Vương Bán Cân xua tay, an ủi: – Các huynh đâu cần phải bi quan như vậy. Vương gia đã lệnh cho chúng ta trấn thủ thành Ngọc Châu đến tối nay thì ngài ấy chắc chắn sẽ đem quân tới trước khi trời tối. Đại quân của Vương gia mà tới thì áp lực của chúng ta ở trong thành sẽ giảm đi rất nhiều rồi.
Đỗ Nghĩa nói thêm vào: – Đúng vậy. Chúng ta phải tin vào Vương gia.
Chiêu Tiên liền tiếp lời: – Chỉ có điều không biết là Vương gia đã xử lý xong tên An Hằng khốn khiếp kia chưa. Chỉ cần Vương gia giành lại quyền chỉ huy Phủ Viễn quân thì cơ hội giành chiến thắng trước hai mươi vạn quân Hậu Chu kia cũng không phải không có.
Bọn họ lúc này đặt hết hi vọng vào Lưu Lăng. Đó là tia hi vọng trong lúc tuyệt vọng nhất, hệt như một ngọn lửa duy nhất trong đêm lạnh giá, thứ hi vọng mà họ phải gắng nuôi cho đến khi mặt trời lên.
Vương Bán Cân nói: – Đỗ Nghĩa tướng quân, mong huynh xuống thuyết phục bách tính, hi vọng có thêm người lên trên tường thành tham gia phòng thủ. Giờ mà chỉ dựa vào binh sĩ thì e rằng không ổn.
Đỗ Nghĩa than thở: – Chỉ hận Đỗ Nghĩa ta vô dụng, liên lụy đến hàng trăm bách tính trong thành. Hiện tại đã có nhiều trai tráng muốn tham gia phòng thủ cho thành, nhưng do Đỗ mỗ ta không nhẫn tâm thấy họ bỏ mạng trên thành này…Hiện giờ…Ta thân là Đại Hán Tướng quân, có nhiệm vụ bảo vệ thành, thế mà lại kéo hàng trăm lê dân phải chết theo, trong lòng thật sự thấy không thể chấp nhận được.
Vương Bán Cân an ủi: – Đỗ tướng quân chớ có nghĩ như vậy. Quân Chu đã bao vây thành Ngọc Châu hơn chục ngày nay, tổn binh hại tướng. Nếu như thủ thành thất bại, chẳng phải máu bách tính lê dân sẽ chảy thành sông hay sao. Để họ tham gia giữ thành cũng là việc bất đắc dĩ. Phải kiên quyết bảo vệ thành cho đến khi Vương gia đến, đó chính là con đường sống duy nhất của chúng ta.
Đỗ Nghĩa nghe vậy liền nói: – Vậy ta sẽ xuống thành. Nhưng…các ngươi bảo ta nên nói thế nào đây!
Đoạn y buông một tiếng thở dài, tay bám vào tường thành đứng dậy, gọi thêm mấy thân cận rồi đi vào trong thành. Vương Bán Cân cùng Chiêu Tiên, Tôn Thắng nhìn nhau một lượt, thầm khâm phục tấm lòng trung nghĩa của Đỗ Nghĩa.
Nhưng cũng cần phải nói thêm, nếu như không phải Đỗ Nghĩa đã đối tốt với bách tính trong thành thì khi quân Chu đến, e rằng bọn họ đã bỏ chạy tan tác rồi. Đằng này họ lại chọn lựa con đường sát cánh cùng Đỗ Nghĩa, đủ để biết rằng trong lòng họ đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đối mặt với cái chết.
Lúc này, trong trại của Tôn Huyền Đạo tại đại doanh quân Chu.
Lão tướng quân Tôn Huyền Đạo tuổi đã sáu mươi, râu tóc bạc phơ. Lão khoác trên người bộ giáp nặng trịch, quỳ sụp trên mặt đất, không ngừng khấu đầu nhận tội. Sau lưng lão, tất cả các tướng lĩnh đều im như hến, đến thở mạnh cũng không dám.
Chu Thế Tông Quách Vinh chễm chệ ngồi ở vị trí chỉ huy, ánh mắt lạnh như băng nhìn đám tướng lĩnh bên dưới một lượt.
Quách Vinh vừa tròn ba mươi tuổi, khuôn mặt trắng bóc, dưới cằm y để bộ râu ba chỏm, mắt sáng mày ngài, trông vô cùng anh tuấn. Khuôn mặc y lúc này lạnh như băng, nhưng lại dài thườn thượt, chứng tỏ y đang cố kìm chế cơn tức giận trong lòng.
Giọng y trầm xuống, hỏi: – Tôn ái khanh, khanh đem tám vạn binh mã, bao vây thành Ngọc Châu hơn chục ngày, đến giờ Ngọc Châu chưa lấy được mà dũng sĩ Đại Chu ta lại tổn thất gần hai vạn người. Chắc khanh có lời gì muốn nói với trẫm chăng?
Quách Vinh, còn có tên gọi khác là Sài Vinh. Sử sách ghi lại, người này tướng mạo anh tuấn, giỏi cưỡi ngựa bắn cung, tinh thông kinh sử, tính tình điềm đạm ít nói. Y là cháu vợ của Hậu Chu Thái tổ Quách Uy, sau được Quách Uy nhận làm nghĩa tử. Y vốn xuất thân từ Sài gia trang ở Nghiêu Sơn, Hình Châu, thân sinh tên là Sài Lễ. Sài Ông, tổ phụ của y rất được mọi người trong vùng nể trọng. Sài gia nhà y có thể coi là danh gia vọng tộc có tiếng trong vùng.
