Có nhiều thí dụ về cách các thú vật thu xếp cuộc sống rất đáng ngạc nhiên. Tất cả đều giống như hiện tượng nhân dạng hoá (anthropomorphism), mà trong động vật học gọi là hiện tượng thú dạng hoá (zoomorphism) - hiện tượng một con thú coi một người hoặc một con thú khác loài như thể cúng loài với mình.
Nối tiếng nhất và cũng phổ biến nhất là trường hợp các con chó cảnh nuôi trong nhà. Chúng đã đồng hoá người vào thế giới chó sâu xa đến mức muốn cả giao phối với họ, một sự thực mà bất kỳ người chủ nào đã phải kéo con chó si tình của mình ra khỏi háng một vị khách sợ hết hồn cũng sẽ sẵn sàng khẳng định là có.
Con điêu thử lông vàng và con chuột lông chấm trắng của chúng tôi sống rất hoà thuận với nhau, quấn quít nhau và ngủ dúi dụi vào nhau cho tới lúc con điêu thử lông vàng bị người ta bắt trộm mất.
Tôi cũng đã nhắc đến tê giác với đàn dê, và trường hợp của sư tử trong rạp xiếc.
Có những câu chuyện được khẳng định hẳn hoi về những thuỷ thủ sắp chết đuối được cá heo đội lên khỏi mặt nước, là cách điển hình mà loài cá này vẫn dùng để cứu lẫn nhau.
Trong sách vở có nhắc đến trường hợp một con chồn trắng sống hòa thuận với con chuột nọ, trong khi vẫn lập tức nuốt chửng các con chuột khác theo đúng kiểu chồn trắng.
Vườn thú của chúng tôi đã thấy chuyện các con thú ăn thịt sống với con mồi của chúng rất lạ lùng. Chúng tôi có một con chuột đã sống với bầy rắn độc trong suốt nhiều tuần lễ. Trong khi các con chuột khác bỏ vào chuồng rắn đều bị toi mạng trong vòng một hai ngày, con chuột nhỏ màu nâu này nhởn nhơ tha rác làm một cái tổ xinh xinh, thu trữ các hạt ngũ cốc mà chúng tôi rắc cho nó vào những chỗ giấu khác nhau và chạy đi chạy lại ngay trước mắt các con rắn. Chúng tôi ngạc nhiên hết sức. Chúng tôi treo một cái biển để người xem để ý đến hiện tượng con chuột này. Sau rồi nó cũng không tránh được kết cục của số phận: nó bị một con rắn non cắn. Con rắn ấy không biết đến địa vị đặc biệt của con chuột sao? Hay nó cảm thấy không ưa và không muốn quan hệ với con chuột? Chẳng biết thế nào. Có điều con chuột ấy lập tức bị nuốt chửng. Nếu bầy rắn đã bị bỏ bùa thì con rắn non đã giải được cái bùa ấy. Mọi việc trở lại bình thường. Chuột lại bị lũ rắn nuốt chửng theo tốc độ như cũ.
Trong nghề nuôi thú, người ta hay dùng chó làm mẹ nuôi sư tử con. Mặc dù sư tử con lớn lên và to lớn hơn mẹ nuôi và cũng nguy hiểm hơn nhiều. Chúng không bao giờ làm rầy mẹ nuôi. Con chó cũng không bao giờ hết dịu dàng và cũng vẫn giữ được quyền làm mẹ của nó đối với lũ sư tử. Phải có biển giải thích cho công chúng đến xem rằng con chó trong chuồng kia không phải là thức ăn sống của bọn mãnh sư (cũng như chúng tôi đã phải có biển nói rằng tê giác là loài ăn cò và không ăn thịt dê).
