Đại Mạc Thương Lang

quyển 1 chương 10: hi sinh

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Chúng tôi cứ chạy như thế trong đêm tối, chỉ nhìn thấy ánh sáng từ đèn pin của những người chạy trước loang loáng, nhưng khi chạy qua phạm vi chiếu sáng của đống lửa mà chúng tôi vừa đốt thì tôi đã không theo kịp tốp chạy nữa, lúc đó, tôi đành phải bật đèn pin của mình để nhìn đường, sau đó cứ nhảy từng bước từ hòn đá này tới hòn đá kia mà đi.

Nhưng kiểu nhảy này cũng không ổn, người chứ có phải kangaroo đâu, mỗi bước nhảy của tôi đều tốn khá nhiều sức lực. Có lúc chỉ chậm một tí thì sẽ bước hụt và trượt chân rồi. Tôi chỉ biết cố hết sức để đuổi cho kịp tốp của đội phó.

Phía trước vẫn có tiếng súng nổ, tôi đã có thể thấy ánh sáng của đường đạn vút đi đỏ lừ, có lẽ còn cách khoảng sáu trăm mét nữa. Bùi Thanh và cậu lính đi cũng chưa lâu, vậy nên khoảng cách thế này cũng được xem là khá xa rồi.

Đuổi được nửa đường thì tôi không còn sức lực nữa, kiểu chạy này tốn rất nhiều sức, tôi dừng lại nghỉ, cảm giác thở không ra hơi nữa, nhưng mới chỉ dừng lại vài giây tôi đã phát hiện ra xung quanh bốn phía tối om, mấy cậu lính chạy phía trước rất nhanh, càng lúc càng bỏ xa tôi. Những đám xương người thò ra từ trong những chiếc bao tải đã mục nát khiến tôi dựng tóc gáy, tôi đành cắn răng cố hết sức chạy tiếp.

Đến lúc chúng tôi chạy tới nơi thì tiếng súng cũng ngừng, tôi thấy người cầm súng là Bùi Thanh, không thấy cậu lính đi cùng với cậu ấy đâu. Còn đội phó thì mặt mày trắng bệch đang cùng một cậu lính khác chạy về chỗ tôi. Tôi hỏi họ là đã xảy ra chuyện gì, nhưng họ không để ý gì đến tôi, cứ thế cắm đầu chạy sượt qua tôi, hướng về chỗ đang đóng trại.

Tôi đành trèo lên chỗ Bùi Thanh đứng, hỏi cậu ấy có chuyện gì, Bùi Thanh mặt mày tái mét lắp bắp điều gì không rõ. Cậu lính đứng bên định giải thích, nhưng cũng không nói nên lời, chỉ thấy miệng cậu ta mấp máy. Tôi cố nghe mãi mới hiểu được, hóa ra có người đã bị rơi xuống, đội phó thì đang chạy về lấy thêm đạn.

Mãi lúc đó tôi mới nghe thấy tiếng nước chảy ầm ầm, bước lại gần để nhìn, hóa ra nơi này địa thế đột nhiên bị đứt gãy, giữa dòng nước bỗng xuất hiện một tầng mới, dòng nước đến chỗ này đổ thẳng xuống, hình thành nên một cái thác. Cái thác cũng không cao lắm, cùng lắm chừng hai mươi mét, chiếu đèn xuống dưới thấy toàn là đá, bỗng nhiên tôi nhìn thấy cậu lính đi cùng Bùi Thanh lúc nãy đang bị kẹt giữa hai tảng đá, mặt mũi đầy máu, không biết còn sống hay đã chết, chắc cậu ấy bị trượt chân rơi xuống đó.

