lại là cao túc (đồ đệ giỏi) của Minh Quang đại sư ở tịnh xá Bàn Na Tha thượng du của sông Hằng Hà, tên là Hữu Duy Na! Tính theo ngày tháng năm của quyển thủ bút này, thì Hữu Duy Na tôn giả đã viết cách nay là trên ba mươi năm rồi. Nay thấy lân tinh lấp lánh, dấu vết vẫn như mới tinh, và chàng Thượng Quan Linh sau khi đọc hết những chuyện xảy ra trong quyển thủ bút của vị cao tăng Hữu Duy Na tôn giả này, chàng không khỏi xúc động với những nỗi gian khổ trong mười năm qua của Hữu Duy Na tôn giả, chàng càng kính phục vị cao tăng ngoại quốc này, lại tinh thông văn hóa của Hán tộc miền Trung Thổ như thế.
Không thể nào ngờ được vị cao tăng ngoại quốc này lại có đầy những đức tính: chánh trực, thủ tín, tuyệt không ích kỷ, thà hy sinh mạng sống của mình, cũng quyết không chịu ăn Tuyết bi tiên hoa! Vì vị cao tăng nhất lòng trung thành kính thờ vị tôn sư của mình, lại giữ đúng lời hứa trong hai mươi năm trời, tuy trong mình mang bệnh nặng tuyệt vọng như thế, mà trong lòng vẫn nhất quyết thờ đợi có người đem tiên hoa về cho thầy tại Thiên Trúc. Thượng Quan Linh nghĩ đến mình trong khi vô tình ăn béng mất cây dị thảo ngàn năm một thuở ấy, nhưng cũng may là mình ăn cây Tuyết bi tiên hoa vào lúc vị cao tăng này quá cố đã ba chục năm rồi, nếu vô phúc mình ăn mất trong thời gian còn cấm của người ta, tội này chuộc bằng cách nào cho hết!
Nghĩ đến đây, Thượng Quan Linh toát mồ hôi lạnh trên trán, chàng bất giác thốt lên hai tiếng: Nguy thật! Chàng cẩn thận cất quyển thủ bút lại, và tiếp tục giở xem những vật còn lại trong rương sắt, chỉ thấy toàn quần áo tăng nhân và pháp khí văn cụ, một chiếc rìu và những đồ lặt vặt về dụng cụ, chàng cẩn thận dọn hết ra ngoài, rồi nhặt hết hài cốt của vị Hữu Duy Na tôn giả bỏ hết vào rương sắt, xách theo chiếc rìu và khuân ngay chiếc hòm hài cốt lại ngay phía dưới bụng của con vật khổng lồ Tích long để chôn cất hài cốt. Chiếc rìu vô cùng sắc bén, chắc xưa kia hai anh em sư huynh đệ của Hữu Duy Na đã dùng rìu này để chạm trổ các bức hình vĩ đại trên vách, vì chiếc rìu sắc bén không thể tả, nên công việc chôn hài cốt tiến hành rất thuận lợi! Nhưng Thượng Quan Linh sau khi làm được một chặp, bỗng chàng cảm thấy vô cùng nhọc mệt trong mình, hiện tượng này xưa nay chưa bao giờ xảy ra cho chàng như thế. Bỗng chàng sực nhớ, trong lời nói của Hữu Duy Na trong quyển thủ bút rằng: hễ sau khi ăn Tuyết bi tiên hoa công lực sẽ bị tạm mất đi trong thời gian là bốn mươi chín ngày, không lẽ câu nói này đã linh nghiệm thật sao?!
Thượng Quan Linh cũng sực nhớ lời nói trong quyển di thư là môn Duy Na Chưởng pháp trên bức vách kia, vô cùng khó luyện, nếu không có lương sư chỉ bảo, cứ tập bừa sẽ gây họa khí huyết nghịch lưu ngay vào người, và đến công lực cũng bị ảnh hưởng là khác. Vừa rồi đây mình không nên vì tính háo kỳ học thử trong thế thứ nhất của Duy Na chưởng pháp hèn gì mình cảm thấy khí huyết bồi hồi, chắc có lẽ là tại lý do nghịch huyết đây! Thượng Quan Linh hoảng lên vội đi tìm một viên đá bưng thử xem sao, hòn đá ước chừng có trăm cân, nếu vào ngày thường, một hòn đá như thế đối với Thượng Quan Linh nào thấm thía gì nhưng trong lúc này, mặc cho chàng đã cố vận hết toàn lực trong mình để giở hòn đá lên, nhưng lạ thay, thấy chàng không khác nào như chuồn chuồn bấu vào thạch trụ vậy, hòn đá không hề nhúc nhích.
