Tết Trung thu vừa kết thúc, chợ mùa thu mở ra.
Những thứ mà năm nay Hà Điền và Dịch Huyền mang đến chợ để trao đổi cũng gần giống như năm ngoái, chẳng hạn như kê, táo tàu, táo, các loại rau khô và đồ ngâm, cũng như cá và vịt xông khói. Khi dạy cho Tát Sa làm gốm, họ cũng đã làm một số tô chén, ly tách và khay. Năm nay Hà Điền đã làm giấy và mấy cuốn sổ tay. Ban đầu cô định giữ lại sử dụng cho riêng mình. Giấy được lưu giữ ở nơi khô ráo và thoáng khí có thể sử dụng được trong nhiều năm lận đấy. Nhưng, sau khi đưa cho Tát Sa một cuốn sổ, nhìn cái cách mà anh ấy trân quý nó, Hà Điền nảy ra ý định, cô sẽ làm một mớ sổ nữa rồi đem đến chợ trao đổi với mọi người.
Những cuốn sổ tay này rất dễ làm, đầu tiên là ủi phẳng giấy rồi cắt theo khuôn giấy có sẵn, sau đó dùng dùi đâm thủng, một sắp mười tờ, dùng chỉ sáp khâu lại, cứ mười sắp làm thành một cuốn, sau khi khâu chỉ xong, quét một lớp bong bóng cá lên mặt sau, đợi khô rồi thì lại dán bìa da vào.
Sổ da cũng có đến mấy loại, một loại được may bằng số da hỏng trong nhà, bề mặt da còn được trang bị dây da, có thể cột dây da để giấy bên trong không bị cuộn lại, không dễ bị hỏng. Một loại khác thì làm bằng giấy dày có in nổi hoa lá, như lá trúc, lá đỏ và những cánh hoa rực rỡ đủ màu sắc.
Sổ làm bằng da có thể tháo rời, khi sử dụng hết sổ có thể thay giấy mới, sử dụng được nhiều năm.
Ngoài sổ tay, cô và Dịch Huyền còn làm một số đèn lồng bằng giấy in nổi có thể gấp lại. Đèn lồng khi gấp lại đều có hình chữ nhật, các mép của mỗi chiếc đều được đục lỗ, cột lại bằng dây rơm thành nút hình chữ X. Khi không sử dụng có thể ép thành miếng mỏng rất dễ cất giữ.
Sáng sớm ngày phiên chợ mở cửa, Hà Điền và Dịch Huyền chèo thuyền, chất đầy hàng hóa lên, mang theo Lúa Mì xuôi dòng.
Khi bọn họ đến bãi sông của chợ thì nhiều người đã dọn sạp và bắt đầu buôn bán. Từ mấy tuần trước dân làng đã chặt lau sậy và đặt sẵn vài tấm ván trên bờ để mọi người dừng thuyền và chuyển hàng hóa dễ dàng hơn.
Hà Điền và Dịch Huyền cũng nhanh chóng chọn một nơi, chặt một ít lau sậy, cột thành bó rồi chất thành từng đống, sau đó sắp xếp từng món đồ mà họ mang đến ra.
Năm nay khi bày hàng Dịch Huyền có phần để tâm hơn, anh không chặt sậy rồi chất thành chiều cao ngang bằng nhau giống như mọi người, mà thay vào đó, anh chất chúng thành từng bậc cao dần. Bằng cách này, các chiều cao so le nhau, dù đứng xa cũng có thể nhìn rõ những gì có ở trên sạp.
Sau khi dựng sạp xong, cả hai trở lại bờ sông, Lúa Mì vẫn còn đang canh giữ trên thuyền.
Trên thuyền có một cái lò đất, được đặt trong chiếc giỏ mây rách nát.
Hà Điền lấy một thanh gỗ dưới đáy thuyền luồn qua hai tay cầm của chiếc giỏ mây, hai người lần lượt nhấc chiếc giỏ mây lên.
Sau khi đặt lò đất xuống phía sau sạp hàng của mình, Dịch Huyền lại đi xuống thuyền đem một cái nồi sắt lên.
Hà Điền tuốt một vài cọng lá sậy khô, nhét vào lò rồi đốt lửa.
Cái nồi sắt to mà họ mang đến là một nồi đồ ăn đã được nấu chín, sau khi đun nóng, một lúc sau đã tỏa ra mùi thơm hấp dẫn.
Sáng sớm mùa thu, cho dù ở dưới chân núi thì trời cũng đã bắt đầu se lạnh.