Có thể lí giải hiện tượng thú dạng hoá như thế nào đây? Chẳng nhẽ tê giác không thể phân biệt được to với nhỏ, da cứng với lông mềm? Chẳng nhẽ cá heo không thể nhận ra nhau? Tôi tin rằng câu trả lời dành nằm trong cái mà tôi đã nhắc đến trước đây, trong cái liều lượng điên rồ vẫn thúc cho sự sống vận động theo những cung cách lạ lùng nhưng là cứu cánh. Con chuột lông vàng cũng như con tê giác, đều cần có bạn đồng hành. Bọn sư tử làm xiếc không cần biết vị thủ lãnh của chúng là một người yếu ớt; tinh thần hư cấu đảm bảo cuộc sống xã hội của chúng và ngăn chặn tình trạng bạo lực vô chính phủ. Còn đối với bọn sư tử con, chúng sẽ ngã ngửa ra vì sợ khi biết rằng mẹ chúng chỉ là một con chó, vì điều đó có nghĩa là chúng không có mẹ, một tình trạng tồi tệ nhất mà bất cứ sinh linh máu nóng nhỏ nhoi nào cũng có thể tưởng tượng ra. Tôi tin rằng ngay cả con rắn già, khi nuối chửng con chuột, chắc chắn phải cảm thấy ở một xó nào đó trong tâm trí chưa phát triển của nó một thoáng ân hận, một cảm giác rằng có cái gì đó lớn lao hơn vừa bị mất đi, một bước nhảy của trí tưởng tượng ra khỏi miền thực tại thô thiển và đơn côi của một con thú bò sát.
Anh cho tôi xem những kỷ vật gia đình. Trước tiên là ảnh cưới, một đám cưới Ấn Độ trên nền Canada nổi bật ngoài rìa. Một anh trẻ hơn, một chị trẻ hơn. Họ đi trăng mật ở thác Niagara. Một chuyến đi thật đáng yêu. Những nụ cười khẳng định điều đó. Rồi ngược thời gian nữa, những tấm ảnh hồi anh còn là sinh viên ở đại học Toronto; với bạn bè; trước cửa nhà thờ thánh Micheal; trong phòng ở; trên đường phố; đang đọc sách ở nhà thờ thánh Basil trong bộ áo chùng màu trắng; đang vận một áo choàng trắng kiểu khác trong phòng thí nghiệm của khoa động vật học trong ngày tốt nghiệp. Một nụ cười trong mọi lúc, nhưng cặp mắt anh lại kể một câu chuyện khác.
Những bức ảnh ở Brazil, với rất nhiều các con cu li ba móng chụp tại chỗ.
Với một động tác giở trang, chúng tôi nhảy qua Thái Bình Dương; và hầu như chẳng có hình ảnh gì. Anh nói có chụp ảnh liên tục trong tất cả các dịp quan trọng, nhưng đã mất tất cả rồi. Vài bức ít ỏi là do Mamaji cóp nhặt gửi sang sau này.
Có một bức ảnh chụp ở vườn thú nhân dịp một quan chức cao cấp đến thăm. Một thế giới khác hiện ra đen trắng trước mắt tôi. Bức ảnh đầy người. Vị bộ trưởng trong nội các chính phủ liên hợp là trung tâm của bức ảnh. Đằng sau có một con hươu cao cổ. Gần bên rìa đám đông, tôi nhận ra ông Adirubasamy trẻ tuổi.
“Mamaji đây à?” Tôi hỏi, chỉ vào đó.
“Vâng,” anh nói.
Có một người đàn ông đứng cạnh ông bộ trưởng, đeo kính gọng sừng và mái tóc chải rất mượt. Rất có thể là ông Patel, mặt tròn hơn mặt con trai.
“Có phải đây là cha anh?” Tôi hỏi.
Anh lắc đầu. “Tôi không biết ông ta là ai.”
Im lặng vài giây, rồi anh nói, “chính cha tôi chụp bức ảnh này.”
Cũng trên trang đó còn có một bức ảnh chụp tập thể khác, phần lớn là học sinh. Anh gõ gõ ngón tay lên bức ảnh.
“Richard Parker đấy,” anh nói.
Tôi kinh ngạc. Tôi nhìn gần hơn, cố tách biệt nhân cách và hình thức bề ngoài. Không may là bức ảnh đen trắng lại không được nét. Kiểu ảnh chụp chơi lúc cuộc đời còn vô lo vô nghĩ. Richard Parker đang ngoảnh nhìn ra chỗ khác. Nó cũng chẳng biết là người ta đang chụp ảnh nó.
Trang đối diện là cả một bức ảnh màu chụp cái bể bơi ở Aurobindo Ashram. Một cái bể ngoài trời rộng và đẹp, nước trong vắt soi rõ đáy bể màu xanh lơ và một cái bể lặn bên cạnh.