Thượng Quan Linh biết giờ đây mình đã bị mất hết công lực, lúc này đem so với một người chưa từng tập võ không khác gì yếu như sên, thế nào cũng phải tuân theo lời dạy của Hữu Duy Na trong quyển di thư, phải an tâm tĩnh dưỡng bốn mươi chín ngày trong thạch thất này, để đợi cho tất cả những chất tinh túy tuyệt diệu của Tuyết bi tiên hoa ngấm hết sức lực của nó vào trong toàn cơ thể trong mình, rồi công lực sẽ khôi phục lại như xưa, và còn tăng lên nhiều thêm. Thế là chàng lo làm xong công việc mai táng hài cốt của Hữu Duy Na, quay vào động thất bên trong, lại ngay nơi thạch sàng của Hữu Duy Na đã ngồi nhập hóa ấy ngồi xếp chân bàn tròn, nhắm mắt vận công, để dưỡng điều trị. Nhưng tất cả những sự kiện lại dồn dập chen vào óc của chàng, chàng nghĩ đến độc công Phủ Chưởng Hàn của lão bà bịt mặt bí mật, và phải chăng sau khi mình ăn được thứ cây Tuyết bi hoa tiên lại công hiệu là khởi tử hồi sinh, không cần lo lắng đến đại họa này rồi chứ! Còn thân cuống của cây Tuyết bi hoa tiên, nghĩ đến đóa hoa trắng ấy mình đã không nuốt ngay khi còn tươi, và khi mình ngửi thì đóa hoa lập tức ủ rủ ngay, sau mình mới ăn chung với cuống hoa của nó.
Không biết như thế có thể nói là mình ăn đúng phương pháp của cây Tuyết bi hoa tiên không? Thượng Quan Linh không làm sao đoán cho đúng chắc được vấn đề này! Nhưng có một điều là từ khi hít hết những mùi thơm và ăn nuốt hết cuống lá của cây dị thảo ấy, cơn bệnh đau nhói vì chất hàn độc ấy không còn thấy tái phát nữa! Thượng Quan Linh lại sực nhớ đến trong quyển di thư có nói về loại gỗ trầm đặc của miền Thiên Trúc, chàng bèn ra công tìm kiếm, quả nhiên chàng tìm thấy tại một góc của động thất, khúc gỗ chỉ to bằng ngón tay cái, nhưng sức thơm của nó vô cùng mạnh. Trong lòng Thượng Quan Linh bất giác lại mủi lòng, nghĩ đến xưa kia dụng ý của Hữu Duy Na là cốt giữ cho thi thể khỏi bị rữa thịt, nhưng nào ngờ mười năm sau vẫn không tránh nổi định luật của tạo hóa tất cả đều trả lại cho đất! Đáng thương thay!
Trong những lúc cô liêu quá buồn, Thượng Quan Linh lại đi lục lọi những di vật của Hữu Duy Na, và chàng đối với bộ áo cà sa của vị cao tăng khả kính ấy rất thích thú, thế là chàng thay quách luôn bộ quần áo cũ của mình, nghĩa là chàng thay một cách triệt để bằng từ bên trong đến ngoài, mặc luôn tất cả những phục tăng nhân của Hữu Duy Na vào mình, từ áo cà sa, mũ tăng nhân, giày nhà sư, tất (vớ) nhà chùa, trước ngực cũng đeo một chuỗi niệm châu. Tất cả những thứ chàng đang mang mặc trên mình đây đều vừa vặn như của mình, nhất là chiếc áo cà sa, được thêu chỉ kim tuyến óng ánh, đẹp mắt vô cùng, chàng cảm thấy thư thái trong mình lạ. Dù sao Thượng Quan Linh vẫn còn tính trẻ, sau khi mặc cẩm phục đẹp như thế chàng muốn đi khoe cho thiên hạ biết nét hào hoa của mình, nhưng sực nghĩ nay mình còn ở trong động thất, trong lòng không khỏi ngậm ngùi thương cảm cảnh Cẩm y dạ hành (mặc áo đẹp mà đi trong đêm tối, chẳng có ma nào thưởng thức), nhưng chàng cũng bất giác cười thầm với ý nghĩ lẩm cẩm trẻ con của mình. Nơi một góc của động thất, Thượng Quan Linh bỗng lại tìm được một cây thiền trượng của Hữu Duy Na, nhưng khi chàng cầm lên tay thấy trầm nặng vô cùng, biết ngay là mình hiện giờ đã tạm mất hết công lực, chàng bất giác buồn bã thở dài!