Nhiều người miền núi sống ở vùng hạ du trời còn chưa sáng đã phải chèo thuyền ngược dòng, đến chợ không chỉ mệt mà còn đói, lúc này ngửi thấy mùi thức ăn thơm phức liền tìm đến sạp hàng của Hà Điền và Dịch Huyền tụ họp.
“Cô gái, các cô có bán đồ ăn nấu trong nồi này không?”
“Có thể đổi không? Đổi thế nào?”
“Hai người nấu món gì vậy?”
Hà Điền và Dịch Huyền đeo khẩu trang lên, mở nồi ra cho mọi người xem.
“Là món phá lấu, có thịt đầu heo, đậu hũ, trứng, nội tạng heo!” Dịch Huyền dùng cái giá lớn khuấy trong nồi, múc một giá đồ ăn đã nấu lên, mùi thơm lập tức nồng hơn, Hà Điền thì giở vải bông đậy hộp gỗ ra, bên trong là mấy chồng bánh nướng: “Bánh nướng kẹp phá lấu! Đều nóng hổi!”
“Bán thế nào!”
“Có cái gì thì đổi cái đó?” Hà Điền cười: “Cả hai chúng tôi cũng đều không nghĩ đến việc kiếm tiền. Vốn là cảm thấy ăn món này rất tiện, sáng sớm chèo thuyền tới đây, đến được nơi thì mồ hôi mồ kê cũng đổ đầy cả người, mà trời thì lạnh, nếu có thể ăn được món gì đó nóng thì còn gì bằng?! Nghĩ vậy nên chúng tôi làm nhiều thêm một chút rồi mang theo. Cũng coi như là chia sẻ với mọi người.”
Khi cô nói vậy, những người vây xem cũng yên tâm hơn, vì đã đến thu rồi, mọi người thật sự không còn dư dả gì.
Vì vậy, ngay lập tức có một cô gái trẻ dùng một bó bắp đổi lấy hai cái bánh nướng kẹp phá lấu của Hà Điền.
Bánh của Hà Điền mới nướng hồi tối qua, sau khi cắt một đường để tạo khe hở thì nhét phá lấu đã nấu nhừ vào, rồi lấy một miếng lá sen khô gói lại, có thể vừa đi vừa ăn.
Cô gái kia còn quảng cáo bắp nhà mình với Hà Điền: “Bắp nhà tôi là bắp hai màu và có giá trị dinh dưỡng cao! Cô nhìn đi, có phải chúng có hai màu không? Cô phơi khô rồi đem cất, đến mùa xuân năm sau thì có thể mang ra trồng. Đem luộc ăn vừa mềm, dẻo và ngọt lắm.”
Quả thật là như vậy. Đây là lần đầu tiên Hà Điền nhìn thấy loại bắp hai màu này, có nhiều hạt màu tím sẫm xen lẫn các hạt màu vàng nhạt, căng mọng, còn có một mùi ngòn ngọt.
Hà Điền thầm thấy tiếc, dựa vào thất bại của anh em nhà họ Phổ thì có thể chứng minh được rằng ở trên núi không thể trồng bắp được. Nhưng mà, nếu trồng một hai cây ở trong nhà kính, biết đâu lại có thể thành công? Mà đợi đã, làm thế nào để bắp thụ phấn? Trồng ở trong nhà kính thì làm sao mà thụ phấn được? Mà cũng không sao, đến lúc đó mở mái che ra thì bướm ong vẫn bay vào được, nhưng làm kiểu này thì sâu bệnh lại khó trị… Cô vừa suy nghĩ, vừa không ngừng làm bánh cho mọi người. Dịch Huyền thì phụ trách nhận và đổi hàng hóa với bánh nướng.
Vốn dĩ họ muốn sử dụng phương pháp này để thu hút sự chú ý, vì vậy họ không từ chối thứ gì cả, người ta đưa cái gì bọn họ cũng đều đồng ý đổi hết.
Sau khi đổi bánh nướng, mọi người cũng không vội rời đi ngay, còn có người xếp hàng để xem sạp hàng của Hà Điền và Dịch Huyền có gì, kết quả là có không ít người vừa ăn bánh thịt, vừa đổi đồ này nọ với họ.
Đúng là không kiếm được bao nhiêu tiền từ việc bán bánh thịt, nhưng mà chẳng mấy chốc mà sạp hàng của Hà Điền và Dịch Huyền đã trở nên đông khách vô cùng, hai người họ bận rộn đến mức hận không thể có thêm một cái miệng và mọc thêm hai cánh tay.