Trong đầu tôi chợt nghĩ “to chuyện rồi”, thấy vậy, tôi vội vàng hỏi Bùi Thanh cụ thể sự việc như thế nào. Bùi Thanh kể vốn dĩ hai người chỉ định đi đến đây thì quay về, thế nhưng cậu lính ấy thấy thác nước có vẻ không quá cao, nên nghĩ “thôi cũng không dễ dàng gì mới đến được đây, chi bằng cứ thử xuống xem thế nào.” Thế nhưng cậu lính lại bảo vì đội trưởng đã dặn là phải bảo vệ Bùi Thanh, việc nguy hiểm thế này phải để cậu ta làm, thế là cậu ấy đưa súng cho Bùi Thanh giữ, rồi tự mình trèo xuống. Nhưng không biết vì sao mà mới trèo được vài bước thì bỗng nhiên bị ngã xuống đó. Bùi Thanh vội quay lại kêu cứu, nhưng gọi mãi vẫn không thấy chúng tôi có động tĩnh gì, đành phải bắn súng ra tín hiệu.

Tôi đã từng trải qua những chuyện như thế này, mất tích là một tình trạng rất phổ biến mà dân theo nghề khảo sát, thám hiểm thường phải đối mặt. Tôi vội giục mấy cậu lính vẫn chưa quay về ra chỗ thác nước gọi tên cậu lính đang bị mất tích, nếu như cậu ấy chưa chết thì làm thế sẽ giúp cậu ta tỉnh lại, vì không thể để cậu ta hôn mê được. Thế nhưng hai cậu lính kia gọi mãi mà không thấy tiếng đáp lại, hình như tên cậu lính mất tích là Chung Hồ Tử thì phải. Càng lúc tôi càng cảm thấy nặng nề, kiểu này xem ra cậu lính đó lành ít dữ nhiều rồi.

Mãi sau Vương Tứ Xuyên mới đuổi kịp chúng tôi, dường như cậu ta đã mệt đứt hơi, nhưng khi vừa nghe tin có người rơi xuống thác, cậu ta liền vội vàng đòi nhảy xuống cứu, tôi và mấy cậu lính khác phải ra sức cản mới ngăn được cậu ấy.

Sau khi đứng tập trung lo lắng chờ đợi bên chỗ thác nước được chừng hai mươi phút thì dây thừng cũng được kéo lên, đội phó đích thân gỡ dây ở lưng cho cậu lính đã trèo xuống đó. Lúc đó tay cậu ấy đầy máu, ban đầu tôi cứ tưởng máu chảy trên người cậu lính, sau mới phát hiện ra là có cả máu trên người đội phó, rõ ràng dưới màn nước đổ xuống thác đó chất đầy những tấm lưới thép, chúng ẩn dưới dòng nước nên từ trên không thể nhìn thấy được, có lẽ vì vậy mà cậu lính kia mới bị trượt chân.

Tôi tới gần xem, rồi đau lòng nhắm chặt mắt lại, cậu lính ấy đã hi sinh rồi, vậy mà chúng tôi vẫn chưa kịp biết tên cậu ấy là gì. Lúc đó, đội chúng tôi đều lặng đi, không ai nói được câu gì, ai nấy đều khuỵu chân gục xuống, nước mắt trào ra.

Bởi vì mấy cậu lính đều đội mũ bảo vệ, nên tôi cũng chưa có dịp ngắm kĩ họ, bây giờ nhìn lại mới thấy cậu nhiều tuổi nhất xem ra cũng chỉ chừng mười chín tuổi, có lẽ vẫn còn trẻ lắm, vậy mà họ chấp nhận để những năm tháng thanh xuân trôi qua như thế này, không hề ca thán nửa lời, có người còn chưa được nếm vị ngọt của tính yêu bao giờ thì đã hi sinh.

Đội phó là người từng trải, lúc đó anh chỉ im lặng hút thuốc, còn những người khác thì thút thít khóc, Vương Tứ Xuyên cũng khóc, còn trách Bùi Thanh rằng cậu lính kia chỉ là một đứa trẻ, sao Bùi Thanh lại đẩy cậu ta làm việc nguy hiểm đó. Bùi Thanh không nói gì, cũng không phản ứng gì, nhưng trên mặt lộ rõ vẻ đau khổ. Tôi định đi an ủi mấy cậu lính kia đừng khóc, nhưng đội phó ngăn lại, bảo cho các cậu ấy khóc thêm hai mươi phút nữa, đúng hai mươi phút rồi thôi.