Trang tiếp trưng một bức ảnh chụp trước cửa trường Petit Seminaire. Một cổng vòm có sơn dòng chữ tiêu biểu của trường: Nil magnum nisi bonum. Không có cái thiện thì cũng không có cái vĩ đại.
Anh có vẻ trầm ngâm.
“Chán nhất,” anh nói, “là tôi không còn nhớ lại được dung nhan của mẹ tôi. Tôi có thể tưởng tượng mẹ, nhưng chỉ trong một thoáng là mất. Mỗi khi tôi cố hình dung mẹ cho rõ ràng, mẹ lại mờ dần đi. Cả giọng nói mẹ cũng thế. Nếu tôi thấy mẹ ngoài phố bây giờ, chắc là mọi thứ sẽ trở lại rõ ràng. Nhưng chắc chẳng được nữa rồi. Thật buồn khi không thể nhớ được mẹ mình trông ra sao.”
Anh gập cuốn sổ lại.
Cha nói: “Chúng ta sẽ đi tầu thủy như Columbus!”
“Ông ấy đã chỉ hy vọng tìm thấy được Ấn Độ,” tôi buồn rầu nói.
Chúng tôi bán vườn thú, trọn gói tuốt tuột. Đến một xứ sở mới, một cuộc đời mới. Ngoài việc đảm bảo cho bầy thú của chúng tôi có một tương lai hạnh phúc, việc bán chác này còn giúp chúng tôi có tiền di chuyển và một món kha khá để bắt đầu lại từ đầu ở Canada (bây giờ nghĩ lại cái món kha khá đó thật nực cười - quả thật chúng tôi mù tịt về chuyện tiền nong). Chúng tôi có thể bán bầy thú cho các vườn ở Ấn Độ, nhưng các vườn thú ở Mỹ chịu trả giá cao hơn. Lúc ấy, Hiệp định Quốc về buôn bán các loài thú quý hiếm vừa ra đời, và hành lang buôn bán thú hoang đã bị đóng của hoàn toàn. Tương lai các vườn thú từ nay nằm trong tay các vườn thú khác. Vườn thú Pondicherry đóng cửa vừa đúng lúc. Người ta tranh nhau mua bầy thú của chúng tôi. Những khách hàng cuối cùng là một số các vườn thú, chủ yếu là vườn thú Lincoln Park ở Chicago và vườn thú Minesota lúc ấy mới sắp mở cửa. Những con thú lẻ thì bán rải rác sang cho các vườn ở Los Angeles, Louisville, Oklahoma City và Cincinnati.
Và có hai con được chở bằng tàu thuỷ sang Vườn thú Canada. Đó là Ravi và tôi. Cả hai chúng tôi đều cùng một cảm nghĩ đấy. Chúng tôi không muốn đi. Không muốn sống ở xứ sở gió giật suốt ngày và với những mùa đông lạnh hai trăm độ âm(). Canada không có trên bản đồ của môn cricket. Chỉ đến khi bắt tay vào chuẩn bị cuộc di cư chúng tôi mới dần quen với ý nghĩ sẽ phải đi. Việc chuẩn bị cũng hết hơn một năm trời. Không phải với chúng tôi, mà là với bầy thú kia. Nếu nghĩ rằng các con vật có phải lo gì đến quần áo, giầy dép, chăn màn, bàn ghế, đồ bếp núc và đồ vệ sinh; rồi quốc tịch cũng chẳng có ý nghĩa gì với chúng, không phải lo tí gì đến hộ chiếu, tiền nong, khả năng công ăn việc làm, trường học, nhà ở, y tế… Nghĩa là, nếu nghĩ rằng bầy thú thật là nhẹ nhàng trong tất cả những cái đó, thì mới ngạc nhiên là việc di chuyển chúng mới khó khăn làm sao. Di chuyển một vườn thú cũng giống như di chuyển một thành phố vậy.