Chỉ nửa tiếng, một nồi phá lấu đã được bán hết, chỉ còn thừa lại mấy cái bánh nướng.
Những thứ trên sạp hàng của Hà Điền và Dịch Huyền cũng đã thay đổi rất nhiều.
Kê đã trở thành mè, đậu phộng, đậu tạp, và một túi củ to tròn màu trắng mà Hà Điền và Dịch Huyền đều chưa từng thấy qua, người đổi nó gọi nó là “củ sắn” (củ đậu), có thể nấu chín ăn như món chính, hoặc cũng có thể cắt thành lát và ăn sống như trái cây. Loại củ này có thể bảo quản lâu trong hầm.
Trong lúc trao đổi, người đàn ông cắt một củ ra cho họ ăn thử, dưới lớp vỏ mỏng màu đất, củ sắn giòn ngọt với phần thịt trắng ngần.
“Nó có vị hơi giống lê, nhưng không ngọt và mọng nước như lê, cũng không có bã.” Dịch Huyền ăn xong đưa ra kết luận.
Hà Điền cho rằng thứ này đổi có hơi lỗ, nó kém ngon hơn nhiều so với táo. Nhưng mà, đối với những thứ mới lạ như thế này, nên thử.
Thịt cá, vịt xông khói, thịt heo cũng được đổi thành da lông, hai tấm da sói, một tấm da trâu đen và trắng, và một số loại da khác, chẳng hạn như da cáo.
Đồ gốm là thứ có giá trị nhất, họ đổi một bộ hai mươi bốn chiếc chén, dĩa lấy một thùng dầu diesel khoảng lít, đồ gốm vụn vặt linh tinh này nọ cũng được đổi lấy một vài vật dụng hữu ích.
Các loại mứt và trái cây khô, son dưỡng môi làm bằng sáp ong và thảo mộc, sổ da, đèn lồng giấy in nổi, ., cũng đã được thay thế bằng nhiều thứ khác nhau, có đồ ăn, đồ hữu dụng, ..
Vì vậy, đến trưa, bọn họ lại bày đầy vải bông, đồ ăn các loại, đậu phộng, dầu thực vật tinh luyện từ bắp, các loại đồ ngâm, .. tiếp tục trao đổi với những người khác.
Trong lúc Hà Điền và Dịch Huyền đổi bánh thịt với người khác, Tam Tam và Tam Bảo cũng đến.
Họ cũng rất bận rộn.
Năm nay Tam Tam may rất nhiều quần áo bông để bán, nhưng hầu hết quần áo bông năm nay của cô ấy đều dành cho trẻ em hoặc những cô gái yêu cái đẹp.
Những người mua quần áo bông của cô ấy năm ngoái, nếu nhà có trẻ nhỏ thì hầu hết họ sẽ lại đến chỗ của cô ấy mua, nhưng người lớn trong nhà thì không phải năm nào cũng có quần áo bông mới để mặc.
Tam Tam rất thông minh. Cô ấy đã nghĩ ra điều này từ sớm. Ngoài việc bán quần áo bông cho trẻ em, cô ấy còn may một số áo khoác lông cừu. “Các cô các dì rất thích loại này. Áo khoác này có thể mặc được cả hai mặt, một bên là vải bông dày và một bên là lông cừu. Khoác ở bên ngoài áo bông, trời nóng thì cởi áo bông ra, mặc như áo dày cũng được. Thấy mặt da khó chịu, mặc ngược lại sẽ thành một kiểu áo khác ngay! Mua cái này, một năm có thể mặc những bốn đến năm tháng!”
Một bộ quần áo có thể mặc được bốn năm tháng, vậy thì hời quá còn gì!
Rất nhiều bác gái, cô dì nghe xong đều muốn mua.
Hơn nữa, hai năm nay Tam Tam đều sống bằng cái nghề thợ may này, có lượng khách quen, những người từng mua quần áo của cô ấy đều biết quần áo cô ấy may rất dày, đường may đẹp và kiểu dáng ưa nhìn, không cần cô ấy phải nói nhiều lôi kéo, tự động cũng có khách vây quanh chật kín.
Đến trưa, quần áo đã bán hết sạch sẽ, đổi thành đủ loại hàng hóa, Tam Tam và Tam Bảo chọn những thứ họ cần, số còn lại thì trao đổi với người khác.
