Ba người cưỡi ngựa chạy trước, thanh mã vẫn ương ngạnh đuổi theo sau. Trước mặt lúc này là ngã ba đường, vốn phải rẽ về phía Đông, công tử Hàm lại cho ngựa ngoặt sang hướng Tây. Được hơn mười trượng, thanh mã từ phía sau đuổi kịp, công tử Hàm cùng Lý Nhiễm Cầu ghìm cương xuống ngựa, thanh mã hiểu ý nằm phục xuống. Tô Tử đứng cạnh người nọ đã mơ hồ cảm thấy dụng ý của y.
Công tử Hàm đưa tay về phía Lý Nhiễm Cầu: “Kiếm!”
Lý Nhiễm Cầu giật mình bừng tỉnh: “Thế tử, việc này hãy để thuộc hạ…”
Y lắc đầu, lặp lại y nguyên: “Kiếm!”
Lý tướng quân không còn cách nào khác, bất đắc dĩ tháo kiếm dâng lên. Công tử Hàm cầm trường kiếm trên tay, khom người ôn nhu vuốt ve thanh mã, lại kề tai thì thào mấy lời nhỏ nhẹ. Rồi đột ngột ánh bạc lóe lên, một kiếm chém xuống, máu đỏ ồng ộc tuôn trào. Ba người khẽ dịch ra xa, ánh mắt nam tử hòa vào tịch dương Tây hạ, lặng lẽ rơi trên mình con vật đang cố hớp ngụm không khí cuối cùng.
Tiếng hí của thanh mã hiểm dị và mơ hồ, sặc trong bong bóng máu.
Con vật dần dần thôi giãy dụa.
Một lát sau, thanh mã đã nằm yên.
Mùi máu tanh nồng theo gió phả vào da, Tô Tử rùng mình lấy tay bịt mũi. Trời về chiều ráng tà như lửa. Trước mặt máu ngựa còn ấm đỏ, sau lưng rừng núi đã hoang lương.Quán trọ nằm giữa vùng cỏ lá hoang vu chỉ độc một gian nhà lớn, phía trước treo bảng hiệu, phía sau đặt thêm một chuồng ngựa. Bởi vì cách đường chính khá xa, khách vãng lai như khói, tiểu nhị vắt khăn trên vai đứng ở sườn núi dài mặt ngóng người. Vừa thoáng nghe vó ngựa truyền về, lập tức chạy đi báo tin cho chủ trọ.
Mật thư cho biết một vài tử sĩ đã đi trước dẹp đường, toàn bộ quán trọ dẫn đến biên quan đều bố trí người chờ sẵn. Thế tử tới nơi chỉ cần dùng ám hiệu đã quy định trong thư.
Nhìn chủ quán đứng trước mặt mình, công tử Hàm bỗng cảm thấy sự tình có lẽ không suôn sẻ vậy.
Lão già đã ngoại ngũ tuần, da mỏng dính nhăn nheo ủng lấy đôi mắt xám, nhìn người vừa đến thong thả hỏi: “Ba vị nghỉ chân hay ở trọ?”
Lý Nhiễm Cầu cho lão là tử sĩ dịch dung, bèn theo thư viết mà dùng ám hiệu trả lời: “Thiên Địa Nhân, ba gian thượng phòng.”
Chủ quán không có lấy một phản ứng dư thừa, thậm chí chẳng cười chẳng nói, chỉ thò tay lên giá sờ soạng nửa ngày, lôi ra ba tấm thẻ buồng. Công tử Hàm yên lặng nhìn chưởng quầy, đột nhiên cười nói: “Đói bụng rồi, dùng bữa trước rồi lên lầu sau!”
Nói xong liền nắm tay Tô Tử đi vào tiền sảnh, Lý Nhiễm Cầu trong bụng hồ nghi nhưng cũng theo qua. Tiểu nhị bận rộn làm cơm. Đương ngồi chờ, Tô Tử bất chợt đứng dậy, lấy cớ đi tìm nhà xí mà nhanh chân biến vào nhà trong.