Sự kiện này làm chấn động chúng tôi, từ trước tới nay, chúng tôi hiểu rất rõ sự nguy hiểm của nghề khảo sát địa chất, tuy đại đa số công việc đã qua của chúng tôi khá nhẹ nhàng, nhưng với những việc quan trọng, chúng tôi đều rất cẩn thận. Tiếc rằng, thói quen trong công việc lâu ngày đã tạo thành cho chúng tôi một cái nếp là chỉ biết lo tốt cho bản thân mình, mà không nghĩ tới người khác. Lần này chúng tôi không ngờ rằng mấy cậu lính trẻ kia chưa hề có kinh nghiệm trong nghề khảo sát địa chất, mấy cậu ấy ngoài sức khỏe tốt ra, những tố chất khác cũng chỉ giống như người thường, có thể nói lần này là do sơ suất của chúng tôi nên cậu lính kia mới thiệt mạng.

Cảm giác này đeo bám chúng tôi rất khó chịu, vì chuyện đã xảy ra rồi thì không thể nào lấy lại được nữa. Tôi nghĩ nếu như chính mình là người đưa cậu ta đến nơi này, liệu tôi có biết mà nhắc nhở cậu ta không? Chắc là không. Trong chuyên môn có thể chúng tôi rất giỏi, nhưng trong những lĩnh vực khác, chúng tôi đều là những kẻ chậm chạp, cũng đừng nên trách Bùi Thanh làm gì. Nghĩ đến đây tôi thấy vô cùng áy náy.

Ngay giữa đêm đó, chúng tôi đưa xác cậu ta về chỗ cắm trại, phủ túi ngủ lên, có lẽ không thể đưa thi hài cậu ta về quê, nhưng khi nào xong nhiệm vụ nhất định chúng tôi sẽ quay lại làm các thủ tục an táng cho cậu ấy. Đội phó bảo mọi người nghỉ sớm đi, nhưng trong tình huống đau buồn như thế chẳng ai có thể chợp mắt được.

Ngày thứ hai, thực ra cũng không rõ là buổi sáng hay buổi tối nữa, chúng tôi lần lượt thức dậy, thu dọn đồ đạc xong xuôi, vái lạy trước thi hài người đồng chí anh em, rồi lại tiếp tục tiến lên phía trước.

Năm 1962, toàn quốc đều rất coi trọng nhiệm vụ, hồi đó, chúng tôi không hề có ý nghĩ rằng nhiệm vụ khó thì chùn bước, hoặc có ý định thoái lui, chúng tôi chỉ suy nghĩ làm sao để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Có thể ngày nay, nếu gặp tình huống như thế này, chắc hẳn người ta sẽ bỏ cuộc.

Chúng tôi ngồi ăn trưa ngay dưới chân thác nước, chỗ này ít những bao tải chứa xương người hơn lúc trước, những tảng đá ở đằng sau cũng nhỏ dần, khoảng cách giữa các tảng đá cũng thu hẹp lại, nên việc di chuyển có phần dễ dàng hơn. Lúc đó, Vương Tứ Xuyên có ý muốn đi thăm dò hai bên, nhưng chúng tôi phản đối ngay, chẳng phải vì một lý do cụ thể gì, mà chỉ thấy rằng phí sức đi thám hiểm xung quanh lúc này thì thật không thỏa đáng.

Ăn trưa xong, chúng tôi được nghỉ ngơi chừng hai mươi phút, lúc này bỗng xảy ra một việc khiến tôi cảm thấy rất bất ngờ, đó là khi tôi thò tay vào túi quần định lấy thuốc hút, thì bất giác chạm phải một mẩu giấy. Tôi rút mẩu giấy ra và vô cùng ngạc nhiên vì trước đó trong túi quần tôi không hề có mẩu giấy này. Tôi mở ra đọc thì phát hiện đó là mẩu giấy được xé từ cuốn sổ tay an toàn lao động, trong đó chỉ ghi mấy chữ: “Cẩn thận với Bùi Thanh!”.

Truyện Chữ Hay