Lúc này Tam Tam đang rảnh rỗi, đứng từ xa mỉm cười coi như chào hỏi Hà Điền, Hà Điền bước đến, hai cô gái nhỏ ngồi ở khoảng đất trống sau sạp hàng của Tam Tam, nói chuyện riêng.
Hà Điền hất cằm về phía sạp hàng của Tam Tam, cười nói: “Anh ấy để sạp hàng của mình một bên mặc kệ, chạy đến chỗ cô hỗ trợ hả?”
Tam Tam đỏ mặt.
Tát Sa giúp Tam Bảo trông sạp hàng.
Còn sạp hàng của anh ấy thì để cho ba anh ấy trông coi.
Hà Điền lắc đầu vài cái: “Không ngờ luôn, cô tiến cử Tát Sa học làm gốm, hóa ra là có tâm tư riêng nhé.”
Tam Tam bị cô nói nên ngượng ngùng, hơi cúi đầu xuống, cười nói: “Cô đừng có vu oan cho tôi, lúc đó tôi với anh ấy còn chưa thân nhau mà.”
“À. Vậy bây giờ thân hơn chưa?”
Tam Tam mím môi cười mà không nói gì, trên má cũng không hề bôi phấn, vậy mà đã thoáng hiện lên một vệt ửng hồng.
Hai người đang nói chuyện thì ông anh to con Sở Vân Tây cũng đi tới.
Dịch Huyền đưa một túi táo tàu đỏ và một túi kê cho anh ấy: “Anh Sở, chị dâu sinh chưa? Chuẩn bị sẵn cho anh này.”
Sở Vân Tây đỏ mặt, nói: “Sinh rồi! Lần này vợ tôi sinh được một thằng nhóc! Hai mẹ con đều khỏe cả!” Anh ấy đưa cho Dịch Huyền một cái túi da lớn đựng rượu có độ tinh khiết cao.
Hai người nói chuyện một lúc, Sở Vân Tây lại cùng Tam Bảo trò chuyện.
Sở Vân Tây, Tam Bảo và Tát Sa đã lâu không gặp nhau nên có rất nhiều điều để nói.
Đầu tiên Tát Sa cho Sở Vân Tây xem đồ gốm mà anh ấy làm, sau đó nói về căn nhà mới xây của Hà Điền và Dịch Huyền trông như thế nào, rồi mấy người họ lại kéo nhau đến sạp hàng của Hà Điền và Dịch Huyền để tiếp tục nói chuyện.
Sở Vân Tây xoa tay hâm mộ, nắm lấy cánh tay Dịch Huyền, nói với anh: “Chú em, năm nay xem ra là không được rồi. Sang năm sau đi, sang năm tôi có thể đưa người nhà mình đến nhà chú xem được không?”
“Tất nhiên là được rồi!” Dịch Huyền cười nói: “Đến lúc đó nhớ mang vợ con theo cùng nhé.”
Sở Vân Tây vội vàng xua tay: “Như vậy không được đâu! Trẻ con chưa tiêm thuốc không thể chạy lung tung được.” Nói đến đây, người ba to con này mang vẻ mặt vui mừng, nói: “Chỗ của chúng ta ấy, vốn là nơi không ai quản lý, cuối mùa hè năm nay lại được chủ thành của thành Song Hà hợp nhất lại, tất cả mọi người đều có hộ khẩu rồi. Mặc dù sau này sẽ phải nộp thuế cho chủ thành, nhưng mùa xuân hàng năm trong thành phố sẽ cử các đoàn y tế đến chữa bệnh. Có hộ khẩu thì có thể tiêm phòng cho trẻ em và chữa bệnh cho người lớn. Mặc dù không được miễn phí – thành thật mà nói thì nó còn khá đắt, nhưng không còn phải lo lắng về việc gặp phải những thầy thuốc lang băm vì tiền mà hại chết người nữa. Vợ chồng tôi đang tiết kiệm tiền… “
Dịch Huyền nghe xong cười một tiếng: “Chủ thành mới này so với lần trước còn có năng lực hơn.”
Sở Vân Tây tự hỏi: “Chủ thành đã thay đổi? Khi nào vậy?”
Dịch Huyền cười nhạt: “Có lẽ là mùa đông năm ngoái.”
Sở Vân Tây cẩn thận ngẫm lại: “Ừ… chẳng trách ở hội chợ mùa xuân năm nay, tôi thấy họ bày binh bố trận không giống với năm ngoái. Vậy mà lại không nhìn ra được sự khác biệt.”