Công tử áo khoác dính bùn, vẫn còn nhuốm huyết mã mơ hồ lấm tấm. Trên đường chẳng mang bao nhiêu bạc, ăn uống đều rất qua loa. Tô Tử chưa bao giờ thấy y sa vào cảnh nghèo nàn chật vật đến vậy, bất giác trong lòng chua chát. Vừa rồi từ xa nhìn thấy một người ăn mặc theo lối nhà buôn từ phòng khách vào trong, ngón cái còn đeo nhẫn ngọc, Tô Tử vội vàng nhẩm tính trong đầu. Không dễ mà gặp một tay giàu có ở đây, có lẽ nên thuận tay kiếm chút tiền tiêu, ít nhất cũng đổi được một bữa ăn tử tế.
Hắn nghiền ngẫm một chút lại ngẩn người, cứ ngựa quen đường cũ như thế, mai này về Chương có thể nào làm người đứng đắn thiện lương?
Thôi, lúc này còn tính lương thiện cái gì. Đầu ngón tay cũng bắt đầu ngứa ngáy.
Tô Tử hé mắt nhìn qua cửa sổ, trong phòng không một bóng người. Khẽ khàng đẩy cửa bước vào, đột nhiên phía sau vang lên một loạt bước chân, có lẽ khách kia đã quay trở lại. Tô Tử hoảng hốt không biết chạy đi đâu, nhìn đến tấm mành bố nơi góc phòng, vội vàng chạy tới nấp. Mành rèm vừa buông còn chưa hết đong đưa đã thấy ba bốn nam nhân cao lớn từ bên ngoài mở cửa tiến vào. Tô Tử trong lòng rủa xả, cắn chặt môi, vốn chỉ chờ đám người mau chóng rời đi, ngờ đâu lại nghe được một đoạn đối thoại không ai ngờ tới.
“Đúng vậy. Chính là người trong tranh vẽ, Thế tử Chương!”
“Xác định rồi? Vậy chúng ta hãy mau chóng ra tay!”
“Đừng vội. Mật thám nói không bao lâu tử sĩ của y sẽ đến tiếp ứng tại quán trọ này, lúc đó nhất tiễn hạ song điêu, còn lo không lập được đại công?”
“Người của ta đủ ứng phó họ sao?”
“Dư thừa. Trong quán bố trí cả rồi, chỉ cần chúng tiến vào, đừng mong có cơ thoát được!”
…
Thiếu niên đằng sau mành bố thoáng rùng mình, lòng bàn tay đã đổ mồ hôi, lập tức hiểu cần phải làm gì. Cửa sổ phía sau mở ra phía Đông quán trọ, bên ngoài là rẻo đất hoang. Tuy phòng này ở lầu một nhưng lại cất dọc theo sườn núi, từ cửa sổ nhảy xuống cũng phải hơn một trượng. Tô Tử lúc này chỉ hy vọng không bị người phát giác, rón rén đi sát bờ tường rồi trườn lên bục cửa nhảy ào một hơi, lăn trên mặt đất hai vòng, chẳng cần biết đau hay không đau đã cắn răng chạy một mạch về tiền sảnh.
Công tử Hàm cùng Lý Nhiễm Cầu thấy hắn mặt tái thành tro, lại từ bên ngoài chạy về, trong lòng đã ngờ có biến. Tô Tử vừa chạy vừa lớn tiếng cười: “Thanh mã, thanh mã đuổi kịp rồi!”
Người trong quán trọ nhất thời không hiểu hắn muốn nói gì, nhưng Lý Nhiễm Cầu đã xám mặt.
Công tử Hàm cười nhạt: “Thật ra như thế cũng hay.”
Hai người liền đứng dậy rời đi, vừa mới tới cửa đã bị tiểu nhị chặn lại.
“Chất tử Hàm!” Chủ quán ngoài cười nhưng trong không cười: “Ngài đi đâu mà vội? Quán trọ này vì ngài mà dựng lên đó.”
Lão vừa dứt lời, Lý Nhiễm Cầu sát khí bốc thẳng lên đến đỉnh đầu, kiếm còn chưa rút cả vỏ cả thân lao về phía tiểu nhị. Công tử Hàm tóm lấy tay Tô Tử, bước nhanh ra khỏi khách đường.
Lúc này, một toán người ngựa phong trần bụi bặm từ ngoài xa cũng vừa đuổi tới.