Nhưng sau này, gia tộc nhà y bị sa sút, lúc y vừa tròn tuổi thì bị ép thành thân với cháu vợ của Quách Uy. Tính tình của y vốn cẩn trọng điềm đạm, giúp Quách Uy xử lý gia sự đâu vào đấy nên được Quách Uy hết mực sủng ái, nhận làm nghĩa tử, đổi tên thành Quách Vinh. Quách gia khi đó cũng không được gọi là giàu có, vì vậy Sài Vinh đã làm thêm việc buôn bán để kiếm thêm thu thập. Cũng trong thời gian này y đã tích cực luyện tập võ nghệ, nghiên cứu kinh thư yếu sử, nhất là các tác phẩm của Hoàng Đế và Lão Tử.
Sau đó, nhà Hậu Hán được thành lập, Quách Uy được nắm giữ chức vụ Nghiệp Đô lưu thủ, Xu mật sứ, Thiên Hùng tiết độ sứ, cấp bậc cao nhất trong hàng quan lại. Sau khi Hán Ẩn Đế đăng cơ, lo sợ Quách Uy tạo phản, Hán Ẩn Đế đã loại bỏ hết những thân tín của Quách Uy ở kinh thành Biện Châu, chỉ có Quách Siêu là trốn thoát được. Hoàng đế cho rằng làm như vậy có thể khiến Quách Uy sợ hãi mà không dám mưu phản nữa, nhưng ai ngờ lại khiến Quách Uy nổi giận lôi đình.
Không lâu sau đó, Quách Uy đem quân đánh chiếm Biện Châu, nhà Hậu Hán diệt vong. Quách Uy tự xưng Hoàng đế, lấy hiệu là Đại Chu, lập người con duy nhất còn sống là Quách Siêu làm Thái tử. Quách Vinh với thân phận Hoàng tử nắm giữ chức vụ Đàn Châu thứ sử, Hiểu kiểm thái bảo, được phong làm Thái Nguyên quận hầu. Sau này y tiếp tục được phong Tấn vương, nắm quyền điều hành binh mã.
Thái tử Quách Siêu tỏ ra vô cùng ngưỡng mộ người nghĩa đệ Quách Vinh của mình. Quách Siêu bản tính nóng nảy, làm việc cẩu thả, có thể nói là hữu dũng vô mưu. Rất nhiều việc y phải thỉnh giáo Quách Vinh, Quách Vinh đều giúp đỡ hết lòng, không một chút đố kỵ. Vì vậy, một người trọng nghĩa khí, suy nghĩ lại đơn giản như Quách Siêu càng thêm ngưỡng mộ y. Hơn nữa, do huynh đệ ruột thịt đều đã chết trong tay của Hán Ẩn đế, nên y coi Quách Vinh chẳng khác nào anh em ruột thịt.
Một thời gian sau, Thái tổ Quách Uy lâm trọng bệnh, cứu chữa vô hiệu, đoán định không còn sống được mấy ngày nữa. Việc lựa chọn Thái tử Quách Siêu kế vị đã được an bài từ lâu. Trước khi nhắm mắt, Quách Uy nhiều lần triệu kiến Quách Vinh, căn dặn phải ở bên phò tá Quách Siêu điện hạ, làm tấm gương sáng cho muôn vạn thần dân. Quách Vinh nước mắt lã chã, trước mặt Thái tổ thề sẽ tận lực phò tá Thái tử, có chết cũng không từ.
Nhưng có ai ngờ được, Thái tử võ nghệ đầy mình mà lại bỏ mạng vì ngã ngựa. Nhớ lại lúc y đào thoát khỏi Biện Châu, toàn thân đẫm máu, một mình giết hàng trăm tên địch, cưỡi ngựa chạy ba ngày ba đêm liên tục mà còn không ngã. Vậy mà khi đang cưỡi ngựa bắn tên trên thao trường, sao có thể ngã nhào vì chiếc yên ngựa buộc lỏng? Rồi cả việc tên thị vệ cưỡi ngựa đến cứu không hiểu sao con ngựa của gã lại mất kiểm soát, giẫm Thái tử chết tươi?
Cả tên thị vệ đó lẫn viên quan trông coi ngựa ngay sau đó đều bị xử tử, vì vậy sự tình ẩn sau chuyện đó cũng không ai được biết nữa.
Thái tổ Quách Uy nghe tin vừa kinh hãi vừa tức giận, do quá đau đớn mà băng hà. Thái tử đã chết, người kế vị rõ ràng giờ chỉ có một người, chính là Tấn vương Quách Vinh.
Quách Vinh đăng cơ, ngay trong ngày hôm đó, y tuyên chỉ muốn ngự giá thân chinh Bắc Hán. Lí do y đưa ra là thông qua điều tra, tên quan trông ngựa và tên thị vệ kia đều là gian tế do Bắc Hán phái đến, mối thù giết nghĩa phụ và nghĩa huynh không đội trời chung. Không cần đợi phát tang Thái tổ Quách Uy và Thái tử Quách Siêu xong, Quách Vinh đã lấy lại họ Sài, đem quân Bắc phạt.
Và thế là, Chu Thế Tông Sài Vinh đã danh chính ngôn thuận, đường hoàng chinh phạt Bắc Hán.