Tát Sa và Tam Bảo nhìn nhau, rồi nhìn Dịch Huyền: “Nói không chừng đến mùa xuân năm sau, chủ thành sẽ nhân lúc thị trường mở cửa mà hợp nhất chúng ta lại.”
Việc này là tốt hay xấu đây?
Dân làng dưới núi hầu hết là nông dân lao động tự do và không chịu sự quản chế của ai, nếu có tranh chấp xóm giềng, cầu tàu, làm đường, cải tạo đất thì đều sẽ do ban quản lý phụ trách.
Về phần thợ săn trên núi thì lại càng là người ngoài vòng pháp luật, cái mà họ tuân theo là quy luật của tự nhiên, không tranh chấp với đời.
Nếu chủ thành muốn sáp nhập và yêu cầu họ nộp thuế, rồi có khi sau này còn bắt họ phải đi lính luôn không? Tham chiến để giúp anh ta giành lãnh thổ?
Dịch Huyền thấy sắc mặt Tát Sa và Tam Bảo trông nghiêm trọng, cười an ủi: “Tôi nghĩ chuyện thuế má không dễ thu đâu. Nếu tôi là chủ thành thì vẫn sẽ giống như hai năm qua, tiếp tục thu thuế của những người buôn bán ở chợ, hạn chế bọn họ, việc này dễ dàng hơn nhiều so với việc quản lý chúng ta. Về phần nghĩa vụ quân sự, còn khó hơn nữa. Tại sao tất cả mọi người đều sống ở đây? Không phải là vì trốn trong núi và đầm lầy để khỏi bị kiểm soát sao?”
Tát Sa và Tam Bảo ngẫm lại, quả thật thấy có lý.
Nếu chủ thành thật sự muốn bọn họ đóng thuế, vậy thì chỉ có thể như đám người Chu Vân Tây, nộp thuế, làm vậy cũng có lợi, hiện tại không thấy có nhiều lợi ích gì, nhưng mà có thể đi khám chữa bệnh cũng tốt. Nếu lúc nhỏ Tam Tam có thể được tiêm vắc xin phòng bệnh bại liệt từ sớm thì có lẽ đã không bị tàn tật như bây giờ.
Về việc liệu trong tương lai có thay đổi chủ thành nữa hay không, thuế suất có tăng lên không, chính sách y tế có lợi cho người dân hay không thì bọn họ chỉ có thể chờ thời gian trả lời.
Hà Điền và Dịch Huyền đã đổi được hàng hóa ưng ý, mang theo những túi lớn nhỏ, còn có hai túi gạo mới mà Tát Sa đã hứa cho, chở Lúa Mì, ngược dòng đi thuyền về nhà.
Khi họ đến, trời còn chưa sáng, cảnh vật hai bên bờ chìm trong màn sương mờ ảo, đầy những vệt khói xanh đen, khi họ trở về nhà thì đã là bốn năm giờ chiều, ánh chiều tà buông trên sông, mặt nước và bầu trời trùng điệp, cỏ mùa thu hai bên như được nhuộm màu bởi mặt trời lặn, những tán cây trong rừng trên nền trời xanh, nhìn từ xa trông như có ai đó không tiếc sắc màu, rắc đủ màu sắc lộng lẫy lên cành lá mùa thu, vàng đỏ, vàng cam, xanh đậm, xanh lá cây… Nhiều lớp màu trải dài trong rừng sâu, và cuối cùng chuyển thành màu xanh đen giống với khu rừng được nhìn thấy vào buổi sáng sớm.
Hà Điền và Dịch Huyền về đến nhà, đem hàng hóa chuyển xuống thuyền, cười cười nói nói đi lên trên núi.
Hai bóng người cũng như cái đuôi lay lắt của Lúa Mì dần biến mất trong sắc trời mùa thu.
Năm này qua năm khác, sức người có thể thay đổi cảnh vật trong thiên nhiên, rừng rậm có thể trở thành ruộng bậc thang, vách đá nhô thẳng lên mây có thể bị san phẳng, sông có thể bị chuyển hướng và biến thành hồ chứa, thậm chí cả khí hậu, bốn mùa dài ngắn đều có thể được thay đổi bởi con người.
Nhưng không có thiên nhiên, con người có thể đi về đâu?
Ở bên trong từng lớp cây rừng, Hà Điền và Dịch Huyền tiếp tục bận rộn, sống, cười, tận hưởng, dựa dẫm và bảo vệ khu rừng này.
Hai cây thành rừng, hai người thành rừng.
(Hết)