Nhưng trước khi những lời cầu nguyện rất thành tâm nhưng hơi thất đức ấy lọt được vào danh sách “cần duyệt khẩn cấp” của các đấng tối cao, họ đã kịp sắp đặt một giải pháp khác cho Quỳnh. Người làm nhiệm vụ bưu tá chuyển phát nhanh phương cách ấy đến tay cô là nam giới, trong độ tuổi hai mươi, ăn mặc sành điệu, cưỡi trên chiếc xe tay ga cao nghệu. Từ làn đường bên kia, người đó nhận ra cô và rẽ sang khi còn chưa kịp chạm tay vào nút bật xi-nhan. Không thèm để ý đến hàng chục ánh mắt hình viên đạn và vài câu cục cằn của những chủ xe đi sau, tác giả của cú tạt trái mạo hiểm đó tấp vào sát vỉa hè, vừa đi ngược chiều đường, vừa bấm còi pim pim cho đến khi Quỳnh giật mình quay ra, để rơi khỏi miệng hai chữ “anh Đức” đầy ngơ ngác. Chào cô bằng một nụ cười sáng trưng như trong quảng cáo kem đánh răng, Đức hỏi:
- Sao hôm nay em lại đi đường này?
- Em đi xe buýt, quên xuống ở bến trước ạ.
- Đầu óc bác học ghê nhỉ! Thế sao không gọi xe ôm mà đi bộ? Sát giờ rồi còn gì…
Thật may, câu hỏi tuy khó nhưng Quỳnh không phải trả lời. Khi cô mới chỉ bắt đầu ngắc ngứ, anh chàng đã vung tay chỉ về phía yên sau, nói tiếp luôn:
- Lên đi, anh chở, lấy giá hữu nghị, thề!
- Nhưng em không có mũ bảo hiểm.
- Giờ này các chú còn lo dẹp tắc đường, không bắt đâu.
- Nhưng em…
- Em mà còn “nhưng” nữa là anh muộn theo em luôn á.
Khi chữ “muộn” xuất hiện, mọi chữ “nhưng” bị đánh bay tan tác, Quỳnh hấp tấp leo lên sau xe Đức. Sau chưa đầy năm phút ngồi thu mình thật gọn và cúi đầu thật thấp, cuối cùng cô cũng thở phào nhẹ nhõm khi chiếc xe dừng trước cửa văn phòng. Thật không mấy dễ chịu khi cùng lúc phải mang đến hai nỗi nơm nớp, đi làm muộn và bị công an tuýt còi. Giờ thì cả hai nguy cơ đều đã tan biến, Quỳnh cho phép mình gặm trộm một miếng bánh mì trong lúc chờ Đức quay lại từ bãi gửi xe đằng xa. Cô ngoạm một miếng khá to mà không biết rằng toàn bộ hoạt động của mình trong vòng mươi phút vừa qua đã nằm trong tầm quan sát của một người.
Người này xưa nay chưa bao giờ thích tỏ vui buồn qua sắc mặt, cũng rất ít khi hành động khi chưa suy nghĩ kỹ càng. Dù trong đầu đã xuất hiện cả những câu hỏi lẫn những lời nhận xét nhọn hoắt dành cho Quỳnh, anh ta vẫn lùi xa khỏi chỗ cô đứng, lặng lẽ hoà vào đám cư dân công sở đi qua cánh cửa tự động của toà nhà. Thang máy đang ở trong thời điểm quá tải nhất nhưng anh ta không rẽ về phía cầu thang bộ như trước đây. Đã hai tuần nay, lối thang bộ vắng vẻ kia không còn là nơi đem đến cho anh ta cảm giác bình yên và thanh thản nữa.
Dĩ nhiên, thang máy nêm chặt những nhân viên văn phòng điển hình- những người nên ghi vào CV rằng kỹ năng tốt nhất của họ là buôn chuyện chứ không phải thuyết trình hay làm việc nhóm- lại càng không phải nơi lý tưởng để tìm kiếm những thứ xa xỉ như sự yên tĩnh hay thanh thản. Ngay khi cửa thang máy vừa đóng, một anh tuổi đang xoan huých khuỷu tay vào lườn một chị tuổi đã toan về già, nói với vẻ bí bí mật mật:
- Này, vừa nãy bà để ý bên đường không?
- Không, có chuyện gì?
- Thằng Cáp Treo chở gái sau xe.
- Hả? Thật á?
- Thật, cả tôi và thằng Long cùng nhìn thấy mà.
Chị gái lại khều nhẹ vào vai anh chàng nhỏ thó đang đứng sát bảng nút:
- Mày thấy con bé đi cùng thằng Cáp Treo không?
- Cáp Treo nào?
- Thì thằng suốt ngày chơi mốt dây đeo quần như bọn mỹ nam Hàn Quốc ý.
- À.
- Trông thấy con bé đi cùng nó không, xinh không?
- Cũng được.
- Cũng được thôi ấy à?
- Trông không sành điệu bằng em Yến nhà mình – anh chàng xoan lúc đầu nói chen vào, rồi như chưa thấy lời miêu tả đủ sát thực, anh ta thì thào giải thích rõ thêm – nhưng cũng khá chứ không phải dạng rẻ tiền quê quê đâu.
- Nó là ai mà lại đi quen gái vớ vẩn chứ. À, có phải con bé đấy đeo cái túi chéo màu khoai môn sống không?
- Màu khoai môn sống là màu gì?
- Thì màu giống như cái bộ sếp mặc hôm đón chuyên gia ấy.
Thang máy dừng ở tầng năm, bộ ba ngồi lê đôi mách kia trong lúc theo nhau lách ra đã kịp đổi sang chủ đề thời trang công sở và bỏ lại cho kẻ sẽ ra khỏi thang ở tầng tiếp theo một nỗi tò mò không dễ chịu. Túi đeo chéo màu khoai môn sống, còn “cáp treo” màu gì?