Nguyên thủ tục giấy tờ đã hàng núi rồi. Tốn hàng lít nước để pha mực đóng dấu. Viết hàng trăm đơn từ kiểu “Kính thưa ngài Mỗ với ngài Mỗ”. Rao giá. Thở dài. Nghi ngờ. Bàn đi cãi lại. Trình lên trên xin quyết định. Ngã được giá cả. Ra được thỏa thuận. Kí tên vào những chỗ chấm chấm trong văn bản hợp đồng. Trao đổi những lời chúc mừng. Kiếm các chứng chỉ nguồn gốc. Kiếm các chứng chỉ sức khỏe. Kiếm các giấy phép xuất khẩu. Kiếm các giấy phép nhập khẩu. Làm rõ các điều lệ cách li. Tổ chức vận tải. Tiêu hàng cả gia tài vào tiền điện thoại. Có một câu nói đùa trong nghề vườn thú, một câu đùa mệt mỏi, rằng đống giấy tờ cần thiết để mua bán một con chuột mõm nhọn ăn sâu bọ thôi cũng nặng hơn cả một con voi, rằng giấy tờ mua bán một con voi thì nặng hơn cả một con cá voi, và rằng chớ bao giờ có ý định mua bán một con cá voi, chớ bao giờ. Hình như có một bọn quan liêu chuyên bới lông tìm vết ngồi xếp hàng một từ Pondicherry đến Minneapolis, qua Dehli và Washington, ai cũng nhăm nhăm các biểu mẫu, những vấn đề khó khăn và những nỗi hoài nghi của mình. Chở các con vật lên mặt trăng có thể còn đỡ phức tạp hơn. Cha đã giật đứt hầu hết tóc trên đầu và đã nhiều lần suýt tung hê hết cả.
Có những chuyện không lường được. Hầu hết chim chóc, bò sát, tê giác, khỉ độc, khỉ đuôi sư tử, hươu cao cổ, thú ăn kiến, hổ, báo hoa, báo cheetah, linh cẩu, ngựa vằn, gấu culi và gấu Hymalaya, voi Ấn Độ được hỏi mua tíu tít, nhưng lại có nhiều con không ai hỏi han gì đến, ví dụ như chú hà mã Elphie của chúng tôi. “Một cuộc giải phẫu nhân mắt!” Cha vừa kêu vừa lắc lắc một bức thư trong tay. “Họ sẽ mua nếu mình mổ nhân mắt bên trái cho nó. Cho một con hà mã! Còn gì nữa chứ? Sửa mũi cho tê giác chắc?” Một số con thú bị coi là “quá thường” ví dụ sư tử và khỉ đầu chó. Cha đã phải đổi các con vật này lấy một con khỉ độc từ vườn thú Mysore và một con đươi uơi từ vườn Manila. (Còn con hà mã Elphie thì sống đến hết đời tại vườn thú Trivandrum.) Một vườn thú hỏi mua một “con bò Bramin chính hiệu” để trưng trong khu dành cho trẻ em. Cha liền và khu rừng đô thị Pondecherry và mua một con bò cái có cặp mắt ướt đen tuyền, một cái bướu rõ to và cặp sừng thẳng băng mọc thật vuông góc với cái đầu như thể nó đã liếm phải một ổ điện. Cha cho sơn cặp sừng ấy mầu da cam thật tươi rồi gắn những cái chuông nhựa nhỏ xíu vào mũi sừng, cho nó thêm chính hiệu.
Một phái đoàn ba người Mỹ đến. Tôi rất tò mò. Tôi chưa từng thấy người Mỹ thật còn sống. Họ đến, hồng hào, béo tốt, rất thân thiện, thạo việc và cứ ra mồ hôi như tắm. Họ khám các con thú của chúng tôi. Họ cho chúng ngủ rồi nghe tim, kiểm tra nước giải và phân như thể xem tử vi, lấy máu vào ống tiêm rồi đem đi phân tích, xoa bóp các loại bướu, gõ thử răng, chiếu đèn pin vào mắt, cấu thử da, vuối và nhổ thử lông. Khổ thân các con thú. Chắc chúng tưởng người ta đang khám tuyển chúng vào quân đội Mỹ. Chúng tôi nhận được những nụ cười vui vẻ nhất của những người Mỹ này, và những cái bắt tay chặt tưởng gãy xương của họ.
Kết quả là bầy thú, cũng như chúng tôi, nhận được hết các giấy tờ cần thiết. Chúng sẽ thành những công dân Mỹ tương lai, còn chúng tôi, những công dân Canada tương lai.
Ghi chú:
() Tính theo độ PH. (ND)